Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

Và khi tro bụi rơi về...

"Và khi tro bụi rơi về,


Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương"

..4 Lần và còn tiếp tục đọc nữa...mỗi lần đọc tôi lại vỡ ra nhiều lẽ mới...Gịong văn dửng dưng, nhiều khi tàn nhẫn, câu chuyện mở ảo như 1 làn sương mà độc giả phải rón rén bước vào để rồi chung nhịp đâp với "người kể"..Một câu văn, phải đọc đi đọc lại vài lần mới thấy thấm thía, và tôi đã ghi đầy sổ của mình những triết lí về cuộc sống, về cái chết, về thời gian, về không gian, về tình yêu...


Nhân vật chính của câu chuyện tên là An My có chồng chết trong một tai nạn, cô cảm thấy không còn gì gắn bó với cuộc đời nên quyết định tìm đến cái chết. Cô lang thang đi tìm cái chết trên những chuyến tàu đến những ga vô định khắp châu Âu...




"Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù. Anh ấy đi đâu qua đoạn đường ấy vào ngày ấy, giờ ấy, không một ai biết... Tôi muốn mang chiếc bình lên một ngọn đồi ở miền trung du, đổ mớ tro của anh xuống đám cỏ và mang chiếc bình không về đặt ở thành cửa sổ, nơi tôi đã đứng suốt bảy ngày nhìn xuống con đường trước nhà. Nhưng không ai cho tôi làm như vậy...".


Khi người chồng đã hoá thành tro bụi, An My thấy hồn mình chỉ là một đám tro. Không còn người quen, không còn việc gì trên đời để làm, nơi chốn nào để đến, cô quyết định đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Mua một chiếc vé xe lửa, An My bắt đầu chuyến hành trình 3 tháng, để hiểu được mình là ai trước khi chết. Sợ rằng nếu ở lâu trên mặt đất, cô sẽ có người quen, có kỷ niệm, có một nơi chốn thuộc về mình, An My chọn sống trên những chuyến tàu.


Mua một cuốn sổ bằng mọi giá để ghi chép quá khứ của mình, An My không biết viết gì lên đó. Từng ấy năm tháng sống trên đời, cô chỉ viết gọn trong 2 câu ngắn: "Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh". 2 câu rất ngắn nhưng khó khăn lắm An My mới viết được ra. Không chỉ người đọc khó khăn lắm mới biết được bí mật này mà chính An My đến lúc cận kề cái chết mới can đảm nhìn lại nó.


"Có người là họa sĩ nhưng không vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ ngày đêm mài mực để một hôm phác lên giấy một vệt cong. Tôi cũng muốn làm như họ... Nhưng thế giới của tôi không nguyên vẹn để tôi có thể vẽ nên một nét nguyên vẹn. Họ vẽ sự thanh bình, mầu đen của họ là khoảng không sâu thẳm, còn tôi vẽ cuộc chiến bại, màu đen của tôi là một thứ bóng tối phủ lên trăm nghìn mảnh vỡ…".


Nhưng rồi, khi chuẩn bị tìm đến cái chết, An My bất ngờ đọc được câu chuyện lạ lùng của một người khác. Một bi kịch gia đình khiến cô phải bàng hoàng. Bị cuốn hút bởi câu chuyện bí hiểm, An My đã cất công đi tìm hiểu sự thật. Và rồi, khi sự thật được phơi bày cũng là lúc cô phát hiện những bí mật ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn mình. Có lẽ, đó cũng là lúc An My hiểu thêm về cái chết của chồng cô...


Nhà văn Đoàn Minh Phượng quan niệm rằng: Mỗi người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ nguồn ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi khúc này khúc nọ được, nó cần có sự liên tục. Người đàn bà trong truyện lại làm như vậy với đời mình. Chỗ nào không vui thì xóa đi, bỏ đi. Đến khi cuộc đời quá nhiều lỗ hổng không lấp được, thì cô đơn không chịu nổi. Vì sợ đau đớn, xóa đi những ký ức buồn của mình, vô tình xóa cả tình yêu. An My đã xoá đi nhiều ký ức quan trọng của cuộc đời mình và cô phải trả giá. Cô chỉ nhận ra điều mình đánh mất khi tro bụi rơi về.


Khi bắt đầu chuyến đi, cô đã tự cắt hết những ràng buộc với cuộc sống trước đây, cô lang thang trên những chuyến tàu và không có nơi trở về. Nhưng ai cũng luôn có một nơi chốn, một quê hương, và một nơi để trở về khi đã mệt mỏi sau những chuyến đi dài ngày. Kết thúc tác phẩm không quá nặng nề để độc giả có thể chấp nhận được, có thể An Mi được cứu thoát, cũng có thể cô kết thúc theo đúng như những dự tính của mình ở đầu truyện. Đọc xong nhưng người đọc vẫn còn vương lại dư âm, buồn, ngẫm nghĩ và 2 câu thờ đề tựa vọng lại:

"Và khi tro bụi rơi về,

Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương"


VÀ KHI TRO BỤI là những dòng suy tưởng về ý nghĩa của cuộc sống, câu chuyện khai thác cuộc đấu tranh của con người giữa việc lựa chọn một cuộc sống dễ dàng, yên ổn, và quen thuộc với một sự dấn thân theo mong muốn của bản thân nhưng nhiều khó khăn, mệt mỏi và đôi khi là cả mất mát, hy sinh. Người ta vẫn quan niệm, sự dấn thân tạo ra bi kịch, nhưng chính sự an toàn cũng là nguồn gốc của không ít khổ đau... Tác phẩm đầu tay của Đoàn Minh Phượng có nội dung lạ và một cách viết lôi cuốn người đọc đến những trang cuối cùng...