Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Hoàng Ngọc Tuấn - Thư về đường sơn cúc


Trước khi rao giảng những lời KINH TÌNH YÊU trong "TÔI VÀ EM"<-----, HOÀNG NGỌC TUẤN cũng đã kịp có 1 tác phẩm được yêu thích "THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC" (MỜI ĐỌC NGUYÊN TRUYỆN - chỉ là 5 đoạn ngắn, dễ thương - Ở PHẦN COMMENT) mà  trong tập Văn Học Miền Nam tổng quan, phần nhận định về Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Phiến viết :

Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng?Không. Là thơ đó. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít hoặc rất nhiều tính chất thơ. Bởi vây, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.

Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác – những tác phẩm ‘hình như là tiểu thuyết’ – Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài : "Tình yêu và Thiên nhiên”.

Như thế có thể nói, Hoàng Ngọc Tuấn dùng những hình thức ‘ hình như là tiểu thuyết’ theo cách nói của Võ Phiến để viết những truyện ‘ hình như là tình yêu’ theo cách nói của chính Hoàng Ngọc Tuấn.

Tại sao lại chỉ hình như ?

Bởi vì, đọc những truyện như “Thư về đường Sơn Cúc” quả thật người ta không biết Hoàng Ngọc Tuấn đang làm thơ hay đang viết truyện.

Truyện được viết dưới hình thức những lá thư trao đổi giữa một người Bạn Lớn và một người Bạn Nhỏ. Những chữ in nghiêng là lời [ hay thư ] của người Bạn Lớn, những chữ in thẳng là thư của người Bạn Nhỏ. Nói rõ như vậy để các độc giả dù không có cuốn sách trong tay, cũng có thể mường tượng các trang sách được ấn loát thế nào.

Xin trích dẫn một đoạn sau đây :

"Căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng chỉ đường. Nhưng có hề gì đâu, tôi sẽ gửi cho em về địa chỉ mới : Con đường Sơn Cúc, vì em nói mỗi ngày em đèu đi qua đó :

Ông có biết có một loài hoa ấy không

Cả nhà gọi nó là cúc rừng

Chỉ mình em thầm gọi là hoa Sơn Cúc

Hoa vàng óng ả

Hoa vàng mật ngọt

Vàng rực rỡ cả một lối mòn

Được gọi là Đường Sơn Cúc của em

Tôi thấp thoáng trông hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm. Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách giáo khoa trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào, một mình em lững thững, khônghè nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.

Em chê đường mòn

Dẫu rằng lối mòn dẫn đến trường lâu hơn

Vẫn thích một mình giữa đám lính hầu

Sơn Cúc

Đứng ở hai bên làm vòm che mát cho em

Cả nhà gọi đùa em là cô bé quàng khăn đỏ

Nhưng đường dễ thươg ấy

‘răng’ có sói thịt em nổi

Ở đây chỉ có nai

Bọn hắn mê xơi tái hoa cúc ghê lắm

Những cặp mắt nai

tia nhụy óng nhớ thương ngăn em kể lể

Rồi ngày nào em cũng băn khoăn

Vừa muốn về lại nhà lại vừa không

Như ông sẽ về thăm con đường của em không?

Hơn là muốn nữa chứ. Tôi quá thèm bay về miền biển đó, nhảy nhót trên con đường của em theo tiếng sóng vỗ vào gềnh đá làm nhịp trống tưng bừng..."

Truyện như vậy ta nên gọi là tiểu thuyết hay thơ ? Có chăng tình yêu giữa người Bạn Lớn và người Bạn Nhỏ ? Hay chỉ có chút gì đó ‘hình như là tình yêu’ giữa họ ?

Có lẽ không có gì cả. Chỉ có một thế giới thơ mộng do Hoàng Ngọc Tuấn tạo ra để ông cất giữ cái tuổi đẹp nhất đời người, cái tuổi tất cả nhữõng ước mơ, tưởng tượng của người ta đều một nửa là sự thật. Ông không bận tâm gì đến cuộc chiến tranh tàn khốc đang vây quanh và trăm ngàn nỗi khó khăn của cuộc sống chính bản thân ông đang lận đận trong đó. Cũng có thể đó là cách Hoàng Ngọc Tuấn cố tình xây lưng lại thực tế để bảo vệ những ước mơ của mình. Đó là cái cõi rất ai cũng có lần trải qua nhưng vô tình bỏ lỡ không biết, hay không có cơ hôi tạo ra những kỷ niêïm nên không có dấu mốc để lần trở về, khi đi qua rồi chỉ còn lại một vùng trắng trong ký ức.

Chỉ riêng trong năm 71-72 Hoàng Ngọc Tuấn đã cho ra đời 6 tác phẩm. Ông dự tính trong năm 1973 sẽ viết thêm ít ít nhất 6 tác phẩm nữa. Ông sinh ở Huế nên còn có ý định dành cho Huế một tác phẩm lớn. Ông viết dễ dàng. Nên chắc ông có thể thực hiện được hết những ước muốn.

Nhưng kể từ biến cố 30 tháng 4 / 75 cho tới hiện tại, Hoàng Ngọc Tuấn đã hoàn toàn giữ im lặng. Ông không viết nữa hay không viết được nữa, điều đó chỉ một mình ông biết. Đã có một thời tuổi trẻ mang ơn ông vì ông đã đem đến cho tâm hồn họ thêm rất nhiều sự giàu có. Những người bằng tuổi ông , lớn hơn ông, cũng mang ơn ông vì ông đã giữ lại thế giới tuổi thơ cho họ trong các tác phẩm của mình, mặc dù cũng có những người cho rằng ông viết giản dị quá.

Xinh trích dẫn sau đây ít dòng trong truyện “Mưa Mùa Đông”, một truyện ngắn khác của Hoàng Ngọc Tuấn, chứng tỏ sự trong sáng, giản dị lại chính là cái đẹp của tâm hồn cũng như các trang văn của ông.

“ Đêm khuya, tôi nhìn sang nhà Bích Câu, phòng nàng vẫn còn thắp ánh điện vàng. Chắc nàng đang sửa soạn lại bài vở và ủi chiếc áo dài trắng. Tôi lấy chăn đắp kín người, để đôi mắt mở ra vẫn không nhìn thấy gì cả. Sáng mai, trên đường sẽ có nhiều người đi. Bích Câu sẽ thướt tha trong chiếc áo dài trắng, khuôn mặt nàng sẽ nghiêm trang như thuờng lệ, có thể nàng làm lơ khi thấy tôi hay chỉ nhếch mép cười mỉm rất nhanh. Dầu sao tôi cũng mong con đường của nàng đi sẽ đen nhánh, lóng lánh như hột nhãn sau những ngày nước mưa quét sạch bụi bậm. Nếu thỉnh thoảng trên đường có một vài màu xanh lấm tấm, đó là màu xanh của những trái sầu đông đã rơi vội vàng trong mùa mưa bão”.


(bài của Nguyễn Đình Toàn)

PHẦN viết thêm cho MƠ NỮ, như là 1 ngoại truyện của THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC,  đăng trên VĂN - 1975
(TƯ LIỆU CỦA HUYVESPA.MULTIPLY.COM)




PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket

BÀI THƠ KHÔNG VẦN
Khế Iêm
Để tưởng nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)
Anh đến với tôi mỗi ngày thứ sáu,
như mỗi ngày đều là ngày thứ sáu,
còn những ngày khác anh đến với các
bạn khác, như mỗi bạn khác mỗi ngày
là mỗi ngày khác, cho đến một ngày
bất ngờ tôi biến mất, như mỗi ngày
thứ sáu biến mất vào mỗi ngày khác,
như mỗi đời người biến mất vào chỗ
đời khác, tôi biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi, vì tôi bị cuốn
theo cuộc đời lưu lạc, còn anh mãi
mãi đơn độc, mãi mãi không nhà, mãi
mãi ở lại, và tôi không biết nơi
nào anh trú ngụ vào mỗi ngày thứ
sáu, cho đến hôm nay bất ngờ anh
biến mất, anh biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi như mỗi chúng ta
là một tình cờ, như mỗi con đường
là một ngõ qua, tạm thời là thế,
có gì hay ho, có gì đáng nói
nơi cái chỗ ở là trần gian này,
chỉ có điều đáng nói là những gì
anh còn để lại, “Cô bé treo mùng”,
“Hình như là tình yêu”, “Thư về đường
Sơn cúc”... giống như những bài thơ không
vần, vì ngay cuộc đời anh cũng là
cuộc đời không vần, không vần gì cả
với những cuộc đời chung quanh, nên anh
cứ mãi lãng du, cuộc lãng du bất
tận kéo dài về nơi gió cát, còn
tôi thì cũng cứ mãi lãng du, nhưng
là cuộc lãng du giữa cuộc đời bình
thường và rất đỗi tầm thường, chưa biết
đến bao giờ mới xong, chưa biết đến
bao giờ mới hết. Nhưng bây giờ chúng
ta có thể nói câu giã từ thứ
sáu, và giã từ nhau, vì từ lâu
lắm rồi chẳng còn ngày nào là ngày
thứ sáu, của anh và tôi, và từ
đó đến nay anh và tôi cũng chưa
một lần gặp lại. Thôi, chúc anh an
giấc.
KHẾ IÊM




* Tiểu sử:

Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại TP Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và bắt đầu bước vào nghề cầm bút từ thời gian này. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học” từ trước 1975.

Trước 1975, Hoàng Ngọc Tuấn từng được bình chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy.

Từ năm 1989 - 2005, các tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn được NXB Trẻ tái bản nhiều lần qua các tựa sách: Tuyển tập Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập), Lời cầu hôn, Hình như là tình yêu... Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông có đời sống riêng khá lập dị, kín đáo và lặng lẽ và hầu như không có sáng tác nào mới cho đến khi qua đời, do lâm bạo bệnh vào tháng 7-2005.

* Tác phẩm:

- Hình như là tình yêu
- Cô bé treo mùng
- Ở một nơi ai cũng quen nhau
- Tôi và em



HỌC TRÒ - Hoàng Ngọc Tuấn - Vàng Son xb, 1972




Lời Cầu Hôn - Hoàng Ngọc Tuấn - Nxb Trẻ - 1989



Tôi và em, Hoàng Ngọc Tuấn, An Tiêm, 1973



Cô bé treo mùng - Hoàng Ngọc Tuấn - Trí Đăng - 1972






Hình như là tình yêu (tập truyện ngắn) - Hoàng Ngọc Tuấn - NXB Trẻ, 2006

BÀI THƠ KHÔNG VẦN
Khế Iêm
Để tưởng nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)
Anh đến với tôi mỗi ngày thứ sáu,
như mỗi ngày đều là ngày thứ sáu,
còn những ngày khác anh đến với các
bạn khác, như mỗi bạn khác mỗi ngày
là mỗi ngày khác, cho đến một ngày
bất ngờ tôi biến mất, như mỗi ngày
thứ sáu biến mất vào mỗi ngày khác,
như mỗi đời người biến mất vào chỗ
đời khác, tôi biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi, vì tôi bị cuốn
theo cuộc đời lưu lạc, còn anh mãi
mãi đơn độc, mãi mãi không nhà, mãi
mãi ở lại, và tôi không biết nơi
nào anh trú ngụ vào mỗi ngày thứ
sáu, cho đến hôm nay bất ngờ anh
biến mất, anh biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi như mỗi chúng ta
là một tình cờ, như mỗi con đường
là một ngõ qua, tạm thời là thế,
có gì hay ho, có gì đáng nói
nơi cái chỗ ở là trần gian này,
chỉ có điều đáng nói là những gì
anh còn để lại, “Cô bé treo mùng”,
“Hình như là tình yêu”, “Thư về đường
Sơn cúc”... giống như những bài thơ không
vần, vì ngay cuộc đời anh cũng là
cuộc đời không vần, không vần gì cả
với những cuộc đời chung quanh, nên anh
cứ mãi lãng du, cuộc lãng du bất
tận kéo dài về nơi gió cát, còn
tôi thì cũng cứ mãi lãng du, nhưng
là cuộc lãng du giữa cuộc đời bình
thường và rất đỗi tầm thường, chưa biết
đến bao giờ mới xong, chưa biết đến
bao giờ mới hết. Nhưng bây giờ chúng
ta có thể nói câu giã từ thứ
sáu, và giã từ nhau, vì từ lâu
lắm rồi chẳng còn ngày nào là ngày
thứ sáu, của anh và tôi, và từ
đó đến nay anh và tôi cũng chưa
một lần gặp lại. Thôi, chúc anh an
giấc.
KHẾ IÊM
Mây Hồng Phỏng vấn Hoàng Ngọc Tuấn


Ý KIẾN VỀ SÁCH BÁO TUỔI TRẺ .

Theo cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi Hành, Hoàng Ngọc Tuấn là một nhà văn được ghi tên nhiều lần, đều đặn trên mỗi số báo  . Lý do Hoàng Ngọc Tuấn được ưa thích, được các độc giả tham dự cuộc phỏng vấn nêu ra là tính chất thơ mộng của văn chương Hoàng Ngọc Tuấn .
Với những tác phẩm đã xuất bản, các truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn thưởng viết về kỷ niệm ấu thời . Giới thiệu Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn Võ Phiến đã viết:
“…Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh . Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng . Anh Hoàng Ngọc Tuấn là một người vui vẻ, Anh vừa ngông, lại vừa nghịch, vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên anh quyến rũ vô tả …”
Dưới đây Mây Hồng đã được anh Hoàng Ngọc Tuấn cho biết ý kiến của anh qua một số câu hỏi về sách báo tuổi thơ
Mây Hồng (MH): Anh Hoàng Ngọc Tuấn, anh nghĩ gì về sách báo tuổi thơ hiện nay ?
HNT: Khá dồi dào và đặc sắc . Tôi nhớ chỉ cách đây vài năm, người ta thường than phiền là không có sách giải trí lành mạnh cho tuổi thơ, hồi đó tràn ngập trên vỉa hè là những loại sách hình nhảm nhí kiểu ma quái, Combat, Chú Thòng hoặc của ông Charlot Nguyễn Thọ …
Bây giờ thì học trò tha hồ mà chọn lựa, chỉ sợ không có tiền mua hết mà thôi . Hiện nay có ít nhất là 5 tờ báo và nhà xuất bản sách tuổi thơ hoạt động rất thường xuyên, mạnh mẽ . Các nhà sách, sạp báo ở Sàigòn đều thấy có một kệ riêng bày sách tuổi thơ, rất đông khách hàng .
Tóm lại, loại sách tuổi thơ bây giờ hầu hết đều là những món ăn tinh thần, một thú tiêu khiển bổ ích; mặc dù ít có cuốn nào đạt đến trình độ của một tác phẩm văn chương đúng nghĩa . Nhưng cần gì, các tác giả này có lẽ họ cũng chỉ muốn viết sách cho tuổi thơ đọc, chứ không muốn “sáng tác văn nghệ”, một việc đòi hỏi nhiều yếu tố khác ở ngoài lãnh vực tuổi thơ .
MH: Là một tác giả thường viết về tuổi thơ xin anh cho biết vì nguyên do nào mà anh đã chọn đề tài này ?
HNT: Trước hết, tôi thấy tôi không phải là “một tác giả viết về tuổi thơ” . Có lẽ độc giả thấy những nhân vật trong truyện tôi có một vài người nhỏ tuổi nên tưởng thế . Ngay cả một cuốn sách mới đây của tôi . “Thư Về Đường Sơn Cúc” tuy bé tí xíu như hạt tiêu nhưng không phải là một chuyện về tuổi thơ hay tuổi già . Một thời nào tôi đã sống qua tôi thường viết về nó . Do đó, dĩ nhiên là có một vài truyện tuổi thơ của tôi .
Một đề tài nằm mãi trong tôi, tự dưng có ngày phải nhảy ra đời để thành một chuyện . Tôi không chọn lựa đề tài .
MH: Anh có nghĩ những cuốn sách đứng đắn rồi sẽ “thắng thế” trước những cuốn sách nhảm nhí ?
HNT: Chắc chắn, điều đó đã xảy ra rồi . Nhưng tôi thấy “đứng đắn” chưa đủ, cần phải hào hứng và lôi cuốn mới thích hợp với độc giả tuổi thơ …Tiếc là ở VN chưa có những chuyện bằng hình hấp dẫn cả trẻ con lẫn người lớn tuổi . Chẳng hạn, như những chuyện Tin Tin Lucky Luke ..v..v…Sáng tác được loại truyện này không phải dễ, cần phải có một ông họa sĩ thật vững vàng và có năng khiếu riêng (vẽ sao cho hình vẽ trở nên sống động làm người xem có cảm tưởng như xem chớp bóng), và phải phối hợp với bộ óc tưởng tượng thật dồi dào của một người viết truyện hiểu biết rành rẽ về tâm lý nhi đồng nữa .
Cách đây khoảng 10 năm, hồi còn nhỏ, tôi đã khá thích thú khi xem những truyện bằng hình của họa sĩ Văn Hiếu (loại truyện Tarzan VN) và Đằng Giao (Truyện Hách Xì Xằng hoặc Thạch Thạch Sanh - Lý Thông “việt hoá” Cao bồi Mỹ)
MH: Qua các truyện ngắn của anh, tuổi thơ thường hiện lên những hình ảnh thơ mộng, tuổi thơ của anh có êm đềm như thế không ?
HNT: Hơn thế nữa là đằng khác . Tôi tiếc chưa có thì giờ và tâm hồn bình yên để làm sống lại những ngày xưa êm đềm đó . Thuở nhỏ, tôi theo gia đình đổi chỗ hoài, từ tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi năm học một trường . Huế, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột ..v..v.. Trường Bà Sơ, trường Thầy Dòng (La San), trường Thầy Chùa (Bồ Đề), trường tư, trường công … đủ cả . Hồi đó tôi yêu thương rất nhiều điều, và tôi mừng mà thấy đến nay tôi vẫn chưa thay đổi .
MH: Trong cuốn “Hình như là tình yêu” anh thích truyện nào nhất ?
HNT: Truyện thứ nhất: “Hình như là tình yêu” . Khách quan mà nhận xét đây không phải là truyện ngắn tốn nhiều công phu hoặc có gì mới lạ nhất của tôi .
Nhưng tôi thích nó vì đã viết say sưa một mạch truyện đó . Nó đem lại cho tôi khá nhiều hạnh phúc, một thứ hạnh phúc khó cắt nghĩa được .
MH: Bây giờ nếu viết một truyện về tuổi thơ anh sẽ viết gì trong đó ?
HNT: Chắc là truyện có tính cách hồi tưởng, tự thuật ở Huế hoặc ở Ban Mê Thuột . Làm học trò, chăm học lẫn trốn học, chạy rông cho đã đời rồi bị nhốt vào nội trú, yêu thương mơ mộng vớ vẩn .v..v.. Ai cũng có một thời bé con đó cả, khi viết lại, có khác chăng là cách cảm nhận và diễn tả quá khứ riêng biệt của mỗi người .
MH: Xin anh gởi cho tuổi trẻ những ý nghĩ êm ái nhất của anh ?
HNT: Bất cứ một lời khuyên nào của những ông giáo đều chí lý cả . Bây giờ, nhớ lại hồi nhỏ đi học, tôi mới nhận thấy thế . Cái chân lý cổ điển nhưng bất hủ là học trò cứ nên nghe theo lời khuyên dạy của cha mẹ và thầy giáo .
Tôi đã sống trái ngược với điều vừa nói trên, nên bây giờ tôi mong m uốn những người còn trong lứa tuổi thơ (nói rõ ràng hơn là các em của tôi) hãy làm trái với những điều tôi đã làm . Đoạn trường ai có qua cầu mới hay …Gia đình và trường học đẹp lắm .

MÂY HỒNG THỰC HIỆN .
(Tuần báo Mây Hồng, số 1, 17-7-72)

NGUYÊN VĂN BÀI CỦA VÕ PHIẾN


Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng? - Không. Là thơ đấy. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít nhiều hoặc rất nhiều tính chất thơ. Ðến như Thư về đường Sơn Cúc thì chính là một bài thơ. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.

Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác - những tác phẩm “hình như là tiểu thuyết” - Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài: Tình Yêu và Thiên Nhiên. Trong Thư về đường Sơn Cúc, hai mối say mê nọ càng quấn quít mật thiết, càng như chan hòa làm một: Tình yêu giữa người Bạn Lớn với người Bạn Nhỏ được phát khởi do lòng thiết tha của cả hai đối với Thiên Nhiên. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn về mặt đề tài.



Người Bạn Nhỏ mà chúng ta gặp ở đây là một người bạn quá nhỏ. Người Bạn Lớn cũng nhận thấy thế, cho nên cuối thư chỉ xin đặt một chiếc hôn ở nơi trán. Nhưng ai nấy hãy yên trí: Trước sau gì rồi chiếc hôn cũng sẽ được đưa xuống xa hơn, cũng sẽ được đặt ở một nơi nào thích hợp với tình yêu hơn. Bởi vì, bất chấp sự cách biệt tuổi tác, đây chính thị là Tình Yêu.

Cách biệt tuổi tác là chuyện không đáng kể, là không thành chuyện trong các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn. Mà mọi thứ cách biệt khác cũng đều không thành trở ngại nào cả. Người Bạn Nhỏ không nên ái ngại: cô ta đâu có phải là một trường hợp đặc biệt? Trong tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đã từng có những người tình bé bỏng hơn nữa, được gọi là “nó” (Mùa Xuân Cuối Cùng, là “con bé”, là “con sóc nhỏ” (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., cũng như đã có những người tình lớn hơn một chút, hoặc lớn như là một bà chị cả (Thuở Ấy Có Nhà), hoặc lớn như là một cô giáo (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ) v.v.

Lớn quá hay nhỏ quá: không can gì. Là con sóc nhỏ hay là cô giáo: không can gì. Hoàng Ngọc Tuấn có thể viết một cách hồn nhiên: “Thuở ấy tôi yêu cô Dạ Thảo vô cùng và tôi quả quyết với bạn bè là cô giáo cũng mê tôi như chết.” (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ) mà không một ai thấy bất bình vì cái chuyện kỳ cục động trời đó. Bởi vì hồn nhiên là tính cách căn bản của tình yêu, ở đây.

Hồn nhiên, cho nên trong sạch. Ở đây, có mối tình giữa chị em họ (Thuở Ấy Có Nhà), có mối tình với gái giang hồ (Canh Bạc Của Một Vài Người), có mối tình đưa đến sát nhân (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., nhưng ở đây không có cảm tưởng tội lỗi. Trái lại.

Trái lại, nếu trong cái nếp sống đầy tội lỗi ngày nay, nếu giữa cái xã hội văn minh đầy khích động của dục tình hiện nay, thỉnh thoảng có ai cần tìm đến ẩn lánh ở một cõi thanh khiết thoát phàm, thì đừng nên ngần ngại mà giới thiệu với ai đó thế giới tình yêu của Hoàng Ngọc Tuấn. Thế giới của những người tình chị mỗi sáng ra lệnh cho người tình em đếm hộ những cánh buồm trên mặt biển, của những người tình chú mỗi ngày sắm đủ cả kem và bàn chải đánh răng cho người tình cháu, của những người Bạn Nhỏ gửi lá cỏ chông chông cho người Bạn Lớn xa xôi v.v. Chỉ có tình, không hề có dục. Ðẹp và lành không chịu được.

Có một lần Tristan và Iseult được nhắc đến (Có Bao Nhiêu Cánh Buồm Trên Biển). Dù cho không luôn luôn lãng mạn cao khiết như ở thời trung cổ xa xưa, các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn cũng gợi lên cái thời của ca dao, của cu gáy bướm vàng v.v. Nghĩa là một thuở nào hoàn toàn xa lạ với thời kỳ của thân xác hừng hực, thời kỳ nhiễm độc vì những khích động náo nhiệt mà chúng ta đang sống.

Bởi nó không giống với thứ tình yêu hỗn hễn, đổ lửa của hôm nay, cho nên nó khiến cho kẻ đối diện còn ngờ ngợ: “Hình như là tình yêu đây chăng?”

Nhưng đã biết rõ Hoàng Ngọc Tuấn rồi thì không còn ngờ vực gì nữa. Chính Nó đấy. Chính là thứ Tình Yêu tuyệt vời mà cuộc sống văn minh toan đánh mất của chúng ta đó.



Người ta gặp lại ở Hoàng Ngọc Tuấn thứ Tình Yêu đó một cách bất ngờ. Cũng như gặp lại Thiên Nhiên thật bất ngờ.

Nguyên sự có mặt của thiên nhiên trong tác phẩm văn nghệ lúc này đã là điều lạ. Thật vậy, hồi gần đây, trong tác phẩm cơ hồ chỉ có ta và địch, có kẻ giàu người nghèo, có thân phận với suy tư dằn vặt, có tự kỷ và tha nhân v.v. Nghĩa là chỉ có hoặc những đấu tranh, hoặc những ra rít, chỉ có người và người quần với nhau. Khắp cùng, mọi cái nhìn đều châu hướng về cuộc sống xã hội, về con người. Họa hoằn mới bắt gặp trong nghệ phẩm một khung cửa mở về hướng thiên nhiên. Hoàng Ngọc Tuấn là trường hợp họa hoằn như thế.

Bóng dáng thấp thoáng mơ hồ của chàng trai cùng cô bé Thùy một buổi sớm mai chờn vờn ẩn hiện trong màn sương mù trên khu rừng cao nguyên (Mùa Xuân Cuối Cùng) chắc chắn sẽ cùng với bóng dáng của hai chị em Hàn Mặc Tử thuở nào chơi giữa mùa trăng kết thành những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà văn chương hiện đại có thể lưu lại.

Rừng sương cao nguyên đẹp lắm, con đường Sơn Cúc ở sườn non ven biển rất đẹp v.v. Nhưng có khi không cần đến những cảnh đẹp như thế. Mặc ba chiếc áo sơ-mi thật dày chồng lên nhau, trùm một chiếc mũ to tướng của ông cậu lên đầu, rồi đi lang thang với một gã lớn tuổi dưới trời đông lạnh buốt, trao đổi với nhau những câu nói lạc mất trong tiếng mưa, đòi hút cho được điếu thuốc cay xè thuở mười lăm tuổi trong lúc mắt nhìn ra ngoài trời mờ mịt (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ), đó không phải là một cách thưởng ngoạn thiên nhiên vô cùng ý vị sao? Không có cái thiết tha đối với từng biến chuyển của tiết trời, không thấu triệt ý nghĩa thâm thúy của từng tiếng gió trận mưa, nhất định không sao có thể đốt được những điếu thuốc một cách hợp thời hợp cảnh như thế.

Thiên Nhiên đâu có cần luôn luôn xuất hiện trong những màn trình diễn huy hoàng? Kẻ gắn bó bằng mối thâm tình thật sâu xa có những lối tiếp cận Thiên Nhiên giản dị mà thân mật thấm thía, với một khói thuốc, một ngụm cà-phê vào đúng lúc, đúng nơi.

Hoàng Ngọc Tuấn đối với Thiên Nhiên chắc chắn cũng tương đắc thân thiết như người Bạn Nhỏ đối với người Bạn Lớn vậy.

Người Bạn Lớn gửi một lá Thư về đường Sơn Cúc. - Ðường ấy ở đâu vậy? Có con đường ấy chăng? Có loài hoa ấy chăng? - Xin đừng quấy rầy tác giả bằng những thắc mắc ấy. Không phải vì lẽ truyện là bịa, bởi thực ra truyện thường muốn bịa nên một thực tại. Ðàng này, Hoàng Ngọc Tuấn vốn có cái ngông nghênh muốn nương cánh tưởng tượng thoát khỏi truyện, thoát lìa thực tại. Cái ngông ấy đã khiến cho hành tung cô Bạn Nhỏ lần này bị đẩy vào cõi thơ huyền ảo, khiến cho cảnh sương mờ cao nguyên ngày nào nhuốm vẻ hư hư thực thực, khiến cho bao nhiêu nhân vật (nhất là những nhân vật phái nữ, được tác giả cưng nhất) và bao nhiêu tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đều mang những tên gọi thật ngộ nghĩnh.

Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, ông Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Ông vừa ngông, lại vừa nghịch. Vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên ông quyến rủ vô tả.



Tất nhiên, tuổi trẻ sẽ giành Hoàng Ngọc Tuấn cho Hôm Nay. Sẽ giải thích sự thành công của ông (vì quả thật ông là một trong đôi ba thành công rực rỡ nhất, một trong đôi ba tài năng xuất sắc và độc đáo nhất của lớp cầm bút trẻ lúc này) bằng tính cách thích hợp với khát vọng, với tâm tình của giới trẻ hôm nay.

Nhưng trót không còn tuổi trẻ thì đố biết làm sao giải thích được cái tình yêu người , yêu thiên nhiên, cái thi vị trong lành, cái ngông và cái nghịch ấy lại chỉ có thể thuộc về hôm nay. Chẳng những thế, những cái đó dường như còn muốn đối nghịch với một xã hội hỗn loạn, một tình thế bi thương, một cuộc chiến ác liệt.

Sáng tác của ông mà phản ảnh hoàn cảnh ấy ư? Nếu muốn đề cập đến Hôm Nay, có lẽ bất quá chỉ có thể nói sáng tác của ông như một bông hồng gửi đến cho Hôm Nay. Một bông hồng rạng rỡ cho Hôm Nay tối tăm.



Bông hồng rạng rỡ, rồi có mong manh chăng?

Thú thực, tôi thường đọc Hoàng Ngọc Tuấn với một cảm tưởng lo lắng.

Người ta thường nói đến việc xây dựng tiểu thuyết, việc thai nghén cốt truyện, đi vào thực tại khách quan, nghiên cứu tâm lý nhân vật v.v... Nghề văn không có vẻ gì thư thái như nghề thơ. Nghề văn thật lắm công phu. Nhưng Hoàng Ngọc Tuấn thì không bao giờ giống với một tay nhà nghề. Ông không có vẻ làm nghề, dù là nghề văn. Tác phẩm của ông không có vẻ là một công trình lao tác. Tác phẩm của ông tuồng như chúng tuôn ra từ cuộc sống, từ cảm xúc của ông. Tuôn thẳng một mạch.

Một người có thể đem cái tâm tình chủ quan của mình mà viết như thế được mãi sao? được đến chừng nào? Không lo lắng sao được?

Nhưng có lẽ chính niềm lo lắng ấy cũng tăng thêm ý vị cho sự thưởng ngoạn. Bởi vì, cùng với sự khoái thích, nó thêm cho ta mỗi lúc một dịp ngạc nhiên mừng rỡ từ tác phẩm nọ sang tác phẩm kia.

Có thể cứ thế mãi mãi cho đến tận cùng cuộc đời sáng tác của ông..

2 - 1972

(Đây là lời tựa cho tác phẩm 
Thư về đường Sơn Cúc của HNT. Lời tựa này về sau VP cho in lại trong phần nhận định về truyện của bộ Văn học Miền Nam.)

12 nhận xét:

[H]UY! vespa nói...

Thư về đường Sơn Cúc (1)




Bạn Nhỏ,

Tôi sẽ suốt đời gọi em bằng tên đó, vì em đã tự đặt cho em khi gọi tôi là một người Bạn Lớn. Có những danh xưng bóng bẩy nào cũng không làm cho tôi rung động bằng tiếng gọi thô sơ nhưng chân tình ấy.

Chúng ta sẽ là người Bạn Lớn và người Bạn Nhỏ quen biết với nhau bằng một đường dây mỏng manh như tơ trời, nhưng tôi tin rằng chẳng bao giờ đứt đoạn.

Ngày tôi tình cờ nhận được lá thư của em, cây lá mùa xuân đâm chồi bừng sống trong tâm hồn tôi, mầm hoa mai vàng như nở trong da thịt tôi mặc dầu lúc đó trời mới bước vào mùa thu tháng tám. Nhưng cần gì những tháng ngày vô vị ghi trên tờ lịch, cần gì pháo Tết nổ vang trời, khi những chữ viết của em đã vẽ ra trong mắt tôi muôn ngàn hoài vọng về một chốn trần gian bát ngát của biển cả mà tôi đã đánh mất quá sớm khi mới chập chững vào đời.

Mùa xuân của tình thương, mái ấm gia đình và một quê nhà nhỏ nhoi, từ lâu tưởng đã chết hẳn trong tôi rồi, vì thời gian dài xa vắng quá.

Nhưng giờ đây, em đã làm sống lại hình ảnh yêu thương của tôi ngày cũ. Là trùng dương và cồn cát trắng chạy dài đón những đợt sóng rì rào.

Tôi chỉ đoán ra được hình bóng em rất lờ mờ. Một cô bé mười bẩy tuổi tóc bám đầy gió cát của một biển chiều, thơ thẩn đếm những dấu chân mình in lốm đốm trên nền cát, dấu chân son chóng bị xóa phai đi vì làn sóng nước. Chỉ có thế. Bãi biển của em xa tôi hàng mấy trăm cây số, chỉ cần qua một vài giọt mực tím loăng quăng, mà tưởng chừng như đang vuốt ve tôi ngọn sóng đêm vời vợi. Tôi muốn hỏi em là ai. Nhưng lời tôi chưa nói, em đã trả lời, mà cũng chẳng trả lời:

Ông có cần biết tên tuổi em không?
Em muốn sống không tuổi không tên
(?) đang lững lờ giữa cười và khóc
Ở đây
Bạn thiết của em là rong mơ và còng gió
Dãy đụn cát ngút ngàn chạy theo bờ biển
Ðời sống
Với những đêm sóng gió dạo khúc nhạc buồn
Chao ơi là chùng lòng
Và thấy mình như cỏ úa...

Những chữ đã hết nhưng hơi thở của em tưởng chừng còn vương vương trên trang giấy mỏng. Tiếng thở dài đượm một chút âu sầu, như em vừa ngồi tâm sự với một chú dã tràng nằm nín thinh lắng nghe trong hang sâu lòng cát.

Tôi cúi đầu ngưỡng mộ ngôn ngữ của nước chúng ta. Có biết bao chữ than ôi, eo ơi, hỡi ơi... thế mà em chỉ nói chao ơi, hồn tôi cũng chùng xuống như những sợi dây đàn lắng đau theo ngón tay bấm của một bài sầu khúc.

Tôi cám ơn em. Những hình ảnh thơ dại và nỗi hạnh phúc thú vị tưởng đã bỏ tôi mà đi mất từ lâu rồi. Từ khi tôi bôn ba chen lấn giữa dòng đời kiếm sống, tan rã mất mát con người trong những thành thị hỗn loạn xô bồ, mồ hôi nhọc nhằn và khói bụi đen bẩn của phố phường như nhận chìm tôi chết đuối.

Tưởng chẳng có liều thuốc tiên nào chữa được cái đầu óc khô cằn kiệt quệ, tưởng chẳng có một bày tay nào ngăn được tôi ngã nhào trôi nổi theo dòng thác dơ bẩn.

Thế mà em, người Bạn Nhỏ xa xôi và xa lạ ấy đã lên tiếng. Tôi nghe một mùi hương cao quý thoang thoảng sau lưng, những bước nhảy điên cuồng của tôi đã kịp dừng lại trên bờ vực. Em mở nguồn cho suối yêu thương của tôi thoát chảy tuôn trào...

Tôi đã phục sinh, như một cánh đồng lúa chờ cơn mưa, hân hoan đón nhận những hạt nước từ bàn tay em gieo rắc.

[H]UY! vespa nói...

Thư về đường Sơn Cúc (2)




Những ngày tiếp theo, em vẫn còn, và bao giờ cũng thế, nôn nao kể cho tôi nghe câu chuyện về miền biển của em. Cảnh trời đất bao la vời vợi đó làm sao nói cho hết được, làm sao tỏ cho hết được tấm lòng chúng ta yêu mến. Rồi em giới thiệu cho tôi làm quen với cọng cỏ chong chong.

Cỏ chong chong? Cái tên gì ngộ nghĩnh quá mà tôi chưa được nghe bao giờ. Có thứ cỏ đó thật sao, nó như thế nào, nó làm sao sống giữa cả một bãi cát nóng ánh mặt trời... Em hãy gởi cho tôi một ngọn cỏ, tôi nôn nóng thèm được xem lắm. Em trả lời:

Trời ơi sao ai xui khiến chi ông thích cỏ chong chong
Ngọn cỏ ấy khi gởi cho nhau
Là mang ý nghĩa giận hờn...
Gởi cỏ cho ông
Lỡ nó đi dọc đường nó buồn héo úa và chết
Ông vui chi khi nắm trong tay cỏ mục khô...

Không, có hề gì đâu. Nếu nó đến tay tôi thì đã mềm yếu không còn châm đau được, chẳng còn mang ý nghĩa giận hơn, mà chỉ là nụ cười xanh của em đó thôi.

Và em đã gởi. Dầu đường không xa lắm, bác đưa thư cũng làm cỏ gãy lìa rồi, nhưng tôi vẫn còn nhìn ra được một cọng cao gầy là tôi, cọng bé hơn là em, như em đã đặt tên cho chúng.

Rồi lần lần tôi cũng biết được tên em. Tình cờ đã khiến tên em nằm giữa lòng tên tôi. Ví dụ như tôi tên là Nguyễn Văn Ất thì em tên là Văn. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta nên cám ơn mẹ cha đã không đặt cho những cái tên buồn tẻ ấy.

Tôi cũng đã nhìn thấy khuôn mặt của em. Như bóng nhỏ nhoi của một con kiến vàng nấp dưới chân đồi, tóc hình như còn ước nước biển và lấm tấm cát khiến tôi cũng thèm được trầm mình trong lòng nước mát xanh ấy, để gội rửa hết những bụi đường. Em cũng là người đồng hương với tôi nữa:

Hai nguồn thương lớn nhất đời của em
Cơ hồ chỉ có núi và biển
Tuổi thơ em lập lòe trên đầu non
Và lớn khôn trong sóng cả...

Tuy có lẽ chưa đến lúc cùng nhau nhìn về một hướng như lời của Exupéry, nhưng chúng ta đã cùng yêu thương một điều. Cũng như em, tôi có một tấm lòng mãi mãi hướng về thiên nhiên rộng lượng và cao cả, với màu sắc trinh tuyền lộng lẫy sơ khai. Cũng như em, tôi cũng thấy mình lẻ loi trong thế giới lạnh nhạt của loài người, vẫn còn thấy mang trong mình một chút rừng xưa của núi còn sót lại.

Ðêm nay ngồi đây, chung quanh tôi là âm thanh của còi xe, của máy phát thanh, máy truyền hình nhà hàng xóm thi nhau inh ỏi. Làm sao tôi còn lắng nghe tiếng gió biển như em được. Ðêm nay, ở căn nhà ven biển ấy, em thì thầm:

Gió lách qua cửa như những lưỡi dao cứa vào em
Chao ơi gió biển
Xin nhẹ tay

Em biết không, tôi đang muốn những ngọn roi thấm thía của gió quất vào thân người mà còn không được đó. Tôi sung sướng biết bao khi nghe em nói muốn san sẻ cho tôi đôi chút thế giới yêu dấu của em:

Em chả biết làm sao để gởi cho ông
Vỏ sò, đồi cát, hoa dại, biển cả...
Những lưỡi dao gió và những ngón tay của sóng
Và làm sao gởi vào cho ông một cái lồng đèn
Ðể trong lúc ngắm trăng
Ông có thể nhớ đến người bạn nhỏ...

Hãy gởi cho tôi thêm nhiều nữa. Gởi cho tôi cả mùi gió mặn đêm đêm trùng dương đưa vào qua cửa sổ, cho tôi mảnh vải tả tơi xé từ những cánh buồm phiêu bạt trở về, gởi cho tôi một miếng gỗ mục từ lớp vỏ thuyền sau bao ngày ngất ngư lạc lối trên sóng biển. Cho tôi nếm chút hương vị của bến bờ nuôi mộng viễn du, để tìm lại ngày xưa tôi cũng đã lang thang suốt ngày nơi ven biển, bồi hồi trông ngóng ra chân trời một cái gì thật xa xăm huyền ảo.

Tôi chỉ rất ít tiền cũng đủ sống, nhưng lòng tôi tham lam vô lượng những của cải của trần gian. Những cái không mất tiền mua mà những kẻ giàu sụ không sao có nổi.

Tôi và em, chúng ta chỉ có một đồng xu gọi tên là tình yêu, là rung động đón nhận ngây ngất, chúng ta có thể ôm trọn đất đai vào lòng một cách dễ dàng. Khi tấm lòng chân thành của chúng ta mở toang hết những cánh cửa để đón gió, khi bàn tay của chúng ta biết âu yếm vuốt ve, khi đôi môi của chúng ta biết nao nức thốt lên lời mời gọi, là thế giới này sẵn sàng ngã vào vòng tay ta như một đứa con ngoan ngoãn.

Em cũng đã báo trước cho tôi những mùa kỷ niệm:

Vu Lan
Chả biết ông cài hoa hồng hay hoa trắng
Ðể cài cho ông một đóa
Thôi em tạm vẽ một bông hoa trên giấy
Rồi ông sẽ tự ý nhuộm màu hoa

Tôi cũng may mắn còn có mẹ đó em, nhưn

[H]UY! vespa nói...

Thư về đường Sơn Cúc (3)




Căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng ghi tên đường. Nhưng có hề gì đâu, tôi sẽ gởi cho em về địa chỉ mới: Con đường Sơn Cúc, vì em nói mỗi ngày em đều đi qua đó:

Ông có biết loài hoa ấy không
Cả nhà gọi nó là cúc rừng
Chỉ mình em thầm gọi là hoa Sơn Cúc
Hoa vàng óng ả
Hoa vàng mật ngọt
Vàng rực rỡ cả một lối mòn
Ðược gọi là Ðường Sơn Cúc của em

Tôi thấp thoáng trông thấy hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm. Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào, một mình em lững thững, không hề nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.

Em chê đường lớn
Dẫu rằng lối mòn dẫn đến trường lâu hơn
Vẫn thích một mình giữa đám lính hầu Sơn Cúc
Ðứng hai bên làm vòm che mát cho em...
Cả nhà gọi đùa em là cô bé quàng khăn đỏ
Nhưng đường dễ thương ấy
"răng" có sói thịt em nổi
Ở đây chỉ có nai
Bọn hắn mê xơi tái hoa cúc ghê lắm
Những cặp mắt nai
tia nhụy óng nhớ thương ngăn em kể lể
Rồi ngày nào em cũng băn khoăn
Vừa muốn về nhà lại vừa không
Như ông sẽ về thăm con đường của em không?

Hơn là muốn nữa chứ. Tôi quá thèm bay về miền biển đó, nhảy nhót trên con đường của em theo tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá làm nhịp trống tưng bừng.

Tôi đã đi qua biết bao con đường. Những con đường chỉ đầy sỏi đá cắt chân và gai lửa, những con đường quê nứt nẻ tiêu điều chỉ có dấu chân người chạy loạn, những con đường thành thị với xe hơi bóng loáng và hành khất què cụt bước thấp bước cao. Những con đường đứt đoạn vì bị đặt mìn, những con đường đến bờ sông là đột ngột dừng lại vì nhịp cầu đã gãy đổ. Những con đường của mồ hôi và máu nhỏ ròng ròng, của bẫy chông và phục kích. Những con đường lỗ chỗ hố sâu vì bom đạn...

Tôi chưa được hạnh phúc đặt chân lên con đường Sơn Cúc của em một lần nào. Hãy để dành cho tôi, chia bớt cho tôi một nửa vệ đường, dầu là phần đầy gai và nóng bỏng. Dành hết cho em trọn cả con đường thênh thang tươi đẹp như tâm hồn em, con đường sẽ đưa em đến toàn những cánh cửa mở.

Nhưng em nói con đường Sơn Cúc ấy ngắn lắm, chỉ đi một lúc là hết, và đến đoạn đường khác:

Từ nhà em đến trường
Qua một gốc dương qua con phố nhỏ
Ngang công viên hoa dại, xuống dốc cầu nai
Em ghé vào hỏi thăm những lá cỏ
Ðể quên nỗi bực dọc khi phải tiếp tục đi qua
Những quán cà-phê đầy nhóc mấy ông con trai
Qua khu chợ lan ra tận đường
Chỗ sửa xe, hớt tóc, trại lính, thép gai...
Và như thế mới thấy thương Cây Mùa Ðông hơn
Bơ vơ lạc lõng đứng buồn hiu giữa âm thanh ngầu đục...
Rồi hôm nào gặp ông em sẽ kể cho nghe nhiều hơn
Về người bạn mang tên Cây Mùa Ðông của những năm còn nhỏ
Bây giờ cây trụi lá ấy đã bị người ta đốn ngã rồi
Em không biết có nên nhắc nhở lại người bạn cũ đó
Với một người bạn mới là ông nữa không?

Tôi cũng thấy thương cho người bạn cũ của em, mặc dầu hơi thèm địa vị của nó ngày xưa chắc đã thân thiết với em biết mấy. Mỗi khi có ai so sánh tôi với bất cứ một người nào, tôi rất bực mình. Nhưng giờ đây em coi tôi ngang hàng với một loài cây gầy âu sầu đó, tôi rất lấy làm hãnh diện.

Tôi chờ em, hãy tiếp tục kể cho tôi nghe những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, có vẻ tầm thường đối với nhiều người khác lắm, nhưng với tôi, đó là trái vừa chín ngọt ngào, thơm mùi đất thô sơ mà vẫn ngát hương mùi trầm thần tiên diễm ảo.

[H]UY! vespa nói...

Thư về đường Sơn Cúc (4)




Hình như em có làm thơ. Ðừng, em. Em cần chi đến thơ nữa. Biển cả, mái nhà, con đường Sơn Cúc của em là thơ rồi. Tôi mong em một đời được bao phủ say sưa trong cõi thơ gần gũi đó.

Mỗi sáng em nói:

- Thưa mẹ con đi học.

Ðến chiều mẹ nói:

- Chiều nay con nhớ đem theo áo mưa, kẻo gặp trời mưa giông rồi con lại bị cảm.

Những lời nói ấy là thơ rồi đó em. Những bài thơ tuyệt vời nhất mà ngày xưa tôi đã vô tình không màng đến, bây giờ chỉ còn nghe trong hoài tưởng.

Ðêm đêm, sau khi học thuộc bài xong (và viết thư cho tôi) em hãy nằm trùm kín chăn, chỉ chừa có đôi tai để lắng nghe bài thơ quý giá của một nhà thơ vĩ đại nhất dành đọc riêng cho em. Ðó là tiếng gió lay động lao xao hàng dương liễu, tiếng mưa hắt từng sợi đập rào rào vào cánh cửa kính, xa xa giọng trầm buồn cô tịch của sóng đều đặn vỗ về. Có bài thơ nào làm em xúc động man mác hơn bài thơ không lời của thiên nhiên, kẻ hào hoa và rộng rãi chẳng cần em bỏ tiền ra mua thơ, kẻ sang sảng ngâm thơ từ ngàn đời đến khô cả giọng mà có ai thèm nghe đâu. Và em chỉ cần hồn nhiên đón nhận như một cành hoa rung rinh đón gió, thơ sẽ ngập tràn vào em, em sẽ tan hòa trong niềm ngây ngất kỳ diệu đó.

Em cũng chẳng cần, chẳng nên làm một thi sĩ nữa.

Em có biết chăng... Thi sĩ, kẻ phải đi qua suốt hành lang băng giá của cuộc đời, để thắp lên cho tim người ánh lửa nồng ấm.

Thi sĩ, kẻ phải chịu tước da xương nhỏ máu, ép lấy xác thân, để dâng hiến cho đời một chút hương hoa tinh túy.

Thi sĩ, kẻ đã khóc hết nước mắt mới cho chúng ta được nụ cười. Kẻ đã cười say như điên dại để làm cho chúng ta nhỏ lệ.

Như thế đó, tôi ngưỡng mộ những thi sĩ biết bao nhưng cũng vì thế, tôi thực tình muốn em chỉ là một tâm hồn chơn chất thơ dại, suốt đời bình yên làm chiếc túi hứng đầy quà tặng của đời, chứ đừng mang định mệnh nghiệt ngã vào người, phải dấn mình trong giông bão.

Em có chép cho tôi mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử:

“Anh nằm ngoài sự thực
Em đứng trong chiêm bao
Cách nhau xa biết mấy
Thương nhớ quá thì sao?”

Tôi và em, chúng ta nên cảm tạ Hàn Mặc Tử và những nàng thơ của chàng. Một đời chàng làm thơ tài hoa đắm đuối cho người, và hôm nay, chàng chỉ gởi riêng đến cho chúng ta. Ta hãy cắn ngập trái thơ chua lịm người trong miệng. Và cám ơn chàng thêm một lần nữa, rồi để cho chàng yên ngủ. Chúng ta cần phải tự đánh thức những tình cảm còn nằm sâu kín trong ta, chắp cho nó đôi cánh, trút cho nó hơi thở, mớm cho nó ánh sáng để nở hoa tươi tốt sống động với đời.

Em cũng đừng mơ chi đến những phương trời xa mộng ảo. Hãy ôm ấp lấy mọi điều em đang có trong tay. Những sáng trong lớp ném thư cho con nhỏ bạn bên kia bàn, những chiều nghỉ học nô đùa phá phách cùng với mấy chị em trong nhà, những đêm quây quần cùng gia đình trước mâm cơm bốc lên khói ấm.

Cứ tha hồ rong duổi tâm hồn theo cánh buồm xa, nhưng đừng bỏ quên những điều êm đẹp đang gần gũi bên cạnh mình. Hãy gọi nó là hạnh phúc rồi chính đó là hạnh phúc. Tôi đã phải phí bỏ hết cả một thời tuổi trẻ của tôi, lăn lóc quay cuồng mệt nhọc giữa đời, đốt cháy biết bao nhiêu ngày tháng và hao mòn biết bao tim óc, mới khám phá ra điều đó. Quá muộn với tôi nhưng còn kịp đối với em.

Em có biết kẻ giang hồ bạt mạng nhất mơ ước gì không? Rồi hắn cũng sẽ mơ về một mái ấm, thèm được nằm trong một ổ rơm, hay dưới một mái hiên trong khi bên ngoài trời giông bão. Tôi đã qua những trạm, ga, những chặng đường lữ thứ, những quán trọ bên đường có vẻ đẹp rất man dại, những nơi chốn thật xa lạ trên cao nguyên, ven biển hay đồng bằng mà tôi chỉ dừng chân trong khoảnh khắc để xôn xao trong lòng cái cảm giác thích thú lạ lùng. Giờ em có biết tôi mơ ước gì không? Tôi thèm được ngồi im lặng trong góc tối xó xỉnh dưới một mái nhà, lắng nghe tiếng củi nổ lốp bốp trong lò sưởi và thầm mong trời đêm nay cứ đổ mưa lớn thêm nữa để tôi được cuộn mình trong chăn như con sâu cuốn chiếu.

Thế mà đâu dễ dàng có được điều tầm thường đó em. Gió đã thổi lên và đời sống đã mở máy chạy ào ào, tôi trót bị cuốn hút như chiếc lá me non trong cơn gió lớn, tôi chẳng dừng chân được nữa.

Nên bây giờ tôi ao ước em hãy khoan bay bổng biền biệt trong vòm trời,

[H]UY! vespa nói...

Thư về đường Sơn Cúc (5)




Ðêm giao thừa, ngày mồng một...

Sao mà tôi sợ những cái chữ đó quá. Mấy năm nay cứ tới những ngày năm cùng tháng tận, tôi xót xa đến lặng người. Ngày Tết linh thiêng tưng bừng đó, tôi có biết gì đâu. Cứ mỗi năm thấy chợ búa phố phường rộn rịp ngập người, rồi một sớm mai nào đó nhìn những tà áo mới sặc sỡ khoe màu trước ngõ, mới bàng hoàng biết là mình vừa lớn thêm một tuổi.

Nhưng năm nay, tôi quyết không sợ mùa xuân sắp đến nữa. Thiên hạ cứ tung tăng nhởn nhơ bên nhau đi, cũng chẳng làm tôi thấy lẻ loi đâu. Vì tôi đã CÓ em rồi.

Giờ đây, những trang giấy đầy chữ viết nghịch ngợm nhảy múa của em trước mặt tôi, chữ nối tiếp với chữ, lời nối tiếp với lời, đã thổi bùng lên hơi ấm nồng nàn của một người dầu đang ở nơi xa, nhưng tâm hồn đã thật gần, đã thật chan hòa đậm đà trong tôi rồi...

Em cứ yên trí mà hưởng một cái Tết linh đình với gia đình thân yêu như thường lệ. Ở đây, tôi cũng ăn Tết một cách linh đình không kém gì em đâu. Bằng những lá thư của em, một cái Tết thịnh soạn cho tôi đang bày cỗ. Chữ mực xanh đang may màu áo mới, lời nở những bông mai vàng rạng rỡ, ý tình châm đốt tiếng pháo xuân rộn ràng.

Em thấy đó, tôi cũng ăn một cái Tết huy hoàng đấy chứ, còn sớm hơn tất cả mọi người nữa đó.

Dầu những câu thơ tựa ý Quỳnh Dao của em vừa gửi đến cho tôi thật hay, thật "phù du ảo ảo":

Chỉ đến một lần như mơ tiên
Này người là hoa hay là sương?
Nửa khuya thoáng hiện bình minh biến
Níu mây trời hỏi một làn hương.

Nhưng tôi vẫn tin rằng sợi tơ trời nối kết giữa chúng ta, cho dù nó mỏng manh đến đâu nhưng chắc chắn không phải là một cái gì "thoáng hiện" rồi biến, mà là vĩnh cửu đời đời, tơ chùng nhưng không đứt. Em cũng đừng giận hờn gì tôi đến nỗi một ngày nào biến mất đi, để cho tôi chới với một mình giữa thế giới buồn bã lạnh lùng này, níu mây trời thì không tới và có biết ngôn ngữ của trời đâu mà hỏi thăm.

Và tôi cũng chẳng thắc mắc em là hương hay là hoa gì đâu. Em là em, là Người mới vui chứ.

TÁI BÚT:

Bạn Nhỏ,

Năm mới, cho tôi hôn em, ở nơi trán.

MinhTam . nói...

Bài nào của anh Huy post lên cũng rất là công phu, kỷ lưởng. Cảm ơn nhiều.

P @ n d a nói...

rất thích những truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn

[H]UY! vespa nói...

@dinhlevu: dạ, em nghĩ là trừ khi không/ chưa đọc văn của HNT chứ nếu đã vô tình đọc rồi thì ai cũng mê:)

P @ n d a nói...

thích nhất là Lời cầu hôn, Hôn lễ, Ở một nơi ai cũng quen nhau, Đừng đến sân ga... :))

[H]UY! vespa nói...

Dạ, vậy anh đọc quyển TÔI & EM chưa anh?:)

P @ n d a nói...

Ngày xưa, Em và tôi được đăng nhiều kỳ trên Tuổi Ngọc. Sau này lớn lên, muốn đọc thì không kiếm đâu ra báo để đọc nữa :((

[H]UY! vespa nói...

trên mạng vẫn có mà anh, còn ở đây em scan cũng gần trọn bộ!
http://huyvespa.multiply.com/journal/item/731/731
enjoy anh!