Lần này, sẽ không phải là những cảm xúc của mình nữa, mà là những tản văn đầy chất, đầy mùi, đầy vị "Saigon" về SG, của 1 người con SG (NS QUỐC BẢO)...Đọc mà thấy tràn trề, thấy thắm thiết...1 không khí rất Saigon! Và cũng như mọi khi, mời mọi người "lên xe về miền quá khứ", để nhìn ngắm SG ngày xưa, để thấy yêu thêm mảnh đất đầy bao dung này, để ôn lại "chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện cũ đẹp ngời", để kể lại những câu chuyện "buồn ít hơn vui"...Và rồi yêu thêm, yêu lại, yêu nhiều hơn nữa, yêu gấp ngàn lần hơn... Saigon!
EPISODE 18-SAIGON, ĐỪNG PHÁ VỠ NHỮNG ÂN TÌNH!
EPISODE 17-SAIGON,VIẾT CHO NGƯỜI CHƯA YÊU SAIGON
EPISODE 16-SAIGON, TÔI ĐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI!
EPISODE 15-SAIGON, NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ
EPISODE 14-SAIGON, THÔI HẾT RỒI NHỮNG MỘNG ƯỚC XA XÔI...
EM CÓ ĐẸP KHÔNG,SAIGON?
Lúc nhạc sĩ Y Vân còn sinh thời, một buổi trưa ở cái chòi nhỏ lợp lá mà anh Phạm Trọng Cầu dựng lên tận góc trong cùng hội sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật để làm nơi tập nhạc, tôi đã hỏi, “Saigon giờ còn đẹp không chú?” Ông chậm rãi đáp, tiếng nói mờ đi qua màn khói thuốc Bastos thường trực trên môi, Saigon đẹp lắm, lúc nào cũng đẹp, đẹp cả lúc xấu. Mặc dù bản tụng ca Saigon của ông đã bị kịch tác gia Vũ Khắc Khoan “chê” trong một tùy bút, đại để rằng viết thế là nhảm, Saigon không đẹp cũng chẳng xấu, tự đáy lòng tôi vẫn tin rằng khi Y Vân hát vang Saigon đẹp lắm Saigon ơi Saigon ơi, đấy là lời ca tụng thật lòng - vâng, thật lòng ông thấy Saigon đẹp. Nó đẹp cả trong lúc xấu.
Vũ Khắc Khoan nói rằng một thành phố như thể một người tình. Ta chỉ biết mình đã yêu, và một khi đã mê mải trong tình yêu thì chẳng còn nhận thấy xấu đẹp gì nữa. Về điều này, tôi tán đồng cụ Khoan. Tôi cũng không biết Saigon đẹp hay xấu, đẹp nhiều hay đẹp hơi hơi.
Bộ mặt Saigon thay đổi từng ngày, mỗi ngày mỗi nhuôm nhoam hơn, nhưng dường như tôi không để ý. Bởi chưng, tôi đang trong-tình-yêu, in love - cái cách dịch ngây ngô “woman in love” thành “người đàn bà trong tình yêu” và “men at work” là “những người đàn ông ở công việc” của đài phát thanh một thời hóa ra lại hay. Tôi trong tình yêu. Của Saigon. Với Saigon. Tức là yêu và được yêu.
Thế thì tôi còn viết gì nổi về nó?
Khi mới gặp Q., tôi thấy Q. đẹp. Tôi không nói rằng giờ nàng kém đẹp, nhưng tôi không còn để ý đến điều ấy nữa, thế thôi. Nàng có tà váy mới, cắt tóc mới, phải khoe tôi mới nhận ra. Tôi chỉ biết yêu, chỉ biết yêu mà thôi. Nói gì về nàng cũng đều khó.
Muốn nói muốn viết về Saigon, tôi phải đứng ngoài nó. Tách thoát, như người ngoài, lùi lại, kèm theo một chút dửng dưng, mới viết mới nói được.
oOo
Saigon không phải là nơi chốn cất giữ những kỷ niệm, nhất là kỷ niệm đau buồn. Mỗi ngày mới mở, một khác lạ. Vẫn cái nắng hạn ấy, vẫn những cơn mưa xối xả ấy, vẫn những đầu phố chật cứng người xe những cuối phố nhà cao nhà thấp san sát, mà cứ khác lạ. Saigon là cái bến nước, dung nạp, cưu mang tạm thời bao nhiêu là thân phận; rồi người ta đi. Bỏ đi. Quên mất. Saigon ở lại, làm trọn đạo bến nước, vẫn cứ cưu mang và dung nạp, nhưng không chờ trông, không dõi theo, không mơ tưởng, không đòi trả ơn. Nó cũng chẳng bao giờ phải nhìn lại thân phận mình, xem cái bến là mình đục hay trong. Đẹp hay xấu. Nó bận rộn. Mỗi đời sống mỗi hoàn cảnh, một tính chất. Khác biệt. Làm trọn đạo bến nước, cái đạo bao dung, cái đạo đạm thủy (Bằng hữu như đạm thủy), không mong đáp đền, đủ gần để cảm thông mà đủ xa để khỏi bị ám ảnh, bị đeo đẳng mãi một bóng hình, là đã hết trọn thì giờ. Thế thì đẹp xấu nào quan trọng gì. Saigon khác lạ mỗi phút mỗi giây, hay chính là vì thân phận bến nước của nó, phải tiếp dung bao nhiêu là kiếp sống, hoàn cảnh khác biệt?
Có những thành phố như căn hầm mật nhà băng, chẳng bao giờ để rò rỉ một thứ gì. Một cơn vui có thể vui suốt đời. Một nỗi đau có thể mang trọn kiếp. Như Huế. Như Đà Lạt. Như Pleiku. Đó là những thành phố trùng vây trí nhớ, không cho phép lãng quên. Một tác giả tôi đọc đã lâu, có viết rằng nhiều thành phố giống hệt bó hương nuôi một hồn ma, không cho siêu thoát. Đã đau tình ở đó, là đau đến khi tim vỡ tung, chẳng cách gì nguôi ngoai nổi.
Saigon không thế. Saigon rộng, đông, nhanh, mỗi giây là một cơn lũ quét. Tàn tích nào còn được phép lưu lại? Buồn đau nào còn được chỗ dung thân? Như người lữ khách biết điều hiểu chuyện, đứng dậy rời bến nước nhường ghế cho người mới, dân Saigon không nương níu vào chuyện cũ. Không để tâm. Không tự dằn vặt. Dân Saigon có bản năng quên lãng; mà xét cho cùng thì gánh mãi làm chi cái gánh nặng hôm qua, khi cây đời ngoài kia thay áo từng ngày, khi nắng sớm mưa chiều thay hình đổi dạng từng cơn, khi nhịp sống lúc nào cũng thình thịch một tempo 130 không dịu lại phút nào! Saigon là nơi chốn để sống và quên. Để quên mà sống.
Thành thử, Givral có bị đập, Xuân Thu có bị phá, Vincom có được xây, cột đồng hồ Orient có được thay, xấu hơn hay đẹp hơn, thì người Saigon chép miệng vài lần rồi cũng quên mất. Mà cố nhớ cũng chẳng được, bởi chỉ cần gồng mình vượt ba lần lô cốt nhuôm nhoam đường Lê Văn Sỹ, ngày một phình to dưới cái nắng nhễ nhại thì có bao nhiêu nhớ tiếc cũng trôi tuột mất tăm như thứ mồ hôi độc thoát ra kỳ hết sau một chầu tắm hơi. Saigon hay nhỉ.
Saigon hay.
Tôi cảm ơn Trời đã thương không ban cho một trận thất tình nào ở Huế ở Pleiku hay ở Đà Lạt. Tôi toàn thất tình ở Saigon. Cơn thất tình sầu thảm bay biến lập tức sau một cú hỏng xe, một trận mưa quên đem áo, một lần sắm laptop mới hay là một chuyến thăm nhà Kenzo, nhà Ferragamo. Cảm ơn Saigon.
Rồi nếu tôi hỏi chính Saigon, em có thấy mình đẹp không, chắc thành phố sẽ trả lời tôi: Em chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, vì em chưa rảnh.
Nhưng em yêu anh.
BỒ CÂU, TRỜI XANH, VÀ MƯA BIẾC
Từ nơi tôi ngồi, qua những ô cửa chớp màu nâu gụ lắp kính chạy dài suốt phần tường, tôi có thể trông thấy đàn bồ câu đậu chấp chới trên trụ đèn đường. Có bảy con tất cả [tôi tự hỏi, sao không phải là bốn mươi con?], châu đầu vào nhau, xòe đuôi thành cánh quạt ôm hết phần gờ sắt; từ xa, trụ đèn hệt như một thứ cây kỳ dị khẳng khiu trơ trọi mà ngọn trổ ra những chiếc lá nâu mập mạp [sao bồ câu con nào cũng mập?] lay động không ngớt. Nền trời Saigon xanh nhạt được điểm thêm những chấm nâu bồ câu, đáng yêu và đáng nhớ hơn hẳn. Khói thuốc Karelia tỏa xanh vào buổi sớm mai, espresso bỏng môi tỏa thơm những hồi ức. Hồi ức bốn mươi năm. Hồi ức Saigon. Cuốn phim đen trắng ố xước chạy chầm chậm, chầm chậm, có những chỗ đứt quãng lâu đến mức người trông rạp phải bật đèn phòng chiếu cho khán giả khỏi sốt ruột, để những đôi môi đang gắn chặt phải bẽ bàng buông lơi. Tôi đang lan man lải nhải cái gì ấy nhỉ? À, đấy là cảnh rạp ciné cuối thập niên bảy mươi, sáu chiếc quạt máy “tàn dư chế độ cũ” không đủ làm loãng khối không khí đặc nóng, nơi người ta chiếu những bộ phim chỉ nghe tên cũng đủ để quyết định không xem: Tôi lại nhảy qua vũng nước, Tháng tư có ba mươi ngày. Nơi người ta xếp hàng rồng rắn hoặc chen lấn nhễ nhại để được vào, để hôn nhau trong khán phòng mờ tối, trong cái nóng hầm hập và tiếng cót két ghê răng của những chiếc ghế long đinh.
Lùi lại xa hơn, đầu những năm bảy mươi, thằng bé tôi được mẹ đưa đi xem Sans Famille ở rạp Quốc Tế gần chợ Thái Bình. Saigon khi ấy thưa người và rạp sạch thơm như khách sạn. Máy lạnh chạy rì rì rét cóng. Một buổi sáng đẹp được xem phim, được ăn kem để chiều vào lớp có đề tài nóng hổi mà kể cho bạn. Cũng rạp Quốc Tế này, lúc tôi vào cấp ba, thỉnh thoảng cúp cua đi xem “ca nhạc quốc tế” toàn Bee Gees, ABBA chiếu từ đầu video phóng lên màn ảnh 100 inches, thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Như trước đây không hề là rạp ấy, nơi chốn ấy. Hóa ra khi ta yêu thương tiếc nhớ một nơi chốn, một con người, thì chẳng phải yêu chính nó, mà yêu cái hình ảnh chính ta phản chiếu vào nơi chốn hay con người. Khi ảo ảnh đã khác vì tấm gương đã mờ đã nứt, ta không còn giữ được tình yêu cũ nữa.
Đã nhiều kẻ hỏi tôi, yêu Saigon vì lẽ gì, trong khi Saigon không có lịch sử đủ lâu, không có di tích, không hề thắng cảnh, đúng kiểu đô thị mới nhuôm nhoam, nhộn nhạo, nhìn đâu cũng khói và bụi và ồn ào và lai tạp. Saigon của tôi, quả tình có nhiều điểm ứng với cái nhan đề tuyệt vời của W. Faulkner, đầy sound và fury. Và means nothing. Nhưng nếu quan niệm như Stravinsky, âm nhạc không được biểu cảm, không được có nghĩa, không được nhu mì vỗ về, thì Saigon tôi đó, chính là thứ âm nhạc ấy. Là bản hòa âm đô thị xộc xệch lắp ghép chắp vá, đầy những nghịch âm, đầy tiết tấu phá bĩnh - mà lô cốt, miệng cống hở ngay giữa đại lộ là một ví dụ; thay chiếc đồng hồ đẹp đẽ cổ kính bằng chiếc khác kỳ dị kệch cỡm là ví dụ hai [có thể tìm được thêm cho đủ bốn mươi ví dụ] - nên đáng yêu vô ngần. Tôi nhấn mạnh, nên chứ không phải nhưng.
Bởi tôi và cả thế hệ chúng tôi đã được tạo ra cùng với thành phố này. Đã trải suốt bốn mươi năm khổ đau hạnh phúc cùng với nó. Đã là một phần của chính bản hòa âm xộc xệch kia.
Đường Đồng Khởi, tên cũ Tự Do, tên cũ hơn Catinat, đoạn từ Nhà hát xuôi về Ngô Đức Kế, là nơi tôi và người yêu đi dạo mỗi chiều. Đó cũng là đoạn phố tôi đã đi đến mòn chân vào năm 1996, khi nơi đây còn một cửa hiệu bán tạp chí ngoại quốc. Những hoàng hôn đầy gió và mưa màu biếc xuyên qua những tán lá. Nơi tôi ngồi đây, ít năm trước là chỗ trưng bày đồ sứ Minh Long, giờ là tiệm cà phê của người Úc. Mọi thứ đã thay. Nhưng bồ câu mập mạp trên trụ đèn, hoàng hôn gió, trời xanh nhạt và mưa biếc thì vĩnh cửu.
Saigon, Saigon của tôi, tiếng gọi thân thương này, thì vĩnh cửu.
TẠI SAO SAIGON?
Tôi tự hỏi mình sẽ làm được bao nhiêu phần việc so với bây giờ, nếu sống ở một nơi chốn khác, một thành phố khác.
Điều thúc bách ghê gớm nhất cho thị dân Saigon là nhu cầu tiêu thụ. Saigon nuốt tiền rất ghê. Bấy nhiêu thôi cũng đủ bắt bạn phải làm việc, phải vận động.
Saigon có “không khí” làm việc. Bạn đừng thấy người Saigon tối ngày lê la quán xá, đừng thấy những quán cóc bên đường lúc nào cũng đông nghìn nghịt, mà cho rằng ở đây toàn kẻ lười biếng. Thị dân Saigon mê quán xá, mượn quán xá làm văn phòng, và cảm thấy quán là nơi dễ chịu nhất cho cuộc sống thường nhật. Thoát khỏi bốn bức tường nhà ở, thoát khỏi sự bí bách công sở.
Dĩ nhiên thành phố nào cũng có quán xá. Nhưng lạ một điều, tôi không thể nào làm việc được, suy nghĩ được ở những quán thuộc về một thành phố khác.
Đến đó, chỉ để uống, để giao tiếp. Đến đó một mình, tôi dễ sa vào cơn trầm cảm, chẳng bao giờ thoải mái để viết.
Bởi quán Saigon khác.
Chung quanh tôi, ngay lúc này đây, đầy tiếng ồn. Bàn bên có cuộc họp, nói rất to. Bàn đối diện, hai cô gái vừa ăn vừa đấu hót. Nhạc oang oang. Tôi gọi thêm một cà phê đen và vẫn viết.
Khi tôi có việc phải đến một miền đất không-phải-Saigon, tôi cảm thấy hết sức rõ là mình đang bị bật rễ. Dù cố gắng cách mấy, tôi không thể duy trì nhịp sống hàng ngày như vẫn từng. Tôi trôi nổi, mông lung, vật vờ ở nơi chốn mới; đến hơi thở của mình cũng khác lạ, cũng chuếnh choáng, cũng đầy ngậm ngùi. Ở những nơi có đủ cà phê ngon, rượu nồng và thuốc lá thơm, như Dalat, tôi vẫn cứ không phải là tôi. Thể nào trong đêm, tôi cũng sẽ thức giấc, mở cửa sổ nhìn ra ngoài, lòng buồn một cơn buồn khó tả, héo hắt khó tả. Tôi là cái cây bị trốc rễ, đang phải tự uống thứ nhựa còn sót trong thân để sống. Sống những giờ khắc cuối.
Tôi sợ.
Saigon không bao giờ làm tôi sợ.
Sống trong lòng Saigon là được sống một cách yên lành, đầy dưỡng chất và đầy sự bảo vệ. Như bào thai trong tử cung mẹ.
Phải bứt ra khỏi thành phố này, thế nào tôi cũng khóc. Đứa bé khi buộc phải ra khỏi tử cung mẹ đã khóc, hệt như vậy.
Saigon Saigon Saigon Saigon Saigon. Tôi cảm ơn mẹ tôi đã cho tôi cuộc đời ở chính nơi đây, không phải bất cứ nơi nào ngoài nó.
QUA Ô KÍNH
Đấy là một sáng nắng thật tươi hay một chiều thật xám. Đấy là một đám bạn bè hàn huyên to nhỏ hay đơn độc một kẻ ngồi. Có thể thế này và có thể thế kia. Nhưng quán thì vẫn thế, vẫn ngôi quán ấy, với những khung cửa kính vuông vức cách ngăn người trong - thường trầm ngâm và hơi ảm đạm - với thế giới ồn ã ngoài kia.
Quán có tên Givral. Một cái tên francophone đến khó ưa, vì người không biết tiếng Pháp rất kỵ đọc từ này.
Givral, quán của tôi. Một thời tuổi trẻ của tôi. Và hai mươi năm trước đó, một thời tuổi trẻ của cậu tôi.
Tôi còn nhớ như in một buổi chiều tôi sáu tuổi, đấy là lần đầu tôi được bát phố với người cậu ruột, sinh viên Triết, với tư cách hai-người-đàn-ông-Sài-Gòn. Trong khi chờ đến xuất chiếu phim Le Petit Poucet (Thằng bé Tí Hon) ở Rex, chúng tôi ghé Givral sau khi đảo một vòng nhà sách Xuân Thu để nhặt một cuốn R. Descartes mong mỏng giấy vàng cho cậu và vài số Astérix cho tôi. Tôi, sáu tuổi, vào quán cố ngồi thẳng lưng ra vẻ người lớn, gọi Coca thay vì ăn kem, và khước từ món bánh choux-crème vốn rất mê. Góc phố Lê Lợi - Tự Do (Đồng Khởi ngày nay) khi ấy còn thênh thang, khách bộ hành lững thững ngó nghiêng chứ không cắm đầu rảo bước như bây giờ. Ít người bán báo, tuyệt nhiên không có nhân viên bảo vệ cũng như giữ xe máy. Hè phố rộng, nắng chiều xiên xiên ô kính và mưa bay nhẹ, tạo điều kiện cho một gã đàn ông lên sáu mơ có thật nhiều buổi chiều bát phố thế này suốt đời, và tôi đã cố tập phát âm tên quán sao cho parisien nhất, với âm “g” và “r” đặc trưng. Coca thì hăng nồng ga đến mức gây sặc, còn quán thì mờ một màn sương khói thuốc Bastos Luxe. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn có những giấc mơ ngắn về Givral thế kỷ trước, Givral quá khứ hơn ba mươi năm với nguyên vẹn hình ảnh và mùi vị sống động như một thước phim tư liệu.
Cậu tôi nói, Givral nguyên là một hiệu thuốc tây. Tôi không quan tâm lắm đến điều ấy, mãi hai năm gần đây mới để ý đến chi tiết lịch sử cậu đã kể khi tôi thấy bức vẽ trên tường quán lúc được sửa lại. Tôi chỉ cảm nhận rằng, Givral có một cái gì đó giả-lịch-sử, một thứ lịch sử vay; nó giúp người Sài Gòn xưa rót đầy giấc mơ Pháp - chẳng cần đến Paris vẫn thấy được ngồi cà phê Quartier Latin. Chắc là thế, vì cách đây khoảng mười năm, tôi đã nhiều lần gặp một ông khách tóc bạc trắng, chống can, kẹp nách một cuốn sách Pháp ngữ nhàu, vào quán chỉ gọi một cốc vang đỏ và ngồi cả buổi chiều. Ông hẳn đang mơ mình đi dạo với G. Apollinaire. Cũng có thể ông đang hồi tưởng những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, Givral đầy nhà báo ngoại quốc kéo sang từ khách sạn Continental bên kia đường. Ông khách có lẽ là một cựu giáo viên Pháp văn, hoặc công chức sở Pháp một thời.
Mười năm trước, bàn ghế Givral kiểu khác, nhỏ gọn, ít tiện nghi hơn, không cho phép ngồi lâu, nhưng dường như khi ấy không khí quán êm hơn, từ ô kính nhìn ra phố thấy con người hiền lành và nhẫn nại hơn. Givral chỉ mới mở nhạc dạo sau này, và nhạc đã phá vỡ hết tinh túy. Quán bỗng nhiên phải chịu đựng những bản hòa tấu vụng về và Celine Dion chói tai. Hình như quán chỉ có một đĩa nhạc mở đi mở lại, nên nếu cần, khách dùng nhạc để biết thời gian. Ta có thể quyết định ngồi ba lần Celine Dion hay hai lần “Có phải em mùa thu Hà Nội” tùy ý.
Khi con trai tôi mười ngày tuổi, tôi đưa nó vào Givral, nằm trong một cái giỏ. Đây đó, những đứa trẻ sơ sinh Tây phương cũng được “đi cà phê” cùng bố mẹ và chúng nằm như những ổ bánh mì xinh xinh trong xe nôi. Đi cà phê, tiếng vậy song cà phê và những thức uống khác của Givral không hề thu hút. Đã bao nhiêu lần, tôi phân vân đọc thực đơn vốn đã thuộc lòng mà không thể nghĩ nổi một thứ đồ uống vừa miệng. Cái thu hút người ta đến Givral, là ở chính Givral. Một Givral đầy lịch sử (hay giả-lịch-sử) và hơn thế, lại có quá nhiều may mắn để đắp dày lớp áo lịch sử của chính nó. Phim Người Mỹ Trầm Lặng là một ví dụ. Khách đến Givral đông hẳn từ khi biết “Phượng đã ngồi đây”. Mà đâu chỉ Phượng! Trịnh Công Sơn, francophone điển hình, đã ngồi đây suốt những năm cuối đời - nơi mà như anh nói, “qua ô kính thấy phố đẹp và hiền từ”.
Nhưng bản thân Givral chẳng hề francophone “thuần thành” như ta thường gán cho nó. Nó Việt, nó Sài Gòn vì những người khách mới ồn ào và chuông điện thoại di động, vì hủ tiếu Nam Vang và lẩu. Nếu hòa vào dòng ấy, bạn sẽ thấy Givral chẳng khác gì những quán tạp nham ở bất cứ ngõ ngách Sài Gòn nào. Còn muốn bảo lưu không khí Pháp-nhiệt-đới xưa, hãy chọn lúc vắng khách, vào uống tách cà phê đậm và nhấm nháp chút bánh ngọt, ngắm khách bộ hành lầm lũi rảo bước, ngắm những người giữ xe máy nhỏ bé vắt vẻo trên yên xe khách, ngắm nắng xiên ô kính và mưa mờ bay những buổi chiều muộn. Chẳng ai bắt ta phải đọc tên quán đúng giọng Pháp! Thì đấy, Givral đã đón những Trung Nghĩa guitarist, Jun Nguyen-Hatsushiba nghệ sĩ tạo hình gọi quán bằng cách phát âm Mỹ; Ngô Thanh Vân ca sĩ gọi giọng Na Uy và vô số khách quen giọng Việt. Đã sao? Givral không khước từ ai, vì nó vốn biết những người đến trong suốt mấy mươi năm nay đã làm nên lịch sử cho nó. Lịch sử thật. Lịch sử lồng trong lịch sử Sài Gòn, lịch sử của những người vốn hướng ngoại và lạc quan song lại sẵn lòng dành một phần ba đời mình cho những hồi ức niên thiếu.
Givral, quán của tôi, quán của cậu tôi, quán của con trai tôi.
Cũng chẳng phải. Quán của dân Sài Gòn.
SAIGON CUA TÔI, VÀ CÀ PHÊ THƯỞ NHỎ
Đấy là một đô thị chứa ăm ắp trong lòng nó những hình những tiếng, những mùi những vị. Hình tiếng mùi vị nồng nàn và riêng biệt đến nỗi, dù đang đắm chìm vào một giấc mộng dài, tôi vẫn có thể gọi tên đô thị ấy, gọi đúng tên, như thể tên người tình vẫn thường vọng tưởng. Saigon. Saigon. Nghìn lần như một, tôi gọi Saigon bằng tiếng gọi dịu dàng không thể khác.
Mùi vị đến với tôi sớm nhất và ở lại lâu nhất, là cà phê.
Tôi biết uống cà phê - không, biết yêu cà phê thì đúng hơn, năm lên sáu.
Cậu H., người cậu ruột, đứa em duy nhất của mẹ tôi, nghiện cà phê thuốc lá từ thời còn rất trẻ. Đi làm xa, khi Biên Hòa khi lên tận Pleiku, mỗi lần cậu về nhà là nhà như có hội. Có mùi mồ hôi đàn ông, có tiếng nhạc vang lừng từ máy cassette, có tiếng giở những trang sách tiếng Pháp ố vàng, có mùi khói xăng xe Honda dựng sát cửa, có mùi xi ra đánh giày, có tiếng bút máy cào khẽ trên giấy nhật ký, và có hương cà phê đượm ngát trong không khí. Năm ấy, tôi lên sáu.
Cả nhà, bà ngoại và mẹ, không hề uống cà phê. Nhưng cậu, đứa con trai lớn độc nhất, người đàn ông độc nhất, đương nhiên được nuông chiều nhất. Cậu về phép thì thoải mái phá lệ. Bà tôi ra chợ, tuyển thứ cà phê ngon nhất, đắt tiền nhất, mua rất ít và bắt rang xay tại chỗ, chỉ để uống trong vài ngày. Bà sợ để lâu mất mùi, nên nhúm cà phê ấy cũng được gói giấy thiếc, cột chặt miệng túi, đem về còn cho vào lon Guigoz đậy nắp thật khít. Lâu lâu, tôi lại lén mở ra, dí mũi vào gói giấy sực nức một thứ hương quyến rũ không tưởng tượng nổi - có hai thứ, lúc bé, tôi cho là thơm nhất: cà phê mới xay và bánh Ritz mới mua. Cậu tôi thương cháu lắm, biết thằng bé khoái cà phê, cứ tìm cớ pha lượt này lượt khác để tôi được uống ké. Chắc một điều là không được uống nước cốt. Cà phê pha phin, nước sôi vừa nấu châm vào, châm hai lượt đúng quy cách, để cậu tôi ngồi khểnh đốt thuốc Bastos ngắm cà phê nhỏ giọt. Cảnh tượng ấy đẹp đẽ, thanh bình và nhuốm màu thần bí, ít nhất thì trong óc đứa bé sáu tuổi đúng là như thế. Cậu đã uống lượt đầu, bà tôi tiếc “cà phê còn đậm thế này cơ mà”, châm nước sôi thêm, thành nước hai. Cà phê ngon pha lượt đầu màu đã nhạt, chỉ nâu óng như cánh gián, thì nước hai chẳng khác nước xá xị bao nhiêu. Bà đem ly nước hai ấy cho đường vào, còn bỏ vài viên đá nhỏ - đó là phần cà phê của hai bà cháu. Chiếc ly thủy tinh có đế rất dày, thời ấy nhà tôi xem như đồ quý, mẹ giữ rất kỹ; thế mà bà hào phóng đem ra dùng đựng cà phê đá cho cháu. Tôi làm gì khi uống những ly cà phê đầu đời? Cũng bắt chước cậu ngồi khểnh, chân nhịp nhịp theo tiếng nhạc Thái Thanh, Sỹ Phú dìu dặt từ máy hát, nhâm nhi từng ngụm nhỏ, cảm thấy cà phê thấm vào từng tế bào lưỡi. Đôi khi còn nhấm nhấm những vụn cà phê nhỡ lọt qua phin, để có cớ mà nhăn mặt đắng quá. Cứ dần dà như vậy, những ly cà phê nước hai chỉ còn hương là chính, vị thì toàn đường, đem về cho tôi tình yêu cà phê. Yêu cà phê, thì mới yêu được Saigon.
Saigon Saigon. Thành phố của tôi, khi tôi biết tự gọi cho mình ly cà phê trong quán, thì còn vắng thưa người. Đường Ba tháng Hai, tôi vẫn quen gọi tên cũ Trần Quốc Toản, đoạn từ ngã ba Nguyễn Kim trông sang, thời tôi vào cấp ba rất nhiều quán cà phê. Không phải dạng quán sang với đèn màu lấp lánh, nhạc nhẽo xập xình. Khu quán Trần Quốc Toản vào thập kỷ tám mươi thế kỷ trước là điển hình cho dạng cà phê Saigon, thường dùng phòng khách những căn nhà mặt tiền làm quán, gian trong vẫn để ở. Ngăn cách “quán” với “nhà”, người ta thường đặt một quầy bar, trên chiếc ghế cao sau quầy thế nào cũng có một cô chủ mỏng mày hay hạt, tóc mướt như suối, mắt ướt như hồ. Vào lớp mười, tôi đã nhịn ăn sáng lấy tiền đi cà phê, ở một trong các ngôi quán đó. Ghế bàn mây, lưa thưa vài bộ, khách không cùng nhóm ngồi cách nhau khá xa, ít bị làm phiền. Khách đến quán thường thanh niên, áo bỏ ngoài, khuy áo ngực bỏ trễ tràng, ngồi xuống là gác ngay chân lên bàn rất giang hồ, song lại hiền như đất. Chẳng ai nói năng gì thì phải. Dù đi thành nhóm, hay đơn độc một mình một bàn, người ta vẫn giữ yên lặng. Yên lặng với tách cà phê của mình - thứ cà phê được tinh tuyển, pha theo một công thức chắc cũng khá đặc biệt, thêm một đầu tăm bơ Bretel hay một hạt muối, đại khái thế - để mà dõi theo dòng xe cộ phía ngoài đường lớn, dõi theo ánh nhìn cô chủ xinh như tượng, dõi theo làn khói cố thả cho thật tròn lên cao. Tôi đã bỏ những đồng tiền đầu để uống trong mô hình quán như vậy, ngồi cùng các thanh niên như vậy. Đặc trưng Saigon.
Tôi không thích cho đường vào cà phê. Bạn học cũ, đến giờ này, sau mấy mươi năm, còn nhớ thói quen đó. Nhiều khi tôi nói đùa, lúc nhỏ mình bị bà ngoại đầu độc bằng đường trong cà phê đá rồi, giờ sợ. Tôi sợ mất mùi cà phê. Sợ loãng vị cà phê. Sợ thứ đường không “đàng hoàng” sẽ làm cà phê chua đi khó chịu. Chỉ thảng hoặc, ở một quán như Fanny phố Tôn Thất Thiệp, tôi mới nhón một viên đường - đường viên trông muốt như ngọc - ngậm sẵn để chiêu chung với cà phê nóng mà thôi.
Còn cà phê Ý? Phải đến năm ba mươi tuổi, tôi mới biết đến espresso. Headlines, tầng hầm Nhà hát Thành phố, là nơi tôi thường vào mỗi chiều, giờ tan tầm. Ở đó, trong thứ ánh sáng u trầm của ngày vừa tắt, của những gương mặt ngoại quốc phần lớn là mệt mỏi sau buổi làm việc, tôi gọi cho mình vài tách espressos. Máy chạy rì rì, cà phê nổi bọt, tách sứ nhỏ xíu, bánh cookies ăn kèm. Tôi đã từng khó chịu khi chuyển sang uống cà phê Ý: nó chẳng giống gì thứ cà phê mình hằng uống từ ngày nhỏ. Nó chát, vâng, vị chát là đặc trưng nhất cho cà phê pha máy. Dư vị trên lưỡi còn chua nữa. Nhưng rồi quen dần. Để rồi tôi như bị phân thân, một mặt thì khát thèm cà phê pha kiểu Việt “truyền thống”, mặt khác vẫn cứ gọi liên tục những tách cà phê Ý chát xít, đậm đặc như máu quỷ. Đong đưa giữa hai thái cực cà phê Việt Ý, cũng là một phần trong “nhân cách” của tôi chăng?
Saigon ăm ắp những tiếng những hình. Nên ở quán, tôi không cần nhạc, bất kỳ loại gì. Tôi thích một không gian tinh sạch với cà phê ngon, chỗ ngồi tốt và tĩnh lặng. Chỉ có như thế, cà phê mới thơm đủ hương, mới đắng đủ vị, mới khiến người say. Cơn say do cà phê đem lại, không như rượu dữ, là cơn say thật mềm mại đáng yêu. Nó đem ta trở về với chính ta, với sự hồn nhiên ngây dại nhất của bản thể ta, với những kỷ niệm của riêng ta, với những tiếng nhạc từ chính tâm khảm ta vang lên. Cà phê Saigon, ôi cà phê Saigon!
NHỮNG BÓNG RỢP GỢN SÓNG
Trên đoạn đường chưa đầy hai cây số từ nhà tôi ra khu trung tâm Saigon, phải vượt qua ba chiếc “lô cốt” do những người đào đường dựng lên. Từ lúc mới có, các lô cốt như vậy đã là nỗi ám ảnh khủng khiếp cho người lưu thông. Hãy cứ tưởng tượng, giờ cao điểm, hàng nghìn người nhích từng tấc đường, va quẹt, đụng chạm, càu nhàu, mắng chửi, mồ hôi nhễ nhại khi nắng ráo và ướt lem nhem khi mưa dầm. Nhìn từ xa, từ trên cao, lượng người nhúc nhích ở các lô cốt hệt như nghìn hạt đậu chuyển động siêu chậm men theo một làn ranh bằng tôn - nghìn hạt đậu là nghìn chiếc mũ bảo hiểm lắc lư siêu chậm.
Chẳng có gì thi vị toát ra từ cảnh tượng ấy.
Nhưng bỗng dưng sáng nay, tôi tìm thấy một niềm vui khác thường khi “bò” men theo một trong những lô cốt.
Sáng nay, đường Saigon nắng vàng trải như một tấm lụa khổng lồ quấn quít từng vòng bánh xe, từng bàn chân bộ hành. Khi dừng xe chờ các xe tải nặng vượt lên, tôi bị ép sát vào thành lô cốt. Và bỗng dưng, tôi nhìn thấy nó.
Nó, là những vạt nắng xiên xiên chiếu xuống thành lô cốt lợp tôn, in xuống lòng đường thành những bóng rợp uốn lượn như sóng.
Ký ức niên thiếu ùa về như thác.
Bạn hãy tưởng tượng cùng tôi nhé: những bóng rợp lượn sóng ấy, chia mặt đường thành hai mảng rõ rệt; một bên là nắng hanh hao, bên kia râm mát. Nắng xuyên qua tán lá cao vẽ xuống phố các vệt lung linh. Bạn hình dung ra cái gì nào?
Với tôi, đấy là biểu tượng sinh động của những ngôi nhà Saigon thời thành phố chưa đông dân như bây giờ. Saigon của những năm bảy mươi thế kỷ trước. Quang cảnh tưởng như không bao giờ thấy lại, giờ hiện ra ở một hình thái bất ngờ. Hệt như ảo cảnh sa mạc.
Nếu bạn có dịp đi thật chậm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo chiều từ Sở Thú xuôi về vòng xoay gần Hàng Xanh, hãy để ý một vài căn nhà phía tay phải, những căn nhà cũ không tu sửa, không nâng cấp, bao nhiêu năm rồi cũng vậy. Bạn hãy để ý những vệt nắng loang trên vỉa hè các ngôi nhà đó, xem chúng có lượn sóng hay không.
Và hãy so sánh với đường lượn sóng lúc bạn đi cạnh một lô cốt.
Saigon mà tôi lưu giữ trong tâm khảm, có những căn nhà như vậy, những vệt nắng như vậy, những đường lượn sóng mái tôn như vậy.
Nhà Saigon, thời xưa, mái lợp tôn. Nó làm Saigon khác Hà Nội, khác Huế. Mái tôn, tường vôi vàng, bóng rợp cây xoài cây ổi, khoảng sân nhỏ, tiếng cải lương từ radio.
Ở một trong những ngôi nhà như vậy, mấy mươi năm trước, tôi đã ngồi yên lặng cả buổi chiều. Ngồi yên để ngắm những bóng rợp tàn cây, mái tôn. Để nhìn những gót nhỏ đi dạo trên hè. Để nghe tiếng đàn piano lấp lánh như gương bạc của người thiếu nữ ấy. Một người nữ gầy mảnh, không trang điểm, một chiếc áo đầm vải bông in hoa giản dị. Những nhạc khúc Chopin, Beethoven, Debussy. Những ngón tay măng. Những ánh nhìn vô tư lự. Saigon của tôi, đẹp như vẽ, Saigon của tôi ơi!
Ở một trong những ngôi nhà như vậy, tôi đã ăn những quả đầu mùa non nớt hái từ cây rợp lá trong sân. Bao lơn đúc xi măng nhô ra trên đầu tôi - đầu chúng tôi - đã cũ lắm, đã đóng đầy rêu và chỉ chực sụp xuống. Có hề gì, nó sụp thì chúng ta cùng chết, tôi đã bảo nàng như vậy.
Ở một trong những ngôi nhà, có người tôi yêu, một thuở. Nhưng thật ra tôi có yêu nàng không, hay chỉ thông qua hình bóng nàng, để yêu thành phố này, yêu những ngõ phố mù bụi, yêu những buổi sáng nắng lụa và buổi chiều mưa sa? Hay chỉ thông qua nàng, để yêu chính tôi, chính thời niên thiếu của tôi?
Dẫu sao, đấy vẫn là Tình Yêu.
Tình Yêu làm nên tâm hồn tôi, một mảnh hồn nhạy cảm đáng thương hại, một mảnh hồn rung lên không dứt như sợi dây đàn dương cầm ở chỗ những phím trầm.
Saigon làm nên niên thiếu tôi. Từ đó, tôi dấn thân vào một cuộc hành trình vô định. Của nghệ thuật, của âm nhạc, hay một cái gì không phải thế, thì có khác gì?
Vì Saigon đã làm nên niên thiếu và bảo bọc ký ức tôi, tôi biết ơn thành phố này.
Để sẵn sàng “tha thứ” cho nó mỗi khi nó đẩy tôi và hàng nghìn “hạt đậu” vào vùng kẹt xe vĩ đại tạo ra bởi các lô cốt.
Bạn nghĩ mà xem, chỉ nhân một lúc kẹt xe, mà tìm thấy cả một vùng ký ức thất lạc. Có diễm phúc nào hơn thế?
GIVRAL
Sau khi “Qua Ô Kính” được xuất bản (trong tập Những Ghi Chép Vụn, 2009), có người thách tôi viết thêm một bài nữa về Givral. Tôi nghĩ, viết gì bây giờ nhỉ, còn gì để viết không. Mà nếu không còn gì thì cũng hơi lạ. Một nơi chốn mình đã ngồi gần bốn mươi năm, chẳng lẽ chỉ viết được hơn nghìn chữ là hết?
Cậu phục vụ mặc đồng phục sơ mi đỏ lại gần, nhìn qua vai tôi.
“Anh xài iPhone lâu ghê ha. Mấy cái điện thoại khác thấy cứ vài ngày là đổi.”
“Ừ, iPhone giống Givral vậy đó. Không làm mình chán. Thân mà không chán.”
Tôi gọi một đĩa cơm gà có thứ nước xốt màu nâu đất óng ả. Lại thêm một cà phê nữa.
Chính ở đây, một trong những món ăn như vậy, đã là món “ruột” của V. Tôi thường ngắm hai bàn tay cô xếp dao cài vào nĩa khi ăn xong.
Thường tôi mất độ non tiếng đồng hồ cho một bài báo, một bản nhạc. Những người phục vụ quen mặt đã biết ý, sẵn sàng dành cho tôi một ghế nệm, một bàn riêng, kệ khách có khi đang phải đứng chờ lấy chỗ. Lần ngồi lâu nhất ở Givral của tôi là năm tiếng, từ 7 giờ sáng đến giữa trưa.
Hôm ấy, tôi hẹn Jun Nguyen-Hatsushiba để xem các footages phim ngắn anh làm, một trong nhiều dự án video mà tôi viết nhạc. Khi tôi đến, Jun đã ngồi đó, đang hí hoáy vẽ loằng ngoằng trên giấy ăn. Chúng tôi bàn công việc mất hai giờ, và Thái Feeling thì đợi ở bàn bên cạnh.
Thái cho tôi xem các layouts anh làm cho cuốn sách Mặt của tôi. Về sau, khi Mặt được in, là theo một layout khác. Nhưng tôi vẫn còn giữ cuốn sách in nháp trên giấy ảnh mà Thái làm cho tôi.
Giờ cuối cùng trong buổi cà phê dành cho Nhật Lệ, tức nhà báo Minh Thi. Cô phỏng vấn tôi khi đĩa Bình Yên vừa phát hành.
Tôi uống sáu tách cà phê trong buổi hôm ấy. Và nếu trí nhớ của tôi đáng tin, thì buổi tối cùng ngày, tôi còn đến Givral uống thêm một lượt cà phê nữa.
Ở Givral tôi hay gặp người quen. Hồi trước, là vợ chồng Cẩm Vân, Khắc Triệu. Rồi anh Trịnh Công Sơn, hoặc em trai anh, Xuân Tịnh. Sau này, khi Givral không cho để xe đằng trước mà phải gửi mãi tận đối diện khách sạn Rex, nhiều khách ngại. Tôi cũng ngại, không ghé thường. Mỗi lần gửi xe xong thì đi tắt xuyên qua Eden Mall, kể cũng chẳng xa xôi gì, mà vẫn ngại. Chắc tại Eden Mall không có gì hấp dẫn.
Khi tôi viết những dòng này, chính tại Givral, thông tin về sự giải thể của nó cùng tòa nhà Eden đã được xác nhận (1). Vậy, có thể sau này tôi chỉ còn viết về nơi chốn yêu dấu ấy như một phế tích. Mà chưa chắc đã còn gì gọi là “tích”.
Từ nơi tôi ngồi nhìn ra qua ô kính, mấy du khách đang giơ máy chụp Nhà hát thành phố. Các cậu xe ôm đang hoa chân múa tay như trong phim câm, nhưng tôi có thể “nghe” được lời thoại.
Motorbike, sir, sir?
Fifty thousand dong, sir. Very cheap, very fast.
Tôi trải qua một buổi chiều ở đây, và có thể những buổi chiều kế tiếp, để hoàn tất tập sách Thị Dân.
Cà phê đen hôm nay pha đậm, hơi nồng vì nước pha không đủ độ nóng.
Tôi vẫn sẽ gọi thêm một tách nữa.
Một lát đây, tôi sẽ lại đi bộ xuyên qua Eden Mall, tay xách một túi bánh baguettes mua cho Tommy ăn sáng.
Có thể dừng lại rút ít tiền mặt ở trạm ATM của HSBC.
Hay là ngày mai, tôi sẽ đi taxi ra Givral rồi bắt xe ôm very cheap very fast để về?
____________________
(1) Givral đã đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 28/3/2010. Nơi này một thời gian nữa sẽ mọc lên một cao ốc.
MỘT CHÚT BẮC MANG THEO
Tôi người Sài Gòn. Toàn tòng.
Tức là người Nam.
***
Xác định điều này chẳng phải để kỳ thị Nam Bắc, mà để thấy sự khác biệt vốn dĩ. Trả lời phỏng vấn các nhà văn Croatia vào năm 1978, văn hào Mỹ John Updike đã nói như sau về W. Faulkner: “Ông ta là người miền Nam. Tôi không phải người Nam, có lẽ vì thế tôi ở ngoài vòng những kẻ hâm mộ ông ta.” Hoa Kỳ rộng lớn thế, mà còn phân biệt, huống hồ…
Gia đình tôi vào Nam năm 1954; đấy là gia đình nhỏ gồm bà ngoại, mẹ và cậu tôi, còn họ mạc vẫn ở lại ngoài Bắc. Tôi sống với bên ngoại từ thuở lọt lòng, hít thở cái không khí Bắc còn vương lại - hay đúng hơn - được mang theo. Trong giọng nói, cách ăn uống, thói quen, những câu chuyện, những kỷ niệm, vô vàn kỷ niệm.
Xóm tôi ở mấy mươi năm cho đến tận lúc lập gia đình riêng là một xóm Bắc. Những người Bắc Công giáo sống cùng những người Bắc Phật tử, hiếm hoi lắm mới tìm thấy một gia đình rặt Nam. Xa hơn một chút, về phía cuối đường, là khu người Hoa Quảng Đông làm những nghề thuộc da, thổi nhựa nylon, cởi trần suốt ngày và nói tiếng Việt theo một thứ ngữ pháp kỳ lạ.
Bạn thiếu thời của tôi, Huế có Bắc có Hoa có. Nên tôi nói một thứ giọng pha đủ loại giọng, đến độ Lưu Trọng Văn trong một lần phỏng vấn, đã nhận xét, ông nói giọng chả ra miền nào.
Giọng chả ra miền nào thì là giọng Sài Gòn. Chắc chắn rồi.
Cậu tôi, cựu sinh viên Triết, chỉ mê nhạc của những người Bắc. Khi cậu mua chiếc máy cassette stéréo bằng tháng lương đầu tiên, ông chỉ đem về những băng nhạc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến. Tôi hay lén người lớn bật đi bật lại một bài nào đó, Con Đường Tình Ta Đi hoặc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay để chép lại lời ca. Những lời ca của người Bắc. Cách dùng từ đặt câu của người Bắc. Mẹ tôi ủng hộ việc giữ gìn chất Bắc - dĩ nhiên tôi vâng lời với một chút khó chịu trong lòng, vì những đứa bạn gốc Hoa, gốc Huế của tôi đâu có ăn nói như thế.
Khi tôi lên ba, bà ngoại tôi đem ra một bộ nĩa ăn nhỏ xíu chỉ có hai răng, cho tôi làm đồ chơi. Bà gọi đó là những cái dĩa. Dĩa, không phải nĩa. Cùi dìa, không phải muỗng. Tôi hay nằm trong lòng bà khi bà têm trầu, những miếng trầu têm cánh phượng lả lướt như thơ, thơm nức, hơi vôi nồng, là cả một trời Bắc bà đem vào Sài Gòn cùng với những câu chuyện không đầu không đuôi về thời thiếu nữ của bà. Trầu têm cánh phượng, chỉ có vôi trắng, không xỉa thuốc như trầu người Nam. Bà hát ru tôi, Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi. Ru bằng câu ả đào, không phải câu vọng cổ từ là từ phu tướng.
Mẹ tôi là cô giáo, rất dị ứng với lối phát âm miền Nam, sợ học trò viết sai chính tả. Ngay cả bây giờ, cháu nội vẫn bị bà mắng khi phát âm “thịt” thành “thựt” theo tiếng Nam.
***
Song dù muốn dù không, tôi là người Nam.
Thế nên tôi có hai cách nói chuyện. Cách xuề xòa miền Nam “rặt” dùng cho giao tiếp thông thường và cách phát âm chuẩn Bắc để dành khi cần phát biểu trước công chúng. Tình cờ bật ti vi thấy tôi nói gì đó, mẹ tôi bằng lòng lắm, ừ nói thì phải nói giọng Bắc nghiêm chỉnh đứng đắn chứ. Làm sao bà biết được ngay sau câu đứng đắn nghiêm chỉnh ấy, tôi bảo cameraman đủ gòi nha cắc đi…
Trong sinh hoạt thường ngày, tôi thích giọng Sài Gòn. Nó thân mật, phóng khoáng, khác với giọng Bắc nghiêm cẩn và tinh tế.
Giống như tiếng Anh của người Mỹ khác với của người Anh.
Tôi chọn thứ giọng ở giữa.
Tôi chẳng ra bảo thủ cũng chẳng ra cấp tiến. Tôi ở giữa.
Hồi trước, tôi có nhiều dịp soạn kịch bản cho MC đọc trong các chương trình giải trí hoặc hội nghị. Tôi nghiệm ra rằng phải dựa vào cách phát âm của MC mà viết. Không thể đặt câu văn Bắc vào miệng người Nam, và ngược lại. Chỉ khi bạn nói giọng Sài Gòn, bạn mới có thể đọc cả hai thứ “hơi văn” đó.
Tôi rất yêu thứ giọng Hà Nội ấm áp, hào hoa của Nguyễn Đình Toàn “em nhớ không chút heo may của những ngày sung sướng đó”; và tôi cũng yêu không kém kiểu giọng Sài Gòn thật mộc, thật chân tình của Chung Vũ Thanh Uyên hay Lê Đỗ Quỳnh Hương.
Chất Bắc mà thế hệ cha mẹ tôi đem theo, đến tôi đã vơi gần hết. Chỉ còn một chút nổi nênh loáng thoáng trên chất Sài Gòn như đầu tăm bơ Bretel váng trên một tách cà phê đậm buổi sáng.
[Viết cho SGTT Xuân Canh Dần]
__________________
Đường gì mà nhiều cây xanh quá
Phá Lấu đã có từ ngày ấy
trân hưng đao, gần chợ cầu ông lãnh?
trung tâm SG chỉ dành cho 1 số trung lưu sống thôi (theo nhiều em)
Bến Chương Dương
sân thượng của người nào
Nguyễn Huệ trước toà Hoà Giải, bây giờ là cao ốc Sunwah
thương xá Tax.,,,,,ngày xưa có máy lạnh
nhà hat lớn
lê lợi
lê loi
block Eden với chung cư và rạp Eden ngày xưa
vòng xoay Bến Thành
cuối đường Hàm Nghi.....toà nhà trắng góc trái bây giờ là cao ốc M&C....bên kia đường là FT
quận 1 ....10 năm trước còn rất nhiều nhà thê này.......nhưng đường calmette bị mở rộng nên mất đi gần hết
quận 3 SG..giờ mất gần hết cảnh cây xanh thế này
Cổng xe lửa số 6.....đường gì quên rồi.....nhưng đây lên vài bước là cổng xe lửa số 6 SG, nôi tiếng với nhiều hồn ma bị xe lửa cán........có 1 truyện hồn ma theo người tình qua Mỹ, nhập vào vợ của người đó để lúc làm tình....làm người đó nổi da gà.......ta rất thich nghe truyện ma,,,,nên ta đọc cái này truyện ma có thật cũng 6-7 năm rồi
ngã 7.....tại sao ngã 7?,,,,,,,,,,,vì nó có 7 con đường chụm về đây
1 con đường dẫn về Ngã 7....phía sau là nhà thờ thánh Jean of Art của Pháp..bên phải là trường con trai nổi tiếng Lê Bá Tòng
bây giờ nhà cao tầng nhiều qúa, nhìn 1 con đường chỉ có nhà 1 tầng thấy nó thật là dễ thương.......hìền hoà, đơn giản.......kỷ niệm đẹp của thập niên 1950-60, đất rộng người thưa
nhà ổ chuột ngày xưa cũng thật sạch sẽ
MÀ hồi xưa mấy con đường lớn có hàng phân chia đàng hoàng, nhìn cũng rất pro, sau 75 thì ko hiểu sao mấy anh nhà ta dẹp hết, để rồi bây giờ cũng phải lo đi đặt hàng rào phân đường lại như xưa. Ngoài ra ít khi thấy vạch kẻ đường bị phai mờ tàn tạ như ngày nay.
đường Hai Bà Trưng phía sau hát lớn
chùa hồi giáo phía sau hotel caravelle
cầu chữ Y
con đường cây xanh Trần Hưng Đạo
mấy căn nhà dễ thương qúa
Trần Hưng Đao?
cầu chữ Y
nhìn kỹ mấy căn nhà ngày xưa...nhà gỗ rất hay
cái này ở đâu? thấy quen mà không biêt.....kiến truc giống đại học dược Chợ Lớn.,,,,mà không biết ở trên không nó sao
image hosted on flickr
6 nhận xét:
Mình thích mấy bức hình quá, thì ra nhà hát lớn ngày xưa là Hạ nghị viện : )
wow...toàn hình cổ xưa...đẹp ghê !!!
Tuyệt...không có gì hơn
à có chú thích "Saigon năm 1967 nhìn từ Givral" hình như...không ổn, có lẽ ...nhìn từ Po^le Nord vì hướng nhìn ra UBNDTP
....entry a. Huy soan công phu quá . Cám ơn
Chính thức lên tiếng.... T xin mấy entry về SG về lưu trong máy heheheh,t
Trước giờ lấy mà hổng xin, giờ thì xin .... nhưgn vẫn tiếp tục lấy ehehh
uhm, bạn cứ tự nhiên:)
Đăng nhận xét