Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

ĐỖ LỄ-"LỆ ĐẪM VAI RỒI,BUỒN THƯƠNG NHỚ ƠI"

Ðỗ Lễ viết nhiều tình ca. Có thể nói, nhạc Ðỗ Lễ dành cho tình ca, như những con nước, lớn nhỏ đều tuôn ra biển. Cứ nghe ông đặt tên các ca khúc của mình người ta đủ thấy điều đó: Hận Tình, Lời Người Yêu, Oan Trái, Sang Ngang, Tan Vỡ, Tình Buồn, Tình Phụ, Tuyệt Tình... Sự thực, trong đời sống, để ca ngợi tình yêu, còn gì thích hợp hơn nhạc và thơ? Nên có thể nói, các nhạc sĩ của chúng ta, không ai không viết tình ca. Nhiều người viết rồi, khi về già, còn tỏ ý tiếc, đã không viết nhiều tình ca hơn nữa. Trừ những người, chỉ viết một bài, và, cái bài duy nhất ấy lại không phải là tình ca, người ta không biết, nếu người ấy viết thêm nữa, liệu có viết tình ca chăng? (Tuy vậy, trong nhạc của chúng ta cũng có một hiện tượng khác thường đó là Ðỗ Nhuận: sự nghiệp âm nhạc của ông khá đồ sộ, nhưng ông không viết một bài tình ca nào. Chẳng những thế, nếu có dịp nghe lại nhạc Ðỗ Nhuận, căn cứ vào những gì được phổ biến, người ta còn thấy, toàn bộ ca từ của ông, không có một câu nào “gần” với lời tỏ tình, chỉ “gần” thôi, cũng không có! Người ta tò mò tự hỏi, không biết trước khi có nhạc Ðỗ Nhuận, bản thân, ông hát thứ nhạc nào nhỉ?)



Ðỗ Lễ viết nhiều tình ca. Hai ca khúc được yêu thích nhất của ông là Sang Ngang và Tan Vỡ. Ðã có một thời, ở Sài Gòn, đêm đêm, người ta đến phòng trà Queen Bee để nghe Lệ Thu hát Sang Ngang của Ðỗ Lễ:



“Thôi nín đi em

Lệ đẫm vai rồi

Buồn thương nhớ ơi

Em hỡi đôi mình

Mộng nay đã tan

Tình đã dở dang

Em khóc những chiều

Anh xót xa nhiều

Thương cho tình yêu

Nỗi buồn chua cay

Khi lòng đổi thay

Thôi hết sum vầy

Nếu biết rằng tình là dây oan

Nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan

Nếu biết rằng yêu là đau khổ

Thà dương gian đừng có đôi mình

Lau mắt đi em

Gần hết đêm rồi

Buồn thêm nữa sao

Mai bước sang ngang

Lòng thêm nát tan

Tình đã dở dang

Thôi khóc làm gì

Ðã lỡ duyên thề

Thương nhau làm chi

Nỗi buồn chua cay

Khi lòng đổi thay

Xa cách nhau rồi”



Tình ca Ðỗ Lễ ngọt ngào, đắm đuối. Ông chỉ nói những điều khi yêu người ta thường nói với mình và nói với nhau, không vặn vẹo ngôn ngữ. Lời thở than chính là hình bóng của niềm mộng mơ. Hãy cứ yêu như thế và được yêu như thế, không đủ hạnh phúc sao.



Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai

Thì ân ái có bao giờ lại cũ?



Cần chi phải đi tìm những điều khác/lạ?



Ra khỏi nước sau biến cố Tháng Tư, 1975, Ðỗ Lễ đã trở về thăm Việt Nam Tháng Ba, 1997, và chết bất ngờ. Những người còn ở lại Sài Gòn khi ấy nghe tin ông qua đời với nghi vấn là một cuộc tự sát.



Lý do nào đủ, khiến người ta có một quyết định kinh khủng như vậy?



Và tình ca có nghĩa gì trước cái chết như thế?





Nguyễn Ðình Toàn



















......



Chỉ hơn một năm sau khi sang Mỹ cùng vợ con theo diện ODP do người anh bảo lãnh và định cư ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Đỗ Lễ đã tìm đến cái chết bằng cách tự tử ở Sài Gòn vào ngày 24 tháng 03 năm 1997 trong một lần trở lại đây từ tháng 10 năm 1996. Ngay cả vợ anh là chị Vương Thị Lam Phương cũng không hề biết lý do nào đã khiến anh tìm cái chết nơi căn nhà mướn trên đường Trần Đình Xu, Sài Gòn. Tuy nhiên người ta được biết Đỗ Lễ đã tỏ ra rất chán nản với cuộc sống tại Hoa Kỳ. Khi đề cập đến người chồng nghệ sĩ của mình, chị Lam Phương cho biết Đỗ Lễ “là một người rất ủy mị, con người anh ấy cũng rất yếu đuối, cứ gặp chuyệïn gì buồn là trở nên rất suy sụp, trở nên rất chán nản và không còn thiết hoạt động gì...theo tôi nghĩ đó chính là điều đưa đến cái chết của anh ấy...



Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1941 tại Hà Nội. Anh tự học nhạc và bắt đầu sáng tác tgừ khi mới được 14 tuổi. Vào năm 1965 từng chiếm Huy Chương Vàng trong một cuộc thi Lực Sĩ Đẹp.



Đỗ Lễ đã sáng tác trên 700 nhạc phẩm, trong số có nhiều bài nổi tiếng. Đặc biệt nhất phải kể đến là Sang Ngang (sáng tác vào năm 1956) và Tình Phụ. Nhạc phẩm sau anh viết vào năm 1970 sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là Hoài Xuân. Nhạc phẩm này cũng đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay tại tại Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 70. Đó là nhạc phẩm chính trong phim Sóng Tình với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng. Thêm vào đó là những nhạc phẩm tình cảm đặc sắc khác như Tan Vỡ, Tuyệt Tình, Tàn Phai, Dại Khờ, vv...



Trước năm 75, lớp dạy nhạc của anh trên đường Trương Minh Giảng từng là một nơi qui tụ nhiều học sinh nhất. Sau đo lớp nhạc của anh vẫn tiếp tục được các học sinh ghi danh rất nhiều nên anh đã có được một đời sống sung túc.. Chương trình Thời Trang nhạc tuyển của Đỗ Lễ cũng là một trong những chương trình truyền hình rất thu hút khán giả trước năm 75, cùng một lúc anh đứng ra kinh doanh về nhiều mặt hàng âm nhạc như thành lập hãng đĩa, hãng băng và xuất bản nhạc. Ngoài ra anh còn thực hiện những chương trình ca nhạc cho một số phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn trước năm 75.



Theo kết quả giảo nghiệm về cái chết của nhạc sĩ Đỗ Lễ, được biết anh đã uống một liều thuốc Quinine quá mạnh. Người ta đã tìm thấy trong căn nhà của anh 2 lá thư tuyệt mạng, một gửi cho vợ và một gửi cho một người bạn thân...



Trường Kỳ










Không có nhận xét nào: