Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

"Đã đi thì đã đi rồi /Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu..."

TƯỞNG NIỆM 6 NĂM NGÀY MẤT CỦA 
PHẠM CÔNG THIỆN
(8/3/2011 - 8/3/2017)
FullSizeRender (3)
Những “bước đi” phá chấp của Phạm Công Thiện, từ bùng vỡ một “ý thức mới” 1960 – và sau đó, sau 10 năm lang bạt, đã tự phủ nhận mình trong lần tái bản thứ tư (1970)

“Riêng lần tái bản thứ tư này, tác giả có viết thêm những ghi chú của mình, những cái nhìn hiện tại chiếu ngược lại quá khứ. Tất cả những ghi chú này được in bằng chữ nghiêng. Con người ba mươi tuổi đối mặt với con người hai mươi tuổi: hai bên giao tranh nhau trong một cuộc tương tranh thân ái mà sự thất bại hiển nhiên là nằm ở những giòng chữ nghiêng. Nhưng phải chăng chỉ biết được rằng mình hạnh phúc là sau khi đã thất bại vì không chịu chảy ngược lại đằng sau?”
…Rồi ra đi, rồi phiêu dạt, rồi “ghi lại một chặng đường gió loạn đã đi qua, một quãng đời đã trôi ra biển” sau khi ĐI CHO HẾT MỘT ĐÊM HOANG VU TRÊN MẶT ĐẤT - “sau 17 năm bỏ viết tiếng Việt, bây giờ bắt đầu khiêm tốn học viết lại từng nét chữ linh hiện của tổ tiên” trong “Chuyến lộn ngược quay đầu trở về quê hương”
Rồi triết lý Việt Nam về vượt-biên; hay nói cách khác là triết lý Việt Nam về Việt Nam – triết lý Việt Nam Việt Nam – hoặc các khác Việt Nam Việt Nam Việt Nam (nghe từ vào đời…?!?); triết lý về cái-không-cần-phải-triết! Nothing-ness ư? Hay Everything-ness?
“Triết lý của Nước Việt Nam phải là Triết lý Việt Nam về Nước. Hai ý nghĩa nằm gọn trong một âm thanh: Nước”
Rồi quay trở về với uyên nguyên tình tự dân tộc, với lục bát, với Nguyễn Du, “Tất cả Truyện Kiều đều bắt đầu và chấm dứt bằng chữ “lòng”; tất cả Triết Lý Việt Nam là ở đó. Nguyễn Du đã trông thấy những điều khó lòng trông thấy được; chính lòng thơ lai láng của Nguyễn Du đã chảy trong veo dào dạt trong tư tưởng và cảm thức bồi hồi của thi nhân, và đã tuôn chảy lặng lẽ thâm sâu dằng dặc muôn đời vào tận đáy lòng trầm bình của Việt tộc.”
Những bước đi trở về, lộn ngược đến trước, tiến về phía sau…
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông…”
Có thể là tất cả, mà có thể là không có gì…
ĐI cho hết…TÉ ra là…!!!

huyvespa@gmail.com
tribu

Tribu là tên một quán ăn ở Toulouse, lấy làm tựa đề số báo đặc biệt  về Phạm Công Thiện xuất bản 1984, 158 trang do Serge Pey chủ biên, xb dưới sự bảo trợ  của trung tâm văn hóa đại học Toulouse- le –Mirail

Tribu_002 Tribu_003 Tribu_004 Tribu_050 Tribu_051

Nh. Tay Ngàn thân quí,

Tao vừa cho tái bản lại quyển Ý thức mới; dựa vào dịp tái bản lần thứ ba này, tao muốn viết đôi lời để nói lên những điều tao cần nói và đồng thời nói luôn với mày những điều tao muốn nói về mày, về tao, về tất cả bọn trẻ chúng mình.
Đây là lần đầu tiên tao viết thư cho mày và có lẽ cũng là lần cuối cùng; tao muốn dùng bức thư này để trả lời chung cho những người đã đọc quyển Ý thức mới của tao và đã khen hay chê về quyển ấy.
Khen hay chê, đối với tao, tao vẫn là tao, nghĩa là tao vẫn luôn luôn thay đổi từng giây phút: tao theo tao; tao thay đổi theo hơi thở của tao, theo dòng máu nóng hừng hực của tao. Nói như thế cũng có nghĩa là khen hay chê đều vô nghĩa đối với tao, vì tao vốn là một thằng kiêu ngạo và tao chẳng từng nói với mày rằng tao có thể làm bất cứ những gì mà con người đã có thể hay sẽ có thể làm được trên đời này? Shakespeare hay Goethe, Dante hay Heidegger, tao coi như những thằng hề ngu xuẩn. Tao có thể nói như thế được, vì ngày xưa tao đã từng tôn thờ những tên ấy như là những gì bất khả xâm phạm trên đời này. Ngay đến Héraclite, Parménide và Empédocle, bây giờ tao cũng xem thường, xem nhẹ; tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện nay; chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà tao đã gặp trong đời sống tâm linh của tao.
Bây giờ tao muốn nói qua ý nghĩ của tao về quyển Ý thức mới.
Tao viết quyển Ý thức mới từ lúc 18 tuổi cho đến 22 tuổi. Bây giờ hiện nay tao vừa đúng 25 tuổi; mấy thời gian gần đây, tao thường nghĩ đến cái chết của tao. Tao thấy rằng nếu tao chết ngay bây giờ thì tao cũng chẳng hối tiếc một mảy may nào cả. Tao đã sống trọn vẹn với tao từng giây phút; tao đã khổ đến điên người, tao đã sướng đến run lên, tao có thể chết được ngay lúc này hay bất cứ lúc nào; đối với tao, thời gian chỉ là một hơi khói bốc lên hay một mùi thơm của con gái xông lên nồng ấm vào lúc ba giờ sáng; còn cái chết chỉ là sự sống bị lột truồng ra, như tao hay mày lột truồng con Nanou hay con Nicole tại xóm St. Denis ở cái thành phố Paris chó má này.
Tất cả những người quen biết tao đều nói rằng tao là thằng rừng rú, ích kỷ, kiêu ngạo, hoang đàng, vô kỷ luật, vô lễ phép, ham ăn, ham uống, ham ngủ, ham “làm ái tình”; tóm lại tất cả những tật xấu của con người đều xuất hiện trong tao. Tao thấy họ nói đúng, nhưng nói ngược lại thì cũng đúng. Tao là một thằng mâu thuẫn cùng cực; muốn nói chuyện với tao thì đừng lý luận, vì tao có thể lý luận xuôi hay ngược gì cũng được. Chẳng hạn như mới hôm qua tao chửi André Gide, tao mắng Jean Paul Sartre nhưng ngày mai mày sẽ thấy tao ca tụng Gide đến tận mây xanh hay tỏ vẻ nồng nàn với Sartre. Tại sao tao không có quyền mâu thuẫn với tao?
Ừ, bây giờ tao hãy nói về quyển Ý thức mới. Tao không bất mãn cũng không tự mãn về quyển này. Nó có đời sống biệt lập của nó, giống như một con tinh trùng của tao; nó nằm đó trong hố thẳm của đàn bà, nằm đó một cách biệt lập cô đơn, rồi trưởng thành, ra đời, mang tên, đi, đứng, thở, rồi lại lặp lại tất cả những gì con người đã làm hay đã không làm trong bao nhiêu muôn ngàn năm. Nhưng thường thì con tinh trùng ấy cũng chết, vừa mới sinh ra thì đã bị chết, vì đất mầu không dung dưỡng nó.
Tao không muốn phê phán quyển Ý thức mới, vì có bao giờ mày phê phán con tinh trùng của mày, hỡi Nh. Tay Ngàn?
Nếu bây giờ tao muốn viết lại quyển Ý thức mới, nhất định là tao sẽ viết mạnh hơn nữa, tàn bạo hơn nữa, phũ phàng hơn nữa. Tao đã thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng tao không bao giờ nên hòa nhượng, không bao giờ nên làm hòa với cuộc sống này. Tao chỉ muốn nổ tung như mười triệu trái bom nguyên tử, rồi nằm ì lăn ra chết bấy thịt như một con rắn lửa, còn hơn là nhẹ nhàng thỏ thẻ tình thương, nhỏ nhẹ lý tưởng cao đẹp, vân vân; tao muốn chửi thề với tất cả lý tưởng: tao chỉ muốn phá hoại và chỉ muốn phá hoại; tao cảm thấy gần gũi với những người tội lỗi hơn là với những thầy tu thánh thiện. Tao thấy rằng tất cả tội lỗi đều vô cùng cần thiết, vì tội lỗi chỉ là một ý niệm lường gạt và không có thực, cũng như chính đời tao cũng không có thực; cuộc đời tao hay cuộc đời mày cũng chỉ là những ngọn lửa của mấy cái diêm quẹt; đó là lý do cắt nghĩa tại sao tao hút thuốc quá nhiều và tại sao tao muốn bỏ hút.
Tao không thuộc vào nhóm nào, đảng nào, hội nào hết. Tao chỉ thuộc vào một chiếc lá; chiếc lá ấy là chiếc lá ngô đồng mà mày thấy rụng tại Place de la Contrescarpe, mặc dù nó hãy còn xanh mà đã rụng rồi. Mày đừng nghĩ rằng tao vừa đưa ra một câu văn thơ mộng. Không, tao thù ghét tất cả thi sĩ; thỉnh thoảng tao chỉ làm thơ để tán gái. Hoặc làm thơ để nhớ rằng Rimbaud đã chết trên gối mền quạnh hiu, để nhớ rằng tất cả thi sĩ đã bỏ xa trần gian này và thời đại này là thời đại mà thi sĩ chỉ còn là thi sĩ khi thi sĩ dám làm tội nhân đứng ngoài vòng xã hội, ngoài vòng xây dựng lý tưởng quốc gia hay nhân loại.
Thi sĩ phải là kẻ đào ngũ, kẻ phản quốc, kẻ phản bội nhân loại. Thi sĩ phải là một bậc thánh tội lỗi, một thằng khờ, một thằng điên, một thằng kiêu ngạo và ghen tị với Phật Thích Ca hay Chúa Giêsu. Thi sĩ phải là một thằng bất lực, vô danh, im lặng và ồn ào.
Hiện bây giờ, nếu viết lại quyển Ý thức mới, tao sẽ bỏ Clément Rosset, Ivo Andrić và Erich Fromm. Cũng có thể tao sẽ bỏ luôn Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldous Huxley, Hemingway, Jean-René Huguenin.
Mới đây tao vừa đọc xong cuốn Lettre sur les chimpanzés của Clément Rosset (Gallimard xb. 1965), tao nổi giận muốn điên lên. Ngày trước, khi viết cuốn Philosophie tragique, Clément Rosset còn 20 tuổi; tư tưởng không thâm trầm, nhưng vẫn có hào khí mãnh liệt của tuổi trẻ; đó là lý do đã khiến tao cảm mến Clément Rosset; nhưng bây giờ, sau khi đã đậu thạc sĩ triết học và đã thành người lớn. Clément Rosset viết triết lý như viết bài luận rẻ tiền cho một học sinh trung học đệ nhất cấp. Quyển Lettre sur les chimpanzés chỉ đáng để dành cho khỉ vượn đọc, nếu loài khỉ vượn biết đọc chữ Pháp!
Còn Ivo Ivo Andrić và Erich Fromm, bây giờ tao thấy hai tên này hoàn toàn non nớt; còn về Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldoux Huxley, Hemingway, Jean-René Huguenin, tao thấy chỉ nên liệng họ vào cầu tiêu công cộng. Mới đây, tao đọc xong quyển A Moveable Feast của Hemingway, tao buồn muốn khóc được. Tất cả những ngọn lửa đều tắt: đó là bi kịch của thiên tài. Một lần nữa, tao lại hiểu thêm rõ ràng ý nghĩa chuyến bỏ đi của Rimbaud.
Còn trường hợp Faulkner, Nikos Kazantzakis, Kafka, Saroyan, Thomas Wolfe, Jean-Paul Sartre thì tao đã dứt nợ với họ rồi, những tên này chỉ đáng bỏ vào một xó tối ở công cộng, dành riêng cho những mụ đàn bà có chửa, dành riêng cho đàn bà đọc những lúc sắp sinh con hay những lúc chờ chồng đi xa trở về. Tao không phải là đàn bà; tao xin gửi những tên ấy về cho đàn bà.
Còn về Thiền tông, Nietzsche và Heidegger thì tao thanh toán xong mấy tháng nay. Tao gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ một ngôi chùa nào ở thế giới này, như ngôi chùa vàng của văn sĩ Yukio Mishima ở Nhật Bản. Về Nietzsche, tao gửi Nietzsche về một tu viện Thiên Chúa giáo; còn Heidegger thì tao coi như là một tên đóng kịch tài ba, đóng kịch mà vẫn biết là mình đóng kịch, nhưng tao đã chán xem kịch. Đọc cuốn Sein und Zeit của Heidegger đến mấy mươi lần, tao chỉ thấy Heidegger là kẻ giải buồn cho tao một cách kỳ thú vào những lúc tao không muốn ngủ mà chỉ muốn thức để nhớ đến đứa con gái mà tao yêu lần đầu tiên, tên là Hương, mà Hương thì không bao giờ biết tao đã khổ về cô nàng gần 10 năm nay; cô nàng tên thực là Quế Hương; khi đọc Sein und Zeit của Heidegger, đọc chữ Sein ra là Hương. Còn trường hợp Charles Chaplin thì tao cũng không còn thấy cười được như trước. Tiếng cười của Charlot chỉ là một tiếng khóc lật ngược; tao chỉ muốn cười là cười, khóc là khóc, chứ không lật xuôi hay lật ngược.
Chỉ còn một người duy nhất mà tao vẫn kính mến, thương yêu và quy phục đến cùng độ; người ấy là Henry Miller, năm nay vẫn còn sống, sắp đến 75 tuổi rồi.
Tao cho rằng Henry Miller là thiên tài vĩ đại nhất của cả Đông phương và Tây phương trong suốt ba bốn ngàn năm văn hoá nhân loại. Tao cho rằng Henry Miller vĩ đại hơn Lão Tử, Héraclite, Parménide và Empédocle.
Như mày cũng đã biết rằng tao đã gặp Henry Miller tại California ở Huê Kỳ, Henry Miller nói rằng tao là Rimbaud đầu thai lại thế kỷ này! Tao không vui, cũng không buồn, vì tao tự biết rằng tao là ai và tao vẫn nghĩ rằng chỉ có tao mới có thể làm những gì mà Rimbaud chưa làm được.
Về Henry Miller, tao muốn nói lên lời tiên tri tối hậu, từ năm chục năm nữa trở đi thì Henry Miller sẽ ảnh hưởng dữ dội đến nhân loại còn hơn Jesus Christ ảnh hưởng đến Tây phương hay Phật Thích Ca ảnh hưởng đến Đông phương. Lời tiên tri của tao như lửa đánh vào máu; tao mong mày sống dai và sẽ thấy những gì tao báo trước hôm nay.
Thời gian tao ở Huê Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học mà tao học, như trường đại học Yale và Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn; ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời; tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp, tao đã sống nghèo đói thế nào thì mày cũng đã biết rõ rồi; những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hegel, về Heidegger hay Héraclite. Tao đọc Heidegger hay Héraclite bằng máu với nước mắt; còn mấy thằng giáo sư ấy chỉ đọc bằng đôi mắt cận thị! Những thằng ấy hiểu gì về tư tưởng mà có thể dạy tao? Bây giờ, nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giêsu hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng chẳng nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao, tao là học trò của tao và cũng chỉ có tao là làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và tao cũng không để ai làm thầy tao. Nếu tao biết rằng tao là thằng ngu thì tao sẽ đẩy cái ngu tao cho đến tận cùng, mày nghe rõ chưa?
Tao là thế nào thì tao để là thế ấy, tao thay đổi theo sự thay đổi tự nhiên của đời tao, tao sống thì tao sống, tao chết thì tao chết, tao sợ thì tao sợ, tao không sợ thì tao không sợ.
Cách đây mấy tháng, tao đã đưa mày đi đến Square Rapp để gặp Krishnamurti; tao nghĩ rằng Krishnamurti sẽ giúp đỡ mày nhiều, giúp đỡ mày trở lại mày, trở lại sự cô đơn cùng cực của chính đời mày để mày đừng tự lường gạt mày bằng một mớ hình ảnh, một mớ danh từ thiêng liêng và cao siêu. Ngày trước, tao thường chép lại những quyển sách của Krishnamurti để có thể đi vào ý thức của Krishnamurti một cách sâu sắc hơn, nhưng bây giờ tao cũng thấy không còn muốn nghe Krishnamurti nữa, tao thấy nét mặt của Krishnamurti hay nét mặt của Sri Aurobindo là nỗi quằn quại cùng độ của những người chịu đóng đinh giữa lòng đời.
Tao đã chết ứ máu trên cây thập giá, bây giờ tao hồi sinh, tao chỉ chờ lúc nào mọc cánh thì sẽ bay mất.
Mày là một thằng thi sĩ nghèo nàn; tao chỉ mới quen mày có mấy tháng nay, nhưng mày đã đối đãi với tao như ruột thịt; có lẽ vì cuộc đời mày đã mang quá nhiều tủi nhục đau khổ của hố thẳm, nên mày đã nhận ra tao và tao cũng nhận ra mày. Mày đã nuôi dưỡng tao bằng tâm hồn trong sạch thơ mộng của mày, chẳng những thế, mày cũng còn chạy đi vay tiền để nuôi dưỡng tao bằng những bao thuốc Gauloises, những buổi ăn trưa và chiều, những đêm say rượu trác táng ở Pigalle hay những đêm khuya trụy lạc ở Strasbourg St. Denis, những buổi chiều lang thang lê lết qua vườn Luxembourg, những chiều mây trắng hoang mang dưới nhà thờ Saint Germain des Prés, những buổi cà phê đen đắng tim ở Montparnasse và những đêm rượu đỏ mưa men trên những hè phố quê người.
Nay mai, tao sẽ rời bỏ Paris để lang thang đến đất trời Ý Đại Lợi, Hy Lạp hay Tây Tạng hay bất cứ một dải đất mơ hồ nào ở cuối trái đất, tao vẫn còn giữ lại màu xám đậm đà ở Paris, trong đó có màu của đôi mắt mày, đôi mắt nửa đêm nửa ngày của Ý thức mới, của một thứ mây mai vừa hiện trên bầu trời sắp sáng, “một khung trời mưng mủ” như một lần mày đã gọi thế, phải không Nh. Tay Ngàn?

Phạm Công Thiện
Paris, ngày 19 tháng 8 năm 1966






Tribu_057 Tribu_058 Tribu_059 Tribu_060 Tribu_061 Tribu_062 Tribu_063 Tribu_064 Tribu_065 Tribu_066 Tribu_067 Tribu_068 Tribu_069

MẶT TRỜI KHÔNG BAO GIỜ CÓ THẬT
https://thuvienhoasen.org/a18464/mat-troi-khong-bao-gio-co-thucTribu_070 Tribu_084 Tribu_101 Tribu_102 Tribu_158


PHẠM CÔNG THIỆN TRÊN VẤN ĐỀ 
aus5IMG_3392 IMG_3393 IMG_3394 IMG_3395 IMG_3396 IMG_3397 IMG_3398 IMG_3399 IMG_3400 IMG_3401 IMG_3402 IMG_3403 IMG_3404 IMG_3405 IMG_3406 IMG_3407 IMG_3408 IMG_3409 IMG_3410

IMG_3411 IMG_3412 IMG_3413 IMG_3414 IMG_3415 IMG_3416 IMG_3417 IMG_3418 IMG_3425 IMG_3426

IMG_3444
IMG_3445IMG_3446IMG_3447

PHẠM CÔNG THIỆN - THƯ GỬI HENRY MILLER
aus9IMG_3427 IMG_3428 IMG_3429 IMG_3430 IMG_3431 IMG_3432 IMG_3433 IMG_3434 IMG_3435aus10

PHẠM CÔNG THIỆN TRÊN KHỞI HÀNH 
http://huyvespa.blogspot.com/2015/07/pham-cong-thien-le-uyen-phuong-tren.html

PHẠM CÔNG THIỆN TRÊN VĂN
http://huyvespa.blogspot.com/2014/03/pham-cong-thien-nhan-3-nam-ngay-ong.html?spref=fb

pct 1941444_10203344379229194_1887647699_o 1511860_10203344378829184_860129232_o
ĐI CHO HẾT MỘT ĐÊM HOANG VU TRÊN MẶT ĐẤT review
http://huyvespa.blogspot.com/2015/06/i-cho-het-mot-em-hoang-vu-tren-mat-at.html

2/6/2015 – huyvespa@gmail.com
“Lao đầu phóng mình xuống trang giấy trắng, tờ giấy trắng hoang vu như tình đầu”
Hoang vu khởi đi từ những tờ giấy trắng, trắng hoang vu như đời người, như tiền kiếp, như hiện kiếp và như kiếp khác...Trắng của bôi xóa hay trắng của vô nhiễm? Trắng của đời thực hay trắng của cơn mộng ảo? Trắng của quên kỷ niệm hay trắng của nhớ ký ức? Hay trắng của sự “giải ảo” về một thứ “văn chương” tối tăm mà người đời hay nghĩ/ gán ghép khi đọc ông?
Bằng cách “lao đầu phóng mình xuống trang giấy”, PCT trong quyển sách khác lạ với tất cả những gì ông đã viết ra trước, đã tỏ bày – trước hết – về chính bản thân ông – về những quãng đường đã qua và về những gì “hoang vu” nhất trong suốt ngần ấy năm viễn du trong kiếp này, những năm tháng hoang dại đi khắp cõi ta bà từ một lần rời xa vĩnh viễn Mỹ Tho năm 16 tuổi cho đến những tháng năm lãng du trong những kinh kỳ của thế giới. “Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Đức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình…"
Sự tỏ bày về chính mình trong quyển sách này, đơn giản có thể hiểu là sự mở lối để đi cho hết bước đường hoang vu?(Đi như một định mệnh đã an bày hay chính đó là sự an bày ra một định mệnh?). Rồi sau đó? Đi đến một đêm hoang vu khác (hay một đêm không-hoang-vu khác?), hay nhập thể vào chính sự hoang vu? Đi tìm hay đi gặp sự hoang vu? Hay Hố Thẳm? Mà có gì là…quan trọng nữa đâu?
“Tất cả đều trôi đi
Chuyện xưa không còn gì
Mây chiều bay lũ lượt
Nói năng nữa mà chi”
Những câu chuyện (nếu ta gọi đó là “chuyện”) trong quyển sách này như những thiết tha nhất của con người PCT trong lúc ông tỉnh táo nhất/ điên dại nhất/ thơ mộng nhất/ tĩnh tại nhất…
“Trên tất cả đỉnh cao là im lặng”, sau 17 năm im lặng, sau ngần ấy năm bước đi như gió như mây, “sự im lặng” cuối cùng cũng lên tiếng – sự căm bặt của những dồn nén khủng khiếp rung lên những đợt sóng – và âm ba – và những vòng trôn ốc của vạn triệu đời lan tỏa - những vòng trôn ốc xoắn vào nhau, lan mãi đến vô lượng kiếp sống… “và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về…”. PCT – tính đồ mộ đạo của chủ thuyết hư vô là thế, ông là con người của những cực đoan, ông chỉ chuyển từ cực đoan này sang một khía cạnh cực đoan khác, không trung gian, không lửng lơ....Ông là sự im lặng đời đồng thời là cơn địa chấn kiếp.
Những lớp sóng của lần địa chấn này ùa ập vào bãi bờ của trí nhớ. Đi – bước tới trước bằng những bước chân của hối hả lên đường/ lao vào trận cuồng phong để tìm chút tĩnh tại ngay tâm bão…hoặc cũng có thể là thong dong của những “bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng”…
Người đọc sẽ cuốn theo những bước chân ấy, (cố) giải mã những cơn mộng - thực của PCT và cũng là một lần kinh qua những gì (tưởng chừng) xa lạ của trải nghiệm mỗi người… rồi muôn nghìn những câu hỏi…
Tại sao đến và tại sao đi? Tại sao Mỹ Tho tại sao Sàigòn? Tại sao Phạm Công Thiện tại sao không-Phạm-Công-Thiện? Tại sao mặt trăng và tại sao mặt trời (nếu và chỉ nếu mặt trời là có thực) ? Tại sao ngày và tại sao đêm? Tại sao viết và tại sao không viết? Tại sao Việt Nam tại sao Tây Tạng? Tại sao lúc này tại sao lúc khác? Tại sao gặp gỡ tại sao phân kỳ? “Tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài có gì vui?”...
Bước đi từ vô lượng kiếp đến vô biên kiếp cho đến bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp…Bước đi...Đếm lần bước và bước lần đếm - Nhạc tính vang lên cũng là lúc đếm từng nhịp phách, đếm những ngày những tháng, những lần buổi sáng thơm buổi sáng, buổi chiều thơm buổi chiều…Khoảng cách từ “còn” cho đến “hết-đêm-hoang-vu” tính bằng số bước như thế, mặc dù, tác giả của Ý Thức Bùng Vỡ đã (dường như) đếm cho tận cùng đến được đáp số của bước cuối cùng...Một cuối đường nơi ...
“Hôm qua vẫn trở lại
Dĩ vãng là hôm nay
Ngày mai là hiện tại
Hiện tại chết mỗi giây”
ĐCHMĐHVTMĐ là 1 dòng tâm tư trôi trên những vòng khói thuốc, có đó mà tan biến đó, sợi mỏng manh của “trí nhớ nhỏ nhoi” tìm đường bay về nửa vòng trái đất neo lại với quê hương. Nơi đó có những bộc bạch:
“Nơi đây chỉ là tiếng nói Việt Nam đang nói với chính tiếng nói Việt Nam trong từng nhịp bước đảo ngược giữa nổi trống không rung rợn nhất của một cái gì vẫn chưa bao giờ có tên trên mặt đất…”
Ngày trước đêm-hoang-vu là những ngày mà đầy ấp sự trở đi trở lại của hình ảnh những cây cam, hình ảnh của đàn quạ, hình ảnh của một người nữ sông Hương, những hình ảnh như một tấu khúc về cuộc sống hay có khi chỉ là những hình ảnh một lần xuất hiện, bừng lên trong trí nhớ, một lần – rồi thôi…Cả hai khía cạnh đời sống ấy, qua trí nhớ hiện hữu và trí nhớ quá vãng của PCT đều đẹp…Một vẻ đẹp hoang liêu. Chính nhờ hai – trí – nhớ ấy mà độc giả lại được cùng với ông đi một chuyến đi của trí tưởng, không biên giới, vượt không gian thời gian. Như huyễn như mộng, như sương rơi, như chớp lóe. Hú dài một tiếng – lạnh về hư không!
“Mười lăm tỷ năm qua
Từ vạn triệu thiên hà
Bây giờ ta mới tới
Gặp lại em hôm qua”
Nơi ngăn kéo của trí nhớ ấy có: Nguyễn Thị Hoàng – nông trại đồn điền hoang trống PCT gửi lại ở Phi Nôm / Nghiêm Xuân Hồng “Anh (PCT) mà không dịch Nagarjuna thì sẽ có tội đối với cả chư thiên” / Nh.Tay Ngàn – người bạn ở Paris với câu thần chú PCT đọc riêng cho anh ấy “Tất cả thi sĩ sớm muộn gì cũng phải tự tử. Bước đi vào trong cái hoang vu nguy hiểm của ngôn ngữ thì rất dễ điên và rất dễ tự tử/ Nhất Linh – một thế giới thơ mộng, bi đát và cô độc – nơi bàn làm việc chỉ có duy nhất 1 tác phẩm dày cộm và nhàu nát : Chiến Tranh Và Hòa Bình / Có Vũ Khắc Khoan, có Mai Thảo, có Henry Miller…
Những đường tơ mối chỉ chằng chịt kéo người đọc vào một mê cung của vùng – lãng – quên, nơi vùng – lãng - quên ấy chúng ta bắt đầu học lại cách nhớ. Nhớ gì? Nhớ về tất cả gì thuộc về kiếp người, nhớ về tất cả những va chạm/ những xuyến xao của đời sống đã mang lại:
“Nó đi cái đi, nó đứng cái đứng…nó im lặng cái im lặng, nó đau khổ cái đau khổ, nó vui cái vui,…nó phá hoại cái phá hoại, nó xây dựng cái xây dựng,..nó có cái có, nó không cái không”
Cứ thế đọc ĐCHMĐHVTMĐ vừa là một sự trải nghiệm cái trải nghiệm vừa là một sự phá hủy cái phá hủy…và ĐÓ/ NÓ chính là con người Phạm Công Thiện, một sự rốt ráo cuối cùng từ chính bên trong ông, ông hủy diệt sự hủy diệt và cũng chính ĐÓ/ NÓ, tái tạo cái hủy diệt…Với một sự “bản ngã nhị trùng” như thế, mới thấy tiếng nói nội tâm của ông - ở đây được nói ra bằng chính những điều giản đơn cuồng nộ ấy – khiến đọc PCT cũng chính là lúc người ta đang đọc lại cái sự đọc, trải qua sự trải qua của chính bản thân mình.
“Hiểu được cái hiểu được này thì hiểu được tất cả cảm giác trí óc của loài người”
Đi đến những bãi bờ hoang sơ và tịch liêu / đi về những ghềnh đá của một thời tuổi trẻ hoang dại /đi về những Việt Nam ngàn trùng và Hoa Kỳ tưởng ngay sát mà xa xôi/ đi cho đến Tây Tạng để thốt lên 1 chữ A duy nhất/ đi ngược cố hương 30 năm chưa lần ghé để làm-cho-xong-hết-cuộc-tiễn-đưa, tiễn đưa hình ảnh thơ mộng của tuổi thơ – của những chiếc tàu chìm nơi bờ sông Mỹ Tho…
“Những cây dừa ở cầu tàu Mỹ Tho cũng từng chứng kiến cảnh chàng trai thất tình ngồi ngó bâng quơ ra đám lục bình trôi chả ngồi ngó bâng quơ ra đám lục bình trôi chảy lắc lư trên con nước buổi chiều. Lúc đó nó vừa đúng 16 tuổi và mang danh hiệu “thần đồng”…
Ôi Mỹ Tho, sinh quán bặt mù bóng chim tăm cá, nơi sinh ra một người-thơ-rất-mực để từ đó sinh ra những câu văn đẹp hoang liêu như chính đời ông
"Nó thường đùa với mấy đứa bạn Tây rằng nó sinh ra đời ở Mytho, nghĩa là Mythologie, nghĩa là nó sinh ra đời trong "thần thoại"...
Nó sẽ tìm ra nơi phát nguyên sông Cửu Long ở núi cao Tây Tạng và nó sẽ đứng nơi đỉnh cao đó mà đái những giọt nước đái cô liêu cho chảy dài từ Tây Tạng đến thành phố Mỹ Tho…”
Bỏ qua những đoạn ông Thiện va chạm với “tám nghìn thế giới thơm” sách vở/ lý thuyết/ triết lý/ mệnh đề/ luận đề…mà ông đã đọc trong suốt 46 năm trên cõi sống – va chạm dẫn đến phản kháng, dẫn đến suy luận, dẫn đến..va chạm khác…, và điều đó dễ khiến người ta gọi ông bằng những danh xưng như triết gia, học giả. Bỏ qua hết những va-chạm ấy. Với quyển sách này, tôi muốn gọi ông bằng một danh từ duy nhất: người thơ của Việt Nam.
Bởi lẽ, chỉ có một con-người-thơ (và đồng thời cũng là 1 con người tạo-ra-thần-bí), mới có thể làm cho ý nghĩ, cảm xúc của mình như vượt thoát khỏi kiếp này, rong ruổi qua những kiếp khác, qua một cõi-ta-bà-khác, nơi đó, chính mộng và thực là một vậy.
ĐCHMĐHVTMĐ của một người-thơ-rất-mực ấy chính là một trường thi bất tận (ông đã vẽ cuộc đời ông bằng một bài thơ, đời ông - đã sống - như thể là một bài thơ … bởi đến cuối cùng, như một “nhà thơ” khác đã nói: thơ cần thiết cho ai nếu như không phải là CHO những người KHÔNG đọc nó?)
PCT tìm lối về với tịch mịch của một đền đài/ chùa chiền/ bảo tháp…trong lòng mình , ông đi theo những tiếng gọi, từ hiện kiếp mà ngỡ như tiền kiếp – những tiếng nói vang lên từ tâm thức “chỉ còn một âm thanh lơ lửng như tơ trời, tiếng nó nhẹ nhàng như hai cánh con phù du, đôi lúc tiếng nó cũng thình lình trở nên vang dội, như ngày xưa còn bé trốn học tắm sông nghe tiếng Mẹ kêu inh ỏi: Thằng đó, NÓ đi đâu mất rồi?”
“Thoắt đi một đời người
Buồn hoài cũng thế thôi
Triệu năm là giây phút
Chưa đi đã tới rồi”
ĐCHMĐHVTMĐ cũng chính là “một chuyến lộn ngược quay đầu trở về quê hương” – “quê hương như một thánh tích” như tên một tập thơ của Hoàng Bảo Việt, thánh tích ấy được tìm về/ được khai quật từ chính con chữ Việt Nam, trên những bước chân trải qua hơn 300 trang giấy hoang vu của nghìn nghịt những ký tự (và còn nữa giữa ba ngàn thế giới của những khoảng trống giữa hai dòng.
Giữa những khoảng trống ấy, người ta có thể nói ông là một kẻ điên, những câu văn hoang đường và bất thường, thì ngay trong quyển sách này ông cũng đã có sẵn câu trả lời - tất cả chỉ là “tiếng chửi HƯ VÔ gửi về với HƯ VÔ, trong tiếng cười của một thằng điên giữa cơn bão tố tàn khốc của ĐỊNH MỆNH”. Tiếng của một-con-người “đẩy sự ly hương đến cùng độ để biết thế nào là nỗi nhớ quê hương”
Hãy đọc quyển sách này với tâm thế đọc một PCT “sau 17 năm bỏ viết tiếng Việt, bây giờ bắt đầu khiêm tốn học viết lại từng nét chữ linh hiện của tổ tiên”
Chính “Chuyến lộn ngược quay đầu trở về quê hương” ấy còn là để BẮT ĐẦU kham-nhẫn học lại từ đầu tiếng Việt, học lại để đi cho hết MỘT ĐÊM HOANG VU – đi cho hết TIẾNG NÓI VIỆT NAM:
“Con kiến không phải con bò mà tại sao lại bò trong trí nhớ cô liêu của nó?/ Tại sao lại ăn nói mà không phải uống nói?/ Tại sao mũi lại viết bằng dấu ngã?/ Nó đang mủi lòng về việc xỏ mũi trâu?/ Chân lý rờ cái đầu nó mà nó không thể nào rờ cái đầu chân lý, Decscartes tưởng chân lý có cái đầu và định chụp đầu chân lý, BĂT ĐẦU mọi sự…/ Đồng xoang đồng điệu, đồng ưu cộng lạc, đồng vợ đồng chồng, nhưng thường đồng sang dị mộng… / Không có dân tộc nào gọi sao một cách đầy thành kính như dân tộc Việt: ngôi sao/ vì sao. Tại sao lại vì sao/ Đi cũng có nghĩa là té tới trước…cho đến lúc nào hết đêm hoang vu thì té xuống mồ…vân vân & vân vân…” (hoặc 8 đoản khúc nhỏ http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do…)
Trong ngào ngạt những trí nhớ ấy, PCT để dành riêng một chương. Chỉ 1 chương toàn những câu bốn chữ nhưng đã đủ làm bùng vỡ lên hết được 1 đoạn đời/ cuộc đời kỳ dị và kỳ tài của PCT nơi có cả những tịch mịch hồng và huyên náo xám.
Kịch tính, và bình thản…Biến động, và im lìm…Vun vút, và khoan thai…Gàn rỡ, và tỉnh táo. Bình thường, và lạ thường. Như thế, và không-như-thế.
“Xin thầy mở cửa. Có người muốn gặp. Nó lìa khỏi phòng. Bước ra phòng khách. Ngôi chùa Việt Nam. Thành phố thiên thần. Đọc Los thành Lost. Chỉ thêm chữ t. Như tên của nó. Người lạ ngồi đó. Cô gái người Huế. Con ngưỡng mộ thầy. Đọc sách thầy nhiều. Con gối đầu giường. Cô đừng gọi thầy. Cô đừng xưng con. Tôi không có tu. Tôi chỉ ở chùa. Không biết ở đâu. Từ Pháp mới qua. Từ năm tám ba. Bây giờ tám bốn. Gần được một năm. Hôm nay mười bảy. Bây giờ tháng Tư. Cô gái ngồi ghế. Dạ thưa lễ phép. Ngồi một hồi lâu. Nó được mời ăn. Cùng nhau đi tiệm. Ngồi quán Doanh Doanh. Nó ăn bì bún. Nàng ăn nem nướng. Dăm ba câu chuyện. Rồi lại im lặng. Nó ngó khoảng trống. Hai người chia tay. Nó trở về chùa. Nằm im trong phòng. Ngó ra cửa sổ. Không nhớ gì hết. Quên phứt gái Huế. Nằm đọc Lăng Già. Tụng chú Tây Tạng. Ngó lên bầu trời. Mây trắng vẫn bay. Ở yên trên chùa. Suốt tháng suốt năm. Rồi một thời gian. Nó đi diễn thuyết. Ở Garden Grove. Thính giả có người. Cô gái đã gặp. Quê từ sông Hương. Tên là Lô An. Cô làm nước cam. Đem lên diễn giả. Nó ngó lãnh đạm. Diễn thuyết xong rồi. Nó trở lại chùa. Nằm im ngó mây. Rồi một thời gian. Bỏ chùa đi chơi. Ngủ nhà học trò. Rồi trở lại chùa. Nằm im nghe chim. Suôt năm suốt tháng. Tu hành lai rai. Rồi một thời gian. Trốn chùa đi chơi. Say rượu suốt ngày. Say mèm suốt đêm. Làm báo Động Đất. Tạo cớ đi chơi. Chơi hoài ngày tháng. Nằm ngủ say mèm. Một hôm muốn gặp. Cô gái sông Hương. Hai người gặp lại. Nó thấy dễ thương. Nhưng nó chưa thương. Nó trở lại chùa. Nhập thất mười tháng. Nằm im ngó mây. Rồi một thời gian. Bỏ chùa đi chơi. Say sưa suốt tháng. Gặp lại gái Huế. Đi bãi biển chơi. Laguna Beach. Hai người ôm nhau. Sau một thời gian. Ngựa quen đường cũ. Nó trở về chùa. Nằm ngó mây bay. Ngựa quen đường cũ. Bỏ chùa đi chơi. Bay qua Úc Châu. Nghe mưa phố lạ. Bỗng nhớ sông Hương. Bay về nước Mỹ. Nàng đón phi trường. Ngựa quen đường cũ. Bãi biển buổi chiều. Bãi biển trăng rằm. Hai người ôm nhau. Nó trở về chùa. Nằm ngó trăng khuya. Bồ câu bay lượn. Được một thời gian. Ngựa quen đường cũ. Sa mạc Tân Cương. Tam Tạng thỉnh kinh. Nó tụng tâm kinh. Thấy Tâm là Huế. Bỏ chùa lần cuối. Bây giờ ở đây. Cây cam sai trái. Cây chanh trổ bông. Qụa đen che chở. Thạch thảo đỏ hồng. Buổi chiều bốn giờ. Sông Hương lờ đờ. Cửu Long lặng sống. Sóng không phải sống. Con sông sóng lặng. Nó lặn xuống sông. Vớt lên hồng diệp. Mỗi ngày thức sớm. Chuông reo sáo giờ. Mỗi chiều chờ đợi. Chiều tới bốn giờ. Cây cam sai trái. Nó nằm ngủ mớ. Mỗi đêm động đất. Sao xẹt đầu ghềnh. Gió thổi quạnh hiu. Bãi biển buổi chiều. Không người lui tới. Nó ngồi trên ghế. Đít nóng bất động. Tham thiền nhập định. Thở ra thở vô. Quán chỉ thanh tịnh. Mấy giấc chiêm bao. Nhất thế pháp không. Huế tức thị không. Không tức thị Huế. Huế bất dị không. Không bất dị Huế. Ngồi yên suốt ngày. Ngồi ngó quạ bay. Ngó cam sai trái. Ngó đường vắng tanh. Ngồi viết bốn chữ. Bán tự vi tử. Anh có thương em. Em có thương anh. Nó thương cái thương. Nó ghét cái ghét. Như hư không nhẫn. Học mãi cái quên. Ngồi yên bất động. Tậm nhảy lung tung. Cứ cho nó nhảy. Ngựa quen đường cũ. Sa mạc Tân Cương. Ngồi nhớ cái quên. Rồi quên cái nhớ. Văn chương bốn chữ. Số bốn linh thiêng. Nhất cá nhì tôm. Vèo đi nửa kiếp. Giựt mình thức dậy. Vô nhân vô ngã. Vô hết tất cả. Không còn chúng sinh. Không còn thọ giả. Ngồi đọc Kim Cang. Mất hết bốn hàng…”
Người đọc có hiểu? Hay không hiểu? Có thấy gần hơn với điều “hết một đêm hoang vu”?
“Thôi thì cứ tha hồ thơ mộng thoải mái sống với cái “không hiểu gì ra gì cả”. Cứ coi mình như hư không và thế gian nhân loại như hư không. Hư không đang ngồi viết. Hư không xuống dưới bếp uống nước chanh đường…”
Hư vô không thuộc về ai cả. Mà tất cả đều thuộc về hư vô!
Cám ơn ông đã mơ về những giấc mơ đẹp như đời thật & đã sống một cuộc đời thật như một giấc mơ…ĐCHMĐHVTMĐ rốt cuôc rồi cũng sẽ đến một …buổi chiều...
“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông…”
Cuối đêm hoang vu ấy - Tất cả bông khế đều rợp trời, bừng lên như những cơn mơ, như những cụm mây tha thiết trôi nghìn đời, hay tất cả là KHÔNG, vắng lặng, tịch mịch, không một bông khế nào nữa… Không còn gì cho không-còn-ai nữa…
ĐI cho hết…TÉ ra là…
/./



















































Đi

Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
Có còn gì nữa mà thương
Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa.

Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch nào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim

Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm
Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không
Án Đa La tịch mịch hồng
Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên
Bát Nhã là gái thiên tiên
Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao
Gió lùa thơm tóc tơ đào
Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn
Trời mưa chim ngủ trên ngàn
Sắt son tình cũ nước tràn sang sông

Đã đi rồi có đi không
Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương
Đi đâu mà lại lên đường
Hạ phương còn gặp cô nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về
Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê
Một bông hồng nở bốn bề lặng im
Năm nàng tiên đậu vào tim
Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Nhập định tam muội tần thân
Trở về động cũ như lần gặp xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Đền thiêng triệu ngưỡng người xưa kiếp nào
Tình bay lên nóng trăng sao
Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thương phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm.

(PCT)

web counter


Không có nhận xét nào: