Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Mưa trên cây sầu đông

Sáng nay tình cờ đọc bài Saigon Sầu Đông viết về nhạc sỹ Tuấn Khanh trên  báo...SÀNH ĐIỆU
Một bài báo khá hay và đầy đủ về thân thế của người nhạc sỹ "Hoa xoan/soan(???) bên thềm cũ"...bất chợt làm mình nghĩ tới...NHÃ CA...:)(Em về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ)<---download tập THƠ NHÃ CA


Bìa xuất bản ở hải ngoại:
Mưa Trên Cây Sầu Đông

Sầu đông, cái tên đã mang nặng một nỗi buồn để rồi khi đi vào thơ văn, nỗi buồn càng thêm nặng trĩu. Từ hình ảnh cây sầu đông trơ trọi dưới mưa, nhà văn Nhã Ca đã viết nên tiểu thuyết “Mưa trên cây sầu đông”. Truyện kể về cuộc tình buồn của một người con gái Huế với một chàng trai miền Nam. Hai người yêu nhau nhưng vì gia đình cô gái không chấp thuận nên cả hai đành phải chia tay. Trước khi từ biệt cô gái để vào Nam, chàng trai đã nói với người yêu: “Anh yêu em tới muốn bật khóc và anh sẽ gửi những giọt nước mắt đó làm mưa rơi trên cây sầu đông”. Mỗi mùa mưa đến, cô gái lại ra đứng lặng bên cây sầu đông, nhìn những hạt mưa rơi, cô nhớ đến chàng trai và luyến tiếc cho một cuộc tình tan vỡ. Phải chăng, đúng như cái tên gọi của nó, sầu đông đã chứa đựng nỗi sầu ly biệt. Nỗi sầu ấy kết tinh thành những bông hoa tim tím, nở rộ vào mỗi độ xuân về như minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng của hai người. 


...Hình ảnh hoa sầu đông...
 


                                  PHỐ CŨ                                         

                                       Vũ Hoàng Chương.

Ôi chốn này xưa ai sánh vai
Trán cao hoài vọng tóc buông cài
Tuổi thơm mười sáu tình thơm mới
Duyên đượm hàng mi ngập nắng mai

Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu
Hàng Trống Hàng Khay rộn bước người
Sách vở lên hương trầm ngát nẻo
Hoa xoan hoa phượng chói màu tươi

Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng
Lào rào thu muộn lá soan rơi
Tay trong tay nắm, tình trong mắt
Lòng bốn mùa xuân, nguyệt bốn trời

Đôi lứa mê say cùng gắn bó
Mẹ cha cùng hẹn sẽ dành nơi
Trường chung một hướng nhà chung ngõ
Hoa gấm cùng mơ dệt cuộc đời

Thế mà tan tác mười năm mộng
Có kẻ ra đi chẳng một lời
Nửa kiếp lênh đênh dừng phố cũ
Một mình trơ với tuổi ba mươi

Lớp học nào tan đường rộn rã
Tình thơm mộng nhỏ tóc buôngvai...
Hàng Khay Hàng Trống hoa nào rụng
Màu tím thờ ơ vạt áo ai .

Trong Văn Học Miền Nam (quyển “Thơ Miền Nam”), nhà văn Võ Phiến đã nhận định về Nhã Ca như sau:


“Sống giữa một thời không còn cấm kỵ, mà sôi nổi, mà cực đoan, Nhã Ca mạnh dạn tự mình chọn lựa tình yêu của mình, con đường hạnh phúc của mình, con đường đời của mình. Bà không ngần ngại bỏ nhà ra đi, đổi họ thay tên, phiêu lưu trong cái nghề viết văn làm báo. Tự do, bà thích nói đến tiếng ấy: tự do trong thể xác, trong đời mình...” Và văn chương bà, dù là văn chương viết về tuổi trẻ, vẫn trĩu nặng ưu tư. Nghệ thuật của bà là cuộc đời trước mặt. Ở bà, cá nhân là chính trị, là xã hội. Bà có chân dung đầy góc cạnh nhọn, như những bức tranh của Braque, của Picasso. Nhã Ca là một nhà văn độc lập và bất khuất, bà cũng là một tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn chương nhân bản của miền Nam trong thời kỳ 1954-1975. 


 

 

Sinh tại Huế, 1939. Từ 1960 tới 1975, sống tại Saigon, đã xuất bản 36 tác phẩm, gồm nhiều tiểu thuyết, bút ký "Giải Khăn Sô Cho Huế" và tập thơ "Nhã Ca Mới."

Sau khi Saigon sụp đổ năm 1975,  Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong sách "10 Biệt Kích Văn Hoá" do nhiều tác giả, học giả Cộng Sản cùng viết. Bà cũng là nhà văn nữ duy nhất bị cầm tù, trong cuộc hành quân lớn của công an cộng sản bắt giam các nhà văn, nhà báo miền Nam Việt Nam. Sau đó,  được mô tả  thành "nhân vật phản diện" trong tiểu thuyết điệp báo đăng nhiều kỳ trên báo Công An, rồi được in thành sách, dựng thành phim "Vụ Án Hồ Con Rùa".

Từ tháng 9-1988, cùng chồng là Trần Dạ Từ và các con rời Việt Nam sang Thụy Điển, nhờ sự can thiệp của P.E.N International và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson.

Từ 1992, định cư tại California, tiếp tục viết văn làm báo, chủ nhiệm sáng lập hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ.

 

Sách Đã In:

 

* Việt Nam, 1962 – 1975:

Thơ: Nhã Ca Mới. Thơ Nhã Ca. Văn: Đêm Nghe Tiếng Đại Bác. Đêm Dậy Thì. Bóng Tối Thời Con Gái. Khi Bước Xuống. Xuân Thì. Người Tình Ngoài Mặt Trận. Sống Một Ngày. Mưa Trên Cây Sầu Đông. Một Mai Khi Hòa Bình. Tình Ca Cho Huế Đổ Mát. Đoàn Nữ Binh Mùa Thu. Phượng Hoàng. Giải Khăn Sô Cho Huế. Tình Ca Trong Lửa Đỏ. Chiến Tranh Trong Thành Phố. Mùa Hè Rực Rỡ. Lăn Về Phía Mặt Trời. Đời Ca Hát. Cổng Trường Vôi Tím. Tòa Bin Đinh Bỏ Không. Dạ Khúc Bên Kia Phố. Đám Tang Cá Voi. Cô Hịp Py Lạc Loài. Tuổi Hồng Vỗ Cánh. Mộng Ngoài Cửa Lớp. Trưa Áo Trắng. Trăng Mười Sáu. Yêu Một Người Viết Văn. Hiền Như Mực Tím. Bầy Phượng Vỹ Khác Thường. Ngày Đôi Ta Mới Lớn. Bé Yêu. Bước Khẽ Tới Người Thương. Chuyện Đôi Ta. Ngày Thơ Tình Thơ. Đừng Khinh Tuổi Mười Lăm.

 

* Hải ngoại, từ 1989:

Thơ: Nhã Ca Thơ. Văn: Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa.  Saigon Cười Một Mình. Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng.  Chớp Mắt Một Thời. Đường Tự Do Saigon.

 

* Sách tái bản tại hải ngoại:

Giải Khăn Sô Cho Huế. Mưa Trên Cây Sầu Đông. Cổng Trường Vôi Tím. Ngày Thơ Tình Thơ. Trăng Mười Sáu.

"Les Canon tonnent la Nuit", Éditions Philippe Picquier, Paris (Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, bản Pháp ngữ của Liêu Trương)


 

Những tác phẩm NHÃ CA (khá đầy đủ)

http://vietmessenger.com/books/?author=nhaca

http://www.vantuyen.net/index.php?view=author&id=37


12 nhận xét:

Thu Nhân. Võ nói...

Hồi mười tám, đôi mươi, chị cũng thích đọc tác phẩm của Nhã Ca. Văn của bà có điệu trầm buồn và xót xa.
Cám ơn Huy, vì entry này!

WalkInClouds . nói...

Huy còn trẻ mà sâu ắc ghê đấy, tìm hiểu và cảm nhận những tác phẩm vang bóng một thời. Cô Nhã Ca hình như sau 75 cũng bị đi học tập cải tạo 1 thời gian dài.....

[H]UY! vespa nói...

@thunhan: vui vì cũng đem lại 1 chút cảm xúc xưa cho chị và cho những anh chị khác
@walkinclouds: không những vang bóng 1 thời mà sẽ còn hoài hoài vang bóng đó phải không anh, chị?:)...Như đoạn tiểu sử ở trên:
"...Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong sách "10 Biệt Kích Văn Hoá" do nhiều tác giả, học giả Cộng Sản cùng viết. Bà cũng là nhà văn nữ duy nhất bị cầm tù, trong cuộc hành quân lớn của công an cộng sản bắt giam các nhà văn, nhà báo miền Nam Việt Nam..."

..Gió Heo May nói...

Chị nổi cả da gà khi thấy cái title trong inbox ...Nó đánh vào chị nỗi nhớ một thời , cái thời giấu những cuốn truyện của Nhã Ca trong cặp ngày đi học..
Thời con gái chị đọc đến đoán cuối của Mưa trên cây Sầu đông và khóc rưng rức ...! Cám ơn Huy về những gời nhớ ..

P/S Chị vừa viết cảm nhận về "và khi tro bụi" đấy !

[H]UY! vespa nói...

@chị Gió: dạ, văn của Nhã Ca dịu dàng, và nhẹ nhàng, nhưng lúc nào cũng giấu 1 nỗi niềm rưng rưng và bồi hồi, như 2 câu thơ nổi tiếng của bà "Em vế tay nhỏ che trời rét, nghe giá băng mòn hết tuổi thơ" mà em rất thích...Ngay từ tên truyện cũng đã mang một âm hưởng dịu dàng, sâu thẳm và .."khắc khoải"(???!!!): Bước khẽ tới người thương, Tuổi Hồng Vỗ Cánh, Mộng Ngoài Cửa Lớp..
Em sẽ qua đọc bài review của chị...vì đó là 1 truyện gối đầu giường của em mà:)

[H]UY! vespa nói...

trích MƯA TRÊN CÂY SẦU ĐÔNG:
"...Chắc em đang run lên vì sợ, vì xúc động phải không ?Anh cũng thế, khi quyết định sẽ về Huế, anh cũng run lên vì xúc động, anh xúc động và yêu em tới muốn bật khóc nữa. Nhưng đàn ông khóc xấu lắm, cho nên anh gửi những giọt nước mắt đó làm mưa rơi trên cây sầu đông của em đó. Vậy khi nào nhớ anh, hãy ra vườn ngước mặt lên cây sầu đông, lệ anh sẽ rụng từng giọt trên khuôn mặt em trắng như bạch lạp. Đừng giận anh, anh yêu hình ảnh đó lắm..."

Thuan Nguyen nói...

Chị đọc và thần tượng Nhã Ca từ thời đệ nhất cấp Truyện mà chị ấn tượng nhất thời trẻ của mình chính là Một mai khi hòa bình ...chị đang tìm lại quyển này

[H]UY! vespa nói...

quyển đó em cũng chưa thấy trên mạng chị:(..chắc chỉ còn chờ may mắn tìm được ở sách cũ:)

..Gió Heo May nói...

Giải khăn sô cho Huế ...?

[H]UY! vespa nói...

Giải khăn sô cho Huế ...trên mạng có đó chị!
http://songviet.com/mlib/index.php?option=com_content&view=article&id=550:giaikhansochohue&catid=4:hoiky&Itemid=13

[H]UY! vespa nói...

copy lại bài SAIGON SẦU ĐÔNG ở đây vì trang web sanhdieu không ổn định chút nào!
Sài Gòn sầu đông
(Sanhdieu) - Mỗi người Sài Gòn cho và nhận từ nơi này theo một cách, nhạc sĩ Tuấn Khanh (sinh 1933) thì cho Sài Gòn mối sầu đông của đất Bắc, nó làm cho thành phố vốn nhộn nhịp có thêm quãng lặng về sự hoài cảm.



Ngày nay, đặc biệt giới trẻ, ít ai biết Tuấn Khanh “già” là ai, nhưng một vài ca khúc của ông thì vẫn thoang thoảng đâu đó như Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Xoan Bên Thềm Cũ, Đường Xưa Lối Cũ, Chiều Biên Khu, Một Chiều Đông, Nhạt Nhòa, Dưới Giàn Hoa Cũ… Tìm trên Internet, chủ yếu thấy Tuấn Khanh “trẻ” (sinh 1968), hiện đang sống tại Sài Gòn.

Sinh năm 1933 tại Nam Ðịnh, tên đầy đủ là Trần Ngọc Trọng (có nơi ghi Trần Trọng Ngọc), tập chơi vĩ cầm từ 5-6 tuổi, 10 tuổi biết xướng âm, năm 1950, ông lên Hà Nội sống. Năm 1954 được giải nhất về ca hát của Đài phát thanh Hà Nội – khi đi hát, ông lấy tên Trần Ngọc. Năm 1955, ông một mình vào Nam định cư. Về bút hiệu Tuấn Khanh, ông ghép chữ “Tuấn” là tên người anh đã dạy nhạc cho mình và “Khanh” là tên người con trai của ông anh này.

Theo vài tư liệu thì năm 1949, Tuấn Khanh viết ca khúc đầu tay Hai Sắc Hoa Ti-gôn (phổ thơ T.T.Kh.). Nhưng chính Sài Gòn mới là mảnh đất làm nên tên tuổi, nó như là quê hương thứ hai. Năm 1955, sau một năm định cư ở đây, ông thành công với ca khúc Thăng Long Thành Hoài Cổ (phổ thơ Bà Huyện Thanh Quan) và Đò Ngang (viết chung với Y Vân). Năm 1956, ca khúc Hoa Xoan Bên Thềm Cũ (trong văn bản ông viết “soan”) được viết để tặng một nữ sĩ, mà sau này là bạn đời – đã đưa tên tuổi ông đến với rộng rãi quần chúng.

Trước 1975, ông viết khoảng 120 ca khúc tại Sài Gòn, chủ yếu là tình ca – được xếp vào thế hệ thứ ba của nền tân nhạc. Một số ca khúc nổi tiếng ông viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh như Quán Nửa Khuya, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi…

Chính cái tinh thần hoài cổ một cách lạc quan đã đưa ca khúc Tuấn Khanh đến với sự trong sáng hiếm thấy. Bởi thời kỳ này, do bối cảnh chiến tranh, các tác giả thường có khuynh hướng thơ mộng thái quá hoặc sầu bi, nặng nề. Tuấn Khanh tâm sự: “Bản nhạc nào tôi viết đúng với tâm sự của mình thường dễ đi vào lòng người hơn những bài thương vay khóc mướn. Tuy nhiên, cũng có những bài tôi viết từ xúc cảm một câu chuyện, một tâm sự của người khác. Và những bài này, cũng được thính giả đón nhận”.

“Được mô tả là một nhạc sĩ lãng mạn với khả năng lao tác tinh thần bền bỉ hiếm thấy, đem hương thơm đến các tâm hồn yêu nhạc nhiều thế hệ. Có thể ít người biết rằng, trong đời thường, Tuấn Khanh là người nặng tinh thần gia đình, ông ghét lạm dụng hai chữ nghệ sĩ để sống buông tuồng, thiếu đạo lý”, nhà thơ Du Tử Lê cho biết.

Ở miền Nam mà luôn nhớ miền Bắc, thì làm sao có thể nói Tuấn Khanh là người Sài Gòn, nhưng ông cứ Sài Gòn một cách tự nhiên, chẳng chút mâu thuẫn. Bởi trong nỗi nhớ ấy, ông đã sẻ chia cùng không khí Sài Gòn những hình ảnh, những nỗi niềm chung. Nghe Hoa Xoan Bên Thềm Cũ, nhiều người cứ ngỡ đó là thềm cũ ở bất kì bản quán nào, chứ không nghĩ nó là câu chuyện riêng của Nam Định hay làng quê nào đó ở miền Bắc. Theo nhà phê bình Hoài Nam (Úc châu), Tuấn Khanh có lẽ là nhạc sĩ đầu tiên đưa hoa xoan (còn gọi sầu đông, sầu đau…) vào âm nhạc, một loại cây đặc trưng của xứ Bắc đã nở hoa và tỏa hương rất Sài Gòn.

Đúng như lời của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tuấn Khanh đã thành công khi nối liền âm nhạc miền Nam với không khí thời tiền chiến” ở Hà Nội. Minh chứng dễ nhận thấy nhất là ca khúc Dưới Giàn Hoa Cũ, chính vì vậy, mà không dễ để quy kết Tuấn Khanh thuộc dòng nhạc “sến” hay “sang”, dù hai chữ này, ngày nay, đã là một khái niệm lỗi thời.

Kể từ năm 1983, Tuấn Khanh định cư tại Mỹ, mở quán phở nổi tiếng là Hoa Soan Bên Thềm Cũ. Ông cho rằng nấu phở cũng phải đức độ như viết nhạc. Sống tha hương, có người cho phở của ông giữ được chất Nam Định, phần đông hơn thì nói rằng phở của ông đặc trưng cho cái gu phở Sài Gòn. Tính tới tháng 6/2009, ông đã viết khoảng 70 ca khúc tại Mỹ; riêng phổ thơ, ông đã có hơn 50 bài thiền ca.

“Mỗi ca khúc của ông khoác một âm điệu khác nhau. Nhưng có chung một mẫu số. Mẫu số thiết tha. Mẫu số ch

[H]UY! vespa nói...

Tặng mọi người bài MƯA TRÊN CÂY...HOÀNG LAN cho mọi người:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Mua-Tren-Cay-Hoang-Lan-Khanh-Ly/IWZDFUE6.html