Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

NGUYỄN TẤT NHIÊN-THI SĨ ĐIÊN SI TÌNH LÃNG MẠN

Bạn có thể nói ông là 1 nhà thơ si tình vào bậc nhất trong thi đàn VN , hay cũng có thể nói ông là người lãng mạn 1 cách hơi điên hay điên điên 1 kiểu lãng mạn, Sao cũng đúng, bởi nói về ông ..thì có lẽ phải nói cả 3 điều trên mới thật chính xác, ông si tình đến nỗi mang nỗi uất ức bị tình phụ vào từng bài hát, và hẳn người con gái năm xưa hẳn cũng bị dằn vặt không kém khi nghe mọi người hát bài hát phổ từ thơ ông “..để người tên Duyên đau khổ muôn niên” (Thà như giọt mưa-Phạm Duy viết nhạc). Cũng có thể nói ông điên điên khi trong những cuộc trò chuyện với những bạn bè thân thuộc, ông đã mạnh dạn nói, chắc sau Nguyễn Du là đến ông, ông hơi điên điên khi những ngày cuối đời sống trên đất nước cờ hoa lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ có người sát hại vì mình là FBI,CIA..Ông lãng mạn, điều này thì có ai đọc thơ ông, hay nghe những bài hát phổ từ thơ ông có thể phủ nhận???Cái điên, cái lãng mạn...chắc cũng do"thời thế thế thời thời phải thế", và nhất là trong nỗi cô đơn cùng cực của tâm hồn 1 thi sĩ trên xứ Mỹ mà tình người có đôi khi đã phai lạt, để rồi cuối cùng ông đã tư tìm đến cái chết trước sân ngôi chùa Việt Nam ở Cali-có lẽ, thế giới bên kia, thế giới chỉ có mây gió trăng, không có chỗ cho thù hận,tị hiềm mới đúng là nơi ông thuộc về...

Ông tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30-5-1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Sau 5-1975 sống tại Hoa Kỳ. Mất ngày 3-8-1992 tại California. Lúc còn trẻ ông còn có biệt danh là Hải Khùng.





Theo lời nhà thơ Thái Thụy Vy (người cùng quê với ông) "hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên; anh nhỏ hơn tôi đúng một con giáp, tuổi Thìn; anh thường làm thơ in ronéo đi phát không cho nữ sinh, họ đều quăng vào thùng rác, đến lúc Vĩnh Phúc và Nguyễn Xuân Hoàng dạy trường Ngô Quyền gửi đăng ở tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, được Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang phổ các bản "Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá", "Trúc đào", "Vì tôi là linh mục"," Em hiền như ma soeur", "Kià cô em Bắc kỳ nho nhỏ","Hai năm tình lận đận" thì nữ sinh ùn ùn kiếm mua thơ anh; Nguyễn Tất Nhiên sau lấy Minh Thủy, xóm Cây Me...







Nguyễn Tất Nhiên - ảnh chụp năm 1982

Thơ anh đi sớm hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ, và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo, chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, chiến tranh, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng... Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ, mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt; vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ, và được đón nhận nồng nhiệt. Bắt được giọng thơ tươi rói và đầy sức thu hút của anh, một nhạc sĩ tài danh phổ ngay thơ của anh thành nhạc, làm rung động bao trái tim cuồng nhiệt yêu đương thời chiến loạn. Vậy rồi thơ anh cất lên thành cơn sóng lớn, vượt bờ. Không ai mà chẳng biết thơ anh, không ai mà không hát nhạc phổ thơ của anh.

Đầu thập niên đầu 70, những bài hát tình của Phạm Duy, phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, đã được tiếng hát ngọt ngào của Duy Quang đưa vào lòng người, nhất là các thanh thiếu niên, những người trẻ sống giữa chiến tranh, nhưng vẫn yêu đời, và ... yêu nhau . Yêu nhiều hơn nữa, vì giữa những pháo đạn, những triết lý, chính trị, bàn cãi của người lớn, những đêm đi từ lớp học thêm Anh Ngữ này, đến lớp học thêm Lý Hóa nọ, và những tối thức khuya với chồng bài vở, thi cử, thì âm nhạc là niềm vui, làm đời sống đỡ căng thẳng, để giới trẻ tạm quên chiến tranh.


Đối với những người sống vào thời ấy, những hình ảnh tình yêu của các chàng và nàng học sinh đã được in đậm, ăn sâu đến mấy mươi năm sau, không những thế, thiết nghĩ chẳng lộng ngôn tí nào, khi bảo rằng những hình ảnh đó đi thẳng vào văn chương Việt Nam. Đó là cảnh anh học sinh “lính quýnh giữa sân trường trao thư...”, cho cô nàng, “tóc thắt bím, nuôi dưỡng thơ ngây”, và nhất là ... cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, đạp xe qua phố:



Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, cô nàng mới lớn xinh xinh, hơi chút kiêu kỳ vì được các anh hàng xóm hay các chàng trường "con trai" theo đuổi .... Đôi lúc cô hơi chanh chua, ngoe ngoảy, không hiền dịu bằng hình ảnh cô gái tóc thề, nấp dưới nón bài thơ ngày xưa. Cô tân thời hơn, líu lo dạo phố cuối tuần cùng đám bạn, nhưng không kém phần duyên dáng, cô là cô gái mới lớn ngây thơ, yêu đời và đi chân sáo vào tình yêu.


“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ.
Này cô em mắt trời bao dung,
Nhìn anh đi hãy nhìn cho rõ,
trước khi nhìn đám đông, trước khi vào đám đông ..."



Quên làm sao được giọng hát trầm ấm của Duy Quang, đaị diện cho các chàng trai cùng thế hệ, tỏ tình cùng các cô em gái dễ thương, còn ngâm ô mai và hay hờn.

“Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “Em hiền như ma Soeur”, những bản hát diễn tả những mối tình đầu đời, còn vụng về, còn lấm màu mực tím của các chàng, nàng học sinh, sinh viên tạm quên mọi việc để mà yêu nhau. Những đón đưa, những chiều tan trường, qua con đường lá me bay, và những ngày mưa, với chiếc xe cổ lỗ xĩ:


“Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già



Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa"







Sao chàng Nguyễn Tất Nhiên lại nhìn ra là em hiền như ma-soeur nhỉ. Thật sự ai đã từng học trường các Ma soeur rồi thì không đồng ý đâu! Các soeur nghiêm lắm, sáng nào cũng đứng trước cõng, cầm cây thước, đón học sinh. Cây thước là để đo độ ngắn của váy. Váy quá ngắn là bị điệu lên văn phòng cảnh cáo! (Các soeurs cũng khôn lắm, đuổi cô học sinh theo mốt về, thì cô nàng có cớ cúp cua, cho nên thường chỉ bị kêu lên văn phòng nghe giảng morale thôi). Sau này thì các soeurs “ma-lanh” hơn, hình phạt cho cô nàng thích theo mốt, là phải bận chiếc váy dài, rộng thùng thình của soeur đi vòng vòng trong sân trường. Bận một lần là tởn tới già, váy rộng, dài, coi chướng vô cùng, còn gì là dân chơi nữa! Các soeurs mà thấy các anh léo hánh đứng trước cửa trường là các soeur đuổi thẳng tay à. Thế là có anh tự nhiên ngoan hẳn, dành chở cô em ruột chanh chua đi học, để có cớ đứng trước cõng trường con gái! Có những anh thì "mặc dày", soeur đuổi đàng này, một chóc lại thấy anh xuất hiện đàng khác rồi. Các soeur cũng không thích học sinh ăn quà và đi học hơi trễ một chút là biết tay với các soeurs ngay. Thế mà ông Nguyễn Tất Nhiên bảo các soeurs hiền!!!





Tuy các soeurs và bố mẹ canh kỹ vậy, nhưng tình yêu thắng thế tất cả. Bởi vì anh lẽo đẽo theo lâu quá mà. Cho nên mối tình kéo dài tới hai năm:

“Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao



Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau



Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao



Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau... “

Xa cách trong thời chiến hiển nhiên quá. Một kỳ thi không nắm vững là thấy Tương Lai hụt hẫn, không nằm trong tầm tay. Bốn năm đaị học coi như được thay bằng một bước vào đời xa lạ, khốc liệt.



"Người từ trăm năm về qua trường Luật
Người từ trăm năm về qua trường Luật
...Ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu,
Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc "


Sao lại là người từ trăm năm nhỉ? Có lẽ người thời nào cũng thế thôi, bước đầu đời hỏng làm ông Tú đời nay cũng đau như ông Tú trăm năm về trước!


Thế đó, sự kết hợp của Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên được giới trẻ đón nhận một cách nồng nàn, hiển nhiên như đời sống, như thời cuộc! Không phải là một hiện tượng, mà là những lời thốt ra tự nhiên từ giới trẻ, sống trong một thời đại mà tương lai không do mình định đoạt, tương lai nằm ngoài tầm tay với. Với tiếng hát ngọt ngào, trẻ trung, có âm hưởng vui, Duy Quang thật thích hợp với những bài hát này. Không hẹn mà nên, người con đầu của Bố Già Phạm Duy đã diễn đạt được tư tưởng và dòng nhạc tình của ông, giọng nhạc tình dành riêng cho giới sinh viên, học sinh. Duy Quang hát rất thoải mái, ngọt ngào, không trau chuốt, tựa như tiếng hát của chàng học sinh trong sân trường, ấm, nồng, gần gủi, thân quen.


“Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió, hồn mình gần nhau chưa? "


Lời tình tự của đôi trẻ, tình yêu đầu đời không có đoạn kết, nhẹ nhàng, buồn mơ màng như khói sương, như làn mưa bay trong thành phố, như hạt bụi li ti lấm vào áo nàng, như chiếc xe cũ kỹ của chàng.









BÚT TÍCH CỦA NHÀ THƠ(NHỮNG NĂM 70)







Vào thời điểm nói trên, thơ của Nguyễn Tất Nhiên qua những bài phổ nhạc là hiện tượng không thể tránh khỏi ở Miền Nam. Ca từ này đi vào đời thường, liếc đâu cũng thấy những cô Bắc kỳ nho nhỏ hiền như ma-sơ và cắt tóc demi-garçon trong khi các thanh niên thì nói năng chi cũng thừa nên chỉ chực leo lên nóc nhà thờ mà ôm thánh giá. Trẻ con thì rêu rao đầu ngõ “Thà như bồ câu/ Chết được nhồi yến” thay vì “Thà như giọt mưa/ Chết trên tượng đá” và bao nhiêu lá trúc đào nắn nót bằng mực tím trên những vở học trò. Nói không ngoa," Biên Hòa trở thành văn hóa."

Sau khi ông đã trở về nơi thuộc về mình, có người đã nói:

"Từ nay chúng ta sẽ không còn ai làm những bài thơ dễ thương, những bài thơ gắn liền những thế hệ thanh niên học sinh Việt Nam dù là trước hay sau 75, dù là sinh viên 40 hay sinh viên 20, dù là cô Bắc Kỳ hay cô Trung Kỳ, Nam Kỳ. Chúng ta đã mất đi một ngọn trúc đào dễ thương nhất của thi ca Việt Nam...Thi ca tự nó đã là nhạc, là linh hồn, là văn hóa của dân tộc. Như bà Huyện Thanh Quan. Như Đặng Trần Côn. Như Vũ Hoàng Chương. Như Đinh Hùng. Những tên tuổi lớn này của thi ca Việt Nam đã không cần phải có những bài thơ phổ nhạc để được đời biết đến tên vì khi đó chúng ta chưa có cassette, CD, DVD... "

(Hoàng Dược Thảo)

"...Tự ý đi thật sớm, rời bỏ cuộc đời, để lại một cõi thơ bát ngát. Không cần phải tội nghiệp cho anh, và đừng tưởng anh khổ đau cùng tận! Anh là kẻ hạnh phúc vô cùng tận với tình yêu bất diệt và tấm lòng bao dung hiếm có. Và thơ anh, đã hóa thân khắp nơi khắp chốn: là ngọn cỏ mềm, là gió mơn man, là dòng sông êm, là bàn ghế lặng thinh, là đất trời mênh mang vô hạn... Nơi đó, có đủ hương vị của tình yêu cũng như những hỉ, nộ, ái, ố... bình thường của một con người, dù là con người thi sĩ, hay văn sĩ. Nhưng tất cả đều được dung chứa trong một cõi lòng thật rộng...."




(tài liệu tham khảo cho bài:dactrung.com)







Không có nhận xét nào: