Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Nhân ngày 30 tháng 4 thứ 35

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày đánh dấu cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam chấm dứt.

Cuộc chiến ấy có kẻ thắng không ? nhà báo Mỹ Stanley Karnow, người lăn lộn với cuộc chiến ấy từ đầu đến cuối, trong chương mở đầu tác phẩm quan trọng nhất của ông về chiến tranh Việt Nam : “ Vietnam : A History “, đã cho rằng “ Ít ra , theo ngôn ngữ nhân văn, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không có kẻ chiến thắng, hay đó chỉ là cuộc xung đột giữa những nạn nhân. Nguồn gốc của nó rất phức tạp, những bài học còn là đâu đề tranh cãi, và những hậu quả của nó vẫn còn phải được đánh gía bởi các thế hệ tương lai .” (1)

35 năm sau ngày cuộc chiến chấm dứt, 27 năm sau ngày ông Karnow viết những dòng nhận định khiến cả thế giới lưu tâm ấy, hẳn sẽ có càng ngày càng ít người không đồng ý với vị sử gia người Mỹ đã từng đọat giải thưởng uy tín nhất về Báo Chí , Pulitzer, cho những công trình khảo cứu về chiến tranh thế giới của mình.

Cuộc chiến ấy có kẻ bại không ? Câu trả lời hẳn sẽ có ít người tranh cãi hơn nữa : Có !

Ai là kẻ chiến bại ? Hẳn nhiên , trước hết phải kể đến những người buông vũ khí quy hàng bên kia ( dù là tuân theo lệnh thượng cấp hay tự nguyện vì không còn sự lựa chọn nào khác ), những người bị bắt, bị giam cầm trong các nhà tù ngụy danh dưới cái tên : Trại Cải Tạo ( bao gồm những người bị còng tay, dẫn lên xe đưa thẳng vào trại tù và những người tình nguyện khăn gói lên đường , giã biệt gia đình đi trình diện kẻ đang nắm sinh mệnh mình trong tay, với hy vọng đi sớm về sớm, rồi yên tâm sống đời dân dã trong một đất nước từ nay thôi không còn bom đạn, không còn chết chóc ). Phải kể cả đến những người may mắn vượt thóat tay kẻ thù, rời khỏi đất nước bằng đủ mọi phương tiện tìm được vào những ngày cuối của cuộc chiến. Kẻ chiến bại còn là những nạn nhân trực tiếp của những cuộc vượt biển hãi hùng, những cư dân bị cưỡng bức của những khu kinh tế mới rừng sâu nước độc, những đối tượng kém may mắn của những đợt cải tạo tư sản, đánh tư bản cũng hãi hùng không kém cảnh đấu tố của cuộc cải cách ruộng đất 54 ngòai miền Bắc. Sau cùng phải kể đến hơn 75 triệu dân Việt Nam sống giữa thế kỷ 21 mà phần lớn vẫn chưa biết đến mùi vị của Tự Do là gì. Chưa kể đến một tầng lớp nông dân ở thôn quê và một lớp dân chúng thành thị vẫn hàng ngày phải lao đao vất vả với miếng cơm manh áo, thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu nhất của con người. Nói cách khác, cả một dân tộc chiến bại (2).

Một cuộc chiến không có kẻ thắng, mà chỉ có những nạn nhân thì người ta không thể viện dẫn đến bất cứ một mục đích nào để biện minh cho cuộc chiến ấy.Chưa kể đến chiêu bài cộng sản,thế giới đại đồng , không còn cảnh người bóc lột người nay đã bị phá sản.Cho dẫu thứ ý thức hệ chết (hàng trăm triệu )người ấy chưa bị phá sản, thì việc hy sinh gần 3 thế hệ đất nước cho một tư tưởng bệnh họan phải được xem là nỗi bất hạnh của dân tộc.

Gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến thắng ư ?

Thật vô nghĩa. Vì cuộc chiến không có kẻ chiến thắng. Mọi sự phô diễn ầm ĩ của bên gọi là thắng trận trong ngày kỷ niệm cuộc chiến đẫm máu chấm dứt chỉ là những hành động nhằm che đậy mặc cảm của kẻ vừa chợt nhận ra mình cũng là nạn nhân của một cuộc lừa dối vĩ đại, thứ phản ứng tâm lý vụng về của những kẻ bằng mọi giá bám lấy quyền lực, bất kể sự no đói sướng khổ của quần chúng nhân dân. Phủ nhận sự chiến thắng ấy, là phủ nhận chính mình, phủ nhận chính quyền lực của mình. Chẳng may, ngày nào còn lớp người băng họai ấy ở vị trí quyền lực quốc gia, ngày ấy vẫn còn những ngày 30 tháng 4 hàng năm được vinh danh là ngày chiến thắng.

Gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày quốc hận ư ?

Ý nghĩa của “ quốc hận “ sẽ chính đáng biết bao nếu được nhân danh bởi tất cả những nạn nhân trong cuộc chiến, những nạn nhân sau cuộc chiến, cả bên này lẫn bên kia, của cả người trong nước lẫn ngòai nước, của tất cả những ai tin tưởng rằng, ngày nào còn sự ngự trị của chính quyền cộng sản, ngày ấy đất nước còn điêu đứng gian nan.

Trước đây trong cuộc chiến, sự vụng về trong cách điều hành chiến tranh và lãnh đạo đất nước đã khiến cho miền Nam tuy có chính nghĩa mà như không có chính nghĩa . Sự vụng về ấy là một cái tội, vì nó đã dẫn đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Giờ đây, trong những dịp “ tưởng niệm”, “ quốc hận “ của một số tổ chức người Việt hải ngọai vô tình đã lọai ra ngòai những nạn nhân rất chính đáng của cuộc chiến, những người cũng có đủ lý do để xem ngày 30 tháng 4 là ngày “ quốc hận ”. Nhiều danh xưng, nhiều cách thức tưởng niệm đã khiến người ta tưởng chừng như chỉ có những người trực tiếp thua trận trên chiến trường, những người chôn gần hết quãng đời tuổi trẻ trong những trại cải tạo, mới “ được quyền “ mang mối “ quốc hận “ nhân ngày 30 tháng 4 lịch sử. Đó là chưa kể những ngộ nhận từ “ nạn nhân ở trong nước “, xem những cách thức tưởng niệm ấy như là một sự khao khát quay về với quyền lực đã bị mất, với địa vị ăn trên ngồi trốc cũ, với những hư danh tạo nên bằng máu và nước mắt của thuộc quyền, của nhân dân.

Mặc cảm thua trận đã có dịp trỗi dậy qua những sự cường điệu phát xuất từ tâm thức cá nhân khiến chính nghĩa chung bị lu mờ. Có những cá nhân xem nỗi đau của mình là một đại dương mênh mông chứ không phải gịot nước mắt thổn thức che dấu trong đêm. Để rồi hễ thấy ai không chịu chết chìm trong đại dương nước mắt của mình thì vội lên tiếng chê bai, chỉ trích, thậm chí chụp mũ. Trong cuộc chiến, sau cuộc chiến, hầu như mỗi gia đình Việt Nam đều có một nỗi đau của riêng mình, dù là người ấy ở trong nước hay ngòai nước, ở miền Nam hay miền Bắc khi còn dòng Bến Hải chia cắt năm xưa. Chỉ biết đến nỗi đau của mình, không đếm xỉa gì đến nỗi đau của người khác, ở một nghĩa nào đó cũng là một hành động khó gây được được sự cảm thông (3).

Không phải ngẫu nhiên mà , nhiều người ở trong nước, tuy không ưa gì chế độ cầm quyền hiện nay, nhưng cũng không tỏ vẻ có cảm tình với một vài tổ chức chống Cộng hải ngọai. Họ cho rằng, cái tâm thức “ quốc hận “ ở những tổ chức này là tâm thức giận dữ của “ đứa trẻ bị giật mất chiếc bánh “, nay có dịp tha hồ ” tự do muốn làm gì thì làm “ nên tụ họp nhau tìm cách “ giật lại chiếc bánh đã bị mất “.

Sẽ là một cái tội khó tha thứ nếu người Việt hải ngọai, những người mệnh danh là “ chiến sĩ cho Tự Do “ , vô tình hay cố ý, một lần nữa làm lu mờ đi chính nghĩa . Chính nghĩa có sáng tỏ hay không, không phải nhờ những lời nói hay, những khẩu hiệu to, những biểu ngữ lớn mà phải do hành động, thứ hành động xuất phát từ niềm thao thức đến sự an nguy , đến dân chủ tự do cho đất nước, sự no đủ của người dân, sự tươi sáng của các thế hệ Việt Nam trong tương lai. Những hành động ấy, nếu thực sự làm vinh danh cho chính nghĩa, không thể đến từ những tấm lòng hận thù cá nhân, những mưu đồ vị kỷ, những bon chen ganh ghét lẫn nhau, những thái độ bảo thủ chỉ cho mình là đúng, duy nhất đúng, những ai đi khác con đường mình đi là kẻ phản bội, là tên thỏa hiệp, là việt gian bán nước v..v..(4)

Chẳng may, từ 35 năm nay, đó là những hiện tượng mà kẻ ưu thời mẫn thế không thể không nhận ra. Ở ngòai đất nước, người Việt Nam có đủ mọi thứ tự do mà một con người có thể hưởng. Trong thực tế, có cả một con đường dài đi từ sự sở hữu tự do cho đến ý thức sử dụng tự do. Nhiều người , dù sống ngòai đất nước hơn nửa đời người, vẫn còn đứng ở đầu con đường, với tâm thức sở hữu tự do, tức là muốn làm gì thì làm, bất chấp hậu quả việc mình làm, lời mình nói, những dòng chữ mình viết xuống. Vì thế, thay vì củng cố thêm chính nghĩa tự do đối đầu với cộng sản độc tài, họ đã làm thương tổn chính nghĩa, thương tổn hàng ngũ những người chiến đấu cho chính nghĩa, có nghĩa là họ làm thương tổn chính lý tưởng của hàng ngũ mình.

Sở hữu tự do phải đi kèm với ý thức sử dụng sự tự do mà mình sở hữu. Nếu không, sẽ như người vừa làm chủ cây súng, vì loay hoay không biết cách sử dụng, nên đã tự bắn vào chân mình.

Bài học nào rút ra từ ngày lịch sử 30 tháng 4 , cũng sẽ là đề tài cho nhiều thế hệ mai sau bàn bạc, như lời nhận định của Sử Gia Stanley Karnow 27 năm trước. Trong đó, chắc chắn phải có bài học về cách thức xây dựng chính nghĩa, giữ gìn chính nghĩa trong những cuộc đối đầu. Câu nói “ chính nghĩa sẽ tất thắng “ chưa hẳn là chân lý nếu bên có chính nghĩa không đủ khả năng khai triển và phát huy chính nghĩa. Không ai có thể phủ nhận sự thống trị của những người cộng sản trên đất nước chúng ta, nếu chỉ kể mốc 30 tháng 4 năm 1975 , đã kéo dài 35 năm nay. Và không ai tiên đóan được khi nào thì sự thống trị ấy chấm dứt, nhường chỗ cho một chế độ tự do dân chủ thực sự vì dân, do dân mà cả 75 triệu người Việt trong nước và hơn 3 triệu người Việt sinh sống tại hải ngọai ước mong.

Sự mơ hồ ấy, phải chăng cũng có sự “ đóng góp “ – vô tình hay cố ý – của cái cách mà một nhóm người Việt hải ngọai dùng để chống Cộng ?

T.Vấn

30 tháng 4 năm 2010

(1)” Vietnam : A History “. Stanley Karnow. Penguin Books. Revised Edition 1991. P. 11

(2)Có lẽ, cũng không quá cường điệu khi bao gồm trong số những người thuộc về phe chiến bại cả những bộ đội miền Bắc, những người hăm hở xuôi Nam với khát vọng giải phóng đồng bào ruột thịt miền Nam đang bị “ gọng kềm Mỹ Ngụy “ làm cho đói khổ. Và khi đặt bước chân vào những đô thị, thành phố miền Nam mới vỡ lẽ mình bị lừa gạt, như nhà văn Dương Thu Hương đã từng can đảm thú nhận. Cái câu đầu môi cửa miệng “ Miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ “ trong những ngày đầu sau chiến tranh, đối với người Việt Nam có lòng tự trọng, là một sự xúc phạm nặng nề dành cho kẻ bại trận.

(3) 

Tôi được nghe kể lại và xem được bức hình một cặp nam nữ người Việt ở miền Nam Cali, trong một cuộc biểu tình vinh danh cờ vàng, đã đứng dẫm lên lá cờ đỏ Cộng sản. Vinh danh lá cờ vàng, là vinh danh chính nghĩa tự do của người Việt hải ngọai, đó là việc nên làm. Nhưng dẫm lên lá cờ đỏ, mà hàng triệu thanh niên miền Bắc, đã một thời vì lá cờ ấy mà sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, đã từng say sưa – dù bị lừa phỉnh – dâng hiến tuổi trẻ của mình cho lá cờ ấy, có lẽ là một việc, theo tôi, nên suy nghĩ cẩn thận, trước khi làm. Không thể không nghĩ đến hàng triệu bà mẹ ở miền Bắc mất con, hàng triệu người vợ miền Bắc mất chồng, hàng triệu người con miền Bắc mất cha. Dù sao, với họ, lá cờ ấy là biểu tượng cho xương máu mà con, chồng, cha của họ đã đổ ra. Với người Việt hải ngọai, lá cờ ấy chỉ là biểu tượng của một chế độ tàn ác, hút máu người dân, nhưng với người trong nước , tôi không tin họ có cùng cách nhìn như chúng ta. Với cách nghĩ truyền thống của người Việt Nam, dân là vạn đại, sẽ còn đó cùng với sự tồn vong của đất nước. Nhưng, chính quyền nào cũng đến rồi sẽ đi. Rồi đây, chẳng chóng thì chầy, kẻ cầm quyền Cộng sản sẽ phải đến lúc chia tay với quyền lực. Ai biết được, khi ấy , lá cờ đỏ sao vàng có thể vẫn tồn tại với người dân, trong ý nghĩa nó đã thấm máu hy sinh của người dân, chứ không phải là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản tàn bạo một thời. Trong suy nghĩ ấy, liệu những người đứng dẫm lên lá cờ đỏ sao vàng dạo nọ, có tạo được sự cảm thông nơi những người Việt có cùng lý tưởng tranh đấu cho tự do ở trong nước ?

(4)Trong nhiều năm, cứ đến tháng 4, tôi như người mang trong lòng vết thương còn mưng mủ, dở vết thương còn sưng tấy ấy ra, ve vuốt nỗi đau của mình. Sự ve vuốt ấy biểu lộ cụ thể bằng cách đọc đi đọc lại quyển hồi ký : Ngày N, giờ G của nhà văn Hòang Khởi Phong viết về cuộc “ di tản chiến thuật “ trên con đường số 7 của quân và dân Vùng 2 vào tháng 3 năm 1975. Đọc, để tự nhắc nhở mình, đã có một thời, địa ngục có thật trên trần gian này ở vào những ngày sắp tàn cuộc chiến tranh. Tôi đọc với tâm thức của kẻ cứ không cưỡng được hành động lấy tay đè mạnh vào vết thương cũ để tìm cảm giác dễ chịu sau cơn đau nhói, để rồi sau sự dễ chịu giả tạo là nỗi đau còn nhức nhối hơn nữa. Ở đọan cuối, trước khi kết thúc tập hồi ký não lòng, trong lá thư gởi đến những em học sinh Vườn Hồng ( tức ngôi trường tiểu học do chính tác giả dựng nên ở trại giam Phú Quốc thời ông còn là quan coi tù ở đó ) , ông viết :” Đã mười ba năm nay, mỗi lúc tôi thấy “ thế hệ chúng tôi” đang dựng lại những ngày cũ. Những năm ngơ ngác ban đầu trên xứ người qua đi, những con người ngụy tín cũ dần dần hồi phục. Nên vì vậy mà mười ba năm nay, cho dù "thế hệ chúng tôi" thành lập cả ngàn đoàn thể, tổ chức, chúng tôi lăn xả vào chống Cộng, nhưng bọn Cộng sản vẫn mạnh khỏe ở bên kia bờ biển. Chúng tôi còn bận giành quyền lãnh đạo lẫn nhau, chúng tôi còn bận đổ tội lẫn cho nhau, chúng tôi còn bận chống lẫn nhau, trước khi có dịp chống Cộng. Hãy nhìn kỹ những vết xe chúng tôi để lại, hãy nhìn kỹ những con đường chúng tôi đi, dấu vết xấu xí nham nhớ chúng tôi để lại khắp miền Nam và giờ đây chúng tôi mang sang xứ người những ví dụ tuyệt hảo của lòng háo danh, ích kỷ, hời hợt, tự mãn, đố kỵ, giả trá.” .

Nhà văn Hòang Khởi Phong viết những dòng đau xót này vào năm 1988, là năm ông hòan tất tập Hồi ký để đời. Hơn 20 năm sau, những điều ông viết, những vấn đề ông đặt ra cho người Việt hải ngọai, hầu như còn nguyên vẹn, nếu không muốn nói là càng trầm trọng thêm. Và đó cũng là lý do có phần chú thích này. (T.Vấn)

T.Vấn © 2010

Không có nhận xét nào: