Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Tuyệt mù...(đọc.."ĐỌC KINH" của VŨ KHẮC KHOAN)

"Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt mù"

(Thơ cổ, trích từ ....đoạn trích để bắt đầu cho tác phẩm ĐỌC KINH của  VŨ KHẮC KHOAN)

Đọc "Đọc Kinh" nhưng cũng không hẳn là.... đọc Kinh, ấy là cái thú vị của quyển sách này...Có chăng, đó là một trải nghiệm dấn thân cùng tác giả,đi sâu vào một vùng tâm thức, một khởi động nào đó của suy tưởng cùng ông.... nghe Vũ Khắc Khoan kể chuyện, chuyện cũ, chuyện xưa, chuyện muôn đời, của ông, hay của nhiều người.... đôi khi u buồn, đôi khi trầm lắng và nhiều lúc mơ hồ như một giấc mơ....

 Nhưng hơn cả, đọc Đọc kinh, mỗi người sẽ có thể trong khuya thức giấc mà xếp lại cho mình những trang ký ức, những phần tâm hồn vốn cũ kĩ thêm gọn gàng, bớt xao động. .

Một chiều Saigon thứ bảy, đọc "ĐỌC KINH" của VŨ KHẮC KHOAN...và có gợn vài suy nghĩ về cái "tuyệt mù" của đời sống....

"ĐỌC KINH" là một cuộc hành trình, của riêng mình ông Khoan.....Một cuộc hành trình chưa đến đích, hay chỉ đơn giản là một cất bước đầu tiên của cuộc hành trình này...

{Trôi miên man theo dòng suy tưởng, chợt nhớ về những con người tài hoa, mùa tháng 3 qua, đã đi về xứ tuyệt mù ấy, đó là PHẠM CÔNG THIỆN, đã về miền "mặt trời không bao giờ có thực" mà ông đã từng xây đắp,  đã "đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất"; NGUYỄN ĐỨC QUANG, người du ca của VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ, cũng đã về BÊN KIA SÔNG....  - xin lỗi, ngay lúc viết bài này, tin về NS NĐQ vẫn còn chưa ...xác thực, ông chỉ mới về BÊN KIA SÔNG vào ngày 27/03/2011 vừa qua:(

Những con người tài hoa ấy, đã hòa vào với cái tuyệt mù, đã đi về hướng tuyệt mù ấy, hay đã trở thành chính những ...tuyệt mù...???

Và để kể về những con người này, lại là một chuyện khác, vào một lúc khác vậy!!!")

...

"Với cách hành văn như thể đang bộc bạch những chuyện riêng của mình hết sức dễ thương, những trang văn của Vũ Khắc Khoan cũng tự nhiên như hoa lá để mọi người có thể tiếp cận ngắm nhìn... từ phía nào cũng được.

Quan trọng hơn, Đọc kinh chia sẻ với mọi người một cách thu xếp cho mỗi cuộc sống cá nhân những khoảng lặng của tinh thần, như một lúc nào đó trong đêm chẳng hạn, để “dời các quyển sách từ trên kệ vào cuộc sống của mình”

.....

và tôi muốn lưu lại đây, chút hình ảnh, chút "trích ngang" về ông, hầu mong "của tin còn một chút này làm ghi"!!!

Để còn có chút tin rằng, không phải ai cũng rồi sẽ mãi mãi quên lãng...trong...tuyệt mù!


(bài MAI THẢO viết về VŨ KHẮC KHOAN sau hay như những vầng thơ bay, thấm đẫm tình & ý...và cũng khắc họa nhiều gương mặt văn nghệ pre 1975 một cách tài tình....Rất thích) (trong quyển sách xuất bản ở VIỆT NAM, phần tác giả đã bị thay hình đổi dạng không chút xót thương; từ MAI THẢO --> M.T)



NHÌN LẠI THẾ GIỚI VŨ KHẮC KHOAN 

Mai Thảo

Những người du khách Mỹ hồng hào no ấm , y phục xứ lạnh dầy nặng sặc sỡ đi về thường từ mười năm nay ở phi trường Minneapolis , tiểu bang Minnesota , lâu lâu một lần , lại nhìn thấy đơn độc khác lạ giữa họ một cặp vợ chồng Á Châu , như họ ,cũng tới phi trường đợi chờ một giờ máy bay cất cánh .

Cặp vợ chồng đó , sau mỗi mùa đông Minnesota, càng đi thêm vào cái phong thái lão , hạc tách thoát trong suốt là khởi sự của tuổi già . Tuy người chồng vạm vỡ lùn thấp và người vợ mảnh mai cao gầy , đi đứng vãn nhanh nhẹn vững thẳng giữa cái suối người Tây Phương ào ạt ở chung quanh .

Họ cùng tiến vào một phòng đợi tường gương sáng láng nhìn xuống một phi đạo Đông Bắc dài vút giữa cái địa hình thủy mạc kỳ ảo diễm lệ của Vạn Hồ . Nhìn cặp vợ chồng gốc gác từ xa thăm Đông Phương huyền bí này giữa một phi trường Mỹ sánh vai nhau cùng ngồi xuống ghế ở một góc đời riêng ,như họ chỉ có thể ở cạnh nhau suốt một đời như vậy , mọi người có thể đặt ra nhiều giả thuyết . Từ những giả thuyết bình thường nhất đến những giả thuyết khác thường nhất . Về thân thế họ. Về nguồn gốc họ . Cả chuyến bay họ đang đợi chờ một cách vừa hết sức ung dung vừa vô cùng nhẫn nại , để bay lên . Về lẫm liệt rất thái cực đạo của người chồng nước da đồng hun và mái tóc trắng tuyết (hồi còn trẻ : tao chỉ đánh một cái thằng ấy chết) hợp đồng với vẻ âm u nhợt nhạt của người bạn đời , suy nghĩ - chỉ cần thêm một giọt tưởng tượng của võ hiệp Kim Dung .- đến một cặp lão trượng hiền lành ngồi kia nhưng dấu kín võ công cao cường vô tả , đến tuổi gác kiếm quy ẩn rồi mà vẫn phải dùng phản lực Mỹ , bởi một mối đại thù ở xa giải quyết chưa xong . Rồi thấy họ trao quyẹt trao thuốc cho nhau cùng đốt cùng phì phèo hút , lại có thể nghĩ họ là cặp vợ chồng đông y Phúc Kiến , tới địa phương để kiếm tìm một thần dược mọc giữa đám kỹ hoa di thảo trùng điệp của Vạn Hồ .

 

Và chuyến đi. Họ đi đâu? Xuống sa mạc phương Nam tầm thù ? Lưu lạc đã một đời , nay trên đường quy hồi cố hương , ở một điểm nào đó của Á Châu xa thẳm , mặc áo vải , đi giầy cỏ , gặp lại giòng sông xưa , thềm nhà cũ , xóm giềng và con cháu sau bao năm xa cách , sống an nhàn phần đời còn lại dưới vòm trời từ tuổi trẻ ra đi ?

Giả thuyết cả mà thôi . Giả thuyết như cuộc đời . Giả thuyết như văn chương . Giả thuyết như ở kịch . Cũng vậy , hình hài và tướng mạo người . Cặp vợ chồng ấy không song thủ cùng phát , không đứng trước một tầm thù nào . Quê quán họ ở Á Châu , đúng vậy , nhưng đường về đất nước đứt đoạn và nghìn trùng cách biệt , dấu chân thất quốc trôi dạt chưa biết ngày nào trở lại được với bến bờ quê cũ . Đó là một cặp vợ chồng nhà văn . Một cặp vợ chồng nhà văn Việt Nam tỵ nạn , từ bảy mùa tuyết , đã định cư yên ổn ở Vạn Hồ . Cặp vợ chồng đó phải lưu vong , vì văn chương tự do và có thái độ nơi xứ sở họ , cũng như trên toàn thế giới , toàn nhân loại , tự cổ chí kim bao giờ cũng là văn chương có kẻ thù . Và người chồng thân thế ở giữa một bàn viết như một ánh lửa tiền trường và một tấm bảng đen, còn là người thày dạy học danh tiếng của cả một thế hệ tuổi trẻ yêu thích văn chương như thày , cũng đã sống với cách mạng , chiến tranh và đổi đời trên một đất nước hoa gấm nhàu nát tan vỡ cuối cùng đều phải ra đi , mà một trò cũ bây giờ là một nhà văn nữ có bài viết cảm động về những giờ học cũ của thày là nhà văn Lê Thị Huệ . Nói thêm cho những người Mỹ ở phi trường kia đang nhìn ngó ông già Á Châu phục sức đơn giản dỏm dáng đó là một Jouvet của Việt Nam có truyền thống hát bội và tuồng chèo tuyệt vời độc đáo . Đó là Vũ , người xưng "Khoan tôi" trong truyện kể cho đời, sáng chế ra thể tùy bút lộng ngôn, người chủ tịch Hội Phật Giáo và Hội Văn Hoá ở tiểu bang các người vừa từ nhiệm. Và đừng "vấn đề" nếu thường gặp Khoan-tôi cùng các người đợi giờ cất cánh . Á Châu đó đã đi , đi cũng khủng khiếp lắm . Triệu triệu người đi . Cả đất nước đi . Cái trái đất chẳng đang chấn động tiếng chân Việt Nam trên mọi nẻo đường ? Vũ đợc đã đi nhất . Người trưởng nữ là nhân viên một hãng hàng không lớn . Ông bố nhà văn tưới cỏ trồng hồng nhà rỗi được hưởng giá vé người nhà đặc biệt , nên từ bẩy năm đã là một trong những người bay nhiều nhất ở Hoa Kỳ .

Mỗi lần Vũ Khắc Khoan từ 9441 Blaisdell Ave, South Bloomington , Minnesota điện thoại cho bọn chúng tôi , trước nhất thường cho Hoài Bắc : "Ngày ấy , tao xuống đó ". Bọn chúng tôi đều nhìn nhau cười : " Chắc tuyết nó phủ chho gần chết rồi . Xuống thi`xuống làm như đi kinh lý ". Nói vậy , chúng tôi vẫn sửa soạn đón Vũ . Bởi có Vũ là thức đêm , có sinh hoạt , có Jack Daniels khai vị mạnh mẽ buổi chiều , có Hennessy đậm đà buổi tối , có Hồ Trường thắm thiết phẫn uất rót về Đông Phương , rót về Tây PHương , và từ giọt lệ lăn ra nơi câu thơ bôn tẩu thất quốc , đến cái tăm rượu họp bạn sủi lên một nền trời lữ thứ , chúng tôi có Vũ , đã cùng nhau sống lại được rất nhiều điều . Những điều đã xa . Những điều đã mất . Anatole France: "Au milieu du chemin de la vie ... Những điều ở một cuối đường cùng nhau nhìn lại , vừa như một ngậm ngùi vừa như một bâng khuâng vô tả , những điều còn như hơi thở , còn như da thịt mà lung linh hình bóng , sương phủ mêng mông , mưa đổ nhạt nhòa , ở đó mỗi chúng tôi là hình ảnh một người đi qua , cổ áo kéo , lăn vào bóng tối .

Gặp Vũ , chúng tôi cũng thấy lại được cho bạn con người ngày trước , trên cái nền vần vũ chuyển động của những biến động thời thế là lịch sử dồn dập kéo chạy như như những đôi cảnh nhậm lẹ của của một điều lạ lùng là Vũ tuy chẳng tham dự vào hết thảy lại như gắn liền thân thế vào những biến động ấy ... Chẳng tham dự hết . Nhưng đã sống bằng một tâm thức nhà văn thắm thiết gắn chặt . Và đã viết ra từng khúc , từng đoạn có như dĩ vãng chỉ có ở Vũ những điều muốn nhớ , muốn thấy và trước hết là những con người. Con người trên đơn vị cá nhân, đơn vị thân thiết khác thường đặc biệt , con người của một định mệnh khốc liệt trong đơn độc tận cùng , bởi vì trong nhận thức Vũ , những con người làm nên lịch sử thời thế đều là những con người nghệ sĩ. Thành Cát Tư Hãn cũng là một nghệ sỹ . cõi văn , cõi kịch Vũ Khắc Khoan là gì nếu không là một hành lang chân dung nghệ sỹ nhiều thời trên từng địa hạt của tâm hồn và hành động . Đó là Lý Đông A , Trần tử Anh , Đề Thám trong huyền thoại . Nhất Linh trong thân thế , người bạn chí thân Lê Quang Luật. Đó là anh Trương Chi trên giòng sông của giai tầng ở giữa gã Tú Uyên trong tác phẩm biến tướng , Lưu Nguyễn sau trở về , anh Trời trong Ngộ Nhận .Thảy là những thế sống , nhừng thế sống không tưởng tượng được . Thảy là những thành tựu , vì cái thế sống không thể tưởng tượng được, dầu chung cuộc chỉ là " đốt tranh" là cát bụi , là hư không .

Gặp lại Vũ , trước lò sưởi những tối khuya Minnesota trắng tuyết , mười ngàn phiến Động Đình Hồ đoán thấy đông lạnh dưới không độ tối đặc , hoặc ngoài một hàng hiên chiều của California tươi nắng , một lũ chúng tôi mà Vũ gọi một cách sắp chết là "đám cụ bạn vàng lác đác" mà Vũ diễu là " giới nghiêm cũng mặc , hẻm nào cũng vô ", đã thật sự tạo lại được một không khí tếu nghịch , đơn giản người nào cũng yêu thích lắm lắm . Vui nhất là thiền sư Nghiêm Xuân Hồng . Và người xưng Khoan tôi trong truyện kể cho đời lại rủ chúng tôi về với hắn . Như một bày Lưu Nguyễn nghịch ngợm .

Trở về Hà Nội trở về Sài gòn . Trở về những mảnh tôi xưa . Trở về những phiến ta trước . Hồ Tây dưới trăng vàng . Thiếu thời ấy là một Tây Hồ lồng lộng . Thu Thuỷ công trường thiên nhất sắc . Cổ Ngư đêm mùa hè . Trúc Bạch màu cốm đậm . Cái tên học trò ngỗ ngược , to6'i ngày đập lộn của trường tiểu học Sinh Từ (Ngay từ đó đã : tao đánh thằng đó một cái chết) . Đêm kịch Nhà Hát Lớn ,nửa đêm truyền hịch đợi ngày viễn chinh . Đoản kịch đầu tay Trường Ca Mông Cổ , bản viết làm nền cho sau này Thành Cát Tư Hãn . Chiếc xe đạp ì ạch trên dốc Hàng Than , trên đó Vũ trẻ măng ngót 40 năm xưa t^oi chạm mặt lần đầu . Và những nơi chốn : cái ngõ Hàng Bạc , đêm đêm Vũ Trọng Phụng , Trương Tưu đi ra , cái tiệm phở Trường Ca , tảng sáng nào cũng Đoàn Phú Tứ , Nguyễn Tuân mò tới . Và nhi+~ng ảnh hình muông thuở của Hà Nội chưa tiều tụy đỏ : Ánh lửa khuya dưới vòm Ô Quan Chưởng , con đường Quan Thánh và những chuyến xe điện thời sinh viên Vũ Khắc Khoan ở đó , những tà áo thiếu nữ Hàng Ngang , Hàng Đào , cái núi rác sau chợ Đồng Xuân , màu đỏ ké cây cầu Thế Húc . Và nhũng tiếng động : gió Hồng Hà mùa nước lũ , tiếng còi tàu Long Biên , bom Nhật trên Gia Lâm , đạn lạc ở Phố Huế , chiến xa Pháp kéo về Hải Phòng , lựu đạn nổ trước trụ sở Quốc Dân Đảng , tiếng tỳ bà Ngã Tư Sở dìu hiu lau lách , tiếng phách Khâm Thiên .

Rồi Saigòn . Tây Hồ bỏ lại , Trúc Bạch chia tay, trường Đại Học "cửa đóng thềm rêu, lớp nhớ nhung", Điện Biên Phủ bàng hoàng, nhừng chiếc tàu há mồm của di cư một triệu .

Chúng tôi cùng vào Nam và với Vũ làm tờ Tự Do , diễn đàn đầu tiên của Bắc Hà mới tới , Như Phong, Mặc Thu, bây giờ mới bị cầm tù ở quê nhà , Đinh Hùng đã mất . Nhóm Quan Điểm thành hình trên đất đứng của trí thức giai tầng ở giữa, bích chương dính đầy các thân cây quận Nhất : tờ báo dám nói sự thật, số ra mắt quá khích đòi mỗi tuần chặt một đầu người . Chúng tôi chia thành hai nhóm . Sáng Tạo riễu Quan Điểm đám con quan đòi làm cách mạng đổi thay thế giới . Quan Điểm cợt Sáng Tạo , lũ trẻ ngông cuồng, mỗi thằng một đôi giầy da đen . Thời kỳ đó là "những ngày vui" như một tựa đề truyện ngắn Khái Hưng , hai tòa soạn này chạy qua chạy lại trên cùng một khúc đường Phạm Ngũ Lão , tuyển tập thơ văn Đất Đứng đầu tiên do Mặc Thu thực hiện và người đạo diễn Vũ Khắc Khoan , áo vắt vai, những đêm tập dượt Thành Cát Tư Hãn trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc . Trời Sàigòn đầy sao, dưới đó văn nghệ sống , đêm Sàigòn dịu dàng với nó văn nghệ thức , một ông sáng sao hai ông sao sáng , những bữa ăn trưa ở nhà Thanh Nam, chúng tôi bắt chước Thâm Tâm đập hết ly tách trên tường, những bữa ăn đêm trước rạp hát Kim Chung gây sự với cảnh sát , những khuya say kéo về Gác Mây Vũ Hoàng Chương , quây quần ở Gác Khói Đinh Hùng , ký bông tháng ở nhà hàng Hải Biên , chờ "bắt" tiền trước bàn giấy Khai Trí .

Vũ với chúng tôi có thật nhiều thời kỳ . Một thời kỳ , một hình thái sinh hoạt chủ nghĩa , bằng ấy thời kỳ nối liền bằng những họp mặt say .Tờ Vấn Đề , hắn "cho" Thanh Tâm Tuyền , Thái Tuấn rồi tôi thay phiên chủ bút, những buổi trưa trong Đại Học Vạn Hạnh, nơi tá túc của hai đấng thiên tài kình chống Phạm Công Thiện và Bùi Giáng , bấy giờ Phạm Thiên Thư mới là một chú tiểu quê mùa dụt dè tới xin đăng bài tùy bút đầu tay . Thời kỳ Vũ mồi tuần đi máy bay lên dạy học ở Đại Học Đà Lạt , cứ khăn quàng cổ đỏ phơ phất ở phi trường Liên Khàng , ngôi nhà nhỏ trên đồi nhìn xuống mặt nước hồ Xuân Hương , đêm hắn dựng trên một sân khấu lộ thiên rét cóng vở Quan Âm Thị Kính ,Thanh Tâm Tuyền bấm tôi kéo nhau lỉnh ra phố chợ uống rượu , sáng hôm sau nhà soạn kịch cho mỗi thằng chúng tôi một trận nên thân .

Sang tới Hoa Kỳ , mỗi kẻ một phương trời , một ông sao sáng hai ông sáng sao lẻ loi từng phiến trời lưu đày , chẳng còn có được với nhau ngày ngày những đêm vui như ở Sàigòn ngày trước

Chẳng còn giới nghiêm cũng mặc, hẻm nào cũng vô . Say rượu gây sự với cảnh sát Mỹ cùng phiền lắm , đại hãn cũng không dám nữa . Vũ cũng đã 70 tuổi . Những sợi tóc bạc . Tửu lượng phải giới hạn . Cái chân chớm tê thấp làm đau mỗi đổi mùa . Thơ, ngày trước là lên yên , lên đường ta say giữa trận tiền , người chớ cười . Thơ bây giờ : Dăm cụ bạn lác đác Mỗi năm tuổi hạc một cao .

Tâm thức cũng đã thay đổi . Nhìn thấy rừng phong thay lá mùa thu môt mình , hư không dã là, hơi gió nửa khuya , cuộc đời hình bóng . Bây giờ là một Vũ hiền , giai tầng ở giữa đã trả lại cách mạng và thời thế cho những giai tầng khác, thôi mỗi tuần đòi chặt một đầu người , thôi tao đánh một cái nó chết . Thôi . Lâu rồi . Thôi . Đã mười năm thôi .

Từ đứa cháu ngoại đầu , sáng sáng ra gọi ông ngoại bằng Khoan ơi . Từ Cộng Sản đốt sách Quan Điểm ở quê nhà . Từ bỏ nước ra đi, từ Lê Quang Luật mất . Những ồn động của thời thế bỏ lại cho cái bên kia một triền núi ồn động . Ánh mặt trời đã ngả về Tây là ở cái hướng khác những mặt trời lên . Vũ , 70, bạn hữu nhìn thấy ở Minnesota mùa tuyết 81, ở Cali mùa nắng 82 , đúng là một mặt trời hiền , một ông chủ tịch văn hóa hiền , một ông chủ tịch Phật Giáo hiền , một tiểu đồ hiền , một ông ngoại hiền . Chuyển dáng của Vũ đi vào tuổi già đã là một chuyển dáng đẹp . Của một chuyển cảnh đẹp . Tiền trường bây giờ thôi là cát bay gió chạy , người ngựa ngập trời , thế sống chất nổ . Cánh cửa sổ sấm chấp của Lôi Vũ đã khép lại . Phồn Y đã ngủ yên . Tiền Trường bây giờ là một buổi chiều buồn rộng lớn, grande pour les êtres est la tristesse du soir, michelet, một con đường quê , một cánh đồng cỏ trong tranh Cezanne, những hoa tuyết dịu dàng, những cảnh du hiền triết . Buổi sáng . Jean Gabin lặng lẽ thức giấc , mùa đông dài , ly cà phê sớm , mặt bàn viết chụp đèn còn sáng xuống một trang lộng ngôn viết dở đêm qua . Lộng ngôn tôi , lộng ngôn bạn , lộng ngôn đời , tất cả êm đềm thỏa thuận . Những thế sống không thể tưởng tượng được , thôi hãy xếp vào lũ tượng gỗ ở với Những Người Không Chịu Chết , cho người thiếu nữ tên Thu cũng được biết đến hạnh phúc ở đời . Buổi chiều , ngôi nhà Bloomington tối xuống . Đêm nay tuyết đổ nhiều , hàn thử biểu không độ . Hâm nóng một chút rượu , Jean Gabin nhìn lửa . Kịch ở trong tâm , cái tâm đã yên . Tuyết rơi cứ rơi cành du ấm áp .

A mà bọn chúng đang làm gì ở bên Cali kìa . Chúng đang uống rượu , thiếu ta sao được . Tuyết Đông Bắc mùa này vẫn chưa chôn vùi được đại hãn . Và những người Mỹ hồng hào no ấm buổi sáng hôm sau lại nhìn thấy cặp vợ chồng Á Châu lành hiền giữa họ , trong một phòng đợi , tường gương sáng láng, chờ giờ bay lên .

MAI THẢO





Không có nhận xét nào: