Tên thật Trần Nhật Ngân. Sinh tại Thanh Hóa và lớn lên tại Ðà Nẵng. Cựu cán bộ tâm lý chiến trung tâm huấn luyện Quang trung. Hiện định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1982. Theo học nhạc với giáo sư Ðỗ Thế Phiệt về violon và piano. Khởi sáng tác từ năm 1959. Ngoài viết những ca khúc ký tên Nhật Ngân, ông còn một số sáng tác chung với nhạc sĩ Trần Trịnh, Và vì, cả hai chơi thân với Lâm Ðệ (con rễ chủ hảng dĩa Sóng Nhạc) nên đã khai sinh ra tên : Trịnh Lâm Ngân.
Những nhạc bản phổ biến rộng trong quần chúng:
• Tôi Ðưa Em Sang Sông (viết chung với Y Vũ)
• Ngày Vui Qua Mau
• Lời Ðắng Cho Một Cuộc Tình
• Bài Hát Cho Người Kỷ Nữ
• Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về
• Một Mai Giã Từ Vũ Khí
• Xuân Này Con Không Về
• Qua Cơn Mê
• Xin Chia Buồn
• Mùa Xuân Của Mẹ
• Người Tình Và Quê Hương
• Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?
• Ngày Ðá Ðơm Bông
• Cả Nhà Làm Thơ (phổ thơ Trần Mộng Tú)
Nhật Ngân: 40 năm cho âm nhạc Việt Nam
Trường Kỳ
Tôi không bao giờ than vãn cuộc đời. Tôi vẫn mang trái tim của tôi, mang sự yêu mến cuộc đời của mình để bước vào cuộc đời" Năm nay 58 tuổi đời, nhưng Nhật Ngân đã có một quá trình hoạt động trong lãnh vực âm nhạc từ 40 năm qua. Ðó là một tên tuổi lớn trong làng âm nhạc, tác giả của nhiều ca khúc giá trị - với số lượng lên tới hàng trăm bài, không kể đến những nhạc phẩm Mỹ hoặc Pháp do ông soạn lời Việt. Không những thế, ngoài việc sáng tác ca khúc, Nhật Ngân còn là tác giả của nhiều nhạc kịch rất quen thuộc trong các chương trình video.
Trần Nhật Ngân, sinh năm 1942 tại Thanh Hóa và là con út trong một gia đình sáu người con. Vì thân phụ là một công chức thường phải di chuyển nhiều, nên Nhật Ngân cũng đã từng sống ở nhiều nơi: Huế và Ðà Nẵng.
Vào khoảng cuối thập niên 50, Nhật Ngân cùng mẹ vào Sài Gòn, theo chân các anh chị đã vào đây từ trước, trong khi bố ông đã qua đời từ lâụ Sau khi học hết trung học ở trường Võ Trường Toản và lấy được mảnh bằng tú tài, ông trở ra Ðà Nẵng dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Trước đó, tại Ðà Nẵng và Huế, Nhật Ngân đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dẫn của các linh mục và sau đó ở Sài Gòn, qua sự hướng dẫn của những người thân trong họ là giáo sư âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng như Ðỗ Thế Phiệt và Nhật Bằng.
Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công xử dụng vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không đủ khả năng mua cho ông nhạc khí này. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Và chính quyết định đó đã đưa Nhật Ngân đi theo con đường sáng tác.
"Tôi Ðưa Em Sang Sông"
Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên "Tôi Ðưa Em Sang Sông."
Về trường hợp ra đời ca khúc này, Nhật Ngân cho biết: Khi trở về dạy học ở Ðà Nẵng, ông có một người yêu.
Mà thời đó các gia đình ở miền Trung, vấn đề là phải có chức phận, thì họ mới gả con gái cho mình. Thế nhưng thuở đó ông chỉ là người dạy học thôi, nhất là còn trẻ lắm, nên gia đình cô ấy không chịu gả và cô ấy đi lấy chồng. "Thật sự là ngẫu hứng thôi, tôi làm bài hát đó"
Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng "Tôi Ðưa Em Sang Sông" đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay chuyền cho nhau hát.
Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông Tin, lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" được nhạc sĩ Y Vân đổi thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.
Câu kết của bản chính là "Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa" cũng đã được Y Vân đổi thành "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa." Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho cảm thấy "hẫng" đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.
Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên với "Tôi Ðưa Em Sang Sông" để dễ dàng đến với quần chúng hơn. Khi được phát hành, "Tôi Ðưa Em Sang Sông" được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ.
Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về
Với một tâm hồn lãng mạn của thời niên thiếu, Nhật Ngân, vì cảm mến giọng ca của một nữ ca sĩ tên tuổi thời đó, đã cảm hứng để sáng tác tình khúc thứ nhì của ông là "Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về" đã được Lệ Thanh trình bầy lần đầu tiên qua phần phụ họa của Hồng Phúc và Thanh Sơn. Cũng như "Tôi Ðưa Em Sang Sông," nhạc phẩm "Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về" vào đầu thập niên 60 đã trở thành ca khúc quen thuộc đối với thính giả của các đài Sài Gòn và Quân Ðội và là những nhạc phẩm được nhà Diên Hồng xuất bản dưới hình thức những bản nhạc rời bán rất chạy.
Cuộc đời quân ngũ
Năm 1965, Nhật Ngân gia nhập Cục Tâm Lý Chiến, một năm sau ông được chuyển về làm trưởng ban văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến năm 1975. Trong thời kỳ này ông viết rất nhiều ca khúc về quân đội, trong số có những bài quen thuộc như "Người Tình Và Quê Hương," "Lính Xa Nhà," "Mùa Xuân Của Mẹ," "Xuân Này Con Không Về," v.v. Riêng ca khúc sau là một trong những ca khúc dính liền với tên tuổi của Duy Khánh, khiến có nhiều người lầm tưởng chính Duy Khánh là tác giả.
Sau 1975 kẹt lại Việt Nam, Nhật Ngân thỉnh thoảng cùng với một số anh chị em cùng hoàn cảnh đi trình diễn nhiều nơi. Thời gian này ông đã cho ra đời nhạc phẩm nổi tiếng, có tính cách châm biếm điều mà nhà cầm quyền Việt Nam thời kỳ này gọi là "giải phóng" vào tháng Tám năm 75. Ðó là ca khúc "Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?" được nữ ca sĩ Ngọc Minh phổ biến đầu tiên tại hải ngoại sau khi vượt biển rời khỏi Việt Nam.
Nhật Ngân sau đó cũng một mình rời Việt Nam vào năm 1982, bị kẹt ở trại tỵ nạn Sikiu, Thái Lan cho đến năm 84 mới được nhận vào Hoa Kỳ và ông được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ về sống tại phía bắc Hollywood. Một thời gian sau, ông dời xuống Orange County ở chung với nghệ sĩ Nguyễn Long trong khi chờ ngày đoàn tụ với vợ con vào năm 90.
"Thích thì tôi viết, không thích thì tôi thôi."
Nhật Ngân lập gia đình vào năm 1969 và có ba người con. Người con gái lớn của ông tên Ngân Khánh, đã tốt nghiệp cử nhân về âm nhạc Ðại học Fullerton, nam California. Ông đã lấy tên Ngân Khánh để ký dưới một số nhạc phẩm như "Giã Từ Vũ Khí" và "Cám Ơn." Người con trai kế của ông đang theo học về ngành dược, trong khi người con trai út đã tốt nghiệp về ngành điện toán. Với tình trạng như vậy, Nhật Ngân cho là mình đã được thảnh thơi trong việc sáng tác "thích thì tôi viết, không thích thì tôi thôi."
Ngay thời gian đầu đặt chân lên đất Mỹ, Nhật Ngân đã vùi đầu ngay vào công việc sáng tác. Ông cho ra đời nhạc phẩm đầu tiên tại hải ngoại là "Hương". Nhật Ngân đã dựa trên một bài thơ của Nguyễn Long để soạn thành ca khúc này. "Hương" đã thành công ngay từ bước đầu với tiếng hát của Elvis Phương, kế đó với tiếng hát của Tuấn Anh và gần đây hơn cả là Nguyễn Hưng.
Nhật Ngân cũng từng phổ nhạc từ một số bài thơ tại hải ngoại, trong số có bài thơ "Kiếp Sau" của Trần Mộng Tú, do Ái Vân trình bầy trên một chương trình video của trung tâm Thúy Nga.
Nhật Ngân cho biết đối với những sáng tác có "hơi hướng quê hương" của ông "thì Duy Khánh, Hương Lan, Thanh Tuyền là thích hợp hơn cả " Do đó, ông thường nhắm vào một tiếng hát đặc biệt để sáng tác trước khi gửi đến người nghẹ Còn về những ca khúc tình cảm thì "những bài của tôi như "Ngày Vui Qua Mau," "Lời Ðắng Cho Một Cuộc Tình" hay "Hương" thì đủ giọng ca có thể hát được."
Yêu đời và thoải mái
Hiện nay sinh hoạt của nhạc sĩ Nhật Ngân là sinh hoạt của một người nhàn hạ, trong niềm hạnh phúc gia đình cùng với những người con đã thành đạt và một người vợ với công việc làm thường nhật về ngành y tá: "Sinh hoạt bình thường của tôi là ngoài những giờ thể thao, buổi sáng cà phê ra thì về nhà sáng tác, làm việc."
Những giờ thể thao như ông nói là những giờ đánh tennis từ sáng sớm đến gần 9 giờ sáng để cố gắng duy trì sức khỏe tốt sau khi đã bị cắt đi hai phần ba bao tử để ngăn chận sự phát triển của bệnh ung thư vào năm 1992.
Tự nhận mình là một người được nhiều ưu đãi, về mặ.t gia đình cũng như nghề nghiệp, Nhật Ngân - với một tính tình luôn vui vẻ - có một cái nhìn rất lạc quan về cuộc đời, để từ đó ông tiếp tục sống trong thế giới âm nhạc mà ông đã đóng góp không ít. Từ tư tưởng lạc quan về cuộc đời đó, lý luận của Nhật Ngân trong âm nhạc là cuộc sống bao giờ cũng rộng mở trước mặt để " Cũng vì còn nhiều gắn bó với cuộc đời mà Nhật Ngân đã thoát được bệnh ung thư bao tự Và từ đó ông còn cảm thấy yêu đời hơn nữa sau 40 năm tạo cho mình được một gia tài âm nhạc lớn lao.
Nhắc đến Trần Trịnh, không ai quên được nhạc phẩm Lệ Đá, do Hà Huyền Chi viết lời, đã gắn liền với cuộc đời sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa này.
Trần Trịnh còn là một trong những nhạc sĩ có nhiêu gắn bó nhất với phòng trà và vũ trường của Sài Gòn về đêm trước 75. Nhắc đến Trần Trịnh, không ai quên được nhạc phẩm Lệ Đá (do Hà Huyền Chi viết lời). Ngoài nhạc phẩm điển hình đó, Trần Trịnh còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm đặc sắc khác, mà trong số có rất nhiều bài là đồng sáng tác với hai người bạn nghệ sĩ, Nhật Ngân và Lâm Đệ, được ký dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân trong những thập niên 60 và 70.
Với một giọng kể chuyện say mê, Trần Trịnh cho biết âm nhạc đã quyến rũ ông mãnh liệt hồi ông theo học chương trình Pháp tại trường Taberd Sài Gòn suốt 10 năm, từ 1945 cho đến 1955, lúc ông ra trường với mảnh bằng Bacc 2 ( Tú Tài 2 Pháp ). Nhưng niềm đam mê của ông đã gặp một trở ngại lớn, đó là bố mẹ ông đã không đồng ý để ông đi theo ngành âm nhạc. Mặc dù là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp theo tây học, nhưng thân phụ ông vẫn không mấy cảm tình với cuộc đời nghệ sĩ. Và mẹ ông, một phụ nữ người Lào - vợ sau của thân phụ ông - cũng chẳng khuyến khích cậu con trai út trong 3 người con của mình. Tuy vậy, cậu học trò Trần Văn Lượng - tên thật của Trần Trịnh - vẫn luôn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó được đến với âm nhạc. Trong những năm học ở Taberd, Trần Trịnh đã rất khâm phục sư huynh Rémi mang họ Trịnh, người phụ trách dạy nhạc, nên ông đã ghép họ của mình với họ của sư huynh Rémi để tạo thành nghệ danh Trần Trịnh cho những tác phẩm đầu tiên của mình.
Thật ra Trần Trịnh đã mon men đến với lãnh vực sáng tác từ khi mới 14 tuổi, khi còn theo học những giờ nhạc do sư huynh Rémi hướng dẫn. Sáng tác đầu tiên của ông là: Cung Đàn Muôn Điệu, được viết vào năm 1950, là năm ông được 14 tuổi. Tuy nhiên, mãi đến năm 17 tuổi Cung Đàn Muôn Điệu mới được nhà xuất bản An Phú phổ biến. Rồi ba năm sau, năm 1956, nhạc phẩm này lại được nhà xuất bản Diên Hồng tái bản. Sau đó nó còn được dùng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với bài Chuyến Xe Về Nam, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1955. Cũng trong năm1956, Trần Trịnh lại cho ra thêm một nhạc phẩm khác: Viết Trên Đường Nở Hoa.
Sau khi đậu bằng Bacc 2 năm 1955, Trần Trịnh được gia đình gửi lên Đà Lạt để vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Qua năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên, khóa Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh dấu cho dịp này, ông đã viết bài Đôi Mươi, do Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên.
Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B, và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn. Sau khi trở về nguyên quán vào năm 58, Trần Trịnh thực hiện giấc mơ của mình. Oâng ghi tên theo học với thần tượng âm nhạc của ông là sư huynh Rémi, tiến sĩ âm nhạc ở Rome và cũng là tác giả nhạc hiệu của Institution Taberd. Khi học tại trường, khi học tại cư xá của các sư huynh dòng La San tại Thanh Đa, Trần Trịnh đã được huấn luyện về âm nhạc trong suốt 9 năm trời - từ năm 58 đêán năm 67 - nên đã có được một căn bản vững vàng về nhạc pháp cũng như về nghệ thuật sử dụng piano. Và tuy đã thi hành xong nghĩa vụ quân dịch, nhưng với lòng mê thích âm nhạc, Trần Trịnh vẫn tình nguyện tham gia vào những công tác văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung với mục đích ủy lạo các binh sĩ. Cũng trong ban văn nghệ này, Trần Trịnh đã gặp Nhật Ngân khi nhạc sĩ này thi hành quân dịch ở đây.
Vào những năm học nhạc cuối cùng với sư huynh Rémi, Trần Trịnh đã bắt đầu đi tìm việc làm tại các phòng trà trong vai trò nhạc công sử dụng piano. Sở dĩ ông chọn phòng trà là do ảnh hưởng từ khi còn nhỏ đã bị tiêm nhiễm nhạc dancing và thuộc rất nhiều nhạc khiêu vũ trong thời gian gia đình ông cư ngụ gần vũ trường Au Vieux Cambodge bên Khánh Hội.
Khởi đầu cuộc đời một nhạc công, Trần Trịnh cộng tác với một phòng trà nhỏ tên Lệ Liễu. Sau đó ông bước chân vào phòng trà Bồng Lai. Và dần dần ông được mời cộng tác với tâát cả những phòng trà và vũ trường khác tại Sài Gòn.
Nhận biết được khả năng âm nhạc của Trần Trịnh, đại úy Quốc Hùng, trưởng ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã vận động xin cho ông một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam vào năm 67, sau khi sư huynh Rémi qua đời. Từ đó Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng của ban văn nghệ Đống Đa, cùng với ban Vũ Thành và Tiếng Tơ Đồng, là 3 ban văn nghệ truyền hình có giá trị nhất vào giai đoạn đó. Riêng ban Đống Đa của Trần Trịnh đã qui tụ được trên 50 nhạc sĩ và một ban hợp ca trên 100 thành viên.
Năm 68, nhạc sĩ Trần Trịnh được một người bạn là một nhạc sĩ sử dụng kèn giới thiệu với thi sĩ Hà Huyền Chi, lúc đó đang phục vụ ở phòng báo chí cục Tâm Lý Chiêán trong giai đoạn cắm trại 100% sau biến cố Mậu Thân. Hai người nói chuyện với nhau suốt sáng. Và trong một lúc, Trần Trịnh đã lục trong số những bản nhạc do ông sáng tác ra một bản nhạc, sau này trở thành nổi tiếng là Lệ Đá do Hà Huyên Chi viêt lời.
Được biết Trần Trịnh cũng đã nhập ngũ từ năm 65 và phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội thuộc phòng Tâm Lý Chiến. Ông đã không gia nhập khóa sĩ quan để xin được phục vụ tại đây với điều kiện được chơi nhạc tại phòng trà và vũ trường vào buổi tối.
Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long năm 1964, Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban. Thời kỳ này Mai Lệ Huyền theo thân phụ sống ở Bình Long vì gia đình chị sở hữu một số đồn điền ở đây ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn. Sau khi trở về, hai người thư từ qua lại với nhau và dần dần có những tình cảm đậm đà. Trần Trịnh sau đó đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn sống để được gần gũi nhau hơn. Mai Lêä Huyền nhận lời. Và chỉ sau một thời gian ngắn hai người nghệ sĩ này đã trở thành vợ chồng, năm 1964. Họ có với nhau một con gái tên Lệ Trinh, sinh năm 1965, hiện là một ca sĩ ở Sài Gòn.
Sau khi thành vợ chồng, Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà và vũ trường ông cộng tác. Cũng khởi đầu tại phòng trà Lệ Liễu, vì nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui nên ông đã cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kích động để vợ mình trình bầy cùng với Hùng Cường như Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, v.v...
Và chính nhờ ở những nhạc phẩm vừa kể mà cặp song ca Hùng Cường-Mai Lệ Huyền đã gặt hái được những thành công đáng kể, để rồi được mệnh danh là Cặp Sóng Thần, một thời làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn.
Sau hơn 10 năm sống bên nhau, Mai Lệ Huyền đã từ giã chồng con ra đi vào tháng 4 năm 75, trong khi ông không thể đi cùng vì song thân đã cao tuổi. Hai người coi như xa nhau từ đấy. Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, đại ý khuyên Trần Trịnh bước thêm một bước nữa trong khi chị cũng đã đi đến quyết định như vậy.
Vào năm 1977, Trần Trịnh lập gia đình lần thứ hai. Người vợ sau của ông đã cho ông 3 người con trai. Nhưng không may người con đầu của ông bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè. Người con thứ nhì của ông năm nay 24 tuổi, hiêän đang phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn trumpet. Trong khi người con út, năm nay 22 tuổi, cũng rất thích nhạc nhưng không có khuynh hướng đi theo con đường của bố.
Sau biến cố tháng 4 năm 75, Trần Trịnh không còn mấy quan tâm đến công việc sáng tác. Ông chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để mưu sinh. Khởi đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Liên tiếp nhiều năm sau, ông đã đàn piano cho rất nhiều đoàn khác trong những chuyến lưu diễn liên miên tại khắp các tỉnh ở Việt Nam. Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn là nơi ông đã từng giữ vai trò then chốt về chương trình từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 70. Có thể coi đây là một ban nhạc có thành phần nhạc sĩ đông đảo nhất, 11 người.
Liên tục đóng đô tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn (sau là vũ trường) suốt gần 10 năm, Trần Trịnh sang cộng tác với vũ trường Maxim's vào năm 1991. Nhưng sau hơn 3 năm, ông đã xin nghỉ vì tai nạn xe cộ khiến ông bị thương nặng ở chân. Do tai nạn đó, đến nay Trần Trịnh vẫn cần phải dùng gậy trong việc đi đứng. Sau khi tĩnh dưỡng 6 tháng, vợ chồng Trần Trịnh cùng 2 con lên đường sang Mỹ theo diện ODP vào tháng 10 năm 1995 dưới sự bảo lãnh của người chị ruột ông, là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hoà và được biết đến như là một phụ nữ Việt Nam đầu tiên sinh con trên đất Mỹ năm 1952, từng được báo chí Mỹ thời đó đề cập tới.
Nhưng chỉ sau 3 tháng ở với gia đình người chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định dời xuống Orange County. Một mặt không muốn là một gánh nặng cho vợ chồng người chị, lúc đó đã lớn tuổi cùng với tình trạng sức khoẻ không được khả quan. Mặt khác, môi trường hoạt động âm nhạc của Trần Trịnh sẽ có cơ hội phát triển hơn ở nơi được coi là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại.
Nhưng thật sự hoạt động của ông chỉ duy trì được một tầm mức trung bình trong thời gian đầu, khi mà ông còn kiếm được lợi nhuận nhờ làm hòa âm cho một số trung tâm nhạc ở nam California. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngay càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm nhạc cũng như nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh đáng ngại này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn được sử dụng.
Bây giờ ông chỉ hoạt động cho ban nhạc The Stars Band, một ban nhạc gồm một số nhạc sĩ lớn tuổi, hợp nhau lại để trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng. Ngoài Trần Trịnh, The Stars Band còn có Quang Anh, Thanh Hùng, Phạm Gia Cổn (cũng là một võ sư!), v.v... Không kể trước đó còn có nhạc sĩ Ngọc Bích cùng sự tham gia đặc biệt của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, mà nay cả hai đã vĩnh viễn ra đi.
Hiện nay, Trần Trịnh chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu nhạc để viết cho ban The Stars Band trình diễn. Kết quả là nhạc phẩm mang tên Stars Band của ông đã được một trung tâm nhạc của Mỹ thu thanh trên một CD và đã tung ra thị trường vào tháng 11 năm 2006. Gần đây, một nhạc phẩm hòa tấu do ông soạn cũng đã được trung tâm nhạc HillTop của Hoa Kỳ ở Hollywood thu vào CD và đã được phát hành rộng rãi khắp nơi. Đó là nhạc phẩm Forget Me Not.
Cuộc sống hiện nay của Trần Trịnh tương đối vất vả, nhất là vợ ông lại mang một căn bệnh hiểm nghèo, tưởng đã không qua khỏi sau cuộc giải phẫu vào tháng 6 năm 2006. Tuy vậy, Trần Trịnh không tỏ ra bi quan, ngoài việc lo âu những điều không may xẩy ra với ông và gia đình.
Tuy không còn nhiều hứng thú trong việc sáng tác, nhưng gần đây Trần Trịnh đã bất chợt tìm lại được nguồn rung cảm khi được thưởng thức lại bài thơ ông từng học thời trung học là La Dernière Feuille của thi sĩ Théophile Gauthier do người con nuôi ông tình cờ tìm thấy. Liền sau đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ bất hủ này.
Đối với Trần Trịnh, La Dernière Feuille tức Chiếc Lá Cuối Cùng cũng chính là nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông. Nhưng dòng nhạc của riêng ông cũng như của Trịnh Lâm Ngân vẫn sẽ mãi được coi là một dòng nhạc đã có những đóng góp đáng kể cho nền tân nhạc Việt Nam. Đó là chưa kể ngón đàn dương cầm của ông khó có thể phai mờ trong tâm hồn những khách quen của thời kỳ vàng son ở những vũ trường Sài Gòn cũ ngày nào.
TRƯỜNG KỲ
Về bài “Tiếng Hát Nửa Vời” của Trần Trịnh
Nhạc sĩ Trần Trịnh có ba bài hát mà tôi rất thích. Một là bài “Cung đàn muôn điệu” mà tôi vẫn thường nghe trên Đài Phát Thanh Sài Gòn năm tôi mười bốn mười lăm tuổi. Hai là bài “Lệ Đá”, lời thơ của Hà Huyền Chi, mà tôi nghe vào cuối thập niên 60. Còn bài thứ ba,“Tiếng Hát Nửa Vời”, thì mãi về sau này, sau năm 75, tôi mới có dịp nghe; lần đầu tiên là qua tiếng hát của Anh Ngọc. (Thời gian bài hát Tiếng Hát Nửa Vời đuợc phổ biến ở Sài Gòn thì lại nhằm thời gian tôi du học ở Hoa Kỳ rồi sau đó thì lại bận vời công việc giảng dạy, soạn bài soạn vở tại Viện Đại Học và ở Võ Bị Quốc Gia trên Đà Lạt, ít có thời gian để “đụng” đến chuyện văn nghệ!)
Bài “Cung Đàn Muôn Điệu” thì mấy năm trước đây tôi đã có soạn hòa âm để “hòa tấu” và bạn Phan Anh Dũng của chúng ta cũng đã đưa nó vào trang Nhạc của Cỏ Thơm qua tiếng hát của anh Vũ Trung Hiền. Tôi đàn vì tôi thích, và anh Hiền anh ấy hát cũng vì anh ấy thích!
Bài “Lệ Đá” thì sở dĩ tôi chưa từng “động” đến vì nó đã đuợc phổ biến rộng khắp trước kia; khác với bài “Cung Đàn Muôn Điệu” mà giờ đây hình như hiếm mấy ai còn nhớ đến, tuy về mặt âm nhạc mà nói thì ai khác không biết sao chứ riêng tôi chưa thấy sau năm 75 có bài nào với giai điệu, theo thể “Rhumba”, đặc sắc như thế!
Riêng bài “Tiếng Hát Nửa Vời” thì ngoài giai điệu đẹp một cách đặc biệt của bài hát, được thể hiện bằng một cấu trúc cho tiết điệu ¾ cũng “đặc biệt” nốt, thì lời hát lại rất gần gụi với sở thích riêng của tôi. Lời lẽ thì cũng cái kiểu mộc mạc, rõ ràng, dung dị nhưng có ý có nghĩa như trong bài Cung Đàn Muôn Điệu khi xưa vậy! Có mấy thuở mà trong những bài hát thuộc dạng “trữ tình” mà ta có những câu kiểu như “Thành ra lắm khi mình nghĩ không nên hẹn hò..” ? Chất “Thơ” trong thơ hay ca từ đâu có phải cứ làm cho ra vẻ “Thơ” là đã “Thơ” ?
Duy chỉ có mấy chữ “Ora e sempre” trong bài hát là tôi nghe không mấy thuận tai, do đó thú thực là từ bấy đến nay tôi không thích lẩm nhẩm hát bài này những lúc rảnh rỗi quanh quẩn trong nhà như người ta vẫn hay làm thì cũng chỉ vì ba cái chữ gốc La-tinh đó! Mà nghĩa của mấy chữ đó thì cũng chả có linh thiêng hoặc bí hiểm gì cho cam! Nó chỉ có nghĩa “Bây giờ và mãi mãi về sau”! Thực ra thì người Ý họ vẫn quen xử dụng đến bốn chữ là “Ora e per sempre” (dịch ra tiếng Pháp là “Maintenant et pour toujours” ) ! Tôi mà viết được bài hát đặc sắc như thế thì ở chỗ đó tôi đã viết “Ngàn sau vẫn thế”, để mở vần cho câu kế tiếp: “ân tình là trời mê!”
Còn giai điệu bài hát “Tiếng Hát Nửa Vời” thì, như đã nêu ở trên và theo sở thích của riêng tôi, đẹp một cách đặc biệt!
Thanh Trang
Nam Cali, Thu 2007