Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

More details about ASIA DVD: Trần Thiện Thanh 2

Asia 61 : Nhật Trường Trần Thiện Thanh 2 : BÀ MẸ TRỊ THIÊN

Bài: Duy Khiêm.
Hình: Trung Tâm Asia.


Lại thêm một tháng Tư nữa trở về với mọi người dân Việt chúng ta. Đã 34 năm dài trôi qua với từng tháng Tư Đen uất hận nghẹn ngào cho những đồng bào phải rời xa quê hương nhưng vẫn mang trong lòng nỗi buồn viễn xứ. Trong những tháng gần đây đã có quá nhiều biến động ở quê nhà, từ biên giới phía Bắc xuống tới Tây Nguyên (vấn đề Bauxite) và ra tận những hải đảo cát vàng ở biển Đông càng làm cho chúng ta thêm buồn đau, ray rức khi hướng lòng mình về bên kia bờ Thái Bình Dương thăm thẳm mù khơi.

Ðặc biệt là trong tháng Tư năm nay, nhiều người trong chúng ta lại có dịp hồi tưởng lại những hình ảnh, âm thanh của đất nước Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa qua giòng nhạc của Trần Thiện Thanh ở tác phẩm DVD Asia 61 sẽ được Trung Tâm Asia phát hành rộng rãi khắp nơi vào ngày Thứ Sáu 24-04-2009.



*Asia 61: “Bà Mẹ Trị Thiên”

Chương trình Asia 61 đã khai mạc bằng một tiết mục mở màn thật huy hoàng và tráng lệ mà cũng đượm khá nhiều nét bi ai khiến cho tất cả khán giả hiện diện vô cùng bồi hồi xúc động. Những kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tân kỳ và sự dàn dựng công phu cùng sự diễn xuất điêu luyện của các nghệ sĩ góp mặt đã khiến cho chương trình Nhật Trường Trần Thiện Thanh 2 trở nên thật xuất sắc và độc đáo hơn những chương trình trước kia của Asia.

Nếu ở Asia 50: Nhật Trường - Trần Thiện Thanh (đúng ba năm về trước, tháng Hai, 2006) có chủ đề “Tình Yêu - Cuộc Đời và Sự Nghiệp” thì ở Asia 61 này, “BÀ MẸ TRỊ THIÊN” nổi bật lên như là một chủ đề phụ của chương trình này. Đó cũng là hoạt cảnh mở màn với sự trình diễn và diễn xuất của hai tài danh Thanh Lan và Vũ Khanh. Ngoài ra sự hiện diện của những diễn viên phụ với quân phục của nhiều binh chủng khác nhau và các ca sĩ cùng long trọng đứng chào cũng là những giây phút thật trang nghiêm để tưởng niệm cho các đồng đội của quân lực VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến, và tất cả những đồng bào đã nằm xuống vì lý tưởng tự do.



Như một cuốn phim dài hơn 5 tiếng đồng hồ, Asia 61 đã đưa khán giả quay trở về những tháng ngày tang tóc đau thương nhất của năm 1972, nơi chiến trường Quảng Trị, Đông Hà là vùng đất ở tuyến đầu khói lửa với giòng sông Thạch Hãn (mồ hôi của đá) luôn luôn ngậm ngùi vì chứng kiến cảnh đôi bờ đất nước phân ly. Nơi đó có những bà mẹ Trị Thiên đã vất vả suốt đời với mảnh “đất cày lên sỏi đá” mà vẫn lo lắng cho từng thằng con đi lính. Ca sĩ Thanh Lan và Vũ Khanh đã diễn tả câu chuyện Bà Mẹ Trị Thiên bằng những lời ca phảng phất giai điệu dân ca khá não nề như than, như oán:

“Mẹ già có 1 thằng con, tròn 3 năm lính cũng chưa về nhà.
Mẹ còn nuôi 1 đứa con, ở tận Thất Sơn ra Trung lập đồn.
Mẹ chờ con ruột ở xa, thương yêu mẹ dành cho thằng con nuôi.
Mẹ đợi một sớm bình yên, 2 thằng con (của) mẹ về vui với tuổi già.”


Mơ ước của bà Mẹ Trị Thiên thật giản dị, đơn sơ. Trong cảnh thanh bình đó, bà sẽ kể với hai con về những ngày tuổi trẻ của bà tham gia đánh Tây dành độc lâp từ năm bà tròn mười tám tuổi cho đến mùa thu năm 1954, bà phải chứng kiến cảnh nước nhà chia ra làm hai. Rồi làn sóng đỏ từ phương Bắc tràn vào gây bao tang tóc, điêu linh nhưng bà vẫn dạy cho đứa con lớn lên thành người chiến sĩ can trường, một lòng đánh giặc giữ yên xóm làng. “Nào ngờ có một lần kia … Thằng Hai anh dũng chiến trường Lộc Ninh”. Vậy mà, người con ruột duy nhất của bà đã hy sinh nơi chiến trận phía Nam. Tuy đau thương quá đổi, nhưng khi ngồi bên chiếc quan tài của con được phủ lá quốc kỳ và huân chương anh dũng bội tinh, bà vẫn hãnh diện vì “con của Mẹ đã vị quốc vong thân nơi chiến trường”. Ôi thật cao quý và cảm động biết bao với tấm lòng bao la vì quê hương đất nước của “Bà Mẹ Trị Thiên”. Nhưng kết cuộc của câu chuyện này lại càng bi thương thêm nữa, khi đứa con nuôi của bà phải ở trong hoàn cảnh “Măng khóc tre trên mảnh đất quê” khi bà mẹ già bị giặc thù giết chết.

Nhạc cảnh mở màn này cũng cho thấy tài kể chuyện của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua từng lời ca, nốt nhạc và qua tài diễn xuất của ca sĩ Thanh Lan và Vũ Khanh đã khiến cho mọi người cảm phục thêm cho sự hy sinh cao quý của những bà mẹ Việt Nam trong thời chinh chiến. Nhiều giọt nước mắt đã trào ra khi lắng nghe và chăm chú theo dõi hoạt cảnh rất bi thương này.

Như vậy, chương trình Asia 61 này đã làm nổi bật lên một giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam cận đại bằng những bài hát tiêu biểu nhất của Trần Thiện Thanh. Đó là thời kỳ của “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Đó cũng là thời điểm những sáng tác về “lính” độc đáo nhất, đáng nhớ nhất và vượt trội hơn hết trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Một giai đoạn sáng tác sung mãn với những bài hát để đời về “lính” như: Bà Mẹ Trị Thiên, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Chiều Trên Phá Tam Giang, Người Chết Trở Về, Trời Chưa Muốn Sáng, Chuyện Tình Mộng Thường, ..v.v…Nhà văn quân đội Phan Nhật Nam đã viết: “Mùa Hè 1972 trên thôn xóm và thị trấn của ba miền bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt…lửa ngùn ngụt, lửa bừng bừng, lửa kêu tiếng lớn đại pháo, lửa lép bép nức nở của thịt da người nung chín, lửa kéo dài qua đêm, lửa bốc khói mờ trời khi ngày sáng…Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy…Mùa Hè năm 1972, mùa hè máu, mùa hè của sự chết và tan vỡ toàn diện, mùa hè cuối đáy điêu linh. Dân tộc ta sao nỡ quá đọa đày…!!” Chương trình Asia 61 “Bà Mẹ Trị Thiên” cũng đã khép lại ở thời điểm “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” đó với hoạt cảnh chiến tranh trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” , với cái chết của “Bắc Đẩu” Nguyễn Ngọc Bích “liệm xác ba lần, thịt xương nát tan”
qua sự diễn tả của Nguyễn Hồng Nhung và Lâm Nhật Tiến cùng tất cả các nghệ sĩ của Trung Tâm Asia.

Tuy nhiên, điểm độc đáo của âm nhạc Trần Thiện Thanh là bên cạnh những bài hát ngợi ca những tấm gương hy sinh anh dũng nơi chiến trường của người lính VNCH và những đau thương mất mát cho thân nhân còn lại là những tình khúc êm đềm vô cùng lãng mạn của tuổi trẻ nơi chốn hậu phương an bình.

*Những bài hát ngợi ca tình yêu đôi lứa.


