Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2008

LÊ TRỌNG NGUYỄN-NGƯỜI ĐI,"NẮNG CHIỀU"CÒN VƯƠNG!

Nếu đọc qua báo chí họặc nghe các Đài phát thanh đưa tin thì thể nào mười lần như một ta cũng thấy nêu tên bài hát “Nắng Chiều” đi kèm với tên LÊ TRỌNG NGUYỄNi . Ngày nhạc sĩ Văn Cao mất thì dù không cần phải nhắc đến “Văn Cao tác giả của Thiên Thai” phần lớn ai cũng biết. Hoặc đối với Trịnh Công Sơn thì cũng vậy . Nhưng những tác giả như Lâm Tuyền, Ngọc Bích, ..khi qua đời mà không ai nhắc đến những bài hát của các vị ấy thì có lẽ rất nhiều người ở lứa tuổi dưới 50 đều không biết đến . Kể cả khi nhắc lại tựa đề những bài hát nổi tiếng một thời -vì hay- của họ . Nhắc đến “Lâm Tuyền-tác-giả-của-“Lặng lẽ“” thì mấy ai biết ? Hoặc ngay cả “Lâm Tuyền-“Tiếng thời gian””, đối với lứa dưới 50 ! Với Ngọc Bích thì họa chăng phải nhắc đến bài Tango “Mộng chiều Xuân” thiên hạ mới như sực nhớ ra một điều gì ! Còn nếu nhắc “Trở về bến mơ “, “Lời hẹn xưa”, “Khúc nhạc chiều mơ”, những bài hát có giai điệu thật đẹp, thật trữ tình, thì e cũng lại hiếm nguời nhớ đến .


Tôi nêu những điều ở trên là bởi chúng có liên quan trực tiếp đến Lê Trọng Nguyễn với bài “Nắng chiều” của ông ! Trong một cuộc nói chuyện với Nguyễn Phúc của Đài BBC trước đây, nhạc sĩ LTN có nói rằng ông không khóai cái bài “Nắng chiều” cho lắm, tuy ngày viết xong bài hát đó thì -vì một lẽ riêng- ông rất hài lòng ! Có cái gì đấy mâu thuẫn chăng ? Không ! Ông giải thích, qua buổi “nói chuyện” đó, là người ta thay nhau hát bài NC, theo nhau nhắc đến bài NC thời ấy mà chả ai biết “cái con người tên Nguyễn đó là ai cả“ ! Lại cũng một truờng hợp, khá phổ biến, khi mà “tác phẩm nổi tiếng hơn tác giả “! Mà cũng vì người thưởng ngoạn chung chung, bình thường ngòai đời chỉ quen với “Nắng chiều” cho nên tác giả của nó lại thiệt thòi thêm một phen ở chỗ là ít mấy ai biết đến, nhớ đến “Lá rơi bên thềm (chung với Nguyễn Hiền), “Sao đêm”, “Bến giang đầu”, “Cát biển” (chung với Y Vân), “Chiều bên giáo đường”, “Nhớ Thu Hà-Nội“, “Tìm nơi em “, v.v…


Trở lại trường hợp của Văn Cao, Trịnh Công Sơn là những tác giả có lợi thế hơn về mặt “name recognition” (dễ nhận danh), nói theo kiểu nguời Mỹ! Phải chăng chỉ do giá trị nơi các bài hát ? Không hẳn ! Văn Cao không có những vụ như “Nhân Văn”, “Giai Phẩm”; Trịnh Công Sơn không có những ý kiến đối chọi của người thương kẻ ghét về mặt quan điểm hay lập trường này nọ trong suốt hơn 35 năm thì chưa chắc họ đã dễ có được “hào quang” như người đời vẫn gán cho ! Bằng chứng hiển nhiên là cố Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước há chẳng phải là một cây đại thụ trong Tân Nhạc VN, với những tác phẩm làm say đắm lòng người một thời, khi những nhạc sĩ lứa TCS vẫn còn ở tuổi học trò ? Nhạc sĩ DTT mất đi, mấy ai nhắc đến, nhớ đến ? Thời nay, ngòai chợ nhạc với đầy rẫy các CD, mấy ai thấy những bài hát của DTT ? Trong Văn Học Nghệ Thuật, có thực tài là một chuyện, lại còn phải có ma lực của “quảng cáo” dưới nhiều dạng , trong đó thị hiếu cùng các biến cố xoay quanh và gắn liền với cuộc đời của các tác giả là dạng then chốt , và thường thì các tác giả cũng không có can dự trực tiếp vào quá trình tạo nên cái “hào quang“ cho chính mình! Cứ tạm coi như “phần số“ của mỗi người nó như thế ! Có tài nhưng không sinh vào cái “giờ“ để được nổi danh thì cố mà chịu vậy!


Mấy tuần truớc đây, có dịp chuyện vãn với Quỳnh Giao thì cô ấy cho biết đang dự tính hát một loạt các bài của Lê Trọng Nguyễn và Lâm Tuyền. Hai anh em trao đổi với nhau là bài nào nên chọn. Chẳng hạn như cô ấy nhắc đến “Lá rơi bên thềm” của LTN và “Hình ảnh một buổi chiều” của LT. Hôm đó thì chỉ có Lâm Tuyền đã là nguời thiên cổ. Nay đến phiên Lê Trọng Nguyễn cũng từ giã cõi đời này luôn ! Ta còn lại được những ai nào ? Ta còn các nhạc si lớp tiền bối như Văn Giảng (tức Thông Đạt của ”Ai về sông Tương), Đan Thọ (“Chiều tím”, “Tình quê hương”), Nguyễn Hiền (“Ý Nhạc chiều”, “Về đây anh”, “Anh cho em mùa Xuân“, “Hoa buớm ngày xưa”, “Tìm đâu”, “Lá thư gửi Mẹ“( Thơ của Thái Thủy), “Nhật Bằng” (“Thuyền trăng”, “Bóng quê xưa” (chung với Xuân Tiên ), “Chiều tà” , “Sau lũy tre xanh”, “Thu ly hương” (chung với Đan Thọ), Phạm Duy, Trịnh Văn Ngân (“Chiến sĩ của lòng em”, “Người đưa thư đã đi qua”) …và ở bên nhà: Hòang Giác (“Ngày về“, “Mơ Hoa”, “Lỡ cung đàn”), Dzõan Mẫn (“Biệt Ly”, “Gió xa khơi”, “Hương cố nhân”), Nguyễn Thiện Tơ (“Nhắn gió chiều”, “Trên đường về“) … Nhớ đến đâu ghi đến đó; các vị nào tôi quên nhắc tới xin niệm tình luợng thứ ! Một số vị, tôi phải nhắc đến cả một lô bài hát bởi tôi nhắm chừng là cũng chửa dễ gì người đọc còn nhớ hết ! Nhắc lại với lòng biết ơn, bởi cuộc đời chúng ta, hay ít ra cũng đối với người yêu nhạc, không có những bài hát mà chúng ta từng yêu thích thì cũng đã mất đi “hương vị“ không ít ! Có thể nói không sợ sai là không có các vị ấy trên đời này thì ta cũng đã mất đi không ít cái thú vị, niềm vui trong cuộc sống.

Tập Nhạc với thủ bút của Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn trên trang bìa

                                          Tác Phẩm

Bến Giang đầu (Nắng chiều 2)           Cánh nhạn bay qua              Cát biển (Hoàng hôn trên biển cả)        
Chiều bên giáo đường                      Chim chiều không tổ            Cung điện buồn                  
Dạ khúc                                            Đêm mưa bão                      Đừng quên nhau                              
Hương một đêm trăng                     Khi bóng đêm về                  Lá rơi bên thềm
Let's come closer                              Lời việt nữ                           Màu tím hoàng hôn                              
Màu tím cuộc đời                              Mộ khúc                              Nắng chiều   
Ngày mai trời lại sáng                       Nguyện cầu                          Nhìn biển bơ vơ                  
Nhớ thu Hà Nội                                 Sao đêm                              Sóng Đà Giang                    
Sóng nước viễn phương                  Thuyền lãng tử                     Tìm nơi em                          
Tình vui thôn trang                         Trăng lại sáng                       Vầng trán đau buồn

Ghi chú:
Cát Biển (sáng tác chung với Y Vân); Lá Rơi Bên Thềm (lời: Nguyễn Hiền); Sóng Nước Viễn Phương (lời: Thẩm Oánh); Trăng Lại Sáng (lời: Hồ Văn Thiết); Màu Tím Hoàng Hôn (lời: Nguyễn Hiền)

              








Chỉ mới năm trước đây thôi, gặp lại ông Lê Trọng Nguyễn ở nhà một người bạn chung; thấy ông vẫn còn khỏe . Vẫn phì phèo điếu thuốc lá khi cùng nhau chuyện trò ngoài sân. Vào đến trong nhà, tôi ngồi vào cây đàn piano, dạo một đoạn của bài “Lá rơi bên thềm, hỏi đùa ông: ”Có nhớ gì không đấy ? ” Ông lim dim dim nói: “Cũng nhớ nhớ ..!” Tôi dạo một đọan bài “Nhớ Thu Hà-Nội”, cũng lại hỏi câu y như vừa lúc nãy . Ông cũng lại lim dim trả lời tương tự ! Làm tôi nhớ một đêm cách đây cũng đã trên mười năm, ông Nguyễn Hiền ông ấy gọi phone hỏi: ” Này, “toa” có nhớ phần lời bài “Đừng quên” ngày xưa của “moa” không nhỉ ?” Hồi ấy ông đang rục rịch cho ra tuyển tập “Hoa bướm ngày xưa“ ! Những lúc như vậy, sao mà tôi thương - theo cái nghĩa trìu mến- các vị ấy như thế ! Có cái ngậm ngùi gì đấy len lỏi, mà chỉ những ai về già, đã qua cái lứa 55-60 mới cảm nghiệm được khi nhìn lại những chỗ thân quen với mình !


Lại một buổi trưa cách đây không lâu lắm, đang ngồi ở tiệm phở gà Nguyễn Huệ trên đường Bolsa ( 1st Street ) dưới vùng Westminster - Santa Ana thì một người luống tuổi ở ngòai buớc vào, ngồi đối diện với mình ! Ông ta nhìn lướt qua tôi, và tôi cũng chỉ nhìn lướt qua ông. Đến khi nhìn lại lần thứ hai thì tôi cẩn thận lấy cặp kính đeo lên mắt, và nhận ra chẳng ai khác hơn là ông “Nắng chiều” ! Tôi nói:” Ông ơi! Ông làm ơn đeo kính lên cho con nhờ với !” Bên kia nhìn kỹ lại người đối diện và nở nụ cười rất tươi ! Tôi hỏi:”Sao mà bà đầm nhà ông lại để ông đi đâu một mình thế này ?” Đáp:” Hai vợ chồng xuống đây thăm đứa con gái mới sanh; bà ấy còn ở đang đó, tôi đi kiếm ăn một mình”. Kế đó là vừa ăn phở vừa chuyện trò linh tinh . Lúc chia tay thì tất nhiên là vẫn theo thông lệ, hẹn gặp lại nhau một ngày đẹp giời nào đấy ở San Gabriel nơi ông cư ngụ hoặc ở Covina nơi tôi thường trú ! Đấy là lần cuối cùng tôi gặp lại ông Lê Trọng Nguyễn. Chả có triệu chứng gì, xét về mặt ngọai hình nơi ông ngày hôm đó, báo hiệu là ngày hôm nay ông đã qua dời ! (Có ai gặp một nguời trong tiệm phở, ăn tô phở một cách mạnh dạn và ngon lành, mà lại có thể hình dung là chỉ không lâu nữa sẽ không còn bao giờ gặp lại vì bệnh chứ không vì tai nạn?)








Nhưng nói gì thì nói, nhắc về một nhạc sĩ có thực tài mà không nói đến chính những bài hát của nguời ta thì cũng như không . Nhưng đề cập đến một bài hát mà không có bài hát đó do một ai đấy hát lên -ít nhất cũng qua một cái CD- thì cũng lại như không ! Chẳng lẽ lại cứ cái kiểu dùng chữ nghĩa tương đối cụ thể để nói về những cái trừu tượng mà khi nghe thì mỗi người nhất thiết đều nghe theo một cách, qua những tình cảm cùng kỷ niệm riêng tư của chính mình ? Chả lẽ vẫn quanh quẩn với, kiểu như: những bài hát của LTN là theo phong cách xưa (“Tôi là một người xưa lắm anh à”, lời của LTN nói với phóng viên Nguyễn Phúc của Đài BBC), khi nói về tình yêu thì chủ yếu là nói về tình nguời, về chữ TÌNH nhiều hơn là chính nguời yêu cụ thể nào đấy của mình, mà tất cả là lồng trong khung cảnh của thiên nhiên, của đời sống chung ? Người đọc nào xưa giờ vẫn có lòng yêu thích những bài hát của Lê Trọng Nguyễn thì tốt nhất là nên tìm nghe lại những bài hát của ông ! Những bài khác kìa, chứ không phải chỉ có bài “Nắng chiều”, lạy Trời ! Những bài thật hay khác nữa kìa ! Tìm nghe bài “Tìm nơi em”, chẳng hạn, trong CD “Một đời tôi hát” của Anh Ngọc để thấy nét nhạc và lời ca như thể đã từ một thế giới nào khác vọng về, (như một bài Thánh ca), chứ không còn thuộc về thế giới có một bến sông, có một ngõ ngách đưa về một chốn làng quê, có tí nắng chiều, và tất nhiên là có dáng “gầy gầy” của ai đấy đang đứng đón bên thềm ..



Nhạc của Lê Trọng Nguyễn đẹp về giai điệu . Lời hát đẹp ở cái dung dị của nó; không cầu kỳ bí hiểm, không có cái kiểu làm duyên làm dáng ! Phải chăng vì bình sinh ông vốn dĩ là một người hiền hòa, thẳng thắn, giản dị và rất khiêm tốn ? Trong một lần ông chuyện vãn với tôi, đang nói vu vo về một đề tài gì đấy, chợt có câu này:“Tôi ngại người khác gọi tôi là nhạc sĩ lắm ! Cứ xem nơi các tác phẩm của người khác, trong lãnh vực âm nhạc Cổ Điển chẳng hạn, thấy mình chưa là cái gì cả !” (Lần đó tôi có nói là tôi không đồng ý với ông! Tôi nói rằng âm nhạc thuộc phạm trù Văn Hóa, mà Văn Hóa thì đi đôi với từng dân tộc. Là người làm văn học nghệ thuật thì nếu như ông tạo dựng cái hay cái đẹp cho những con người có gốc gác nơi cùng quê hương đất nước với ông thì cái đó mới đáng kể. Bảo nhạc Cổ Điển Tây Phương là chuẩn mực của Nghệ Thuật Âm Nhạc thì, đối với người Việt Nam đúng là người Việt Nam, chẳng khác gì như bảo rằng đĩa bánh bèo không quy mô, ngon lành như một đĩa “Pizza” của Ý! Lần đó nghe tôi nói thế thì ông tóet miệng cười cái cười dân dã và đôn hậu mà những ai có dịp gần ông hẳn phải biết !)


Cũng trong buổi “nói chuyện” với Nguyễn Phúc của Đài BBC ông có nói đại ý thế này: “Khi tập tễnh sáng tác thì mình viết lách câu nhạc sao cho ra vẻ cầu kỳ phức tạp, thế nhưng có học hỏi thêm rồi có sáng tác thêm thì mới nhìn ra sự thể là làm sao cho hay nhưng cho thật giản dị thì mới là điều khó “!











    

           









Thuở nay tôi yêu thích những bài hát của Lê Trọng Nguyễn thì cũng không ngoài những chuẩn mực do chính ông đã tự đề ra cho mình như vừa nhắc lại ở trên!


“Còn gì nữa ? Ngoài trời sao úa rồi ..!” (“Sao Đêm” của LTN)


Thanh Trang

Nam California, mùa Đông














LÊ TRỌNG NGUYỄN COLLECTION VOL 2-LÁ RƠI BÊN THỀM





(nick : huyhuyhuy
pass:12345)
(những entry trước, với những songlist có nick&pass:nghenhac nay xin đổi wa nick và pass này)

http://huyvespa.multiply.com/music/item/343
copy & paste vào thanh address, ko thể click trực tiếp!


1 nhận xét:

Ga truagaybendoi nói...

Cám ơn Huy nha. Entry này hay tuyệt.