Từ ngày sang Mỹ, tôi không hề nghĩ đến việc viết lại ngày định mệnh tôi may mắn rời SàiGòn. Lý do là câu chuyện không có gì đặc sắc và chắc chắn là không sống động bằng nghìn câu chuyện rời nước ra đi của bao người khác. Thế nhưng con tôi bây giờ đã lớn, nhiều lúc có đứa hỏi tôi sang Mỹ vào trường hợp nào. Tuy rằng có kể cho chúng nó nghe qua loa về chuyến phiêu lưu rời quê hương, tôi chưa bao giờ kể chi tiết mà cứ nhủ thầm trong lòng là một ngày nào sẽ viết cho chúng nó đọc. Hôm nay thì tôi nhận thức được là tóc tôi bây giờ đã bạc mầu, không viết thì có thể sẽ không còn cơ hội nên tôi viết lại chuyến đi này, trước bằng tiếng Việt, và sau đó sẽ dịch qua tiếng Anh cho chúng nó hiểu.
Nguyễn Tài Ngọc
Một tuần trước ngày 29/04/1975:
Nằm trên divan trong cái nắng ban trưa oi bức của SàiGòn thỉnh thoảng nghe tiếng máy bay vận tải C-130 và C-141 bay qua lại trên trời, tôi toát mồ hôi run sợ vì biết rằng nó đang di tản những người may mắn rời khỏi Việt Nam trong khi tôi vẫn còn ở đây. Khi quân đội Cộng Sản bắt đầu cuộc tổng tấn công, không một chiến lược gia trên thế giới nào có thể đoán biết chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thua trận liên tiếp nhanh chóng và bất ngờ như vậy. Cuộc chiến bắt đầu vào ngày mùng 10 tháng 3, khi bao nhiêu sư đoàn Cộng Sản với hậu thuẫn hùng hộ của xe tăng 54, đại bác 130 ly, hoả tiễn phòng không SAM…, tấn công vào Quảng Trị, các tỉnh miền nam Trung phần, Tây Ninh và Xuân Lộc cùng một lúc.
Chỉ trong vòng ba, bốn tuần Quảng Trị, Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku và các tỉnh miền Trung dọc theo Ai Lao rơi vào tay Cộng Sản. Trong một chiến lược tai hại nhất trong lịch sử chiến tranh, Tổng Thống Thiệu quyết định bỏ hết các tỉnh miền Trung, rút quân về để bảo vệ SàiGòn và các tỉnh miền Tây. Cả triệu dân miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến Phước Long, Định Quán trên đường tỵ nạn chạy vào SàiGòn một sớm một chiều rơi vào tay Cộng Sản. Ngày 21/04, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình đọc diễn văn từ chức, đổ lỗi cho chính phủ Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa bảo vệ Việt Nam Cộng Hoà.
Tuy rằng tuyên bố sẽ ở lại trong những ngày tháng sắp tới để đóng góp vào công tác bảo vệ đất nước, năm ngày sau đó cùng với mười lăm tấn hành lý trong chiếc máy bay vận tải C-118 của Không Quân Hoa Kỳ, ông bỏ nước bay sang Taiwan dù rằng vài tuần trước đã kêu gọi dân chúng cùng nhau sát cánh với Tổng Thống đánh bật địch quân. Hiện giờ Xuân Lộc, cách SàiGòn 60 cây số, đang bị 40,000 quân lính Cộng Sản bao vây. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt vì nếu mất Xuân Lộc quân Cộng Sản sẽ tiến đến Biên Hoà, SàiGòn không thể nào tránh khỏi cảnh sụp đổ. Người trong SàiGòn đang bị dây thừng từ từ siết chặt vào cổ mà không ai hay biết vì trong SàiGòn vẫn còn cái an ninh giả tạo khi dân chúng chưa mặt đối mặt địch quân.
Một tuần trước đây tôi và anh tôi lái Honda đi thăm cô vợ Việt Nam của một anh lính Hải Quân Mỹ. Anh ta nhờ anh tôi đến xem vợ và hai con gái anh ta có cần giấy tờ gì nữa không để chuẩn bị cho chuyến bay rời khỏi SàiGòn sang Hoa Kỳ mà anh ấy đã mua vé cho cả ba. Ngày đi: 30/04/1975. Sau khi nói chuyện với cô ta độ một giờ đồng hồ, chúng tôi đi về. Ngồi trên yên sau chiếc xe Honda Dame lòng tôi buồn man mác vì tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cô ta chìa ra ba cái vé máy bay cho chúng tôi xem. Tôi ước ao thay vì tên cô ta trong hàng chữ in đen trên chiếc vé máy bay thì là tên của tôi để trong những ngày sắp tới tôi cũng sẽ ăn ngủ không yên nhưng cái ăn ngủ không yên đó không phải vì sợ hãi mà là vì háo hức chờ ngày 30-04 đến để tôi được đi nước Hoa Kỳ tự do với bao nhiêu hứa hẹn cho một cuộc sống mới.
Trường học đã đóng cửa hơn cả tuần. Không có sinh hoạt thường nhật mà chỉ ở nhà cả ngày lẫn đêm làm tôi trở nên bồn chồn vì lo ngại cho an ninh và hạnh phúc cho tôi và cả gia đình nếu Việt Nam Cộng Hoà thất thủ. Bố mẹ tôi đã một lần đi tìm tự do bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ngoài Bắc để vào trong Nam xây dựng lại một cuộc đời mới. Ai ngờ đâu chỉ có hai mươi năm sau chính tôi lại đối diện vấn đề bố mẹ tôi đã từng đối diện, và bây giờ thì có vẻ như là tôi không có cách nào di tản như bố mẹ tôi vì gia đình tôi không một ai làm cho người Mỹ, không có thân nhân ở Hoa Kỳ, không giầu có để có thể mua thuyền bè, ba điều kiện tiên quyết nếu muốn rời khỏi Việt Nam trong tình trạng bây giờ.
Ba ngày trước, một người bạn trong lớp của tôi, Thanh, đạp xe đến nhà báo tin:
- Tao sắp đi Mỹ rồi Ngọc à.
- Vậy sao? Chừng nào mày đi?
- Thứ Ba 29 này. Cô tao làm cho Mỹ, dàn xếp được cho tao và ba má tao đi.
Thanh cũng là người Bắc nên tôi hỏi:
- Chắc bố mẹ mày mừng lắm?
- Ừ. Nhất là bố tao. Ông ấy lo áy náy cả mấy tuần nay.
- Đi sang bên ấy rồi nhớ viết thư cho tao.
- Ừ chắc chắn rồi.
- Không biết trong lớp mình có ai đi không?
- Tao không biết.
- Chừng nào vào học trở lại tao sẽ báo cho các bạn biết là mày đi Mỹ rồi. Mừng cho mày nhe.
Chỉ trong vòng có một tuần mà tôi biết hai người may mắn có cơ hội đi Mỹ, tránh khỏi tương lai mờ mịt chờ đón những người còn ở lại Việt Nam như tôi. Tôi không hiểu Thượng Đế làm việc như thế nào, tại sao người có số may mắn, người khác vận số bất hạnh.
Thứ Ba 29/04/1975:
Cả đêm hôm qua tôi trằn trọc ngủ không được vì tiếng đạn pháo kích rớt nghe rất gần đâu đó trong SàiGòn. Sáng ra mới biết là vài đầu đạn rớt trong Chợ Lớn, một rớt gần khách sạn Majestic, vài đạn đại bác 130 ly rớt ở sân bay Tân Sơn Nhất, và một rớt gần toà Đại sứ, giết chết hai người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Anh tôi đã dậy từ sáng sớm bật chiếc radio để nghe tin tức. Đài phát thanh nhắc lại SàiGòn đang nằm trong tình trạng thiết quân luật và giới nghiêm 24 trên 24, ra lệnh cho bác sĩ và y tá vào trình diện ở nhà thương. Sau một tuần nhậm chức Tổng Thống khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức rời Việt Nam vào ngày 21/04, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương hoang mang với chức vụ mới và yêu cầu Lưỡng Viện Quốc Hội giao quyền Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh.
Hôm qua đài truyền hình Việt Nam quay buổi lễ trao quyền cho Tân Tổng Thống. Trong bài diễn văn nhận lãnh chức vụ, Đại Tướng Minh ngoài thưa chuyện cùng Quân Đội và dân chúng VNCH cũng đã tuyên bố với chính phủ Cách Mạng Lâm Thời và “Những người anh em bên kia” là ông ta sẵn sàng giải quyết vấn đề VNCH trong hoà bình. Cả buổi chiều sau đó, đến đêm rồi cho đến bây giờ tiếng súng đạn vẫn không ngừng, chứng tỏ là Bắc quân không xem ông ta đóng một vai trò nồng cốt trong cuộc chiến tranh này nữa. Mà làm sao có thể xem ông ta là quan trọng khi lực lượng bảo vệ SàiGòn sắp sửa sụp đổ hoàn toàn, Cộng quân đang siết chặt vòng đai, chỉ còn vài ngày nếu không nói là vài giờ sẽ ngửi mùi chiến thắng?
Trên trời trực thăng Chinook bay hàng hai, hàng ba từ phía biển vào, đánh dấu cho cuộc di tản cuối cùng của người Mỹ ở Việt Nam. Trong cái khung cảnh hỗn loạn của tiếng máy bay trực thăng vần vũ trên trời, của tiếng thùm thụp đạn đại bác, của tiếng máy bay Phantom xé không khí với tiếng gầm của động cơ máy bay lẫn tiếng thả bom, của tiếng đạn liên thanh AK47 và M16 liên tục bắn không ngừng, căn xóm lao động của tôi vẫn tiếp tục sống một ngày như mọi ngày. Bà Ba bánh mì đã đẩy xe đi bán. Bà Tám bánh canh cũng sẵn sàng quẩy gánh đi rao. Ông Tôm Càng đã mở cửa chuẩn bị khách trong xóm đến mua hàng chạp phô của mình. Tôi là người miền Bắc nên cái cảm giác bình thường của những người láng giềng miền Nam trong xóm được thay thế bằng nỗi lo âu sợ hãi khi biết rằng ngày tự do của Việt Nam Cộng Hoà sắp sửa chấm dứt. Một tương lai mờ mịt sắp sửa chào đón người dân miền Nam mà tôi cũng như bao nhiêu triệu người khác thúc thủ không làm gì được.
Ở trước cửa nhà có tiếng Honda Dame tắt máy. Tôi nhìn ra cửa, đó là Tuấn, người anh thứ nhì của tôi. Hớt hãi vào nhà, anh ta nói lớn tiếng:
- Tất cả thu xếp đồ đạc lên nhà thờ Tin Lành Quốc Tế ở Trần Cao Vân, sẽ có trực thăng di tản.
- Chắc không? Mày lấy tin ấy ở đâu ra? Thịnh, anh cả của tôi hỏi lại.
- Chắc thì không chắc, nhưng em nghe tin trực thăng sẽ bốc mục sư Mỹ ở đó.
- Được rồi, như thế thì nhà chuẩn bị đi. Gặp lại vợ chồng mày ở Trần Cao Vân.
- Ừ, bây giờ em về chở vợ em. Hẹn gặp lại nhau.
Tôi nghe anh Tuấn nói mà không tin vào chính tai của mình. Chỉ chạy ra nhà thờ là được đi Mỹ sao? Tìm được móc nối để đi Mỹ khó vô cùng. Cho dù chính phủ Gerald Ford đã đặt áp lực với Đại sứ Mỹ ở Việt Nam là Graham Martin rất sớm từ đầu tháng 4 ra lệnh di tản nhân viên Mỹ và những người Việt thiết yếu làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, Martin từ chối. Ông ta viện lẽ di tản người Mỹ sẽ làm lung lay tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam. Do đó ông thông báo cho tất cả mọi người ai muốn rời SàiGòn phải tuân theo luật của chính phủ VNCH. Chính vì thế những người đàn ông Mỹ có vợ con Việt không cưới hỏi phải chạy đôn chạy đáo lo giấy hôn thú. Những người lo giấy tờ thừa dịp lợi dụng cơ hội, tiền phí tổn lúc bình thường không đến 20 đô-la bây giờ tăng vọt đến hơn một triệu đồng VN, khoảng một nghìn đô-la.
Từ ngày lập gia đình, anh Tuấn ở bên nhà vợ ở Ngã Bẩy. Nhà tôi chỉ có mỗi một mình anh ấy tin Chúa, không phải tin hời hợt như bao nhiêu người khác mà tin sốt sắng với một ý chí cương quyết bỏ trọn cuộc đời hầu việc Chúa. Bố tôi không tin vào đạo nào nên tôi cũng như bố tôi, thế nhưng ở giây phút tuyệt vọng không lối thoát như thế này, tôi bỗng nhiên tin vào Chúa của anh tôi vì bây giờ chúng tôi là người sắp chết đuối được anh tôi thẩy phao cấp cứu.
- U đâu rồi? Chị Liên đâu? Anh Thịnh hét lớn. Mấy đứa đi tìm U và chị Liên nhanh lên!
Chị Liên là vợ anh Thịnh. Nhà chị ấy ở gần nhà tôi, bên kia đường Phan Đình Phùng nên chị ấy thường về nhà thăm ba má, tìm chị ấy có lẽ không khó khăn. Thế nhưng U tôi thì khó tìm, bà ấy quen bao nhiêu người, xóm trên xóm dưới, xóm trước xóm sau, xóm gần xóm xa nên tìm cho ra U tôi là cả một vấn đề. Tôi và chị tôi chia phiên, chị ấy tìm chị Liên còn tôi thì tìm U. Tôi có cảm tưởng bỏ ra ba thế kỷ đi khắp nẻo đường đất nước thì cuối cùng gặp được U tôi ở nhà cô Bẩy may áo.
Dẫn U tôi về nhà, chị tôi đã tìm ra chị Liên trước. Anh Thịnh quát tháo mỗi đứa phải tự lo mang theo giấy tờ và những thứ gì cần thiết. Tôi đánh mắt đảo chung quanh nhà. Ý nghĩ đầu tiên trong trí tôi là phải mang theo gì để ăn vì ngay cả Napoléon nhận thức được là quân đội chỉ thẳng tiến khi bụng có đầy đủ thức ăn. Thế nhưng nhà tôi không có tủ lạnh, ăn ngày nào thì U tôi đi chợ mua thịt thà cho ngày ấy nên trong nhà hoàn toàn không có một món gì. Tôi chạy lên lầu. Bây giờ thì tôi nghĩ đến cảnh chạy loạn trong chiến tranh gia đình thất lạc phân tán hoặc người chết kẻ còn. Sợ rằng có thể sẽ không bao giờ gặp lại anh chị em nữa, tôi mở quyển album ra, lướt nhanh từng trang, gỡ khoảng hơn mười bức ảnh có hình của tất cả mọi người trong gia đình. Kế tiếp tôi nghĩ trong khi chạy loạn phải cần tin tức nên lấy cái radio trên bàn rồi đi xuống nhà. Tài sản chạy loạn của tôi chỉ có thế: một chiếc máy radio, hơn mười bức ảnh gia đình và mỗi một bộ quần áo trên thân.
Chạy xuống dưới lầu, tôi nghe chị tôi tỉ tê khóc:
- Em không có quần mặc.
- Quần mày đâu? Anh Thịnh thét.
- Em chỉ có hai cái quần, tối qua giặt hết rồi, bây giờ còn ướt.
- Thì mặc đại vào chứ sao?
- Không được, em đang bị. Đợi em ủi cho khô rồi hãy đi.
- Giặc đến đít rồi làm sao đợi cho mày ủi quần được. Mượn quần của U thì đã sao?
Chị tôi khóc thút thít, lấy cái quần satin đen của U tôi mặc vào. Cái lưng quần lẫn ống quần rộng thùng thình, chị ấy phải buộc cái ống quần cho nhỏ lại trước khi leo lên xe đạp. Đóng và khoá cửa nhà, chúng tôi kiểm điểm lại đủ mọi người trước khi đi: anh Thịnh chở U tôi, chị Liên chở đứa con trai năm tuổi của hai vợ chồng. Cả hai đi bằng xe gắn máy trong khi hai bà chị tôi, tôi và thằng em trai đèo nhau trên hai chiếc xe đạp. Mọi người đầy đủ, chúng tôi rời khỏi nhà. Cả xóm lúc này đã tụ tập chung quanh chúng tôi, nhiều người hỏi nhốn nháo đi đâu. Anh tôi không bao giờ nói chuyện với người hàng xóm nên không trả lời. Bà Tư Rỗ hỏi U tôi:
- Bà đi đâu vậy bà Quản?
- Ồ, đi lánh nạn ấy mà. U tôi trả lời.
- Vậy chừng nào bà về?
- Hết súng đạn thì về.
Ông Bắc Kỳ thợ bạc đối diện nhà tôi mặc bộ bà ba trắng đứng trước cửa nhà gật gù:
- Chắc chúng nó đi Mỹ.
Thằng cháu của ông ấy, bằng tuổi tôi mà tôi đặt cái tên chết liền với nó là Cường Cu Lé, chỉ tôi cười hằng hặc:
- Thằng Ngọc đi Mỹ Tho tụi bay ơi!
Đạp bánh xe chuyển bánh, dán mắt xuống đường phía trước, tôi không dám nhìn những người láng giềng với hàng chục con mắt soi mói nhìn theo. Tôi không dám trả lời họ là mình đi đâu vì chính tôi cũng không biết là sẽ đi đâu, và có đi được không. Trong bụng tôi run lo sợ chốc nữa xe ra đến đường cái cả nhà sẽ bị Quân Cảnh chận lại, xét xe không cho đi vì SàiGòn đang trong giờ giới nghiêm. Thế nhưng nhìn anh Thịnh trong quân phục chạy hướng dẫn ở phía trước, tôi cũng hơi yên lòng. Anh Thịnh là Bác sĩ Quân Y cho lực lượng Biệt Động Quân, nếu chúng tôi có bị ngừng thì nói với cảnh sát anh ấy là bác sĩ, đi trình diện ở nhà thương. Nói nghe hoàn toàn có lý.
Ngoài đường lác đác thường dân, phần còn lại là quân đội và cảnh sát. Đến mỗi ngã tư có cảnh sát, tôi cứ âm thầm đạp xe không nhìn vì sợ họ huýt còi thổi mình. Chị tôi thỉnh thoảng đạp xe quá chậm; sợ anh tôi bỏ rơi làm tôi cứ hối thúc chị không ngừng. Anh Thịnh chạy đâu chúng tôi chạy theo đó. Đầu óc tôi quá căng thẳng nên không biết phương hướng đường xá mà chỉ bám sát theo chiếc xe Mobylette của anh ấy. Khoảng nửa giờ sau, vào lúc 8 giờ 30 sáng, chúng tôi đến nhà thờ Trần Cao Vân. Vợ chồng anh Tuấn đã đến trước, đón chúng tôi ở cửa.
Khoảng sân xi-măng trước cửa nhà thờ trống vắng, chứng tỏ là ít người chưa biết địa điểm “di tản” này. Thế nhưng khi bước vào trong nhà thờ thì tôi thấy đã đầy người, có lẽ xấp xỉ đến ba trăm. Chọn một chỗ còn trống, cả hai gia đình ngồi bệt xuống đất. Tôi nghe thoang thoáng anh tôi nói chuyện với vài người khác trong nhà thờ. Họ đều quả quyết trực thăng sẽ đáp xuống di tản giáo sĩ Mỹ ở đây nên tôi hơi yên lòng.
Bây giờ là 11 giờ sáng. Ở nước Mỹ bên kia Thái Bình Dương, Kissinger ra lệnh thi hành giai đoạn thứ tư và là giai đoạn cuối cùng trong Chiến Dịch Gió Thổi Không Ngừng, Operation Frequent Wind: di tản người Mỹ bằng trực thăng ra hạm đội Mỹ chờ sẵn ở ngoài khơi. Operation Frequent Wind có 4 giai đoạn:
1. Di tản bằng hàng không dân sự từ Tân Sơn Nhất.
2. Di tản bằng máy bay quân sự từ Tân Sơn Nhất.
3. Di tản bằng tầu từ hải cảng chung quanh SàiGòn.
4. Di tản bằng trực thăng (chỉ dành riêng cho người Mỹ).
Quốc Hội Mỹ đã bày tỏ rất rõ trong giai đoạn khẩn cấp cuối cùng quân đội chỉ di tản người Mỹ thế nhưng cả Tổng Thống Ford lẫn Đại sứ Martin ngoảnh mặt làm ngơ chỉ thị này. Trong vòng hai mươi tiếng đồng hồ, quân đội Mỹ huy động 865 lính Thủy Quân Lục Chiến, bay 630 chuyến trực thăng, di tản 1373 người Mỹ, 85 người thuộc các quốc gia khác và 5595 người Việt Nam ra khỏi SàiGòn. Trong số này, số người di tản từ toà đại sứ Mỹ là 2100 người, 978 là người Mỹ.
Tiếng trực thăng Chinook lên xuống không ngừng, tiếng chong chóng đập “phầm phập” rất lớn khiến tôi suy nghĩ ngay là toà đại sứ Mỹ phải gần đâu đây. Bước ra nhà thờ nhìn lên trời, tôi cứ thắc mắc là chiếc nào sẽ ghé xuống đáp ở nhà thờ? Nhìn mãi cả giờ mà không thấy chiếc nào đáp, tôi nản chí. Bây giờ thì không biết ở đâu người ta kéo đến nhà thờ quá đông, ngồi đầy ở sân xi-măng bên ngoài không còn một chỗ trống. Nó làm cho tôi thất vọng não nề: không một chỗ trống cho máy bay đáp xuống thì làm sao mà di tản? Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ đã giữa trưa.
Vào lại bên trong nhà thờ ăn miếng xôi của gia đình vợ anh Tuấn nấu, cứ mỗi giây phút trôi qua là tôi lại càng lo sợ cho ý nghĩ trong đầu mà tôi nghĩ không thể nào sai: sẽ không có máy bay nào đáp xuống vì tôi không thấy bóng dáng của một giáo sĩ Mỹ. Nếu có di tản thì máy bay đã đáp xuống từ ban sáng. Bắt đầu từ hai giờ trở đi, nhiều gia đình cũng có ý nghĩ như tôi nên họ dần dần bỏ về. Nhà thờ ngày càng thưa thớt, bãi xi-măng phía trước bây giờ trở lại trống vắng. Anh tôi nghĩ nhà thờ kiên cố hơn ở nhà, không đi được thì tạm trú ở đây qua đêm tránh bom vẫn tốt hơn ở nhà nên chúng tôi không tham gia với đám người rời bỏ nhà thờ trở về nhà.
Bốn giờ chiều 29/04. Từ lúc đông nhất khoảng năm trăm người, nhà thờ bây giờ chỉ còn vỏn vẹn độ năm gia đình. Vào khoảng ba giờ trưa Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu lên radio ra lệnh cho người Mỹ rời khỏi Việt Nam. Thế là hết. Người Mỹ rời Việt Nam thì SàiGòn chắc chắn sập, vô phương cứu chữa. Chưa bao giờ tôi tuyệt vọng như bây giờ. Cảm giác của tôi bây giờ như là một con heo sắp bị người đồ tể đem ra chọc tiết thì phá chuồng chạy đi, được tự do. Nhưng cái tự do ấy chỉ ngắn gọn vì nó vẫn còn nằm trong phạm vi nông trại không thoát đi đâu được, không sớm thì muộn người đồ tể sẽ bắt nó lại. Đúng ngay giây phút người đồ tể sắp bắt được nó thì một người chạy Vespa đi vào. Anh này tên là Bằng, nói chuyện với anh tôi và sau khi anh ấy lái xe đi, anh Tuấn mặt mừng rỡ nói với cả mọi người:
- Anh Bằng nói ở ngoài bến Bạch Đằng có tầu đi nhiều lắm, mình ra ngoài đó có cơ hội thoát.
Chúng tôi lại có người thẩy cho phao cấp cứu lần thứ hai. Lần này gia đình bố vợ anh Tuấn có chiếc xe cam-nhông nhỏ nên mọi người nhét vào hết trong xe hơi để anh con trai lớn nhất, tên Trung, lái. Anh Thịnh vẫn chở vợ anh ấy trên xe Mobylette. Anh Tuấn chở tôi trên xe Honda. Chiếc xe cam-nhông chạy sau hai chiếc xe gắn máy. Chỉ khoảng mười phút sau chúng tôi đã ra bến Bạch Đằng. Ai vì lệnh giới nghiêm khoá cửa trong nhà, nghĩ rằng ngoài đường chỉ có quân lính thì lầm to. Cả nghìn người nhốn nháo khắp nơi. Người ở trên đường sau khi đập phá vào các building tước đoạt đủ thứ đồ đạc như quạt máy, bàn ghế, nệm giường, quần áo, điện thoại…lũ lượt tìm đủ mọi phương tiện mang về nhà. Người về phía sông thì bao nhiêu ghe thuyền lớn nhỏ đủ loại, chiếc nào nằm nổi trên sông là họ leo lên bu kín không còn chỗ trống như ong lợp tổ. Chạy đến chiếc tầu to nhất, thấy một anh có vẻ như là thủy thủ của chiếc tầu, anh tôi ngước mắt lên, hét hỏi:
- Tầu này đi đâu vậy anh?
Anh chàng với gương mặt bất bình, chửi thề:
- Đ.M., tầu này không có đi đâu hết. Đậu ở đây rồi tự nhiên bà con cô bác ùn ùn leo lên tầu. Không có thuyền trưởng, không có đi đâu hết anh ơi!
Anh tôi nói cám ơn. Không di chuyển được bằng máy bay thì đường thủy bây giờ là con đường thoát duy nhất. Nhưng làm sao đi? Những chiếc tầu nhỏ khi ra đại dương rất nguy hiểm thì đầy những người, trong khi chiếc tầu lớn này thì lại không đi đâu hết. Tiếng súng đạn, tiếng trực thăng, tiếng phản lực, tiếng bom nổ vẫn dồn dập không ngừng làm không ai có thể suy nghĩ chín chắn trong lúc này.
- Anh Thịnh nhìn kìa!
Anh Tuấn hét, chỉ tay về một xà-lan đang trôi chầm chậm trên sông. Xà-lan là một bè sắt lớn hình chữ nhật, diện tích có lẽ bằng một sân tennis, chung quanh là bốn bức tường đầy bao cát cao khoảng ba thước, có lẽ thấp hơn những hàng rào ở sân tennis một tí. Bên ngoài bức tường, ở mép xà-lan chỉ đủ chỗ cho hai người chen vai qua lại. Đằng sau và bên hông có hai “lỗ hổng” to để bên ngoài có thể vào bên trong xà-lan. Quân đội dùng xà-lan để di chuyển súng ống, hàng hóa ở các tỉnh miền Tây, nhất là trên sông Cửu Long. Tường bao cát kín mít nên tránh đạn quân địch bắn từ hai bên bờ sông rất dễ dàng. Nó không có máy nên một chiếc tầu nhỏ khác kẹp ở bên hông đẩy nó đi. Trên chiếc tầu nhỏ này tôi thấy hai người lính Mỹ cầm súng gác. Hai người lính Mỹ này là lý do anh Tuấn chỉ cho anh Thịnh. Cả hai người đồng ý chạy theo cái xà-lan vì nó sẽ đưa mọi người ra Đệ Thất Hạm Đội.
Quyết định như thế xong, mặc cho bao nhiêu người khác tranh nhau leo lên những chiếc tầu đậu trên sông Bạch Đằng, chúng tôi leo lên xe và chạy theo chiếc tầu. Nó chạy trên sông thì chúng tôi bám sát nó dọc theo bờ sông trên đất liền. Tốc độ nó rất là chậm, và cho dù có chạy chậm đến đâu đi nữa cuối cùng nó cũng đến khuất sau hai cánh cổng lợp bằng mái tôn thật to ở Khánh Hội. Anh Thịnh và anh Tuấn ngừng xe. Từ nãy giờ cứ đinh ninh chiếc xe cam-nhông của bố vợ anh Tuấn chạy theo nhưng khi quay đầu lại nhìn thì không thấy bóng dáng chiếc xe đâu hết. Cả hai đều hốt hoảng vì con trai anh Thịnh và vợ anh Tuấn còn ngồi trên chiếc xe cam-nhông. Anh Tuấn nói anh Thịnh ở lại rồi quành đầu xe chạy đi tìm chiếc cam-nhông.
Bố mẹ vợ của anh Tuấn, ông Khoa, di cư vào Nam năm 1954 như gia đình bố mẹ tôi, có một con trai và hai con gái: Anh Trung, chị Nhàn (vợ anh Tuấn) và Diễm. Anh Trung có vợ là chị Thủy, người Nam, và ba đứa con gái nhỏ. Tất cả ngồi trên xe cam-nhông với U tôi, chị em tôi và vợ con anh Thịnh. Anh Tuấn chạy ngược lại con đường, mắt dảo dác nhìn khắp nơi xem có phát hiện ra chiếc cam-nhông. Trong bụng anh thắc mắc ghê gớm không biết tại sao anh Trung không chạy theo anh ấy? Xe hư? Anh Tuấn chạy nhanh quá xe cam nhông bắt không kịp? Hay cảnh sát thổi giữ xe lại? Chạy không đầy một phút thì anh Tuấn thấy chiếc xe cam-nhông đậu ở ngã tư một con đường. Tất cả vẫn còn ngồi trên xe, ngoại trừ hai bố con ông Khoa đang ngồi nói chuyện bên lề đường. Anh Tuấn ngừng xe, nóng lòng hỏi:
- Tại sao bố ngừng xe ở đây? Xe bị hư sao?
- Không, xe không hư. Ông Khoa trả lời.
- Anh Thịnh đã đến chỗ xà-lan đậu rồi, mình phải đi nhanh lên. Tại sao lại đậu xe ở đây?
- Vợ của thằng Trung không muốn đi vì sợ nguy hiểm. Vợ nó không đi thì nó cũng không đi. Tao đang thuyết phục nó đi đây.
- Anh Trung, đã đến đây rồi thì làm sao ở lại được? Phải đi chứ. Đâu phải chỉ có nhà mình thôi đâu mà còn gia đình U em trong xe nữa?
- Chị Thủy không đi thành ra anh phải ở lại với vợ con. Anh Trung trả lời.
- Có tụi em với anh chị mà, thôi đi đi!
Anh Trung uể oải đồng ý, leo lên xe chạy theo anh Tuấn đến chỗ xà-lan ngừng. Anh Thịnh mừng ra mặt khi thấy chiếc xe cam-nhông trở lại với vợ con anh ấy. Bây giờ thì tôi có dịp quan sát chỗ tôi đang đứng. Sau cái cổng có mái tôn che kín, chúng tôi biết chắc là chiếc xà-lan đang đậu ở bên trong. Bên ngoài cổng là bốn, năm người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ với súng M16 trên tay đứng gác không cho ai vào. Con đường trước cổng bây giờ xe cộ nhộn nhịp, dù rằng có lệnh giới nghiêm. Cái cổng quá tầm mắt người thường nên không thể nào một ai có thể biết diễn tiến gì đang xẩy ra bên trong. Đứng độ năm phút thì từ xa tôi thấy có một xe bus mầu vàng, trên xe có rất nhiều người da trắng chạy trờ đến.
Khi xe ngừng thì người lính gác mở cổng cho xe vào rồi nhanh chóng đóng cổng lại. Bây giờ thì tôi khám phá ra đây là một trong những địa điểm di tản của chính phủ Mỹ trong Chiến Dịch Gió Thổi Không Ngừng, Operation Frequent Wind. Người Mỹ, ngoại quốc, hay người Việt Nam được phép di tản đều được cung cấp cho một địa điểm di tản và một mật hiệu bí mật, sẽ phát thanh trên radio Hoa Kỳ. Khi nghe tín hiệu bí mật -Bing Crosby hát bài White Christmas- những người đó đến trình diện ở địa điểm đã cho sẵn. Chiếc xe bus này đến địa điểm bí mật đó chở họ đến đây để rời SàiGòn bằng đường thủy.
Vì hai cánh cửa đã đóng, chúng tôi đứng đợi bên lề đường chờ một chiếc xe bus khác đến để lính Mỹ mở ra rồi ùa vào. Thi hành như dự định, mười phút sau chúng tôi lọt vào bên trong không một chút khó khăn. Tôi cứ tưởng đây là địa điểm di tản nên an ninh được bảo đảm, thế nhưng tôi lầm to. Ở bên ngoài tuy rằng có hỗn loạn nhưng không cướp giật, còn ở đây cướp giật trắng trợn giữa ban ngày. Có khoảng độ chừng hai trăm người nhốn nháo chuẩn bị leo lên xà-lan nhưng cũng có ít nhất một nửa số người khác, phần đông là con nít trẻ trạc bằng tuổi tôi, cướp giật thẳng tay.
Chị Liên đeo một đôi dây chuyền trên cổ, vừa bước ra xe thì một thằng bé đưa tay nắm sợi dây chuyền giật đứt phăng từ trên cổ chị ấy rồi nó lẻn biến mất trong chớp nhoáng. Anh Tuấn vừa ngừng tắt máy xe, một gã thanh niên đã đến hỏi anh ấy nếu anh lên xà-lan rời nước thì đưa chìa khoá xe cho gã. Bà mẹ vợ của anh Tuấn nấu một nồi xôi rất to, khi di chuyển thì để sau xe cam-nhông. Xe vừa ngừng thì một anh thiếu niên thò hai tay vào khiêng thùng xôi lấy chạy đi mất. Cướp giật khắp nơi không lính tráng kiểm soát.
http://www.megaupload.com/?d=M71OI1Q7
Tôi nhìn ra bờ sông thì không phải chỉ có một mà có đến ba chiếc xà-lan. Anh Thịnh, quen với quy củ quân đội, nói gia đình chúng tôi nhanh chân quy tụ thành hàng một rồi bước sang chiếc xe cam-nhông nói gia đình ông Khoa cũng làm như thế. Anh Trung và bố mẹ là ông bà Khoa ra ngoài xe đứng nói chuyện nhưng vợ anh Trung và ba đứa con gái nhỏ vẫn còn ngồi trong xe. Chỉ trong khoảnh khắc là bên gia đình tôi và vợ anh Tuấn, em gái anh Tuấn đã sẵn sàng để di chuyển. Bên kia vẫn chưa nhúc nhích: vợ anh Trung vào giây phút chót đổi ý không muốn đi vì thấy xà-lan nguy hiểm. Anh Thịnh nổi nóng, sau thêm vài phút không đợi được nữa, bảo chúng tôi leo lên xà-lan. Vợ anh Tuấn, chị Nhàn và cô em gái thấy bố mẹ mình không nhúc nhích thì oà lên khóc, hét lớn:
- Anh Trung, chị Thủy, dắt mấy đứa nhỏ đi!
- Thầy U ơi, bỏ hết đi. Theo tụi con leo lên xà-lan!
Ông bà Khoa đang chạm trán với một quyết định sống còn không thể nào giải quyết: nên đi theo hai đứa con gái leo lên xà-lan rời bỏ Việt Nam, bỏ lại đứa con trai duy nhất đến phút cuối cùng quyết định không đi vì vợ, và do đó cũng bỏ lại ba đứa cháu ngoại của hai ông bà? Hay ở lại SàiGòn với vợ chồng nó và mấy đứa cháu ngoại, và như thế thì xa rời hai đứa con gái vĩnh viễn vì chúng nó sắp bước chân đi ra nước ngoài? Trước viễn ảnh thế nào cũng mất con, một là con trai, hai là hai con gái, hai ông bà bật khóc. Chị Nhàn và cô em gái giờ đã leo lên xà-lan cùng gia đình tôi, thấy bố mẹ ra đến đây rồi mà không đi làm cho cả hai điên lên, gào khóc không ngừng. Cả hai thay phiên nhau la hét lên hướng về bố mẹ:
- Thầy U ơi, leo lên tầu đi!
Bà Khoa cất tiếng thuyết phục con trai:
- Trung à, mày ráng thuyết phục vợ mày đi.
Chống cùi chỏ vào cửa sổ thành xe, anh Trung nói với vợ:
- Thôi mình đi đi em.
- Không được đâu. Nhìn cái xà-lan nguy hiểm quá.
- Có gì mà nguy hiểm, người ta đi thì mình cũng đi được chứ sao?
- Nhưng mà ba đứa con mình tụi nó còn nhỏ.
- Thì có Thầy U, rồi cô chú tụi nó lo phụ mình nữa mà.
- Nhưng đi bao nhiêu lâu? Rồi thức ăn, sữa đâu cho con bú?
- Đi ra Vũng Tầu gặp tầu lớn là có thức ăn với sữa chứ gì.
- Anh nói vậy chứ anh đâu biết có thiệt hay là không. Rồi lỡ đi đường trúng đạn chết thì sao? Ở nhà ít ra là không ai chết. Cộng Sản vô nhưng mình là thường dân không làm gì thì đâu có gì sợ, chẳng lẽ họ giết mình sao? Em nhất định không đi.
Quay sang mẹ, anh Trung nói:
- Vợ con nhất quyết không đi nên con phải ở lại.
Bà Khoa nói với chồng:
- Thằng Trung nó không đi thì tôi ở nhà xem cháu.
- Nhưng bà không nhớ mình đã chạy loạn Cộng Sản năm 54 rồi sao? Ông Khoa nói với vợ.
- Tôi nhớ chứ. Nhưng bây giờ tôi già rồi, họ có làm được gì tôi.
- Tôi sợ họ lắm rồi, không thể nào ở lại được. Nhưng vợ chồng cả hai sống chết có nhau. Mình lấy nhau hơn ba mươi năm rồi, làm sao tôi đi nếu bà không đi?
- Tôi biết như vậy, nhưng không thể nào bỏ cháu được. Tôi không đi.
Bà Khoa đã nhất quyết, không thể nào bỏ mấy đứa cháu ngoại. Ông Khoa biết không thể nào thuyết phục được vợ, nước mắt tuôn trào, vẫy tay chào vĩnh biệt hai cô con gái. Chiếc xà-lan thình lình bắt đầu rời bến. Bây giờ không những chỉ có hai chị em chị Nhàn mà tất cả chúng tôi ai nấy cũng khóc thương cho ông bà Khoa ở lại. Chị Nhàn nằm vật vã trên boong tầu:
- Thầy ơi! U ơi! Thế là chúng con mất Thầy U vĩnh viễn rồi. Bao nhiêu năm Thầy U nuôi chúng con khôn lớn mà bây giờ tình cha con mẹ con của mình vĩnh viễn đứt đoạn như thế này…
Tôi khóc cũng một thời gian khá lâu rồi biết không thể nào thay đổi được số phận của mỗi người, nằm trong xà-lan yên lặng ngắm nhìn mây trôi mà không biết chính số phận của mình bây giờ rồi sẽ trôi về đâu? Chiếc xà-lan khởi hành vào lúc 5 giờ 45 chiều. Chỉ trong vòng hơn một giờ là trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Ánh lửa súng đạn bắn nhấp nhoáng khắp bầu trời, thỉnh thoảng có những tiếng nổ ầm thật lớn mà tôi không biết từ đâu đến. Chín giờ tối thì tiếng máy bình bịch của chiếc tầu kéo từ từ dừng hẳn rồi chiếc xà-lan cặp vào bờ. Ý nghĩ tầu cặp bờ, nếu có Việt Cộng họ sẽ leo vào xà-lan được làm tôi run sợ. Thế nhưng giờ này chắc tất cả lực lượng địch quân đang tập trung đánh SàiGòn và trời tối như mực, đứng xa năm chục thước không thể nào thấy chiếc xà-lan trong màn đêm làm tôi hơi vững bụng. Không biết tầu có bị hư gì không mà ngừng độ một tiếng thì xà-lan lại bắt đầu chạy trở lại.
Thứ Tư 30/04/1975:
Hai giờ sáng thì tầu có lẽ chạy gần ra cửa biển nên họ đổi thế kéo. Thay vì chiếc tầu kẹp vào bên hông xà-lan thì nó chạy ra đằng trước, kéo chiếc xà-lan theo. Thỉnh thoảng trong bóng đêm trên mặt sông một vài chiếc ghe chạy bám theo xà-lan xin phép bỏ ghe, vào bên trong xà-lan. Đêm tối đen như mực không biết đâu là hư thực, đâu là Việt Cộng đâu là Cộng Hoà nên những người có súng đã xung phong đứng ở sau xà-lan để kiểm soát. Những người bỏ ghe được phép lên xà-lan với điều kiện nếu họ có súng thì phải vất súng xuống sông. Độ một tiếng nữa thì tôi thấy chiếc xà-lan dừng lại rồi có tiếng người Việt từ chiếc tầu kéo dùng loa phóng thanh truyền tin tức: Trước mặt chúng tôi là một tầu Hải quân Việt Nam ra lệnh cho mình ngừng. Nếu lính trên tầu sang xà-lan bắt đàn ông trong lứa tuổi 17 đến 43 (lứa tuổi cách đây vài tuần ông Thiệu cấm xuất ngoại vì tình hình khẩn trương của đất nước) thì xin mọi người tuân theo lệnh. Hầu như gia đình nào cũng có đàn ông con trai vào lứa tuổi đó nên ai cũng tỏ vẻ quan tâm. Thế nhưng rất nhanh chóng vài người, rồi cả chục người đồng lòng quyết ý theo một anh chàng mặc quần áo lính:
- Đ.M., giờ này mà bắt bớ gì nữa. Bây giờ là mạnh ai nấy lo chạy. Nó qua bắt mình thì đừng có ai đi. Nó có súng mình cũng có súng vậy chứ bộ…
Mọi người chuẩn bị cho cuộc chạm trán thì nửa giờ sau ai nấy thở dài nhẹ nhõm: chiếc tầu Hải Quân Việt Nam sau khi khám phá ra lính Mỹ trên tầu kéo xà-lan thì xin đi theo để cũng tìm đường thoát ra Đệ Thất Hạm Đội.
Bốn giờ sáng thì tầu ra đến cửa biển. Trên mặt biển bây giờ tôi thấy lấp lánh bao nhiêu là ánh đèn từ những chiếc ghe đã ra đây đợi sẵn. Mấy tuần nay ai đọc tin tức cũng biết là Đệ Thất Hạm Đội Mỹ với năm hàm không mẫu hạm đã đến và chờ đợi ở ngoài khơi, chuẩn bị cho cuộc di tản. Vấn đề là không biết những chiếc tầu chiến này nằm ở đâu nên ghe chài cứ chạy ra đến đây rồi nằm chờ. Chiếc tầu kéo xà-lan không bật đèn chạy âm thầm trong bóng đêm nên từ xa những chiếc ghe thuyền khó phát hiện ra nó.
Xà-lan chạy như thế cho đến khoảng bẩy giờ thì trời mưa tầm tã. Không một ai đem theo áo mưa hay một miếng nylon nào nên hầu hết tất cả mọi người quần áo ướt sũng. Không muốn để cho hành lý bị ướt, người nào cũng dùng thân mình che bọc nó, hy vọng hành lý vẫn được khô. Cơn mưa kéo dài cả giờ, và lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy lạnh kinh khủng. Ngày xưa còn bé mỗi lần mưa tôi cởi áo ra tắm mưa cả hàng giờ mà có khi nào thấy lạnh? Bây giờ thì mặc cho tôi đứng lên ngồi xuống, len lỏi qua bao nhiêu là người, đi vào đi ra, cái lạnh nó vẫn nằm trong tận cùng tim phổi. Lạnh đến nỗi tôi đã có ý nghĩ trong đầu là thà chết còn sướng hơn.
Từ sáng đến giờ không một ai biết là tầu sẽ đi đâu nên từ khi ánh bình minh ló dạng, mọi người cứ khoắc khoải nhìn về phía trước để xem có thấy hình dạng bất cứ một chiếc tầu chiến Mỹ nào không. Đến độ chín giờ thì tôi thấy lố nhố một hàng đen ngòm ở chân trời. Một khung cảnh và cảm tưởng không thể nào quên vì tôi nghĩ đã chứng kiến một cảnh biểu dương oai nghi hùng vĩ của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ: hằng hà sa số chấm đen rạp cả một chân trời. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm là cuối cùng mình cũng đến đích. Thế nhưng khi chạy gần đến thì mới vỡ lẽ: hàng trăm chấm đen ấy lại là ghe tầu Việt Nam thứ hai đợi sẵn ngoài khơi! Bây giờ trời đã sáng tỏ, những ghe thuyền này phát hiện ra xà-lan dễ dàng và tất cả chạy theo, tuy rằng họ giữ một khoảng cách xa xa.
11 giờ sáng: Một hình ảnh đẹp nhất trong đời tôi đã từng chứng kiến: một chiến hạm Hoa Kỳ của Đệ Thất Hạm Đội nằm lênh đênh giữa biển. Nó biểu tượng cho sự tự do! Chiếc tầu nhỏ kéo xà-lan cặp vào phần sau đuôi tầu và trên tầu lính Mỹ thòng một cầu thang xuống phần trước của xà-lan. Đoàn ghe thuyền đi theo biết rằng cũng sắp sửa nếm mùi tự do như chúng tôi nên gia tăng tốc độ chạy đến xà-lan. Thế nhưng số phận họ chưa được may mắn bằng chúng tôi: lính Mỹ trên tầu bắn chặn phần đầu ghe, ngăn chận đoàn ghe đến gần chiếc xà-lan. Họ cứ bắn liên tiếp như vậy cho đến một lúc những ghe dẫn đầu phải quành ghe lái rời xa chiếc xà-lan. Trên tầu chiến họ ra lệnh không một ai được phép mang súng ống lên tầu nên ai có mang thì phải vất hết xuống biển. Mấy người lính trên xà-lan tuần tự tháo súng, gỡ lựu đạn quăng xuống biển. Anh Thịnh có mang theo khẩu súng Colt nên lặng lẽ theo mọi người ra mép xà-lan vất súng xuống biển.
Bên trong xà-lan tôi nghe văng vẳng tiếng lính Mỹ trên tầu quát tháo qua ống phóng loa:
- Women and children go first! Women and children go first!
Đám người trong xà-lan tranh nhau ra đằng trước đến chân cầu thang. Toán người đầu tiên không tuân theo lệnh chỉ có đàn bà và con nít đi trước nên lẫn lộn cả đàn ông. Thế nhưng khi mấy ông Việt Nam hùng hổ gạt đàn bà con nít khác để đi theo vợ con mình thì lính Mỹ trên tầu bắn chỉ thiên, ra lệnh cho họ xuống khỏi cầu thang, đợi trên xà-lan. Khi hầu hết đám đàn bà và con nít đã leo thang vào trong chiến hạm Mỹ, Việt Cộng pháo kích từ trong đất liền. Từ đằng xa tôi có thể thấy một quả đạn pháo rớt xuống biển, bắn tung nước lên cao. Cả trăm chiếc ghe nãy giờ đậu quây quần chiếc chiến hạm Mỹ ở khoảng cách xa xa bây giờ bỏ chạy tung toé khắp nơi, không muốn tụ tập một chỗ để làm bia pháo cho quân địch. Đợi cho người đàn bà và con nít cuối cùng leo lên tầu, lính Mỹ trên tầu rút thang và chiếc tầu chiến rồ máy bắt đầu chạy về phía biển khơi để tránh đạn pháo, kéo theo chiếc xà-lan. Đám đàn ông còn kẹt lại trong xà-lan, kể cả bốn anh em tôi, hốt hoảng vì vợ con mình đã lên tầu mà mình thì còn kẹt lại ở dưới. Một đám đàn ông ùa đến phần đầu xà-lan chỗ cái thang vừa rút lên, la oái oái “Vợ tôi, mẹ tôi, con tôi ở trên tầu, cho tôi lên!”. Một hàng lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đứng dàn hàng trên tầu chiến nơi đầu cầu thang hét to:
- Sit down! Sit down!
Gọi vài lần như thế mà đám đông vẫn hỗn loạn nên lính Mỹ bắn một tràng chỉ thiên lên trời. Nghe tiếng súng, mấy ông Việt Nam tái mặt ngồi bệt xuống đất. Mang cùng dòng máu người Việt mục kích cảnh hỗn loạn tranh giành phần sống về mình, đến giờ tôi vẫn còn xấu hổ khi nghĩ đến cảnh vài anh chàng con nít Mỹ phải dùng đến súng để thị uy đám đàn ông Việt Nam lớn tuổi vào trật tự quy củ.
Chạy như thế khoảng nửa giờ xa khỏi tầm pháo từ đất liền, chiếc tầu chiến ngừng lại, thòng thang xuống cho đám đàn ông leo lên. Khi xà lan đã lên hết người, một chiếc xà-lan khác lại cặp vào và cứ như thế người tỵ nạn leo lên cho đến lúc đầy tầu. Khi chúng tôi lên tầu, vì đàn bà đã lên trước không biết họ ở đâu nên anh Thịnh ra phần trước tầu, còn anh Tuấn dẫn tôi và đứa em ra sau tầu để tìm. Chúng tôi không ngờ là để tránh hỗn loạn đi qua lại giữa đầu tầu và cuối tầu, lính Mỹ gác ở giữa tầu không cho người hai bên qua lại. Thế là cả một tuần tầu đi đến Subic Bay Phi Luật Tân, anh em tôi bị chia rẽ người đầu tầu, kẻ cuối tầu. Rất may là anh Thịnh tình nguyện làm bác sĩ chữa bệnh, anh ấy có quyền đi qua lại trên tầu nên cuối cùng chúng tôi cũng đoàn tụ: ngày cuối cùng khi tầu sắp cặp bến Subic, anh Thịnh biết người Mỹ sẽ cho người ở nửa đầu tầu xuống Subic để di tản bằng phi cơ sang Guam, phần còn lại sau tầu sẽ tiếp tục cuộc hành trình bằng đường thủy đến cùng một chỗ. Đêm hôm ấy anh giả chúng tôi là bệnh nhân và khiêng chúng tôi từng người một qua phần đầu tầu.
Khi đã tìm được một chỗ trong khoang tầu trú ngụ, tôi bật radio: SàiGòn đã lọt vào tay Cộng Sản. Trong khi ở ngoài khơi chúng tôi chứng kiến sự hiện diện cuối cùng của người Mỹ ở Việt Nam thì vài giờ trước đó trong đất liền ở toà đại sứ Hoa Kỳ vào lúc 5 giờ sáng, Đại Sứ Graham Martin đáp trực thăng rời SàiGòn. Một khi biết Martin đã lên máy bay, Tổng Thống Ford ra lệnh chấm dứt cuộc di tản. Sau khi nhân viên CIA và lính cận vệ cuối cùng nối đuôi theo Martin ra Đệ Thất Hạm Đội, tòa đại sứ Mỹ chỉ còn khoảng 30 lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.
Ba mươi lính phải đương đầu với hơn 400 người Việt vẫn còn bên trong sân nghĩ rằng mình sẽ được di tản nhưng không biết là máy bay sẽ không trở lại, và hơn 5000 người bao vây bên ngoài đang tìm lối vào bên trong. Lính Mỹ đã thiết lập sẵn ba vòng đai bên trong toà đại sứ. Khi người Mỹ cuối cùng đã được trực thăng di tản, họ bắt đầu rút lui từ vòng đai một, tử thủ cho phần đất cuối cùng là sân thượng để chính những người lính Mỹ này cũng được di tản. Cái vòng đai thứ nhất là cổng chính. Nhờ dây xích khoá lại mà đám đông bên ngoài không đẩy vào. Thay vào đó, họ leo tường tràn vào nhưng trong suốt thời gian trực thăng đáp xuống di tản, lính Mỹ thành công trong việc phòng thủ cổng, xô ngược những người trèo rào rớt qua trở lại bên kia tường.
Khi được lệnh rút lui lên sân thượng, họ bỏ vòng đai thứ nhất đó, chạy vào bên trong toà đại sứ và khoá cửa lại. Đám người bên ngoài nhận thấy không còn lính gác cổng nên thi nhau trèo tường để vào. Bên trong khuôn viên toà đại sứ cũng có cả trăm người Việt Nam chờ đợi di tản, thế nhưng số họ không may vì không còn trực thăng vào đón họ nữa. Khi thấy lính Mỹ rút vào bên trong toà đại sứ và đóng cửa lại, họ chợt nhận ra là sẽ không có máy bay đáp xuống sân và con đường duy nhất để đi là lên sân thượng đón trực thăng nên đám người bên trong họp với đám người bên ngoài ùa nhau vào cửa chính.
Đối diện với cả nghìn người mà ngay chính quân mình chỉ có trên dưới 30 lính, lựu đạn cay có lẽ là phương thức nhanh nhất để giải toả đám đông nhưng đám Thủy Quân Lục Chiến Mỹ không dám dùng. Thứ nhất là họ không muốn khiêu khích đám đông. Nếu đám đông nổi giận xông vào cùng một lúc thì bắn bao nhiêu đạn đám lính cũng không thể nào thoát khỏi SàiGòn, và thứ hai là không một anh lính nào mang mặt nạ chống lựu đạn cay. Ném lựu đạn đi mà đám đông nhặt rồi ném lại thì ngay chính lính Mỹ cũng bị ngửi hơi cay.
Đám lính rút lên vòng đai cuối cùng là cửa đến sân thượng mái nhà. Họ đổ ngã tủ sắt, lấy những bình chữa lửa khổng lồ chặn cửa để bên ngoài không đẩy cửa vào được. Khoảng 30, 40 người Việt Nam đã phá được cửa bên kia, leo lên sân máy bay trực thăng thường đậu. Thế nhưng từ đó họ không thể nào trèo sang mái nhà sân thượng bên này. Tất cả lính được lệnh cởi bỏ hành trang lại để có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Cả đám chia nhau tấn cửa và quan sát từ trên mái nhà, đề phòng đạn bắn. Tim mọi người đập liên hồi vì họ có thể nghe thấy đám đông Việt Nam đã phá cửa bên dưới, tràn lên bên trên và tìm mọi cách phá bên kia cửa. Nửa giờ đồng hồ đợi trực thăng từ ngoài khơi Vũng Tầu bay trở lại đón tưởng chừng như không bao giờ đến, thế nhưng cuối cùng chiếc CH-46 xuất hiện, đáp xuống và di tản những người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cuối cùng rời khỏi SàiGòn: 7 giờ 53 sáng ngày 30/04/1975.
Đúng 10 giờ sáng, Dương văn Minh phát thanh trên radio tuyên bố đầu hàng. Ký giả Tiziano Terzani người Ý-Đại-Lợi ở trên khách sạn Caravelle nhìn xuống đường Lê Lợi thấy Trung Tá cảnh sát Nguyễn Văn Long đến đứng trước tượng người lính ở công trường trước Quốc Hội, rút súng để vào thái dương bắn tự sát. Độ vài phút sau khi ông ta đang nằm chết, một người lái xe gắn máy đến lấy khẩu súng và một người khác nữa gỡ đồng hồ đeo tay của ông ấy.
Chiến hạm Muller chở chúng tôi đến căn cứ vịnh Subic, Phi Luật Tân vào lúc sáu giờ chiều ngày 04/5/1975. Sau khi tiêu khiển vài thời gian trong trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân, Orote Point và Asan ở Guam, ngày 30/5 gia đình tôi nhập trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap thuộc tiểu bang Pensylvania ở Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 7, tất cả mọi người ngoại trừ U tôi và vợ chồng anh Thịnh được một nhà thờ bảo trợ về định cư ở San Diego. Anh Thịnh không đi, tình nguyện ở lại trại làm bác sĩ chữa trị bệnh nhân cho đến lúc trại đóng cửa ba năm sau, khi người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng rời trại.
Từ ngày sang Mỹ, tôi không hề nghĩ đến việc viết lại ngày định mệnh tôi may mắn rời SàiGòn. Lý do là câu chuyện không có gì đặc sắc và chắc chắn là không sống động bằng nghìn câu chuyện rời nước ra đi của bao người khác. Thế nhưng con tôi bây giờ đã lớn, nhiều lúc có đứa hỏi tôi sang Mỹ vào trường hợp nào. Tuy rằng có kể cho chúng nó nghe qua loa về chuyến phiêu lưu rời quê hương, tôi chưa bao giờ kể chi tiết mà cứ nhủ thầm trong lòng là một ngày nào sẽ viết cho chúng nó đọc. Hôm nay thì tôi nhận thức được là tóc tôi bây giờ đã bạc mầu, không viết thì có thể sẽ không còn cơ hội nên tôi viết lại chuyến đi này, trước bằng tiếng Việt, và sau đó sẽ dịch qua tiếng Anh cho chúng nó hiểu.
Đời sống con người luôn luôn bị kích thích cám dỗ ham vui cái sướng, quên cái khổ, quên ơn người khác. Đời sống cũng làm cho mình hay than phiền nếu thấy người khác may mắn trong khi số mình bất hạnh. Có ngồi xuống viết và bỏ thì giờ ngẫm nghĩ tôi mới thấy tuy ban đầu tôi xấu số không có cách nào đi được vào tháng 4 năm 1975 nhưng sau này lại may mắn được đi Mỹ. Nó dậy cho tôi một bài học số phận trời cho mình như thế nào thì tìm đủ mọi cách làm cho nó tốt hơn, đừng bao giờ than phiền. Có ngồi xuống viết thì tôi mới nhận thức ra là không nhờ anh Tuấn về nhà nói ra nhà thờ Trần Cao Vân thì cả gia đình tôi vẫn còn kẹt lại. Có ngồi xuống viết tôi mới thấy bao nhiêu người Mỹ đã hết lòng cứu người Việt Nam sang đất tự do của họ. Những người này làm ơn cho tôi vì lòng hảo tâm, hoàn toàn không nghĩ đến sự trả ơn hay tốn kém thì chính tôi cũng nên theo cái gương sáng đó mà tiếp tục cái nghĩa cữ hào hùng, khi có dịp thì làm ơn lại cho những người khác.
Nguyễn Tài Ngọc
Tháng 4, 2010
http://www.megaupload.com/?d=OQBDA5BF
http://www.megaupload.com/?d=VRPNQU28
http://www.megaupload.com/?d=4XZL5HOE
http://www.megaupload.com/?d=D0SO7IFG
http://www.megaupload.com/?d=DTQCVS9X
http://www.megaupload.com/?d=YWAJF6R9
12 GIỜ TRƯA CỦA NỀN CỘNG HOÀ
Năm trước, mẹ nói: “Hổm rày đánh lớn dữ, đâu tới miền trung. Người ta mới họp báo.” Tôi nói người ta tới rồi, thắng rồi, và mình đã bỏ chạy qua Mỹ sống rồi, ba mươi mấy năm trước. Mẹ nhìn tôi ngờ ngợ. Mẹ thấy gió biển Vũng Tàu vẫn thổi qua ngọn cây hiếm hoi còn sót lại bên vách thành trường Quân Cảnh cũ.
Ba mươi mấy năm. Cái chết vẫn đang đến. Trong trí nhớ Alzheimer của mẹ.
Ký ức của mẹ từ chối theo tuần tự lịch sử. Hiện thực lẫn lộn đi theo một trật tự tình cảm nào đó trong đầu. Mẹ về sống ở Việt Nam 5 năm trước, sau 30 năm ở Mỹ, khi bắt đầu bịnh nặng. Tuy không nhớ đã từng ở Mỹ, mẹ vẫn nhớ con cháu bên đó. Và mẹ vẫn nhớ một Việt Nam khác, một Vũng Tàu khác, những con đường mang tên Pháp, và những người trong thế giới thời mẹ còn là cô Hoá, con gái ông Võ Ngọc Chấn. Một hôm tôi hỏi về cha nuôi người Pháp của ông ngoại. Mẹ nói: Ông Portpoteau, nhà đường Lapoussière, sau này để lại cho ông ngoại. Tôi không biết viết những tên đó làm sao, hỏi: La poussière, như bụi? Mẹ nói: đường rạp hát đi xuống tới biển thì nhà bên góc trái.
Một địa đồ trái giờ, đọng vết như bụi.
Những truyện ngắn của tôi đều hư cấu trên địa đồ của mẹ. Những nhân vật của tôi đi, chạy, vấp trên những khúc đường chồng bóng lên nhau trong ký ức của mẹ. Từ lúc nhỏ, tôi hay chống lại ý mẹ. Khi đã lớn, tôi hay cãi vã với mẹ về lịch sử gia đình. Có lần tôi nói, trong cái nhìn của họ, ông ngoại thuộc giai cấp giàu nhờ thực dân, bóc lột, thì họ làm cách mạng bằng cách tịch thu tài sản mẹ. Mẹ giận tôi suốt một tuần, nói con rời Việt Nam còn nhỏ, con không biết. Tôi vác ghế đập vỡ cửa kiếng nhà ở Garden Grove.
Nhưng tôi không có một Việt Nam không có mẹ.
Vậy mà trong ký ức mẹ cho đến chết không có nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Không có đường mang tên Lý Tự Trọng chạy từ rạp hát Võ Ngọc Chấn xuống Bãi Trước ở Vũng Tàu. Vậy mà hiện thời tôi đang sống với Chánh ở đường Lý Tự Trọng trong một thành phố khác cũng không có tên trong ký ức của mẹ: Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hiện thực của cuộc chiến thắng không đương nhiên, không tất yếu. Chỉ có những con đường Lý Tự Trọng chồng lên những con đường đọng vệt trong những ký ức trái giờ.
Buổi tối cuối tháng Tư, chúng tôi rủ vài người bạn đến xem phim Giải Phóng Sài Gòn. Phim lợt lạt, chúng tôi chỉ mong đến 12 giờ trưa xe tăng ‘giải phóng quân’ ủi sập cổng dinh Độc Lập để tan hàng tắt đèn đi ngủ. Thời điểm gần kết cục cuộc chiến trong phim làm tôi nhớ Mammy trong Cuốn theo Chiều Gió lúc quân miền Bắc vây hãm Atlanta. Tôi nhại Mammy chạy qua chạy lại lải nhải Dem Yankees a-comin’ I sho don’t know why dey a-comin’ but dey a-comin’.
Không biết Mammy có nói câu đó không. Nhưng nửa đêm, tôi xoay trở cứ nghe vẳng bên tai: I don’t know why they’re coming but they’re coming I don’t know why I don’t know why. Đêm 26 rạng 27, quân đội nhân dân ôm AK lù lù đi ngập đường Lý Tự Trọng, dưới ánh đèn vàng và giữa những cây me đổ bóng đen. Họ tập dợt chuẩn bị cho cuộc diễn binh qua thành phố vào ngày 30.
Cái chết luôn được tập dợt.
Mẹ kể lúc Pháp trở lại, Phòng Nhì bắt ông ngoại vì họ nghĩ ông hẳn làm kinh tài cho kháng chiến. Ông ngoại bị tra tấn, xác quăng ra ngoài khoảng sân có đường mương. Nửa đêm mấy người phục dịch nghe tiếng rên, biết là còn sống nhưng không ai dám cứu. Hôm sau họ chở ông ngoại ra vùi ngoài động cát. Hai mươi năm sau mẹ mới tìm ra chỗ. Tôi nhớ hồi mẹ lấy cốt ông ngoại, gió thổi phập phều miếng vải căng che nắng. Xương ông ngoại khô ráo. Mẹ nhận ra hàm răng.
Mẹ thân với ba lúc làm giao liên kháng chiến. Ba chỉ huy một đơn vị kháng chiến không Việt Minh ở miền nam. Năm 1948 ba sắp xếp cho mẹ dẫn bà ngoại đi thăm cậu Ba du học bên Tây về theo kháng chiến, đang chết ở một chiến khu khác vì bệnh ho lao mà lại từ chối vô nhà thương Tây.
Năm ngoái, những ngày tháng cuối ở Vũng Tàu, trong cơn hoảng loạn giữa lỗ hổng của ký ức, mẹ khóc đòi về nhà. Nửa khuya, tôi đành đẩy xe lăn cho mẹ đến trước cổng nhà để chỉ cho mẹ thấy biển đề Ban Tổ Chức Đảng Bà Rịa Vũng Tàu. Mẹ vẫn không hiểu tại sao mẹ không thể về ngủ ở nhà mình, chỗ mẹ có trồng gốc bay nấu ca-ri mẹ thả vô mươi lá. Không thể hiểu.
Ông, ba, mẹ, cậu, chú — nền độc lập mà họ tranh đấu đã bị người khác sở hữu từ năm 1954, để cộng vào thắng lợi miền nam năm 1975. Đất nước sau 30 tháng 4 không còn thuộc về họ, hay con cháu họ. Có lẽ vì thế mà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có trong ký ức của mẹ. Cho những người như họ, những người mất mọi danh xưng ngoài danh hiệu yêu nước đã bị người chiến thắng quản lý, thì cái chết mãi đang đến.
http://www.megaupload.com/?d=KXQQYE6T
http://www.megaupload.com/?d=VGW2ROIP
http://www.megaupload.com/?d=VKNM7C9U
• Chinh chiến cũng qua rồi em hỡi
Thiên thu còn giọt lệ cho đời
( Ngọc Phi )
1.
Tôi sọan lại chồng sách đã ngày một bề bộn. Tình cờ bắt gặp mấy bộ sách Sử Việt, được in ra rất trang trọng từ những e-books tôi nhặt nhạnh trên Internet. Gọi đứa con gái lớn nay đã học lớp 10 trung học , bảo con hãy tìm thì giờ đọc những quyển sách này. Đó là lịch sử đất nước mình. Con có bổn phận phải biết và nhớ. Đứa con gái ngoan ngõan, như thường lệ, nhìn bố và dạ. Tiếng dạ có âm thanh của sự miễn cưỡng. Tôi biết rồi nó sẽ để đâu đó trong tủ sách riêng của mình, cũng hiện đang bề bộn không kém của bố, và . . . quên. Có hỏi tới, nó cũng sẽ có rất nhiều những lý do chính đáng để hẹn lần hẹn lựa, chính đáng cũng như những lý do tôi bắt con phải học Sử Việt.
Lạc Long Quân Âu Cơ và cái bọc trăm trứng trăm con là gì ? Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ là ai ? 30 tháng 4 là dấu mốc lịch sử nào mà người ta cứ nhắc đến hòai ?
Con tôi sống ở ngòai đất nước. Cái khiếm khuyết của nó là không biết nhiều về Sử Việt Nam, cổ đại cũng như cận đại, dù sự hiện diện của nó ở một mảnh đất ngòai tổ quốc bắt nguồn từ một giai đọan lịch sử thật khó quên ( với những người sống trong giai đọan ấy ). Phần lớn những đứa trẻ sinh ở ngòai đất nước đều mang cái khiếm khuyết giống như con tôi.
Những đứa trẻ sinh sống ở trong nước, không mang cái khiếm khuyết giống như bạn đồng lứa sống ở ngòai đất nước. Chúng được học Sử Việt từ lúc mới bắt đầu biết đọc, biết viết. Nhưng hiểu biết của chúng về Sử Việt cận đại lại là thứ hiểu biết về một lịch sử không đúng như nó đã xảy ra, một lịch sử bị bóp méo cho phù hợp với ý muốn của nhóm cầm quyền, của phe thắng trận. Một lịch sử mà tính chân thực của nó đã bị hy sinh cho quyền lợi , danh vọng hão huyền của một nhóm người.
Dù không biết chút về lịch sử cận đại, hay biết một cách lệch lạc, thì gần 4 triệu con người ở cả hai miền Nam Bắc bỏ mình trong giai đọan lịch sử ấy vẫn là những nạn nhân có thật của một cuộc tương tàn. 34 năm chưa đủ dài để những oan hồn siêu thóat. Lại càng quá ngắn để người trong cuộc có thể quên đi những hồi ức nghiệt ngã. Lại càng ngắn hơn nữa để cho những người xuyên tạc lịch sử có được một khỏang cách an tòan mà can đảm ( và âm thầm ) sửa chữa những lỗi lầm của mình, để cho những người đã từng góp phần tạo nên lịch sử đủ thời gian nguôi ngoai mà thành khẩn xưng tội với đất nước, với đồng đội , nói ra những sự thật chưa bao giờ được hé môi.
2.
Mà máu xương buồn vấy,
Chân em thơ dại
Và trên đường nơi em qua lại,
Sao lòng chắc không ai,
Đã nằm chết nơi đây,
Duới mặt đất này
Để đừng đạp trên,
mặt người ngủ yên
( Nụ Vàng – Nguyễn đình Tòan )
Những bóng ma , những oan hồn của cuộc chiến tàn khốc. Họ còn nằm đâu đó bên cạnh đạn bom của qúa khứ. Họ cũng bị đóng băng cùng với ngày tháng và trí nhớ của cả bên này lẫn bên kia. Nhưng họ không nói được. Người chết có bao giờ nói được. Họ nhiều và nằm chật hết cả mảnh đất chữ S khiến người nhạc sĩ phải hỏi thế hệ mai sau rằng, trên những con đuờng em bước qua có chắc là em sẽ không đạp lên những mặt người đang nằm ngủ yên từ cuộc chiến khi em chưa sinh ra đời . Vì không nói được nên những người sống đã dành nói hết. Nói từ mấy chục năm nay rồi, và sẽ còn nói nữa cho đến khi . . . chết.
Lịch sử, thực ra là lịch sử của người chết. Nó như một vực thẳm không đáy, chứa không biết bao nhiêu là xác người : xác lính, xác dân, xác trẻ con, xác kẻ ác, xác người hiền, xác đấng anh hùng, xác kẻ hèn hạ nhút nhát. Chỉ có người làm ra lịch sử mới thấu hiểu hết cái đau thương của lịch sử. Nhưng muôn đời, kẻ làm ra lịch sử phải chết để cho lịch sử được thành hình, nên có bao giờ người chết hiểu được nỗi đau thương của lịch sử. Và thế là người còn sống cứ tha hồ mà huyênh hoang và . . . vô cảm. Oan nghiệt thật. Nỗi đau thương của lịch sử ( chiến tranh ) không bao giờ được thấu hiểu. Thế là chiến tranh cứ tiếp diễn. Lịch sử cứ tiếp diễn. Cùng với thế giới người chết ngày một đông đảo hơn.
Thế nên, ngày 30 tháng 4 vẫn còn được nhắc tới. Hàng năm. Nhưng cái điều cần thiết nhất là sống cho tử tế, sống cho xứng đáng là kẻ sống sót thì ít người nghĩ tới, nhớ tới. Nhất là bên được gọi là thắng trận. Câu nói mộc mạc của một người con đi tìm mộ cha sau hơn 30 năm mới biết được tông tích đã làm tôi nghẹt thở : “ ba mươi mấy năm trước bắt người ta đi cải tạo, thì bây giờ cũng phải có trách nhiệm đem người ta về nhà chớ, dù người ta bây giờ chỉ còn là một dúm xương khô! “ .
3.
Thế hệ con cháu chúng ta cũng sẽ nhắc đến ngày 30 tháng 4, như một ngày trong bất cứ ngày nào của một năm 365 ngày. Kẻ có học lịch sử, sẽ biết đó là ngày miền Bắc chiếm trọn miền Nam, thống nhất đất nước và thực hiện chế độ Cộng Sản trên bình diện cả nước. Với những người còn lại, ngày 30 tháng 4 chỉ đơn giản là ngày đánh dấu sự có mặt của tổ tiên họ trên những mảnh đất không phải Việt Nam. Dĩ nhiên, cha ông chúng hẳn sẽ không hài lòng. Họ muốn con cháu của họ phải nhớ đến sự kiện lịch sử ấy như họ đã nhớ.
Nhưng cũng như bao giai đọan trước đây trong lịch sử dân tộc, các thế hệ tiếp nối luôn luôn quá bận bịu với những vấn đề riêng của thế hệ mình , cộng với cái nhìn hòan tòan khác về một giai đọan lịch sử đã xẩy ra, nên họ từ chối lời khuyên bảo của người đi trước, dù rất thông cảm với một quá khứ đau thương của cha anh. Thông cảm, nhưng thế hệ trẻ không thể phủ nhận chính mình bằng cách lập lại rập khuôn cái cách thế hệ trước đối phó với các vấn đề của lịch sử. Họ sẽ chọn con đường riêng, cách thức riêng của mình và mạnh dạn rũ sạch mọi gánh nặng của quá khứ dù người cha đáng kính có tha thiết muốn đặt quá khứ ấy lên vai của con mình. Vô ích. Vì họ cũng sẽ lên đuờng với sự cô đơn rất ngạo nghễ như mấy chục năm trước người cha đã từ biệt gia đình để lên đường.
Hãy nghe một người thuộc thế hệ Một Rưỡi nói về mình. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh mới chỉ là một đứa bé 7 tuổi, lẽo đẽo theo mẹ “ chạy trốn súng đạn “ cùng với đòan người hỏang hốt trong đêm ( Việt cộng tràn vào và Quốc gia bỏ chạy ) :
“ 30/4/2007 – Ba mươi hai năm. Thằng bé, ngày trước theo chân mẹ trong đoàn người chạy giặc đêm cháy đồn, nay đã lớn. Hắn hiểu được vài chuyện, nhớ vài chuyện, kể cả chuyện không muốn nhớ, không muốn bị ám ảnh như những chuyện từ cái ngày 30/4 xưa xa đó.
Đối với hắn, với đám bạn ấu thơ của hắn, 30/4 đơn giản chỉ là một ngày gợi nhớ những ký ức không vui của những năm tháng cũ.
Nhưng đó chỉ là đối với hắn và bạn bè của hắn.
Đối với nhiều thế hệ trước hắn, 30/4 vẫn là một ám ảnh của vinh quang và tủi nhục. Như một nhân chứng của lòng người ly tán, 30/4 được gọi bởi nhiều tên, kiêu hãnh như “Ngày Thống nhất đất nước”, ngạo mạn như “Ngày giải phóng miền Nam”, hay tủi nhục như “Ngày Quốc hận”, “Ngày mất nước”, bất lực như “Ngày cộng sản cưỡng chiếm miền nam”. Đó là một ngày mà kẻ chiến thắng trở về với thói huênh hoang, và người bại trận sống lại với nỗi đau bức tử.
Thế hệ của tôi không chiến thắng cũng không chiến bại. Chúng tôi chỉ thừa hưởng một gia sản tan nát từ những hận thù, những nhầm lẫn của những người đi trước. Không phải để huênh hoang, không phải để buồn tủi, 30/4 của chúng tôi chỉ là một dịp để nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè mình, nhìn lại từng cuộc đời, từng nỗi đau để hiểu, để chia sẻ, để tìm về. ( Trần Trung Việt – Những ngày 30 tháng 4 -dcvblogs on October 22, 2007).
4.
Một bài học lịch sử được nhắc lại, trước hết là cho những thế hệ tương lai .Đó là mục tiêu chính của việc nhìn lại quá khứ.
Biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 đã xác định một bên là kẻ chiến thắng, bên kia là kẻ chiến bại sau hơn 20 năm đối đầu. Hay ít ra cũng gây nên tâm thức thắng bại nơi những người tham chiến. Thiết tưởng, sau hơn 30 năm chiến tranh chấm dứt, tâm thức thắng bại ấy chỉ nên giữ riêng cho những người thuộc thế hệ trong cuộc.
Hãy để những thế hệ tương lai rút ra những bài học lịch sử có ích cho thế hệ của họ, theo cách nhìn lịch sử ( trung thực ) của riêng họ, như một người trẻ đã nói lên suy nghĩ của mình :
Thế hệ của tôi không chiến thắng cũng không chiến bại ( Trần Trung Việt)
5.
Chúng ta đã chôn cất người chết. Tất nhiên, người chết – nhất là những người chết vì chiến tranh – đáng được tưởng nhớ đến nhưng không ai sống với người chết.
Chúng ta đã cố quên đi những nỗi đau, dù không thể một sớm một chiều, nhưng dẫu cho chúng vẫn canh cánh bên lòng, cũng không ai muốn sống với những nỗi đau, vì như thế có nghĩa là tự hủy họai chính mình.
Và dù người chết ( đồng bào, đồng đội ) và những nỗi đau ( thể xác lẫn tâm hồn ) có ám ảnh chúng ta đến thế nào đi chăng nữa, thì – một cách công bằng – chúng ta không có quyền buộc những thế hệ nối tiếp phải nhớ đến những người chết , theo cái cách như chúng ta đã nhớ, phải đau những nỗi đau, theo cái cách như chúng ta đã đau. Họ có sứ mạng riêng của thời đại họ sống. Và chắc chắn, họ cũng sẽ có những trăn trở nhức nhối trong khi hòan thành sứ mạng ấy, như chúng ta đã từng trăn trở nhức nhối trong thời đại của mình. Đừng bắt họ mang thêm gánh nặng của quá khứ một cách không cần thiết.
Lịch sử đã sang trang. Những người trẻ sẽ hòan thành những điều chúng ta chỉ mơ ước. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với mặc cảm thắng bại trong tâm tưởng chúng ta, mỗi khi đối diện với ngày 30 tháng 4 trên tờ lịch hàng năm. ( Thêm một ngày 30 tháng 4 – tạp chí Cadao tháng 4-2007).
T.Vấn
( Tháng 4 năm 2009)
TÂM CA (PHẠM DUY)- ĐỂ LẠI CHO EM...NHỮNG GÌ?
NAM LỘC - NGƯỜI NHẠC SĨ CỦA THÁNG TƯ
http://vietnamdanchu.multiply.com/journal/item/1829/1829
http://vietnamdanchu.multiply.com/journal/item/1820/1820
http://trannhandinh.multiply.com/journal/item/73/BA_MUOI_THANG_TU_30041975
http://dandennuocviet.multiply.com/journal/item/462/462
http://www.washingtontimes.com/news/2010/apr/26/sanders-vietnam-in-sadness-but-not-in-shame/