Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Lại một ngày...30/4!


Tháng 4 . Lại tháng 4. Tháng 4 năm 2007 hay tháng 4 năm 1975 dường như không khác nhau nhiều lắm. Sau ngày ấy, thời gian không còn chuyển động nữa. Nó đã bị đóng băng. Duy chỉ có không gian là thay đổi.  Mỹ, Pháp, Na Uy , Úc . . . chứ không phải Việt Nam.

Còn con người ? hình như cũng không khác xưa nhiều lắm. Những mái tóc đen nay đổi màu bạc trắng,  dấu chỉ duy nhất của thời gian. Có lẽ , chính ở khía cạnh này, chúng ta chứng kiến một bi kịch lớn nhất của thời đại, của dân tộc và của chính mình. 32 năm mà tưởng chừng như mới hôm qua. Trong trường hợp này, ký ức con người là một tai họa.

Cảm giác chông chênh của ngày tháng ám ảnh trên mọi suy nghĩ của những người ít nhiều dính líu đến biến cố lịch sử khó quên ấy. Chỉ vì quá khứ nặng hơn hiện tại. Dù những xác chết đã chỉ còn là những mẩu xương khô khốc. Dù những nấm mồ chôn sơ sài góc rừng, ven suối, bờ mương đã không còn có thể nhận ra được nữa. Dù có những góa phụ, tử sĩ đôi lúc quên rằng mình đã một thời là góa phụ, tử sĩ.

Tôi đã hơn một lần đặt câu hỏi : Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh đã chấm dứt chưa ? Trong câu hỏi, đã chứa đựng sẵn một phần của câu trả lời.

Dư vị sau cuộc chiến, giữa hai bên đối nghịch cùng máu đỏ da vàng, quả thực không ngọt ngào gì.Bên thua trận không tin rằng mình thua vì bất tài, vì đã không dốc sức chiến đấu , mà là vì bị bán đứng bởi đồng minh, bị bỏ rơi bởi các cấp chỉ huy. Bên thắng trận , vừa phải trả cái gía quá đắt cho sự thắng trận, vừa bị nhồi nhét một thứ ý thức hệ lấy hận thù (giai cấp) làm nền tảng, nên đã phạm nhiều sai lầm trong cách hành xử sau ngày tiếng súng chấm dứt, và cùng lúc, bỏ qua nhiều cơ hội hòa giải , đòan kết dân tộc để xây dựng đất nước vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh kéo dài. Trong con mắt kẻ thắng trận, cái được thua sau cùng không phải là giữa người Việt với nhau.

Và có lẽ, đó là nguồn gốc của mọi hệ lụy từ bấy đến nay.

32 năm đã trôi qua. Người chết thì cũng đã chết. Chết trong cuộc chiến, chết trước ngày 30 tháng 4 năm 75 hay chết sau ngày đó, chết trên đường vượt biên vì súng đạn của công an biên phòng, mã tấu của hải tặc, hay chết vì sóng, bão, đói, khát , chết vì bệnh tật nơi vùng kinh tế mới hay các trại cải tạo , cũng chẳng có gì khác nhau. Vì cái chết nào cũng có ý nghĩa cuối cùng là hết. Chỉ tội cho người còn sống. Họ sẽ còn bị cuộc chiến ấy ám ảnh cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Kẻ chiến thắng có cái ám ảnh của kẻ chiến thắng. Người chiến bại cũng có cái ám ảnh dành cho người chiến bại.

Hình ảnh một vị linh mục hai tay bị còng, đứng trước tòa án của kẻ chiến thắng, vẫn dõng dạc lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của chế độ, chỉ làm gia tăng cường độ nỗi ám ảnh của kẻ chiến thắng. Bàn tay đưa ra bịt lấy miệng vị linh mục, là một phản ứng rất bản năng. Hành động ấy biểu trưng cho bản chất của chế độ, đồng thời cũng biểu lộ sự sợ hãi mà kẻ chiến thắng đã mang trong lòng từ 32 năm nay, kể từ ngày họ tiến vào Sài Gòn, treo lá cờ đỏ trên nóc Tổng thống phủ của người chiến bại. Hơn ai hết, họ nhìn thấy sự bất lực của mình trong việc chinh phục một nửa đất nước có nền văn hóa cao hơn . Vì thế, mới có những sự kiện đốt sách, lừa những thành phần ưu tú nhất của phe bại trận vào những nhà tù không biết ngày về, đẩy dân chúng miền Nam vào những khu kinh tế mới nơi rừng thiêng nước độc, cải tạo công thương nghiệp nhằm bần cùng hóa lớp thị dân vốn là cái gai dưới con mắt kẻ cai trị.

Với kẻ chiến bại, nỗi ám ảnh của cuộc chiến 30 năm là điều tất nhiên. Cái cách mà cuộc chiến kết thúc, đã làm cho nỗi ám ảnh ấy càng thêm khắc nghiệt. Nhiều người tin rằng, thế cờ có thể lật ngược được, và 32 năm lưu vong xứ người, họ đã cố nhúm lên ngọn lửa hâm nóng ước vọng của một ngày trở về. Năm tháng qua đi, tuổi đời ngày một chồng chất, cảm giác bất lực cũng tăng dần theo với nỗi ám ảnh về một sứ mạng không bao giờ được chu tòan. Và họ nghĩ đến việc giao phó trách nhiệm ấy cho thế hệ nối tiếp, thế hệ chỉ biết đến chiến tranh qua những hồi ức mờ nhạt của tuổi ấu thơ, qua những lời kể của cha anh, qua những trang sách đọc lõm bõm vì mớ từ vựng tiếng Việt ít ỏi của mình.

2.

Những hình ảnh bi tráng nhất của ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn còn được lưu trữ . Và chúng sẽ được sống lại vào những ngày kỷ niệm hàng năm. Bên thắng trận sẽ chỉ xem , chỉ phô bày những hình ảnh nào được coi là hào hùng, vinh quang và cố tình bỏ qua một bên bao hình ảnh đau thương mất mát để có được những giây phút lịch sử ấy. Bên thua trận sẽ giở ra những hình ảnh não lòng nhất trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, để tự tra vấn mình tại sao lại có thể cho phép những điều ấy xảy ra, và cũng để tự an ủi mình rằng , cuộc chiến đã kết thúc theo sự sắp xếp của những thế lực bên ngòai, chứ không phải vì mình tài hèn sức mọn. Trong lịch sử dân tộc, đã từng có cuộc phân tranh Trịnh –Nguyễn ở thế kỷ 17 kéo dài hơn 40 năm , nhưng con sông Gianh ngăn đôi hai bên Trịnh Nguyễn 400 năm xưa hay con sông Bến Hải ngăn đôi hai miền Nam Bắc 30 năm về trước cũng không khó vượt qua bằng lằn ranh vô hình ngăn chia lòng người Việt Nam như hiện nay. Oan nghiệt kéo theo oan nghiệt. Thiên kiến và cố chấp là những tác nhân không thể tránh khỏi. Những bài học lịch sử vừa cay đắng, vừa khó nuốt, nên ít người chịu đựng được. Những bài học ấy, nếu trước đây ( 20 năm, 30 năm về trước ) không học được, thì bây giờ lại càng không thể học được. Và thế là bi kịch một thế hệ cứ kéo dài. Cho đến ngày họ nhắm mắt nằm xuống, đem theo xuống mồ những hệ lụy của một thời chiến tranh. Có lẽ, chỉ đến khi ấy, may ra thế hệ kế tiếp mới thóat ra khỏi được cái bóng quá lớn, quá ảm đạm của cha anh, mà cương quyết phủ sạch lớp bụi qúa khứ, đi con đường thẳng tắp của thế hệ mình, không có những ngã rẽ của cố chấp, của hận thù, của kẻ Nam người Bắc, của kẻ trong nước, người ngoài nước, của những bảng giá trị đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại nhờ vào thái độ hèn nhát không dám nhận rằng đó là sai lầm chết ( bao con ) người của một thời nhiễu nhương.

3.

Xét cho cùng, kẻ chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 không cần thiết phải rùm beng kỷ niệm ngày thắng trận của mình mấy chục năm sau ngày cuộc chiến kết thúc để che dấu nỗi sợ hãi có gốc rễ từ 32 năm trước. Ngày nay, cái nhân cho một sự bùng nổ làm tan vỡ chế độ không nằm ở  Little Sài Gòn, Sydney, Paris hay Oslo. Nó nằm ở ngay chính trong lòng chế độ, ở Hà Nội, ở Sài Gòn. Những phong trào đòi dân chủ, đòi xóa bỏ chế độ độc đảng, có nguồn gốc ngay từ trong nước và được đề xướng, xiển dương bởi nhiều người đã từng một thời gắn bó với chế độ và những người trẻ tuổi. Những phong trào ấy  không có gốc rễ gì từ cuộc chiến tranh 30 năm . Vì thế, những đòi hỏi của họ không xuất phát từ óan thù, sân hận lưu cửu trong suốt 32 năm sau chiến tranh. Đó là những đòi hỏi chính đáng , đến từ sự phát triển tất yếu của thời đại , đến từ những nhu cầu bức bách nhất của dân tộc , không phân biệt người Nam kẻ Bắc, không phân biệt trước đây họ sinh sống ở bên nào khi cuộc chiến tranh Quốc Cộng nổ ra.

Vấn đề không phải là hóan đổi vị trí , để kẻ thắng trận ngày 30 tháng 4 cúi đầu chịu làm người chiến bại và người chiến bại năm xưa nay bước ra khỏi bóng tối tay giơ cao ngọn cờ tự do dân chủ, cho dù, thực sự cũng sẽ đến lúc mọi thế lực độc tài tòan trị phải lui bước nhường chỗ cho dân chủ, cho tự do theo đúng với cái tầm mà thời đại đã vạch ra . Chính thế hệ những người trẻ - cả trong nước lẫn ngòai nước – đã tạo nên xu thế ấy, đã kiên trì tranh đấu bằng mọi hình thức tùy nơi tùy lúc, kể cả hình thức dùng khoa học kỹ thuật xuyên thủng lớp màn sắt mà nhà cầm quyền trong nước đã dựng nên hòng ngăn chặn không cho những tư tưởng dân chủ phóng khóang từ ngòai nước từ từ thẩm thấu vào nếp suy nghĩ của những người dân sinh sống trong nước. Nếu cần phải xác định người chiến thắng, thì chính họ - những người trẻ ở cả trong lẫn ngoài nước – là những người chiến thắng. Và cũng có nghĩa là dân tộc chiến thắng. Một chiến thắng mang đúng ý nghĩa của chiến thắng. Một chiến thắng không cần biết đến có hay không những kẻ chiến bại. Một chiến thắng mang lại trọn vẹn những ước mơ ngàn đời của những người con xứ Việt : đất nước có dân chủ, tự do, người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.

4.

Chúng ta đã chôn cất người chết. Tất nhiên, người chết – nhất là những người chết vì chiến tranh – đáng được tưởng nhớ đến nhưng không ai sống với người chết.

Chúng ta đã cố quên đi những nỗi đau, dù không thể một sớm một chiều, nhưng dẫu cho chúng vẫn canh cánh bên lòng, cũng không ai muốn sống với những nỗi đau, vì như thế có nghĩa là tự hủy họai chính mình.

Và dù người chết ( đồng bào, đồng đội ) và những nỗi đau ( thể xác lẫn tâm hồn ) có ám ảnh chúng ta đến thế nào đi chăng nữa, thì – một cách công bằng – chúng ta không có quyền buộc những thế hệ nối tiếp phải nhớ đến những người chết , theo cái cách như chúng ta đã nhớ, phải đau những nỗi đau, theo cái cách như chúng ta đã đau. Họ có sứ mạng riêng của thời đại họ sống. Và chắc chắn, họ cũng sẽ có những trăn trở nhức nhối trong khi hòan thành sứ mạng ấy, như chúng ta đã từng trăn trở nhức nhối trong thời đại của mình. Đừng bắt họ mang thêm gánh nặng của quá khứ một cách không cần thiết.

Lịch sử đã sang trang. Những người trẻ sẽ hòan thành những điều chúng ta chỉ mơ ước. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với mặc cảm thắng bại trong tâm tưởng chúng ta, mỗi khi đối diện với ngày 30 tháng 4 trên tờ lịch hàng năm.

Tháng 4 -2007

© T.Vấn

Image


Image

DOWNLOAD

2 nhận xét:

Frankie Lulu nói...

cho e xin cái Hương Lan Phượng Nga jj đó, còn article của a mới nhìn mà đầu e như say tàu rồi nà :)) sao dạo nì sử sách uyên thâm zị a? :))

giao gia nói...

.....Một chiến thắng mang lại trọn vẹn những ước mơ ngàn đời của những người con xứ Việt : đất nước có dân chủ, tự do, người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc..........
Một bài nói đúng lòng mọi con dân nước Việt, xin cám ơn...