Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

Sĩ Phú-Tiếng Nhung Mềm






Sự thưởng ngoạn một giọng hát tùy thuộc vào nhiều yếu tố.


Trước hết là loại nhạc mà người thưởng thức lựa chọn. Dĩ nhiên, khi thích nghe opera thì người thưởng ngoạn thích giọng càng mạnh càng quý, hơi càng dài càng đẹp. Mà hát opera thì khi trình bày cả một vở tuồng, ca sĩ phải có giọng mạnh thì mới qua cầu được. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt mà giọng hát “mảnh mai” vẫn hấp dẫn, đó là nếu có yếu tố nổi bật khác.


Trường hợp José Carreras là một thí dụ. Giọng ông không mạnh bằng hai đối thủ và cũng là bạn thân là Luciano Pavarotti và Placindo Domingo. Nhưng bù lại, giọng ca tình cảm và nhất là phong thái trầm tĩnh lịch sự lại là yếu tố khiến nhiều người có cảm tình. Maria Callas nổi tiếng là giọng hát của thế kỷ không nhờ hát mạnh. Thật ra, giọng của đệ nhất soprano trong nghệ thuật bel canto này hơi mỏng, nhưng cách diễn tả (interpretation) điêu luyện và truyền cảm làm âm sắc giọng hát trở nên độc nhất vô nhị trong thế giới opéra. Ðã nghe là người ta phải nhớ.


Ðó là nói về opéra. Chứ trong loại nhạc phổ thông mà mình thường nghe, và Tây họ gọi là ca khúc trữ tình êm dịu (les chansons de charmes) thì sao? Ðó là một sự thưởng ngoạn tự do. Ai muốn thích ai cũng được, không có tiêu chuẩn nào đặt ra cả.


Ở một bài tạp ghi trước, người viết có gợi lại “giọng hát trượng phu” của nam danh ca Anh Ngọc. Sở dĩ gọi là trượng phu vì chất giọng của ông sang sảng, chắc nịch, đầy nam tính. Khi hợp ca, giọng Anh Ngọc bao trùm lên tất cả giọng hát khác. Cùng trường phái với Anh Ngọc, nhạc Pháp có Gilbert Bécaud, và nhạc Mỹ có Neil Diamond. Giọng của họ mạnh, âm sắc rõ, cứng cỏi.


Cùng thời với Anh Ngọc, có giọng Vũ Huyến nhẹ hơn và thanh hơn. Có dạo, hai người song ca với nhau trên các sân khấu phụ diễn tân nhạc trước giờ chiếu phim. Vì giọng yếu hơn, Vũ Huyến thường giữ bè cho Anh Ngọc. Vũ Huyến thành công với loại nhạc tình cảm nhẹ nhàng, đôi khi hơi có chút chuyện kể (trong Cô Hàng Nước) hay hài hước (Cái Áo The Thâm Tàn)... Nam ca sĩ Ngọc Long (em trai của Anh Ngọc) hát không điêu luyện được bằng anh, nhưng giọng hát êm và tình cảm của ông rất thích hợp với những ca khúc của Ðoàn Chuẩn và Từ Linh.


Giọng ca mạnh hay yếu, đều có thể trở thành thần tượng, nếu chọn đúng bài hát và người nghe.


Cùng trường phái Anh Ngọc, một thế hệ sau chúng ta có Hùng Cường (khi anh chưa tham gia sân khấu cải lương) Thanh Vũ, sau nữa là Elvis Phương khi anh trở lại với nhạc Việt... Ngày nay, sau Tuấn Ngọc chúng ta có Quang Tuấn, giọng hát mang một sắc thái góc cạnh, người Mỹ thường dùng chữ “rough”, là đầy nam tính.


Nhưng không hẳn là giọng nam phải luôn phải sắc cạnh thì mới hay, và được yêu thích. Có nhiều giọng nam thuộc trường phái êm dịu nhẹ nhàng cũng được nhiều người mến mộ. Ðiển hình là giọng ca Tino Rossi ẻo lả như con gái được cả một thế hệ 40-50 coi là thần tượng. Thời ấy, các bậc sinh thành ra thế hệ của người thường ngâm nga bài J'attendrais... không theo Rina Ketty mà theo chất giọng êm như nhung của Tino Rossi. Ðấy là thần tượng của nhiều thế hệ khi mình còn bị ảnh hưởng của nhạc Pháp, thời... tiền chiến Pháp.


Cũng vậy, khi loại nhạc hương xa Hoa Kỳ bắt đầu lan đến Việt Nam thì các nhà đều đón giờ phát thanh chương trình nhạc ngoại quốc để được nghe giọng ngọt như mía lùi của Andy Williams, Bing Crosby, hay giọng mơn trớn đầy... nữ tính của Johnny Mathis.








Tại Việt Nam, từ cuối thập niên 50, các giọng Duy Trác, Ngọc Giao, Ðỗ Tuấn êm ái ru hồn các thanh niên thiếu nữ trong giới sinh viên, học sinh, nhất là những người vừa di cư từ Bắc vào Nam. Sang đến cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì những giọng êm nhẹ của Sĩ Phú, Jo Marcel, Anh Khoa và cả Duy Quang thời mới lớn... đã chiếm nhiều cảm tình của giới yêu nhạc. Ðặc biệt nhất là giọng ca Sĩ Phú.


Sĩ Phú thành công ngày từ buổi đầu khi xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Việt Nam. Với vóc dáng cao, hào hoa trong bộ quân phục của binh chủng không quân, ông được khán thính giả truyền hình, nhất là phái nữ, lập tức coi là thần tượng.


Lạ một điều là giọng hát Sĩ Phú tương phản với vóc dáng cao lớn, oai hùng của ông.


Chất giọng Sĩ Phú nhẹ lắm, ông hát gần như thủ thỉ. Cái lối thủ thỉ ấy thật tuyệt khi ông hát những bài có nội dung kể chuyện, nhất là kể chuyện tình. Trong một ý nghĩa nào đó, giọng tơ mềm như nhung của Sĩ Phú khiến ta nhớ đến các ca sĩ loại “crooner” của Hoa Kỳ, như Vic Damone, Dean Martin, Andy Williams và cả Tony Bennett. “Crooner” là những giọng nhung mềm, hát các bài truyện kể có khi xuất xứ từ thơ, và trở thành những ca khúc phổ thông.


Cũng như thế các ca khúc “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý, “Cô Hàng Cà Phê” của Canh Thân, được Sĩ Phú kể lại bằng cái giọng nhỏ nhẹ, nghe như vừa đủ bên tai một câu chuyện thật ra chẳng có gì đặc sắc, mà sao lại rất quyến rũ... Dường như vừa kể chuyện, Sĩ Phú vừa dùng câu chuyện để thổ lộ tâm tình của mình cho người nghe. Lập tức người nghe cảm thấy như mình là nhân vật của truyện, cũng được khối người trồng cây si trước nhà! Và đâm ra ngẩn ngơ cảm động...



Và khi Sĩ Phú hát “Người Yêu Tôi Khóc” của Trần Thiện Thanh, thì tác giả có hát lên câu chuyện thật của mình cũng không “thấm” hơn được. Chất giọng nhẹ nhàng êm ấm ấy như hát thay cho những tình nhân của đời thường. Họ thấy được cái mong manh của cuộc tình, và hạnh phúc đã có thì chỉ thoáng như bóng mây. Ca khúc từ thơ phổ nhạc của Phạm Duy “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” được Sĩ Phú trình bày rất đạt.


Không như phần lớn ca sĩ khi hát bài này thường hay trổ giọng để khoe làn hơi dài của mình, Sĩ Phú chỉ hát vừa đủ mạnh thôi. Không cường điệu chút nào. Vừa đủ để nhớ, và để thương. Giọng hát mang mang tâm sự tiếc nuối, có tình cảm mà như e ấp, một cuộc tình chỉ mới chớm nở thôi, mà khỏi cần gào lên nỗi tuyệt vọng... Phải là cái chất giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ mới diễn tả được như thế, và thính giả cảm nhận được nhờ lối hát ấy.


Hình như chúng ta đang mất dần những tiếng hát nhung mềm ấy. Phải chăng sự hối hả của cuộc đời khiến mình không còn nghe được lối hát tâm tình e ấp đó?

Quỳnh Giao

March 04, 2008







PART 1

PART 2



MORE EPISODE HERE: SĨ PHÚ-GIỌNG TÌNH HÁT NHẠC TÌNH

Không có nhận xét nào: