Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Người...về "bên kia sông"

Bìa trước tập nhạc :

Ta Đi Trên Giòng Lịch Sử, 1971


Image
Bìa sau

Image
Image
Mục lục

 Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe, 1970. Những nhạc sĩ sinh viên trong số này có khuynh hướng thiên tả. Sau 30/4/1975, một số là....VC.

Image
Bìa trước

Image
Bìa sau

Image


Image
Image


Image
Mục lục

Image
Phụ bản 1 của Nguyên Hạo

Image


DỄ DÀNG NHẬN thấy tên NS. NGUYỄN ĐỨC QUANG trên những tờ nhạc bản trên, bản thân tôi chỉ biết ông là 1 nhạc sĩ nổi tiếng của phong trào du ca trước 1975 (phong trào này bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trên mạng) và đặc biệt thích bài BÊN KIA SÔNG do nữ ca sĩ THÁI HIỀN thể hiện...

Còn sau đây là bài của 1 người...trẻ (tính bằng dấu mốc thập niên 70)


Thế hệ 1970 và nhạc Nguyễn Đức Quang

Bùi Văn Phú

Những năm trước 1968, hồi còn học trung học đệ nhất cấp tức cấp 2 ngày nay, ở trường Thánh Tâm, Ngã ba Ông Tạ có thày Nguyễn Xuân Sinh dạy Việt văn kèm dạy nhạc. Tôi nhớ bài nhạc đầu tiên học từ thày có lời:

 

Vầng trăng mờ

một trời thơ

xa xa tiếng ca êm đềm đưa

chân mây thưa

ánh sao úa

sương buông mờ đường về làng xưa

 

Đó là một bài hát có nhịp điệu chậm rãi. Rồi thày dạy chúng tôi đánh nhịp 4/4, 3/4 rồi 2/4, từ chậm lên nhanh. Bài hát nhanh được thày dạy là:

 

Không phải là lúc cứ ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi

phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới

hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau

nghi ngờ nhau khích bác nhau cho cay cho sâu cho thật đau

 

Không phải là lúc cứ ngồi mà cãi suông

không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dắt đầu

thế giới ngày nay không còn ma quái thần tượng tàn rồi

còn anh với tôi chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi.

 

Khi đó tôi không biết ai sáng tác bài hát trên, nhưng vừa hát vừa vỗ tay để giữ nhịp và thày dạy cho hát từ vừa đến thật nhanh, rồi hát đuổi nên đã cho chúng tôi những giờ vừa học vừa sinh hoạt vui trong lớp.

Bài hát được học thời đó, đến nay tôi vẫn còn thuộc. Khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang qua đời, tôi ngồi viết ra những dòng này là ghi lại từ trí nhớ mình, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng lời nhạc trong lớp học xưa còn như văng vẳng đâu đây. Bài hát ở lại với tôi từ đó và ít nhiều trở thành một lời hướng dẫn cho tôi về tinh thần dấn thân và cách làm việc tập thể, khác với những thế hệ trước.

Lên trung học rồi đại học, tôi học thêm được nhiều bài hát cộng đồng nữa. Thường tham gia sinh hoạt, ca hát nên những bài như “Gia tài của mẹ”, “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, như “Việt Nam Việt Nam” của Phạm Duy; “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Hy vọng đã vươn lên”, “Đường Việt Nam” của Nguyễn Đức Quang là những bài hát rất được phổ biến nơi trường, trong những cuộc họp mặt thanh niên sinh viên, tại những trại hè. Những ca khúc đã là niềm mơ ước, đã đem đến cho chúng tôi sự phấn đấu của tuổi trẻ cùng suy nghĩ về quê hương đất nước trong giai đoạn có quá nhiều đau khổ, nhiễu nhương.

Nhưng trong đám sinh viên, thỉnh thoảng lại được nghe lén một vài bài hát không được loan truyền rộng rãi, từ một băng cát-sét chỉ có giọng ca và tiếng đàn ghi-ta thùng. Loại âm nhạc mang tính phản chiến, có thể bị xếp vào loại thân cộng nữa:

 

Xương sống ta đã oằn xuống

cuộc bon chen cứ đè lên

người vay nợ áo cơm nào

thành nợ máu trăm năm còn thiếu

một ngày một kiếp là bao

một trăm năm mấy lúc ngọt ngào

ôi đến bao giờ được nói tiếng an vui thực thà

 

Người bị treo hết hai tay và đóng đinh vào óc

miệng hô lớn kiên cường hoài mà trái tim bật khóc

cuộc sống đó rồi đi đâu?

nhìn nước dâng chân cầu

trời còn mù mịt lắm

hỡi đồng bào khắp chốn thương đau

 

Hay những câu ca dưới đây, nếu là thanh niên sinh viên thời đó nghe mà không cảm thấy thấm thiá, xót xa cho thân phận con người Việt Nam sao được.

 

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu

vú mẹ gầy cơm chẳng nuôi thân

vắt tình này thôi máu mẹ nuôi con

 

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu

nghe xung quanh nghiêng ngả cợt cười

cạnh chén cơm chan máu dân tôi…

 

Sao giống nòi vẫn vương buồn

sao giống nòi mãi nguy nàn

bao giờ cho người không còn nghe

lại tên Việt Nam nhược tiểu

 

Anh nghĩ gì núi sông này?

em nghĩ gì nước non này?

buồn hay vui, tình quê hương

có nấu nung lửa hờn?

 

Những lời ca như thế, nghe lén lút vì sợ có ai biết được báo cảnh sát, nên lại dễ nhập tâm. Rồi chúng theo tôi rời quê hương.

Đến Hoa Kỳ, tôi cùng một số bạn tổ chức sinh hoạt sinh viên tại Đại học Berkeley và với các sinh viên bạn ở Bắc và Nam California trong nhiều sinh hoạt văn nghệ, đấu tranh. Qua giao tiếp với những đàn anh tôi mới biết những lời ca trên cũng chính là những sáng tác của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang và hai bài là “Xương sống ta đã oằn xuống” và “Nỗi buồn nhược tiểu”.

Có một bài ca tôi nghe được khoảng năm 1974, mang e nhạc mà tôi ngờ là của Nguyễn Đức Quang, nhưng đến nay vẫn không chắc. Tôi ghi theo kí ức như thế này:

 

Năm chục đồng ai mua tôi bán

năm triệu đồng ai mua tôi bán

năm chục đồng một thằng thanh niên

năm chục đồng một thằng sinh viên

đôi chân còn lành đôi tay còn mạnh

ai mua tôi bán ai mua tôi bán

thêm một triệu đồng bán cả dân tôi

thêm một triệu đồng bán cả lương tâm

 

Tôi có nhiều dịp nghe Nguyễn Đức Quang hát ở Mỹ. Những năm đầu thập niên 1980 anh hát với sinh viên Việt Nam ở U.C. Los Angeles, với người Việt San Jose trên sân khấu Center for the Performing Arts. Những điệu nhạc, lời ca của Nguyễn Đức Quang lúc nào cũng sùng sục sôi. Nói như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là như “thổi đến trái tim người nghe hơi nóng hừng hực của một trái tim bốc lửa”.

 
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bên phải, cùng Trần Anh Kiệt, Trương Xuân Mẫn, Đồng Thảo và Nguyên Nhu
trong một buổi hát ở San Jose tháng 3.2008. (Ảnh Bùi Văn Phú)
 

Ba mươi năm qua Nguyễn Đức Quang vẫn với trái tim bốc lửa ôm đàn du ca. Lần sau cùng tôi nghe anh hát là ở San Jose cách đây đúng ba năm về trước. Hôm đó, cùng với những du ca một thời như Trương Xuân Mẫn, Nguyên Nhu, Trần Anh Kiệt, Đồng Thảo đã lại thổi vào hồn tôi và khán giả những lời ca hào hùng của người anh trưởng du ca Việt Nam, làm tim tôi rộn ràng:

 

Nhưng càng mưa giông càng vươn tới

bước chân hùng còn đi rất hăng

đi dựng lấy huy hoàng

giống da vàng này là vua đấu tranh

 

Đường của ta đưa ta về thanh bình

đường an lành đường thảnh thơi những ngày vui

đường Việt Nam mời những bước chân rời

sát nhau lại vì đường vẫn còn dài

 

Tôi thuộc thế hệ sinh viên của những năm đầu 1970 ở quê nhà. Không như đàn anh đã dấn thân, tôi chỉ bắt đầu nhập cuộc, thừa hưởng lời ca, tiếng hát của các anh các chị truyền lại. Những ca từ về tuổi trẻ, đất nước trong một thời kì cực khốn của quê hương.

Các bạn của thế hệ 1970 ơi. Tiễn Nguyễn Đức Quang chúng ta cùng nhau cất cao tiếng hát nhé:

 

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi

ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời

 

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên

 

Sáng sớm 27.03.2011 trái tim trong người Nguyễn Đức Quang ngừng đập sau 68 năm sôi sục theo dòng đời. Nhưng những âm điệu của anh còn đập mãi trong tim con người và đất nước Việt Nam.

 
 
 > Mời nghe: "Băng nhạc Du Ca 1 - 1972" - Chứng từ của tuổi trẻ Việt Nam

                                                  

                 


Phong Trào Du Ca Việt Nam - (Nguồn: http://ducavn.net)

 Lịch Sử Phong Trào Du Ca Việt Nam

    Phong trào Du Ca Việt Nam được thành lập năm 1966 tại miền nam Việt Nam, cùng lúc với phong trào làm công tác xã-hội của sinh-viên học-sinh.
     Hai sáng lập viên của phong trào là Nguyễn Ðức Quang và Ðinh Gia Lập.
     Duca là một đoàn thể hoạt động về văn hóa và văn nghệ phục vụ cộng đồng.
     Văn nghệ cộng đồng là văn nghệ trong đó cả người nghe lẫn người hát đều cộng tác với nhau, mục đích tác động tinh thần và cảm hóa người nghe hơn là ru ngủ, để tất cả cùng ý thức và phục vụ cho cộng đồng, xứ sở.
     Người Duca trao đổi những khả năng chuyên môn qua sinh hoạt tập thể .
     Duca viên gây tinh thần cộng đồng trong quần chúng nhờ vào những tư tưởng gởi gấm trong các bài hát và bằng chính việc làm trong phạm vi khả năng của mình.
     Người Duca nói với mọi người bằng những lời tai nghe mắt thấy qua âm thanh tiếng nhạc, hoạt cảnh hay vũ khúc.
     Những loại nhạc Duca thường xử dụng như : Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Sinh hoạt ca, Nhận thức ca, Sử ca, Dân ca, những bài hát ca ngợi tình yêu con người và thân phận quê hương.
     Phong trào Duca do Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được bầu làm chủ tịch kể từ năm 1967, đến năm 1972 được thay thế bởi Ðỗ Ngọc Yến.
     Trưởng xưởng Duca do nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang điều hành, cho đến năm 1972 được thay thế bởi Ngô Mạnh Thu tức nhạc sĩ Trần Tú.
     Các huynh trưởng hướng dẫn cũng như cố vấn như : Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Hà Tường Cát, Trần Ðại Lộc, Trần Văn Ngô, Nguyễn Thanh, Nguyễn Khả Lộc,Phan Huy Ðạt, Tống Hoằng, Trần Dạ Từ, và Phương Oanh.
     Phong trào quy tụ khá nhiều các nhạc sĩ tên tuổi, cũng như huấn luyện và đào tạo những cây bút trẻ mới gồm : Phạm Duy, Nguyễn Ðức Quang, Trần Tú, Nguyễn Quyết Thắng, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Giang Châu,  Nguyễn Hữu Nghiã, Trần Ðình Quân, Lý Văn Chương, Nguyễn Thiện Cơ, Lê Quang Dũng, Nguyễn Văn Phiên, Võ thị Xuân Ðào  v..v...
     Những tuyển tập Duca đã phát hành như: Tuyển tập Duca 1, Duca 2, Duca 3, Những bài ca khai phá, Ta đi trên dòng lịch sử, Những điều trông thấy, Những khuôn mặt Duca, Hát cho những người sống sót, Anh hùng ca, Sinh hoạt ca.v.v..
     Trước năm 1975, Phong trào Duca có tác dụng sâu mạnh đối với giới trẻ qua các đoàn, toán ca diễn đây đó, trong trường học, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, trong các đoàn thể bạn Hướng đạo, hay Thanh sinh công, Gia đình Phật tử trong các tỉnh miền nam Việt Nam như : Con Sáo Huế, Duca Áo Nâu, Duca Lòng Mẹ, Duca Trùng Dương, Duca Vàm Cỏ Tây, Duca Vàm Cỏ Ðông, Hồ Gươm, Sông Hậu, Duca Vượt Sóng, Ca Ðoàn Trung Dương, Duca Áo Xanh, Duca Giao Chỉ, Duca Ðà Nẵng, Duca Kiên Giang, Biên Hòa,Toán Duca Muà Xuân, Duca Phù Sa, Ðồng Vọng v..v.

Ý Nghiã Huy Hiệu Du Ca

Hình thức

Huy hiệu Duca mang hình một cây Văn (văn hóa) gồm có bẩy rễ, năm cành, và năm trái.

Bẩy rễ:
Tượng trưng cho nền móng Duca được đặt trên bẩy điểm căn bản : lý-tưởng, tổ-chức, lãnh-đạo, sinh-hoạt, kỹ-thuật, sáng-tạo, kinh-nghiệm.

Năm cành:
Năm cành tượng trưng cho năm điều luật Duca :
1.- Duca viên tích cực và kỷ luật trong nhiệm vụ .
2.- Duca viên bền bỉ và can đảm trước mọi khó khăn.
3.- Duca viên kiên tâm học hỏi và thực thi những điều lợi ích.
4.- Duca viên tự tin và gây tin tưởng cho mọi người .
5.- Duca viên thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau .

Năm trái:
Tượng trưng cho năm kết qủa mà Duca viên tạo được :
1- Tinh thần cộng đồng .
2- Tinh thần nghệ thuật .
3- Tinh thần dân tộc .
4- Tinh thần tiến bộ .
5- Tinh thần nhân ái .

Mầu sắc:
Nền mầu trắng : Tinh khiết phục vụ .
Cây Văn mầu xanh đậm : Trẻ trung và bền bỉ .
Trái mầu đỏ : Can trường và thành công .

7 Nền Móng Du Ca

Biểu hiệu phong trào là cây Văn bẩy rễ tượng trưng cho nền móng của Phong trào Du ca Việt Nam.

Lý tưởng:
Lý tưởng của phong trào là phục vụ một xã hội sống tốt đẹp với một tâm thức mới . Vì lý tưởng đó, mà Phong trào Duca đẩy mạnh các công tác phục vụ văn hóa, để xây dựng tâm hồn cho người tham dự . Lý tưởng càng được nuôi sống mãi, vì xã hội sẽ còn nhiều biến đổi và mỗi thời biến đổi làm cho nhiều sự việc cho những ý nghiã khác. Người Duca có lý tưởng làm cho ý nghĩa đó được trọn vẹn tốt đẹp. Tỷ như mỗi thời đại người ta nghĩ về con người mỗi khác, và Duca làm cho con người đó có một gía trị sáng chói lâu dài ... Lý tưởng là phần Duca viên phải giữ lấy bên mình để hướng dẫn mọi hoạt động của mình hầu đánh gía sâu công việc, xem có theo đúng la tưởng hay không. Lý tưởng Duca không có gì xa vời, nhưng vô cùng, vô tận, làm cho công tác Duca sống mãi với thời gian.
Tổ chức:
Phong trào muốn hoạt động đúng tôn chỉ của mình, dựa trên nguyên tắc cộng đồng, và muốn cho ngay chính cộng đồng tồn tại phát triển, cần phải có tổ chức. Sự vô tổ chức là giai đoạn ấu thời của nhân loại đã đi qua từ lâu và chúng ta muốn phục vụ hữu hiệu, phải tôn trọng mọi nguyên tắc tổ chức. Tổ chức đòi hỏi một cố gắng, quên mình, phải dẹp bỏ mọi riêng tư hẹp hòi, tự do cá nhân để cho cộng đồng được sống còn và đủ sức làm việc. Mỗi đơn vị Duca được tổ chức tôn tri trật tự là để giúp cho đơn vị thực hiện được đường lối và lý tưởng Duca, không phải là cơ hội cho một cá nhân bất mãn hay tự mãn. Tổ chức là một nhu cầu tối cần thiết. Thiếu tổ chức, phong trào chỉ xây dựng những kết quả hời hợt như xây lâu đài trên cát.
Lãnh đạo:
Nếu có tổ chức mà không có người lãnh đạo thì coi như xe không có tài xế . Lãnh đạo được coi là nền tảng của phong trào để ghi nhận vai trò lớn lao của người trưởng đơn vị và cũng là để nhắc nhở người lãnh đạo phải nhớ đến trách nhiệm quan yếu của mình đối với phong trào . Không người lãnh đạo không thể thực hiện được lý tưởng Duca, nhưng một người lãnh đạo kém cũng như xấu cũng làm phong trào chịu một kết quả tương tự . Phong trào vững khi lãnh đạo xứng đáng, vững vàng và làm tròn vẹn vai trò mà phong trào đã giao phó .
Sinh hoạt:
Sinh hoạt là phương thức duy nhất để Duca vững mạnh và phát triển, Sinh hoạt quyết định vận mạng đơn vị . Sinh hoạt là tâm niệm của mỗi Duca viên vì Phong trào Duca không phải là một lớp học thụ động. Trong cộng đồng, sinh hoạt còn nói lên hào khí quyết liệt của đơn vị đi đến lý thuyết đời đời. Một lần nữa, Duca không được tạo nên và chấp nhận chỉ để ẩn mình như một con tu hú, và mỗi Duca viên có những chứng tỏ sự thành công của mình hay không cũng bằng cách sinh hoạt mà thôi . Phong trào đặt mỗi gía trị của mình đối với xã hội ở phần sinh hoạt này.
Kỹ thuật:
Làm công tác văn hóa phục vụ xã hội ngày nay đòi hỏi phải có kỹ thuật . Kỹ thuật là phần căn bản để học tập chuyên môn. Kỹ thuật ngày càng quan trọng và ngày càng ảnh hưởng đến các hoạt động của giới trẻ . Kỹ thuật là phần xác của nghệ thuật mà phong trào nhắc nhở mỗi đơn vị phải kiên trì học hỏi để nắm cho vững trước khi sinh hoạt cộng đồng. Ðứng trước đà tiến bộ ngày càng nhanh, những ai không có kỹ thuật không thể chinh phục người khác. Nếu một đơn vị Duca không có kỹ thuật làm sao có thể truyền đạt được tâm thức Duca cho người khác ?
Sáng tạo:
Phục vụ xã hội là phục vụ một cái gì luôn luôn biến đổi . Do đó những gì đem ra xử dụng phải linh động đúng mức. muốn được vậy, phải có óc sáng tạo, phải luôn luôn làm mới tất cả những gì đang có thể đáp ứng với thay đổi của đám đông. Sáng tạo là phÀn hồn của kỹ thuật, cho nên kỹ thuật và sáng tạo sẽ giúp cho phong trào đến với mọi người trong xã hội . Sáng tạo là một sự tìm kiếm đầy cố gắng để thể hiện tiềm lực Duca vì không có gì tồn tại trong đám đông muôn người. Phải sáng tạo để làm cho gía trị tinh thần của phong trào trở nên phong phú và ngày càng hữu hiệu.
Kinh nghiệm:
Kinh nghiệm là một kho quí báu. Kinh nghiệm Duca lại càng qúi báu hơn nữa , vì nó là những môn không thể tìm thấy ở bất cứ một trường hợp nào. Cũng phải biết thu thập những kinh nghiệm để lưu truyền cho người đi sau rút kinh nghiệm . Cũng là cách rút ngắn thời gian học tập mà kẻ khôn ngoan cũng học tập xử dụng. Qua bao năm sinh hoạt, kinh nghiệm Duca cần phải đem ra cân nhắc, học hỏi để đơn vị đi đến hoàn toàn, để phong trào mau hoàn thành lý tưởng Duca .





Bài viết & nhạc... từ website của Du Ca Việt Nam http://ducavn.net, cothommagazine, tienve...

Hình ảnh : sưu tầm.

Không có nhận xét nào: