Thứ Tư, 18 tháng 6, 2008

Từ giọng hát...anh!







Anh đã sáng tác rất nhiều nhạc. Những dòng nhạc ngọt ngào của anh đã góp phần xác định chỗ đứng đặc biệt của anh trong vườn nghệ thuật Việt Nam ở một thời cực thịnh. Anh lại còn ca hát. Giọng hát đượm mát tình người của anh đã tô thêm nét thần tiên thanh thoát cho một trời thanh âm huyền diệu của miền Nam trước năm 75 và cả sau này ở hải ngoại.






Tôi muốn lấy giọng hát của anh làm chuẩn, không phải để so đo về chất giọng hay tài năng, mà muốn dùng nó như cây bông tiêu khiêm nhường để cấm giữa cõi thần tiên âm nhạc ấy. Ở cái thời mà mỗi bài ca mang cả một thiên đường, mỗi lời ca là một hương hoa ngào ngạt, mỗi cung nhạc là lồng lộng tơ trời, mỗi tiếng đàn loang loáng nắng xuân, giọng hát của anh dù có bình dị nhưng vẫn nổi bật trên cái nền đầy âm vang phóng khoáng của một thời đẹp đẽ chưa từng có trong lịch sử âm nhạc Viết Nam. Rồi từ giọng hát của anh, tôi sẽ nhìn qua nhìn lại, nhìn trước nhìn sau. Có biết bao cái mất, cái còn, cái đã héo khô, cái vẫn còn tươi. Trong khi anh vẫn còn đây. Tôi cũng may mắn còn đây. Tại sao tôi không ghi lại chút tâm tình của mình, suy tư của cá nhân mình, nương vào một nhân chứng, là anh?








Tôi muốn nói tới một nhạc sỹ kiêm ca sỹ. Vâng! Chính anh ấy là Từ Công Phụng, mà tôi muốn vin vào giọng ca của anh để thử ôn lại, theo ký ức riêng, những giọng ca một thời đã dâng hiến những rung cảm chân thành của con tim mình qua tiếng hát để làm đẹp cho quê hương, làm giàu tình cảm cho cuộc sống của nhiều lớp người mà trong đó tôi cũng hân hạnh là người thọ hưởng.






Giữa thập niên 60 thế kỷ trước, anh vụt xuất hiện trên mảng trời nhạc tình, cùng lúc với Ngô Thùy Miên và Vũ Thành An. Chính các anh đã uốn nắn rất nhiều tình cảm của lớp trẻ đương thời. Anh hát rất ít, nhưng chính giọng hát của anh đã cho thấy ngay những rung cảm chân thành, những lời thỏ thẻ như tiếng tình tự của tình nhân ngồi bên nhau. Hát như nói. Nói rất thiết tha mà không cần nhăn mặt, nhíu mày, cố rặn từng lời từng âm, kiểu của một ca sỹ bị coi là “nổi tiếng”. Bên cạnh còn có Khánh Ly. Giọng hát Khánh Ly như những kể lể, tâm tình với thân nhân bè bạn. Có một thời những giọng hát thật thà ấy đã để lại trong lòng người một ấn tượng đẹp còn mãi đến hôm nay.






Không thể phân biệt loại nhạc nào, quí tộc hay đại chúng, cổ điển hay thời trang, mới có những âm hưởng dễ cảm như vậy. Trước đó rất lâu, những ca sỹ đã thành danh ở mọi cấp độ hay lĩnh vực, hầu hết có giọng hát cũng rất tự nhiên phóng khoáng như anh. Từ Mạnh Phát, Trần văn Trạch, Hoài Bắc, Trần Ngọc, Anh Ngọc cho tới Nguyễn Hữu Thiết (Ngọc Cẫm), Duy Khánh, Sĩ Phú, Hùng Cường, Anh Khoa, Elvis Phương, Chế Linh, Duy Quang, Thái Châu, v.v... Hoặc từ Thái Thanh, Thúy Nga, Châu Hà, Túy Hồng cho tới Thanh Thúy, Thanh Lan, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hoàng Oanh, Xuân Sơn, Ngọc Minh, Sơn Ca, v.v…, mỗi người một giọng hát nhưng cùng có chung một nét chân tình dễ mến. Có cái tiếng quê, tình nước trong giọng ca của họ. Họ phát âm rất chân thành, mộc mạc. Nghe họ hát, như nghe thấy cái hồn dân tộc phổ vào đó. Dù cho họ hát nhạc xưa hay nay, nhạc hùng hay nhạc tình cảm, giọng ca của họ không bị hóa trang kiểu cách, không đội mũ mang hia, quần dài áo thụng như nhạc cung đình hay thánh ca. Nhớ lại những khúc nhạc hùng “Cờ bay, cớ bay oai hùng trên thành phố thiêng liêng…” hoặc “Hát hay không bằng hay hát, hát hay không bằng hay hát…” với những giọng ca trong sáng ngọt ngào tình quê.
Kể cả các xướng ngôn viên của những đài phát thanh cũng vậy, họ đều có giọng đôn hậu dễ thương. Họ phát âm theo lối nói tiếng Việt thường ngày. Họ không vo tròn cổ họng theo trường lớp “Opera” hay khuôn Tàu thước đảng, để rồi phát ra cái âm éo éo, khô cứng vô hồn khó nghe. Một số nhỏ ca sỹ miền Nam đi theo khuôn đó (xin miễn kê tên), và dù họ được thiểu số người nghe đánh giá cao về kỹ thuật, vẫn thành xa lạ và bị bỏ quên khỏi đại chúng. Còn bên kia cầu Hiền Lương, chỉ có toàn những người máy biết hát.
Sau này nghe thử một số ca sỹ “nổi tiếng” ngoài ấy ca bài Suối Mơ hay Bến Xuân của Văn Cao, tôi cảm thấy thất vọng, vẫn như tiếng khua nhau của đồng sắt hay đất khô. Không có cái hơi người, không chút ẩm ướt, không dợn sóng, không gió lay, cứng đơ thẳng tuột, không có cái tâm tình người Việt trong đó. Chắc họ chưa từng hát ru em, chưa từng nghe tiếng đàn độc huyền hay đàn cò đàn nhị của quê hương. Sao họ không học chỉ một phần 10 của Thái Thanh thôi, cũng đủ hay rồi. Tiếng hát Thái Thanh! Một thời vượt thời gian và không gian, chất chứa tất cả cõi quê và hồn dân tộc.






Cái giọng lai căn trong nóc vọng đó vẫn chạy theo một số ca sỹ ra ngoài, phần lớn còn rất trẻ, dù họ chỉ hát nhạc tình thôi, họ vẫn áp dụng đúng bài bản khuôn Tàu thước Tây. Tôi nghe một nữ ca sỹ nhỏ con mà ham ca cho lớn tiếng, lại áp dụng kỹ thuật Opera, ca bài “Từ Giọng Hát Em” của Ngô Thùy Miên, tới chỗ chữ “lên” hay chữ “em” cô ấy rống lên kiểu Hà Nội và phát âm mấy chữ đó tròn vo như viên đạn AK mà muốn mất hồn. Một vài ca sỹ nam, còn trẻ, cũng vậy. Họ cũng có lên Thúy Nga Paris, cũng phát âm ồ ồ trong họng. Họ làm hư nhạc tình của Từ Công Phụng hết. Một số khác bắt chước Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, làm đên nhạc Trịnh, cũng làm mất giá nó luôn.






Tại sao họ không hát như Sĩ Phú, Thái Châu hay như Anh Khoa hoặc Chế Linh. Tại sao rất nhiều người, như Duy Quang, Vũ Khanh hay Khánh Hà, Ý Lan chẳng hạn, vẫn phát âm dễ nghe. Họ ngân và láy giọng rất hay, dù gặp những âm dẹp hay tròn, ngậm môi hay mở miệng, họ đều có thể giữ đúng cái âm tiếng Việt và giữ đủ hơi theo âm độ của nó. Có những âm điếc, âm kim mà họ vẫn ngân rất hay. Họ không cần kiểu cách há miệng chu môi để rồi hát như chim tu hú, hợp ca hợp xướng thì giống như bầy tu hú kêu vang, thật ghê rợn. Cái kiểu hư hứ khét lẹt của hát bội ấy đã mai một từ lâu. Ai chê thì tôi chịu. Tôi thuộc lớp bình dân, rất vui và hãnh diện khi bị chê là dốt về thưởng thức nhạc kiểu đó. Tôi chỉ thích kiểu hát của anh. Kiểu hát của đa số ca sỹ miền Nam thuở nào.






Từ giọng hát anh. Tôi lấy đó làm điểm đứng, nhìn ra. Giọng hát anh có những nét đáng yêu vừa nói, lại cộng thêm nét độc đáo của riêng anh. Anh hát bằng đôi môi. Âm ra đằng miệng, chớ không bằng mũi như Tàu nói Quang Thoại hay Mỹ nói tiếng Anh. Cái âm lưỡi cũng rất rõ. Dường như lưỡi của anh trải rộng ra, nằm dẹp xuống, khiến thanh âm phát ra thư thả dịu dàng, dù ca lớn cũng không thành tiếng rống như nhạc đánh giặc của thời “chống Mỹ cứu nước”. Những ca sỹ nọ thì co cái lưỡi lại, vo tròn uốn éo sao đó mà khi phát âm chữ TRỜI, CHO, RUNG, EM, ANH thì có vẻ mất tự nhiên và rất khó nghe. Thí dụ “Trả lại cho tôi” thì họ phát âm thành: “Sà lại so tôi”. Trời mưa thì phát âm thành Sời mưa. Giống y Tàu Quảng-Đông tập nói tiếng Việt. Hay ta đang đút đầu vô cái rọ Tàu thêm một mặt nữa? Có người hát “trong làng” thành “trong lò..à..ng”, “nhớ chăng” thành “nhố chong”. Giọng LT và TTH là tiêu biểu cho kiểu hát này.






Hồi đó, khi nghe Khánh Ly và mấy anh hát, tôi tưởng anh có ngậm cục kẹo trên lưỡi. Giọng của anh thật mỏng, trong và nhẹ. Anh có những cái láy ngọt ngào xuôi chiều, cái ngân nhẹ nhàng lả lướt như sóng nước ruộng đồng miền Nam, chớ không sốc ngược như gió thốc vô núi, như nước vỗ vào ghềnh. Anh phát âm rất rõ, như Duy Khánh, Duy Quang, Anh Khoa, Vũ Khanh, v.v...









Cái cốt yếu là bài nhạc. Phần lớn nhạc sỹ đã dung hòa được dân ca, cổ nhạc và nhạc cải cách, khiến bài tân nhạc Việt-Nam mang sắc thái Việt, chớ không phải nhạc Tàu, Đại Hàn hay nhạc Âu Mỹ với lời Việt. Nghe thử bài Hương Xưa sẽ thấy rất rõ nét lai căn này. Cho nên đôi khi, và rất nhiều khi, nghe ca sỹ, trong đó có anh, ca một khúc nhạc tuyệt tác, tôi có cảm tưởng đó là tiếng thiêng liêng từ trời rơi xuống, do trời ban cho, chớ không phải do mấy anh sáng tác. Đó chính là cái hồn dân tộc, là máu trong tim, được mấy anh thể hiện ra bắng nốt nhạc lời ca. Chỉ có một thời, đã qua mà chưa mất, vì nhạc miền Nam của cái thời gần 50 năm trước vẫn còn được nhiều thế hệ tiếp nối ca diễn không biết mệt và người nghe nghe hoài không biết chán. Hiện thời Thúy Nga Paris và Asia cũng đang làm sống lại thiên đường âm nhạc ấy.






Giọng hát anh dù khiêm nhường nhưng đã làm cái móc ký ức cho tôi để từ đó niềm thương nỗi nhớ cùng những suy tư đã trào lan thành đoạn tạp ghi có tính cách rất chủ quan trên đây. Cám ơn anh, nhạc sỹ Từ Công Phụng./.







Lâm Thanh
Central Coast OZ. 5/2008











Không có nhận xét nào: