Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

DU TỬ LÊ-Hãy nói về cuộc đời!

Nhà thơ Du Tử Lê tên thật Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại tỉnh Hà Nam, là dòng dõi cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Năm 1954, ông theo người anh di cư vào miền Nam và theo học bậc trung học tại trường Chu Văn An. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập quân đội, theo học khóa 13 trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức. Mãn khóa, ông phục vụ tại cục Tâm Lý Chiến cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.




Du Tử Lê khởi sự văn nghiệp khá sớm, từ năm 1953 tức năm ông mới 11 tuổi, với các bài viết đăng trên tờ báo Măng Non dành cho thiếu nhi, xuất bản tại Hà Nội. Năm 1957, ông dùng bút hiệu Du Tử Lê cho những bài thơ đang trên tạp chí Mai xuất bản tại Sài Gòn. Kể từ ngày ấy, trong gần nửa thế kỷ cầm bút, Du Tử Lê đã xuất bản hơn 40 tác phẩm, trong đó có 15 là thơ. Được biết ông là nhà thơ có nhiều thơ được phổ nhạc nhất. Cho đến hôm nay, hơn 40 nhạc sĩ cả ở hải ngoại lẫn quốc nội đã phổ nhạc thơ ông.



The image “http://images.huyvespa.multiply.com/image/1/photos/upload/orig/SdeeZwoKCEsAAAjwTAU2283/2.jpeg?et=R6a4g191xFovXrKTfwM27g&nmid=0” cannot be displayed, because it contains errors.



Năm 1973, thi phẩm Thơ Du Tử Lê từ 1967 đến 1972, tức thơ Du Tử Lê tập II, được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ. Có thể nói thơ ông lúc bấy giờ biểu hiệu cho những thao thức, những trăn trở của một thế hệ trưởng thành trong chinh chiến. Một trong những bài thơ thật hay của ông thuở ấy là bài Có Gì Đâu, được sáng tác năm 1969. Bài thơ nguyên văn như sau:




    - Anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ
    đạn nổ đều nhưng đạn nổ rất xa
    dù cho mai kia đạn nổ thật gần
    thì cũng thế mà thôi, có gì đáng lạ?
    không, lạ chứ! phải rồi, từ khi chúng mình mở mắt
    bom đã rơi mừng, đạn đã reo vui
    ngày đã đau thương, đêm đã ngậm ngùi
    máu vẫn chẩy, và thây người vẫn đổ

    - Anh đã bảo ngủ đi, cô nàng bé nhỏ
    quê hương này, em đã trót đầu thai
    mảnh đất này, hoa sớm nở sớm phai
    tình sớm đẹp, để rồi tình sớm lỡ
    hàng rào kẽm gai canh chừng bọn anh, những thằng toan bỏ cuộc
    tiếng kèn đồng thúc dục bọn anh điên
    hỏa châu soi đường dẫn lối đêm đêm
    từng tấc đất ngủ yên từng số phận
    từng con mắt kinh hoàng, từng bàn chân lận đận
    từng ngón tay ôm cò súng lăm le

    - Anh đã bảo ngủ đi, hỡi cô nàng bé nhỏ
    có gì đâu, đêm đã thế từ lâu
    có gì đâu, đời đã thế từ lâu.
Khi di tản sang Hoa Kỳ sau biến cố tháng tư năm 1975, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục thi nghiệp với một sức sáng tác đáng khâm phục. Ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên có thơ được dịch sang Anh ngữ để hoặc giảng dậy, hoặc làm tài liệu nghiên cứu tại nhiều trường đại học ở Âu châu và Hoa Kỳ. Bài thơ “Có gì đâu” nêu trên cũng được giáo sư Neil Jamieson dịch ra Anh ngữ dưới nhan đề “It’s nothing” và đăng trong tập “Understanding Vietnam” với bản bìa cứng in năm 1993, bản bìa mềm năm 1995. Sách được dùng làm tài liệu giảng dậy tại các đại học Berkeley, UCLA tại Hoa Kỳ, và Cambridge tại Anh quốc. Ngoài ra, thơ Du Tử Lê cũng được đăng trên nhiều tờ báo có uy tín như Los Angeles Times và The New York Times.



ImageImage



Tại xứ người, trong lúc những nhà thơ nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước kia ngưng sáng tác, hoặc không còn đủ cảm hứng để viết những bài thơ hay như trước, thì Du Tử Lê vẫn viết, vẫn làm thơ, và làm thơ vẫn hay. Trong một bài viết năm 1985, nhà văn Mai Thảo đã ví von thơ Du Tử Lê như những vò rượu thượng hảo hạng qua những dòng dưới đây:




“Nhận định về người thơ và tiến trình của thơ hắn với chính hắn, thời gian gần đây, Du Tử Lê làm thơ hay, có nhiều thơ hay... Trước hết là trên ngọn đồi Côte du Rhône ở Ranchero Way, nhà thơ vừa có được một năm nho, một mùa nho đặc biệt. Rồi cất nấu cũng tinh xảo hơn. Rồi hạ thổ nữa, đầy đủ tháng ngày”.




Phụ họa với Mai Thảo, năm 1991, nhà thơ Nguyên Sa đã viết một bài về thơ Du Tử Lê, trong đó có những lời sau:




“Tôi biết thơ Du Tử Lê thật hay. Lúc ở Việt Nam, tôi thấy Du Tử Lê làm thơ được. Những năm đầu ở Mỹ, tôi thấy thơ Lê hay hơn trước. Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường trông như gang tấc mà trong thơ, cách xa vạn dặm”.




Điều đáng lưu ý là Du Tử Lê làm thơ hay ở mọi thể loại, kể cả thể lục bát là một thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay. Khi sinh thời, nhà thơ Nguyên Sa đã từng trăn trở: “Thế hệ chúng tôi đến với thơ lục bát với câu hỏi lớn: làm sao khác với lục bát Nguyễn Du, làm sao khác với lục bát Nguyễn Bính, làm sao khác với lục bát Huy Cận”. Rồi sau đó ông tìm được câu trả lời: “Bây giờ chúng ta đã có lục bát Du Tử Lê. Một lục bát khác Huy Cận. Một lục bát vượt Huy Cận. Vượt không có nghĩa là hơn. Thơ không có sự so sánh. Vượt là khác. Là đẩy thơ đi tới.”



The image “http://images.huyvespa.multiply.com/image/1/photos/upload/orig/SdeeZwoKCEsAAAjwTAU2289/5.jpeg?et=%2CbLZGTeQIbCM%2C7AJdokNFw&nmid=0” cannot be displayed, because it contains errors.



Tại quê nhà thì sau khi cưỡng chiếm miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản đã cấm lưu hành các sáng tác của một số văn nghê sĩ miền Nam mà họ gọi là biệt kích văn nghệ. Trong số này, có thơ Du Tử Lê và nhạc Phạm Duy. Tuy nhiên, điều lý thú là đến năm 1997, nhà xuất bản Đồng Nai tại Việt Nam đã phát hành một tập thơ mang nhan đề Lục Bát Tình trong đó có một bài thơ của Du Tử Lê. Theo ông Hồ Quốc Nhạc, người phụ trách tuyển chọn thì tuyển tập bao gồm những bài thơ lục bát hay nhất của thi ca Việt Nam. Điểm lý thú hơn nữa, là trong phần đề tựa tập thơ, ông Trần Hữu Dũng, biên tập viên của nhà xuất bản, đã đề cập đến sự cách tân hình thức thơ lục bát mà Du Tử Lê đã áp dụng cho một số bài của ông, tức thay thế nhịp chẵn của câu thơ thành nhịp lẻ. Trong tuyển tập, bài thơ của Du Tử Lê được chọn đăng là bài “Khi trông thư Thụy Châu”, được viết khi nhà thơ đang tu nghiệp tại Hoa Kỳ năm 1969.




Tại Hoa Kỳ, trong gần ba thập niên qua, không những tiếp tục sáng tác những thi phẩm thật hay, nhà thơ Du Tử Lê còn nỗ thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm, nhiều cuộc cách tân về thơ, đặc biệt là thơ lục bát. Ông mầy mò khai phá những cánh rừng chưa ai từng nghĩ đến việc khai phá.




Và rồi, khoảng hơn 10 năm trước đây, nhà thơ mon men đến chốn của Thiền bằng một bài thơ thật khác thường với nhan đề “Vì em tôi đã làm sa di”. Thuở trước, có vị cư sĩ đã can đảm thú nhận mình đến chùa vì một nguyên nhân khác hơn là lễ Phật qua những câu thơ như “ngày xưa anh đón em, nơi gác chuông chùa nọ, con chim nào qua đó, còn để dấu chân in” (thơ Phạm Thiên Thư). So với vị cư sĩ này, nhà thơ Du Tử Lê còn táo bạo hơn một bậc. Ông mang cả hình ảnh người yêu vào thiền viện (cho dù người yêu thơ ông có thể biện bạch rằng đó là thiền viện trong tâm tưởng). Ông đồng hóa người yêu với Bồ Tát (hay Bồ Tát với người yêu?). Rồi ông hôn Bồ Tát, để chuông đổ liên hồi kinh hãi, làm náo loạn cả chốn thiền môn. Bài thơ gồm 38 câu như sau:




    thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
    kinh kệ nghìn pho có một tên
    viết hoa một chữ không ai hiểu
    Phật bảo: kinh mà không phải kinh

    thế giới vì em sẽ dịu hiền
    biển đời phút chốc bỗng bình yên
    cánh chim tịch mịch miền vô niệm
    vô chấp, em ngồi như Quan Âm

    ba nghìn thế giới quy về đây
    vóc ốm em đi. Ngón cũng gầy
    thấy trong Địa Tạng em và mẹ
    Tam Bảo theo tôi: có dáng người

    muông thú vì em ở với rừng
    tôi vì em ở với thi ca
    thấy nhau là một đâu còn ngã
    thân chẳng riêng thì tâm nào riêng?

    phá chấp. Như Lai ở dưới trần
    hiện thân Bồ Tát cứu nhân gian
    cây oan khuất vẫn nghìn tay vẫy
    tôi vẫn nhìn em là chân kĩnh

    xuống tóc. Theo em khép cửa đời
    vào thiền để chỉ thấy viền môi
    yêu nhau, ai bảo tâm không trụ
    quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi

    vì em tôi biến thành sơn tự
    mái đỏ tường rêu. Hoa hổ ngươi
    tình tôi là thảm, xin em bước
    rất khẽ mà nghe đất nhớ trời

    nước mắt em trên chánh điện tình
    nở hoa siêu độ hóa tâm kinh
    đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
    và thấy trong kinh đủ bóng, hình

    vì em tôi đã làm Sa Di
    không đi nên ý vẫn quay về
    bế quan tọa thị. Tôi và vách
    em tụng kinh gì? Cho nghe đi

    hôn em Bồ Tát. Chuông kinh hãi
    rung hoảng vì tôi? Hay cả em?
Năm 1999 ông gom một số bài thơ theo ông là có mang Thiền tính, trong đó có bài “Vì em tôi đã là sa di”, giao cho nhàtạp chí Pháp Âm xuất bản thành một tuyển tập mang cùng tên với bài thơ. Một tháng trước đây, nhà xuất bản HT Productions đã phát hành tập thơ thiền tính thứ hai của ông với nhan đề “Qua môi em: tôi thở biết bao đời”.






Như một đồng điệu tương quan thân thiết, hơn ba mươi năm qua từ những thi phẩm xuất hiện đầu tiên trên những tạp chí văn học ở Sài gòn. Cho đến nay, trên những chặng đường nổi trôi thăng trầm của lịch sử, của mệnh nước và của cuộc đời, tất cả đã tạo cho chúng ta một kết luận để nhận định: Du Tử Lê, chàng lãng tử đã ăn ở thủy chung với văn chương Việt Nam lâu dài nhất. Với văn chương, Du Tử Lê chưa hẳn là nơi chốn giải sầu, tạm quên lãng những phù trầm nhân thế, những giải tỏa niềm đau khoảnh khắc, là cõi tịnh an sau những miệt mài xông xáo vào cuộc sống đầy khói xe và tiếng động. Văn chương Du Tử Lê hiện thực, đầy tim óc và tủy xương tận tình như một nghiệp dĩ. Bóng với hình đeo đuổi nhau đến suốt một đời. Không biết có phải đó là một ân huệ hạnh phúc hay là những nỗi niềm chua cay của tâm trạng người vác thập tự giá băng ngang cuộc đời đầy khổ lụy. Chúng ta có thể tìm thấy tâm trạng khắc khoải u uẩn đó trong SÔNG NÚI NGƯỜI THƠM NỖI NHỚ NHÀ hay Ở CHỖ NHÂN GIAN KHÔNG THỂ HIỂU, ĐI VỚI VỀ CÙNG MỘT NGHĨA NHƯ NHAU...

Một bài thơ biểu trưng, CÕI TÔI:

Cõi tôi cõi nát cõi tàn

Cõi hoang mang vội cõi bàng hoàng qua

Cõi vui thân thể cỗi già

Cõi lang thang mượn mái nhà hư không

Cõi xa cõi lạnh cõi cùng

Cõi con muốn bỏ cõi chồng vợ xa

Cõi em muốn dạt chân về

Cõi đau nhân thế cõi thề thốt quên

Cõi nào cõi thật tôi riêng

Cõi đêm máu chảy cõi thương nhớ trùng

Cõi tôi cõi mịt cõi mùng

Thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu

Cõi đời đó, có chi đâu!

Chỉ bài thơ nầy thôi, Du Tử Lê đã vẽ lên chân dung đích thực và cho chúng ta cảm nhận rõ nét nhất. Đối với tôi, Du Tử Lê vẫn là người lãng tử hạnh phúc. Anh đã vượt tới cái tâm thức Bát Nhã, cái thể lý đồng nhất của vũ trụ... Tiếng vọng lại bên kia trời tử sinh chỉ là cõi tâm động ngoài biên giới tình yêu.

Hòa nhập vào cõi thơ Du Tử Lê mà chỉ đề cập đến hơi thở riêng tư của tình yêu thì hơi quá hồ đồ, thiển cận. Trong cõi thơ của Du Tử Lê, chúng ta còn tìm thấy cái mênh mông của tình yêu từ tiểu ngã đến đại ngã, từ giọt nước hòa nhập vào đại dương để hóa thân thành tình bằng hữu, tình sông núi quê hương, Tổ quốc ngàn dặm xa cách. Cho dù ở cửa ngõ nào của tình yêu, Du Tử Lê vẫn là chàng lãng tử thủy chung với văn chương Việt Nam lâu dài nhất. Anh viết văn, làm thơ không mệt mỏi, phong phú, luôn luôn mải miết khám phá những sáng tạo tân kỳ như nhà hướng đạo tiên phong luôn luôn tìm kiếm khai quang con lộ mới văn chương. Mỗi năm Du Tử Lê đều có thơ, văn trình diện với đời, với bằng hữu. Quả đúng như nhận xét của nhà văn Mai Thảo “Tiếng thơ Du Tử Lê bây giờ theo tôi là tiếng thơ vô địch. Hắn bỏ lại sau lưng những người cùng thời: Trong sự bỏ lại phía sau đó, có cả tôi nữa. Tôi ví tiếng thơ Du Tử Lê là tiếng thơ Ao Vàng. Và ngôi vị vô địch của Du Tử Lê, tôi nghĩ khó ai có thể theo kịp hoặc thay thế nổi”. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhà văn Mai Thảo. Nhưng theo tôi vẫn chưa đủ và hình như không công bằng. Chúng ta chỉ nhìn thấy những sắc màu rực rỡ của những đóa hoa trong khu vườn xinh đẹp mà không nghĩ đến những đối tượng tạo thành, như đất nước, khí trời và cả người làm vườn tỉa sâu chăm sóc. Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, chúng tôi muốn nhắc đến nguyên nhân đối tượng thầm lặng. Nếu tôi có được quyền uy ở trong vương quốc của nhà thơ Du Tử Lê, tôi sẽ mời tất cả những người tình của Du Tử Lê đến, để trao tặng một đóa hoa hồng cảm ơn. Vì chính những người thuộc phái nữ này, là nguyên nhân đối tượng để cho nhà thơ Du Tử Lê cảm hứng sáng tạo nên những bài thơ tình say đắm, diễm tuyệt (và theo nhận xét riêng tôi, thơ tình của Du Tử Lê vẫn vượt trội hơn cả). Chính từ những xúc cảm đó, chúng ta mới có duyên may thưởng ngoạn, chia xẻ với nhau trong đêm thơ Du Tử Lê nầy.

Trân trọng kính chào quý vị.

(Bài phát biểu ngắn trong Đêm Du Tử Lê tại Canoga Park)

DuTuLe01.jpg (1912 bytes)
Đêm, Nhớ Trăng Saigon
Nhạc: Phạm Đình Chương
Vũ Khanh trình bày


DuTuLe02.jpg (2535 bytes)
Trên Ngọn Tình Sầu
Nhạc: Từ Công Phụng
Ý Lan trình bày


DuTuLe03.jpg (2980 bytes)
K. Khúc Của Lê
Nhạc: Đăng Khánh
Hoàng Nam trình bày

DuTuLe04.jpg (3351 bytes)
Quê Hương Là Người Đó
Nhạc: Phạm Đình Chương
La Sương Sương trình bày

DuTuLe05.jpg (3028 bytes)
Hiến Chương Yêu
Nhạc: Nguyên Bích
Đinh Ngọc trình bày

DuTuLe06.jpg (2757 bytes)
Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu
Bảo Oanh

DuTuLe07.jpg (3558 bytes)
Em Ngủ Trong Một Mùa Đông
Nhạc: Đăng Khánh
Ý Lan trình bày

DuTuLe08.jpg (2465 bytes)
Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Ta
Nhạc: Trần Duy Đức
Diễm Liên trình bày

DuTuLe09.jpg (3051 bytes)
Khi Cuộc Tình Đã Chết
Nhạc: Phạm Đình Chương
Anh Dũng trình bày

DuTuLe10.jpg (3752 bytes)
Thương Mẹ Đã Lưng Đồi
Nhạc: Lê Văn Thành
Ngọc Huệ trình bày

DuTuLe11.jpg (3130 bytes)

Ơn Em
Nhạc Từ Công Phụng
La Sương Sương & Hoàng Nam


DuTuLe12.jpg (2358 bytes)
Khúc Thụy Du
Nhạc: Lê Minh Bằng
Vũ Khanh trình bày

,
DuTuLe13.jpg (2359 bytes)
Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển
Bích Thuận
http://images.huyvespa.multiply.com/image/1/photos/upload/orig/SdeeZwoKCEsAAAjwTAU2319/20.jpeg?et=jpR91zn2S0D24ihqnFY3bA&nmid=0ImageImage

Không có nhận xét nào: