Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Nguyễn Đình Toàn - "mộng còn biết nơi tìm sang"

Nhà văn Nguyễn Ðình Toàn bắt đầu sự nghiệp văn chương vào năm 1962 bằng cuốn truyện dài “Chị Em Hải” do NXB Tự Do ấn hành.

Nhà văn Nguyễn Ðình Toàn. (Hình: Phan Quốc Sơn cung cấp)

Suốt mười năm sau đó, ông cho ra đời thêm 10 tác phẩm, gồm truyện ngắn, truyện dài, trong đó có cuốn “Áo Mơ Phai” được trao tặng Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1972, chính nó đã làm ông khốn đốn không ít trong tù cải tạo sau năm 1975. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với tập thơ Mật Ðắng. Sau thời Ðệ Nhị Cộng Hòa 1963, ông là người khai sinh chương trình Nhạc Chủ Ðề, phát thanh hàng tuần trên đài Sài Gòn, đặc biệt với lời dẫn nhập do chính ông đọc và viết cho mỗi bài hát. Theo Quỳnh Giao: “Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong ông cổ điển, khác với lời viết của Mai Thảo, hay lời nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc. Chương trình ăn khách và tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu ‘Hỡi em yêu dấu’ như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy lời thì thầm với riêng mình những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng, điệu nghệ, để người nghe chuẩn bị đón nhận. Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên các ca sĩ sau này là những tên tuổi lẫy lừng như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu.”

Kéo dài trong nhiều năm chương trình Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn trên đài phát thanh Sài Gòn dạo ấy đã nói lên mức độ thành công, ưa thích của thính giả. Ngày nay ở nước ngoài, chúng ta còn thấy CD Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn 1970, Tình Ca Việt Nam, đánh dấu cho giai đoạn ấy.

Ngoài biệt tài văn chương và làm phát thanh (Nhạc Chủ Ðề) Nguyễn Ðình Toàn còn được biết là người đã viết lời cho hai ca khúc “Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” nhạc của Vũ Thành An trước năm 1975, và về sau này bản “Còn Tiếng Hát Gửi Người” nhạc của Trần Quang Lộc.

Ông còn là nhạc sĩ sáng tác khá nhiều ca khúc trong những năm về sau, nhưng biến cố 1975 đã làm chìm khuất đi. Ðặc biệt có một bài hát về thành phố Sài Gòn được người trong nước lẫn ngoài nước biết đến nhiều nhất. Hãy nghe lời kể của Khánh Ly: “Tôi nhận được nhiều bài hát từ người vượt biển. Cùng thời gian đó, từ Pháp gửi qua cho tôi một số bài hát ký tên Hồng Ngọc, trong số có bài ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên.’ Thực tế bài hát đó có tựa nguyên thủy là ‘Nước Mắt Cho Sài Gòn.’ Ông Võ Văn Ái đã đổi tựa và viết thêm lời. Hồng Ngọc là bút hiệu của Nguyễn Ðình Toàn.” (Hồi ký Khánh Ly)

Sau khi định cư tại Mỹ, ca khúc Nguyễn Ðình Toàn được trình bày bởi giọng hát Khánh Ly qua 2 CD “Hiên Cúc Vàng” và “Mưa Trên Cây Hoàng Lan”; và CD “Tôi Muốn Nói Với Em” gồm nhiều giọng hát như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Anh Dũng, Mai Hương...

Nhận thấy đây là vóc dáng lớn trong giới làm nghệ thuật của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, các bạn trẻ trong nhóm thân hữu Viện Việt Học miền Nam California có nhã ý tổ chức một chiều nhạc thính phòng Nguyễn Ðình Toàn, vừa để vinh danh nhạc sĩ, vừa để giới thiệu lần đầu thông điệp nghệ thuật phản ảnh nhiều cảm xúc thời đại của một người đã từng trải cuộc đời qua những giai đoạn đầy biến động đau thương của đất nước.

Với sự đồng ý của tác giả, lần đầu tiên gần 20 ca khúc sẽ được gửi tới khán giả quận Cam, sẽ được diễn tả bằng các giọng hát mới đã được chọn lọc từ các buổi trình diễn nhạc thính phòng tại Viện Việt Học, hay được mời từ ban nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, ban Ngàn Khơi các giọng hát Mộng Thủy, Anh Dũng, Vương Lan, Mai Dung, Bích Huyền, Tạ Chương, Hàn Phúc, Thanh Thúy, Khang Huy, Quang Thái, Ái Phương, Khắc Hiền, Ngọc Thủy. Phần guitar sẽ do Lê Từ Phong và phần Piano sẽ do Quốc Vũ phụ trách. Phần điều hợp chương trình gồm có Mai Dung, Bùi Ðường và Ngọc Thủy.

Một giọng hát tiêu biểu trong chiều nhạc Nguyễn Ðình Toàn là của ca sĩ Anh Dũng. Anh được các bạn trẻ trong nhóm thân hữu Viện Việt Học mời, vì đây là giọng ca nam đóng góp nhiều ca khúc trong CD nhạc Nguyễn Ðình Toàn, qua đó Anh Dũng đã thành công xuất sắc trong Tình Khúc Thứ Nhất là một ca khúc rất kén giọng nam; và bài “Trăng Mòn” bằng thể điệu Blues rất đặc sắc. Lần đầu tiên trên sân khấu quận Cam Anh Dũng sẽ cống hiến người nghe 2 nhạc phẩm này.

Giọng hát Mộng Thủy là một khám phá lớn nhất của nhạc sĩ Phạm Duy vào những năm sau cùng ông còn lại trên đất Mỹ. Mộng Thủy là tiếng hát duy nhất trong CD “Trăm Năm Bến Cũ” nhạc của Phạm Duy, trong đó ông đặc biệt dành một số bài hát lần đầu tiên cho tiếng hát này trình bày. Giọng hát Mộng Thủy đẹp và óng chuốt. Cô tốt nghiệp ngành âm nhạc tại đại học Hoa Kỳ. Là một trong những giọng ca từng cộng tác với Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ. Hiện cô là giáo sư dương cầm. Cô sẽ là giọng nữ đầu tiên trình bày trên sân khấu bài “Còn Tiếng Hát Gửi Người” một sáng tác chung của Nguyễn Ðình Toàn và Trần Quang Lộc, là bài hát vốn gắn liền với giọng ca nam trầm ấm Duy Trác. Và cô sẽ trình bày thêm một bài nữa của Nguyễn Ðình Toàn có nhan đề “Quê Hương Thu Nhỏ” một bài ca thật cảm động, diễn tả tâm trạng buồn nhớ quê hương của những mảnh đời lưu vong.

Giọng hát Tạ Chương, con trai của cố họa sĩ Tạ Tỵ, là một giọng nam truyền cảm. Anh hiện cư ngụ tại San Diego. Tạ Chương sẽ trình bày 2 bài Dạ Khúc và “Một Cánh Hoa Rơi” của Nguyễn Ðình Toàn.

Riêng bài hát một thời đã làm xúc động tâm hồn biết bao người Việt tỵ nạn ở khắp mọi nơi trên thế giới, bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” (tên đúng của tác giả đặt là Nước Mắt Cho Sài Gòn) sẽ được song ca bởi 2 giọng nam Khang Huy và Quang Thái, cả 2 đều thuộc thế hệ chào đời ngay sau lúc Sài Gòn bị mất tên.

Gần 20 ca khúc được gửi tới người nghe trong chiều nhạc thính phòng này tiêu biểu cho qua trình sáng tác của nhạc sĩ.

Bằng ngôn ngữ âm nhạc, ca khúc của Nguyễn Ðình Toàn diễn tả những xúc cảm thời đại mà ông là nhân chứng. Thời đại trên một nửa quê hương nhiều đau khổ hơn hạnh phúc, người sống bước đi trên tro cốt của người chết. Giống như Căn Nhà Xưa người đang sống kề bên nghĩa trang, mà ông thấy “Có những sớm em tìm đến với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm” (Tiếng hát Hàn Phúc).

Và nhạc của ông hát lên những ước mơ dù cho tan vỡ, về những con đường lạc lối tìm nhau, những chia lìa giữa người với người “Mai Tôi Ði” (tiếng hát Quang Thái); “Ðường Ðưa Bước Em Ði” (tiếng hát Bích Huyền), “Nếu Mai Ngày” (Tiếng hát Khắc Hiền). Như ông đã ước mơ một ngày hòa bình đến: “Ngày thần tiên đưa nhau đi hết Bắc Nam, ngắm nhìn cỏ cây thăm viếng núi rừng” (Yêu Em Bỏ Tuổi Thơ Ngây, tiếng hát Mai Dung) nhưng khi ngày ấy đến, ông chỉ ước: “Cố thắp cho em một ngọn đèn, bằng nhọc nhằn cay đắng, của hình hài rã trong trại giam” (Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Ðèn, tiếng hát Vương Lan và ban hợp ca). Ðó là những tháng năm tổ quốc ta nhục nhằn, người phơi người trên đau thương, dạy trẻ thơ thù oán, sợ nhau hơn bão trời cướp biển (“Tôi Muốn Nói Với Em,” tiếng hát Vương Lan và ban hợp ca). Tác giả còn viết lên lời ca hãy thắp cho nhau một ngọn đèn, theo tác giả, bằng lửa sầu con tim, để xua tan bóng đêm mờ ám, hay thả đèn trôi trên sông, cầu nguyện cho những ai trầm luân, để nhủ lòng gắng nuôi niềm tin, một ngọn đèn để dù trong xa vắng, ta còn được cháy trong lòng nhau.

Với tâm hồn người nghệ sĩ, tác giả muốn gửi tới mọi người chúng ta một thông điệp, có phải những thứ ấy rốt ráo lại chính là giấc mộng. “Hãy thắp cho nhau một giấc mộng” để dù trong tăm tối “Mộng còn biết nơi tìm sang.”

Và giấc mộng là sự cứu rỗi.

Có một đêm nhạc như thế

 

Ngọc Lan/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) - Có một đêm nhạc, mà nhân vật chính - tác giả những ca khúc - không có được cho mình một chỗ ngồi.

Nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn tâm sự với khán giả, “Sau năm 1975, chúng ta không mất hết, bởi chúng ta còn có nhau.” Bên cạnh là phu nhân ông. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Có một đêm nhạc, mà các ca sĩ phải đứng chen nhau trong hậu trường, vì không còn một chiếc ghế trống.

Có một đêm nhạc, mà ban tổ chức phải “năn nỉ” khán giả đừng vào nữa, vì hội trường quá đông người.

Có một đêm nhạc, mà khán giả bất chấp việc đang khoác trên mình những bộ quần áo rất đẹp, sẵn sàng ngồi bệt dưới sàn nhà, hay bất chấp cái lạnh cắt da của mùa Ðông, sẵn sàng đứng bên ngoài trời, để nghe cho được những bản nhạc, dòng nhạc mà mình yêu thích.

Và đặc biệt.

Có một đêm nhạc mà ban tổ chức bị cuốn hút vào không khí đậm chất nghệ thuật mà quên đi mục đích của chương trình là kêu gọi khán giả đóng góp ít nhiều cho Viện Việt Học để họ có thể tiếp tục tổ chức được những chương trình như thế.

Ðó chính là “Ðêm Nhạc Thính Phòng Nguyễn Ðình Toàn,” do Viện Việt Học tổ chức vào tối Thứ Bảy tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster.

***

Ðã bao lần làm công việc của người phóng viên, tường trình về những đêm nhạc, những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật tại hội trường nhật báo Người Việt, tôi chưa từng chứng kiến một đêm nhạc có số lượng người đến đông như vậy.

Cả nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn lẫn tất cả thành viên ban tổ chức của đêm nhạc đều phải đứng suốt chương trình vì không đủ ghế. (Hình:Ngọc Lan/Người Việt)

Chương trình bắt đầu lúc 7 giờ 30. Nhưng từ lúc 6 giờ 15, một nửa hội trường đã có khán giả ngồi. Một giờ sau, 300 ghế ngồi không còn một chỗ dư. Mọi khoảng trống đều được tận dụng tối đa. Không có ghế thì đành phải đứng. Ðứng nghẹt hai bên tường. Ðứng dày ngay cửa ra vô. Ðến lúc không còn chỗ đứng, thì ngồi. Ngồi bệt xuống đất, ngay giữa lối đi lên sân khấu, chỉ chừa chỗ cho những người quay phim có nơi đặt chân máy, nhúc nhích vài bước tới lui. Ngồi luôn ra ngoài sảnh tiếp khách của nhật báo Người Việt. Vẫn không đủ. Thì đứng luôn bên ngoài cửa, mặc cho sương đêm và hơi lạnh tràn qua mũi, thốc vào tận phổi.

Chúng tôi hỏi nhau: “Ôi, sao lại đông quá như thế! Có ca sĩ chuyên nghiệp nào không? Có ngôi sao nào đến không?”

Tất cả đều “không.”

