Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Thấy Phật!

THẤY PHẬT là tập tản văn đầy bất ngờ về… Phật giáo.



Bất ngờ vì ta vốn hiểu về Phật giáo theo một cách quá nghiêm trọng hoặc “ít tính động” vì vướng những hàng rào kinh kệ, lễ nghi, quan niệm. Trong khi đó, với tác giả, Phật hiện ra như đoạn văn sau:

“Không phải Phật chỉ ở trên bàn thờ, không phải Phật chỉ ở trong tâm tôi, Phật còn ở chung quanh tôi, Phật ở cùng khắp, chỗ nào cũng có Phật, nơi gió thoảng, nơi tiếng con chim hót, nơi bước chân tôi đi, nơi cả trong lời tôi nói, nơi cả trong ý nghĩ của tôi… Phật luôn luôn ở chung quanh tôi, nghĩa là ở bên cạnh tôi, điều đó giúp tôi vững tâm lạ thường. Tôi thấy tôi bớt sợ, không sợ. Không có gì để sợ nữa, kể cả vô thường.”

Không sợ cả cái vô thường thì quả là ghê gớm! Sinh rồi tàn rồi diệt, đó là nỗi ám ảnh của nhân loại, nhưng sách đã “giải quyết” vấn đề này một cách “triệt để” trong một bài tản văn ngắn vô cùng sâu sắc - Thiên thu.

Rồi cũng như đã làm với “vô thường”, những bài tản văn lần lượt giải quyết tiếp những vấn đề khác của đời sống: đối xử với cây cỏ, bình đẳng nam nữ, trinh tiết, thế nào là hạnh phúc, là trung đạo, là biết yêu cha mẹ, yêu mình… Và dĩ nhiên, tất cả đã qua một cách nhìn đầy Phật tính, nghĩa là sau khi đọc xong, người đọc sẽ thấy sao lâu nay mình quá nặng nề, quá khổ sở vì các quan niệm, ràng níu và thiếu tin người, để đến nỗi nhìn đời mất cả vui, chuyện gì cũng thành nghĩa vụ.
Đề tựa cho quyển sách này, giáo sư Bùi Văn Nam Sơn đã viết:

“Xin bạn đừng mắc sai lầm của tôi khi đến với Thấy Phật bằng tư thế chuẩn bị đương đầu với một cái gì hóc búa…Cũng xin đề nghị bạn đừng ‘dại’ như tôi khi đọc quyển sách một cách vội vàng ham hố như nuốt trọng một móng ăn ngon, ‘ngưu ẩm’ một cốc cam lồ. Uổng lắm! Hãy xem nó như một chuỗi hạt, bắt đầu từ đâu cũng được, với tất cả sự an tĩnh và ung dung. Thêm cả sự vui vẻ nữa, vì tác giả cũng là một bậc thầy của sự hài hước…

Nhìn từ đôi cánh chim ưng, nhưng không phải để vồ chụp, ắt sẽ thấy mọi việc nơi trần gian này đều đáng cười, đáng thương và đáng yêu biết mấy.”

Tác giả Cao Huy Thuần là giáo sư tại Pháp. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm có tiếng vang trong nước, trong đó có Nắng và Hoa, và Thế giới quanh ta.

Bên cạnh đó, ông là một người am hiểu đạo Phật, vẫn thường có các buổi giảng bài tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - quê ông.

Cuốn sách này là một ấn phẩm dành tặng cho ngày Phật đản sắp tới...


....

Cũng cần nói thêm là những bài tản văn mang đầy Phật tính ấy được tuyển lựa rải rác phần lớn là từ những bài của tác giả đăng trên ấn phẩm bán nguyệt san VĂN HOÁ PHẬT GIÁO, một tạp chí về Phật Gíao (dĩ nhiên) trình bày rất trang nhã, hiện đại...và "yên bình 1 cách mượt mà"- nhưng không nặng quá về Đạo, mà hơn thế, nó truyển tải chất Đạo trong những câu chuyện rất đời, có thể đó là hình ảnh những ngôi chùa thân quen cả tuổi thơ đã trải qua, mà đôi khi "trên dòng đời tấp nập", nhiều khi ta đã quên lãng mất tiếng chuông ngân vang, tiếng kinh đêm êm đềm của 1 thời chưa xa trong chuyên trang Ngôi Chùa Thân Yêu; hay những lời Phật Dạy trong chuyên trang SƯƠNG MAI được trình bày rất bắt mắt và "mượt mà"....

Có lẽ nhiều người vẫn còn cảm thấy Phật Gíao như một bức màn khói huyền bí vô hình bao phủ, không mấy gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Họ chỉ tiếp cận được, dù là hình thức bên ngoài, khi trong nhà có người thân qua đời cần đến những nghi lễ cầu siêu hay khi có người thân lâm bệnh ngặt nghèo cần đến nghi thức cầu an, giải hạn…Nhưng những bài viết chuyên đề của Văn hoá Phật giáo đã mang lại một cái nhìn tương đối mới về một số điều mà một số người đã tưởng như thế.

Các chuyên mục: Vấn đề, Đức Phật của tôi, Lời Phật trong đời sống, Văn hoá Dân tộc, Di sản, Văn hoá Phật giáo, Ký sự văn hoá, Điểm nhìn, Ngẫm nghĩ, Những giá trị sống, Từ những con đường, Trên địa cầu xanh, Lá thư hải ngoại, Khoa học và Phật giáo, Văn nghệ, Truyện ngắn, Tuỳ bút, Lời cảm ơn cuộc sống, Ăn chay…v..v.. có liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống cộng đồng, tạo ra được thế đứng riêng cho mình. Chỉ riêng mục Khoa học và Phật giáo với ngôn ngữ thường dùng trong đời sống đã tỏ ra cho độc giả thấy sự trong sáng của đạo Phật, thấy những điểm rất gần gũi giữa Phật giáo và khoa học, điều mà nhiều người cho đến nay vẫn còn không biết chắc, vẫn còn thấy Phật giáo là mê tín, là đạo của các bà gìa trầu. Còn nhiều bài viết khác góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến đời sống và cộng đồng qua lăng kính của người Phật giáo.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhiE-kiFQoyBKeu58mVPQ9yeSm1hhBsKa7ox4g3dytZZVhhsLes2CH94Vy-LQnwhshyphenhyphenDKtyL-uaB9kdwwCwHrggbRmI-273LlsDOGxqwYqzLnkBzCP4wOPBnmFw38s3v6l8BwN0mH9IIPc/s400/trangthoba.JPG

Và thế đó, khi qua từng trang báo, đôi khi ta lại bắt gặp những...lẽ sống nhẹ nhàng mà đầy uyên thâm như....

SỐNG MÀ GẶP NHAU ĐÃ ĐẸP VÔ CÙNG

Phan Như
Mùa Xuân dù không áo lụa
Chân em nở rộn hoa vàng
Ngày cho ta từng cọng nắng
Dù đời hữu hạn
Nào có can chi
Mùa thu đường chiều rụng lá
Cầu phai mấy nhịp mù sương
Trời bay tóc người lộng gió
Dù đời cay đắng
Nào có can chi
Nào có can chi đời hữu hạn
Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng
Nào có can chi đời lận đận
Giữa trái tim ta có nụ cười hồng
Xin cám ơn một ngày bình thường
Guốc mộc đi về hè phố quen thân
Xin cám ơn tay hồng những ngón
Tia nắng ban đầu vỗ nhẹ thinh không.

Không có nhận xét nào: