Những người ly xứ tha hương, khi thời tiết thay đổi, nghe như trong hồn âm vang những ngọn sóng, của một ngày động biển. Người Việt Nam, trong cuộc sống đã sẵn những buổi ra đi. Từ năm di cư đến ngày di tản, biết bao nhiêu tâm hồn mang nặng những nỗi niềm của cả một thời thế dông bão. Thơ, văn, nhạc, chuyên chở tâm sự thời đại. Những câu văn, những lời thơ, những ý nhạc phản ảnh những cuộc sống cực kỳ đặc biệt của một dân tộc đã quá quen với chiến tranh, khói lửa và tang tóc…
Sài Gòn, sau năm 1975. Hà Nội, sau năm 1954. Những thành phố của hoài niệm trong thời gian ấy. Năm 1954, hàng triệu người rời bỏ miền Bắc xuôi nam tìm tự do, cuộc di cư vĩ đại của những người ghê sợ Cộng sản. Năm 1975, Cộng sản chiếm toàn bộ đất nước. Hàng trăm ngàn người di tản ra ngoại quốc sau đó đến từng đợt vượt biển của hàng triệu người. Không gian, thời gian, của những biến cố kể trên, đã thành môi trường và động lực thúc đẩy văn nghệ sĩ để tạo thành những tác phẩm văn chương hay âm nhạc phản ảnh tâm tình thời đại. Một dòng nhạc hoài niệm kéo dài suốt nửa thế kỷ đã cho chúng ta những bản nhạc để đời. Những bản nhạc mà tuổi thọ của nó dài hơn tuổi thọ của chính tác giả sáng tạo ra nó. Nhạc sĩ có khi khuất bóng từ lâu, nhưng nhạc phẩm vẫn còn sống, còn được hát và còn được thính giả nghe và hâm mộ. Qua một thời gian, qua sự đãi lọc, bản nhạc có thể tồn tại được phải có sức lôi cuốn từ ngôn từ và điệu nhạc. Và nhất là, phù hợp với tâm tư của từng thời kỳ, của hoàn cảnh mỗi người khi nghe âm điệu ấy.
Với tôi, có những bản nhạc là một phần đời sống tôi. Những bản nhạc, nhắc lại một tháng ngày đã qua. Nghe nó, như sống lại một quá khứ. Thuở đó, là kỷ niệm. Thuở đó, là cái tôi riêng trải dài theo những đoạn đời. Có khi, tưởng quên lãng nhưng lại chợt về trong ký ức. Có người bạn, anh Trần Thăng, một người sản xuất nhiều băng nhạc và video nổi tiếng mang tên trung tâm Asia, Dạ Lan, Mây, đã chê tôi là “ông chỉ thích những bản “ antique” không mà chẳng để ý gì đến những bản nhạc mới sáng tác, mọi người đều như thế thì âm nhạc sao phát triển được “. Tôi chỉ cười nhưng thầm nghĩ, ừ, tôi chỉ thích những gì hợp với tôi bất kể là nhạc thính phòng hay nhạc đại chúng, nhạc cũ hay nhạc mới nhạc trẻ. Tôi có những băng nhạc thật cũ, âm thanh nghe nhiều quá thành rè rè mà tôi vẫn giữ lại. Và, nếu có ai có những bản nhạc cũ mà tôi thích ấy, tôi thu lại để nghe. Tính khí ấy có lẽ cũng không hay lắm, nhưng đã quen nết rồi, biết làm sao. Nhiều khi, tôi nghe nhạc trong vô thức, lúc đọc sách, lúc lái xe hay cả những lúc đang chập chờn giấc ngủ. Cái cung cách nghe nhạc mà như không nghe nhạc ấy có lẽ không phải là của một người thành thạo về âm nhạc. Nhưng đó cũng là một phần đời sống của tôi, dù chỉ là một phút một giây.Tôi sống một phút. Cũng như tôi cảm âm nhạc một giây, mặc dù bằng hai lỗ tai “ điếc nhạc”…
Năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam. Đang học tiểu học, lạ người lạ cảnh, tâm tư như tờ giấy trắng, nhưng tôi vẫn nhớ như in bài hát mà tôi đã gân cổ hát trong giờ sinh hoạt học đường. Lúc ấy, hào hứng tin tưởng xiết bao. Bản nhạc “Về miền Nam“ của Trọng Khương nhắc lại tôi ngày thơ ấu:
“Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước
Hướng về đây miền nam thân yêu nắng sáng
Theo vết chân người xưa ta tiến lên đường đi
Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi.
Sông nào cắt đứt đôi nơi
Sông nào xé nát tim tôi
Sông nào bóp chết thương yêu Việt Nam ơi!… “
Bài hát ấy, với tôi, tự nhiên nhắc và nhớ đến những khuôn mặt ấu thơ. Những cô giáo, thầy giáo khai tâm tuổi nhỏ. Cùng với ngôn từ và điệu nhạc, là bước chân trở về. Đó, lãnh địa thiêng liêng của đời người, mà dần dần thời gian đi qua, in sâu trên tiềm thức. Đất nước mới, mở ra những lạc quan, như tuổi xanh ngây thơ nhưng thật nhiều ước vọng… Bài hát như một dây chuyền để bắt đầu cho một chuỗi liên tưởng. Vô tình, bài hát như một contact để mở một mạch điện cho khúc phim đời sống riêng tôi.
Nhưng những bài hát khác, thường là những nỗi buồn, ngâm ngùi hướng vọng về chốn quê xa. Hàng trăm ca khúc có chung dòng nhạc. Không phải chỉ với bài hát ấy, mà còn nhiều bài hát khác, nhiều phim truyện khác, nhắc nhớ lại thời kỳ đặc biệt của đất nước. Một cách khái quát, theo bài thuyết trình “ Love and Longing at the Border : Songs On Both Sides of the 17th Parallel” của Jason Gibbs trong seminar của Popular Culture Association tại thành phố San Antonio, tiểu bang Texas thì có tới 18 ca khúc của những người di cư nhớ về quê hương cũ đã xa. Như: Bắc Một Nhịp cầu“ của Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương, “Biệt Hải Phòng”, của Phó Quốc Thăng, “Chờ Anh Em Nhé”, của Xuân Tiên, lời Nhật Bằng, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến“ của Lam Phương, “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Hận Ly Hương“ của Anh Hoa và Ngọc Lang, “Hướng Về Đất Bắc“ của Phó Quốc Thăng, “Hướng Về Hà Nội“ của Hoàng Dương, “Lá Thư Gửi Mẹ” của Nguyễn Hiền, lời Thái Thảo, “Mộng Ngày Hồi Hương”, của Hoàng Trọng, Hồ Đình Phương, “Sầu Ly Hương” của Lam Phương, “Thu Ly Hương” của Nhật Bằng và Đan Thọ, “Tình Cố Đô” của Lam Phương lời Mạnh Thương, “Về Bến Xưa“ của Nguyễn Hiền, lời Thiện Huấn, “Vọng Cố Đô” của Đan Thọ Nhật Bằng, “Xa Quê Hương” của Đan Tho, Xuân Tiên, “Xuân ly Hương” của Phó Quốc Lân.. Nhưng danh sách ấy chưa đầy đủ lắm, còn thiếu một cách đáng kể: “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Đình Chương, thơ Hoàng Anh Tuấn, “Mùa Hoa Nở“ của Cung Tiến,…
Trong những bài hát ấy, Hà Nội như một hình tượng của nhung nhớ. Thành phố ấy, phải rời bỏ đi xa với nỗi đau đớn tận cùng. Hà Nội ơi! Có phải là tiếng kêu thảng thốt của trái tim vỡ vụn. Không phải với tôi mà chung của rất nhiều người, Hà Nội thành thánh địa của hồi tưởng. Lúc học trung học, hai thành phố gợi cho tôi nhiều ấn tượng và mê đắm nhất là Paris và Hà Nội. Lúc đó, tôi chỉ mong có ngày đặt chân đến. Paris của cậu bé Vincent trong sách “ Cours De Langues et de Civilisations “ của giáo sư Mauger mở ra biết bao nhiêu ảnh tượng kỳ thú. Còn Hà Nội, là “Đêm Giã Từ Hà Nội“ của Mai Thảo, là “Ung thư” của Thanh Tâm Tuyền, hay nhạc “Hướng Về Hà Nội“ của Hoàng Dương:
“Hà Nội ơi! Những ngày vui đã ra đi
Biết người còn nhớ nhung chi,
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy em về…“
Không gian xa cách ngàn trùng. Thời gian chia ly vời vợi. Đời sống bỗng lênh đênh chia hai giữa buồn nhớ và hy vọng. Sẽ có một ngày trở về, có phải?. Nhưng cuộc sống như dòng nước trôi đi lạnh lùng. Xa xứ và ly hương, như dòng sông Bến Hải chia đôi đất nước. Phạm Đình Chương phổ nhạc thơ Hoàng Anh Tuấn: “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội”, một bài hát mà mỗi khi người di cư nghe lại quặn đau:
“Mưa hoàng hôn trên thành phố heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Thương mầu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha…“
Và, rồi còn nhiều nữa. ”Chuyến Đò Vĩ Tuyến“ của Lam Phương, “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu…”, “Bắc Một Nhịp Cầu “ của Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương “Lạnh lùng phương Nam mơ bóng cây xanh ven hồ. Ngậm ngùi phương Bắc trông lúa xa xăm mong chờ. Vì một dòng sông xóa mờ. Tình đời lìa đôi bến bờ…”, “Vọng Cố Đô” của Đan Thọ và Nhật Bằng “Hà Nội ơi! Xa cách muôn trùng dương. Những lúc sương chiều xuống. Tìm đâu bóng Hồ Gươm lòng bao mến thương..”, “Mùa Hoa Nở“ của Cung Tiến “Chiều mưa thương nhớ đến bao giờ. Đường về nẻo Bắc xa mờ, mơ hồ. Đàn chim gieo thương nhớ. Câu tiếng nước nhà…“ Những bản nhạc ấy, trôi theo dòng sông âm nhạc và liên tiếp nhau để thành một thời đại hoài niệm, mà tiếng kêu tha thiết vẳng lên từ nơi chốn đã vời xa: Hà Nội. Tiếng hát, lời ca, không còn đơn thuần là ca khúc mà đi xa hơn, để thành chia sẻ, kỷ niệm của một phần của đời người. Bao nhiêu năm, với bao nhiêu ban nhạc thính phòng hoặc đại chúng, được trình diễn từ những ca sĩ tuyệt vời, những bản nhạc ấy vẫn sống, từ thời hòa bình tạm thời đến cuộc chiến khốc liệt. Mấy chục năm, vẫn không phai cảm xúc trong lòng khán thính giả…
Năm 1975, cơn hồng thủy lại đến với dân tộc Việt Nam. Đất nước thống nhất, hòa bình nhưng trại tù mở ra khắp nước. Kinh tế lụn bại, chính tình hà khắc, dân chúng đói khổ. Rồi đánh tư sản, rồi vơ vét tiền của người dân khiến hàng triệu người bỏ xứ ra đi tìm đất sống. Những chuyện phim như Chúng Tôi Muốn Sống, Đất Lành,..bỗng thành hiện thực. Và, dòng nhạc hoài niệm lại tiếp nối. Tâm tư, nỗi niềm của thế hệ, của thời đại lại phản ánh rõ nét. Ở hải ngoại, ngóng về quê hương, về Sài Gòn với tấm lòng tan nát. Nốt nhạc lời ca thành tiếng vọng gửi về qua khoảng cách của hai bờ đại dương. Không phải chỉ những nhạc sĩ hải ngoại mới viết nhạc hoài niệm xa xứ mà những người viết nhạc còn ở trong nước cũng sáng tác trong tâm cảm như vậy. Sài Gòn, sao khi nhắc đến toàn là chia ly, vĩnh biệt. Nguyễn Đình Toàn, khi còn ở trong nước đã viết “Nước Mắt Cho Sài Gòn”:
“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như dòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
Ta hỏi thầm em có nhớ không?
Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
Nay còn gì đâu…”
Bài hát ấy, bị một nhà văn trong nước mỉa mai rằng “là một bản nhạc cay cú về một thành phố mất tên”. Ông ta quên rằng Sài Gòn đã thành tên của một lãnh tụ công sản đầy tội ác: Hồ Chí Minh. Nhưng ai biết được chuyện dâu biển, những tên như Stalingrad, hay Leningrad ở Nga Xô Viết đã trở lại tên thành phố cũ thuở trước. Sài Gòn vẫn mãi là Sài Gòn.
Và, tôi không phải là một người thông hiểu về âm nhạc lắm nhưng cũng đã nghe nhiều bản nhạc với chủ đề hoài nhớ quê hương và khát vọng sẽ trở về khi đất nước tự do dân chủ. Như “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên“ của Nguyễn Đình Toàn, “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt“, “Người Di Tản Buồn” của Nam Lộc, “ Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng, “Thương Nhớ Sài Gòn” của Phạm Duy, “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn“, thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Đình Chương, “Khi Xa Sài Gòn“, thơ Kim Tuấn, nhạc Lê Uyên Phương, “Cho Một Thành Phố Mất Tên”, thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc Phạm Đình Chương, “Sài Gòn Cảm Khúc“ của Trần Chí Phúc,…
Tôi yêu những bản nhạc nói giùm tôi những tâm tư và ước vọng. Độ chừng, nhiều người cũng giống tôi. Tôi chỉ yêu và thích chứ không đặt tiêu chuẩn hay dở. Có những khi, nghe những bản nhạc cũ, lại bồi hồi. Xốn xang. Tôi biết chắc một điều có những bản nhạc đã cùng sống và cùng thở với tôi trong chung một cuộc nhân sinh. Đâu có thể nào có ai mang cắt đi một phần tâm linh được…. Như mang xóa bỏ đi những bài hát hoài niệm yêu quê hương của thời đại tôi, dân tộc tôi… Dù, kẻ đó là những người của chế độ ngụy tín Cộng sản hiện hữu. Những bài hát ấy, có phải là bằng chứng cho một quãng thời gian đầy biến cố tang thương đau đớn. Chia ly, hận thù, giết chóc, chuyện quê hương,đất nước tôi…
Nguyễn Mạnh Trinh
3 nhận xét:
Những bài hát được nhắc đến trong tùy bút đã làm chị ngộp thở vì nhớ :
Sông nào bóp chết thương yêu VN ơi ... bài này sáng nào cũng nghe hợp xướng từ đài Phát thanh Sài Gòn
Khi chưa đến tuổi 18 , chị luôn khe khẻ hát :
Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu . Nghe qua giọng ca Anh Khoa .
Thời đó HN lạ lẫm lắm. Hà Nội là cuộc sống bên kia bức màn sắt. là cái tên gọi vừa gần gũi, vừa xa lạ, thân quen mà lại gây cho mình cảm giác rờn rợn. Nhưng lại là một ký ức không thể nào quên khi Sài Gòn và Hà Nội không còn là hai đầu chiến tuyến .
Thành ra , những nhạc phẩm được liệt kê trong bài viết đủ yếu tố giá trị theo thời gian .
Lịch sử,,đến như thế và đi như thế, nhưng những bài hát ấy, em có cảm tưởng nó đang đứng ngoài và đứng trên cả lịch sử, để kể, để nhắc, để nhớ...Quá khứ chỉ hiện hữu, khi nó đã...chết đi...khi nó không còn tồn tại, nhưng Saigon, Saigon, tiếng gọi tha thiết ấy, thì mãi mãi, phải không chị?:)
Sài Gòn không bao giờ mất đi ...Huy ơi ! Bởi không chỉ một người nhớ đến nó mà là cả lịch sử nhớ đến nó.
Đăng nhận xét