Ý KIẾN VỀ SÁCH BÁO TUỔI TRẺ .
Theo cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi Hành, Hoàng Ngọc Tuấn là một nhà văn được ghi tên nhiều lần, đều đặn trên mỗi số báo . Lý do Hoàng Ngọc Tuấn được ưa thích, được các độc giả tham dự cuộc phỏng vấn nêu ra là tính chất thơ mộng của văn chương Hoàng Ngọc Tuấn .
Với những tác phẩm đã xuất bản, các truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn thưởng viết về kỷ niệm ấu thời . Giới thiệu Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn Võ Phiến đã viết:
“…Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh . Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng . Anh Hoàng Ngọc Tuấn là một người vui vẻ, Anh vừa ngông, lại vừa nghịch, vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên anh quyến rũ vô tả …”
Dưới đây Mây Hồng đã được anh Hoàng Ngọc Tuấn cho biết ý kiến của anh qua một số câu hỏi về sách báo tuổi thơ
Mây Hồng (MH): Anh Hoàng Ngọc Tuấn, anh nghĩ gì về sách báo tuổi thơ hiện nay ?
HNT: Khá dồi dào và đặc sắc . Tôi nhớ chỉ cách đây vài năm, người ta thường than phiền là không có sách giải trí lành mạnh cho tuổi thơ, hồi đó tràn ngập trên vỉa hè là những loại sách hình nhảm nhí kiểu ma quái, Combat, Chú Thòng hoặc của ông Charlot Nguyễn Thọ …
Bây giờ thì học trò tha hồ mà chọn lựa, chỉ sợ không có tiền mua hết mà thôi . Hiện nay có ít nhất là 5 tờ báo và nhà xuất bản sách tuổi thơ hoạt động rất thường xuyên, mạnh mẽ . Các nhà sách, sạp báo ở Sàigòn đều thấy có một kệ riêng bày sách tuổi thơ, rất đông khách hàng .
Tóm lại, loại sách tuổi thơ bây giờ hầu hết đều là những món ăn tinh thần, một thú tiêu khiển bổ ích; mặc dù ít có cuốn nào đạt đến trình độ của một tác phẩm văn chương đúng nghĩa . Nhưng cần gì, các tác giả này có lẽ họ cũng chỉ muốn viết sách cho tuổi thơ đọc, chứ không muốn “sáng tác văn nghệ”, một việc đòi hỏi nhiều yếu tố khác ở ngoài lãnh vực tuổi thơ .
MH: Là một tác giả thường viết về tuổi thơ xin anh cho biết vì nguyên do nào mà anh đã chọn đề tài này ?
HNT: Trước hết, tôi thấy tôi không phải là “một tác giả viết về tuổi thơ” . Có lẽ độc giả thấy những nhân vật trong truyện tôi có một vài người nhỏ tuổi nên tưởng thế . Ngay cả một cuốn sách mới đây của tôi . “Thư Về Đường Sơn Cúc” tuy bé tí xíu như hạt tiêu nhưng không phải là một chuyện về tuổi thơ hay tuổi già . Một thời nào tôi đã sống qua tôi thường viết về nó . Do đó, dĩ nhiên là có một vài truyện tuổi thơ của tôi .
Một đề tài nằm mãi trong tôi, tự dưng có ngày phải nhảy ra đời để thành một chuyện . Tôi không chọn lựa đề tài .
MH: Anh có nghĩ những cuốn sách đứng đắn rồi sẽ “thắng thế” trước những cuốn sách nhảm nhí ?
HNT: Chắc chắn, điều đó đã xảy ra rồi . Nhưng tôi thấy “đứng đắn” chưa đủ, cần phải hào hứng và lôi cuốn mới thích hợp với độc giả tuổi thơ …Tiếc là ở VN chưa có những chuyện bằng hình hấp dẫn cả trẻ con lẫn người lớn tuổi . Chẳng hạn, như những chuyện Tin Tin Lucky Luke ..v..v…Sáng tác được loại truyện này không phải dễ, cần phải có một ông họa sĩ thật vững vàng và có năng khiếu riêng (vẽ sao cho hình vẽ trở nên sống động làm người xem có cảm tưởng như xem chớp bóng), và phải phối hợp với bộ óc tưởng tượng thật dồi dào của một người viết truyện hiểu biết rành rẽ về tâm lý nhi đồng nữa .
Cách đây khoảng 10 năm, hồi còn nhỏ, tôi đã khá thích thú khi xem những truyện bằng hình của họa sĩ Văn Hiếu (loại truyện Tarzan VN) và Đằng Giao (Truyện Hách Xì Xằng hoặc Thạch Thạch Sanh - Lý Thông “việt hoá” Cao bồi Mỹ)
MH: Qua các truyện ngắn của anh, tuổi thơ thường hiện lên những hình ảnh thơ mộng, tuổi thơ của anh có êm đềm như thế không ?
HNT: Hơn thế nữa là đằng khác . Tôi tiếc chưa có thì giờ và tâm hồn bình yên để làm sống lại những ngày xưa êm đềm đó . Thuở nhỏ, tôi theo gia đình đổi chỗ hoài, từ tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi năm học một trường . Huế, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột ..v..v.. Trường Bà Sơ, trường Thầy Dòng (La San), trường Thầy Chùa (Bồ Đề), trường tư, trường công … đủ cả . Hồi đó tôi yêu thương rất nhiều điều, và tôi mừng mà thấy đến nay tôi vẫn chưa thay đổi .
MH: Trong cuốn “Hình như là tình yêu” anh thích truyện nào nhất ?
HNT: Truyện thứ nhất: “Hình như là tình yêu” . Khách quan mà nhận xét đây không phải là truyện ngắn tốn nhiều công phu hoặc có gì mới lạ nhất của tôi .
Nhưng tôi thích nó vì đã viết say sưa một mạch truyện đó . Nó đem lại cho tôi khá nhiều hạnh phúc, một thứ hạnh phúc khó cắt nghĩa được .
MH: Bây giờ nếu viết một truyện về tuổi thơ anh sẽ viết gì trong đó ?
HNT: Chắc là truyện có tính cách hồi tưởng, tự thuật ở Huế hoặc ở Ban Mê Thuột . Làm học trò, chăm học lẫn trốn học, chạy rông cho đã đời rồi bị nhốt vào nội trú, yêu thương mơ mộng vớ vẩn .v..v.. Ai cũng có một thời bé con đó cả, khi viết lại, có khác chăng là cách cảm nhận và diễn tả quá khứ riêng biệt của mỗi người .
MH: Xin anh gởi cho tuổi trẻ những ý nghĩ êm ái nhất của anh ?
HNT: Bất cứ một lời khuyên nào của những ông giáo đều chí lý cả . Bây giờ, nhớ lại hồi nhỏ đi học, tôi mới nhận thấy thế . Cái chân lý cổ điển nhưng bất hủ là học trò cứ nên nghe theo lời khuyên dạy của cha mẹ và thầy giáo .
Tôi đã sống trái ngược với điều vừa nói trên, nên bây giờ tôi mong m uốn những người còn trong lứa tuổi thơ (nói rõ ràng hơn là các em của tôi) hãy làm trái với những điều tôi đã làm . Đoạn trường ai có qua cầu mới hay …Gia đình và trường học đẹp lắm .
MÂY HỒNG THỰC HIỆN .
(Tuần báo Mây Hồng, số 1, 17-7-72)
NGUYÊN VĂN BÀI CỦA VÕ PHIẾN
Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng? - Không. Là thơ đấy. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít nhiều hoặc rất nhiều tính chất thơ. Ðến như Thư về đường Sơn Cúc thì chính là một bài thơ. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.
Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác - những tác phẩm “hình như là tiểu thuyết” - Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài: Tình Yêu và Thiên Nhiên. Trong Thư về đường Sơn Cúc, hai mối say mê nọ càng quấn quít mật thiết, càng như chan hòa làm một: Tình yêu giữa người Bạn Lớn với người Bạn Nhỏ được phát khởi do lòng thiết tha của cả hai đối với Thiên Nhiên. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn về mặt đề tài.
Người Bạn Nhỏ mà chúng ta gặp ở đây là một người bạn quá nhỏ. Người Bạn Lớn cũng nhận thấy thế, cho nên cuối thư chỉ xin đặt một chiếc hôn ở nơi trán. Nhưng ai nấy hãy yên trí: Trước sau gì rồi chiếc hôn cũng sẽ được đưa xuống xa hơn, cũng sẽ được đặt ở một nơi nào thích hợp với tình yêu hơn. Bởi vì, bất chấp sự cách biệt tuổi tác, đây chính thị là Tình Yêu.
Cách biệt tuổi tác là chuyện không đáng kể, là không thành chuyện trong các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn. Mà mọi thứ cách biệt khác cũng đều không thành trở ngại nào cả. Người Bạn Nhỏ không nên ái ngại: cô ta đâu có phải là một trường hợp đặc biệt? Trong tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đã từng có những người tình bé bỏng hơn nữa, được gọi là “nó” (Mùa Xuân Cuối Cùng, là “con bé”, là “con sóc nhỏ” (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., cũng như đã có những người tình lớn hơn một chút, hoặc lớn như là một bà chị cả (Thuở Ấy Có Nhà), hoặc lớn như là một cô giáo (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ) v.v.
Lớn quá hay nhỏ quá: không can gì. Là con sóc nhỏ hay là cô giáo: không can gì. Hoàng Ngọc Tuấn có thể viết một cách hồn nhiên: “Thuở ấy tôi yêu cô Dạ Thảo vô cùng và tôi quả quyết với bạn bè là cô giáo cũng mê tôi như chết.” (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ) mà không một ai thấy bất bình vì cái chuyện kỳ cục động trời đó. Bởi vì hồn nhiên là tính cách căn bản của tình yêu, ở đây.
Hồn nhiên, cho nên trong sạch. Ở đây, có mối tình giữa chị em họ (Thuở Ấy Có Nhà), có mối tình với gái giang hồ (Canh Bạc Của Một Vài Người), có mối tình đưa đến sát nhân (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., nhưng ở đây không có cảm tưởng tội lỗi. Trái lại.
Trái lại, nếu trong cái nếp sống đầy tội lỗi ngày nay, nếu giữa cái xã hội văn minh đầy khích động của dục tình hiện nay, thỉnh thoảng có ai cần tìm đến ẩn lánh ở một cõi thanh khiết thoát phàm, thì đừng nên ngần ngại mà giới thiệu với ai đó thế giới tình yêu của Hoàng Ngọc Tuấn. Thế giới của những người tình chị mỗi sáng ra lệnh cho người tình em đếm hộ những cánh buồm trên mặt biển, của những người tình chú mỗi ngày sắm đủ cả kem và bàn chải đánh răng cho người tình cháu, của những người Bạn Nhỏ gửi lá cỏ chông chông cho người Bạn Lớn xa xôi v.v. Chỉ có tình, không hề có dục. Ðẹp và lành không chịu được.
Có một lần Tristan và Iseult được nhắc đến (Có Bao Nhiêu Cánh Buồm Trên Biển). Dù cho không luôn luôn lãng mạn cao khiết như ở thời trung cổ xa xưa, các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn cũng gợi lên cái thời của ca dao, của cu gáy bướm vàng v.v. Nghĩa là một thuở nào hoàn toàn xa lạ với thời kỳ của thân xác hừng hực, thời kỳ nhiễm độc vì những khích động náo nhiệt mà chúng ta đang sống.
Bởi nó không giống với thứ tình yêu hỗn hễn, đổ lửa của hôm nay, cho nên nó khiến cho kẻ đối diện còn ngờ ngợ: “Hình như là tình yêu đây chăng?”
Nhưng đã biết rõ Hoàng Ngọc Tuấn rồi thì không còn ngờ vực gì nữa. Chính Nó đấy. Chính là thứ Tình Yêu tuyệt vời mà cuộc sống văn minh toan đánh mất của chúng ta đó.
Người ta gặp lại ở Hoàng Ngọc Tuấn thứ Tình Yêu đó một cách bất ngờ. Cũng như gặp lại Thiên Nhiên thật bất ngờ.
Nguyên sự có mặt của thiên nhiên trong tác phẩm văn nghệ lúc này đã là điều lạ. Thật vậy, hồi gần đây, trong tác phẩm cơ hồ chỉ có ta và địch, có kẻ giàu người nghèo, có thân phận với suy tư dằn vặt, có tự kỷ và tha nhân v.v. Nghĩa là chỉ có hoặc những đấu tranh, hoặc những ra rít, chỉ có người và người quần với nhau. Khắp cùng, mọi cái nhìn đều châu hướng về cuộc sống xã hội, về con người. Họa hoằn mới bắt gặp trong nghệ phẩm một khung cửa mở về hướng thiên nhiên. Hoàng Ngọc Tuấn là trường hợp họa hoằn như thế.
Bóng dáng thấp thoáng mơ hồ của chàng trai cùng cô bé Thùy một buổi sớm mai chờn vờn ẩn hiện trong màn sương mù trên khu rừng cao nguyên (Mùa Xuân Cuối Cùng) chắc chắn sẽ cùng với bóng dáng của hai chị em Hàn Mặc Tử thuở nào chơi giữa mùa trăng kết thành những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà văn chương hiện đại có thể lưu lại.
Rừng sương cao nguyên đẹp lắm, con đường Sơn Cúc ở sườn non ven biển rất đẹp v.v. Nhưng có khi không cần đến những cảnh đẹp như thế. Mặc ba chiếc áo sơ-mi thật dày chồng lên nhau, trùm một chiếc mũ to tướng của ông cậu lên đầu, rồi đi lang thang với một gã lớn tuổi dưới trời đông lạnh buốt, trao đổi với nhau những câu nói lạc mất trong tiếng mưa, đòi hút cho được điếu thuốc cay xè thuở mười lăm tuổi trong lúc mắt nhìn ra ngoài trời mờ mịt (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ), đó không phải là một cách thưởng ngoạn thiên nhiên vô cùng ý vị sao? Không có cái thiết tha đối với từng biến chuyển của tiết trời, không thấu triệt ý nghĩa thâm thúy của từng tiếng gió trận mưa, nhất định không sao có thể đốt được những điếu thuốc một cách hợp thời hợp cảnh như thế.
Thiên Nhiên đâu có cần luôn luôn xuất hiện trong những màn trình diễn huy hoàng? Kẻ gắn bó bằng mối thâm tình thật sâu xa có những lối tiếp cận Thiên Nhiên giản dị mà thân mật thấm thía, với một khói thuốc, một ngụm cà-phê vào đúng lúc, đúng nơi.
Hoàng Ngọc Tuấn đối với Thiên Nhiên chắc chắn cũng tương đắc thân thiết như người Bạn Nhỏ đối với người Bạn Lớn vậy.
Người Bạn Lớn gửi một lá Thư về đường Sơn Cúc. - Ðường ấy ở đâu vậy? Có con đường ấy chăng? Có loài hoa ấy chăng? - Xin đừng quấy rầy tác giả bằng những thắc mắc ấy. Không phải vì lẽ truyện là bịa, bởi thực ra truyện thường muốn bịa nên một thực tại. Ðàng này, Hoàng Ngọc Tuấn vốn có cái ngông nghênh muốn nương cánh tưởng tượng thoát khỏi truyện, thoát lìa thực tại. Cái ngông ấy đã khiến cho hành tung cô Bạn Nhỏ lần này bị đẩy vào cõi thơ huyền ảo, khiến cho cảnh sương mờ cao nguyên ngày nào nhuốm vẻ hư hư thực thực, khiến cho bao nhiêu nhân vật (nhất là những nhân vật phái nữ, được tác giả cưng nhất) và bao nhiêu tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đều mang những tên gọi thật ngộ nghĩnh.
Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, ông Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Ông vừa ngông, lại vừa nghịch. Vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên ông quyến rủ vô tả.
Tất nhiên, tuổi trẻ sẽ giành Hoàng Ngọc Tuấn cho Hôm Nay. Sẽ giải thích sự thành công của ông (vì quả thật ông là một trong đôi ba thành công rực rỡ nhất, một trong đôi ba tài năng xuất sắc và độc đáo nhất của lớp cầm bút trẻ lúc này) bằng tính cách thích hợp với khát vọng, với tâm tình của giới trẻ hôm nay.
Nhưng trót không còn tuổi trẻ thì đố biết làm sao giải thích được cái tình yêu người , yêu thiên nhiên, cái thi vị trong lành, cái ngông và cái nghịch ấy lại chỉ có thể thuộc về hôm nay. Chẳng những thế, những cái đó dường như còn muốn đối nghịch với một xã hội hỗn loạn, một tình thế bi thương, một cuộc chiến ác liệt.
Sáng tác của ông mà phản ảnh hoàn cảnh ấy ư? Nếu muốn đề cập đến Hôm Nay, có lẽ bất quá chỉ có thể nói sáng tác của ông như một bông hồng gửi đến cho Hôm Nay. Một bông hồng rạng rỡ cho Hôm Nay tối tăm.
Bông hồng rạng rỡ, rồi có mong manh chăng?
Thú thực, tôi thường đọc Hoàng Ngọc Tuấn với một cảm tưởng lo lắng.
Người ta thường nói đến việc xây dựng tiểu thuyết, việc thai nghén cốt truyện, đi vào thực tại khách quan, nghiên cứu tâm lý nhân vật v.v... Nghề văn không có vẻ gì thư thái như nghề thơ. Nghề văn thật lắm công phu. Nhưng Hoàng Ngọc Tuấn thì không bao giờ giống với một tay nhà nghề. Ông không có vẻ làm nghề, dù là nghề văn. Tác phẩm của ông không có vẻ là một công trình lao tác. Tác phẩm của ông tuồng như chúng tuôn ra từ cuộc sống, từ cảm xúc của ông. Tuôn thẳng một mạch.
Một người có thể đem cái tâm tình chủ quan của mình mà viết như thế được mãi sao? được đến chừng nào? Không lo lắng sao được?
Nhưng có lẽ chính niềm lo lắng ấy cũng tăng thêm ý vị cho sự thưởng ngoạn. Bởi vì, cùng với sự khoái thích, nó thêm cho ta mỗi lúc một dịp ngạc nhiên mừng rỡ từ tác phẩm nọ sang tác phẩm kia.
Có thể cứ thế mãi mãi cho đến tận cùng cuộc đời sáng tác của ông..
2 - 1972
(Đây là lời tựa cho tác phẩm Thư về đường Sơn Cúc của HNT. Lời tựa này về sau VP cho in lại trong phần nhận định về truyện của bộ Văn học Miền Nam.)
| |
|