Thứ Năm, 10 tháng 7, 2008

{3CDs}TRÚC HỒ-làn gió mới cho âm nhạc hải ngoại

Nhạc sĩ Trúc Hồ (trái)- Giám đốc trung tâm Asia và đài truyền hình SBTN

Dòng âm nhạc Việt Nam hải ngoại từ hơn một thập niên qua đã có nhiều thay đổi với sự xuất hiện của khá nhiều nhạc sĩ sáng tác trẻ, trong đó một trong những tên tuổi nổi bật nhất phải nói là Trúc Hồ. Cũng như đại đa số những nhạc sĩ sáng tác thuộc thế hệ sau ở hải ngoại, dòng nhạc của Trúc Hồ, do ảnh hưởng của sự hấp thụ từ một nền giáo dục âm nhạc Âu Mỹ, nên từ âm giai đến tiết điệu đã phần nào thoát khỏi những khuôn sáo cũ để mang một sắc thái mới mẻ hơn, phù hợp với sự thưởng thức của lớp khán giả trẻ tuổi, nhất là lớp trẻ trưởng thành tại hải ngoại. Về lời ca cũng vậy, sự diễn tả một cách trừu tượng, bóng bẩy đã nhường chỗ cho những lời ca giản dị, chân thành xuất phát từ tâm hồn, tuy nhiên không phải thế mà mất đi tính chất đặc thù của nền văn hóa Việt Nam.

Trúc Hồ tên thật là Trương Anh Hùng, sinh ngày 02 tháng 04 năm 1964 tại Sài Gòn. Thân sinh anh là nhạc sĩ Trúc Giang, nổi tiếng tại Sài Gòn với lớp dạy nhạc mang tên của ông trên đường Trần Bình Trọng, là nơi đã đào tạo rất nhiều nhạc sĩ trẻ. Cũng tại lớp nhạc này, Trúc Hồ đã làm quen với âm nhạc dưới sự chỉ dẫn của thân phụ anh. Sau đó anh còn học thêm với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác như Trần Văn Tính, Ngô Thùy, Nghiêm Phú Phi, Bảo Chấn, Nguyễn Văn Dung, vv...
ImageImage
Sau khi học đến lớp 11 tại Sài Gòn, Trúc Hồ rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào năm 1981 và cư ngụ tại miền nam California cho đến nay. Tại đây, anh tiếp tục theo học sáng tác và piano cổ điển tại trường Golden West và Long Beach và tốt nghiệp về môn sáng tác. Đến nay Trúc Hồ đã cho ra đời được trên 30 nhạc phẩm, phần lớn đã được trình bầy trên những chương trình video hoặc thu thanh trên những sản phẩm audio và video khác của trung tâm Asia. Là một người rất thích học hỏi về văn chương Việt Nam nên ngay từ khi sang Mỹ, khi mới được 17 tuổi, anh đã vùi đầu vào những sách báo về thơ văn Việt Nam mà khi ở trong nước đã không có cơ hội theo dõi. Đối với Trúc Hồ, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên được anh cho là một thiên tài do sự sử dụng ngôn ngữ một cách rất bình thường mà tạo nên những vần thơ độc đáo để tạo ra một thứ “pop culture “ như anh nói, tương tự như trường hợp trước đó của ban nhạc The Beatles đã tạo ra nền văn hóa này trong phạm vi âm nhạc với những lời ca thật giản dị nhưng phù hợp với lối suy nghĩ của lớp thanh thiếu niên trong thập niên 60, là một thập niên được coi là có nhiều cách mạng về văn hóa . Cũng nhờ sự yêu thích thơ văn nên cách sử dụng ngôn từ của Trúc Hồ không hề gặp phải một trở ngại nào, trái lại còn hòa hợp được với những tư tưởng mới mẻ của nền văn hóa mới tại Hoa Kỳ để nói lên được những cảm nghĩ của mình một cách thẳng thắn, bằng những lời ca giản dị nhưng không thiếu phần bóng bẩy được thể hiện qua những nhạc phẩm của anh như Dòng Sông Kỷ Niệm, Nhịp Điệu Tình Yêu, Và Hôm Nay, Tìm Em Trên Phố Lạ, Trái Tim Mùa Đông, Một Lần Nữa Thôi, Trái Tim Về Đâu, Sẽ Hơn Bao Giờ Hết, Hơi Thở Tình Yêu, vv... Nhạc phẩm sau Trúc Hồ đã sáng tác riêng cho người bạn gái hoạt động trong cùng ca đoàn Hungtinton Beach tại nam California với anh trong một thời gian dài có tên là Diệu Quyên. Lời ca của nhạc phẩm này là một trong vài bài thơ anh đã làm trước khi phổ thành nhạc. “Hơi thở tình yêu“ của Trúc Hồ có tên Diệu Quyên vào năm 90 đã trở thành vợ của anh. Đến nay hai người đã có với nhau hai con, con gái lớn 5 tuổi trên Trương Ngọc La La và con trai nhỏ tên Trương Anh Lý Bạch. Vợ chồng anh chọn hai cái tên ngô nghĩnh này để đặt cho con với lý do sẽ khiến cho sự đọc tên các con mình đối với người Âu Mỹ được dễ dàng hơn. Hơn nữa La La là tên của những “notes” nhạc, mang ý nghĩa của bộ môn Trúc Hồ dành trọn cuộc đời mình để theo đuổi. Còn Lý Bạch là tên của một đại thi hào Trung Quốc. Ngoài ra, khi chữ Bạch không để dấu theo tiếng Việt còn là tên của một nhạc sĩ cổ điển lừng danh là Bach.

Qua những sáng tác của Trúc Hồ, người ta có thể gọi anh là một nhạc sĩ của tình yêu, pha trộn với tình người cùng một tình cảm gắn bó với quê hương qua cách viết lời ca được anh gọi một cách giản dị là “ viết lời theo kiểu Mỹ “, là diễn tả một cách thực tế, viết thẳng ra những gì muốn nói, không dùng những ngôn ngữ cầu kỳ.
Image
Image
Nhạc phẩm đầu tiên của Trúc Hồ ra đời vào năm 1981 mang tựa đề Dòng Sông Kỷ Niệm trước khi anh rời khỏi Việt Nam để nhớ về mối tình đầu là một thiếu nữ học cùng bậc trung học với anh, hiện đã lập gia đình. Sang đến Mỹ, Trúc Hồ mới hoàn tất phần soạn lời cho nhạc phẩm này, mà một thời gian sau, từ khi được đưa lên video và CD đã được khán thính giả đón nhận ngay. Cũng theo quan niệm viết nhạc tình của anh, Trúc Hồ cho biết khi viết tình ca thì phải sống thật sự với tình yêu mới viết được. Tuy nhiên cũng có trường hợp đến từ tâm sự hay những câu chuyện của những người chung quanh hoặc đến từ những ý tưởng qua sách vở, báo chí. Nhạc phẩm gây nhiều tiếng vang sau đó mang tựa đề Trái Tim Mùa Đông, sáng tác vào năm 89, cũng đã được đón nhận một cách nồng nhiệt sau khi Trúc Hồ về hợp tác với trung tâm Asia trong vai trò giám đốc âm nhạc. Chính Trúc Hồ là người đã đưa ra ý kiến với Bạch Đông – khi đó là giám đốc trung tâm Asia – về việc thực hiện những chương trình video, khởi đầu với chương trình thu hình ở Caesar Palace tại Las Vegas. Măïc dù hiện là một nhạc sĩ sáng tác nổi danh nhưng Trúc Hồ cho biết trước đó anh chưa bao giờ nghĩ là sau này sẽ trở thành một người sáng tác ca khúc. Nhưng vì có những điều cần được nói lên, để thay vì dùng những phương tiện khác, anh đã chọn âm nhạc để diễn tả những cảm nghĩ của mình mà trước đó không nghĩ là sẽ viết cả lời luôn. Ngoài những nhạc phẩm Trúc Hồ vừa soạn nhạc vừa viết lời, anh còn phổ nhạc từ một bài thơ của người bạn thân là Đặng Hiền (Tình Đầu Vẫn Khó Phai) và một bài của Trịnh Bửu Hoài.

Ngoài vấn đề sáng tác, Trúc Hồ còn là một nhạc sĩ soạn hòa âm, khởi đầu từ thời kỳ anh còn cộng tác với ban nhạc Anh Tài vào năm 86. Ngoài ra anh đã từng soạn nhạc cho cuốn phim Cơn Mưa Hạ, cũng do trung tâm Asia sản xuất. Riêng về phần sáng tác, nhạc của Trúc Hồ đã tỏ ra rất thích hợp với lời ca do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng soạn, do đó hai người đã hợp soạn nhiều nhạc phẩm đặc sắc như Bên Em Đang Có Ta, Một Ngày Việt Nam, Những Bước Chân Việt Nam, Việt Nam Về Trong Nỗi Nhớ, Hẹn Nhau Năm 2000, ....

Lúc nhỏ, Trúc Hồ thỉnh thoảng có dịp về thăm quê nội ở Trúc Giang, Bến Tre. Đầu óc thơ dại của anh đã sớm ghi nhận được vẻ đẹp của những dòng sông hiền hòa để sớm nẩy sinh ra những ý tưởng lãng mạn. Hình ảnh của những dòng sông êm đềm và thơ mộng đó đã ẩn tàng trong những tác phẩm của Trúc Hồ, đặc biệt là hợp khúc gồm 3 nhạc phẩm được sáng tác trải dài trong vòng gần 20 năm, kể từ khi anh viết ca khúc đầu tiên vào năm mới lên 17 tuổi. Dòng sông của Trúc Hồ được nhắc tới trong hợp khúc đó vừa có tính cách cụ thể, vừa có tính cách trừu tượng. Cụ thể ở chỗ hình ảnh của một dòng sông thời thơ ấu đã in đậm nét trong trí nhớ, khiến cho anh ao ước lúc cao tuổi được về sống cạnh một dòng sông ở một tỉnh nhỏ thuộc miền Tây Việt Nam. Trừu tượng là sự kết hợp những cảm nghĩ của anh, liên hệ đến quê hương, đến những người thân thuộc và người tình bỏ lại sau lưng. Từ đó, giòng sông của Trúc Hồ đã được nhân cách hóa để trở thành một dòng sông có tâm hồn mang nhiều cảm xúc. Trúc Hồ đã dựa trên những câu chuyện có thật của chính mình cũng như của những người khác để đưa vào tác phẩm của mình, mà phần lớn có liên quan đến đất nước Việt Nam mà anh cảm thấy luôn có những gắn bó sâu đậm. Tất cả đã được anh gom góp, đúc kết lại thành một câu chuyện bằng một hợp khúc gồm 3 nhạc phẩm ( “ trilogy “ ): Dòng Sông Kỷ Niệm, Em Đã Quên Một Dòng SôngLời Dối Gian Chân Thành. Sau khi tung ra nhạc phẩm đầu tiên của hợp khúc và cũng là tác phẩm đầu đời của mình là “ Dòng Sông Kỷ Niệm“, Trúc Hồ đã ngưng viết lời cho những ca khúc của anh trong suốt 5 năm trời đến từ một lý do riêng. Tuy nhiên hình ảnh của mối tình đầu của tuổi 16 vẫn còn phảng phất trong hai nhạc phẩm sau, trong cùng hợp khúc. Như với ca khúc “Em Đã Quên Một Dòng Sông”, Trúc Hồ có ý diễn tả tâm trạng bị bỏ rơi bởi chính quê hương và bởi chính những người thân yêu của mình. Nhạc phẩm này ra đời sau khi Như Quỳnh rời bỏ trung tâm Asia, và sự ra đi này một phần nhỏ đã được hàm chứa trong Em Đã Quên Một Dòng Sông, như chính Trúc Hồ cho biết. Anh còn nhấn mạnh thêm nếu nhạc phẩm này chỉ nhắm vào riêng Như Quỳnh thì không thể có những câu như “Có dòng sông năm xưa vẫn một lòng như em” hoặc ”có dòng sông năm nay vẫn một lòng yêu em“, chính ra là nhắm vào người tình cũ của anh. Nhạc phẩm này đã có một thời gian được coi là một trong những nhạc phẩm đặc sắc nhất. Ca khúc gần đây trong “trilogy” của Trúc Hồ mang tên “Lời Dối Gian Chân Thành“ cũng không thoát ra khỏi sự phối hợp nhiều câu chuyện để dựng lên một nội dung chứa đựng một sự trách móc nhẹ nhàng, nhưng chất chứa một niềm tin tưởng sẽ có sự quay về của một dòng sông đã được nhân cách hóa một cách khéo léo. Trong nhạc phẩm này có câu “ dòng sông sẽ trở về xóa tan đi lời dối gian chân thành“ đã khiến nhiều người lầm tưởng về sự ra đi của một nữ ca sĩ của trung tâm Asia trong năm 99. Thật ra, nhạc phẩm đó một phần ám chỉ nam ca sĩ Lâm Nhật Tiến, cách đây khoảng hai năm đã có ý định tách khỏi Asia để hợp tác với một trung tâm nhạc khác do người Mỹ điều hành tại New York. Cuối cùng Lâm Nhật Tiến đã bỏ ý định này để tiếp tục ở lại với Asia cho đến hôm nay.

Chính với chủ trương khi sáng tác những tình khúc là phải viết về những chuyện có thật, của chính mình cũng như của người khác để “ có hồn” như anh tuyên bố mà Trúc Hồ đã đạt được thành công đến từ sự chân thành của mình. Anh không dùng hư cấu để tạo nên một nội dung của nhạc phẩm, mà hoàn toàn dựa trên những cảm xúc của tâm hồn. Cảm xúc đến với Trúc Hồ rất bất chợt, không bị gò bó bởi giờ giấc nhất định và thường đến trong những lúc lái xe đi đây đi đó

Gần đây người ta thường thấy có nhiều nhạc phẩm của Trúc Hồ được viết lời bởi một số ca sĩ của trung tâm Asia như Vũ Tuấn Đức (Không Biết Em Bây Giờ ), Sỹ Đan (Sẽ Nhớ Mãi Ngày), Shayla (Days And Night Of Missing You) hoặc Trish (Lonely Night, Day Dream,The Year Of The Dragon). Cũng như với cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trước kia, Trúc Hồ cho biết lời ca của những nhạc phẩm do anh sáng tác đều dựa trên những ý tưởng của chính anh. Khi viết lên những âm giai cho một bản nhạc thì anh đã có ý tưởng trong đó, khi một dòng nhạc được viết lên thì đã chất chứa nội dung anh muốn diễn tả để cho phần soạn lời được kết hợp chặt chẽ.

Về phần Trúc Hồ, khi soạn lời, anh luôn theo đuổi đường hướng của chính mình để viết một cách dễ hiểu, giản dị, tránh sự cóp nhặt nơi người khác những ngôn ngữ cầu kỳ. Con đường của anh theo đuổi có đúng hay sai, hay hoặc dở đều tùy thuộc vào vấn đề thời gian. Nhiều năm đã trôi qua từ khi những ca khúc của Trúc Hồ được gửi đến người nghe, để đến bây giờ được coi là những ca khúc thích hợp với tâm trạng, với cách diễn tả của lớp người trẻ. Nhưng không phải thế mà cho rằng Trúc Hồ nương theo thị hiếu của lớp khán giả này vì anh đã khẳng định là anh chỉ viết cho chính anh mà không quan tâm đến thị hiếu của người nghe. Và điều anh cho là may mắn là đã thành công trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác đối với những thính giả thuộc lớp trẻ. Những lời nói thẳng thẳng thắn thể hiện qua lời ca của Trúc Hồ không phải thế mà thiếu phần bóng bẩy, phảng phất ở phía sau những lời cụ thể. Anh đưa ra một thí dụ như tựa đề và lời ca một nhạc phẩm của anh là “Trái Tim Về Đâu “, trong đó nghĩa bóng của chữ “trái tim” đã được khai thác rất khéo léo.


Image

Image
Những lời ca giản dị trong dòng nhạc của Trúc Hồ không phải thế mà không chứa đựng một quan niệm sống của anh. Là một người công giáo ngoan đạo, Trúc Hồ đã tìm thấy triết lý sống của mình trong Kinh Lạy Cha anh vẫn đọc hàng ngày với đại ý là luôn tha thứ cho người khác như mình đã được Chúa tha thứ. Ngoài ra anh cũng chỉ xin được “hàng ngày dùng đủ” như lời cầu nguyện trong bài kinh căn bản này của đạo Công Giáo. Quan niệm “ hàng ngày dùng đủ “ theo Trúc Hồ phân tích có một ý nghĩa rất tương đối. Lấy từ thí dụ của chính mình, anh cho biết khi mới sang Mỹ anh chỉ được lĩnh 100 đô la mỗi tháng cũng đã thấy đủ. Nhưng bây giờ với đời sống ổn định hơn xưa, tiền bạc khá giả hơn trước cũng là đủ. Từ đó anh nhận biết được triết lý quan trọng nhất là làm sao có được sự bình an trong tâm hồn, cuộc sống vật chất chỉ là phụ so với cuộc sống tinh thần. Hiện nay tuy được coi là một người thành công, tuy nhiên Trúc Hồ vẫn coi đó là nhờ ở sự may mắn. Nhưng sự may mắn như anh quan niệm đến từ sự chuẩn bị kỹ càng của mình như một câu anh đã đọc được trước kia là “ may mắn chỉ đến với những người nào chuẩn bị kỹ càng” ( “Luck always comes to the one who well prepares”). Với sự chuẩn bị kỹ càng đó, không những Trúc Hồ đã thành công về mặt thuần túy nghệ thuật mà còn tạo được một chỗ đứng vững vàng trong ban giám đốc điều hành trung tâm Asia cũng như giữ một vai trò quan trọng là giám đốc âm nhạc trong những chương trình video của trung tâm này. Với số tuổi còn nhiều hăng say trong việc sáng tác và với một đầu óc luôn chuẩn bị kỹ càng, chúng ta có thể tin rằng Trúc Hồ sẽ còn có những bước tiến dài trong thời gian sắp tới.

Trường Kỳ



Không có nhận xét nào: