Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Biển, nghe không

Tạp chí Văn (Sài Gòn) số 69
Ngày 1 tháng 11 năm 1969 (trang 34)

NguyenXuanHoang-BienNgheKhong

1 tùy bút của cùng tác giả! Rất hay!

NXH071988

Nguyễn Xuân Hoàng 07/1988

 

1.

Huế. Tại sao?

Huế. Huế có nghĩa là gì nếu nó không gắn liền với những con người và cảnh vật của thành phố đó?

Thói quen của chúng ta nói rằng Huế là tất cả miền Trung, cũng như Hà Nội là Bắc, Sài Gòn là Nam. Cái để người ta buộc chùm với Huế là sông Hương, núi Ngự, là chùa Thiên Mụ, là lăng tẩm, là Vĩ Dạ, là Đập Đá… là Công Tằng Tôn Nữ, là Nguyễn Phúc, Vĩnh, Bảo, là cảnh trí, là những trận mưa liên tu hồ tận, là…

Những người Việt Nam tị nạn gọi California là Sài Gòn nhưng gọi Hoa Thịnh Đốn là Huế. Cali thì hiểu được, nhưng Hoa Thịnh Đốn, tại sao?

Người Hoa Thịnh Đốn kiểu cách chăng? Hay Hoa Thịnh Đốn có con sông Potomac chảy qua thành phố như con sông Hương lướt thướt dưới cầu Tràng Tiền? Hay Hoa Thịnh Đốn đầy dẫy những di tích lịch sử để làm cho người ta liên tưởng đến những lăng tẩm của triều đình nhà Nguyễn?

Cách chi thì cách, lòng tôi sáng nay tràn đầy xứ Huế.

Tại sao?

Nào tôi có biết!

Huế. Thành phố ấy tưởng như đã chìm mất trong sự quên lãng, thật ra vẫn còn quanh quẩn nguyên vẹn trong trí nhớ tôi.

Huế. Thành phố của tuổi mười sáu gắn chặt tôi vào với Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Huế, thỏi nam châm tình ái của con đường đi qua Đập Đá và ánh nắng mới lên trên những hàng cau quạnh hiu của một mặt đường sỉn bụi.

Huế trước hết là khuôn mặt tuyệt vời, là đôi mắt hạnh nhân, là giọng nói ngọt ngào quyến rũ, là nụ cười bão tố.

Huế thổi trong tôi hơi thở thơm ngát của sông Hương.

Huế, tình nhân của tôi thời mới lớn.

Tôi đã thấy gì ở Huế hồi đó? Một chiếc hộp giấy bìa kín bưng bên trong là con dế nhỏ. Và tôi, cậu bé tìm trò chơi trong mùa mưa. Con dế dễ thương, tiếng gáy dòn tan, nhọn như kim. Và đứa nhỏ đứng lớ ngớ bên ngoài, chọc thủng cái lỗ nhỏ tí xíu nhìn vào.

Cách biệt. Ao ước. Sung sướng. Hồi hộp.

Nhưng một hôm bỗng nhiên Huế trôi đi như những cánh lục bình dưới gầm cầu sau cơn mưa lũ.

Tưởng vậy thôi, thực ra Huế không chìm mất hẳn. Như cái phao của chiếc cần câu có sợi dây tơ quá dài, Huế nổi lên, Huế trở lại trong tôi.

Trở lại trong tôi với tất cả nỗi đau đớn và xót xa.

Trở lại trong tôi với hình ảnh của một thành phố máu lửa. Huế giẫy giụa và bi thương. Huế nghẹn ngào và nghẹt thở.

Huế là người bệnh bị máu xối xả tuôn từ lục phủ ngũ tạng. Huế hấp hối.

Huế trở thành thành phố của bạo động và căm phẫn.

Huế trí tuệ.

Huế chôn xong người tình nhỏ bé, để hóa thân trở thành một nhà cách mạng cực đoan.

Huế khóc bằng nước mắt của dân tộc.

Chiếc cầu nối liền hai con đường chính của Huế đã gẫy. Con sông vẫn nghiêng bóng. Huế của trầm lặng đã trầm lặng trở lại sau những tiếng súng.

Trong cái ánh nắng chói chang của Huế, sao tôi chỉ nhìn thấy cái mù mịt của một đời sống xót thương?

Huế đầy hầm hố và xác chết, và tử biệt sinh ly?

Huế đòi lại người chồng người con đã bị vùi sâu trong đất đai và biển lửa.

Trên khuôn mặt xanh xao của Huế đang giàn giụa nước mắt là một Huế dũng mãnh.

Cả hai lần đến Huế, Huế đều dìm tôi xuống tận đáy vực của đau thương.

Lần đầu Huế là đôi mắt đen sâu như vực thẳm của tình ái. Lần sau Huế chính là ngọn lửa bốc cao tiếng khóc xót xa của một thời băng giá. Huế của địa ngục.

Như con chim sải cánh bay trên trời cao, ngó xuống tình cờ một thành phố ngổn ngang những di tích của một lịch sử, la liệt xác chết của một trận chiến ngu xuẩn, thấp tè những mái nhà tối tăm của một đời sống chậm chạp thiếu ăn và đen đúa.

Tôi bị cay mắt vì những cột khói mù của một thành phố cháy.

Huế hết chưa thời rêu rong và cổ kính?

Huế có còn không con đường hàng me đầy kỷ niệm?

Huế thơ ngây của tôi đã đầy chăng sự già dặn?

Huế của núi thấp và sông cạn.

Huế của tình yêu và thù hận.

Huế chỉ là nơi để nhìn ngắm và chiêm ngưỡng hay để sống và thở?

Huế, đó chính là thành phố mà tôi sẽ trở lại, mặc dù tôi biết là chẳng có ai chờ đón tôi ở đó.

Cũng chẳng làm sao, phải không? Bởi vì tôi đâu phải người khách lạ và Huế đâu phải là một miền đất không quen!

Huế cổ tích và hiện đại.

Huế với thời tiết kỳ quái, cách mạng xung động và trầm lặng khó hiểu.

Nhưng Huế, xin hãy chờ!

 

2.

Những cửa sổ của Huế

Mùa hè ở Huế, mặt trời xuống rất gần, đêm đứng gió, nóng bốc khói từng lỗ chân lông. Huế như chiếc hỏa lò lớn thiêu tro tất cả.

Trời xụp thấp. Và đám mây bồng, đã cũ xì.

Tôi ao ước mưa và tôi đang nghe thấy được mùi khói đất lượn qua mũi. Mưa. Cơn mưa tuyệt vời giữa mùa nắng cháy của Huế.

Tôi đang nghe hơi đất ngái xông lên, cơn mưa kỳ dị đang rơi xuống.

Hình như tôi ngửi thấy được mùi vị Huế, cái mùi cách đây lâu lắm tôi đã bắt được qua những bãi cát trắng chạy dọc đường từ sân bay về trạm ga, cái mùi đặc biệt Huế thoảng ra từ mái tóc gội bồ kết em, từ giọng nói ngọt ngào quyến rũ em, từ màu áo tím than buồn bã em.

Trong cơn gió nhẹ thổi tới mặt trong hạt mưa bay đọng trên cánh tay đặt ở bờ cửa, trong sự mệt mỏi của thân xác, tôi tưởng nhìn thấy lại khuôn mặt của một người với nụ cười dịu dàng, chiếc cổ cao, đôi mắt màu nâu sáng…

Nhưng không phải là cơn mưa phùn của mùa Xuân Đà lạt để khơi lại cái quá khứ đã nhòa nhạt, không phải là ngọn gió mềm Nha Trang để thổi bay chút phấn thông dĩ vãng đã phai màu. Chính là những giọt nước vỡ òa như cái bong bóng căng bị ép cực mạnh, chính là trận mưa tàn bạo bất thường, cơn gió thốc xoáy quái dị cuốn tung khuôn mặt ngày xưa của Huế. Chính là những căn nhà tôn lụp xụp, kiến trúc vuông vức phẳng lì hình hộp, san sát như những viên gạch để đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh mà Huế trở nên nghẹt thở. Chính cái màu xám xịt của đoàn xe dày đặc đầy nhóc những lính trận, đạn dược và súng ống, chính những chiếc thiết giáp nặng nề nghiến nát mặt đường với bụi đất đỏ bết chặt thành xe, chính cái áo tơi quá rộng trùm kín những đôi vai gầy nhỏ, chiếc nón sắt cứng nhắc ép xuống cái đầu mềm nhũn của người lính trẻ làm Huế trở nên người lạ mặt.

Huế mà tôi đang nhìn thấy (chìm trong sương mù của tấm vải thô đục đan bằng những giọt nước mưa to) xa xôi như một vùng đất chưa hề một lần đặt chân đến.

Huế mà bây giờ ta đang nhìn thấy huyền ảo mong manh như một cái gì không có thực.

Huế tối tăm trong những bong bóng mưa vỡ tung khi chạm thành cửa kính, mũi xe, mặt đường.

Và như thế Huế chào đón tôi.

*

Tôi xuống xe ở nhà ga tàu lửa — những nhà ga tàu lửa của hầu hết những thành phố còn sót lại miền Nam này đã trở thành những trạm đi và đến của đường hàng không – nhớp nhúa hơn, lạc lõng hơn và tội nghiệp hơn cái nhà ga mà tôi đã nhìn thấy, đã chờ đợi, đã đưa đón, đã ra đi và đã biệt ly hồi đó.

Chiếc xắc trên tay, không còn thứ hành lý nào khác để chờ lãnh, tôi đứng chơ vơ một mình ở sân ga.

Huế đó sao?

Trên sân ga này một buổi sáng tôi đã đến, len qua cánh cửa người soát vé, chạy băng trên nóc những toa tàu, gặm khúc bánh mì khô trong khói than.

Trên sân ga này, trong một buổi sớm mai lạnh buốt tôi đã nhìn thấy mắt em nhỏ lệ ngậm ngùi, nơi chúng tôi đã chia tay nhau không một lời từ biệt, và chúng tôi, ngầm hiểu với nhau rằng như thế là tình yêu đã hết.

Huế đó sao?

Hòn sỏi dưới chân tôi cũng lạ mặt giống hệt như tôi đang đứng trên bờ cát, những con sóng xô vào, rút nhanh, xóa tan hết cái vết chân ai vừa mới dẫm lên.

Người phu xe thở dốc khi đưa chúng tôi băng qua những con đường ổ gà — trận lụt bữa trước đã cuốn trôi tất cả — lên một chiếc cầu, nép tránh một chiếc xe hàng ọp ẹp, chúi nghiêng khi chùi xuống một lỗ trũng.

Bao Vinh xa không thể tưởng.

Chẳng hiểu là bạn ta có thấy được đường xa và cơn mưa buồn bã của tôi không?

Bạn đã nói đến quê nhà của bạn, thời thơ ấu của bạn, con đường mà bạn đã băng qua để đến trường học lớn nhất miền Trung, chiếc cầu (mà chúng tôi đã đi ngang qua đây) là nơi mà mỗi buổi chiều dân chúng thẩn thơ lên đó hóng những ngọn gió mát từ mặt sông thổi lên.

Tôi đã ngủ lại đêm ở nơi này. Bao Vinh ba giờ khuya nước sông lớn theo cơn mưa xoáy đứt neo trôi đi những thuyền buôn của mấy người Quảng. Và ta đứng trên bao lơn Bao Vinh nghe thấy Huế than khóc, rên rỉ, trôi trên sông một đời buồn bã.

Huế đó sao?

Sáng hôm sau khi Bao Vinh còn ngái ngủ tôi đã rời bỏ nó để trở về thành phố. Dù sao tôi vẫn ưa nhìn Huế tận mặt, tận mặt trong cái vẻ nguyên vẹn không màu sắc và phấn son của nó, tận mặt vì ở đó — những con đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu… đầy người hay con đường Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Trần Thúc Nhẫn… vắng vẻ đến dễ sợ — tôi có thể thấy được cái mà ít ra Huế có thể phô bày. Thành phố Huế là khuôn mặt của Huế, những cái khác chỉ là tay chân. Cầu Trường Tiền và sông Hương là mạch máu và trái tim của Huế. Những chiếc cầu khác, những nhánh sông khác chỉ là những mạch máu nhỏ tiếp dưỡng và bồi bổ cho mạch máu lớn.

Thành Nội là vầng trán của Huế, trên đó người ta có thể nhìn thấy những nếp nhăn cổ tích, con đường hẹp ngập đầy bóng mát và lá úa của những tàn cây lớn đứng tuổi trước những thành quách rêu phong là dấu vết của một thứ quá khứ vàng son không bao giờ long lanh lại nữa.

Óc não Huế là khu Đại học trẻ trung chẻ ra bằng những con đường đá xanh, rợp bóng cây của những cuộc dạo chơi tình cảm, đứa con muộn màng của mối tình kỳ cựu nhất là chàng trai tơ Quốc Học và nàng kiều nữ Đồng Khánh.

Ruột gan Huế là chợ Đông Ba ngổn ngang xô bồ bên ngoài ngôi nhà tối tân không được tận tình sử dụng.

Và Vĩ Dạ bên kia Đập Đá chính là Tình Ái Huế.

*

Bỏ lại Bao Vinh một buổi sáng tôi nhớ gì?

Có phải câu ca dao mà bạn ta đã đọc (và ta đã không nghe rõ lắm).

Bao Vinh cao bực (?) thẳm bờ

Ghe thuyền năng đậu, mẹ nhờ duyên con

Thế nào là cao bực, là thẳm bờ? Tôi chỉ có thể giải thích được một điều là chốn ấy có người qua kẻ lại, và cái duyên của con gái có thể làm thay đổi cuộc sống của bà mẹ.

Bỏ lại Bao Vinh, sau một đêm gần như không ngủ, tôi thấy Huế dần dần hiện ra trong lặng lẽ im lìm, bất động.

Còn quá sớm để đánh thức một dĩ vãng đang yên ngủ, nhưng hình như quá trễ để pha một cốc nước trà cho người già nua?

Phải không Huế?

*

Như vậy đó tôi nhìn thấy Huế.

Suốt mấy ngày trời Huế mưa dầm mưa dề mưa tầm mưa tã.

Huế nhốt tôi trong trường Quốc Học. Cửa kính sỉn mờ, hành lang u ám, và tiếng trống vào lớp buồn xưa.

Huế trầm lặng, nghiêm trang như phòng thi với những khuôn mặt xanh, mắt lo âu, trán ưu tư. Huế kêu réo ký ức của một hoài niệm.

Mưa rơi trên sân trường, mực đầy trang giấy trắng. Và niềm im lặng cổ kính.

Chính là khuôn mặt dịu dàng em, đôi mắt tròn đen hơi ngơ ngác em, nụ cười buồn rầu và mái tóc ướt huyền em… xô đẩy cánh cửa thần thoại cổ tích…

Trận mưa da diết và kỳ diệu của Huế làm ướt đẫm tâm hồn tôi.

*

Còn nhớ buổi chiều đầu tiên của một ngày có nắng sau trận mưa liên tu hồ tận ở Huế, một người bạn hỏi tôi:

"Nóng chưa?"

"Cái gì nóng?"

"Thì trời nóng đất nóng chứ còn gì!"

"Nóng!"

"Vậy thì đi".

"Đi đâu?"

Bạn ta không trả lời. Hắn dẫn tôi ra trước Kỳ Đài (A! Chỗ này đây đã có trận đánh lớn, ngưòi ta giết nhau để cắm một ngọn cờ. Bao nhiêu người đã chết ở bãi cỏ xanh này. Bao nhiêu tuổi trẻ đã nằm gục vắt ngang khẩu đại bác cũ kỹ này? Một tấm vải. Một lá quốc kỳ. Và máu chảy xuống. Có phải là tôi đang nghe lại tiếng đạn réo ngang mang tai, một trái lựu đạn vừa nổ, một hơi thở vừa thoi thóp? Có phải tôi đang nhìn thấy lại trong trí tưởng cái hình ảnh quằn quại của người lính trận? Có hay không điểm khác nhau giữa sự đau đớn thân xác của người chiến sĩ này và người chiến sĩ bên kia sông? A! Chỗ này đây…) Đẩy tôi xuống một bờ dốc. Bước lên một tấm ván gỗ. Leo qua một khoang đò. Bạn ta cười cái cười kỳ cục.

Đêm trên sông Hương. Tôi tưởng thấy tất cả cái lóng lánh của một trang sách, mê say của một truyện kể… Nhưng chẳng có gì hết. Đò san sát nhau tấp dọc bờ. Người đàn bà tháo dây, chống sào. Đò lướt ra, không xa lắm, neo lại.

"Thế thôi?"

Đêm đó mát thật nhưng tôi buồn cười. Suốt đêm tôi buồn cười. Chẳng là vì tôi chờ đợi tiếng phách gõ của những thuyền nhỏ bán quà trên sông. Một người bạn ở Sài Gòn nghe tôi sắp ra Huế bèn nói cậu nên ngủ đò. Có gì hay không? Có. Gì? Tiếng động trên sông Hương đêm. Ra sao? Hắn nói đến tiếng phách gõ có nhịp điệu đặc biệt là một thứ ngôn ngữ mà người ta có thể truyền cho nhau được trên sông. Chẳng hạn như chè có lối gõ khác với cháo. Bún bò có một nhịp động khác với hột vịt lộn. Và những nàng kiều nữ nữa… Nhưng bây giờ đây, nghĩ đến thứ âm thanh trong trí tưởng đó làm tôi tức cười muốn chết. Tôi đâu có đi tìm một chút gió mát trên sông Hương. Tôi tìm nghe tiếng động của Huế ban đêm. Và tiếng động đó không có thực. Chỉ có tiếng người ơi ới rao hàng và tiếng mái dầm ì òm trên mặt nước.

Huế đó sao?

Trong bóng tối của trời đất, trong hơi thở của sông nước, tôi tình cờ nghe được tiếng thở dài của Huế. Phải, và trong cái tỉnh táo của đầu óc, trong sự lặng thinh của trái tim, tôi nhìn thấy lại khuôn mặt dịu dàng em, sự chết nằm trên vành khăn tang trắng cuồng bạo lạnh lẽo, nhưng trong đôi mắt nai em chứa chan một đời sống êm đềm, nồng nàn.

*

Trước khi dời bỏ Huế, tôi đã ra ngồi bên bực thềm Lăng Miếu trước trường Đồng Khánh. Vũng nước của trận mưa bữa qua còn đọng trên mặt đất. Ngày thì đã qua nhưng mùa hè vẫn còn. Chẳng làm thế nào để thấy được những con bướm trắng bay ra từ ngôi trường đó, rộn rịp nhởn nhơ trước mặt tôi khua guốc trên đường lộ, hót như chim, xuống đò qua sông mang theo chút ngây dại còn sót lại của đời tôi.

*

Ôi! Huế rêu phong buồn bã, thành quách cuồng tín, mưa dầm, nắng cháy!

Ôi, Huế bạo động và trầm lặng như em.

 

3.

Huế, Xin chào!

Xin chào thành phố buồn thiu, con sông lặng lẽ.

Xin chào Bao Vinh phố hẹp nhà đông, thuyền bè đứt neo, tiếng động ban đêm.

Xin chào bạn bè mà tôi đã gặp trên chuyến đi, ngôi trường nổi tiếng mà quá khứ vàng son của nó còn ngự trị nơi tôi cả một triều đại. Xin tạm biệt mùa thi, mùa hạ của Huế.

Xin chào mừng những chiếc đò xếp lớp như cá mòi đóng hộp, một chút gió sông, một trời đen ám, một đêm lạ lùng.

Xin chào những đóa sen trắng nở thơm quanh hào Thành nội, con đường bóng mát lởm chởm đá xanh dẫn đến ngôi nhà người họa sĩ trẻ đã một thời cùng tôi chung học dưới mái trường.

Xin chào bạn tôi, người đã sanh ra và lớn lên trên đất Thần kinh nghe thấy quanh quẩn đâu đó một điều tuyệt vọng.

Xin chào bóng tối của những cây nhãn trong quán Ngự viên, những giọt mưa phả ướt mặt tôi trên đường về chỗ trọ, tối ám quạnh hiu.

Xin chào những cây me thở diệp lục tố nơi bạn tôi đang ở mà tôi không đến được, xin chào nhà sàn Trần Thúc Nhẫn vườn kín lá cây xanh, nơi người bạn gái tạm trú với một mối tình đã chết.

Xin chào người anh em làm thơ viết văn tình ái và cách mạng của một Huế bi phẫn và cuồng nộ.

Xin chào mảng nắng sáng góc phố Lê Lợi, màu trời chiều tháng Sáu Vĩ Dạ. Xin chào hơi thở thơm hương cau hương bưởi em. Xin chào mùi bồ kết và chanh, tẩm đầy mật ong rừng trên mái tóc em.

Xin chào Kỳ dài chưa treo cờ, những khẩu đại bác bảo tàng viện bóng lưỡng sẽ không bao giờ còn thở khói, bờ cỏ mướt sương buổi sáng còn ướt chân tôi.

Xin chào Đập đá thấp, với chiếc cầu vòm cao trong trí tưởng, dẫn ngang những làng xóm khô cằn vừa trẻ lại bằng những chùm nắng lóng lánh trên hàng cau, bờ cỏ.

Xin chào Thuận An cát vàng bẩn sỉn, chiếc phà khô kệch chòng chành, người đi ngơ ngẩn.

Xin chào những bàn thờ, những nén hương ngạt ngào dọc bờ sông bị vây ám trong cơn mưa vào ngày kinh đô thất thủ làm sống dậy trong tôi một Tôn Thất Thuyết đảm lược, một Hàm Nghi vĩ đại can trường.

Xin chào nỗi đau khổ trong chiếc nón bài thơ, trong màu áo, trong mắt nhìn của những người mẹ ở chợ Đông Ba.

Xin chào một người trong trường Jeanne d’Arc với cổng kín tường cao, chiếc xích đu đong đua cả một chiều chờ đợi.

Xin chào đôi mắt to đen, vành khăn tang trắng, áo lụa vàng, nụ cười buồn, nhìn ai không nói trong sân trường Quốc học mùa thi.

Xin chào những trái cây còn non trong ngôi nhà cổ, nơi bóng tối nhiều hơn ánh sáng, chỗ nát tan nhiều hơn lành lặn, nơi tôi đã đến đốt một ngày dài kỷ niệm.

Xin chào những cây sầu đông không nở trái để tôi hái tặng em, xin chào những con đường em đã đi mà tôi không biết nơi nào để giẩm lên đó những dấu chân muộn màng, xin chào ngôi nhà em đã ở cùng với những người thân yêu mà tôi chưa một lần gặp mặt, xin chào những kỷ niệm riêng tư của em mà tôi không hề muốn nhìn ngắm.

Xin chào những dấu đạn, những hố bom, những xác chết, những vườn không, nhà trống, những chia lìa và tủi nhục của một thành phố tai ương.

Xin chào những chùm hoa phượng nở đỏ như máu trong trường Đồng Khánh, trái tim của hăng nồng và sắt máu, xin chào mãi mãi những tâm hồn vĩ đại đã không ngừng nhúm ngọn lửa đấu tranh không ngừng chống mọi gian trá, bất công và đàn áp.

Xin chào những người đang yêu, những mối tình đang lớn / hay đã chết trong Huế.

Xin chào mặt trời trên cao, con mắt duy nhất đã nhìn thấy tội ác và đau khổ của một vùng đất khô cằn, nghèo đói, gầy ốm, bệnh tật và thiên tai.

Xin nghiêng mình trước một xứ Huế của những con người chịu đựng bền bỉ dẻo dai mãnh liệt hơn bất cứ một người dân nào trên thế giới.

Xin chào con đường mòn nhỏ dọc bờ sông với cỏ xanh đưa tới những bậc cấp của những Lăng Miếu trước trường nữ trung học, nơi tôi đã đi dạo mỗi buổi chiều với em, ghế đá nhám bẩn nơi tôi đã ngồi một mình nhìn con sông lặng lờ và những bậc cấp bằng gạch nung đã rêu xanh, nơi tôi tưởng đang nghe thấy tiếng cười rộn ràng của tình yêu Huế.

Xin chào các em nhỏ ở Huế, những đứa con được nuôi dưỡng trong một bầu khí đe dọa, bú mớm bằng thứ sữa thử thách, đầy cay đắng và kinh hoàng, các em sẽ lớn hơn mọi trẻ em trên thế giới vì các em có đủ căm thù để tranh đấu và đủ yêu thương để tha thứ và sống với kẻ khác.

Xin chào một tuổi trẻ hiện tại và dũng cảm Huế.

Xin vĩnh biệt quá khứ vàng son và xa cách Huế.

Xin chào một thành phố mà chắc chắn là tôi sẽ còn trở lại dù không ai chờ đợi.

Hãy làm bộ vĩnh biệt Huế, nghe.

 

* Trích Căn Nhà Ngói Đỏ của Nguyễn Xuân Hoàng, Văn Nghệ xuất bản 1989.

1 nhận xét:

Lưu Đình Long nói...

Huế, đã đến & đã yêu, vẫn còn yêu...