Quanh chúng tôi là những gương mặt “ca sĩ” rất lạ, rất mới. Mấy ai đã từng nghe qua Thanh Vân, Vương Lan, Mai Dung, Hàn Phúc, Thanh Thúy, Anh Dũng, Bích Huyền? Mấy ai còn nhớ Tạ Chương, Mộng Thủy, Khắc Hiền, Khang Huy, Ái Phương, Quang Thái?

Nhưng, có lẽ tôi, cũng như những ai có mặt trong “Ðêm Nhạc Thính Phòng Nguyễn Ðình Toàn” đến tận phút cuối, hiểu vì sao khán giả lại đông, vì sao khán giả không về.

Bởi vì dòng nhạc Nguyễn Ðình Toàn đủ sức kéo chân người đến thì dòng nhạc này và “không gian lạ lùng, đặc biệt” của đêm diễn và những giọng hát mới đó, cũng đủ sức níu chân người ở lại.

***

Trước năm 1975, người ta chỉ biết đến Nguyễn Ðình Toàn qua hai ca khúc nổi tiếng do ông viết lời và nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc là “Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Ðến Thăm Anh Ðêm 30.” Sau đó, người ta biết đến Nguyễn Ðình Toàn qua chương trình “Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn” do chính ông chọn bài hát, viết và đọc lời giới thiệu.

Ðến năm 1978, khi ca khúc “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” (còn có tên “Nước Mắt cho Sài Gòn”) được phổ biến, người ta mới thực sự biết đến Nguyễn Ðình Toàn như một nhạc sĩ, trong khi ông đã là nhạc sĩ của hơn 100 ca khúc, với hai chủ đề chính là quê hương và tình tự dân tộc.

Như anh Bùi Ðường, một trong hai người điều khiển chương trình của đêm nhạc, nói: “Những bài hát được giới thiệu trong đêm nay là những ca khúc của Nguyễn Ðình Toàn, mà qua những ca khúc này, chúng ta thấy được nỗi khổ đau của một giai đoạn lịch sử cực kỳ tang thương và đổ nát của một thành phố đang bị xóa tên.”

“Bàng bạc trong dòng nhạc Nguyễn Ðình Toàn là nỗi lo và nỗi nhớ. Nhớ một thời đã qua. Nhớ những người đã khuất. Nhớ những người tình, những bạn bè đã bỏ đi xa. Nhớ chính mình. Và ông lo. Lo cho một ngày soi gương không nhận ra mình. Lo người phải đạp lên mặt người. Lo mất một con đường. Lo mất cả quê hương...”

Cả nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn lẫn tất cả thành viên ban tổ chức của đêm nhạc đều phải đứng suốt chương trình vì không đủ ghế. (Hình:Ngọc Lan/Người Việt)

Lời dẫn dắt trầm ấm, da diết của hai MC Bùi Ðường và Mai Dung, ngay từ phút đầu, đã tạo được không gian cho đêm nhạc.

Nhạc Nguyễn Ðình Toàn không thuộc dòng nhạc dễ nghe, dễ cảm ngay từ phút đầu. Nhưng cái bàng bạc, bảng lảng, như mênh mang, như buông lơi, lại như sâu xoáy lòng người qua cung điệu, qua ca từ trong các bài hát của ông lại từ từ khiến người ta mê, người ta say, và không muốn dứt ra.

Có lẽ chính từ những điều này mà chị chị Diệu Trang, một khán giả ở Huntington Beach, cứ say sưa đứng tựa cửa hội trường mà nghe nhạc Nguyễn Ðình Toàn.

Chị cho biết, “Rất mê nhạc Nguyễn Ðình Toàn, mê vừa lời nhạc, dòng nhạc, cả những lời giới thiệu của Nguyễn Ðình Toàn, nên tôi đến đây.” Và “vì mê” nên “dù khi đến thì đã hết chỗ ngồi từ lâu rồi” nhưng chị vẫn không nản chí bỏ về, mà cứ đứng nơi cửa để nghe.

Mà không chỉ có vậy, những bài hát của Nguyễn Ðình Toàn còn khiến những khán giả như chị Diệu Trang “nhớ Sài Gòn, nhớ Việt Nam rất nhiều.”

Cũng phải đứng ngoài sân, co ro trong chiếc áo ấm, ông Hân Nguyễn, một khán giả “ở gần Little Saigon” cũng đến bởi vì “thích không khí những đêm nhạc như thế này, thích nhạc Nguyễn Ðình Toàn, thích những gợi nhớ về kỷ niệm Sài Gòn nên tôi mới tới đây.”

***

Tôi lặng lẽ quan sát những khán giả trong đêm.

Có lẽ thật khó mà tìm được những gương mặt dưới 40 tuổi. Hầu hết họ đều là những người “có tuổi.” Họ đĩnh đạc, và lịch sự.

Họ đến với đêm nhạc, trước hết, bởi vì sự yêu thích với người nhạc sĩ từng nổi tiếng qua chương trình “Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn” từ trước 1975. Họ đến với đêm nhạc, như tìm về những kỷ niệm, với Sài Gòn, với tuổi thơ, với một thời đã sống, đã mộng mơ, đã trưởng thành. Họ đến với đêm nhạc, như tìm đến một nơi để gặp gỡ bạn bè ấu thơ, những bạn bè nghệ sĩ, những bạn bè cùng một mối đam mê, những bạn bè cùng một chốn “tha hương.”

Tôi lặng lẽ quan sát những người ca sĩ.

Trên sân khấu, họ khiến khán giả phải chìm đắm trong những hồi tưởng, những ký ức, những cảm xúc qua “Dạ Khúc,” qua “ Trăng Mòn,” qua “Ðường Ðưa Bước Em Ði.” Họ khiến khán giả phải bồi hồi, phải day dứt, phải lưu luyến những nỗi niềm với “Em Ðến Thăm Anh Ðêm 30,” với “Tình Khúc Thứ Nhất,” với “Nếu Mai Này,” với “Nước Mắt Cho Sài Gòn”...

Và, ngay khi vừa bước xuống sân khấu, bước vào trong hậu trường, họ ôm lấy người nhạc sĩ. Thật chặt. Tôi không diễn tả được những khoảnh khắc đó. Một điều gì đó vượt ra khỏi hai tiếng “cám ơn” mà họ, người ca sĩ và người nhạc sĩ, dành cho nhau. Một điều gì đó cao cả và bao dung. Một điều gì đó kính trọng, ngưỡng mộ, và chân thành.

Không còn chỗ ngồi, khán giả sẵn sàng ngồi bệt xuống nền nhà để xem. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tôi chợt nhớ lời nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn nói với tôi trước giờ bắt đầu, “Tôi muốn gửi đến buổi trình diễn này một 'message.' Sở dĩ chọn lớp ca sĩ trẻ này là muốn gửi tặng thông điệp này đến tuổi trẻ. Cách hát của họ chính là cách họ tiếp nhận cái 'message' đó.”

***

Theo cô Kim Ngân, đại diện ban tổ chức, “Mục đích chính của ‘Ðêm Nhạc Thính Phòng Nguyễn Ðình Toàn’ thứ nhất là để nhìn lại sự nghiệp đóng góp trong lãnh vực âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn. Thứ hai là qua đêm nhạc này nhằm kêu gọi sự đóng góp của khán giả để gây quỹ cho các hoạt động sắp tới của Viện Việt Học.”

Mục đích là như thế. Nhưng không khí đêm nhạc đã khiến ban tổ chức quên đi mục đích thứ hai của mình. Ðể chiếc thùng “Donation” vẫn im lặng nằm chỏng chơ nơi góc hội trường. Ðể sau khi khán giả có một đêm nhạc thật hay, thật đặc biệt, ra về, thì ban tổ chức, cùng các thành viên Viện Việt Học phải cùng nhau móc tiền túi ra chi trả cho các khoản chi phí đã bỏ ra cho đêm nhạc với hơn 400 khán giả tham dự.

5 nhận xét:

Café Laptop nói...

chương trình hay vậy mà ko biết, biết thì ko đi được, vì quá xa! hichic

[H]UY! vespa nói...

:((

..Gió Heo May nói...

Cám ơn em H ơi ! B7i3 chị biết thêm về dòng nhạc chị yêu thích
Chị cũng là người yêu 2 bài hát duy nhất chị biết của NĐT : Tình khúc thứ nhất và Em đến thăm anh đêm 30.

thoi hoi nói...

Dòng nhạc NĐT như là một tin nhắn cho tuổi trẻ, có thể làm thức tỉnh ý thức về đất nứớc VN còn rất nghèo khổ /

Chiều nhạc NĐT
http://www.youtube.com/watch?v=cp40Xch6mK0

[H]UY! vespa nói...

wow, cảm ơn anh/ chị nhiều vì cái link này:)!