Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Duyên Anh - Ru đời phù ảo!

VIẾT VỀ DUYÊN ANH


Tôi có một mật ước, tôi chỉ nói về một số người làm văn nghệ những điều tốt đẹp. Tôi có thói quen ký kết ngầm như thế liên hệ tới những người mà tôi tin rằng có tài. Dĩ nhiên, tôi không nói cho các đương sự biết là có bản mật ước đó, mật ước đó tôi ký một mình, tôi chờ thật lâu xem tin tưởng đó có phải là ảo tưởng không, có khi chờ năm năm, mười năm. Với người này, tôi chỉ cần chờ một hai năm là biết ngay rằng mình đã ký vào một kiện văn giả. Với người khác, rất ít, tôi chờ năm năm, mười năm, mỗi năm tôi duyệt xét lại một lần, thưởng cho mình vài chai bia, vì nhận thấy rằng mình không ngu lắm. Chờ độ mười năm, tôi nghĩ rằng đủ, khi có cơ hội, như trường hợp này, tôi tự cho phép tiết lộ vài điều "bí mật" cho đồng bạn, anh em văn nghệ, thân hữu có tình, anh em thưởng ngoạn.


Cách đây vài tháng, một số bằng hữu có trách nhiệm chọn lựa một số tác giả chuyên viết về tuổi thơ để mang vào giảng dạy chính thức cho trẻ nhỏ bậc tiểu học có hỏitôi nên chọn ai. Tôi nói đến một vài tên, có tên tác giả Thằng Vũ. Ít ngày sau, anh em cho tôi biết Duyên Anh bị loại bởi lý do Duyên Anh là Thương Sinh, tác giả những bài văn được gọi là "nham nhở". Tôi không bằng lòng, và nói với bạn rằng tôi không bằng lòng. Tôi nói rằng cuộc đời này chó đẻ lắm, nếu mày không có đồng bạc mua sắm sôi đút vào mồm mày, đút vào mồm vợ, mồm con mày, ngửa tay đi xin chẳng có đứa chó nào nó cho. Mày phải lao mình vào cuộc dành dật lấy nắm sôi đó. Và chẳng có việc nào bởi bản chất có thể coi được là được việc xấu xa. Nghề nghiệp cũng như cuộc đời không có Thiện với chữ T hoa to tổ bố ở một bên, và Ác với chữ A cúi mặt xuống bùn một bên kia, chẳng có cái gì là chính giáo tuyệt đối, chẳng có gì là tà giáo một trăm phần trăm. Anh minh giáo chính hiệu cũng ăn tục nói phét, cũng dối trá, lừa đảo, sợ vợ, bần tiện, anh tà giáo khốn nạn nhất cũng có "nhất điểm lương tâm". Điều quan hệ là biết dừng lại ở một biên giới nào đó, là đừng quên cái giai đoạn và cái nhắm tới.


Đứng từ đằng xa, nhìn sự thay đổi của Duyên Anh, từ một bỉnh bút mơ hồ của những tờ báo như Ngàn Khơi đến vị trí một nhà văn có sách bán chạy vào bậc nhất, nhiều khi nhất, tôi thấy tác giả Thằng Vũ biết dừng lại: anh biết rút ra khỏi chốn "gió tanh mưa máu" khi sự trú ẩn đó không còn cần thiết nữa, trong những ngày còn tá túc ở nơi chốn ấy, Duyên Anh biết dừng lại, biết chửi bới chính mình cùng với sự đả kích những bẩn thỉu của cuộc đời. Tôi nhớ kỷ niệm Duyên Anh đả kích một số anh em văn nghệ chẳng có liên hệ gì với tôi. Chẳng ai muốn can gián vì chẳng muốn dây dưa. Tôi tìm gặp nhà văn này ở Công Luận, uống với nhau chút nước ngọt, tôi nói với bạn văn bỏ cái vụ này đi. Những thằng cầm bút tha thiết với mảnh đất này thật ra chẳng có bao nhiêu, ném bùn lên mặt nhau chẳng bao lâu, ném qua ném lại, đen sì hết. Ngày hôm sau, những bài báo gọi là phóng sự được hướng sang một mục tiêu khác.


Tôi nghĩ Duyên Anh biết dừng lại vì nhà văn này biết mình muốn cái gì. Điều người viết văn này muốn là tác phẩm, là tiểu thuyết, là thế giới văn chương liên hệt đến trẻ thơ, tất cả những thứ khác chỉ là những giai đoạn. Viết báo để sinh sống, giai đoạn, dùng báo nơi mình tá túc để là tác phẩm mình được quảng bá hơn, giai đoạn, cái chính yếu là làm thành được những tác phẩm văn nghệ đích thực, quyết tâm đạt tới cái mục tiêu tối hậu và thực hiện được giấc mơ trở thành nhà văn. Việc làm nói vậy mà cũng khó. Có những người bắt đầu viết báo là lìa bỏ hẳn văn chương, văn của họ chỉ còn là văn của nhà báo.


Tác phẩm đông đảo của Duyên Anh không tránh được những lầm lẫn đó. Những cuốn sách được viết vì nhu cầu đăng tải, phải kéo dà khi người đọc muốn dài, phải thu ngắn khi chủ nhiệm muốn ngắn, những đối thoại viết trong cơn đau, những bố cục dựng khi đời sống riêng tư rối như tơ vò chẳng thể buồn phiền khi nhìn lại. Nhưng tác phẩm thực hiện trong những cơn say, trong tốc độ phi nhân của đời sống đó cũng như những văn chương nham nhở, những công việc sinh sống chính là những thử thách khủng khiếp. Nó làm cho anh không có tài bị văng ra ngoài, cái lãnh vực văn chương. Nó chỉ là những trở ngại mà người có khả năng văn chương biết vượt qua để thực hiện được những tác phẩm vượt trên những trở ngại đó.


Duyên Anh đã vượt được những trở ngại. Bên cạnh những văn chương nham nhở, những cuốn sách viết vội vì nhu cầu của đời sống, những tác phẩm đại loại như Thằng Vũ của Duyên Anh chứng tỏ được rằng tác giả của những tiểu thuyết đó muốn gì và đạt được những điều mong muốn.


Những công việc vì sinh kế là những tác phẩm thực hiện vì nhu cầu đời sống, sự vội vã, thúc bách với một số người, làm mờ đi tác phẩm lớn của nhà văn, tôi không tin thế. Tôi coi đó là những sơ thảo, những nét vẽ phóng, những cuộc tập thể dục thường nhật chuẩn bị cho những bức họa lớn, những ngày trọng đại trên sân cỏ.


Trên sân cỏ, những Thằng Vũ, Thằng Côn, Chương Còm, Dũng Đakao, quả thực đã nhảy cao, ném xa, chạy nhanh mang lại cho người tạo ra chúng vóc dáng của một lực sĩ.


Trong tâm hồn của những rẻ nhỏ mà tôi có dịp gần gũi liên tục trong mười lăm năm qua, Vũ, Côn, Chương, Dũng, Bồn Lừa, Thiện Mông Cổ, không phải chỉ là những lực sĩ, đó là đại bàng, là Quang Trung, là Pelé.


Bởi vì người tạo ra những nhân vật kỳ diệu đó không phải là một người mô tả lại đời sống của trẻ nhỏ, vẽ lại thế giới của trẻ thơ. Duyên Anh sáng tạo ra nếp sống, tình tự, ngôn ngữ, ước mơ và những sáng tạo đó trở thành một phần nếp sống, một phần tình tự, một phần ngôn ngữ, một phần mơ ước của trẻ nhỏ hiện nay.


Có những anh em quan tâm đến tiểu thuyết, nắm thật vững những lý thuyết liên hệ đến sự cấu tạo tiểu thuyết, hiểu rằng cấu tạo đề tài như thế nào, bố cục ra làm sao, đối thoại thế nào mới làm đổi mói tận cùng kỹ thuật tiểu thuyết cho rằng trong tiểu thuyết của Duyên Anh chỉ có hai yếu tố được sử dụng thật kỹ là sự khai thác tận cùng đề tài về trẻ nhỏ và sự nhất quan của bút pháp. Nhà văn biết rằng trước ông đã có nhiều người viết về trẻ nhỏ cho nên mô tả một trẻ nhỏ tổng quát sẽ thất bại, không có xương thịt và do đó, trẻ nhỏ được chọn lựa khôn gphải là trẻ nhỏ của bất cứ thời đại nào mà phải là trẻ nhỏ của những ngày tháng này, với những đặc thù của chúng.


Bởi đó, từ đứa nhỏ ở Thái Bình, Thằng Vũ đã trở thành đứa nhỏ ở Saigon, ở Dakao, ở Phú Nhuận, ở cư xá Chu MạnhTrinh. Quan trọng hơn sự chọn lựa tinh tế đề tài đặc thù mà vẫn có liên hệ với cái phổ quát, chọn lựa đứa nhỏ của thời đại này mà vẫn là đứa nhỏ, một kỹ thuật nắm vững được bởi bất cứ tiểu thuyết gia nào biết nghề, quan trọng hơn kỹ thuật chọn đề tài là bút pháp. Duyên Anh biết cái bút pháp của thời đại mới là sự đồng nhất hoá tận cùng tiểu thuyết gia và nhân vật. Nói về trẻ nhỏ với giọng văn tùy bút của Mai Thảo, giọng văn miền Nam của Sơn Nam, đều buồn cười. Một trong những khám phá mới lạ nhất của tiểu thuyết hiện đại là sự loại bỏ tiểu thuyết gia. Nói về trẻ nhỏ với giọng kể của ông thầy giáo, với giọng cắt nghĩa của người trưởng thành, giọng của tiểu thuyết gia và nói về trẻ nhỏ, kể về nó, mô tả nó bằng ngôn ngữ của chính nó, ngôn ngữ của chính nó không phải chỉ qua vài câu đối thoại rồi tiểu thuyết gia lại xuất hiện, mà với ngôn ngữ của nó ở cùng khắp, làm cho tất cả toàn bộ tác phẩm là nó là điểm ngăn cách những người đi trước Duyên Anh như Tô Hoài, Nguyễn Đức Quỳnh, Doãn Quốc Sỹ và Duyên Anh.


Hai yếu tố đó biết dùng kỹ đủ mang lại giá trị cho tác phẩm. Nhưng làm sao hai yếu tố đó đủ để thành công đến mức tác phẩm tác dụng sâu rộng trong đời sống, sáng tạo được một phần đời? Phải chăng còn một yếu tố khác? Đó là tự giúp sức của một đứa nhỏ. Đứa nhỏ hiếu chiến, hiếu thắng, ma lanh, đứa trẻ biết yêu mến những thứ cần yếu, thù hận những điều cần thù hận, đứa trẻ đóng trò đểu, tàn bạo, trò anh hùng, nhưng trong đáy sâu thèm khát những dịu dàng, muốn than thở những yếu đuối, đầy rẫy những sợ hãi con người. Phải chăng đứa nhỏ đó xen lẫn trong chữ viết lôi cuốn những đứa nhỏ khác vào một cuộc chơi kỳ diệu. Và phải chăng tên nó là Vũ Mộng Long?


Nguyên Sa - Văn Học số 149, 15/06/1972

Những khuôn mặt lộng lẫy của tuổi thơ

         Để nói về Duyên Anh, trước hết, người ta thường có vẻ như không tin rằng trong con người mà bề mặt là một gã tráng niên như thể đầy hào huê đó lại có thể chứa đựng đầy óc những ngôn ngữ dễ mến nhất mà chúng ta đã có lần sử dụng qua. Đó là ngôn ngữ của tuổi thơ. Của thằng Dzũng Đakao. Của Chương Còm. Của Bảo méo mồm. Của lỏi tì Bồn lừa. Cái thứ ngôn ngữ mà thoạt tiên chúng ta sử dụng, và khi lớn lên, mỗi lần nghe đến, chúng ta thường không kịp nhớ lại rằng, chúng đã dùng chúng. Cái thứ ngôn ngữ đó, nó xa vời như tuổi thơ chúng ta. Nó biến mất khi chúng ta cố nhớ lại. Nó nhảm nhí khi chúng ta đạo mạo tính chuyện áp phe, buôn bán hoặc nói chuyện sơn hà đại sự. Cái ngôn ngữ đó, ở Việt Nam, bây giờ, quả thật ít có người còn sử dụng được như đã từng sử dụng trong hơn mười năm trời. Và, hơn nữa, ít có người còn có thể sử dụng chúng được trong những cuốn truyện. Có chăng chỉ còn số rất ít đến độ có thể đếm trên đầu ngón tay được. Và, một trong những người đó, phải là Duyên Anh.

         Duyên Anh, ở ngoài cuộc đời bôn ba thường ngày mà chúng ta đang vật lộn, Duyên Anh ấy là một nhà báo. Ông viết những bài trang trong và thường là với một giọng châm biếm, cay cú, sỗ sàng, sống sượng, nghịch thiên nghịch địa, thượng vàng hạ cám, không có gì là không đụng đến cả. Duyên Anh ấy, ở cái vỏ mà người ta thường gặp nhất, là kẻ không hài lòng với rất nhiều thứ của cuộc đời này. Duyên Anh ấy, là thứ người mà làng báo có sẵn danh từ gán tặng như bệnh của Hàn Mặc Tử. Với lòng yêu cũng có. Với lòng giận cũng có. Ghét cũng có. Sợ cũng có. Với sự cổ võ của thân hữu biết tính, cũng có. Nói tóm, Duyên Anh mà chúng ta thường bắt gặp ngồi ở một tiệm nước, trước một tòa báo nào đó, là con người luôn luôn nói những câu mà kẻ bị ông ta nhắc đến, sẽ không hài lòng chút nào.

         Nhưng mà còn một con người Duyên Anh khác ngoài con người ấy. Đó là Duyên Anh của bọn thằng Chương Còm, Quyên Tân Định, Dzũng Đakao, Bồn lừa; của các trẻ bán báo, đánh giày;của những đứa không cha, không mẹ lang thang trên vĩa hè mà chúng ta hay quên đi. Cái con người Duyên Anh ấy, con người của các trẻ nhỏ, của những người chưa lớn đã già vì đói vì lạnh vì cực khổ, Duyên Anh ấy thì chúng ta chỉ có mỗi một cách duy nhất và hiệu quả để tìm gặp. Là, đọc vào những tác phẩm nhi đồng của ông ta. Ít ra là chúng takhó có thể quên được những câu mà chúng ta đã từng thốt ra, trong thời kỳ mặc quần đùi chạy nhông ngoài đường. Nhưng mà, chúng ta khó thể quên được, với điều kiện là phải có người nhắc đến. Những hình ảnh thân yêu thuở trước, bây giờ đây, trong đời sống vật lộn ngộp thở cùng bao nhiêu chuyện lo nghĩ như đã phai mờ nhiều trong tâm trí chúng ta. Chính đó là một trong những điều khiến chúng ta xa lạ với tuổi trẻ, ngỡ ngàng trước những câu hỏi thơ ngây, như thể, chúng từ những cõi xa xăm vọng lại, chứ không phải là từ cửa miệng của con cái hoặc những em dại chúng ta nữa. Cái đó, cái vùng đen tối đáng tiếc đó, lúc này, chúng ta có thể soi sáng phần nào, để sống lại đời thơ ngây thuở trước bằng những quyển sách nhi đồng của chúng. Một trong những quyển truyện nhi đồng của Duyên Anh mới xuất bản, gần đây nhất, là cuốn Bồn lừa viết về những khuôn mặt lộng lẫy của tuổi thơ Việt Nam.

    Những khuôn mặt lộng lẫy của tuổi thơ - Đài phát thanh Sài Gòn - 1967




Image



PART 1
PART 2

Không nhà văn nào giống nhà văn nào. Không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Mỗi nhà văn đều sở hữu cho riêng mình một vũ trụ. Vũ trụ đó thể hiện và thực hiện từ tác phẩm của hắn, từ những giòng chữ hắn viết ra. Cho nên tác động viết bao gồm một quyết định có tính cách nền tảng và bá chủ. Viết tức là quyết định và lựa chọn cho mình một vũ trụ mộng tưởng mai đây sẽ là một ám ảnh trìu mến nhưng không kém phần khốc liệt cho chính thân phận nhà văn của mình. Viết tức là quyết định: viết cái gì, viết ra rao, viết cho ai v.v..., sự quyết định có thể rõ rệt hay mơ hồ, được ý thức tới hay không được ý thức tới. Vâng tôi vẫn nghĩ rằng sự quyết định của nhà văn khi cầm bút viết là một thái độ không thể thiếu vắng ở hắn, dù thâm tâm hắn có thừa nhận hay không. Bởi những cuốn sách hắn hoàn tất mai đây chỉ ngày một làm cho nổi bật cái quyết định của hắn.

     Nhà văn quyết định và hơn thế nữa, quyết định ngay từ phút đầu dung mạo và kích thước tác phẩm của mình. Viết tức là một cách nào đó trung thành với chính sự chọn lựa của mình, với chính niềm tin của mình đã từng được gói trọn nên những nét chữ đầu tiên, khởi điểm thật sự của một thế giới, một tác phẩm. Những giòng chữ đầu tiên, phải chăng cũng là những giòng chữ sau cùng? Khởi điểm của một tác phẩm văn chương phải chăng đã báo hiệu một con đường, một sự kết thúc?

     Và phải chăng, trong viễn tưởng đó, những tác phẩm đầu tiên và ngay cả tác phẩm đầu tiên của một tác giả bao giờ cũng mang một tầm quan trọng đáng kể nếu không nói là có tính cách định đoạt?

     Tác phẩm đầu tiên hay cánh cửa mở ra một bầu trời thế giới.

     Ở đây tôi muốn mời người đọc tìm tới cái thế giới của Duyên Anh bắt đầu từ "cánh cửa" Hoa Thiên Lý của tác giả, bắt đầu từ cuốn sách đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của tác giả.

     Hoa Thiên Lý là bước đầu tiên nhưng cũng là bước quyết định của tác giả, quyết định ngay trong những ưu điểm lẫn khuyết điểm của cuốn sách. Điều này không có nghĩa lá quả quyết rằng tập truyện đầu tay kia là tác phẩm giá trị nhất mà Duyên Anh đã viết cho tới bây giờ hoặc Duyên Anh đã hoàn tất tài nghệ của ông ngay trong cuốn sách đó. Ngược lại, cuốn sách đó hãy còn mang những nét vụng về, lúng túng của người viết, sự kiện gần như khó lòng tránh khỏi đối với một nhà văn trong tác phẩm đầu tay của mình (dĩ nhiên là ngoại trừ những bậc thiên tài). Nhưng nó có thừa những viên gạch làm nền. Nó có thừa những chất liệu căn bản. Nó có thừa mầu sắc để tạo nên một cầu vồng.

     Riêng đối với bản thân tác giả, dường như cuốn Hoa Thiên Lý đã đánh dấu một kỷ niệm, một chặng đường đáng ghi nhớ của ông. Căn cứ theo lời ông kể lại theo Hồi ký nhan đề Nhà Báo đăng trên tuần báo Tuổi Ngọc bắt đầu từ số 21. Cuốn sách ra đời vào giai đoạn đầy khốn đốn và nghịch cảnh của tác giả vào khoảng trước 1-11-1963.

     "Vào giai đoạn buồn thảm nầy, tôi cho xuất bản tập truyện Hoa Thiên Lý bằng tiền của bạn vàng Đặng Xuân Côn. Hoa Thiên Lý mang tên nhà xuất bản Giao Điểm của ông Trần Phong Giao. Có lẽ nó tồi quá nên, sau này, trong mục lục sách đã xuất bản của Giao Điểm, ông Trần Phong Giao không thèm nhắc nhở, ông loại nó ra. Tôi nhớ chuyện này thật kỹ". (1)

     Ông nhớ chuyện này thật kỹ. Cũng như ông nhớ từng chi tiết liên quan tới cuốn sách đầu tay, tới từng cái truyện ngắn được gom lại trong đó. Hình ảnh của Hoa Thiên Lý không những còn in sâu trong kỷ niệm của ông, mà còn in sâu trong các tác phẩm sau này của ông. Tôi không ngần ngại phát biểu lựa chọn ngay từ cuốn sách đầu tiên của ông, có thể nói ngay từ những dòng chữ đầu tiên: hoặc người ta đọc tiếp hoặc người ta bỏ cuộc. Tại sao? Tại vì chính tác giả cũng đã thật sự lựa chọn ngay từ cuốn sách đầu tiên, ngay từ những giòng chữ đầu tiên của mình, ông chọn lựa viết cái gì, viết ra sao: ông chọn chính tác phẩm của mình. Tôi vẫn nghĩ những giòng chữ đầu tiên của một cuốn sách, của một tác phẩm đã qui định, thiết định cho nhà văn một định mệnh khốc liệt. Bởi hắn đã bắt đầu, hắn chỉ còn cách tiếp tục. Bởi hắn đã viết, hắn đã chọn lựa cho hắn một định mệnh. Bởi hắn đã chọn tác phẩm của chính mình, điều này cũng có nghĩa là hắn đã chọn lựa những người sẽ đọc hắn.

     Thế giới gần gũi và thân mật của Duyên Anh với những nhân vật điển hình, một người cha hay một đứa em, một người yêu hay một người thầy dạy học. Cái thế giới đó luôn luôn được chiếu rọi từ một tâm hồn mang nặng quá khứ và tuổi thơ. Nó luôn luôn được biến đổi bằng hoài niệm và mơ tưởng. Một nhân vật của Duyên Anh đã nói: "Từ đây tôi sống bằng kỷ niệm". (1) Một câu nói điển hình. Một nhân vật điển hình. Có thể nói rằng tác phẩm Duyên Anh bàng bạc hơi thở kỷ niệm. Có thể nói rằng với Duyên Anh, viết tức là một cách nào đó tìm lại thời đã mất. Tìm lại thời đã mất, điều nầy cũng có nghĩa là tìm lại ngôn ngữ thời đã mất.

Huỳnh Phan Anh
Văn Học - Số 149, 6/1972

8 nhận xét:

Vu Phong nói...

Tên thằng con đầu lòng của tôi cũng có nguyên nhân từ việc bà xã tôi trong thời kỳ mang thai thường hay đọc tiểu thuyết, và một trong những cuốn bả " lỡ " đọc là..." thằng Vũ " của Duyên Anh.

Thuan Nguyen nói...

Chị chưa đọc hết entry này nhưng tự cái tên Duyên Anh đã gợi cho mình bao suy nghĩ . Ngày xưa biết đến Duyên Anh ( Vũ Mộng Long ) như biết đến những truyện tranh của Pháp dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77 . Dù so sánh hơi khiên cưỡng nhưng nếu chị thích đọc DA làm sao thì thích truyện tranh làm vậy . Duyên Anh đã từng được ví như một nhà văn viết VỀ tuổi thơ chứ không chỉ là viết CHO tuổi thơ. Thành ra đọc ông mà lòng cứ man mác buồn theo cái cảm giác buồn của nhân vật, tựa như tuổi thơ mình trong đó . Vui cũng gần như vậy ..như khi Bồn lừa sút được bóng vào lưới đối phương .
Rồi chị nhớ cả lúc nói tiếng lóng , chẳng hạn Vũ ã Lơi a la đi lá đí lóng bí ...( Vũ ơi , đi đá bóng )
Thế đấy, nhớ thật nhiều đến Duyên Anh và con sông Trà Lý quê ông mà cả đời chị chưa bao giờ biết đến , nếu như không đọc tác phẩm của ông.

[H]UY! vespa nói...

@bacthanhrau: 1 kỉ niệm đẹp hả bác?:)
@chị Thuần: cám ơn chị, chị luôn chia sẻ về những kỉ niệm, những trải nghiệm...rất dễ thương và dĩ nhiên, bàng bạc màu của thời gian mà em rất thích.
Thơ của Duyên Anh cũng rất hay, em ấn tượng nhất là bài SG TRƯỜNG CA củ ông!
Sàigòn trường ca

1.-

Em thuở ấy còn hoa phong nhụy

Trên bản đồ địa lý giáo khoa thư

Rất thật thà và cũng rất ngu ngơ

Anh mực tím vẽ giấc mơ viễn xứ

Giấy trắng học trò viết tên em đầy vở

Viết đầy hồn tuổi nhỏ của anh xưa

Chuyến tầu vô Nam còi thét trong mơ

Nên ga bến chỉ đợi chờ tưởng tượng

Thế đã đủ làm anh sung sướng

Đủ làm anh chiêm ngưỡng em rồi

Hỡi Sài gòn xa lạ của anh ơi

Anh thầm gọi khi đất trời hiu quạnh

Nuốt miếng nắng vàng lòng thôi mưa lạnh

Và thèm bay như đôi cánh hạc hồng

Đêm sách đèn chữ nghĩa chạy lung tung

Ngày trường lớp cũng uổng công thầy dậy

Cái bảng đen mịt mù sao anh thấy

Xa nơi anh lộng lẫy một Sài gòn

Một Sài gòn tươi mát ngọt ngon

Đang vẫy gọi lời mật ong say đắm

Bước chân đời hiền ngoan nhưng chậm lắm

Anh theo nhanh mà vẫn cứ dại khờ

Sài gòn ơi, biết đến bao giờ

Anh khôn lớn để ước mơ đầy tuổi





2.-





Năm anh mười chín

Đường hoa xưa lầy lội

Quê nhà anh cằn cỗi thê lương

Như chim hạc hồng anh vội trốn mùa đông

Đôi cánh mỏng trĩu cong tâm sự

Tổ quốc mình còn ho lao quá khứ

Đã ung thư một hiện tại qua phân

Anh đến cùng em, anh đến thật gần

Với lòng anh bản đời ngµy xưa vẽ dở

Em nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa

Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê

Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê

Nên tình cảm mênh mông biển nước

Sài gòn em là mộng ước

Em áo bà ba đơn sơ và em giọng nói thiệt mùi

Em chân tình và em tha thiết quá em ơi

Xao xuyến ù ơ, bồi hồi vọng cổ

Em cho anh hơi thở

Cho anh niềm tin xây dựng tương lai

Em cho anh cả đất lẫn trời

Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết

Em cho anh đếm làm sao hết

Đời yên vui nhờ liếp ấm em che

Đời yên vui nhờ một chốn lui về

Anh thấy rõ ngọn đèn soi cuộc sống

Phóng tầm mắt anh nhìn xa trông rộng

Thế giới ơi, tôi kiêu hãnh có Sài gòn.

Nếu phải lìa em, anh sẽ mỏi mòn

Anh sẽ giối giăng đọc tên em từng hàng cây, con phố

Theo bước chân người anh rày đây mai đó

Mỗi chia ly mỗi gần gũi em hơn

Mỗi chia ly mỗi thơm ngát nỗi buồn

Anh mới hiểu

Sài gòn trái tim anh, tim đất nước

Anh mới hiểu

Tại sao mình yêu tổ quốc

Và tại sao mình yêu dấu Sài gòn

Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không

Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm

Em cho anh no tròn sự nghiệp

Để anh đi làm đẹp cuộc đời

Sài gòn

Tên em trên những vệt son môi

trong ánh mắt và trong hơi thở

trong hạnh phúc và trong đau khổ

ở tuổi non và ở tuổi già

ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua

ở hôm nay anh sống và ngày mai anh chết

ở ngàn dặm kẻ chân mây mù mịt

ở tấc gang người cuối phố đầu phường

ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương

ở chiều bùng binh đèn mầu phô sắc

ở bình minh nụ cười

ở hoàng hôn nước mắt

ở chốn ngoài ta

ở cõi vô thường

ở nghẹn ngào vết chém thê lương

của lịch sử trăm năm phản bội

của lịch sử làm nên bởi những tên gian dối

những tên bù nhìn yêu nước độc quyền

những tên tay sai tráo trở đảo điên

Em ngự đền đài, em là đà huyệt mộ

ở mọi nơi vì em là thành phố

Là chứng nhân và là cả nạn nhân

Anh yêu em muốn cắn nát vai trần

Muốn ghì chặt môi hôn bây giờ và mãi mãi





3.-





Sài gòn khăn sô

Mùa xuân tím tái

Lưỡi lê đàng ngoài thù hận đàng trong

Chim hạc hồng tiếp tục trốn mùa đông

Chả thấy Hoàng Diệu nào tuẫn tiết

Anh chỉ thấy bọn tướng hèn khốn kiếp

Lột xé chiến bào, phi tang tích huân chương

Đứa tham sinh rời lủi quê hương

Đứa úy tử gục đầu chịu trói

Sài gòn ơi, anh biết em đau nhói

Anh biết em nhục nỗi tháng Tư

Nỗi nhục ghim sâu, em vẫn thủ đô

Vẫn rực rỡ tự hào những người

Ta không bỏ em cao thượng

Ta ở lại địa ngục trần gian

và ta tự tìm lên thiên đàng hạnh phúc

Bởi vì ta được khóc với Sài gòn

Nước mắt ta nhỏ xuống vết thương non

Vết thương xót xa làm ta khôn lớn



Sài gòn

Em đã cho anh hai mươi năm sung sướng

Anh phải van lơn để hứng chịu cơ cầu

Ngày mai, trong ngục tù hay phát vãng rừng sâu

Anh không thẹn khi nói: Anh yêu em tha thiế

nguyen phat nói...

hinh nhu thoi do khong ai la khong doc qua "ngay xua con be " cua Duyen Anh- mot tac gia tao nen mot hien tuong -giong nhu Nguyen NHat Anh bay gio

Thuan Nguyen nói...

Đọc SG trường ca ..thấy thấm thía một tình yêu với đất Sài Gòn.

[H]UY! vespa nói...

@ a Phát: em chưa đọc quyển đó, chắc phải tìm đọc:)
@ Chị Thuần: em cũng vậy, Duyên Anh viết bài này thấy ấm áp cái nắng của miền Nam, lồng lộng khí trời đầy bao dung của đất SG, và chứa chan tình cảm của những..đứa con thành phố:)

Thuan Nguyen nói...

Chị lấy hai câu để làm status cho hôm nay ..hay quá Huy ơi !

..Gió Heo May nói...

Chị mới sang trang này ...sẽ đọc vào ngày mai ...Chị chỉ thích đọc khi thật sự sáng suốt