Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Mai Thảo & "Hà Nội ở dưới ấy" (Hà Nội của MT trong tạp chí trước 1975)

Mai Thảo & "Hà Nội ở dưới ấy".
(Hà Nội của Mai Thảo trên một số tạp chí trước 1975)
“Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.” (ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI – MAI THẢO)
Hà Nội đã “ở dưới ấy” từ đó, từ một điểm nhìn đưa Hà Nội…xuống dưới của nhà văn Mai Thảo.
Và rồi, từ cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vĩ đại của gần 1 triệu người từ những năm 1954…nhờ những chuyến bay con thoi của phi cơ Pháp, Mỹ chở người từ miền Bắc vào Nam, những con tàu há mồm LST của Hải Quân Hoa Kỳ qua chiến dịch di cư tìm tự do Passage to Freedom…chúng ta đã có một Hà Nội kiếp trước ở Saigon, có một nền VHNT rực rỡ vàng son …
Từ đó, Hanoi đã thành một mờ mịt xa, một dĩ vãng chối bỏ…
Từ đó, Mai Thảo đã đến với “Sài Gòn - thủ đô văn hoá của Việt Nam”.
MAI THẢO đến với văn chương…và trong một chừng mực nào đó, ông đã làm thay đổi tiếng Việt, làm nó đẹp hơn, óng ánh hơn, thơ hơn…Cùng những người bạn từ một lên-đường-lớn của ông trong “nhóm SÁNG TẠO” những năm 1956-1960, diện mạo của văn chương miền Nam cũng được giở sang một trang khác. Để khắc họa hình ảnh “văn chương” trong thời kỳ đầu này - nếu chỉ bằng 1 đứa con tinh thần - thì đó phải là ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI, về mặt địa lý và “tâm lý”, ông đã cắt đứt Hà Nội bằng tác phẩm này, ông đã tự làm tắt đến tận cùng “điểm le lói cuối cùng” của ngọn lửa Hà Nội…
Trong giai đoạn đầu ở giữa lòng Sài Gòn, êm đềm với những “đời người yên, trên những vỉa hè hiền”, ông đưa ra những tuyên ngôn quyết liệt của mình, ông tìm (lại) cho mình một căn cước mới, sau “giã từ”, sau một “lìa cách đã”, những đoản văn của ông như một định danh lại lại vùng đất của trú ẩn tình tự mới, vùng đất mà nay ông “xin nhận nơi này làm quê hương”, điển hình là qua đoản thiên HÀ NỘI – MỘT ÁNH LỬA ĐÃ TẮT , một trong những đoản thiên/ tuỳ bút hay nhất của Mai Thảo, và cũng là 1 trong những đoạn viết hay nhất về Hà Nội/ về sự chia cách "đến tận cùng" trong văn chương Việt.
Và còn nữa, trong “THƯ CHO MỘT NGƯỜI BẠN”, ông chính thức "khai tử" Hanoi, ông đã thỏa hiệp và đã sống cùng Saigon – nơi “sống tự nhiên không băn khoăn, không lựa chọn, nhẹ nhõm và đơn giản” – bởi lẽ “ý niệm về cái đẹp hiểu cái đẹp theo quan niệm và mơ ước của người Hà nội trong tôi ngày nào còn sống với Hà nội, ở tôi bây giờ không còn nữa. Nó đã chết. Trong suốt một phần đời, nó đã phủ lên hình hài và tâm trí tôi như một tấm áo gấm sặc sỡ, tấm áo đã rớt xuống một lúc nào tôi cũng không hay”.
Mai Thảo đã để lại Hà Nội phía sau (hay nói đúng hơn là để lại Hà Nội ở bên dưới) nhưng tận cùng dứt bỏ đó chưa là một dứt bỏ hoàn tất, đó chỉ là một bước đi “làm chưa xong hết cuộc tiễn đưa” của ông… Cái hồn Hà Nội trong cõi viết của ông còn là một cái hồn Hà Nội của “văn đoàn” – cái văn đoàn mà ông muốn đoạn tuyệt…!!! Tâm thức của ông, lúc nào cũng là một thao thức ngàn trùng, về Hà Nội, về Việt Nam… Như trong một trong những bài thơ cuối đời của mình, thao thức về một cố quốc, cố xứ…và cố hương…
“…Thượng tầng trời
Quan tài bay lạnh buốt như băng
Bốn trăm người ngủ hết
Việt Nam thức một mình
Một điểm thức lung linh
Trên loài người cách biệt.”

Một ngày tháng 10, của 65 năm sau (1954-2019), Sài Gòn,
huyvespa@gmail.com

./.



























































































































SDC12580SDC12581SDC12583SDC12584










<SAMSUNG DIGITAL CAMERA>

TUỲ BÚT MAI THẢO trên KHỞI HÀNH
MƯỜI LĂM NĂM
(2 kỳ trên 2 số báo liên tiếp)

1.
MỘT ngày tháng bảy năm 1954, sau một chuyến bay dài đúng chiều dài những ngọn núi và những giòng sông ba miền đất nước, một chiếc phi cơ vận tải trưng dụng cho lên đường tập thể, cất cánh từ một phi trường bên kia đã thả tội xuống một phi đạo bên này. Phút hạ cánh đó, nhớ đúng là mười hai giờ trưa. Nắng đứng bóng. Phi đạo lòa chói. Đứng giữa cái biển nắng chập chờn ngút mắt, tôi ngây người nhìn chiếc phi cơ vừa ngừng bánh, bánh đã lăn đi. Đôi cánh bạc lấp lánh mặt trời, con chim lớn trườn mình về cuối phi đạo. Nó trở lại, vượt thật nhanh qua tôi như một làn tên bắn thẳng.
Và, trong một gầm thét dữ dội, lại cất bổng mình bay lên không gian. Tháng bảy. Năm tư. Đất nước là một vận hành vĩ đại. Và những đời xe mây của ta đã lăn, lăn suốt đêm ngày. Trong tím thẫm hoàng hôn đang xuống. Trong dáng hồng buổi sớm vừa lên. Tháng bảy. Năm tư, Những hành lang thênh thang của biển tấp nập chở người. Những xa lộ bát ngát của thời nườm nượp chân tới. Dân tộc ta năm đó còn chờ ở Gia Lâm, ở Hải phòng, đông lắm, và chiếc phí cơ ném tôi xuống, lại ngược đường bay về ngay Hà Nội. Từ cái buổi trưa của những thông vận con thoi con én không ngừng ấy, đến nay, vậy là đã mười lăm năm trời tôi ở miền Nam. Mười lăm năm miền Nam. Tháng ngày chớp mắt. Thoắt nhìn ra Saigon buổi sáng hôm nay, trong thánh thót tiếng ca đầu mùa mưa dậy, tôi mới đến ngày nào, vậy mà đã mười lăm năm rồi, trời rất xanh mưa đổ hạt vàng, tôi đã sống giữa cái nắng chói loà của miền Nam mười lăm năm vây bọc. Mười lăm năm. Biết bao nhiêu chuyện. Để nói. Về những con đường. Về những ngọn lúa. Về những ngôi nhà tôi đã ở, những khuôn mặt tôi đã gặp, những tiếng nói tôi đã quen, những bằng hữu mới nối. Mười lăm năm. Biết bao nhiêu chuyện. Để nghĩ. Chuyện những cái gốc. Chuyện những đầu cành. Đời của những mầm, tuổi lên từ hạt. Chuyện của đứa nhỏ ra đời trên máy bay, đứa nhỏ ấy đã bây giờ ra trận. Chuyện ông già Nam Định bảy mươi tuổi vẫn trồng cây mới, đã nằm yên trong lòng đất Hạnh Thông Tây. Làm một con toán tình cảm, ý thức và tâm hồn. Cộng lại những cái nhận. Trừ đi những cái cho. Xem lượng đời đã cạn vơi hay lượng đời còn đầy ắp.
Ngó xuống những dấu chân mình. Nhận định một tiến trình. Nghiên cứu một liên hệ. Xem tôi đã hòa nhập, đã vào tới trung tâm hay vẫn đứt rời trên một đường lề mất hút. Làm một nhận đường sau mười lăm năm, tôi muốn bày tỏ trước hết một băn khoăn trang trọng. Người ta có thể sống suốt đời, với một người. Và cái suốt đời kia chỉ là một khoảng trống. Người ta có thể chỉ sống một phút. Nhưng một phút kia mà kỳ diệu, đã thừa dư ý nghĩa một đời. Vậy thì tôi đang hỏi tôi đây. Với những bóng dừa nghiêng trên đường tới Lái Thiêu, những tà áo bà ba trên đường về Cần Đước, với lúa đang chín những ruộng đồng Lục Tỉnh, cỏ đang xanh từng bãi thấp Tiền Giang, sau mười năm năm, tôi thấy là tôi đang hỏi tôi đây. Hỏi tôi đã vào trong hay vẫn đứng ngoài? Và gặp nhau rồi thì đã tình yêu, hay lưng vẫn quay lưng, vẫn người lạ mặt?
Cảm tưởng đầu: miền Nam phơi mở, như hình ảnh một cây quạt mùa hè, sòe đủ trăm nan, quạt ra hết gió. Nhưng từ liễu Hồ Gươm đã mang theo làm bóng mát tâm hồn, tới nhận bóng dừa Lái Thiêu làn bóng mát mới, hòa nhập ấy thật tình không ngon, không dễ. Những ngày tôi mới tới, cái bề ngoài ra chiều thuận hợp, nhưng cái bên trong, thực ra thuận hợp vẫn chưa là. Đổi Rời đánh gốc tôi đi, thực là có đem trồng lại trên một đất mới. Hoà nhập thực là có khởi sự từ một trạng thái ghép cành. Cái cây lớn lực lưỡng, sinh khí nó khác, khác từ màu xanh đầy ắp trong thân. Và cành tôi ghép vào, thoạt đầu đã nhận chịu một đẩy đi hơn là một gắn liền tốt đẹp. Điều phải nói đến trước nhất chính là con người mình trước nhất. Chiếc phi cơ, chuyến tàu nào của một chuyến bay một chín năm tư cũng thả lên Bạch Đằng và Tân Sơn Nhất những mảnh địa phương trầm trọng. Tôi đến đây, mươi lăm năm trước, cũng không phải là đại đồng trong tâm hồn và thế giới trong ý thức mà đi. Mà đã rất địa phương trong tôi con người vượt tuyến. Và như thế, đã một bất dĩ sống bắt đầu. Con phố này lạ, không có hơi thở. Góc đường kia nắng, không có màu xanh. Trời cao vút, trời lại thiếu mây. Buổi sáng có sương mà không không một ngụn mưa phùn làm cho lất phất. Đã tháng tám rồi, mà một phiến nhỏ của mùa thu cũng không nhặt được cho tâm hồn thơ thơ. Nhà mới đến, không có linh hồn của só góc và đồ đạc cũ. Ngoài kia có những bốn mùa, cho nên sống tế nhị, sống đã thành nghệ thuật. Cái điệu ru nghìn thưở bốn mùa nay bất chợt chỉ còn một điệu nắng rồi một điệu mưa đơn giản, và cuộc sống dường chợt như đã bị tước đoạt thình lình cái áo khoác lung linh. Thời tiết, khí hậu, thuỷ thổ, như thế, đã trở thành nhưng trở lực thiên nhiên thật lớn cho cái khúc cành mới ghép. Tôi mất những thói quen và tôi bở ngỡ. Tôi chẳng còn trong tôi một thế quân bình. Và tôi đã nghiêng đi.
Nghiêng đi. Người đã nghiêng đi. Tôi đã nghiêng đi trên những con đường. Tôi đã nghiêng nghiêng trên từng bước một. Mấy năm đầu ở miền Nam, thay vì cho cuộc sống tĩnh tại ở Sài Gòn bây giờ, tôi đã đi khắp hết.
Hình như bây giờ là sự thúc đẩy mãnh liệt của một cần thiết thu nhận khẩn cấp. Cho mắt no, Cho tai đẫy. Cho hồn đầy. Kẻ trắng tay những ngày tháng khởi đầu, đúng là muốn tích lũy cho mình trong một thời gian kỷ lục, một cái vốn mới, tối đa. Và nghĩ là để đốt nóng lại mình bằng những lượng sống đỏ hồng, thì phải uống liên hồi cho choáng váng và ngất ngư say, những bình rượu mạnh nhất.
Sống trở thành một đốt cháy giai đoạn. Tháng ngày tôi, tôi đẩy mạnh tay cho lăn gấp vòng quay. Mở thêm những cánh cửa mới cho cảm súc chảy ùa vào. Từng giọng từng đợt. Dựng lên những trạm tiếp thu giác quan mới, cho rung động chất đống. Từng khối, từng chùm. Tôi đã muốn như thế, muốn trăm phần miền Nam một phút trong tôi, bằng chớp mắt sống đủ một đời người, trong một khoảng khắc lấy một vạn cái mới thay một nghìn cái mất. Và tôi đã lăn. Như hòn sỏi tròn. Và tôi đã quay. Như cái chong chóng. Và tôi đã đến, đến hết một lần. Nhớ lại bây giờ, mấy năm đầu tiên thật là mấy năm cuống quýt. Thời gian đầu cho nhận diện miền này, thật là đã được đánh dấu bằng một nỗ lực không ngừng của lưu động thường trực. Cây ở đấy như thế nào? Lá cây xanh hay là lá cây tím. Sống ở đây như thế nào? Những suối bằng hay những lượn vòng?
Cái khúc cành vừa ghép chưa hiểu nó xanh, héo, sống, chết ra sao, nhưng cành kỳ khôi, đòi hiểu ngay vóc dáng và hình thù cây mẹ. Những chuyến đi kia đã đưa tôi đến, cái tôi bấy giờ là một thỏi nam châm. Những đêm ngủ đỗ dọc đường, nhìn sao Cửu Long trên mênh mông Vàm Cống, đêm Vàm Cống của một phiên chợ đêm, cả nghìn vạn con quẫy nhảy dưới bập bùng ánh đuốc. Những trưa Đà Lạt, nắng rừng lim dim, lá đổ theo cùng đường suối hát. Những buổi chiều ở Nha Trang, Tuy Hòa, ở Phan Thiết, biển với trời một mầu và bát ngát thuyền về. Những buổi trưa đứng một mình trên mỏm đảo Phú Quốc, nhìn sang cái phía đất liền kia là thắng cảnh Hà Tiên. Tôi đã ngủ suốt một ngày mưa núi trong một căn nhà sàn Kon Tum, và Long Xuyên dịu dàng, và Vĩnh Long hiền hậu, tôi đã đi trên những con đường nhỏ nhỏ. Đặt những ngày tháng mới thành một bữa tiệc thật lớn. Hàng trăm món ăn, nếm hết một lần. Cuối cùng là kẻ dự tiệc đời thiếu khôn ngoan đã bội thực.
Mười lăm năm miền Nam sau đó như thế nào. Khúc cành kia có ghép được vào thân cây mới? Cái bây giờ của nó ra sao? Tôi đang muốn tìm hiểu đây. Bởi sống ở miền Nam, không biết ở anh như thế nào, với tôi vẫn là một vấn đề. Một vấn đề nguyên vẹn. Mười lăm năm miền Nam, còn mãi một lắng nghe. Miền Nam mười lăm năm, còn mãi một tìm kiếm. Trời Saigon, đất và người miền Tây, suối và rừng cao nguyên, biển và cát Trung phần, những tà áo bà ba và những cánh rừng dừa, mười lăm năm rồi cũng đã bằng hữu, đã tình nhân. Vậy mà cái toàn thể miền Nam đến nay với tôi vẫn mới. Vẫn thật mới. Số báo tới này, tôi còn tìm hiểu tại sao Cái tại sao của mười lăm năm nắng vàng vây bọc.

2.
VẬY là đã mười lăm năm sống với miền Nam.
Sao tới phút này, mười lăm năm đất này, trời này, trong tôi vẫn mới ? Cải khúc cành nhỏ ngay nào, tôi đem ghép tôi vào cái thân đời lực lưỡng. Tới nay, xem chừng chỗ ghép đã xong. Đã tốt. Đã yên, Nhưng tâm linh cây với thể chất cành như vẫn có một cái gì khác biệt. Hòa nhập chưa đạt tới cái tuyệt vời của một hòa nhập toàn hảo. Cành với thân dẫn đã mười lăm năm ghép chặt, thân đã nuôi cành, cành đã lá xanh, nhưng cái trạng thái của hòa nhập chưa thể coi là một thống nhất tâm linh, chỉ mới sáng suốt một phía nào ý thức. Như người ta không yêu lắm. Mà lấy. Ở với nhau đằm thắm an lành, mà chưa thể bảo chung sống là tình yêu. Như cặp vợ chồng vẫn cứ mỗi người một thế giới riêng.Cho nên đêm nằm bên nhau, vẫn có những phút nghĩ rời cách. Như đoàn viên, hay lắm, nhưng nếu phải chia tay, cũng không có kẻ nào phải chết. Như đến với nhau, vẫn chỉ bởi cảnh ngộ ngoài mình xô đẩy tới. Như cái trường hợp hai người cùng ẩn trú dưới một mái nhà bởi đêm đó đầy trời giông bão. Và sáng mai, nếu trời đã yên và tuyết đã tan, thì lại đường anh và đường tôi hai ngả chia tay. Tại sao như vậy ?

Tôi tìm dần được những trả lời. Thứ nhất, về hiện tình tâm thể và tâm linh của cái cành được ghép. Nó đã sống nhưng còn muôn vàn xanh yếu. Nó đã tươi, nhưng thể chất chưa hồng. Nó chưa phải là thân, tận cùng. Nó vẫn còn là một cành rời, đâu đó. Nghĩa là không khí đã cùng, nhưng chưa chung nhịp thở. Nghĩa là đường đi đã chung nhưng hai điệu chuyển mình còn sai nhịp chân đan. Nghĩa là tôi đi tới vẫn thấp thoáng một vẻ nào quá khứ. Mới biết là nhận vào cái mới tuy là một chuyện khó, nhưng vận dụng được thứ cửu dương mãnh liệt cho đẩy bay đi những hàn độc trong mình, mới một triệu lần cực nhọc hơn. Hàn độc quá khứ tích luỹ trong tôi, dẫu đã sau rời đổi một vùng trời, vẫn còn là một xâm nhập len lách vào tận cùng lục phủ ngũ tạng. Trong máu trong xương. Trong da, trong thịt. Thứ hàn độc đó đến nay kiểm soát lại, tưởng không còn nữa, mà vẫn còn phảng phất là cái sức cản ngăn một cửa ngõ hồng tươi cho ánh sáng lùa vào. Tôi đã đến, như một con bệnh trầm trọng. Máy bay ném tôi xuống phi đạo chói nắng một buổi trưa tháng bảy nào mười lăm năm về trước, chỉ là ném xuống một cái hình người. Tôi lầm tưởng tôi mang toàn vẹn tôi đi, kỳ thực là tôi đã để lại cái phần lớn nhất của đời sống tôi trên những ngọn cỏ phi trường bên ấy. Cái vấn đề là phải làm lại hết. Làm mới hết mọi điều kiện lớn nhỏ của đời sống. Từ đầu . Như thế lâu lắm chứ. Đâu có một ngày. Đâu xong một buổi. Tôi chưa thể nắng ngay. Như nắng miền này, chan hòa, chói lọi. Tôi chưa thể mưa ngay. Như mưa miền này, ào ạt, chứa chan. Tôi chưa thể hồng ngay. Như Cửu Long hồng. Tôi chưa thể xanh ngay. Như Vàm Cỏ Tây xanh. Mà mười lăm năm rồi tới nay, chỉ có thể xem cái khoảng thời gian này như là một lần lần hồi phục. Mười lăm năm. Tưởng mình đã tưng bừng đi tới là sai. Vẫn chỉ là còn đang tìm cho bước chân một điệu đi chính xác. Mười lăm năm. Nghĩ mình đã khoẻ là lầm, mà vẫn chưa xong, trong tâm hồn và trong cơ thể cái tình trạng dưỡng thương. Tôi có thể đã hết đau. Rời chăn chiếu cũ. Đã thôi nằm bệnh. Nhưng khí hậu và thổ ngơi mới, đời sống mới và hiện tại này đôi khi còn làm cho thịt da tâm thức rùng mình, ấy là vì mới chiều hôm qua đây thôi, tôi từ bệnh viện đi ra. Và bởi vậy mà tuy đã hết đứng trên một đường lề, nhưng bảo là đã tới trọng tâm thì đường vào chưa tới. Dồn đánh được bằng hết ra khỏi mình những hàn độc cũ, bằng kinh nghiệm mười lăm năm sống dưới trời này, tôi nhận thấy rồi, quả là một triệu một nghìn khó nhọc.
Người ta sống, xem chừng như giầu có lắm. nếu không chỉ là một, mà có những hai, những ba đời sống cho anh. Mở cửa phía Đông, xem mặt trời mọc. Mở cửa phía Tây, xem lặn mặt trời. Chân một hướng đi vào ngõ trái. Đi đường bên phải này cũng lại chân đi. Tôi không tin ở cái giàu có. Cái tràn đầy của một hiện tượng nhân hai là cái hiện tượng nhị trùng bản ngã. Một cuộc đời thôi. Cái cuộc đời ấy lớn, là một thập toàn. Hai cuộc sống, cái nhị trùng là một trạng thái bất toàn. Như hai cái ghế liền nhau, anh muốn ngồi trên cả hai, anh chẳng ngồi trên một cái ghế nào. Anh chỉ ngồi hẩng, trên một khoảng trống.
Phiến gương tâm thế hai mặt cùng soi. Con đường cuộc sống hai phuong cùng tới. Vừa cửa Đông ngó mặt trời lên. Vừa cửa Tây xem lặn mặt trời. Thế đó. Và khám phá thứ nhì của tôi về sự thất bại của một nỗ lực hoà đồng toàn triệt với đất trời này là: cái cành đã ghép còn muốn duy trì một trạng thái phân thân. Hãy chỉ đi vào một. Hãy chỉ tới, một chiều. Hãy chỉ nghe một đường. Hãy chỉ nhìn một phía. Đã là khó. Đã là đổ máu và đổ mồ hôi. Đuổi bắt theo cái đà bay biến chóng mặt của một đời sống, một đời sống thôi, đã là một rượt đuổi hụt trùng hơi thở. Cái nhị trùng trong ta, ngoại trừ cá nhân là một tổng hợp khác thường và ngoại lệ, không phải là một nhân thành. Chỉ là một chia hai. Không có thêm. Chỉ có bớt. Mà miền này mới thế. Nhị trùng sao được. Hàng nghìn điều chưa ngó thấy, khi thoạt ngó còn bàng hoàng bỡ ngỡ. Hàng trăm sự ở đây, dẫu đã mười lăm năm, còn rất đỗi hàm hồ, khi thấy ra, như những tình cờ rực rỡ. Mười lăm năm, tôi chưa thấy hết trời này. Sau mười lăm năm, đất này còn mới. Tôi đã thấy ra rồi. Là bởi vì những cái nhận còn sai. Và bởi vì những cái nhận còn sai. Cho nên biện chứng và tất yếu là những cái cho chưa có.
Miền Nam những buổi trưa nắng vàng lực lưỡng, những đêm sao óng ánh đầy giời, những ngày mưa nhạc mùa thánh thót, những chiều gió thổi cho bà ba bay, những sớm sương đọng cho trái chĩu cành, miền Nam thật mới vì chưa thấy hết, thật đầy vì chưa nhận xong, sống dễ như trò chơi, thừa không khí cho người, sau mười lăm năm, tôi muốn nói đến một chờ đợi. Phải, một chờ đợi. Trời này và đất này, hãy chờ đợi người. Cái cây khỏe. Nhưng cành ghép còn yếu. Vòng sống quay nhanh, nhưng chân người còn chậm. Hãy chờ đợi. Cho tôi đi thêm những con đường chưa đi. Đến với những nơi nào chưa đến. Mười lăm năm cũng cứ coi đi là mới gặp nhau đó thôi. Như chỉ buồi đầu cho vô hạn lần sau còn nối tiếp. Như mới lên đường, còn rất bình minh. Cho những ngày tháng tới, tôi muốn làm sẵn cho tôi một cái xe lăn. Một chiếc xe lăn mầu đỏ, bởi vì tâm hồn tôi sẽ là những tia hồng ngoại tuyến. Cho đã mười lăm năm rồi lại mười lăm năm mới, tôi muốn đóng cho tôi một con thuyền. Con thuyền mầu gió. Vì tâm thức tôi là một cánh buồm. Xe lăn trên đất, những dặm đường vui. Thuyền chuỗi trên sông. Những dặm sóng hát.
Chuyện mười lăm năm, cuối cùng, thật ra cũng không có những đáy tầng lắt léo, những tìm kiếm vỡ đầu. Mà đơn giản như trời trên đầu tôi xanh. Trong suốt như sự thật. Đó là chuyện một người. Với một miền. Chuyện một bắt đầu. Chuyện một hòa nhập. Chuyện một ghép cành. Một ghép cành có thể chưa xong, nhưng đã có những dấu tích tốt của một thành tựu tốt.
./.
Typing lại bởi huyvespa 10.2019


<SAMSUNG DIGITAL CAMERA>
blog counter
java hosting vpn norway

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

(Tài liệu) Lời qua tiếng lại trên văn đàn trước 1975


















THANH TÂM TUYỀN bênh vực TRẦN TUẦN KIỆT 





TRẦN PHONG GIAO vs. VŨ HOÀNG CHƯƠNG trên VĂN









PHẠM CÔNG THIỆN vs. NGUYÊN SA trên KHỞI HÀNH

THẾ UYÊN tranh luận trên VĂN HỌC 










HÀNH TRÌNH CỦA TẠP CHÍ VĂN HỌC (1962-1975) - 

Trần hoài thư

Văn Học được ra đời do một số người trẻ nhập cuộc. Họ là những học sinh, sinh viên của các trường Trung học, Đại học trên toàn quốc, và một số đang du học tại ngoại quốc nhưng đã cùng nhau chung một lý tưởng thực hiện một tờ tạp chí nghiên cứu và phê bình về văn hóa và chính trị để làm diễn đàn chung cho những thanh niên tự do tại Miền Nam.
Số đầu tiến phát hành vào tháng 11- 1962 trong thời Đệ nhất Cọng Hòa, và số cuối cùng là số Mùa Xuân 75, kéo dài  được 13 năm – số tuổi xem như rất thọ so với các tạp chí văn học miền nam khác  , ngoại trừ chỉ sau  tạp chí  Bách Khoa. Từ số 1 đến số 72 (1-5-67), khổ báo khổ lớn (15×25 cm). Từ số 73 đến số cuối cùng khổ giấy loại nhỏ (14×20 cm).
Hai năm đầu, báo được phát hành mỗt tháng một kỳ, sau đó, báo đổi thành bán nguyệt san, phát hành mỗi nửa tháng một kỳ (kể từ số 21).
Chủ nhiệm đứng tên là Phan Kim Thịnh, nhưng chủ bút thì thay đổi ba lần. Hai năm đầu (1961-1963), chủ bút là Dương Kiền, sau đó chủ bút là Phan Kim Thịnh. Tiếp đến vào năm 1966 là  Nguyễn Đình Toàn (từ số 63 ngày 1-9-66  đến số 69 ngày 15-11-66). Sau đó vai trò chủ bút lại được giao lại cho Phan Kim Thịnh.
Hai năm đầu (từ  số 1 đến số 20), tạp chí nhắm vào thành phần thanh niên sinh viên như tiêu đề trên bìa của tạp chí: Nguyệt san văn hóa xã hội nghệ thuật. Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do.Mỗi số báo đều có mục liên quan đến sinh viên như  Sinh Hoạt Sinh Viên do Trần văn Ngô, Phương Khanh, Hà Thanh phụ trách… Cọng thêm vào những bài viết liên quan đến  những vấn đề  của sinh viên như “vài tâm trạng nghịch thường của thanh niên trước những giá trị xã hội (Dương Nhất Nhân – số 1),  Sinh Viên và trí thức lảnh đạo (Quan điểm, số 2), Chính sách sinh viên (Quan điểm, số 3), cái nhìn của người sinh viên (Nguyễn Vũ, số 4),. Dân chủ hóa nền đại học (Quan điểm, số 5), Chỉ huy hay hướng dẫn (Quan điểm, số 6) hay  mỗi số có mục Vấn Đề của chúng ta ví dụ: Bài trả lời ông Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng đãi học văn khoa SG của Văn Học(số 4), Nhân các kỳ thi: Đặt lại vấn đề nguyên tắc (số 6) v.v….
Sau số 20, tiêu đề Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do được lấy ra, và nội dung Văn học có tinh cách khai phóng hơn, ảnh hưởng nhiều bởi thời sự. Sau 1965 chiến cuộc càng lúc càng leo thang, những người cọng tác viên trẻ phải vào quân ngũ, hay xa Saigon, để lại một khoảng trống lớn cho Văn Học. Cọng vào sắc luật 007 đã khiến chủ trương của Văn Học từ một tờ báo chính trị văn học đổi sang một tờ báo thuần túy văn học kể từ năm 1968.
Sau  đây là những điểm  nổi bật  của tạp chí Văn Học :
  1. Văn Học là tạp chí đầu tiên đăng truyện viết về cuộc chiến miền Nam  ngay ở giai đoạn phát khởi (Năm 1963).  Đó là truyện ngắn Khu rừng Mùa Xuân của Vương Thanh và Lớp lớp phù sa của Vương Trân Nam ( VH số 3  tháng 1 năm 1963). Vẫn là sự tàn bạo của chiến tranh. Và dạt dào nhân bản của người lính miền Nam:

“- Khà, khà, này bị thương giống tao, nhưng mày thiếu may mắn hơn vì mày không có dao và súng. Tụi nó không để lại cho mày một khẩu súng nào à ? Chắc tụi nó tưởng mày đã chết rồi, mà mày thì chết thật rồi, chỉ tao, còn một con dao, thế là tao sống ha… ha… cười lên mày, hỡi thằng bé không thù oán của ta.
Thức lật xác hắn nằm úp xuống để khỏi phải nhìn vào mắt hẳn, nhưng chân tay anh đã run bắn và lạnh cóng. Anh gối đầu hắn lên ngực một tử thi khác cạnh mt hồ nước và đè lên hắn, khóc. Bỗng Thức đứng dậy, lảo đảo, ngã dúi mấy lần. Anh hoa mắt, vết thương hả miệng lở loét như một nụ cười đẫm máu. Thức ngã quỵ xuống, chồng lên xác hẳn, thân mật và bạn bèẻ. (Khu rừng mùa xuân, VH số 3, trang 58)

  1. Văn Học là tạp chí đăng những bài khảo luận về văn học miền Bắc đầy giá trị mà ít người biết.Đó là là những bài khảo luận của Sông Thai như  Đọc Vào Đời của HÀ MINH-TUÂN ( Cơ sở xuất bản Văn Nghệ Hà NộI 1963 (VH số 58 ngày 15-5-1966),  “Nguyễn Tuân, sau ba mươi năm cầm bút…” (VH chủ đề Nguyễn Tuân),  “Văn Cao, một nghệ sĩ tài hoa đang bị cuộc đời ruồng bỏ” (VH  115),  “Lê Đạt, chiến sĩ dũng cảm của phong trào trăm hoa đua nở” ( VH số 139), “Hoàng Cầm và sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tổ quốc và nhân phẩm con người (VH số 141).
    Bây giờ, được dịp đọc những bài viết của các nhà nhận định, nghiên cứu ở trong nước, càng thấy phục tác giả Sông Thai ở tài nhận xét  và khả năng lý luận phê bình của ông. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn đăng lại bài viết về Nguyễn Tuân trong số này.
  1. Văn Học qui tụ rất nhiều cây bút. đủ thành phần:
Ngày từ số 3, ta thấy  những nhà văn như Võ Phiến, Dương Nghiễm Mâu. Vũ Bằng, Nhật Tiến, Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Hùng, Thanh Lãng, Nguyên Sa bắt đầu có mặt trên Văn Học cọng thêm vào lực lượng chủ chốt của Văn Học như Viêm Đẩu, Nguyễn Hữu Dung, Thế Viên, Hoàng Vũ. Lê Đôn Khoan, Vương trân Nam, Dương Cự, Dương Kiền, Vương Thanh, Nguyễn Đông Ngạc , Trần Triệu Luật, Lôi Tam…  Một tên tuổi cọng tác rất tích cực và thường xuyên ngay từ số đầu  chuyên về lĩnh vực dịch thuật cũng như lãnh vực nghiên cứu văn học là Bác sĩ Hoàng văn Đức, tức Hoàng Vũ Đức Vân.
Kể từ năm 1964 trở đi, độc giả thấy sự góp mặt tích cực của những cây bút trẻ miền Trung hay những người mới cọng tác với  VH lần đầu. Số lượng này  càng lúc càng đông đảo:  Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Hoàng Lộc, Chu Tân, Trần Dzạ Lữ, Đynh Hoàng Sa, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Nguyễn Nho Nhượng, Sâm Thương, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), Lê Đình Phạm Phú,  Thái Ngọc San, Phan Nhự Thức, Võ Quê, Khắc Minh, Trần Hoài Thư, Lê Nghiêm Vũ, Trần Hữu Nghiễm, Trần Xuân Kiêm. v.vv …
  1. Văn Học là tạp chí thực hiện rất nhiều chủ đề giá trị.
    Trước số 87 (1968), chủ đề của Văn Học thường mang tính cách thời sự ví dụ “Tưởng niệm văn hào Nhất Linh” (số 9 tháng 7-1963). “Những vấn đề của thời cuộc” (Số 10 tháng 8-1963), “Quê hương còn đau khổ” (số 23, 1-9-64), “Chúng tôi tố cáo: Hội đồng Nhân Dân cứu quốc, ông là ai?” “ Đối thoa6i giữa người Việt và người Mỹ” (Số 25, tháng 10-64) . “Chiến thuật biến hình của Cọng Sản” (sô 26), “cách mạng và phản cách mạng” (số 29) “Thơ văn chiến tranh” (số 36 ngày 15-4-65), “Nhận định thi ca” (Số 37 ngày 1-5-65), “Triết học – thi ca” (số 38 15-5-1965), “Đặt lại vấn đề thông tin văn hóa miền Nam”, “Tình yêu và văn chương” (số 40, 15-6-65) , “Quân đội và cách mạng” (số 43, 1-8-65),”văn chương phản kháng” (số 46, ngày 15-9-65), “Cách mạng Việt Nam đi về đâu?”, “Sinh viên Huế lên tiếng” (số 49 ngày 1-11-65), “Cuộc đời và triết lí của Socrate” (số 54 ngày 15 tháng 2-66), “Tiếng nói da đen” (Số 56, 15-3-66), “Thi ca da đen” (1-4-66) v.v..
    Sau số 87, vì sự khắt khe của luật 007, nên Văn Học quay sang việc giới thiệu những chủ đề văn học, vô thưởng vô phạt. Ví dụ:
    Bưu hoa và nghệ thuật (số 135),  Phú Đức: Tiểu thuyết gia miền Nam (số 136),  Nhà văn và thuốc phiện (số 137),   Những phụ nữ lưu danh trong Thi đàn Việt Nam (số 150),  Tìm hiểu quốc kỳ và quốc ca Việt Nam (Số 151),  Ái tình và thi sĩ ( Số 152), Khám phá danh tính dịch giả Chinh phụ ngâm (Số 153), Thi nhân và mùa thu (Số 154). Nghĩ về tiểu thuyết (Số 155)  Hiện tượng đọc truyện Quỳnh Dao (Số 156) v.v…
5. Văn học “đại thắng mùa hè” 1966
Thình thoảng trên  Văn Học có một mục dành cho sinh hoạt văn học nghệ thuật trong và ngoài nước.  Mục này thoạt đầu được lấy tên là Sinh Hoạt Văn Hóa, do nhiều người viết. Số 1 có Nguyễn Đức. Số 2 có Nguyễn Cao Đàm. Kể từ số 33 trở đi. tên “Sinh Hoạt Văn Hóa” được đổi thành “Chân Trời Văn Học”, do một tập thể phụ trách ghi nhận “chuyện trong làng”, “chuyện ngoài làng” (Phương Khanh, Trần Liên Chi,  Trần Hoàng Oanh), Tràng Thiên chỉ ghi những tin tức sinh hoạt ngoài nước… Kể từ số 54, độc giả thấy Duyên Anh  xuất hiện trong mục Chân Trời Văn Học. Ông xuất hiện với cây viết và lưỡi gươm, mà bài “Một tác phong văn nghệ” của ông là một trận bão dữ nhắm vào báo Văn nói chung, và Trần Phong Giao nói riêng. Kết quả là mục “quét đình làng” mà Văn lập ra có mặt trên hai năm phải gỡ bảng hiệu. (Mời đọc bài viết của Ba Cận thị trong số này).
Xin nhớ rằng Trần Phong Giao đã có mặt trên Văn Học ngay từ số đầu tiên, đã có một số bài dịch trên Văn Học.

Kết luận:
Văn Học, mặc dù là tờ báo được chủ trương bởi những người không chuyên nghiệp, nhưng nhờ sự nhiệt tình và dấn thân  của tuổi trẻ, nên tạp chí đã vượt tất cả những trở ngại để biến thành một tạp chí có tầm cở của miền Nam.  Để bạn đọc biết được nỗi thăng trầm của tờ báo, chúng tôi xin đăng lại lá thư của tòa soạn, viết vào năm 1974, kỷ niệm Văn Học bước vào năm thứ 12:

“ Mười hai năm trước, chúng tôi còn là những học sinh, sinh viên của các trường Trung học, Đại học trên toàn quốc, và một số đang du học tại ngoại quốc nhưng đã cùng nhau chung một lý tưởng thực hiện một tờ tạp chí nghiên cứu và phê bình về văn hóa và chính trị để làm diễn đàn chung cho những thanh niên tự do tại Miền Nam. Hoài bão trên chúng tôi đã thực hiện được tờ Văn Học số 1 phát hành ngày 1 tháng 11 năm 1962 với hình thức trang nhã. và nội dung các sáng tác của các bạn trẻ đóng góp. Thêm vào còn số sự giúp mặt của các vị giáo sư, nhà văn tên tuổi trong nước. Vì vậy khi Văn Học được phát hành đã được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt.
Với thành quả trên, hôm nay chúng tôi một lần nữa xin chân thành gửi đến bạn đọc và các thân hữu lời cảm tạ. Mười hai năm vừa qua, vì chính tình Việt nam đã đổi khác. Bao biến cố dồn dập, báo chí nước nhà đã lâm vào tình trạng khủng hoãng, giấy in báo năm 1962 là 50 đồng một ram mà nay năm 1974 đã 800 đồng một ram, một tờ tạp chí khi trước bán 10 đồng một sẽ tòa báo thâu về đã dư gỉa, nay phải báo 250 đồng một số mà tòa báo còn ngất ngư thiếu hụt không có tiền trả tiền bài cho anh chị em. Thêm vào hoàn cảnh kiềm duyệt, và sắc luật 007 đã làm một số văn nghệ sĩ gác bút, và nhiều tờ báo TỰ Ý ĐÌNH BẢN. Riêng chúng tôi vì được bạn đọc khuyến khích tinh thần nên đã cố gắng còn có mặt đến ngày hôm nay trong làng Báo miền Nam. Nhưng sự cố gắng này chúng tôi đã phải buộc lòng thay đổi nội dung từ chủ trương chính trị sang chủ trương văn liệu để tránh cho sự trở ngại xuất bản. Hơn nữa những bạn trẻ có nhiệt tình với thân phận đất nước những năm 60-68 đã góp mặt trong Văn Học, nay đã mỗi người một phương trời.  Một số kẹt trong quân ngũ, một số ngã gục .. Vì vậy thực hiện một nội dung Văn Học như những măm 62- 68 ngày nay không thể làm được.Nhưng để khỏi phụ lòng bạn đọc đã và đang dành cho Văn Học từ mười hai năm qua, những tháng, năm vừa qua chúng tôi đã cố gắng thực hiện những chủ đề văn liệu hửu ích để gửi đến bạn đọc….”

(Trích Văn Học ( giai phẩm) chủ đề Nguyễn Du, năm 1974)






blog counter
java hosting vpn norway