Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam, tính từ 1954 tới 1975, nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện, thì có lẽ, đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Thuộc thế hệ âm nhạc thứ hai, thế hệ lớn lên từ xương thịt miền Nam Việt Nam, với những chói lòa của dòng văn chương Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ và những ca khúc trữ tình của Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Cung Tiến, Phạm Duy, dòng văn học nghệ thuật từ miền Bắc vượt Bến Hải, vào miền Nam; Trầm Tử Thiêng đã mở lấy cho mình một lồng ngực âm nhạc mới. Những lượng khí trời canh tân, những phần máu thịt thế giới, tân kỳ, đã làm thành một Trầm Tử Thiêng/Nguyễn Văn Lợi của những ca khúc như Hương Ca Vô Tận. Như Kinh Khổ, như Chuyện Một Chiếc Cầu Ðã Gẫy.
Những ca khúc mang tên họ Nguyễn xuất hiện đột ngột, rực rỡ, như có một mặt ngây ngất, choáng váng cảm thức, tâm hồn người nghe. Chỉ với tam cung, thay vì thất cung, chỉ với ba nốt nhạc đô, rê, mi trên thang nhạc 7 bậc, Trầm Tử Thiêng, là người đầu tiên, sử dụng để hoàn tất ca khúc Kinh Khổ. Một ca khúc bất hủ. Ca khúc dựa trên thang âm đều đặn của tiếng mõ. Tiếng mõ, nhịp đập chính của trái tim Phật Giáo hay trái tim dân gian Việt Nam.
Nhưng đâu là chân dung Trầm Tử Thiêng?
Rất ít người có thể thỏa mãn câu hỏi từng được cất lên ở cả hai miền Nam-Bắc trong những năm tháng đầu thập niên 60, kéo dài tới giữa thập niên 70.
Rất ít người có thể thỏa mãn câu hỏi từng được cất lên trong các cộng đồng người Việt lưu vong ở khắp mọi nơi. Sau khi những ca khúc lớn lao, lồng lộng của họ Nguyễn được những thước băng nhựa chuyển tới những tâm hồn Việt Nam luân lạc như Lưu Vong Khúc Của Người Việt Nam, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, như Một Ðời Áo Mẹ Áo Em, như Hãy Vui Lên Khi Lòng Còn Biết Buồn... Hoặc những ca khúc họ Nguyễn viết chung với nhạc sĩ Trúc Hồ, một người trẻ, niềm hãnh diện của tuổi trẻ ở hải ngoại.
Ðó là những ca khúc như Bước Chân Việt Nam, Bên Em Ðang Có Ta, hay Một Ngày Việt Nam, vân vân...
Câu hỏi khó được trả lời một cách thỏa đáng, bởi vì, sau bao nhiêu năm ở quê người, tài hoa và trí tuệ vạm vỡ kia, trái tim bát ngát nhân bản nọ, vẫn là một con người lặng lẽ nhất, trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện.
Con người đó chính là Nguyễn Văn Lợi, người thầy giáo hiền hòa một thời với bảng đen phấn trắng. Con người đó, chính là Nguyễn Văn Lợi sinh năm 1937 tại Quảng Nam, với bài hát đầu tiên được phổ biến rộng rãi, nhan đề Rồi 20 Năm Sau (Lời của Mẹ) viết năm 1957.
Con người đó, con người Nguyễn Văn Lợi, một tên gọi khác của Trầm Tử Thiêng, trái ngược với bản chất khiêm tốn, ở lãnh vực âm giai và trí tuệ, ông lại luôn là kẻ mở đường, xốc tới những cánh rừng tâm linh, nhân bản chưa người khai phá. Con người đó, con người Trầm Tử Thiêng trong Nguyễn Văn Lợi, trái ngược với bản chất lặng lẽ, lại luôn là kẻ gieo mình lên đỉnh đầu những ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những đỉnh dốc dân tộc và, tổ quốc.
Như khi thiên tai, khi trận bão Linda, vung lưỡi hái tử thần lên bao nhiêu ngàn đồng bào sống dọc theo ven biển miền Ðông Nam tổ quốc Việt, ông đã đứng lên trên mọi ngộ nhận, mọi kiêng cữ, mọi hiểm nguy, để banh ruột phơi gan ông ra, chia sẻ cùng ruột thịt, quê nhà. Trong tinh thần chia sẻ với ruột thịt ở trong tấm lòng mở ra cùng tận, nghiêng lắng trái tim mình để chia sớt phần nào bất hạnh, Trầm Tử Thiêng viết Quê Nhà Còn Giông Bão.
Như đã nói, trái tim họ Trầm, là trái tim chọn ở cùng những nhịp đập đất nước. Rung động của họ Trầm là những rung động cùng nhịp với ngọn triều thế sự. Trong nỗ lực đi tìm những ý nghĩa sâu thẳm của một đời người, trong lắng sâu để nghe được hơi thở tương lai, nhịp quay của lẽ tuần hoàn, thấp thoáng trong các nhạc phẩm của họ Trầm còn là niềm tin yêu, những tiếng cười của nhịp vui sống. Ðiển hình cho nhân sinh quan đầy tính yêu người và yêu đời này, là ca khúc Hãy Vui Lên (Khi Lòng Còn Biết Buồn):
Hãy vui lên khi lòng còn biết buồn! Ðời cỏ cây yêu mưa thích nắng, nên xanh thêm lộc mới. Và giọt lệ nhân sinh quý giá như bao nhiêu nụ cười... Cứ vui chơi đến tận cùng vũ trụ - tội tình gì quanh năm ru rú giam chân nơi hẻo lánh - hẹn một ngày anh em đánh chén say sưa trên Hỏa Tinh - Cứ quay quay theo vòng cờ thế sự - Như người tù binh năm xưa - nay đã hiên ngang lên Ðại sứ - Trở về Hỏa Lò nâng ly chếnh choáng, ôm vai từng kẻ thù...
Dõi theo bước chân âm nhạc, khai phá của Trầm Tử Thiêng, từ Việt Nam qua tới quê người, có dễ Trầm Tử Thiêng là một trong số ít nhạc sĩ của chúng ta, đã bắt được nhịp đập cái trái tim thời sự, trái tim đất nước, nên cõi nhạc của ông, lúc nào cũng tươi rói những dự kiện thời sự, và luôn cả những tựu thành tốt đẹp của nhân loại nữa. Nhạc sĩ Anh Bằng từng thán phục họ Nguyễn ở lãnh vực này, khi ông nói:
“Trầm Tử Thiêng có một khả năng đặc biệt, hơn tôi rất xa. Ðó là khả năng nhậy bén của một nhạc sĩ viết được những ca khúc giá trị cho chiến dịch...”
Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ, Trầm Tử Thiêng không chỉ là kẻ viết sử bằng âm nhạc mà ông chính là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử đa đoan, tiêu biểu của đất nước.
Nếu trong âm nhạc, Trầm Tử Thiêng thường là kẻ đứng trong hàng thứ nhất, hàng ngũ dẫn đường hăm hở, nhiệt tâm thì, trong đời sống cá nhân, ông lại là kẻ đìu hiu, cô quạnh, trong đời sống hàng ngày. Và ông càng đìu hiu cô quạnh hơn nữa, trong đời sống tình cảm của mình.
Rất ít người được nghe ông tâm sự về đời riêng. Những hạnh phúc/khổ đau trong tình trường. Phải chăng vì thế, một người bạn thân cận với ông, đã dùng hình ảnh một nhà tu khổ hạnh, như dấu vết nhận dạng con người, đời sống của Trầm Tử Thiêng/Nguyễn Văn Lợi.
Nhưng sự thực không phải thế. Sự thực trái ngược hẳn. Nếu ở mặt quê hương, Trầm Tử Thiêng là kẻ chọn gieo mình lên đỉnh đầu ngọn sóng quê hương, chọn đứng cheo leo trên những ngọn dốc dân tộc; là nhân cách âm nhạc Trầm Tử Thiêng, thứ nhất; thì, trong tình yêu, họ Nguyễn lại tự nguyện làm người tình thủy chung với những đổ vỡ, những bất hạnh, chia, lìa,...
Tôi có cảm tưởng như tính thủy chung, lòng bao dung của họ Nguyễn là nhân cách âm nhạc thứ hai của đời nhạc Trầm Tử Thiêng vậy.
Năm 1970, khi ngồi xuống, trầm mình trong nhát chém tình yêu, mang tên hạnh-phúc- chia-lìa; ve vuốt, âu yếm vết thương của mình ông viết:
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời - thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới - Ta nghiêng vai soi lại tình người - thì bóng chiều chìm xuống đôi môi - Ðang mân mê cho đời nở hoa chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối - Ðang nâng niu cuộc tình lộng lẫy - bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay - Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ - Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ - Bàn tay làm sao níu, một đời vừa đi qua - bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha - Mang ơn em, trao tặng một lần - là kỷ niệm dù không đầm ấm - mang ơn em đau khổ thật đầy - là nắng vàng dù nhốt trong mây - mang ơn trên cho cuộc đời ta - vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ - trăm cơn đau, một vầng nhang khói - kéo ta về, về cõi hư vô.
Ðó là ca khúc “Tưởng Niệm.” Ðó là “kỷ niệm dù không đầm ấm” của Trầm Tử Thiêng. Nhưng nó cũng là tưởng niệm, là kỷ niệm của không ít những tuổi trẻ Việt Nam trong thời điểm chiến tranh đó.
Năm 1985, mười năm sau cuộc chia tay với người yêu vì biến cố 30 tháng 4, năm 1975, họ Nguyễn lại ngồi xuống, lại vuốt ve, âu yếm vết thương mình:
Mười năm yêu em, em thấy đời mộng mị - mười năm yêu em, ta thấy tình cuồng si - mười năm yêu em, ta hóa thành chiếc lá trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống - Tình chưa yên vui, bên sóng đời cuồng nộ - chợt đêm chia phôi, ngăn cách một đại dương - nhiều đêm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối - nhưng em, tình vẫn hát từ bến chờ - Ôi ta nhớ những đêm nằm mộng biển - hồn ta bay trên đôi cánh reo mừng - giữa cằn cỗi, chợt nghe tình xao xuyến - ngỡ môi em thầm đợi những mùa xuân - Dường như trong Ta, em có điều tuyệt vọng - dường như trong Em, ta vẫn đầy hoài mong - Mười năm yêu em cũng sẽ là mãi mãi - xin em cùng ta hát để nhớ hoài...
Ðó là “Mười Năm Yêu Em” của Trầm Tử Thiêng. Cũng như tình khúc “Tưởng Niệm,” sáng tác cách đó 15 năm năm, giữa quê nhà, tình khúc Mười Năm Yêu Em của họ Trầm, ở quê người, đã lập tức trở thành tiếng hát trên môi, trở thành người tình trong tâm tưởng của những người yêu nhạc Trầm Tử Thiêng trong và ngoài đất nước.
Ðể kết luận, với tôi, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng/Nguyễn Văn Lợi là một tài năng âm nhạc đặc biệt, ông là một trong những nhạc sĩ đã vượt ngoài và, vượt xa giới hạn của lãnh vực tình khúc.
CD 1 CD 2
(Tiếp Theo)
“Chuyện Một Cây Cầu Đã Gẫy” là ca khúc viết năm 1968, khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã 31 tuổi; cho nên, nó không phải là một trong những ca khúc đầu tay của ông. Theo một tài liệu được phổ biến trên mạng Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia thì:
“Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tên thật Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 1 tháng 10, năm 1937, tại Đại Lộc, Quảng Nam, nhưng trên giấy tờ ghi ông sinh năm 1940. Lớn lên ở thôn quê miền Nam, Trầm Tử Thiêng bắt đầu ca hát từ năm lên 10 ở các thôn quê miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp từ 1945 tới 1949. Sau đó ông lên Saigon tiếp tục việc học và tham gia hoạt động âm nhạc ở các học đường và các đoàn thể trẻ.
“Năm 1958 ông tốt nghiệp lớp Sư Phạm (1) và bắt đầu đi dạy, đồng thời cũng viết nhạc. Bài Hương Ca Vô Tận được sáng tác trong thời kỳ đầu; nổi tiếng qua giọng hát Thái Thanh.” (2)
Ở tuổi trên dưới 20, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã hiến tặng cho đời một ca khúc tuyệt vời, như ca khúc “Hương Ca Vô Tận,” điều này cũng phải là hiếm hoi
Nhưng vào thời điểm cuối thập niên 1950, ông đã dám đưa danh từ riêng - Tên gọi một người con gái vào giữa nhan đề một ca khúc của mình, theo tôi, đó là một chọn lựa cho thấy sự tự tin, đảm lược, chủ tâm làm mới của ông thật đáng khâm phục.
Thật vậy, bởi vì tính tới tháng 4, năm 1975, trong sinh hoạt âm nhạc của miền Nam Việt Nam, vẫn còn một số nhạc sĩ từ chối dùng danh từ riêng trong tựa đề ca khúc của họ.
Không chỉ dùng danh từ riêng là “Hương” (tên thường được dùng cho một phụ nữ,) trong nhan đề ca khúc, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng còn lập lại nhiều lần, tên riêng ấy, trong ca từ của ông.
Ngày đoạn mở đầu của ca khúc, người nghe đã thấy ông tha thiết kêu tên “Hương” tới ba lần:
“Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương - Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường - Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu - Cuộc phân ly may mắn thì qua mau - Hát nữa đi Hương, hát để đợi chờ...”
Nếu ở ca khúc “Hương Ca Vô Tận,” Trầm Tử Thiêng/Nguyễn Văn Lợi còn cất lên câu hỏi như một khao khát bình thường của một người trẻ tuổi, sớm ý thức được thảm họa chiến tranh trên một nửa phần đất nước, qua câu hỏi “Ngày binh đao không biết còn bao lâu” - Với cầu mong “Cuộc phân ly may mắn thì qua mau” - Thì bước vào ca khúc “Kinh Khổ,” cũng là một trong những ca khúc được sáng tác ở thời kỳ đầu của sự nghiệp âm nhạc Trầm Tử Thiêng/Nguyễn Văn Lợi, đã cho thấy cái nhìn của ông về chiến tranh là một cái nhìn thẳng thắn. Không né tránh. Không lẩn trốn. Một cái nhìn nhân danh Việt Nam, đứng trên mọi chính kiến, mọi chủ thuyết chính trị...
Một cái nhìn mà cả hai phía, có thể cùng không đồng ý.
Cái nhìn của một nhạc sĩ trực diện với một cuộc chiến anh em tương tàn. Một cuộc nội chiến. Một cuộc chiến giữa trắng và đen. Giữa hận thù và thành kiến. Giữa mê muội và ảo tưởng...
Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên, nếu sau biến cố tháng 4, 1975, một số ca khúc của họ Nguyễn đã được một bộ phận thuộc chính quyền CSVN, mang về Hà Nội nghiên cứu; như nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn đã tiết lộ trong bài viết nhan đề “Trầm Tử Thiêng; Người nhạc sĩ của thời cuộc.”
Trở lại với nội dung của ca khúc “Kinh Khổ,” dù họ Nguyễn sáng tác khi còn rất trẻ; nhưng với viễn kiến đi ra từ tấm lòng nhân bản, bao dung lớn, ông đã sớm cho thấy chỉ một vũ khí tình yêu thương chân thật, mới đủ nhiệm mầu đã giải cứu đất nước, giải oan những lời nguyền tồn đọng hằng nghìn năm qua trên sinh mệnh tổ quốc.
Cũng như ca khúc “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy” sau này; với “Kinh Khổ’ từ hàng chục năm trước, Trầm Tử Thiêng/Nguyễn Văn Lợi đã “dẫn truyện” bằng hình ảnh người Mẹ - Người Mẹ Việt Nam:
“Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm - Lời kinh vọng xa thật êm đềm - Mẹ cầu cho con, vượt qua ngày tròn - Mẹ cầu cho em tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất...”
Dù cho thực tế:
“Người về một ngày một lưa thưa - Người đi càng đêm càng đông dần - Từng dài âu lo - Từng đêm đợi chờ - Mộng thật cam go - Miễn là mai niềm tin thành nụ cười.”
(Người đi, người về ở đây, xin hiểu đó là sự bước qua vạch phấn phân chia hai chủ nghĩa.)
Và, cũng thực tế hay, khao khát trở thành hiện thực của họ Nguyễn là:
“...Người về một ngày một đông thêm - Người đi càng giây càng thưa dần - Rồi ngày sinh ly - Rồi đêm từ biệt - Còn lại đêm nay với vòng tay tình yêu người và người.”
Khi tình yêu là lời cầu nguyện chung cho cả một dân tộc, một đất nước thì kết quả đương nhiên sẽ phải là:
“...Lạnh lùng một ngày một qua mau - Lời kinh mù sương mờ trên đầu - Mộng chờ sau đêm - Ngày mai thật lạ - Thù hận anh em bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà (...) Người về một giờ một đông hơn - Người đi càng giây càng không còn - Một thời điêu linh - Một phen hoạn nạn - Còn lại hôm nay những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu.”
Trong một tùy bút về “Thầy Thiêng” (cách gọi thân mật của Khánh Ly dành cho nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng,) đã không quên nhắc lại một số ca từ trong ca khúc “Kinh Khổ” của Trầm Tử Thiêng. Cô viết:
“...Nhạc ông viết thật nhân bản. Đầy tình nghĩa. Dù bao nhiêu điêu linh hoạn nạn. Ông vẫn mong có một ngày được ở với “Vòng tay tình yêu người và người.” Dù tình người có tiêu hao qua bao loạn ly ông vẫn chờ một ngày “mai thật lạ - “Thù hận anh em bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà.” Mơ ước không thành, ông đành ra đi, ôm theo một khối tình quê. Ông tự ví mình như một cậu bé mồ côi. Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi. Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn. Để đêm đêm nhớ về Saigon...”
(Trích “Khánh Ly, Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng”)
Về phương diện hình thức, nếu ở ca khúc “Hương Ca Vô Tận,” Trầm Tử Thiêng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên, đem tên người nữ vào ca từ của mình thì ở “Kinh Khổ,” ông cũng lại là một trong vài nhạc sĩ đầu tiên, sử dụng quãng ba, chỉ gồm có ba nốt Đô, Rê, Mi để hoàn thành tác phẩm của mình.
Rất nhiều nhạc sĩ cho rằng, một ca khúc thiếu những “cao trào” thường không thể thành công. Kinh nghiệm cho thấy, những ca khúc nổi tiếng, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, thường có những quãng cách rất lớn.
Chính nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, sinh thời khi so sánh tác phẩm “Kinh Khổ” của mình, với một vài ca khúc khác, cũng từng nói rằng:
“Đôi khi quãng cách đó là mười ba hay mười bốn quãng. Nó lên tới gần hai bát độ; như ca khúc “Đêm, Nhớ Trăng Saigon,” của Phạm Đình Chương ở phần Coda... Nó là một thách đố lớn cho một ca sĩ có âm vực giới hạn...”
Do đó, theo các nhạc sĩ như Trần Duy Đức, Nguyễn Đức Cường thì nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là người duy nhất, tính tới hôm nay, đã gặt hái được sự thành công rực rỡ với một ca khúc trước sau, chỉ dùng quãng ba.
Nhạc sĩ Trần Duy Đức nói:
“Quãng ba của ông, dựa trên thang âm đều đặn của tiếng mõ...”
Phần nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường thì thêm rằng:
“...Như tôi hiểu, tiếng mõ là phông nền ắt có và đủ của những thời kinh Phật. Nói cách khác, nó chính là trái tim từ bi, yêu thương mở rộng của dân gian. Và cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khi cố ý sử dụng quãng ba, căn cứ trên tiếng mõ này, chắc cũng không nằm ngoài ý niệm ấy.”
Chú thích:
(1) Nhà báo Vương Hồng Anh, tức Nguyễn Chí Khả cho biết, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp khóa Sư Phạm Cấp Tốc, Saigon. Thời gian đó miền Nam thiếu giáo chức, nên khóa học chỉ kéo dài 9 tháng.
(2) Đầu thập niên 1990, ở quê người, nữ danh ca Thái Thanh một lần nữa, ghi âm ca khúc này trong bộ đĩa “Thái Thanh Hải Ngoại,” do trung tâm băng nhạc Diễm Xưa thực hiện và phát hành