Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

...ngày vui qua mau...

Huy, 

Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được đôi mắt ước lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon. 

Viết những dòng chữ này vào năm đúng 22 tuổi bây giờ có lẽ tôi lạnh lùng hơn, không còn ai khóc khả dĩ làm tôi rung động như thuở 22 tuổi. 

Thương xót, đau khổ với, Mitleiden, tôi phải tiêu diệt tất cả mọi đau khổ với. Sự cám dỗ cuối cùng của Zarathustra là “đau khổ với” hay nói khác đi, “lòng thương hại, thương xót, trắc ẩn”. Chữ Pháp “pitié” không thể diễn tả được ý nghĩa của chữ Đức “Mitleid”. 

Hình ảnh đau buồn lặng lẽ ấy đã ám ảnh tôi suốt những đêm dài âm u ở vùng biển xanh. 

Tôi vẫn không quên được một tối cùng ngồi với Huy nơi một quán rượu bên bờ sông Saigon. Đêm ấy, trời làm mưa, trời làm gió… Mưa phủ kín hết những chiếc tàu. Mưa phủ kín hết những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ. Tôi nhìn những chiếc lá ướt mưa, tôi nhìn lên đôi mắt của Huy và tôi thấy đôi mắt đó thật xa xăm, thật y buồn… Trong đêm tối, tôt chợt nghe rõ âm vang đâu đó, giọng hát ru khuya của những nàng ca sĩ yếu gầy. Rồi tôi thấy những con đường Sài Gòn phủ đầy lá vàng. Rồi tôi thấy tuổi trẻ chạy trốn, và những con sông chảy âm thầm về biển… 

Tôi đã từ bỏ sông Sài Gòn để trở về biển, tôi về đây, sống biệt lập trên một đồi cao. Những đêm khuya nằm nghe gió đìu hiu và tiếng sóng vỗ xa, tôi bỗng nhớ lại những ngày vui của chúng mình ở Sài Gòn. 

Ôi! Những ngày vui ấy qua mau quá. Qua mau như khói thuốc. Qua mau như nắng quái chiều hôm. Qua mau như tuổi trẻ chúng mình. Và tất cả chỉ còn là kỷ niệm sẽ làm ta đau khổ. Nước mắt sẽ tuôn chảy và tuổi trẻ gục mặt buồn… 


Tuổi trẻ gục mặt buồn như bức tượng gục đầu của Rodin. Kiên nhẫn, kiên nhẫn âm u. Tuổi trẻ Rilke gặp Rodin và hỏi: “Phải sống như thế nào?”. Rodin trả lời: “Làm việc”. Không phải làm việc như tên nô lệ, mà phải làm việc với tiếng hát của con chim hoạ mi. 

Có thể người ta sẽ bảo chúng mình là những kẻ sướt mướt. Những kẻ chạy trốn, những kẻ thua cuộc và đầu hàng trước cuộc đời. Và chúng ta chỉ biết trả lời bằng nụ cười câm lặng, hay một tia nhìn chứa chan. Rồi chúng ta lạy trời cho mưa rơi thật nhiều. Ừ, mưa rơi đi, rơi nữa đi! Mưa hãy rơi thật nhiều vì trần gian này khô cạn quá rồi. Đất đã cằn, và lòng người đã biến thành sỏi đá… 

Thực ra tiếng hát đã ngừng lại trong tim chúng ta, phải không Huy? Đôi mắt bất động. Tuổi trẻ đã quên hát. Tuổi trẻ đã câm. Bởi vì chúng ta đã già trước tuổi… Tôi tưởng tượng những người phu ca hát trên một bến tàu. Tôi hình dung những trẻ nhỏ nô đùa bên xóm vắng. Tôi mường tượng tiếng chim hót ban mai. Và thấy đó là những hình ảnh tốt đẹp cuối cùng của cuộc đời… 

Những tối sống thê lê ở Sài Gòn, chúng mình đã đi lang thang trên những phố buồn, để rồi cuối cùng, tụ về những hộp đêm, gục đầu nghe tiếng hát bên ngoài gục đầu đón tiếng hát bên ngoài, vì chúng mình đã mất hết tiếng hát bên trong, và chim non đã thôi hót trong lòng tuổi trẻ. 

Một tối, giữa tiếng hát não nùng của một nàng ca sĩ bơ vơ, Huy đã than thở cùng tôi : “Rồi đây, đời mình sẽ đi đến đâu?” 

“Ai đến đâu? Đi về đâu?”. Hình như Napoléon đã nói một câu đại loại: “Kẻ đi xa nhất là kẻ không biết mình đi đâu.” 

“Một ngày kia sẽ chết tàn lụi trong một xó xỉnh nào đó, không ai hay biết…” Tôi ngậm ngùi trước lời than thở của Huy và chỉ biết nắm tay Huy mỉm cười; bởi vì, đối với tôi, lúc nào tôi cũng chỉ mong mình sẽ không đi đến đâu cả, và suốt đời, tôi chỉ mong được chết trong một xó xỉnh nào đó, và chẳng cần ai hay biết hết. Cả đời tôi, tôi chỉ mong được như vậy. 

Người ta sống, đều cần phải đi về một nơi nhất định. Riêng tôi, thì chẳng cần về đâu cả. Và tôi mong Huy sẽ có ý muốn như tôi. 

Lúc nào tôi chết, tôi chỉ muốn được người ta vùi thây tôi xuống bùn, và tôi muốn mọi người sẽ quên tôi đi, như quên một con chó lạc đường. Chí có thế thôi… Huy ạ… 

“Con chó lạc đường, con chó lạc chủ” 

Khổng Tử tự nói rằng mình giống “con chó mất chủ”. Năm 22 tuổi, kẻ thù không đội trời chung của tôi là Khổng Tử. Bây giờ gần ba mươi tuổi, tôi mới thấy thấm thía rằng Khổng Tử đáng là ông cố ngoại của tôi. 

Nhớ Huy, tôi nhớ đến đôi mắt xa xôi của Huy. Tôi nhớ đến những viên thuốc ngủ của Huy và tôi nhớ đến những đêm Huy ngồi nhìn mông lung xuống dòng sông. Lần sau gặp lại Huy, tôi cũng nghe Huy than thở như những lần trước. 

Trước kia, tôi thường nghĩ như Huy. Nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ thế nữa. Tôi không còn than thở. Tôi không còn đau khổ. Bây giờ tôi là kẻ sung sướng nhất trần gian. Tôi cười cả khi tôi đang ngủ. Tôi không còn tiếc thương dĩ vãng. Con người hạnh phúc nhất là con người tuyệt vọng. 

Tuyệt vọng và hy vọng như hai quả cân, đi lên và đi xuống. Tất cả sự đi lên đều là “anh hùng rơm”. Dám đi xuống, xuống, xuống tận đáy. Hố thẳm. 

Tôi là con người ấy. Bởi vì Huy còn hy vọng, nên Huy còn đau khổ. Trái lại, tôi hết hy vọng, nên tôi mới sung sướng. Còn hy vọng, nghĩa là còn nghĩ đến ngày mai, nghĩa là đã quên ngày hôm nay. Huy đau khổ vì Huy đã quên ngày hôm nay, vì Huy đã trông chờ ngày mai. Mà ngày mai sẽ không bao giờ đến, vì ngày mai cũng sẽ chỉ là ngày hôm nay... 

“Ôi những ngày vui qua mau!’’, Huy thường nói với bạn bè như vậy. Huy đã buồn khổ vì những ngày vui trôi đi nhanh quá. Tôi lại khác Huy, tôi hoàn toàn sung sướng khi thấy những ngày vui bỏ đi quá mau. Tôi ngược hẳn Huy. Đối với tôi, những ngày vui qua càng mau thì tôi càng sung sướng. Tôi rất yêu những đoá hoa chóng tàn. Hoa càng mau tàn thì lại càng đẹp. Tôi rất ghét những bông hoa nở lâu. Lạy trời cho những ngày vui qua thật mau. Cho tuổi trẻ chóng tàn và cho những người con gái chết lúc hãy còn xuân đẹp... 

Hiện nay, mỗi ngày, tôi đều sống với sự chết trên đôi mắt tôi. Tôi yêu sự chết. Tôi đã “làm ái tình’’ với cái chết. Chính sự chết đã làm cuộc đời trở nên đẹp. Đẹp như một đoá phù dung chóng tàn. 

Vì tôi yêu sự chết, nên tôi yêu cuộc đời đến độ ngây ngất. Tình yêu ấy chính là Ý thức mới thoát hiện lên từ cơn tuyệt vọng cùng cực của con người. Tôi đã từng nói với Huy rằng chính Charlot là một thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, vĩ đại hơn Shakespeare, vĩ đại hơn tất cả những văn hào, triết gia cao siêu ở thế giới. Đối với tôi, Charlot vĩ đại nhất, vì Charlot đã làm tôi cười tất mọi sự bi đát ở đời! 

Khỉ có cười không? Nếu tất cả mọi người đều cười hết thì thế giới trở thành chuồng khỉ lớn rộng

Ừ, tôi đang cười. Và tôi muốn mọi người cùng cười với tôi. 

Người được tôi viết bức thư này bây giờ không còn là bạn tôi nữa. Hắn đối đãi với tôi rất tốt, rất cao thượng, rất độ lượng và bao dung. Nhưng vẫn có cái gì trong hắn đã khiến tôi cảm thấy hàon toàn xa lạ với hắn. Cách đây vài tháng, tôi và hắn được dịp gặp nhau lần cuối cùng để chia tay nhau vĩnh viễn. Hắn mong rằng tôi hiểu lòng hắn, một tấm lòng cao thượng. Nhưng tôi không chịu hiểu và không đủ khả năng để hiểu. Có thể đối với hắn, tôi là thằng mọi rợ, bạc tình, ích kỷ. Nhưng tôi có thể là gì nữa, khi chỉ còn sự lạnh lùng là ngôn ngữ cuối cùng của con đường ngược lối? Tôi chúc hắn hạnh phúc và xin bắt tay lại trong hình ảnh xưa. Vĩnh biệt. 

Ừ, những ngày vui qua mau! Hãy cười đi, Huy! Hãy vui lên đi, Huy! vì những ngày vui qua mau! Cuộc đời qua mau! Và rồi đây, chúng mình sẽ chết âm thầm không cần ai hay biết... 

PHẠM CÔNG THIỆN 



...ngày vui quá ngắn, cuộc đời chẳng dài..

5 nhận xét:

..Gió Heo May nói...

Chị đã từng đọc những lời này trong một trang đã từng search trên google vào ngày nghe tin PCT mất . Ông là một hiện tượng ngày chị còn trẻ ..trước cả khi chị kịp lớn !

[H]UY! vespa nói...

em rất khâm phục, thán phục và ngỡ ngàng khi PCT viết cuốn này vào những năm ông mới chỉ 19 tuổi:(

..Gió Heo May nói...

Một thiên tài đấy H.. Nếu em tìm hiểu thêm về PCT em sẽ còn nhiều điều ngạc nhiên hơn nữa.
Đọc những tác phẩm sau này mới thấy PCT có nhiều thay đổi so với thời "khi người ta trẻ"

MinhTam . nói...

Y như là một là thư riêng viết cho a. Huy !

[H]UY! vespa nói...

haha, lần đầu đọc a cũng thấy weird...nhưng anh đâu có buồn quá vậy em??? trong mắt em anh buồn đến vậy à:))