Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

VĂN NGHỆ số mùa XUÂN 1962

0001


0002


Tạp chí VĂN NGHỆ - LÝ HOÀNG PHONG<----


ĐỨNG TRƯỚC THỰC TẠI 
Thực tại hôm nay là cuộc nội chiến bi thảm đang sôi sục, thực tại hôm nay là cách mạng đang tiếp diễn. Thực tại hôm nay là sự tranh đấu khó khăn phức tạp của một dân tộc để gìn giữ tự do, sự tranh đấu toàn diện để tìm đường sống trước một khúc quanh bế tắc hiểm nghèo của lịch sử. Thực tại hôm nay là giòng máu đang đổ, là những đe dọa nặng nề, là những lo âu vật vã, thực tại hôm nay là những thử thách, dằn vặt, là những xáo động, bàng hoàng thường trực...

Một năm qua, mỗi lần ngồi trước bàn viết, chúng ta lại gặp thấy trên mảnh giấy trắng cái thực tại đỏ cháy chúng ta đang sống, cái thực tại ám ảnh, vướng mắc tâm não chúng ta như một hồn quỉ lẩn khuất, cái thực tại âm ỉ, lở lói như một vết thương không hàn gắn được.


Đứng trước thực tại ngột ngạt ấy người viết hôm nay dễ bị choáng đầu, hoa mắt không còn thấy rõ biên giới, hình dáng sự vật. Tuy nhiên, trong cơn khủng hoảng tinh thần mà hắn chịu đựng, hắn biết rằng cái thực tại đẫm máu ngày nay chỉ là sự phóng lớn một hình ảnh đã thấy, chỉ là sự chuyển động một tấn kịch đang diễn. Nhìn ra đời sống trước mắt, trở về với mặt giấy trắng trên bàn viết, hắn xác nhận rằng sự cố gắng của hắn từ trước đến nay vẫn là một, vẫn là sự cố gắng đi tìm cái ẩn số của một phương trình là thực tại đó, là sự cố gắng đâm thủng xé rách bức màn ảo ảnh dày đặc bao trùm thực tại đó, là sự cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của thực tại, vượt quá nó và sáng tạo tương lai.

Hãy nhìn vào cái thân thể chia cắt của dân tộc, cái thân thể bị đâm chém, đe dọa, dày vò đang vật vã tìm đường giải thoát, tồn tại. Chúng ta nhìn thấy gì? Chúng ta nhìn thấy một ý thức phân xẻ, chia lìa, mâu thuẫn, hỗn tạp. Từ đâu thảm kịch ấy? Có phải vì chúng ta ngày nay là một hỗn hợp, chúng ta lá cả thế giới, chúng ta đang sống trong xương máu, tâm não chúng ta cái bi kịch của dân tộc nó chính là bi kịch của nhân loại.

Thảm kịch của chúng ta hôm nay có phải là nỗi đoạn trường của Thúy Kiều, Thấy Kiều phân xẻ, Thuỷ Kiều dày vò, Thấy Kiều mòn mỏi, cái ray rứt, cái bế tắc, cái chia lìa của cả một cuộc đời? Nhưng đoạn trường hiện tại không chỉ là đoạn trường của Thúy Kiều hình ảnh một dân tộc mà còn là Thúy Kiều khuôn mặt của nhân loại. Câu hỏi đến với chúng ta: Kiều sẽ chìm đắm nơi sông Tiền Đường hay nàng sẽ trùng phùng với Kim Trọng? Chúng ta có thể nghĩ và tin như Nguyễn Du là Kiều sẽ lại kết họp với người yêu, sẽ tìm lại được sự sống của mình.

Nhưng chúng ta hiện nay, chúng ta có thể vượt qua được sự phân tán, bế tắc để thực hiện một ý thức mới của dân tộc, cái ý thức đưa đến sự thống nhất dân tộc. Từ nơi biên giới nào của tư tưởng, từ nơi cọ sát, va chạm, kết họp nào của lịch sử sẽ phát hiện cái trật tự mới, con đường mới của xã hội tương lai? Nhìn lại đoạn dường lịch sử đã đưa chúng ta đương đầu với thực tại bế tắc bây giờ, chúng ta nhận định rằng đoạn đường đó là sản-phẩm của Tây phương. - Có thể nói lịch sử thế giới hiện đại là lịch sử của Tây-phương, của Tây-phương chủ-động, Tây-phương sáng tạo, hình thành, trong lúc đó

Đông-phương chỉ là bị động. Và không thể chối cãi: cái mâu thuẫn lịch sử hiện tại là mâu thuẫn của Tây-phương. Tất nhiên, không phải chủ nghĩa mác-xít hay một chiến tranh nguyên-tử sẽ đưa đẩy được Tây phương qua khỏi nẻo bế tắc ngặt nghèo hiện nay. Cái gì cứu vãn được Tây phương hiện thời chúng ta không thể nào biết được. Nhung có một sự kiện, một biến động rõ ràng của lịch sử mà chúng ta đang chứng kiến, đó là sự trỗi dậy của Đông phương, cái Đông phương bị động mấy thế-kỷ qua. Giây phút nào đó, đứng trước cái hư-vô của hiện hữu, Tây phương sẽ nhìn về Đông-phưong, nhìn về phía cánh đồng mênh mông, im lìm, bất tận của Á-châu với cái khắc khoải của Do thái trước ngày Jésus xuống thế. Có phải đó là cái khắc khoải của chúng ta hôm nay. Cái khắc khoải của một ý thức quờ quạng, mò mẫm, quay cuồng trong sương mù của thực tại. Cái khắc khoải của một ý thức xông xáo, tìm kiếm, dò hỏi tương lai. Cái ánh sáng bình minh nào sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi vùng bóng tối hiện thời, chúng ta chờ đợi gì ở Đông phương đang tỉnh dậy, đang gia nhập, đang sáng tạo lịch sử.

Thực tại hôm nay là chiến tranh, cách mạng. Là chiến tranh, cách mạng được huy động dưới ngọn cờ của những ý thức hệ của tư tưởng, của văn hóa.

Đứng trước thực tại đó, thật là một điều dĩ nhiên nếu người làm văn học hôm nay tìm về những bóng dáng siêu hình, tìm về những vấn đề căn bản của đời sống, đi vào những triết thuyết, những chủ nghĩa. Thực tại hôm nay đặt họ đứng trước những vấn đề thế giới nhân loại vượt tầm quốc gia, dân tộc.

Trước sự đe dọa ám ảnh của những tư tưởng độc đoán, giáo điều kìm hãm tự do con người, của những chủ nghĩa kinh tế phóng thể con người, văn học hôm nay táo bạo thám hiểm vào những tầng lóp ẩn dấu bí nhiệm của tâm lý cũng như của bản năng con người với hy vọng bênh-vực được cái con người mà đời sống máy móc cùng những chủ nghĩa duy-vật, duy lý ngày nay muốn giản lược, tiêu mòn đi. Bị công hãm giữa những khuôn khổ tinh thần suy đồi, văn chương hiện nay thường có thái độ công phá để vượt đến những ý thức mới thích họp với hoàn cảnh xã hội hiện tại, hợp với đà chuyển hóa của đời sống.

Trong xã hội chúng ta, một xã hội kết họp nhiều giòng văn hóa chính trên thế giới; sự công phá đó cùng với những động chạm, thay đổi hòa họp giữa những hệ thống tư tưởng sẽ phải đưa đến nhiều hiện-tượng tinh thần mới mẻ, những kết tinh có tính cách sáng tạo lịch sử, sửa soạn tương lai...

Tuy nhiên qua những vấn đề của ý thức, của tư tưởng, đến khi một chế độ đã được thiết lập trên một căn bản nào đó rồi, người ta sẽ thấy xuất hiện những vấn đề của đời sống xã hội, những quyền lợi của con người. Có một điều chúng ta dễ nhận thấy là những nhà văn hiện nay bị dằn vặt bởi những vấn đề tư tưởng và tâm lý thường không có hoàn cảnh để nhìn đến đời sống của tầng lóp bình dân trong xã hội. Người ta có cảm tưởng rằng từ khi hình ảnh "Người mẹ" của Gorki và "Ả.Q." của Lỗ Tấn đã bị xóa nhòa sau cuộc cách mạng mác-xít ở Nga-sô và ở Trung-Hoa, người lao động nghèo hèn không còn hy vọng xuất hiện trong văn chương hôm nay với một tin tưởng gì mới mẻ nữa.

Nếu ngày trước Gorki, Lỗ Tấn đã đặt hy vọng cách mạng ở người lao động thì nhũng nhà văn chứng ta đặt hy vọng ở sự cải tạo ý thức của người tiểu tư sản trí thức nhiều hơn là ở người bình dân lao động vì kinh nghiệm cho họ thấy rằng lãnh đạo cách mạng dù là cách mạng vô sản, vẫn là tầng lớp trí thức tư sản.

Trong xã hội mác-xít ngày nay người lao động không còn có thể tranh đấu cho quyền lợi của họ nữa nhưng trong cuộc cách mạng hiện tại của chúng ta người lao động sẽ đóng vai trò nào, sẽ lãnh lấy trách nhiệm nào. Ngày nay chúng ta không còn bị mê hoặc bởi khẩu hiệu "vô sản lãnh đạo cách mạng" nữa, nhưng trong cuộc cách mạng xã hội của dân tộc ta ngày nay, dù được lãnh đạo theo một ý thức nào đi nữa, nếu lớp người trí thức lãnh đạo không đặt cho người lao động một vai trò, một nhiệm vụ, một quyền lợi công bằng và xứng đáng thì cuộc cách mạng ấy không thể nào thành công dược, nghĩa là trong một trật tự xã hội công bằng, người trí thức phải đóng lấy vai trò hướng dẫn xứng đáng mà người lao động có thể tin cậy được. Tầng lóp những người nghèo hèn lao động vì vậy không thể không có mặt trong văn học hiện thời của chúng ta và nhà văn ngày nay không thể không nói lên đời sống của họ, tiếng nói của họ, sự tranh đấu của họ cho một đời sống công bằng.

Nhưng công bằng như thế nào? Công bằng trong một trật tự một tương quan xã hội nào? Đó là điều chúng ta phải xây dựng. Đó là là cái quan niệm xã hội mới mà chúng ta tìm kiếm.

Nhiều người nói rằng thực tại xã hội chúng ta hôm nay là một thực tại phản nghệ thuật. Người viết bị đặt trước những đe dọa, lo âu của một hoàn cảnh cấp bách. Hắn cảm thấy bị xô đẩy, theo đuổi, vượt quá bởi hoàn cảnh bên ngoài. Hắn sợ rằng những điều viết ra hôm nay sẽ trở thành phù phiếm, giả tạo, trừu tượng trước cái thực tại cụ thể đang biến chuyển với những bất ngờ không thể đo lường trước được. Người viết sẽ muốn rằng những điều hắn viết ra hôm nay phải ăn nhập, phù họp với thực tại đó, nhưng không phải một cách miễn cưỡng mà là thật sự. Nhưng có người nghĩ khác. Họ nghĩ rằng nghệ thuật không phải lo âu về thực tại đó. Vì thực tại đó sẽ đi qua, chiến tranh, cách mạng sẽ đi qua, nhưng nghệ thuật thì còn mãi. Nghệ thuật chỉ nên nghĩ đến, chú trọng đến những gì bất biến, trường cửu vậy.

Tôi nghĩ rằng vấn đề không thể đặt ra như thế. Tôi tưởng rằng không có thực tại nào phản nghệ thuật, dù cho thực tại đó là chiến tranh, là cách mạng, là sự xáo động xã hội thường trực. Bởi vì thực tại nào cũng mang trong nó một ý nghĩa lịch sử, nghĩa là một ý nghĩa nhân loại. Một khi người viết nắm được ý nghĩa lịch sử tức là ý nghĩa nhân loại của thực tại đó thì nó viết ra tác phẩm. Mà không có thực tại nào nhiều ý nghĩa nhân loại bằng thực tại của những xáo trộn lịch sử, cái ý nghĩa nhân loại của lịch sử là ý nghĩa của một sự tìm kiếm, thực hiện nội tại qua hoàn cảnh bên ngoài. Con người tự tìm kiếm, tự thực hiện qua lịch sử. Vì vậy mỗi biến động lịch sử là mỗi lần con người thoát thai ra một hoàn cảnh để đi tìm một bộ mặt khác của mình, nó đi tìm cái diện mạo phong phú, đầy đủ toàn vẹn của nó. Cho nên mỗi biến động lịch sử là cơ hội cho nghệ thuật phát triển.

Cái thực tại xã hội của chiến tranh, cách mạng, cửa chia cắt đất nước ngày nay phải là một thực tại giàu ý nghĩa. Hãy thử lấy trường hợp Dostoievski chẳng hạn. Dostoievski đã sống cái thời kỳ xáo động của lịch sử, cái thời kỳ bàng hoàng của tiền cách mạng. Tác phẩm Dostoievski bất diệt vì nhà văn đã nhìn sâu vào thực tại xã hội mình đang sống, không phải vì nhà văn quay mặt trước thực tại đó. Những nhân vật Dostoievski đều sống mãnh liệt với thực tại xã hội của mình, nghĩa là đã sống mãnh liệt với thực tại nhân loại của mình.


Thực tại xã hội và thực tại nhân loại đó là gì? Là tâm trạng khắc khoải của con người được sự sa lầy của một xã hội, một ý thức hệ xã hội, ý thức hệ thiên chúa giáo - là cái bàng hoàng của con người trước ý thức hệ mới - ý thức hệ duy vật - đang manh nha. Đó là trường họp nhũng tác phẩm Dostoievski. Và những tác phẩm lớn của chúng ta cũng vậy, Kiều, Cung oán, Chinh phụ đều là những công trình được ý- thức, kết cấu trong một thời kỳ bi thảm của lịch sử dân tộc, trước một thực tại xã hội xáo trộn, hỗn loạn đến cùng cực. Cho nên, vấn đề không phải như Nhất Linh đã nói là "phải vượt không gian và thời gian" mà chính là phải sống thiết tha với thục tại xã hội của mình. Vì thật ra, cái thực tại xã hội và thực tại của con người chỉ là một và sự cãi vả, gây gổ, mâu thuẫn giữa con người với xã hội cũng chỉ là của con người với chính mình. Xã hội chính là hình ảnh phóng lớn của con người. Con người tìm thấy mình và nhìn thấy mình qua Xã hội.

Có người nói rằng thực tại xã hội hôm nay hướng người viết đến những tư tưởng siêu hình xa rời xã hội, vượt ra ngoài thực tại xã hội. Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ rằng mọi tư tưởng siêu hình, triết lý xa xôi đến đâu cũng đều bắt nguồn từ thực tại xã hội. Thử nói đến trương họp những tư tưởng của Sartre. Tư tưởng bi quan của Sartre chính là kết tinh của một xã hội - xã hội của chính tác giả - một xã hội mất tín ngưỡng đang giáp mặt với hư vô, Sartre đã nói lên tư tưởng, tâm trạng của chính mình nhưng đó cũng là một tư tưởng, một tâm trạng của xã hội ông. Cái tư tưởng, cái tâm trạng đó của xã hội có thể trở thành trừu tượng công thức ở trong nghệ thuật đến nỗi nhiều khi xã hội không còn tự nhìn thấy mình ở trong đó nữa nhưng thật ra thì một khi một tư tưởng một tâm trạng nào đã đi vào tác phẩm thì thật sự nó đã có mặt ở ngoài xã hội rồi.

Dù là tư tưởng hư vô đi nữa, nhưng quyết nhiên tư tưởng hư vô của Sartre không phải bắt nguồn từ hư vô mà chính là từ thực tại xã hội. Nhưng người viết không chỉ diễn tả, thể hiện thực tại xã hội mà thôi, người viết còn muốn vượt quá, thấy trước thực tại đó, người viết còn có thể sáng tạo tương lai. Tuy thế sự vượt quá thực tại, sự sáng tạo tương lai ấy cũng phải bắt nguồn từ một thực tại xã hội nhất định chứ không phải từ một ảo ảnh trừu tượng nào.

Nhiều người nói rằng: Thực tại hôm nay đặt người viết trước hai vấn đề cấp bách: vấn đề cộng sản và vấn đề xây dựng xã hội mới. Người viết hôm nay thấy có nhiệm vụ phải tranh đấu với những đe dọa trực tiếp ảnh hưởng đến vận mạng dân tộc, xã hội.

Về vấn đề cộng sản, những nhà văn quan trọng hiện nay dã cho chúng ta nghe tiếng nói của họ, thái độ của họ. Phần lớn những tác phẩm đầu tay của Mai Thảo, Doãn Quốc-Sỹ, Võ- Phiến... đều có một thái độ rõ rệt đối với con người và chế độ cộng sản. Ngoài ra Vũ Khắc-Khoan, Mặc Đỗ, Nguyễn-Sỹ- Tế, Thanh-Tâm-Tuyền, Quách-Thoại v.v... đều đã nói lên tiếng nói chống cộng của họ. Nhưng cách đây mấy năm, tiếng nói ấy có vẻ lạc lõng giữa một xã hội thái bình mà cộng sản là một kẻ vắng mặt không ai nhìn thấy. Hiện tại cộng sản không còn là kẻ vắng mặt nữa và chúng ta hy vọng rằng những nhà văn bây giờ sẽ có những tác phẩm nhận định về cộng sản một cách đầy đủ hơn. Nhiều người viết trẻ hiện nay đang hăm hở muốn tham dự vào cuộc tranh đấu chung của dân tộc và chúng ta có thể đặt nhiều hy vọng ở họ. Tuy nhiên ý muốn tranh đấu không chưa đủ. Công việc làm nghệ thuật đòi hỏi nhiều điều kiện tài năng, học tập, kinh nghiệm.

Chúng ta không thể vì lý tưởng mà chấp nhận sản xuất những công trình thiếu nghệ thuật, thiếu sinh khí. Sự giả tạo, công thức lúc nào cũng đưa đến những kết quả nghịch lại mục đích của nghệ thuật, làm khô cạn nghèo nàn nghệ thuật. Vì vậy người viết hiện nay phải đặt vấn đề cộng sản trong cái tầm mức sâu xa của nó. Cộng sản không đặt người viết trước một vấn đề chính trị, nhưng nó đặt người viết đứng trước một vấn đề lịch sử, một vấn đề tư tưởng, xã hội, tâm lý. Cho nên cộng sản là một đề tài nhiều ý nghĩa đối với người viết.

Phần nhiều những nhà văn hiện tại, những nhà văn lớn đều có đề cập đến vấn đề cộng sản, Koestler, Malraux, Sartre, Goerghiu, Pasternak, Irvin Shaw, Duhamel... mỗi người với một lối nhìn riêng, một quan điểm riêng đã chiếu rọi vào "sự thật cộng sản" cái ánh sáng của họ. Riêng nhóm Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc cũng đã cho chúng ta thấy một phần nào những suy nghĩ của họ đối với cộng sản.

Đối với văn học, cộng sản là một vấn đề nhân loại, một vấn đề nhân loại quan trọng nhất của thế kỷ chúng ta, và nhân loại phải thanh toán với nó một lần cuối cùng trước khi bước vào một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mới đó là cái xã hội mới mà chúng ta xây dựng. Cộng sản trở thành một bài học, một kinh nghiệm, một nguyên cớ để chúng ta xét soát lại mọi vấn đề, từ đấy chúng ta rút lấy những kết luận cho tương lai. Vì vậy chúng ta nói rằng vấn đề cộng sản và vấn đề xây dựng xã hội mới cần phải đặt song song. Đi từ một luận lý sơ đẳng của biện chứng hay nói một cách khác của luật nhân quả chúng ta phải nhận định một cách cúng rắn rằng cộng sản là hậu quả của một xã hội phong kiến suy đồi và một xã hội tư bản trụy lạc, suy đồi trụy lạc từ đời sống thể xác đến đời sống tinh thần. Cho nên muốn vượt qua cái hố sâu cộng sản, chủng ta phải vượt qua cái suy đồi, trụy lạc của phong kiến và tư bản. Chúng ta không lý luận một cách máy móc đâu. Chúng ta không chủ trương phá đổ, san bằng xã hội phong kiến và tư bản. Chúng ta cần nói rõ lại một lần nữa, chúng ta phải cố gắng thanh toán những tính chất suy yếu thoái hóa, vô trách nhiệm của hai thứ xã hội đó.

Những nhà văn ngày nay đã nói lên tiếng nói chống Cộng của họ nhưng những tác phẩm tố cáo, vạch trần bộ mặt xấu xa, thối nát của phong kiến và tư bản, chúng ta vẫn thấy đang còn rất ít ỏi. Người ta tự hỏi tại sao trong cuộc cách mạng giải phóng xã hội hiện thời, cuộc cách mạng được đề cao dưới khẩu hiệu bài trừ phong kiến, những nhà văn hiện nay đã chẳng làm được những gì đáng kể trong lãnh vực đó, và cái xã hội chúng ta ngày nay chẳng thấy được phơi bày ra đầy đủ trong văn chương bây giờ? Thật là một điều thiếu sót lớn lao. Chúng ta thấy nhiều một thứ văn chương hiền lành yên tĩnh, an nhàn, nhưng thấy thiếu một thứ văn chương thật là cách mạng, một thứ văn chương cải tạo xã hội mạnh bạo và sâu sắc, một thứ Văn chương cần thiết hiện nay nếu chúng ta muốn tiến đến một xã hội khỏe mạnh hơn. Nói thế không phải chúng ta chỉ muốn nhìn một cách bi quan vào hiện tại. Không. Chúng ta còn cần một thứ văn chương của hy vọng, một thứ văn chương hướng về tương lai, hướng về một lý tưởng xã hội, một lý tưởng nhân loại mới, nhưng chúng ta không thể nào không mang lấy trách nhiệm đối với thực tại mà chúng ta phải mổ xẻ với lưỡi dao giải phẫu của người chửa bệnh can đảm.

Chúng ta vừa nói đến trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chỉ có thể có đầy đủ và thật sự với tự do. Cho nên điều kiện căn bản cho trào lưu văn học cách mạng và xây dựng xã hội vẫn là tự do cho văn học. Những nhà làm chánh trị có bổn phận bảo vệ an toàn cho dân tộc và hạnh phúc cho xã hội chẳng có lý do gì để e ngại sự hình thành một nền văn học thiết thực gia nhập vào đời sống xã hội, liên hệ mật thiết với vận mạng dân tộc.

Đứng trước thực tại hôm nay, tiếng nói của văn nghệ vẫn là tiếng nói đòi hỏi tự do, đòi hỏi cách mạng, đòi hỏi gia nhập, đòi hỏi tham dự vào giòng sống của dân tộc, đòi hỏi thoát ly ra ngoài vòng bế tắc của thời đại, đòi hỏi một ý thức mới, một xã hội mới, một đời sống mới.

Lý Hoàng Phong
Văn Nghệ số 9&10 Tháng 11-1961 (SỐ MÙA XUÂN 1962)
đánh máy lại trên TQBT số 67, Tháng 12-2015











Không có nhận xét nào: