Thứ Tư, 15 tháng 8, 2007

QUẢ CHUÔNG BAY ĐI........

Huyền ảo, trữ tình và hết sức sâu sắc, tập truyện ngắn đầu tay của Phan Nhật Chiêu mang lại giọng văn độc đáo nổi bật, hoàn toàn mới lạ so với truyện ngắn Việt Nam từ trước đến nay.

Có thể ví tập sách Người ăn gió và quả chuông bay đi là một ống kính vạn hoa vi diệu. Mỗi lần lắc chiếc ống kính này, bạn sẽ thấy một thế giới nội tâm sống động hiển hiện, khác hoàn toàn so với thế giới của khoảnh khắc trước đó.

Và không chỉ tác giả nhập cuộc, mà chính bạn, người đọc, phải tự mình trang bị những hành trang cần thiết nếu muốn dấn thân vào thế giới ấy.

Bên cạnh trăn trở về sự sinh tồn, khao khát sáng tạo, khao khát hiểu thấu và nắm giữ vẻ đẹp của vạn vật là niềm thao thức trong tập truyện ngắn này. Tồn tại - Yêu - Tình dục - Chết, những phạm trù hết sức bình thường của đời sống con người, lay đi lay lại qua các truyện ngắn: Chơi hay không chơi, Bụi hồng chiêm bao, Không có chân trời...

Tình dục cũng là một yếu tố nổi bật trong truyện ngắn Phan Nhật Chiêu. Ngòi bút của ông phác hình ảnh người phụ nữ với thái độ hết sức trân trọng. Những cô gái huyền hoặc, những cảnh làm tình đẹp như mộng. Tình dục được nhắc đến cũng tự nhiên như người ta phải thở để sống.

Trong một thời gian dài, người sáng tác lẫn độc giả Việt Nam vốn quen đồng hóa truyện ngắn với văn xuôi, với thể loại tự sự. Truyện ngắn phải kể một câu truyện theo trình tự lớp lang, nhân vật A, B, C với những cá tính, hành động rõ ràng. Và hiện thực là hiện thực, lãng mạn là lãng mạn, huyền ảo là huyền ảo. Thế nhưng, truyện ngắn của Phan Nhật Chiêu là một sự dung hợp tài tình giữa tất cả các thể loại.

Trong mỗi truyện ngắn của ông, độc giả bắt gặp thơ, kịch, kiến thức về triết học. Không khí liêu trai huyền hoặc đan xen hiện thực trần trụi. Nguyễn Du, Hàn Mạc Tử..., và ngay cả Phan Nhật Chiêu cũng được nhắc đến trong những câu truyện như là nhân vật của câu truyện.

Bắt mộng -> Hành trình -> Trò chơi -> Huyền ảo là 4 phần của tập truyện ngắn. 4 phần được sắp xếp một cách vô tình mà hữu ý. 4 phần gồm những truyện ngắn hoàn toàn riêng biệt, nhưng vô hình trung, về cấu tứ, ý nghĩa đều kết hợp liên tục một cách chặt chẽ.

Qua tập truyện ngắn đầu tay, nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu không chỉ "bắt" mộng mà còn đùa, trò chuyện và tự sinh ra những giấc mộng vô cùng kỳ thú trong cuộc đời hãn hữu của con người.

Có thể ví tập sách Người ăn gió và quả chuông bay đi là một ống kính vạn hoa vi diệu. Mỗi lần lắc chiếc ống kính này, bạn sẽ thấy một thế giới nội tâm sống động hiển hiện, khác hoàn toàn so với thế giới của khoảnh khắc trước đó.

Và không chỉ tác giả nhập cuộc, mà chính bạn, người đọc, phải tự mình trang bị những hành trang cần thiết nếu muốn dấn thân vào thế giới ấy. ..

(Theo evan)

Và bây giờ; gửi tặng mọi người truyên ngắn mà tôi thích nhất..



QUẢ CHUÔNG BAY ĐI...



Tôi im lặng nhưng ý nghĩ của tôi thì không.

Tôi là quả chuông im lặng, treo trong một gác chuông điêu tàn. Không nhớ mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết nặng gần hai tấn.

Tôi bị bỏ quên trên núi sau khi ngôi chùa hàng trăm năm tự sụp đổ. Bạn thân tôi là cái chày kềnh đã mất tích từ lâu; mà nếu còn cũng chẳng ai dộng chuông trên đồi núi hoang vắng này. Thế là tôi buộc phải im lặng. Nuốm chuông tròn nhẵn không có gì thích vào hàng thế kỷ đã trở nên vô dụng, không còn có thể lên tiếng với đời.

Tôi im lặng ngắm mặt trời chìm khuất sau rặng núi xa; khoảng thời gian mà đáng lẽ tiếng ngân của tôi phải vang vọng mười phương như lời kệ khắc trên mình tôi:

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Khắp nơi u tối mọi loài nghe

Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử

Giác ngộ tâm tư một hướng về.

Giờ thì không ai nghe nữa rồi, kể cả bản thân tôi. Tôi đã quên mình từng kêu như thế nào.

Boong...boong...?

Om...om...?

Khôông...khôông...?

Mọi loài đều có tiếng kêu. Tôi cũng từng như thế. Nhưng giờ thì sao? Mình mà không nghe được mình thì có đáng sợ hay chăng?

Ngày xưa, mỗi ngày tôi vang ngân bốn lần, mỗi lần hàng giờ. Cứ nhìn thấy chú tiểu mặc áo nâu sồng đi lên các bậc đá là cái lòng hư không của tôi đã reo vui.

Và bao giờ cũng thế, trước khi khai chuông, chú tiểu đều dùng cả hai bàn tay mà ve vuốt tôi, làm tôi thích mê tơi. Đó là sự mơn trớn tràn trề nhục cảm, tựa tình nhân âu yếm tình nhân.

Rồi trong khi ngân nga, tôi cố đọc cảm nghĩ của chú tiểu. Giọng ngân của tôi từ đó dường như cũng rền nhục cảm, tan dần tố chất thanh tịnh ban đầu.

Tuy vậy, có lẽ đó là do tôi tưởng thế. Tưởng thôi mà. Thanh tịnh ban đầu là gì? Tôi đã được đúc như thế nào, tôi có biết không? Và vì sao da thịt thì không thanh tịnh?

Tiếng ngân của tôi qua sự truyền cảm của bàn tay và tâm tư chú tiểu dường như đổ thêm đam mê và khát vọng vào lòng người. Tôi trở thành cái chuông của nỗi bi hài nhân sinh.

Vậy mà thiên hạ vẫn tưởng tôi rỗng không, vô tâm.

Có lần tôi nhìn thấy một quả thạch lựu trong vườn chùa rơi xuống đá, vỡ tan. Sao mà nhiều hạt đến thế? Những hạt lựu trắng hồng, trong trong, mơn mởn. Bên trong quả lựu đẹp như vậy cho nên nó im lặng và chỉ phô bày cái đẹp khi bị đập vỡ.

Một quả chuông mà bị đập vỡ thì còn gì? Ý nghĩ của tôi lan man vô định trong khi tôi ngân nga. Còn chú tiểu, đôi mắt nhung và mơ mộng vẫn nhìn vào nuốm chuông để thích chày vào khi tiếng ngân vừa dứt.

Bây giờ, tôi chỉ muốn kêu lên vang dội để dựng người nằm thiên cổ dậy, để tàn tro của chú tiểu bay về phía tôi và bay lẫn vào phấn hoa trên núi.

Mỗi lần ngắm ánh tà huy rực rỡ trên núi xa như một chiếc cầu ánh sáng hồng vàng, chú tiểu đều để lộ một vẻ buồn rười rượi trên gương mặt thanh tú đẹp mê hồn, một nỗi buồn cô tịch như tôi bây giờ. Nỗi buồn ấy đã thấm sâu vào từng thớ chuông tôi.

Tôi còn nhớ, có lần khi chú leo lên các bậc đá của gác chuông thì chợt thấy một thiếu nữ đang đứng ôm tôi.

Cô gái ngây thơ ấy muốn thử vòng tay của mình có ôm trọn một quả chuông đồng nặng gần hai tấn không.

Tôi chưa thấy cô gái lên chùa nào đẹp như nàng. Còn đôi chút trẻ con, nàng mặc một chiếc áo cánh màu hồng nhạt, đôi cánh tay trần mảnh mai trắng muốt quấn quanh tôi, mát mịn như hoa quỳnh.

Nhưng tôi biết nàng là một trong những tín nữ đã ném xuyến vàng vào lò đúc, nơi tôi bắt đầu được tạo tác. Có lẽ nàng tưởng rằng vàng ấy hoà tan vào thân tôi, biết đâu rằng nó chỉ chìm sâu dưới đáy. Và tôi chỉ là đồng thau chứ nào phải chuông vàng.

Sao đứng đây? Muốn xem thầy đánh chuông. Có gì đâu. Thì em chỉ đứng xem, không được sao? Vậy thì làm sao ta khai chuông? Thì cứ tự nhiên thôi mà!...

Họ nói với nhau như thế. Chỉ có thế. Tự nhiên? Thế nào là tự nhiên ta cũng không biết nữa. Tình yêu là tự nhiên hay vong tình là tự nhiên?

Hay là ta có biết. Đôi mắt long lanh là tự nhiên. Tiếng thông reo quanh ta là tự nhiên. Ánh mặt trời vàng óng sau đồi là tự nhiên. Có gì tự nhiên hơn thế nữa?

Tiếng chuông vang lên, bảy tiếng nhẹ liên tục mở đầu, sau đó từng hồi ngân dài xa nhau, dài như tiếng thở dài của chú tiểu mà phải cố lắm, tôi mới lắng nghe ra.

Nửa giờ sau, chuông dứt hẳn, cô gái mới chạy xuống núi.

Ngày ngày chú tiểu vẫn đánh chuông. Không có ai. Chuông ngân thật dài:

Khôông...khôông...khôông...

Trước khi khai chuông, bao giờ chú tiểu cũng ve vuốt chuông. Trong giấc mơ của chú, có lần quả chuông nở ra những cánh hoa quỳnh trắng muốt.

Từ đấy hàng bao thế kỷ...

Sóng lớp phế hưng, chuông hồi kim cổ và tôi ngày càng khuất sâu vào cô tịch.

Tôi sẽ im lặng đến bao giờ?

Bỗng dưng tôi quyết định nổi loạn. Thế là...

Bứt mình ra khỏi giá treo, tôi bay xuống thềm đá. Tiếng kêu đầu tiên của tôi sau mấy trăm năm im lặng vang lên thật dữ dội, làm bản thân tôi cũng rùng mình.

Và quả chuông tôi bay đi. Có cảm giác rằng một quả chuông đang bay lên thật cao, bay lên mây và một quả chuông khác đang bay xuống núi, xuống những triền dốc quanh co.

Những mô đá, hòn đá, cành cây, rễ cây mừng rỡ đón đưa, tranh nhau đánh vào chuông, vào bất kỳ nơi nào trên hình hài chuông, không cần biết đâu là nuốm.

Những âm thanh dữ dội, cuồng nộ, bùng vỡ vang lên liên hồi khi chuông tung mình từng trận trên triền núi.

Chuông bay đi, lao đi, hò hét vang trời. Điên cuồng, vui say, đau đớn...

Và cứ thế, những giấc mơ huy hoàng bay trước chuông như những ngọn sóng đầy giông tố, bay đi...

Không có nhận xét nào: