Topic không dành cho những ai nhạy cảm về chính trị(từ blog KAZENKA )
Nói đến nhạc Trịnh thì không thể không nhắc đến chủ đề "nhạc phản chiến", một chủ đề đã góp phần lớn tạo dựng tên tuổi Trịnh Công Sơn, cũng như đưa nhạc của ông vào sâu trong lòng dân tộc. Vậy "nhạc phản chiến" là nhạc gì? Rất đơn giản, "nhạc phản chiến" là nhạc phản đối chiến tranh. Vậy chiến tranh ở đây là cuộc chiến tranh nào nhỉ? Vào thời điểm mà Trịnh Công Sơn đưa ra những ca khúc "phản chiến" của mình (trước 1960 - sau 1970), là khoảng thời gian diễn ra cuộc "chiến tranh chống Mỹ cứu nước" hay "chiến tranh chống Mỹ - Ngụy", hay mang tính quốc tế hơn là "chiến tranh Việt Nam". Nhưng thật ngạc nhiên, trong các ca khúc của mình, Trịnh Công Sơn không sử dụng bất cứ một cái tên nào trong những cái tên đã nêu trên, ông có cách gọi của riêng mình cho cuộc chiến tranh ấy: "nội chiến" ("hai mươi năm nội chiến từng ngày" - Gia tài của mẹ, 1968).
"Nội chiến" là gì? Đó là chiến tranh giữa các giai cấp hoặc lực lượng xã hội đối kháng trong một nước (từ điển tiếng Việt).Cách gọi "nội chiến" đã thể hiện một thái độ chính trị chung chung của Trịnh Công Sơn, và phải chăng các ca khúc phản chiến của ông đã nhuốm màu sắc chính trị mập mờ? Tôi không dám chắc và cũng không dám quyết vì có quá nhiều tài liệu và nhiều người"tẩy chay"ông;xem ông như là 1 người"gió chiều nào theo chiều ấy"..nhưng sao không nhìn vấn đề dưới 1 góc nhìn dễ thở hơn?Trịnh Công Sơn không nhìn chiến tranh dưới con mắt chính trị dù với bất cứ hình thức nào. Ông nhìn cuộc chiến rồi nhận ra rằng, ông cần và phải đi vào nó bằng tình người.
Trung tá không quân miền Nam Việt Nam - Lưu Kim Cương đã tử trận vì trúng đạn B-40 của quân đội miền Bắc Việt Nam, trong khi đang đi trên xe Jeep mang quân ra giải vây vành đai phi trường Tân Sơn Nhất vào sau Tết Mậu Thân 1968 (giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam). Sự kiện này, ít nhất đã khiến hai người phải rơi nước mắt. Người đầu tiên là Khánh Ly. Và người thứ hai, không ai khác, đó là Trịnh Công Sơn. Lưu Kim Cương - người mà sau mỗi phi vụ bay đều ghé qua Đà Lạt, ngồi nghe Khánh Ly hát rồi lại lên đường ra đi. Lưu Kim Cương - người đã cho Khánh Ly tiền nuôi con khi bà lỡ mang thai với một người đàn ông khác lúc mới 17 tuổi. Lưu Kim Cương - người vì cảm mến tài năng của Trịnh Công Sơn nên đã cưu mang chàng nhạc sĩ trẻ, khi anh thể hiện tư tưởng phản chiến bằng cách không thực hiện nghĩa vụ đi lính Cộng hòa. Vì những tình cảm chân tình, tràn đầy vẻ nghĩa khí ấy mà bài "Cho một người nằm xuống" được Trịnh Công Sơn viết ra để dành riêng cho Lưu Kim Cương. Khánh Ly đã hát bài ấy không ai hay hơn bà, chắc chắn thế, bởi vì hai chữ "duyên nợ" của bà với ca khúc ấy là quá sâu nặng.
Anh nằm xuống
Sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này
Đã bay cao trong vòm trời đầy...
TRỊNH&NS NGUYỄN ÁNH 9
Cũng trong năm 1968 bão lửa ấy, Trịnh Công Sơn còn sáng tác một ca khúc phản chiến mang tên "Nối vòng tay lớn". Một bài ca thể hiện khát vọng được sống trong đất nước Việt Nam hòa bình, không bị chia cắt. "Nối vòng tay lớn" đã được Trịnh Công Sơn hát cùng tuổi trẻ Sài Gòn khi xuống đường biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh vào những tháng ngày đen tối và đẫm máu nhất của cuộc chiến. Đặc biệt lạ thường hơn, vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, trên đài phát thanh thành phố (đã thuộc quyền kiểm soát của quân đội miền Bắc) bỗng vang lên bài hát này với giọng reo vui, cùng lời kêu gọi giới văn nghệ sĩ nói riêng và người Việt Nam nói chung, hãy ở lại quê hương. Ai là người hát? Trịnh Công Sơn.
Ừ thôi, không nói về chính trị nữa. Bởi vì đó là chủ đề không có điểm dừng. Và chính cái tên gọi "phản chiến" mà người ta đặt cho một lớp các ca khúc cùa Trịnh Công Sơn cũng lại là điều cần phải xem lại. Trịnh Công Sơn không viết về chiến tranh theo kiểu "Vì nhân dân quên mình" của Hoàng Vân, hay các ca khúc ca ngợi quân lực Việt Nam Cộng hòa của Trần Thiện Thanh. Ông viết về thân phận của con người trong cuộc chiến, về "núi đầy mồ", về "rừng xương khô", về những nỗi đau lớn mà con người phải gánh chịu vì chiến tranh. Trịnh Công Sơn mong muốn rằng những bài ca của ông sẽ làm lay động, đánh thức được lương tri của người Việt. Về hình thức, đó là nhạc phản đối chiến tranh, nhưng thực chất thì lại là nhạc hướng đến vấn đề nhân bản.
Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời này
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống không bạn bè không có ai
Không có ai từng ngày
Không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi
Trịnh Công Sơn viết về Lưu Kim Cương hay đang viết về chúng ta-viết về chính ông? Ai đang sống mà chả có một lần đã đến với cuộc đời này sau khi mẹ ta mang nặng đẻ đau. Ai mà chả có thời được vui chơi, được bay nhảy cùng với chí tang bồng của mình... Nhưng rồi thì sao, khi ta nằm xuống lòng đất giã biệt cuộc đời, có ai vui chơi với ta không và ta còn lại gì? Từ giờ ta không có ai và chả còn gì cả. À không, có loài chim chuyên sống ở nghĩa địa vẫn thi thoảng đậu trên mộ chí rồi véo von vui cùng ta.
Bạn bè còn đó anh biết không anh
Người tình còn đó anh nhớ không anh
Vườn cỏ còn xanh
Mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống
Vùng trời nào đó anh đã bay qua
Chỉ còn lại đây những sáng bao la
Người tình rồi quên
Bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm những dấu chân người cũng bụi mờ
Đã có một thời mà xung quanh ta là bạn bè, là người tình của ta. Ta đi rồi, họ vẫn còn ở lại. Họ có nhớ đến ta chăng? Ôi, hỏi làm chi để mà đau lòng. Ta chìm xuống nhưng cỏ vẫn xanh, mặt trời vẫn lên, người còn sống phải tiếp tục cuộc đời của họ. Thời gian sẽ làm mờ đi tất cả, không ngắn thì dài, rồi tất cả cũng sẽ (phải) quên ta mà thôi. Ta chết đi thì là thế rồi, vậy mà đôi khi có những người còn sống cũng rơi vào hoàn cảnh giống ta, rơi vào lãng quên. Tình cảm vốn cũng vô thường mà, có gì chắc chắn đâu...
Anh nằm xuống như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố trong một ngày đã nhắc tên
Những sớm mai lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.
À ra vậy! Những ngày ta đã sống trên đời này thực ra chỉ như một chuyến đi xa trước khi trở về với mái nhà xưa. Ta từ cát bụi, từ đất mẹ mà ra vậy giờ ta trở về với cát bụi, về với đất mẹ. Vậy thì hãy vui lên đi hỡi ta! Ta sẽ không còn thấy lửa đạn, máu xương trên cuộc đời kia nữa. Vui lên, phía xa kia ta đã thấy bóng thiên đường rồi kìa...
Trong đám tang của Trịnh Công Sơn, đã có ai đó cất lên những câu hát trong bài "Cho một người nằm xuống" khiến ai ai cũng phải ngậm ngùi. Ông viết ra một bài ca để tưởng nhớ bạn mình, giờ người đời dùng chính bài hát ấy để tưởng nhớ ông. Một vòng quay luẩn quẩn của kiếp người.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Những bài ca ông viết cho đời;giờ..đời lại hát cho ông...Và dù ông có là ai đi chăng nữa;những bài ca cũa ông mãi mãi đã là phần máu thịt của chúng ta-của tất cả chúng ta.