Sau những đau thương, mất mát của “Bà Mẹ Trị Thiên” nơi địa đầu giới tuyến, chương trình Asia 61 lại đưa khán giả quay về vùng hậu phương yên bình, nơi phố thị phồn hoa với những cuộc tình lãng mạn như “Chuyện Hẹn Hò”, “Ai Nói Yêu Em Đêm Nay”, “Một Đời Yêu Em” hoặc “Xin Em Đừng Hỏi”…

Với kỹ thuật ghép hai tiếng hát lại với nhau, Phương Hồng Quế đã song ca với cố ca sĩ Nhật Trường bài hát “Chuyện Hẹn Hò” thật là sống động. Tiết mục này cũng mang thật nhiều ý nghĩa vì trong quá khứ, PHQ và NT đã từng hát chung với nhau rất nhiều lần khi còn ở Việt Nam trước năm 1975 qua những chuyến công tác ở Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Sau này khi ra hải ngoại và định cư ở cùng một thành phố, cho đến tháng Tư năm 2005 trong những ngày ca nhạc sĩ NT lâm trọng bệnh, thì hầu như ngày nào PHQ cũng dành chút thời giờ ghé qua nhà thăm viếng NT, để “
nói đôi câu chuyện cho anh vui. Hôm NT ra đi vĩnh viễn (13-5-2005) thì thật sự là một cú shock nặng nề trong trái tim tôi. Đối với tôi ngoài tình nghệ sĩ, anh NT còn là một người anh tinh thần thân thiết
”. (Lời PHQ tâm sự)

Ít người biết là bài hát “Ai Nói Yêu Em Đêm Nay” là một chuyện tình có thật của tác giả Trần Thiện Thanh. Trong một buổi tối hẹn hò với người bạn gái nơi vũ trường mà ôngkhông đến kịp, người thiếu nữ ngồi chờ ông đã bị một gói chất nổ do đặc công cộng sản gài và nổ tan xác. Bài hát đã được ca sĩ trẻ Hồ Hoàng Yến diễn tả bằng một giọng ca trao chuốt, mang âm điệu rất “thính phòng” với những lời hát vô cùng lãng mạn, pha chút ngậm ngùi chua xót cho thân phận của những thiếu nữ Việt Nam trong thời chinh chiến:

“Son phấn nào giết ngây thơ,
ánh đèn nào màu đơn côi,
lệ rơi nhiều hơn mưa lũ…”


Một bài hát “thính phòng” khác cũng từng được chính tác giả là ca sĩ Nhật Trường diễn tả ngày xưa rất được nhiều người yêu thích là “Xin Em Đừng Hỏi” . Có lần, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nhận xét: “Không ai hát nhạc Trần Thiện Thanh hay hơn Nhật Trường”. Ít có nhạc sĩ Việt Nam nào vừa sáng tác mà cũng vừa trình diễn một cách thật hoàn hảo, nhưng cũng rất “điệu” những bài hát của mình theo kiểu Nhật Trường trong “Xin Em Đừng Hỏi” ngày xưa. Nhưng ở Asia 61, Lâm Thúy Vân đã diễn tả trọn vẹn bài hát này với phong cách riêng của cô trong bộ y phục dạ hội rất sang trọng dưới ánh đèn màu.

Được nhiều người chú ý đến là “tiếng hát liêu trai” Thanh Thúy, một người bạn thân và cũng là cô láng giềng của Nhật Trường thời thơ ấu ở Phan Thiết cho mãi đến sau này nơi hải ngoại, đã được vinh dự đơn ca “Hãy Trả Lời Em”. Đó là một bài hát ít người còn nhớ là tác giả Trần Thiện Thanh đã sáng tác từ lâu lắm khi ông cùng hợp soạn với Đào Duy và Nhật Bằng với những lời hát như:

“Cho em tìm vào tim anh,
Lắng nghe từng hơi thở
Hãy trả lời em đi anh...”


Trong khi đó, phần trình diễn của các cặp song ca rất thành công với những bài hát rất thích hợp với chất giọng của từng người. Khán giả đã khen ngợi đôi danh ca Chế Linh và Phương Dung với “Đôi Ngã Đôi Ta”, một sáng tác của Trần Thiện Thanh tưởng đâu đã không còn nghe lại được sau bao nhiêu năm dâu bể chia lìa. Đây cũng là một trong những bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác khi vừa rời quê nhà Phan Thiết vào Sài Gòn lập nghiệp để khởi đầu cho cuộc đời nghệ sĩ của ông. Những kỷ niệm của quãng đời thư sinh nơi tỉnh lẻ của ông và nỗi cô đơn nơi chốn thành đô đã được Chế Linh diễn tả:

“Mình anh riêng bóng, xa xôi mịt mùng, bồi hồi ước mong.
Dẫu cho người đi năm xưa dặn lòng …”


Lần này, những cặp song ca được kết hợp rất xứng đôi với nhau. Không còn cảnh một người hát xong bước vô và người kia bước ra, mà họ đã thực sự cùng đứng hát chung với nhau trọn cả bài hát. Đó là những tiết mục rất đặc sắc của Ngọc Minh-Trung Chỉnh, Diễm Liên-Nguyên Khang, Thiên Kim-Philip Huy, Mỹ Huyền-Tuấn Vũ, Thùy Hương-Đoàn Phi, Trish-Spencer, MC Thùy Dương-Đặng Thế Luân, Tiến Dũng-Thanh Trúc, Ánh Minh-Justin Nguyễn và còn nhiều cặp song ca nữa ở những màn hoạt cảnh cần sự diễn xuất rất nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Khán giả thật ngạc nhiên khi thấy tài danh cổ nhạc Chí Tâm xuất hiện ở chương trình này với màn song ca tân cổ giao duyên cùng với Ngọc Huyền và trả lời phỏng vấn của MC với nhiều chi tiết khá ly kỳ, hấp dẫn. Đây lại là một tiết mục được tán thưởng rất nhiều qua bài hát quen thuộc “Tạ Từ Trong Đêm”.

Nhắc đến cố ca nhạc sĩ Nhật Trường là phải nhắc đến nhóm “Tứ Ca Nhật Trường” trong chương trình “Tiếng Hát Đôi Mươi” được yêu thích qua nhiều năm dài trên làn sóng của các đài phát thanh quốc gia và quân đội VNCH và trên đài truyền hình băng tần số 9. Trong nhóm đó chỉ có Nhật Trường là nam và ba giọng nữ khác gồm những tiếng hát đã một thời vang bóng như Mai Hương, Quỳnh Giao và nhất là cô em gái Như Thủy của Nhật Trường (hiện vẫn còn sinh sống ở Việt Nam). Tiếc là trong chương trình này không có sự góp mặt của những nữ ca sĩ nêu trên. Tuy nhiên, Trung Tâm Asia đã kết hợp bốn tiếng hát trẻ trung ở hải ngoại lại với nhau thành một nhóm tứ ca trong bài hát “Không Bao Giờ Ngăn Cách” gồm có Châu Tuấn, Bích Vân, Y Phương và Diễm Liên. Tiết mục này được khen ngợi rất nhiều do tài diễn xuất và phong cách trẻ trung, vui vẻ, mang đầy tính lãng mạn của nhóm “Tứ Ca Nhật Trường” ngày xưa.

*Những tiếng hát trẻ trung với giòng nhạc Trần Thiện Thanh:


Âm nhạc của Trần Thiện Thanh có rất nhiều bài hát được viết theo nhịp điệu trẻ trung vui tươi, nên những ca sĩ trẻ tuy sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, nhưng vẫn trình diễn rất thành công các bài hát này và có thể làm thay đổi không khí sau những bài hát buồn đau, thương xót, chia ly. Không khí hậu phương hay phố thị yên bình hoặc quãng đời thư sinh êm đềm nơi trường lớp trong các bài hát này đã được các ca sĩ trẻ cùng những vũ công phụ họa làm cho chương trình Asia này mang đậm nét nghệ thuật và chứng tỏ rằng tài năng sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh rất đa dạng trong cách dùng chữ, tìm đề tài hay lạ và nhạc điệu thường xuyên thay đổi.

Đáng chú ý là bài hát “Yêu” là một sáng tác của Trần Thiện Thanh viết ra khi ông còn rất trẻ (như ông đã tâm sự khi trả lời phỏng vấn với Khánh Ly) nhưng lần này được Thùy Hương và Đoàn Phi trình bày với âm điệu trẻ trung làm cho bài hát này càng gần gũi với lớp trẻ ngày nay nhiều hơn. Một bài hát khác cũng ít được phổ biến là “Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không” do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ từ một bài thơ của thi sĩ Nhất Tuấn sáng tác từ năm 1964, nên trong lời hát có vài tiếng Pháp và những chi tiết rất thú vị của tuổi học trò ngày xưa, khi Ánh Minh bị phạt kỹ luật “cấm túc” vào ngày Chủ Nhật nàng phải vô trường chép hàng trăm câu “bài phạt”, nhưng sau đó Giám Thị phát giác ra nàng chỉ viết toàn là những câu giống nhau đầy thương nhớ với chữ “Trẫm” và “Ái Khanh” như tựa đề bài hát. Đây là lần đầu tiên ca sĩ trẻ Justin xuất hiện trên sân khấu Asia và song ca với Ánh Minh. Tên thật của Justin là Nguyễn Đỗ Tiến Sĩ, qua Mỹ từ năm 1990 theo diện HO2 vì có ông nội là một sĩ quan cấp Tá của quân đội VNCH và bị tù cải tạo nhiều năm. Trước kia Justin hay hát cho Trung Tâm Tình Productions bên cạnh những đàn anh, đàn chị lớn hơn Justin nhiều tuổi như Don Hồ, Loan Châu. Hôm nay ở Asia 61, chắc chắn đôi song ca Justin và Ánh Minh sẽ để lại những ấn tượng rất tốt đẹp với mọi người.

Riêng màn trình diễn của Trish Thùy Trang và Spencer cũng tạo nên những nét độc đáo riêng biệt bên cạnh những vũ công với sắc phục và màu nón khác nhau của các binh chủng trong quân lực VNCH. Một tiết mục vui nhộn và tràn đầy màu sắc khiến cho không khí thêm tưng bừng, náo nhiệt hẳn lên.

Trong khi đó đôi song ca trẻ Tường Nguyên và Tường Khuê lại diễn tả “Mười Sáu Trăng Tròn” theo giai điệu bolero như sở trường của họ và cũng rất thích hợp với giòng nhạc bolero của Trần Thiện Thanh với những lời ca đầy lãng mạn và rất ngọt ngào của lứa tuổi đôi mươi trong thời chiến vừa từ giã mái trường đong đầy kỷ niệm.

*Những màn nhạc kịch rất độc đáo:


Ngoài vở kịch vui không thể thiếu trong một chương trình đại nhạc hội là vở kịch “Món Quà Sinh Nhật” do đôi danh hài Quang Minh-Hồng Đào và hai kịch sĩ trẻ tuổi diễn xuất khiến mọi người quên đi những nỗi buồn đau, thương cảm qua nhiều bài hát được trình bày trước đó; khán giả lại yên lặng theo dõi những màn nhạc kịch qua những bài hát “để đời” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Nhớ lại ngày xưa ở Việt Nam trước năm 1975, ca nhạc sĩ Nhật Trường đã có sáng kiến khá độc đáo khi ông trổ tài biến hóa những bài hát của ông thành những màn nhạc kịch dài và nặng phần diễn xuất. Ông tự mình nghĩ ra nhiều tình tiết cho thêm éo le gây cấn và viết thêm nhiều câu đối thoại, quay phim ngoại cảnh và ghép lại thành một vở nhạc kịch dài gần một tiếng đồng hồ để cho trình chiếu trên hệ thống truyền hình trắng đen toàn quốc VNCH. Các vai chánh thường là do chính Nhật Trường và Thanh Lan diễn xuất và ca hát, đối thoại với nhau.

Trong chương trình Asia 61 này, hai vở nhạc kịch tiêu biểu nhất của Trần Thiện Thanh đã được nữ ca sĩ Thanh Lan dành ra nhiều thì giờ viết lại phần đối thoại, phân cảnh và đạo diễn cho thế hệ đàn em diễn xuất. Các ca sĩ trẻ ở hải ngoại đã làm sống lại vai trò ngày xưa của Nhật Trường, Thanh Lan trên sân khấu rực rỡ đèn màu của TT Asia.



Được chú ý nhiều nhất là nhạc kịch “Tình Thiên Thu : Nguyễn Thị Mộng Thường” do Băng Tâm và Đan Nguyên ca diễn. Có thể nói vở nhạc kịch này đã gây xúc động tột cùng và được khán giả nhắc nhở nhiều nhất sau khi đi xem chương trình này về và bày tỏ cảm nghĩ ở những diễn đàn ca nhạc khắp nơi. Nhiều người đã biết về câu chuyện tình có thật đã xãy ra của chàng Thiếu Úy Biệt Động Quân tên là Phạm Thái với cô tiếp viên hàng không Việt Nam xinh đẹp tên Nguyễn Thị Mộng Thường. Tuy cha mẹ của cô đặt cho tên gọi Mộng Thường, nhưng cuộc đời của cô thì không bình thường chút nào như trong một giấc chiêm bao ngắn ngũi. Trong một lần đáp chuyến bay của hãng hàng không Air Vietnam, anh Phạm Thái đã rời trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt để về Sài Gòn trình diện với Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân để chuẩn bị lên đường đi tác chiến và đã tình cờ quen biết rồi yêu mến Mộng Thường. Băng Tâm đã hát:

“Đến lúc biết mơ mộng như những cô gái xuân nồng,
Nàng yêu anh quân nhân Biệt Động trong một ngày cuối Đông,
Chuyện tình trong thời giao tranh vẫn như làn khói mỏng manh
Chàng về đơn vị xa xăm... nàng nghe nặng nhớ mong.”


Thời gian sau đó, khi họ sắp làm đám cưới và chung sống với nhau thì chiến trận “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” cũng bùng nổ ở An Lộc khiến cho Phạm Thái phải lên đường chiến đấu. Ở đó, chàng Thiếu Úy này đã bị thương nặng và mất tích, tưởng đã hy sinh nơi chiến trận khiến cho Mộng Thường phải đau khổ trước cảnh đôi lứa sớm chia lìa. Không ngờ một thời gian sau “Người Chết Trở Về” trong mừng mừng tủi tủi. Thì ra chàng đã được một bà sơ (soeur) cứu sống và cho tá túc nơi một nhà thờ để dưỡng thương. Sau đó chàng tiếp tục phục vụ tại An Lộc và được thăng cấp lên Trung Úy. Phạm Thái đã gởi thơ về Sài Gòn mời người yêu mà cũng là vợ sắp cưới của chàng lên An Lộc tham dự buổi lễ “gắn lon” mới. Tuy là tiếp viên hàng không, nhưng lần này Nguyễn Thị Mộng Thường phải đón xe đò đi một quãng đường dài tìm gặp người yêu. Số phận nghiệt ngã như đã chờ đón Mộng Thường, khi chiếc xe đò chở nàng bị trúng mìn bom do bọn khủng bố Việt Cộng gài ở dọc đường. Mộng Thường bị thương nặng, mất máu rất nhiều và được cấp tốc chở vào một bịnh viện gần đó.

Trích đoạn của nhạc cảnh này trên sân khấu Asia cho thấy cảnh Băng Tâm trong vai Mộng Thường đang nằm trên giường bịnh, gầy ốm xanh xao với các cô y tá và bác sĩ (do ca sĩ Mỹ Huyền diễn xuất) chung quanh.
Nàng nằm đó bất động và đang được truyền nước biển vào mạch máu, tưởng như không còn chút sinh khí nào. Đột nhiên, chàng Trung Úy trẻ tuổi Đan Nguyên từ đơn vị được báo hung tin và đột ngột chạy vào với nét mặt phong trần pha lẫn xót thương, ray rức qua những lời ca:

“Xin cho yêu trong mộng thường, nhưng Mộng Thường cũng tan,
Xin cho đi chung một đường, sao định mệnh chắn ngang ..?”


Cảm động nhất là ở hoạt cảnh sau cùng, khi Đan Nguyên cất tiếng kêu gào hai tiếng “Mộng Thường” khi người yêu đang trút hơi thở cuối cùng trên tay anh. Đúng là định mệnh vô cùng nghiệt ngã khiến cho đôi trẻ sớm chia lìa như từng lời hát:

“Nhưng không chết người trai khói lửa,
Mà chết người gái nhỏ ở phương xa,
Một Xuân buồn có gió Đông qua …”


Hai ca sĩ trẻ Băng Tâm và Đan Nguyên đã ca diễn thật xuất sắc ở vở nhạc kịch này như đang thực sự hòa nhập vào hai nhân vật có thiệt ở ngoài đời là Nguyễn Thị Mộng Thường và anh sĩ quan Biệt Động Quân Phạm Thái của thời điểm “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” ngay trên quê hương yêu dấu ngày nào.

Vở nhạc kịch thứ nhì cũng do ca sĩ Thanh Lan đạo diễn là vở nhạc kịch
“Trên Đỉnh Mùa Đông” rất nổi tiếng ngày xưa ở Việt Nam do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác và đạo diễn. Sau này khi vừa qua Mỹ định cư, ông cũng đã thực hiện lại một lần trên video Hải Minh với Thanh Lan và đã trình diễn trên sân khấu với Băng Châu. Nhưng ở Asia 61, lần đầu tiên nam ca sĩ trẻ Quốc Khanh đã đóng vai Đại Úy Pháo Binh Dù Nguyễn Văn Đương và ca sĩ Như Quỳnh đóng vai người vợ tên là Nguyễn Thị Lệ.

Trích đoạn nhạc kịch này chỉ diễn lại phần đầu là bài hát “Trên Đỉnh Mùa Đông” nhằm kể lại mối tình thật đẹp của cô nữ sinh viên trẻ ở sân trường đại học trên đỉnh đồi Đà Lạt với chàng sĩ quan trẻ tuổi tên Đương. Vì vậy không có bài hát “Anh Không Chết Đâu Em” và cũng không có cảnh hồn ma “người chết hiện về” với máu me đầy khuôn mặt ưu sầu nhưng dũng cảm. Như vậy ở nhạc kịch này Quốc Khanh và Như Quỳnh đã diễn tả một tình yêu thật lãng mạn và tràn đầy cảm xúc nơi chốn hậu phương yên bình lại khiến cho nhiều khán giả thêm bồi hồi, nhung nhớ về một thời quá khứ xa xăm của gần bốn chục năm về trước.





Ở chương trình này lại có thêm một câu chuyện có thật được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh soạn thành bài hát “Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng” do Y Phương và Anh Khoa trình diễn. Đây có thể coi như một “tiểu nhạc kịch” với những người phụ diễn và vài câu đối thoại xen vào bài hát. Khá ngạc nhiên là “Dấu Ðạn Thù Trên Tường Vôi Trắng” cũng là một trong những bài hát được rất nhiều khán giả trẻ gởi lời đề nghị về Forum của Trung Tâm Asia trước ngày trình diễn. Câu chuyện về một người con gái đẹp thích trồng những bông hoa Hồng bên cạnh bức tường vôi trắng ở cạnh nhà nàng. Vào những ngày Tết của năm Mậu Thân (1968), khi chiến trận lan về tận thủ đô Sài Gòn khiến cho người thiếu nữ yêu kiều, lãng mạn đó (do Y Phương thủ diễn và ca ngâm) đã gục chết vì những viên đạn của quân thù bên bức tường vôi trắng cạnh những đóa hồng vương đầy vết máu của chính nàng. Chàng quân nhân Anh Khoa đã tìm về bên cạnh xác người yêu lạnh giá. Lời bài hát này rất thê lương ở đoạn sau cùng:

“Nhưng đâu có ngờ rằng trời xanh kín mây dại,
lần yêu cuối trong đời là lần yêu trong lửa khói.
Cuộc tình mong manh chưa đẹp sắc thắm hoa hồng,
mà đạn thù in sâu cho tường trắng bỗng hoen mầu.
Người theo gót đơn vị từng ngày thương mấy cho vừa,
được tin bên chiến hào rằng người yêu không còn nữa
Trở về nơi xưa,
Trời còn giăng mưa cho nghe nặng yêu mến xưa.”




Thêm một hoạt cảnh chiến tranh nữa là “Trời Chưa Muốn Sáng” do Nguyên Khang và Diễm Liên trình bày. Bài hát này rất nổi tiếng trước năm 1975 trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất. Nhiều ngôi giáo đường đổ nát do đạn bom tàn phá khiến cho ngay cả những người không theo đạo Công giáo cũng phải lên tiếng khẩn cầu “Lạy chúa tôi” vì không biết Chúa đang ở nơi nào phía trên cao, Chúa có nghe không bao lời cầu xin, khi quê hương dân tộc đang lắm cảnh đọa đày.

Lạy Chúa tôi, con, người không đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm
Những mìn bom hoen dấu
Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào?




*“Bắc Đẩu” Đại Úy Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích:


Kết thúc của chương trình đại nhạc hội vinh danh cho ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh kỳ 2 này là một màn hoạt cảnh gây nhiều bất ngờ cho khán giả với bài hát “Bắc Ðẩu” viết về sự hy sinh cao quý của Ðại Úy Nguyễn Ngọc Bích thuộc Chi đoàn 2, Thiết đoàn 18 Kỵ binh Thiết Giáp đã tử trận vào những ngày của trung tuần tháng Tư năm 1972 gần bên bờ sông Thạch Hản, tỉnh Quảng Trị. Còn nhớ vào cuối mùa Xuân năm 1972, cộng sản Bắc Việt đã tung quân ào ạt vượt qua sông Bến Hải, nơi ranh giới chia cắt hai miền đất nước để chọc thủng phòng tuyến của Sư đoàn 3 bộ binh đang trú đóng tại đây và tiến sát tới thị xã Ðông Hà. Các đơn vị Thiết Giáp được điều động từ Ðà Nẳng ra để chặn đứng cuộc tiến công của địch quân và phối hợp với các đơn vị Bìệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến. Tình hình tạm lắng dịu vài ngày, nhưng sau đó địch quân tấn công càng lúc càng dữ dội hơn với nhiều chiến xa T-54, T-59 và PT-76 và nhứt là những đợt pháo kích liên tục bằng hỏa tiễn 122 ly và đại pháo 132 ly, cùng lúc với những hỏa tiễn SAM chống máy bay tạo thành một màn lưới lửa trên không. Chiến xa và bộ binh địch được tăng viện đều đều và tấn công theo chiến thuật “tiền pháo hậu xung” làm cho quân đội VNCH bị hao tổn rất nhiều, trong lúccác đơn vị tăng viện chưa đến kịp. Vì vậy khi địch tràn ngập phòng tuyến thì buộc lòng các đon vị VNCH được lệnh lần lượt tháo lui. Quân đội VNCH đi đến đâu thì dân chúng cũng ùn ùn di tãn theo sau lưng, khiến cho quốc lộ số 1 bị kẹt cứng. Khi các đoàn thiết-xa của Lữ đoàn Thiết kỵ chạy ngang qua Quảng Trị thì đoàn xe của dân chúng, các đơn vị Tiếp vận và Tiểu Khu cũng chạy theo và đã bị cộng quân tập kích gần quận Hải Lăng, tàn sát cả ngàn người. Cuộc giết hại đẫm máu thường dân vô tội và quân đội VNCH ở đoạn đường này sau đó được gọi là “Ðại Lộ Kinh Hoàng” mà chúng ta thường thấy những hình ảnh ghê gợn trong sách sử sau này. Ở những nẽo đường đó, thi hài của Ðại Úy Nguyễn Ngọc Bích, còn có biệt danh truyền tin là “Bắc Ðẩu” như một vì sao sáng trên bầu trời ngọc bích trong xanh đã bị đạn pháo kích của Bắc quân làm cho chiếc quan tài bể nát ra từng mảnh, tổng cộng hết ba lần như câu hát của Trần Thiện Thanh “liệm xác ba lần, thịt xương nát tan”.



Ðây là một bài hát rất lạ lùng về lời ca cũng như giai điệu do hai anh em Trần Thiện Thanh và Trần Thiện Thanh Toàn thức trắng một đêm để sáng tác sau khi hay tin người bạn thân của họ là Ðại Úy Nguyễn Ngọc Bích đã hy sinh nơi chiến trường Trị Thiên. Hai ca sĩ trẻ được giao phó bài hát này là Nguyễn Hồng Nhung và Lâm Nhật Tiến cho biết họ đã tập luyện rất gian nan và dành nhiều thời giờ tìm hiểu nội dung cũng như từng lời ca, nốt nhạc để cố gắng diễn tả thật trọn vẹn bài hát này. Trả lời cho một cuộc phỏng vấn trên báo Trẻ sau khi trình diễn xong, Nguyễn Hồng Nhung đã tâm sự như sau:
“Bài “Bắc Ðẩu” này em mới nghe lần đầu. Tên của bài hát thật là lạ lẫm. Nhưng em đặt hết tin tưởng vào người nhạc sĩ hướng dẫn tập luyện là anh Trúc Hồ và người partner là anh Lâm Nhật Tiến... Chiến tranh đồng nghĩa với hy sinh và sự hy sinh cao cả của Ðại Úy Nguyễn Ngọc Bích đã tạo ra những cảm xúc mãnh liệt khiến cho nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác ra “Bắc Ðẩu” . Lúc tập dợt bài hát này, em chưa thấm thía tới ruột gan. Nhưng khi đứng trong không gian yên tĩnh của sân khấu ... tập trung vô bài hát với từng câu từng chữ trong đầu, thả hồn mình vô bối cảnh bài hát ... nước mắt tự nhiên ứa ra chứ em đâu có khóc!” .

Bài hát này đã lâu lắm rồi chúng ta mới có dịp nghe lại, chắc chắn qua tiếng hát điêu luyện, dáng dấp oai hùng của Lâm Nhật Tiến trong quân phục Thiết Giáp với chiếc mũ màu đen hợp cùng sự trẻ trung xinh xắn nhưng pha chút u buồn, thê lương của Nguyễn Hồng Nhung sẽ khiến cho phần kết thúc chương trình Nhật Trường-Trần Thiện Thanh 2 tạo nên một ấn tượng khó quên và bắt buộc khán giả sẽ xem lại DVD này nhiều lần mà không hề chán. Thêm một tuyệt tác phẩm của Trung Tâm Asia trong kho tàng âm nhạc Việt Nam hải ngoại xứng đáng để lưu giữ ở từng gia đình đồng hương chúng ta trong những ngày cuối tháng Tư năm nay.

DK



*********************************








































































Không có nhận xét nào: