Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Mai Thảo trên Vấn Đề - “Trà đựng trong bình trí nhớ câm / Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm”






(photo: NGUYỄN BÁ KHANH)

MAI THẢO đến với văn chương… và trong một chừng mực nào đó, ông đã làm thay đổi tiếng Việt, làm nó đẹp hơn, óng ánh hơn, thơ hơn…Cùng những người bạn từ một lên-đường-lớn của ông trong nhóm SÁNG TẠO những năm 1956-1960, diện mạo của văn chương miền Nam cũng được giở sang một trang khác . Để khắc họa hình ảnh “văn chương” trong thời kỳ đầu này -  nếu chỉ bằng 1 đứa con tinh thần - thì đó phải là ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI, về mặt địa lý và “tâm lý”, ông đã cắt đứt Hà Nội bằng tác phẩm này, ông đã tự làm tắt đến tận cùng “điểm le lói cuối cùng” của ngọn lửa Hà Nội…


Trong giai đoạn đầu ở giữa lòng “thủ đô văn hoá của Việt Nam” , người ta nhắc nhiều đến ông & SÁNG TẠO mà có thể đôi khi lãng quên có một MAI THẢO – VẤN ĐỀ,  trên VẤN ĐỀ - những góc nhìn và cách nghĩ của ông có thể là một nối tiếp của SÁNG TẠO -  ông đưa ra những tuyên ngôn quyết liệt của mình, ông tìm (lại) cho mình một căn cước  mới , sau “giã từ”, sau  một “lìa cách đã”, những đoản văn của ông trên VẤN ĐỀ như một định danh lại lại vùng đất của  trú ẩn tình tự mới, vùng đất mà nay ông “xin nhận nơi này làm quê hương”, điển hình là qua đoản thiên HÀ NỘI – MỘT ÁNH LỬA ĐÃ TẮT , một trong những đoản thiên/ tuỳ bút hay nhất của Mai Thảo, và cũng là 1 trong những đoạn viết hay nhất về Hà Nội/ về sự chia cách "đến tận cùng" trong văn chương Việt. 

Và còn nữa, trong “THƯ CHO MỘT NGƯỜI BẠN”, ông chính thức "khai tử" Hanoi, ông đã thỏa hiệp và đã sống cùng Saigon – nơi “sống tự nhiên không băn khoăn, không lựa chọn, nhẹ nhõm và đơn giản” – bởi lẽ “ ý niệm về cái đẹp hiểu cái đẹp theo quan niệm và mơ ước của người Hà nội trong tôi ngày nào còn sống với Hà nội, ở tôi bây giờ không còn nữa. Nó đã chết. Trong suốt một phần đời , nó đã phủ lên hình hài và tâm trí tôi như một tấm áo gấm sặc sỡ, tấm áo đã rớt xuống một lúc nào tôi cũng  không hay”

Cái mà làm cho chúng ta đã và sẽ yêu MAI THẢO chắc có lẽ là cái “mạch ngầm” trong dòng viết của ông - mạch ngầm khơi dòng từ hoài niệm -  ông là nhà văn của hoài niệm… Trên VẤN ĐỀ, Cái hoài niệm mà ông gầy dựng trong một sự mất-trật-tự mơ mơ hồ hồ giữa thời gian, không gian, cách ông viết ra những gì ông nhớ như một cơn mộng du, người đọc “du” vào cơn mộng ấy và lầm lũi bước theo vùng sương khói đó…"Những cánh dơi lẻ loi, mù trong bóng đêm dài..."

Văn của ông là để phiêu lãng cùng, để cảm với, chứ không phải để phân tích. Nơi đó, những hình ảnh tưởng đã phai nhạt , tưởng đã biến mất…bỗng dưng hiển hiện và sáng loà trước mặt , những gì tưởng đã căm bặt bỗng âm vang tiếng nói …Văn của ông chính là thứ trà quý, người ta “uống trà” không chỉ đơn thuần là để thưởng thức cái vị ngọt/ đắng của lá “trà” đó mà còn hơn thế nữa, có phải không? Cái “men” trà của Mai Thảo chính là thứ "hương gây mùi nhớ/ trà khan giọng tình", thứ “Trà đựng trong bình trí nhớ câm / Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm”… Trong những đoản văn/ tuỳ bút trên VẤN ĐỀ… ”nỗi đau thầm” đó làm người ta xúc động.

...

MAI THẢO thời điểm ấy trong những bài “nhìn lại”/ “tổng kết” trên VẤN ĐỀ - luôn thấp thoáng hình ảnh "kẻ nhắc tuồng"(*) & hơn thế nữa, ông muốn vượt hẳn lên , không chỉ là những kẻ "ôm đàn tới giữa đời" mà trong một chừng mực nào đó, muốn trở thành những người "tạo nổi những bình minh, dựng được những mùa xuân" qua hàng loạt những tiếng nói:  “chân trời nào sẽ hiện trên Việt Nam nhận thức/ chỉ tay ấy nói gì về Việt Nam số phận?/ Văn học nghệ thuật phải làm gì trong ngó thấy ngày mai?...”.
Ông nhiệt thành, ông say mê làm một cái gì đó cho văn chương, cho nghệ thuật, xa hơn nữa là cho đất nước... những phóng chiếu viễn cảnh, những nói ra nhân danh, những lên tiếng thiết tha…qua cách dẫn nhập, qua cách tiếp cận rất mai-thảo ....cũng là một lát cắt khác của văn chương Mai Thảo vậy 

Trên “dòng sông rực rỡ” văn chương Mai Thảo, trong một giai đoạn MAI THẢO – VẤN ĐỀ , độc giả đã được tắm mát, đã được vẫy vùng trong hương thơm của kỉ niệm, được nâng niu trong một vòng tay ôm hoài niệm, và chết ngất trong một niềm hạnh phúc (dù là) mơ hồ (mà có hạnh phúc nào lại không?!?...)…


 huyvespa@gmail.com


“Người đời vẫn không hiểu văn nghệ sĩ là loài chim biển mở ngực đau thương lấy hết máu hồng, nuôi đời khôn lớn. Không phải thế. Máu đời đã sẵn những dòng đầy ắp trong da thịt và hình hài đời tự nó nở hoa. Văn chương khác. Nó không đến với cuộc đời như loài chim biển ấy. Tôi không có chết cho anh được sống. Chỉ là một ảo tưởng quá độ về vai trò, vị trí và lẽ phải về hiện hữu mình, những kẻ viết ra chữ, hát ra thơ, nghĩ mình là con tằm nhả tơ vàng dệt đời thành lụa, con ve sầu góp tiếng kêu cho nóng những mùa hè, chú lái khờ tặng hết những kim cương châu báu đầy tay, cho thật hết không đòi nhận lại. Có những cuốn sách có trời trong sách. Có những bài thơ có biển trong vần. Có. Nhưng nghệ thuật chỉ là cái sự nói ra, bằng một cách nào, những điều đã có. Người làm nghệ thuật không đóng một vai trò nhất định nào. Cho anh. Cho nó. Y không tạo nổi những bình minh, dựng được những mùa Xuân. Nghệ sĩ chỉ là kẻ nhắc tuồng tối tăm bình thường đứng dưới căn hầm sân khấu đó anh biết thế không?
(“Kẻ nhắc tuồng”, Khởi hành, số 4, 31-7-1969)











SDC12580SDC12581SDC12583SDC12584SDC12585SDC12586SDC12587SDC12588SDC12590SDC12591SDC12592SDC12597SDC12598SDC12599SDC12600SDC12601SDC12602SDC12603SDC12604SDC12605SDC12606SDC12607SDC12608SDC12609SDC12610SDC12611SDC12612SDC12613SDC12614SDC12615SDC12616SDC12617SDC12618SDC12619SDC12620SDC12621SDC12622SDC12623SDC12624SDC12625SDC12626



SDC12565SDC12566SDC12567SDC12568SDC12569SDC12570XUẤT NGOẠI VÀ TRÌNH DIỄNSDC12571SDC12573

SDC12576SDC12577


*


*

*

*


*




Không có nhận xét nào: