Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Trong cơn yêu dấu...(tập thơ Hoàng Trúc Ly)

Phạm Công Thiện viết: "Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại". Đặng Tiến nhận định: "Hoàng Trúc Ly là một nghệ sĩ khéo lựa tiếng đàn. Trong thi phẩm từ ngữ luôn luôn tạo thành một hòa âm tinh tế. Thường những bài lục bát của Hoàng chỉ có bốn câu, nhưng bốn câu ấy tựa vào những âm vọng, âm hưởng hòa hợp lẫn nhau để tạo thành một sinh khí, một cơ thể, một năng lực.

Nghệ thuật diễn tả của Hoàng Trúc Ly đạt đến độ tài tình. Hoàng Trúc Ly phả hơi thở mới vào các hình thức đã già nua. Hoặc bằng nhạc điệu, hoặc bằng từ vựng, Hoàng Trúc Ly chứng tỏ rằng thi ca Việt Nam vẫn còn những kho tàng chưa khám phá..."

Nhận xét về con người Hoàng Trúc Ly trong đời sống, Phan Bá Thụy Dương viết:  "Hoàng Trúc Ly tính tình hiền hòa, ít nói, trầm lặng. Anh có rất nhiều bạn rượu, bản thân anh uống rượu cũng rất cừ. Anh thích đi bộ lang thang dưới bóng chiều tà, tiện đường thì ghé lại ngủ nhà bạn. Có thể nói HTL là thi sĩ lang thang".

Hoàng Trúc Ly qua đời ngày 23 tháng 12 năm 1983 trong một tai nạn xe cộ trên đường Phan Thanh Giản.



http://www.mediafire.com/view/?5j1lphho78pb4sy

Nhiều người chỉ biết Hoàng Trúc Ly qua những bài thơ đăng trên các báo, các tạp chí từ 1955 và về sau là thi tập duy nhất của anh: “Trong Cơn Yêu Dấu”. Tác phẩm thi ca này do nhà xuất bản Việt Dương trên đường Lê Lợi ấn hành năm 1963, bìa của họa sĩ Trịnh Cung.  Cuốn sách này còn khiêm nhường hơn nhiều so với số trang trong tập thơ “Bi Ca” của Hoài Thương - người phụ trách trang thơ và biên tập viên thường trực cho bán nguyệt san Thời Nay - phát hành vào cuối năm 1962.  Việt Hương chỉ vỏn vẹn có 38 trang với 22 bài thơ in trên khổ giấy lớn 21x25.

 

Còn về sách, theo tôi, chỉ riêng trong năm 1967 anh đã cho ấn hành - ít nhất, 2 tác phẩm văn là “Tiếng Hát Lang Thang” và “Huyền Sử Một Kiếp Hoa”.  Ở hải ngoại tôi còn biết một tác phẩm khác của anh là cuốn “Trạng Quỳnh” cũng đã được một nhà xuất bản ở Houston - TX in lại vào năm 1984.  Chưa kể những tập truyện cổ tich, truyền kỳ, sách thiếu nhi... hấp dẫn, luôn lôi cuốn độc giả, do các ông chủ nhà in người Tàu cho phát hành từng kỳ, hàng tuần từ đầu thập niên 60.

 

Đó là giai đoạn các loại truyện định kỳ này được phát hành rộng rãi, bán với giá rẻ, nên rất ăn khách. Nhất là những truyện của Nghiêm Lệ Quân, Người Khăn Trắng, Sa Giang TTK,  Anh Thuần tức Hoàng Long ... Chỉ riêng truyện Lời Thề Trong Đền Rắn và Ma Hời của anh Anh Thuần cùng các truyện võ hiệp Tây Sơn Nhạn của Sa Giang Trần Tuấn Kiệt cũng đã được một ông chủ người Hoa tại đường Phan Đình Phùng, gần trường Aurore cho tái bản mấy lần trong 2 năm 67-68. Sách các thể loại bình dân này thường được bán đứt. Người viết lấy tiền một lần, nên các ông “xì thẩu” kia tha hồ in đi in lại mà các tác giả không vì thế được chia hưởng thêm tiền tác quyền cho mỗi kỳ tái bản.

 

Cũng như Trần Tuấn Kiệt, sách của HTL viết xong cũng thường giao cho ông Khai Trí, bởi vì ông này là mạnh thường quân chính của 2 người.  Không phải vị chủ nhà sách lớn này luôn luôn cho in ấn các tác phẩm của 2 anh, mà vì thấy họ luôn thiếu thốn nên ông tìm cách trợ giúp, ngay dù cả khi họ “ham vui” quên cả việc sáng tác, nhất là HTL.  Bởi từ đầu thập niên 60, ngoài việc thích rượu, vướng lụy tình, anh còn vướng lụy “tiên nâu”, nghĩa là dấn thân vào trò “hít-tô-phe” tức nằm bên bàn đèn “hít cho phẻ” với ông Ngọc Tú - tức nhà văn Ngọc Thứ Lang, người dịch cuốn "Bố Già" rất nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ thời bấy giờ.

 

Hoàng Trúc Ly tên thật là Đinh Đắc Nghĩa, sinh năm 1933 tại Đà Nẵng, nguyên quán Bình Định.  Sau khi đậu bằng tú tài toàn Pháp [Baccaleauréat complet] anh đã ghi danh vào trường Luật, nhưng chẳng được bao lâu thì bỏ học vì không khí chật hẹp, nóng bức, chẳng thoải mái của các giảng đường.  Anh là người trầm lặng, hiền hòa, ít thố lộ về cuộc đời riêng tư của mình và gia đình.  Nhưng khi gặp bằng hữu thân thiết thì anh cười, mừng ra mặt, ánh mắt sáng ngời. Theo tôi, có thể bởi vì anh thường sống cô độc, trầm tư một mình, nên đôi lúc sợ cô đơn, cần có bạn bè để hàn huyên cho vơi bớt khỏang trống trong tâm hồn.  Gặp gỡ, chung vui xong thì anh lại trở về với sự trầm mặc, tịch liêu cố hữu của mình.

 

Dù ở với thân phụ anh là cụ Đinh Thúc Kiện trong khu Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến - nằm trên đường Cống Quỳnh, hay sau này anh thuê gác trọ bên đường Nguyễn Cư Trinh, HTL vẫn hay một mình đi bộ lang thang dưới bóng chiều tà, rồi tiện đường thì ghé ngủ đêm với bạn bè.  Anh là người giao du rộng rãi, quen biết gần như hầu hết các văn nghệ sĩ, lại được họ quí mến bởi tánh hiền lành, chân thật của anh, vì vậy ai cũng sẵn sàng vui vẻ tiếp đón. Chẳng hạn như nhà Hoài Điệp Tử ở khu Bùi Viện, nhà anh Phượng Hải ở khu Lò Gốm – Bình Tiên, Hồ Thành Đức ở Phan Thanh Giảng, Trần Tuấn Kiệt ở đường Phan Đình Phùng... và thỉnh thoảng ngủ lại nhà tôi khi quá chén. Những lần như vậy thì sáng tinh sương anh đã bỏ đi trong khi tôi còn đang ngon giấc.

 

Kế đình Phú Thạnh không xa, gần căn gác trọ của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, có ông giáo tên Tư người Long An. Ông là tay ngâm rượu thuốc, rượu mít nướng nổi tiếng – mà cả HTL và Kiệt đều cho rằng rượu của ông giáo này rất thơm ngon, tuyệt hảo. Do đó mỗi dịp có mặt anh Anh Thuần hay tôi ở nhà là 2 anh tha hồ uống. Anh Việt Thu, hai anh Phạm Lê Phan và Tường Linh cũng thích và khen 2 loại “nước mắt quê hương” đặc sắc này. Cứ mỗi lần anh Linh và anh Phạm Kiệm tức kịch tác gia PLP rủ tôi đi câu ở ven đô là họ luôn nhắc tôi mang theo vài xị cả lít cho các anh “giải lao”.

 

Tôi thì chịu, không dám thử, vì ngửi qua cũng biết độ rượu rất cao, cay nồng. Bởi vậy khi phải đối tửu, thì các anh ấy khề khà cạn sạch 3, 4 chung, tôi cũng chưa nốc xong ly 33 của mình. Tôi còn một điều dở nữa là rất kỵ mấy món “mộc tồn” hay “nai đồng quê”, thịt rùa, rắn, tiết canh, trong khi các anh coi là các món nhấm khoái khẩu, hàng cao cấp. Vì sự nhát gan, e dè ấy nên anh Phạm Lê Phan - người lớn tuổi nhất trong đám, thường mắng đùa: “Chơi với cậu chán bỏ mẹ. Đi câu thì bị cá chê mồi, uống với nhau thì cậu sợ món này, món nọ, chẳng được cái tích sự gì cả. Người ngơm gì mà khuyên bảo, dạy dỗ hoài cũng không biết phục thiện.”

 

Tửu lượng của tôi thuộc hạng rất tồi, nên thường bị thân hữu liệt vào hàng “lục lục thường tài”. Trong khi những bạn thơ, văn khác của HTL đều là các tay hủ chìm, hủ nổi mà tôi chẳng mấy khi dám gặp, đụng độ.  Tôi sợ cái kiểu uống liên tu bất tận của nhiều vị kiện tướng trong số các tay văn nghệ sĩ này.  Chẳng hạn như: Trần Tuấn Kiệt, Phan Yến Linh, Hoài Điệp Tử, Nguyễn Thụy Long, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn, Dương Trữ La [Tâm Đạm], Khánh Giang, Phượng Hải, Anh Thuần, Anh Hợp, Thầy Khóa Tư, Tạ K‎ý‎, Hoàng Anh Tuấn, Hải Phương, Tô Kiều Phương, Hoàng Thắng, Nguyễn Thu Minh, Anh Việt Thu, Thiên Hà, Lâm Tường Dũ, Hải Bằng, Phương Triều...

 

Vả lại, trước năm 71 tôi còn bận quân vụ, lại chỉ là kẻ viết lách tài tử, làm báo trang trong tùy hứng, bằng nghề tay trái. Khác hẳn với đa số các anh kể trên là dân viết lách, sáng tác chuyên nghiệp. Bởi vậy, tôi chẳng mấy khi dám góp mặt trong các cuộc vui đông người.  Năm 72, sau khi tôi được chuyển về bộ Tài chánh không lâu, thừa dịp chính phủ ra nghị định bắt buộc quân nhân, công chức.  nếu ai muốn tiếp tục hành nghề báo chí thì phải xin phép, tôi ngưng luôn.  Dù lệnh này theo tôi biết chỉ mang tính chất tượng trưng, chẳng có mấy người tuân thủ, chấp hành và về sau thì cũng bị hủy bỏ.  Từ đó tôi ít gặp lại anh em vì sợ sẽ bị bị rủ rê trở lại trò chơi văn nghệ mà tôi đã hết hứng thú. Ngay cả với các anh Hoàng Trúc Ly, Tường Linh, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, TTK, Phạm Lê Phan, Anh Việt Thu là những người tôi rất thân kính.

 

HTL tuy ít nói nhưng tính dễ chịu, thường hay kể chuyện vui, tích lạ, nên 2 đứa con tôi và cháu gái giúp việc cho gia đình rất thích.  Mỗi lần bác Hoàng tới nhà là các cháu gái mừng rỡ, lo phục dịch bia, cà phê chu đáo, ngay cả những lúc tôi vắng nhà. Cũng có khi anh đi, biền biệt vài ba tháng, chẳng thấy trở lại thăm viếng.  Nhớ anh, tôi chỉ cần chạy đến quán café Năm Dưởng nằm gần bên góc Nguyễn Thiện Thuật - Hồng Thập Tự, kề cận nhà Tam Ích tiên sinh là có thể gặp anh.  Còn không thì cứ đến các quán cóc bên lề dọc theo các đường Gia Long, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh hoặc khu chợ Đũi... Đó là những địa điểm anh thường đến chung vui cùng thân hữu, nếu anh không bận đi chơi xa. Anh là một lãng tử, sống độc thân, độc hành, giản dị, nên khi có anh em nào rủ đi là tùy tiện đi, bất kể là đi miền Đông, miền Tây hay miền Trung. 

 

Buổi trưa khi cảm thấy trống vắng, anh thường vào nằm nghỉ trên ghế đá trong công viên Tao Đàn - góc đường Lê Văn Duyệt và Hồng Thập Tự.  Trần Tuấn Kiệt, Anh Thuần cho biết HTL ngoài viêc viết sách, đôi khi còn làm việc bán thời gian cho Câu Lạc Bộ Cercle - tức sân quần vợt trên đường Hồng Thập Tự, nằm sát bên công viên Tao Đàn này và sau lưng dinh Độc lập.  Anh chẳng đề cập đến, nên tôi cũng chẳng hỏi.

 

 

Hoàng Trúc Ly qua đời ngày 23 tháng 12 năm 1983 [nhằm ngày 20 tháng 11 âm lịch] tại Sàigòn vì một người lái xe bất cẩn đụng phải khi anh băng qua đường.

 

Mặc dù giao du thân thiết với HTL nhiều năm, tôi chỉ vừa được biết tên thân mẫu anh là bà Đào Tiểu Tố - bút hiệu Như Cúc. Bà là cháu nội của vị danh sĩ Đào Tấn [1845-1907], Bà được sinh ra tại Bình Định năm 1910 và hiện sống tại SG.  Dưới đây là bài thơ bà Đào đã làm để thương khóc con:

 

NGÀY GIỖ CON

(Đắc Nghĩa Hoàng Trúc Ly)

Gió bạt mưa ngàn con ở đâu - Nắng hanh ngọn cỏ chắc con sầu
Con ơi! mẹ nhớ ngày sum hiệp - Dáng trẻ thân gầy áo sổ bâu.
Đắc Nghĩa con ơi đã mất rồi - Ớ tình ớ cảnh ớ con ơi
Trở trời trái nắng ai săn sóc - Trẻ dại con đành bỏ mẹ thôi.
Mồ con giờ mẹ đã xây rồi - Thôi thì con ráng ngủ đi thôi
Ngàn thu vĩnh biệt con xa mẹ - Tóc bạc da mồi đã vắng con.

[ĐTT]

 

Em gái anh là cô Đinh Thị Xuân Hương tức nhà thơ Đinh Hương vừa qua đã gom góp thơ anh để xuất bản ở SG, mà tên sách nghe thật lạ lùng: “Người Lớn Từ Biệt Trẻ Con”. Trong thi tập mới này có một số thơ mà người xuất bản cho rằng đó là các tác phẩm của HTL chưa từng phổ biến. Tôi đọc qua vài bài và nhận thấy không giống phong vị, phong thi của anh bao nhiêu, nên không muốn đề cập đến ở đây.

 

Quanh HTL có nhiều huyền thoại về cuộc sống của anh và những nhân vật nữ trong các bài thơ của anh, nhất là nhân vật Hoàng Lan mà anh ví von là “hoa của trăm hoa”:

 

◘ HOÀNG LAN

 

Có phải vì em đang gỡ tóc - Cho mây từng sợi rối chân chim -

Có phải hoa bay đầy cánh bướm - Vì em thay áo mái tây hiên

Ôi mới hôm nào như hôm qua - Tay ai bùa phép nắm đôi ta  -

Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa - Cho tuyết đầu non chảy máu ra

Ôi mới hôm nào như hôm kia - Con đường chở nặng những đêm khuya - Cho nên bóng tối bay thành khói - Ánh mắt mờ sương lạc lối về

Ôi có hôm nào là hôm nay - Anh ghen vì gió đã choàng vai - Em đi như vẽ trên đường nắng - Em nói như đàn trong miệng ai

Anh là dòng sông mơ chín suối - Em là mặt trăng thèm mặt trời -

Cách trở bốn mùa vây trái đất - Còn nghe đau xót thuở nào nguôi?

 

Họa sĩ Hồ Thành Đức cho biết, anh đã từng đi cùng HTL đến nhà cô nữ sinh này. Cô sống tại Gò Vấp và đặc biệt là có mái tóc rất dài óng ả, mượt mà, nhưng nhan sắc thì chỉ “thường thường bậc trung”. Đến đó, họ Hoàng không vào hay gõ cửa mà chỉ đứng lặng lẽ ngoài đường nhìn vào, rồi ung dung bỏ đi. Còn một giai thoại khác mà nhiều người thường nhắc nhở đến, sau khi 2 bài thơ lục bát tuyệt hảo dưới đây ra đời:

 

◘ CA SĨ 1

 

Từ em tiếng hát lên trời - Tay xoa dòng tóc, tay vời âm thanh -

Giọt buồn chẻ xuống hồn anh - Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau

 

Trời em tiếng hát lên từ - Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay

Áo dài lùa nắng vào mây - Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương.

 

 

Hai bài thơ lục bát ngắn này nhiều người cho là HTL viết tặng nữ ca sĩ Thanh Thúy. Từ đó về sau, giới báo chí, văn nghệ đã đặt cho giọng ca Thanh Thuý nào là “tiếng hát liêu trai”, “tiếng hát khói sương”. Dường như danh hiệu đầu tiên là do thi lão KG Hà Huy Hà phong tặng, cũng như anh đã gọi nữ ca sĩ Phương Dung là “con nhạn trắng Gò Công”.  Bên cạnh “tiếng hát lên trời” của HTL còn có “tiếng hát lúc không giờ” là danh hiệu mà nhà văn Mai Thảo đã tặng cho cô ca sĩ có giọng ca liêu trai, quyến rũ này. Lúc cô này còn ở trong một căn nhà nhỏ tại phường Bình Hưng, thị xã Phan Thiết và chưa nổi danh thì tôi. Lê Mịnh Ngọc, Trần Thiện Thanh thỉnh thoảng xách đờn, sáo đến nhà cô để dợt cho cô tập hát. Thường xuyên nhất phải kể là LMN người học cùng lớp với tôi tại trường trung học công lập Phan Bội Châu.

 

Nhưng cũng có người cho bài CS1 là anh viết về nữ ca sĩ Thái Thanh. Tôi và Trần Tuấn Kiệt đã yêu cầu anh xác nhận, nhưng HTL chỉ mỉm cười, nhỏ nhẹ đáp: “thơ moa làm xong ai muốn nhận là moa viết tặng riêng cho họ thì cũng chẳng sao, càng tốt.” Còn anh Anh Thuần thì cho rằng 2 bài thơ trên HTL viết tặng một nữ danh ca khác mà tôi không tiện nêu tên. Cô này là vợ của một nhạc sĩ nổi danh. Vợ chồng họ là chủ một nhà sách và nhà chuyên xuất bản nhạc lớn, nằm gần đầu đường Trần Hưng Đạo quận 1 mà anh AT chơi rất thân với cả 3 người trong cuộc.

 

Còn một bài nhị thập bát tú khác mà có người cho là CA SĨ 2:

 

mùa Xuân còn gì thưa em – sáu giây rét mướt chưa mềm trăng khơi -

cô đơn đỉnh núi gần trời – nghiêng vai xin khoác nụ cười áo xanh.

 

Tôi đồng ý với quan điểm của TTK  để cho rằng bài này vốn mang tựa “Nghĩ Về Tỳ Bà Hành”. Thiển ng ĩ, những dòng thơ trên diễn tả về một nhạc khí cổ thì đúng hơn là nói về dung nhan của một nàng ca sĩ. Nhưng cũng không biết chừng chính anh HTL tự sửa lại tên bài thơ. Bởi nhiều tác giả cũng hay làm điều này sau khi thơ mình phổ biến một thời gian. Nhuận sắc, thay thế một số chữ, vài câu trong bài thơ là chuyện thường thấy, do đó ngay một bài thơ đôi khi chúng ta thấy có đến mấy dị bản.

 

Thơ HTL có nhiều bài đầy chất sáng tạo, mới mẻ, mang sắc thái tuyệt mỹ, xuất thần với những thi ngữ hay mỹ từ pháp, thi ảnh tinh khôi, sống động. Thơ anh nhiều nhạc tính, âm vận uyển chuyển, dễ rung cảm. Thơ HTL còn chan chứa chất lãng mạn trữ tình và tiềm tàng ‎‎‎ý niệm hoài nghi ray rức, đôi khi ẩn lộ, chan hòa nét phóng đãng, an nhiên:

 

◘ HÀNH TRÌNH 

 

1.                 
tôi nay đi giữa hoang đường - niềm đau thân thể tủi buồn hai vai -

giật mình nước mắt tương lai - ngày qua và tiếng thở dài xuống thu

 

2.                    

toa xe cửa khép khung trời - người đi môi đỏ run lời tiễn đưa -

tóc dài xõa mộng ngày xưa - vết thương kỷ niệm bây giờ lại đau


3.
khuya đi dù biết về đâu? - nghiêng vai còn mãi tiếng sầu vọng âm -

đường xưa trải nhớ nhung thầm - ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời


4.
qua đây từng giọt buồn phiền - mắt em cổ thụ thâm xuyên gọi mời -

bãi hoang cồn dựng bể khơi - xuôi tay xin gởi miệng cười mộng du


5.
tôi ơi tôi mãi tôi còn - trái tim bé nhỏ nỗi buồn chung thân –

nhớ gì vết cỏ bàn chân - lối đi thơ dại đêm gần tịch liêu.

 

Nhà thơ Phạm Công Thiện đã từng phát biểu: "Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh. Mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh vật. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại".

 

Lời nhận định trên quả đã diển tả trọn vẹn về thiên tài thi ca của nhà thơ lỗi lạc họ Hoàng tức Đinh Đắc Nghĩa này.

 

●●●

 

 

● bìa Trong cơn yêu dấu do Trịnh Cung vẽ

 

Trong Cơn Yêu Dấu của anh được ấn hành năm 63 và ra mắt sách tại quán Xinh Xinh trên đường Phan Đình Phùng. Vì chỉ tổ chức trong vòng thân hữu nên chẳng có bao nhiêu người được mời tham dự. Theo Hải Phương, người bạn thơ thâm giao của HTL, thì buổi ra mắt sách này đã được tài trợ bởi một nữ thương gia cư ngụ tại Phan Thiết. Vị nữ nhân này vốn là người quen thân với thi sĩ Bích Khê và là người rất ái mộ thơ HTL.

 

Khi đề cập đến TCYD, học giả Tam Ích - một trong những người sớm phát hiện tài năng của anh, đã nói: “Hoàng Trúc Ly đã và đang làm mọi người ngạc nhiên ít nhất là một lần nữa về thiên tài của mình.”

 

Giờ đây, nhờ mẹ và em gái anh, chúng ta có thể xác định được ngày sinh với tử của anh một cách rõ ràng: Hoàng Trúc Ly sinh ngày 14 tháng 4 năm 1933 và qua đời 2 ngày trước lễ Giáng sinh năm 1983 như đã viết ở trên, chứ không phải như vài cây bút hải ngoại đã nhầm lẫn loan truyền bấy lâu nay: 1937-1985.

 

Tôi quen anh trong một dịp tình cờ.  Số là vào đầu năm 1963, vừa lãnh lương xong, vừa được nghỉ phép, nên khi từ trường Kỵ Binh Thiết Giáp/Thủ Đức về SG, tôi bèn chạy ngay đến tòa soạn Phổ Thông rủ TTK  và Nguyễn Thu Minh đi sang tuần báo Ngày Mới của nhà báo lão thành Cồ Việt Tử [Nguyễn Duy Hinh] để kéo thêm anh Anh Thuần đi Kim Sơn.  Thu Minh vì là Thư ký Tòa Soạn, hôm đó lại gặp ngày báo sắp phát hành nên chỉ có Kiệt theo tôi.  Đến báo Ngày Mới thì thấy AT và HTL đang ngồi vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc báo.  Đó là lần đầu tiên tôi quen biết HTL qua sự giới thiệu của anh tôi và TTK  dù trước đó tôi đã đọc và thuộc lòng nhiều thi phẩm của anh.  Lúc ấy, tôi nhận thấy anh hơi gầy yếu, xanh xao, tánh tình hòa nhã, khiêm tốn và đặc biệt là dễ thân thiện. Đôi mắt anh tuy trong sáng nhưng đôi lúc như tiềm ẩn nét mang mang xa vắng.

 

Sau khi thôi làm việc một thời gian tại Ohio, đến năm 2005 nhân cơ hội các con tôi vừa cho xây cất xong ngôi nhà mới ở bên kia cầu chử Y, tôi bay về để xem có thể dưỡng hưu ở Saigon hay không, đồng thời giúp thân nhân lo việc dời nghĩa trang giòng họ ra khỏi thị trấn Long Hương - nơi quê nhà, theo lệnh của chính quyền địa phương.

 

Gặp lại 2 anh TL và TTK  tôi mới biết được Phạm Lê Phan của phòng Văn Nghệ QĐ năm nào đã mất lâu rồi tại một khu “Kinh tế mới” hẻo lánh, trong vùng rừng núi Định Quán.  Còn HTL mấy năm sau cũng nối gót “đi” theo kịch tác gia họ Phạm. Trước khi tôi về lại miền trung du Hoa kỳ, TTK và tôi mỗi người đã làm một bài thơ tưởng niệm HTL.  Dưới đây là những dòng tôi đã cảm xúc viết cho anh - một hiền huynh chí tình, mà tôi luôn kính thương, quí mến:

 

◘ bài tưởng niệm Hoàng Trúc Ly


gởi Trần Tuấn Kiệt

 

bụi trần phủ áo phong sương - mà người nay đã hà phương thăng trầm - rượu nồng tưởng niệm cố nhân - ngàn chung cay ngọt một lần từ ly


hỏi người, người đã bỏ đi - nằm trong đáy mộ có gì nhớ thương -

tóc bồng nẻo vắng cô đơn - một thân lưu lạc u hồn lạnh mê


người xa chưa lạc lối về - sao hiền huynh chẳng chờ nghe đôi lời -

ngủ yên Hoàng Trúc Ly ơi - chuyển thân hóa kiếp đời đời cuồng say


rượu ngon còn một chai này - hãy chia nhau chút men cay thâm tình - cõi trần dẫu có điêu linh - cõi hư vô hẳn hồi sinh non Bồng. 

[PBTD]

 

●●●

 

Sau khi biết tin HTL đã nằm xuống tôi cứ nghỉ đến 2 câu thơ vương vương niềm hoài niệm của cụ Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ . Hồn ở đâu bây giờ ?”. Rồi chạnh nhớ tới Anh Việt Thu, Phạm Lê Phan, Dương Trử La... nhớ những người bạn đã âm thầm ra đi mang theo những kỷ niệm đáng trân quí, khó quên của một đời người.  AVT thì vĩnh viễn yên giấc trong một khu vườn xoài tại làng An Hữu quận Giáo Đức cách cầu Mỹ Thuận không xa.  PLP thì chắc vẫn đang lạnh lẽo nằm dưới mộ trong một sơn khê vắng vẻ, thưa thớt bóng người.  HTL may mắn hơn vì được chôn cất gần thành phố nơi mà gót chân anh đã từng lưu dấu biết bao năm dài qua những ngày mưa, ngày nắng. Hai anh khác cũng được may mắn nằm gần đô thành là anh Tạ Ký và thi huynh Bùi Giáng. Họ là đôi bạn thân đồng hương xứ  “ ngũ phụng tề phi”, cùng vào SG lập nghiệp, rốt cuộc, hiện giờ lại được yên nghỉ bên cạnh nhau ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức. Theo tôi, đó cũng đủ là một niềm an ủi lớn cho 2 anh. Mới đây nhân nhà thơ “năm cụm núi quê hương” là anh Tường Linh nhắc nhở, tôi đã đưa anh đến nghiã trang này để thắp nhang và đốt thuốc mời 2 vị niên trưởng.

 

Nếu chúng ta tin rằng con người sau khi mất đi phần linh hồn vẫn còn vấn vương nơi trần thế hoặc siêu thoát về một cõi vô minh, miên viễn nào đó, thì bây giờ chắc hẳn thân xác các anh hẳn đã tan hoá trở thành cát bụi trong lòng đất, vậy thì hồn các anh giờ này đang ở đâu?  Họ có còn nhớ đến những ân tình, hệ lụy trong tiền căn để quanh quẩn, quấn quít bên những người thân yêu?  Hay là họ đã hoàn toàn trút bỏ, quên lãng quá khứ để linh hồn mình bềnh bồng, phiêu bạt theo cỏ nội mây ngàn, vui với tiếng chim hót, gió ru trong cõi an nhiên vô ưu, vô úy?

 

Giáo sư Tạ Ký - tác giả thi tập “Sầu Ở Lại”, đã từng nhận xét về những vần thơ mang niềm cay đắng như 2 bài không có trong tập TCYD dưới đây của thi sĩ họ Hoàng như sau: “Tạ Ký còn can đảm kiên nhẫn viết ra một trang năm ba chục câu thơ. Đến như Hoàng Trúc Ly, ông chỉ viết bốn câu, sáu câu.  Ấy bởi vì cái thứ rượu ông dọn ra là cái loại rượu quá chát.  Kẻ tửu lượng thượng thừa, cũng chỉ nhấm vài giọt là choáng váng tối tăm mày mặt.”

 

◘ Ở Sài Gòn


Soi gương lạ mặt bao giờ - Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi -

Ở đây vụng dại với người - Nghiến răng nhai mãi nửa lời vô duyên.



◘ Cõi Dấn Thân


Tôi còn yêu cho biển còn xanh - Mây còn bay cho chim chắp cánh -

Ngựa què rồi em ci lưng anh - Tôi cứ yêu khốn nạn cứ cười -

Chim cứ bay cho mây gãy cánh - Em chết rồi ai ám sát tôi ?


Nhiều người đã nói, đã phân tích, nhận định về thơ HTL, nên trong bài này tôi chỉ đề cập đến anh qua những giao tình cá nhân, những kỷ niệm một thời giữa tôi và con người có một cuộc sống trầm lặng, phiêu dật này. HTL là một thi sĩ lỗi lạc, đọc qua thơ anh ai cũng dễ cảm nhận những điểm nổi bật, những ẩn dụ sâu sắc để tự đánh giá sự khác biệt giữa thi ca của anh với thi ca của những người hữu danh cùng thời, trong giai đoạn 50-75.

 

Viết đến đây tôi nghĩ, tôi có thể mượn những lời nhận định về thơ HTL của nhà phê bình văn học Đặng Tiến để kết thúc bài này:

 

“…Thơ Hoàng Trúc Ly có cái bình thản âu yếm của kẻ đã đạt tới đạo, hiểu theo nghĩa Đông Phương: y hồ thiên lý, nhân kỳ cố nhiên. Văn chương hiện đại là một thứ văn chương sáng suốt, nghĩa là một thứ gương phản chiếu. Thơ Hoàng Trúc Ly trái lại chỉ là một khối thủy tinh, không trả lại hình ảnh nào, không đón đợi mà cũng không phải là không đón đợi, chỉ biết thích ứng với tất cả những gì đến với mình. Như thế tâm hồn Hoàng Trúc Ly đã đạt đến hạnh phúc tối cao, đã liên hợp được cái ngã và cái vô ngã trong sự thong dong không bờ bến.

 

…Trong thi ca Hoàng Trúc Ly giữ một địa vị đặc biệt. Địa vị của thi sĩ dường như vượt lên hẳn các trường phái thi ca; ngôn ngữ của ông tươi mát, mới mẻ, trong sáng, ở một giai đoạn mà Tây phương cũng đang biến thi ca thành tiếng hát.

 

…Trước cuộc đời, Hoàng Trúc Ly chỉ đóng vai người khách hào hoa phong nhã. Thi sĩ đã trở lại đời sống thanh thoát của nhà hiền triết Đông Phương. Ngôn ngữ tân kỳ ảnh hưởng của Tây phương, nhờ đó, đã chắp cánh để bay vút lên cao.”

[Đặng Tiến * Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng]

 

Diễn dịch thêm thơ của anh, của chàng thi sĩ tài hoa, khiêm tốn này – theo tôi - là một điều phí phạm. Phí phạm thêm thì giờ của người đọc.

 

Saigon 7/12

 

 

Dưới đây là một số thi phẩm, những áng thơ hay, tiêu biểu khác

của Hoàng Trúc Ly - vốn được nhiều người ưa thích, truyền tụng:

 

◘ Hàng Cây Bên Ðường

 
người yêu tóc xõa tròn vai - nửa đêm da thịt quên cài áo khuya -

xác thân rã mục lời thề - mùa đi lá rụng đường về xuân thu

 

◘ Vĩnh Biệt


rồi mai khởi sự xa đời - chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm -

trăng sao bốc cháy chỗ nằm - áo xanh mây lá vết bầm núi non.

 

◘ Nằm Mộng Thấy Nữ Sinh


tặng HOA của trăm hoa

    

Ta từ giấc mộng bước gần em  - Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm  - Ô hay con gái bay nhiều quá – Hai cánh tay mềm như cánh chim

 

Như cuống của hoa như cội của cành - Em đến bao giờ là em của anh  - Thôi đã vô cùng cô liêu bóng cả - Như chim xa rừng tội nghiệp rừng xanh.


Tuyệt mù giấc mộng mỏng như sương - Vai áo hào hoa tê tê bụi đường - Ra đi ta đắp lên sông núi - Trời rộng sông dài nỗi nhớ thương.

 

◘ Gặp Người Em

 

Những người xưa đi rồi không về nữa - Một mình anh lại gặp một mình em - Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm - Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ


Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi - Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa - Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ - Anh thương em câm nín đến bao giờ.


Bởi vì đâu da em xanh giá rét? - Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi -

Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt – Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi [*]

 

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi - Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu - Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng - Không mai sau cho nước chảy qua cầu


Em bảo anh người đi không trở lại - Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan -

Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị - Em giang hồ làm tiếng hát lang thang.


Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi - Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời - Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt - Anh thương em: máu vọt bốn phương trời.

 

[*] Bài đăng trên tạp chí Cải Tạo năm 1956 đến đây là dứt. Theo Trần Tuấn Kiệt 12 câu sau HTL đã làm thêm vào giữa thập niên 60 khi anh cần phổ biến lại bài này.

 

Phan Bá Thụy Dương

Không có nhận xét nào: