Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Tôi đi tìm lại một mùa xuân...



VỀ MỘT MÙA XUÂN DỰ TƯỞNG (HOÀI DIỄM TỪ) (Xuân Hồng Tuổi Ngọc 1973)

Tạm thời đưa em về bên đó
Thắp ngày vui rũ sạch áo hoàng hôn
Ta sẽ lấy nhau như những tin đồn
Tiệc thời gian mượn mùa xuân làm chứng
Gió bớt lạnh bởi có tình hâm nóng
Trời có buồn mây trắng sẽ làm quen
Ta sẩy chân vào chốn ưu phiền
Hãy bình tĩnh ướp đời nhau bát ngát
Hãy thong thả mở phơi tình tươi mát
Đợi bướm về ăn cưới những cành hoa
Anh sẽ đưa em đi hỏi từng nhà
Tìm tuổi thơ lầm than trong trí nhớ
Ta dắt dìu nhau trở về quê cũ
Thả thuyền con cùng khai hội dòng sông
Em đừng quên hát mừng tuổi ruộng đồng
Vì mái tóc chở đầy hương lúa mới
Tạm thời gửi mùa xuân về bên đó
Nắng chia vui lộc biếc nở đầy cành
Trong trái tim giáp mặt những đường ranh
Những ngã rẽ đưa người chung một lối
Không còn ai trong tình buồn đứng đợi
Em thẹn thùng tô một chút son tươi
Tựa vai anh trang điểm lại môi cười
Lòng ấm cúng như mặt trời mới mọc
Em xõa tóc đắp hồn nhau thơm ngát
Anh bỏ phố rêu bỏ núi bỏ rừng
Cầm tay em soi bóng xuống dòng sông
Nghe vũ trụ nói tình yêu thành thật.



Đọc 1 bài kỷ niệm của chị Julie Quang về tác giả DUYÊN ANH http://www.gio-o.com/Chung/JulieHoiUcTGNS8.htm (hoặc) http://hung-viet.org/p22834a23662/duyen-anh-ru-doi-phu-ao- (và nghe version RU ĐỜI PHÙ ẢO, trước đây chỉ nghe bản của Ngọc Hải thu chính thức vào tape sau đó Tú Quỳnh làm lại thành CD) - nhân kỉ niệm 20 năm ngày mất của ông - để thầm nhớ về một gương mặt đã chìm vào mù sương - nhưng những gì ông để lại cho cuộc sống này, những óng ả vàng mười thơ ca và kỷ niệm kết bày trong những tác phẩm của ông, và cả ...những gì ngoài văn chương: những tâm tình, giải bày, nỗi khổ và niềm mừng của ông - để gầy dựng nên một chốn đi về của những tâm hồn đẹp: tờ tuần san TUỔI NGỌC - không những cho một thời mà còn cho một đời - thì còn mãi....

Nhà văn của tuổi hoa niên, của tuổi vừa lớn... nhà văn viết VỀ và giữ DÙM tuổi thơ những cơn mộng đẹp (mộng mà ta đã từng sống qua, đã từng phiêu du trong cõi sống ấy... đến khi thoát khỏi cõi thơ ấy mới biết mình vừa rời khỏi thiên đường) - may mà còn có Duyên Anh - còn kéo theo mãi những chuyến tàu của tuổi vàng cõi mộng đi mải miết trên đường hành hương về vùng-tuổi-nhỏ-xa-mù; còn khơi lên những dạt dào cảm xúc của những năm tháng đẹp nhất đời người, còn là một nhà huyền thuật bí ẩn giải đáp được "nhu cầu tâm linh xao xuyến cần một điểm tựa, một trú ẩn, kẻ đi đường không có một điểm ánh sáng nào dẫn tới chân trời trước mặt, phải nhận đường bằng điểm lửa xa chiếu về từ một phía sau lưng..." (Mai Thảo nói về Duyên Anh trong Trò Chơi Của Trí Nhớ, Lời mở đầu trong Thằng Côn – Duyên Anh, 1968)
Như một bài thơ ngắn....mà miên man hoài hoài của PHẠM CÔNG THIỆN
"lơ lửng bông mồng gà
chiều ba mươi tết ta
tôi ôm gà tre nhỏ
chạy trốn tuổi thơ qua"
Với văn chương DUYÊN ANH, với TUỔI NGỌC - đứa bé trong mỗi chúng ta, cón có một nơi nương náu, còn có 1 bến bờ để bám víu, còn trú ngụ nơi một thiên đường mộng tưởng, còn có một vùng tuổi xanh để trốn nấp "tuổi thơ qua", có phải?!?....
Nhưng cũng chính DUYÊN ANH, trong âm nhạc,"...dường như sau những năm tháng khốc liệt ở trong nước, bây giờ như chim vừa được tháo cũi sổ lồng, Duyên Anh còn muốn nói thêm nỗi lòng của mình qua âm nhạc. Nhưng những ca khúc trong selection Ru Đời Phù Ảo chỉ có thể được soạn ra để nhà văn tự ru mình sau những cơn phiền muộn, mê hoặc, phù ảo và để tự vấn : chỉ còn vậy thôi sao ?" (Phạm Duy nói về Duyên Anh)
Từ hình ảnh của một một nhân vật trong "ÁO TIỂU THƯ" của chính tác giả (và cũng là truyện ...khai trương số 1 TUỔI NGỌC năm 1971)
"...Anh đã thật sự giã từ cuộc đời thơ mộng và đang vất vả leo dốc vật chất. Mọi người đều có một lần biệt ly bùi ngùi đó. Chỉ bất hạnh khi sợi khói tương tư vướng vào mắt, người ta không nhớ nổi kỷ niệm đầu đời...
Anh mơ hồ nghe tiếng gió êm đềm mười sáu năm qua luồn vào tâm tưởng . Anh đứng im lặng giữa chiến khu kỷ niệm..."
Luôn là niềm bâng khuâng của những nhân vật (hay của chính Duyên Anh), khởi đi từ những chiến khu kỷ niệm, khởi đi từ những phút-đứng-yên của tâm hồn mẫn cảm Duyên Anh, khi đọc Duyên Anh, may mắn thay, không ai phải mang chịu bất-hạnh "không nhớ nổi kỷ niệm đầu đời"...ấy) ...cho đến một khu vườn "phiền nhung gấm" trong âm nhạc :
"Một hôm bước chân luân lạc dẫn tôi vào hiu quạnh của đất trời. Tôi thấy từ trong cái khôn cùng nỗi tịch mịch đó; nỗi chết của mây mưa, tiếng hát của bóng tối, nước mắt của hư vô, điệu buồn của cỏ lá. Tôi cảm giác quanh tôi hạnh phúc đã đầy mầm bất hạnh mà chẳng ai biết mà chẳng ai hay; tôi bỗng dậy lòng trắc ẩn, tôi yêu mến người tôi thương xót đời và tôi lên tiếng "ru đời phù ảo"..."(Duyên Anh mở đầu băng RĐPA)
Dẫu từ trạm đầu "chiến khu kỷ niệm" của những mộng mơ đang-dần-thoát-khỏi-tầm-tay-với hay đến trạm cuối của "ru đời phù ảo" có phần chua chát của những bất toại - điểm chung chính là "tâm hồn trắc ẩn" của DUYÊN ANH, ông trắc ẩn cho kỷ niệm, trắc ẩn cho những vùng tuổi xanh, trắc ẩn cuộc đời, trắc ẩn hy vọng lẫn tuyệt vọng, trắc ẩn niềm vui và cả nỗi buồn, niềm "trắc ẩn" ấy đã khơi lên những sợi khói của nhung nhớ, của thương yêu, của một chút tiếc nuối hoài niệm mãi mãi trong bất kỳ thơ, văn, hay nhạc của ông...sợi khói tương tư làm ai cũng cay mắt...
huyvespa@gmail.com



Thư Xuân của nhà văn Duyên Anh trên số Tết Tuổi Ngọc Xuân Hồng tháng 1/1975

"Bạn ngọc,
Viết thư xuân vào một ngày cuối mùa đông nên trong thư còn phảng phất đôi chút gió lạnh hiếm hoi của tháng chạp miền nam. Đã trở thành thông lệ cho những giai phẩm xuân là gửi lời chúc Tết bạn đọc từ hôm ông Táo chưa lên chầu tời. Tôi thấy có cái gì rất gượng ép, gượng ép đến thành giả tạo mà chính mình cũng vấp váp nhiều lần. Vậy lần này không vấp váp nữa, lần này để dành lời chúc tết nồng nàn cho tháng giêng, cho số Tuổi Ngọc Tân Niên rất đông đầy khởi sắc, mới lạ. Thư-xuân-viết-vào-mùa-đông sẽ chỉ là một vài tâm sự vụn cuối năm thay vì "kết toán niên để" nghe nó đao to búa lớn quá đi thôi. Phải thế không, bạn ngọc ? Phải rằng mỗi số Tuổi Ngọc thường đã là một Xuân Hồng. Phải rằng mỗi số Tuổi Ngọc thường đã đẹp hơn, tươi non hơn bất cứ một số báo xuân nào của thiên hạ ba trăm sáu mươi nhăm ngày mới một lần cố gắng đượm đà hương tết. Thế thì bắt chước thi sĩ Đông Hồ đã sảng khoái ngâm nga : Làm chi xuân một lần khai bút, Bút đã khai từ thiên địa khai, ta cũng vi vút ngâm nga : Làm chi xuân một lần thư tết, Thư đã đưa từ Tuổi Ngọc khai ! Thư đã viết từ Tuổi Ngọc số 1. Thư vẫn còn viết. Đó là những thư buồn bã được xếp vào loại thư tả oán não nề nhất thế giới mà, có nó, bạn ngọc trách móc, thiếu nó, bạn ngọc nhớ nhung. Đôi khi, tôi tự hỏi Tuổi Ngọc hay ở chỗ nào. Và cuộc hội thảo quán cóc bèn xẩy ra giữa chúng tôi và một vài bạn ngọc. Cuộc hội thảo tốn một chai Top xanh cho Từ Kế Tường, một ly sữa nước đá cho Đinh Tiến Luyện, nửa chia bia 33 cho Nguyễn Thanh Trịnh, và chai xá xị con cọp, con nai cho bạn ngọc và mười chai bia 33 cho tôi. Tôi uống nhiều ghê. Ai uống bia nhiều, người ấy buồn nhiều. Vậy bạn ngịc đừng dại dột uống bia hay uống rượu. Lâu, rất lâu, ta làm một ly nhỏ gọi là Một ly cho đỏ mặt, Cho lên hương cuộc đời. Có câu trả lời cho Tuổi Ngọc hay ở chỗ nào rồi. Đây này : Tuổi Ngọc hay nhất ở chỗ thư tòa soạn, hay nhì ở chỗ nói thật nhiều thực hiện chẳng bao nhiêu, hay ba ở chỗ không dứt khoát trả lời bài nhận được đăng hay loại, (cứ lấp lửng đáng ghét và đáng yêu) hay tư ở chỗ truyện dài dài ngắn thất thường, hay năm ở chỗ đủ tiền thì lên tuần báo, hết tiền thì xuống bán nguyệt san, hay sáu ở chỗ bìa do Đinh Tiến Luyện vẽ với một "xì tin" nhàm chán (vậy mà tôi lại khoái mới kỳ), hay bảy ở chỗ dù tuần hay nửa tháng, tòa soạn chỉ có ba mống (còn lại là lính ma đứng tên trong bộ biên tập, lính ma không ăn lương, lâu lâu bắn xẻ một cái truyện ngắn, vài bài thơ) hay tám ở chỗ chủ nhiệm kiêm tùy phái nạp bản kiểm thâu ngân viên đi thu tiền ở nhà phát hành kiêm chuyên viên mua chịu giấy kiêm tài xế chở bia từ nhà in Nguyễn Văn Viết bên Thị Nghè về trốn thuế nhập thị hai bò, hay chín ở chỗ lười đăng quảng cáo uốn tóc sửa sắc đẹp và hay mười ở chỗ không bao giờ treo biển Tuổi Ngọc trước cửa tòa soạn. Có thể kể thêm những cái hay, nếu cậu Kiến Vàng mở cuộc thi ăn giải thật ở mục Chạp Phô. Tuy nhiên, CÁI HAY viết hoa lại ở chỗ bạn ngọc còn chịu khó chiếu cố Tuổi Ngọc. Và, cái hay này, nên mở cuộc phỏng vấn bỏ túi : Với một tờ báo mười cái hay hỗn láo, tại sao bạn mua nó làm gì ? Có nên mở cuộc phỏng vấn chăng, bạn ngọc ?
Bạn ngọc,
Nói rằng Tuổi Ngọc lỗ vốn là nói dối. Tuổi Ngọc, với mười cái hay cộng thêm một CÁI HAY sức mấy mà lỗ vốn. Bán báo cũ cân ký lô thanh toán tiền thù lao này nọ, Tuổi Ngọc lời chút đỉnh, đủ tiền thuốc lá, cà phê, xăng nhớt. Tôi đã kể lể với nhà văn Bình Nguyên Lộc thế, ở một quán cà phê Ba Tàu, và tác giả truyện ngắn Rừng Mắm bất hủ chi một câu khích lệ : Tốt rồi, không lỗ là cự phách rồi, là lãi nặng vì chưa có thuở nào báo văn nghệ lãi ở cái xứ sở có bốn ngàn năm văn hiến này. Thỉnh thoảng, Tuổi Ngọc lại có thêm bạn ngọc mới. Tưởng cũng nên ôn cố sự để bạn mới hiểu rõ về tờ báo nhỏ bé yêu dấu của mình. Tôi bỏ ra 600 ngàn đồng in 4 cái bìa một lúc và hoàn thành 1 số báo. Nhà phát hành ứng trước 250 ngàn đồng. Bèn mua chịu giấy in số tiếp, chờ thanh toán mua bìa. Cứ thế, số vốn còm cõi, số vốn làm báo ít nhất của làng báo thế giới loay hoay mỗi tháng xuất bản 2 số Tuổi Ngọc. Nếu anh em chúng tôi có một cái nhà in một máy thôi (máy cổ điển chạy cà rịch cà tàng là dư ăn), chúng tôi có thể làm hay thêm chút nữa. Hoặc nếu chúng tôi có cái máy in ốp xét và được Bộ Văn Hóa Giáo Dục mua ủng hộ mỗi kỳ vài trăm số báo, Tuổi Ngọc sẽ đẹp và hay như bạn ngọc mong muốn. A, hãy nói về Bộ Giáo Dục năm sáu năm trước, thời ông Lê Minh Liên làm tổng trưởng, thời Tuổi Ngọc bộ cũ khổ lớn. Bấy giờ, ông Châu Kim Nhân chưa làm tổng trưởng tài chánh. Bây giờ, ông Nhân làm tổng giám đốc trung ương tiếp vận. Tôi quen với ông Nhân. Ông đã đi lấy quảng cáo giùm Tuổi Ngọc nhưng người ta chê báo Tuổi Ngọc không có hiệu quả thương mại ! Ông Nhân bèn dẫn tôi lên "yết kiến" ông Lê Minh Liên với ma két Tuổi Ngọc và tôn chỉ, đường lối. Ông tổng trưởng Liên "lấy làm một sự" hứa hẹn tưng bừng. Ông bấm chuông. Tùy viên của ông hối hả trình diện. Ông bắt tùy viên ghi "vấn đề Tuổi Ngọc" vào sổ. Rồi ông mời tôi xuống tiếp xúc với ông giáo Lưu Trung Khảo. Tôi ra về thơ thới hân hoan. Hôm báo ra mắt, ông tùy viên của Bộ tô lô phôn nhắn : Thưa ngài chủ nhiệm, mỗi tuần, ngài cho người namg lên Bộ 2 số Tuổi Ngọc ! Tôi bảo ông tùy viên đợi tôi một tí. Bèn làm con tính. 1 số báo 20 đồng. 2 số báo 40 đồng. Mỗi tháng Bộ ủng hộ 160 đồng bạc Việt Nam. Mỗi năm Bộ "tài trợ" những... 1930 đồng. Nhiều quá. Nhưng thuê một chuyên viên đưa báo và thu tiền Bộ "tài trợ" mất 6000 đồng một tháng. Vậy nên trả lời : Thưa ngài tùy viên, chúng tôi cảm động muốn ngất xỉu về sự ưu ái của Bộ ta, để đền đáp tấm lòng "tài trợ" quý hóa đó, xin ông tùy viên làm tờ trình với ông tổng trưởng rằng, nếu không có gì trở ngại, hãy cử ông tùy viên mỗi tuần xuống tòa soạn, chúng tôi kính biếu 6 số báo nóng hổi.Dĩ nhiên, chuyện chấm dứt ở đó. Nay, một vài người khoái Tuổi Ngọc, cứ đòi dẫn tôi lên "yết kiến" ông Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục, tôi đành giả vờ đối lập hạng nặng mà biểu lộ lập trường : Không thể lấy tiền nhà nước làm báo được. Nhà nước tài trợ những 6000 đồng (giá báo hiện thời) một năm, mình xây bin đinh sợ dân chúng khiển trách ! Nhân tiện nhắc tuần báo Búp Bê tám chín năm qua. Hồi đó tôi quen ông Mark Crooker, một chức sắc ở Juspao. Ông Crooker đã tự ý xoay sở cho tôi làm chuyến thăm Mỹ quốc 3 tháng. Ông khảo sát khả năng Ăng lê tự học của tôi, đến tận nhà tôi mỗi ngày "Anh văn thực hành" để tôi nghe quen dễ hiểu. Rồi ông mang hồ sơ cho tôi điền tiên ký... và đóng dấu ! Chuyến Mỹ du hỏng. Ông Crooker tiết lộ có mấy ông Mít cùng sở báo cáo với xếp của ông rằng tôi ghét Mỹ, từng viết những phóng sự chế giễu Mỹ kịch liệt. Tuy nhiên, hay tin tôi xuất bản báo nhi đồng, ông vẫn giúp đỡ. Ông đề nghị Juspao cung cấp bìa "de luxe" in giùm luôn, chỉ yêu cầu bìa sau Búp Bê là truyện tranh lịch sử Hiệp chủng quốc. Tôi không bằng lòng. Và bìa Búp Bê in bằng giấy báo và xuất bản được 6 số là kềnh. Tôi có thể trả lời những anh ái quốc nửa mùa, những anh thiên tả chột ngớ ngẩn rồi đấy. Tôi đợi hôm nay mới trả lời các anh ấy. À, các anh ấy cứ quả quyết Tuổi Ngọc nhận tiền của Mỹ và Nhà Nước để ru ngủ tuổi trẻ.
Bạn ngọc,
Bộ Giáo Dục không thèm biết đến báo Tuổi Ngọc. Điều này dễ hiểu. Vì Tuổi Ngọc chỉ nạp cho Văn Khố Quốc Gia có hai bản. Luật bắt nộp thì phải nộp. Nộp ở Thông tin, Nội vụ, Tòa án là đúng. Nộp ở Văn Khố thuộc Bộ Văn Hóa Giáo Dục là sai. Đáng lẽ, muốn có sách báo cho thư viện, Bộ phải mua. Chúng tôi cong người chạy mua chịu từng tờ giấy, Bộ không có bổn phận điểm báo, điểm sách trước khi cho phép chúng tôi phát hành, Bộ lấy sách báo của chúng tôi là điều vô lý. Nhưng chúng tôi đang sống với khá nhiều sự vô lý. Tôi đã vác 8 cuốn Cây leo hạnh phúc dầy cộm (giá 1400 đồng 1 cuốn) cống Văn Khố, đau buốt ruột gan. Người lãnh đạo văn hóa là ngài phụ tá Đỗ Văn Rỡ, chuyên viên khuyến lệ cổ ca, không hề đọc sách của tôi, bắt nọp chi tới 8 cuốn, trong khi, ở Thông tin chúng tôi chỉ nộp có 2 cuốn ! Tôi nói ngài Đỗ Văn Rỡ không hề đọc tôi là có dẫn chứng đàng hoàng. Hôm nhà văn Nhã Ca tổ chức cuộc tiếp tân tại Trung Tâm Văn Bút, có ngài Đỗ Văn Rỡ chủ tọa chi đó. Tôi cũng đến dự. Chủ tịch Thanh Lãng giới thiệu ngài với tôi. Chúng tôi thảo luận văn chương rất xôm tụ. Nhân ngài bàn về vấn đề thiếu nhi, tôi mới hỏi ngài đã đọc cuốn Bò sữa gặm cỏ cháy của tôi chưa, ngài thật thà đáp chưa từng đọc cuốn sách nào của tôi, dù tôi đã viết 50 cuốn và dù ngài lãnh đạo văn hóa miền Nam. Tôi bèn chán quá. Đó, ngài Đỗ văn Rỡ (chắc hôm nay vẫn chưa đọc tôi) không đọc tôi, bắt tôi nạp bản ở Văn Khố những 8 cuốn làm gì ? Thành ra, đừng bao giờ kỳ vọng ở Bộ Văn Hóa Giáo Dục đã đành, mà còn phải vừa chạy gạo nấu cơm ăn để sống vừa viết văn vừa mua chịu giấy, in chịu sách vừa lạy các nhà phát hành vừa... ủng hộ Văn Khố. Và lâu lâu nghe quý vị lãnh đạo văn học nghệ thuật dạy dỗ cái sứ mạng cầm bút, cái trách nhiệm văn chương và cái ảnh hưởng vô cùng của văn hóa. "Làm văn hóa mà lầm là giết muôn đời". Nhưng viết văn mà đói thì chỉ môt mình tên văn sĩ chết kéo thêm sự đói rách của vợ con hắn ta. Hi hi, vui ghê nơi. Vui hơn, khi tháng trước, một ông Ấn Độ, sứ giả của Unesco, sang Việt Nam ghé thăm Tuổi Ngọc điều tra và hứa hẹn giúp đỡ. Vị này yêu cầu Tuổi Ngọc gia nhập Tổ chức Báo Định kỳ Á Châu. Đồng ý liền. Lại phán : Hai năm nữa sẽ được giúp đỡ thiết thực. Thưa ông mỗi tháng được cấp mấy nghìn đô la ạ ? Ồ, không có đô la, tiền đâu làm nền... văn hóa quốc tế. Tổ chức sẽ cung cấp bài vở cho quý báo tùy nghi xử dụng, khỏi trả nhuận bút. Cám ơn ông, bài vở thì bạn ngọc của chúng tôi viết hay hơn quý ông ngàn lần. Với lại, hai năm lâu thí mồ, chúng tôi sợ sẽ kềnh trước ngày nhận được bài vở của Unesco. Chúng tôi được cả sự trợ giúp của cả quốc tế nữa, bạn ngọc ạ !
Bạn ngọc,
Bạn đã chán đọc thư xuân chưa ? Nếu chưa thì nên đọc tiếp. Những giòng sau đây lạc quan, yêu đời chứ không mỉa mai, cay đắng nữa. Chúng ta trở lại cái máy ốp xét nhé ! Giá có một cái máy ốp xét nhỏ, Tuổi Ngọc sẽ xuất bản tuần báo và cam đoan in 5000 bán 4000. Hễ bán nổi 4000 là sống muôn năm. Dĩ nhiên, sống bình thường để chơi báo đẹp chứ không phải làm giàu nhờ báo.Nhưng hãy quên cái máy ốp xét đi. Tuổi Ngọc chẳng nuôi nổi máy đó. Nhiều công việc mới nuôi nổi nó và thợ phụ trách nó. Ta bắt đầu lạc quan. Trước hết, tôi lạc quan. Tôi lạc quan bằng cách làm thơ. Xuân Hồng Tuổi Ngọc in thơ của tôi đấy. In khuyến khích mầm non thi sĩ. Ra giêng tôi xuất bản một thi phẩm đua tài với hai thi sĩ Elvis Đậu và Đoàn Dự. Tôi còn yêu đời với 5 truyện dài vui nhộn, cười bằng thích, 5 truyện vui nhộn và cả truyện lãng mạn. Ăn tết xong, tôi cho phát hành truyện Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Kế đó là truyện Em Yêu mở đầu tủ sách Tuổi Ngọc Phổ Thông. Tôi cũng định đưa Tuổi Ngọc trở về đời sống tuần báo. Khó khăn là giữ số trang như bán nguyệt san hay rút số trang xuống. Giữ nguyên, với giá 250 đồng tôi sợ Tuổi Ngọc quỵ vì bạn ngọc nghèo như Tuổi Ngọc, một tháng phải chịu cả ngàn bạc, tiền đâu. Rút xuống, Tuổi Ngọc sẽ mỏng dính, trông thảm lắm. Vậy cách hay (lại hay) là Tuổi Ngọc xuất bản 10 ngày 1 số. Nhưng chúng ta nên chờ xem tháng giêng có ngon, mùa xuân có êm đềm không cái đã. Cuộc cách mạng kinh tế mùa đông 1974 của tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo hứa hẹn nhiều no ấm, chúng ta cần hy vọng để Tuổi Ngọc vùng lên. Tạm thời, chúng ta cứ bán nguyệt san xem sao. Tuổi Ngọc Tân Niên số 154 khởi đăng hai truyện dài của Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường. Mục Nhìn xuống đời thêm nhiều trang, chú ý tới những sinh hoạt văn nghệ tỉnh nhỏ và tìm kiếm những cây bút trẻ có triển vọng để giới thiệu tác phẩm của họ một cách rộng rãi, nghĩa là xuất bản tác phẩm của họ và phổ biến văn tài của họ trên các tạp chí văn chương, trên đài phát thanh. Vân vân... Tuổi Ngọc sẽ bỏ mục Chạp phô, chừng xuất bản dưới hình thức tuần báo sẽ cho nó... tái ngộ. Đại khái, từ số 154, Tuổi Ngọc sẽ khoác chiếc áo mới. Tôi cố gắng suốt năm 1975 với Tuổi Ngọc, qua năm 1976, xin nhường lại Tuổi Ngọc cho Đinh Tiến Luyện và tôi nghỉ dưỡng sức vài năm. Có thể, trên đường dưỡng sức, sẽ nghỉ luôn nghề viết. Đã đến cái thời của những Nguyễn Thanh Trịnh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường và của một số bạn ngọc mà tôi chưa tiện nêu tên tuổi họ, ngợi ca tuổi trẻ và tình yêu của chính tên tuổi họ. Tiếng nói của tôi không còn êm ái nữa. Đã nhiều gai góc. Tôi không thể đi tiếp con đường tôi đã đi ròng rã mười lăm năm. Phải bỏ nó hoặc, còn muốn đi, phải kiếm con đường khác, con đường mới có một mình ta đi. Hãy buồn giùm tôi một tí, bạn ngọc, tôi đã bốn mươi mốt tuổi. Bốn mươi mốt tuổi mà những hai mươi năm luân lạc, và mưu sinh và lắp sừng nhọn húc đua với cuộc đời trong cuộc chiến khốn khó để vượt lên, tôi thấy tôi già gấp hai lần tuổi thật.
Bạn ngọc,
Chiều nay, tình cờ gặp trên bàn viết ở tòa soạn một mẩu bài của thi sĩ Nguyên Sa (tập san Nhà Văn chung tòa soạn với Tuổi Ngọc) xé rời cho thợ sắp chữ và còn sót trước mặt tôi. Tôi cầm đọc. Gặp giòng này : "...Tuổi Ngọc là báo làm đẹp chữ nghĩa". Chỉ có vài tờ báo làm đẹp chữ nghĩa (hình như hai) từ mấy năm gần đây, theo Nguyên Sa (Nhà Văn, số Tết). Tôi cảm động chút chút thôi. Nhưng tôi dám chắc bạn ngọc cảm động nhiều. Bởi vì, bạn ngọc đã viết cho Tuổi Ngọc, đã đọc Tuổi Ngọc tức là đã đóng góp tích cực vào việc làm đẹp chữ nghĩa. Thư-xuân-viết-vào-mùa-đông dừng ở đây. Với nhiều bâng khuâng như thuở đầu đời còn muốn ghi thêm vài câu nồng nàn cuối bức thư tình thứ nhất"

Thân ái,

Vũ Mộng Long
(15-01-75)










Người Việt Đinh Dậu - “Miền Nam yêu dấu”

“Miền Nam ! Niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam ! Tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây, mùa xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ
vui ca tung gieo nguồn sống
đắp xây tự do”









BÀI ĐẦU NĂM TÌNH YÊU (Nguyễn Tất Nhiên)
nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình
đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ
óng ả linh hồn, ríu rít nhịp tim

nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
linh hồn anh từ đó ướp trầm hương
linh hồn anh, từ đó, ngạt ngào thơm
máu, như nước hoa chan đời lễ lạc
máu, như gió lành chảy qua ruộng đồng bát ngát
chở chuyên mùi lúa chín quanh năm
như sông hiền chia chín ngả: cửu long giang
ôm ấp phù sa, lẫy lừng sức sống
tình, đã mở ra một bầu trời nạm ngọc
linh hồn anh, từ đó, khảm muôn sao

nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
thơ học trò anh thách thức thời gian
có luật đào thải khắt khe, có kẻ cùng thời ghen tị
hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ
hạt răng đều chới với đứa ngồi trông
thơ học trò anh gieo vần tuyệt kỹ
thơ học trò, anh thổi ấm gió tàn đông
cho ai mang vào trường khoe với bạn: của anh Nhiên …

nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
mười ngón tay gầy anh có cách chi không
nhặt cả bóng cả hình chàng thi sĩ
lẫn cái tài hoa, trao gọn giữa tròng đen

Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
linh hồn anh, từ đó, bỗng ham vui
linh hồn anh, từ đó, mãi mê chơi
thượng đế nếu hỏi tại sao, anh sẽ trả lời mạnh dạn:
thiên đàng của ngài là an bình, thanh thản
ngài nên đem phủ dụ những bà cả ông già


nắng xuân nào long lanh trong mắt bé
đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình
đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ
quên hết phận người, hiện tại, việt nam … (1975)


Image may contain: 2 people, text





"Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương..."

"đường trần em đi/ hoa vàng mấy độ..."
"vàng phai sẽ cuốn đi mịt mù..."












Image may contain: 1 person, plant, tree and outdoor


Không có nhận xét nào: