Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008

NAM LỘC-NGƯỜI NHẠC SĨ CỦA THÁNG TƯ.






Mỗi năm cứ vào dịp kỷ niệm Tháng Tư đen, thì không thể nào người ta không hát, không nghe hoặc không nhắc đến ca khúc “Sàigòn Ơi, Vĩnh Biệt” mà nhạc sĩ Nam Lộc đã sáng tác vào những ngày cuối Thu 1975.
Sàigòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời,

Sàigòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.

Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi,

Những nụ cười nát trên môi,
Những giọt lệ ôi sầu đắng .....!

Ôi, có mấy ai sống ở miền Nam VN mà không nhỏ những giọt lệ sầu đắng cùng anh khi nghe được nhạc phẩm này. Một ca khúc mà tác giả viết cho chính thân phận mình cùng những kẻ tha hương đồng cảnh ngộ, hay cho người ở lại đã phải chào vĩnh biệt cái tên yêu dấu của thành phố Sàigòn vào tháng Tư, 1975.

Nhưng đối với người vượt biển thì mỗi độ Tháng Tư về, họ lại nhớ đến Nam Lộc qua những lời diễn tả xót xa của thân phận thuyền nhân, cùng cái giá mà họ đã phải trả để đổi lấy hai chữ Tự Do trong bài “Xin Đời Một Nụ Cười”:

Tự Do ơi Tự Do,
Tôi trả bằng nước mắt.
Tự Do hỡi Tự Do,
Anh trao bằng máu xương.
Tự Do ơi Tự Do
Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ Tự Do,
Ta mang đời lưu vong....!



Quả thật, chúng ta hãy thử hỏi xem, trong số 3 triệu người tỵ nạn VN tại hải ngoại hiện nay, có bao nhiêu người đang sống lưu vong mà không phải vì hai chữ Tự Do?

Riêng đối với những người lính thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh cùng những người tù cải tạo, và nhất là các tử sĩ QLVNCH, mà Nam Lộc gọi là “chiến hữu” thì không ai mà không nhớ đến anh qua đoản khúc cuối của nhạc phẩm “Người Di Tản Buồn”:

Cho tôi xin lại ngọn đồi,
Ở nơi tôi dừng quân cũ.
Cho tôi xin lại bờ rừng,
Nơi từng chiến đấu bên nhau.
Cho tôi xin một lần chào,
Chào bao nhiêu người đã khuất.
Xin cho tôi một mộ phần,
Bên ngàn chiến hữu cuả tôi ....!

Nam Lộc đã có lần tuyên bố, cũng chính vì những lời cam kết tâm huyết này mà anh đã bỏ hết công sức để góp phần xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, đồng thời đứng ra tổ chức hoặc tham dự vào các buổi nhạc hội ở khắp mọi nơi để gây quỹ trợ giúp Thương Phế Binh VNCH hiện đang sống vất vưởng ở quê nhà.

Tháng Tư 2008, đánh dấu 33 năm viễn xứ, người ta vẫn nhắc đến Nam Lộc. Nhiều người còn cho rằng dù 66 hay 99 năm sau, dù tình hình đất nước có thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì cứ mỗi dịp Tháng Tư về, dòng nhạc của Nam Lộc vẫn là những viên thuốc an thần hiếm quý để xoa dịu vết thương không bao giờ lành trong khúc quanh đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam.



Sơn Lai Khê (Cựu Trung Úy Sư Đoàn 5 Bộ Binh)





Viết tặng “chiến hữu” Nam Lộc, tháng Tư 2008











Xin Đời Một Nụ Cười





“Tôi làm nhạc trước hết là để thỏa mãn nhu cầu tâm hồn, ngợi ca tình yêu, vỗ về cuộc đời và an ủi thân phận của chính mình, vì thế mọi chuyện sau đó đều được xem là những phần thưởng không mong đợi.”, Nam Lộc

“Tôi bước đi khi Saigon trong cơn hấp hối.









Như một người tình phụ thở hơi cuối cùng.





Tôi bước đi Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời,





Khu thương xá cửa khép cuộc đời,





Những con tầu ngơ ngác ra khơi..."





Tôi lắng nghe nhạc phẩm thứ 11 trong dĩa CD "Sài Gòn ơi, Vĩnh biệt" với nỗi buồn vơi, với tâm trạng thổn thức xót xa khi ly hương, vì nó nhắc nhở những kỷ niệm thương đau khi bước xuống tàu rời Sài Gòn thân yêu với bao ngậm ngùi, bao quyến luyến, và bao tiếc thương vì hồn tôi hoang mang vương vấn với Sài Gòn. Bản nhạc "Xin đời một nụ cười" đang vang lên trong căn phòng của tôi qua ba tiếng hát Khánh Ly, Thế Sơn và Trần Thái Hòa, có lẽ nó không chỉ làm tác giả xúc động không mà thôi khi anh miệt mài trau chuốt từng câu văn hay từng tiết tấu của nốt nhạc, nó còn làm tim tôi rung động vì nhạc, vì lời và cũng vì những giọng ca tuyệt vời chuyên chở những ý tưởng của tác giả làm tôi gợi nhớ Sài Gòn xưa hơn.

"Tôi bước đi qua đường rừng chông gai tăm tối.
Như cuộc đời ở lại từ khi mất người.
Tôi bước đi như con rết lê lết cuộc đời,
Như thân bướm đôi cánh rã rời,
Lấy u sầu che dấu tả tơi..."






Đã từ lâu rồi tôi muốn có một bài viết ghi nhận những cảm quan của mình về nghệ sĩ Nam Lộc vì những bài nhạc do anh làm. Phải nói rằng nhạc anh làm không nhiều như nhiều người sáng tác tại hải ngoại. Tôi có quen những thân hữu có số lượng nhạc khá nhiều, có người hơn 300 bài nhạc, hay người được hơn 500 bài, nhưng họ chưa có cái may mắn để đẩy nhạc họ lên cao. Với anh Nam Lộc lượng có lẽ ở hàng chục mà thôi, tuy nhiên hầu hết những nhạc phẩm do anh sáng tác được công chúng đón nhận thật nồng hậu. Tôi ví dụ như các bài trước biến cố 75 như "Chỉ còn là giấc mơ qua", "Anh đã quên mùa thu" hay "Trưng Vương khung cửa mùa thu" rồi đến những sáng tác sau năm 75 như "Sài Gòn ơi, vĩnh biệt", "Người di tản buồn" hay "Xin đời một nụ cười".










Tôi biết đến tên anh lần đầu khi anh soạn lời Việt bài "Yellow Bird", viết bởi các nhạc sĩ Mariln Keith, Alan Bergman và Norman Loboff theo âm điệu rumba du dương của hải đảo Jamaica, thuộc vùng nhiệt đới Caribbean, bài nhạc ra đời năm 1957, để rồi anh cho Việt hóa lời nguyên thủy Anh ngữ nói về nàng két hoàng vũ bay nhảy đu đưa trên cành chuối, rồi chim bay mất hút như cô bạn gái hẹn hò để rồi không đến để người bạn trai lòng buồn sầu vơi. Bài ca này được chuyển ngữ qua lời Việt rất dễ thương dưới tên "Chỉ còn là giấc mơ qua", lời mang ý tình tự xao xuyến khi được anh Nam Lộc biến dạng qua lời nhớ nhung, bâng khuâng mộng lòng trong phút giây chờ đợi hẹn hò người yêu, như mùa tình yêu đang đến, những lưu luyến khi nhìn người bạn gái dáng e ấp dưới ánh nắng hanh vàng đón nàng trước cổng trường.

“Như làn mây, tình yêu thôi, giờ đây lững lờ
Như làn gió, tình yêu thôi giờ đây hững hờ.
Rồi một lần xa cách là một đời than trách
Rồi cuộc tình bay mất và một người đi khuất
Tình chỉ còn cay đắng đời chỉ còn xa vắng
Và chỉ còn nắng vương cuối đường…”








Năm 1973 tôi nghe tape nhạc trẻ có bài này trong tâm tư say mê, nghe đi nghe lại cả chục lần và rồi tập hát cho cô bạn gái tôi nghe trong những lần picnic hay du ngoạn tại Lái Thiêu, Biên Hòa hay Long Hải. Tôi gặp tác giả bài hát này vài lần khi anh cùng anh Joe Marcel vào cư xá Bạch Đằng, gần góc đường Lê Thánh Tôn và Cường Để, khi ghé thăm gia đình trung tá Ninh HQ, vì ông là anh rể của anh Joe Marcel. Tôi có nhắn anh Nam Lộc là tôi rất thích bài "Chỉ còn là giấc mơ qua" do anh chuyển ra lời Việt.

“Thương người thương, ngàn xưa ơi, ngàn sau nét cười
Vương sầu vương, đường xưa nay giờ đâu bóng người.
Tình lịm màu tan vỡ lòng chỉ còn nhung nhớ
Giờ một mình quên lãng lạnh lùng theo năm tháng
Dù một lần em đã mềm lòng như chiếc lá
Là một lần xóa dấu đớn đau…”









Đời sống có thuở đi học, có thuở hẹn hò chờ em trước cổng trường như nhạc phẩm "Bên Nhau Ngày Vui" của Quốc Dũng, như "Chuyện Hẹn Hò" của Trần Thiện Thanh, như "Em Cứ Hẹn" của Hoàng Thanh Tâm hay nhạc phẩm của Nam Lộc vang vọng những ngày xưa thân ái rót hồn mình ngân nga qua lời ca tiếng hát:

”Em nhớ ngày, anh đón em góc trường
E ấp, thẹn thùng, vấn vương
Em nhớ ngày, anh đón em cuối đường
Dù đường loang vết nắng nắng vẫn lung linh màu…”









Nam Lộc bước vào làng âm nhạc như thế nào? Phần dưới đây xin trình bày cái duyên văn nghệ đưa đẩy anh vào những thành công nối tiếp như một người sáng tác nhạc chỉ vì nguồn cảm hứng của nghiệp dĩ đam mê âm nhạc.

MC Nam Lộc


















Tôi đọc bài viết cũ của anh Trường Kỳ, một người bạn thân thiết của anh Nam Lộc (NL) mà trong phong trào nhạc trẻ khi xưa tên hai anh gắn bó như bóng với hình khi tung hoành trên sân khấu nhạc trẻ Sài Gòn, cái tên quen thuộc Trường Kỳ - Nam Lộc, anh Trường Kỳ (TK) cho biết là: “Lộc cũng đã có ít nhiều sinh hoạt cùng quen biết với những nghệ sĩ trong giới du ca và tình ca mà không có một liên hệ nào với phong trào nhạc trẻ, bắt đầu hiện diện ở Việt Nam từ đầu thập niên 60. Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng, v.v...là những người anh thường gặp gỡ trong thời kỳ có sự xuất hiện của quán Văn. Đó là một địa điểm sinh hoạt văn nghệ nổi tiếng một thời và cũng là nơi những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn bắt đầu chinh phục giới trẻ yêu nhạc qua tiếng hát của “Nữ Hoàng Chân Đất” Khánh Ly. Sau khi quán Văn đóng cửa, với một đầu óc bén nhậy để nhìn thấy được chiều hướng thưởng thức nơi lớp khán giả trẻ yêu nhạc, Lộc quyết định khai thác tiệm cà phê Quán Gió với mục đích để Khánh Ly và Trịnh Công Sơn có địa điểm phổ biến tác phẩm và giọng ca của mình. Nhưng không khí của quán Văn ngoài trời ngày nào đã không có thể tìm thấy được nơi Quán Gió. Khách đến đây thích ngồi nhâm nhi bên ly cà phê giữa bốn bức tường trong ánh sáng mù mờ hơn là nhất thiết chỉ để nghe nhạc. Dự định của Lộc vì vậy không thành, dù Trịnh Công Sơn từng đôi lần hát trước khán giả Quán Gió trong những lần tổ chức bỏ túi rất giới hạn người nghe. Tuy nhiên Quán Gió cũng tạo cho mình một thế đứng đặc biệt với những buổi tổ chức văn nghệ trong bầu không khí thân mật và ấm cúng với những nghệ sĩ từng tới đây sinh hoạt như Từ Công Phụng, Khánh Ly, Miên Đức Thắng, vv...”. Anh TK viết tiếp là:

“Sau khi quyết định đến với phong trào Nhạc Trẻ, Lộc cảm thấy có nhiều gần gũi để dần dần đi vào hoạt động một cách tích cực sau đó ”tại vì thực sự là trước khi gặp ông, tôi đâu có một người bạn thân nào đâu. Tôi có nhiều bạn nhưng không có bạn thân. Gặp ông thì hai đưá như có một sự tâm đầu, nó hợp nhau .Hợp nhau từ cách sống, hợp nhau từ cách nói chuyện , gặp nhau từ cách sinh hoạt thành ra nó hợp “gu”. Thành ra tôi lên sinh hoạt với ông nhiều”, như lời Nam Lốc tâm sự với tôi. Phần tôi, nhận thấy nơi Lộc là một con người nhanh nhẹn, ăn nói khéo léo với nhiều sáng kiến nên tin tưởng anh là một người sẽ cùng với mình và Tùng Giang – quen với tôi 2 năm trước đó – góp sức để phát triển phong trào nhạc trẻ. Từ khi quen biết, Lộc thường xuyên tham dự những chương trình nhạc trẻ do tôi tổ chức ở vũ trường “Chez Jo Marcel” ( sau đó đổi tên thành “Đêm Mầu Hồng” ), rồi tới Queen Bee. Một lần bận việc bất ngờ trong lúc chương trình “Hippies À Gogo” đang diễn ra, tôi đã dúi “micro” vào tay Lộc để nhờ anh thay thế công việc giới thiệu chương trình. Dù không sửa soạn trước, nhưng Lộc đã ứng biến rất nhanh để hoàn thành một việc đầu tiên trong đời rất suôn sẻ. Sự kiện này khởi đầu cho nghề MC của anh tại hải ngoại sau này. Thời gian kế tiếp, thỉnh thoảng Lộc vẫn lên sân khấu giới thiệu những ban nhạc trình diễn tại “Hippies À Gogo” với nhiều thích thú. Không đầy một năm sau, Khánh Ly đứng ra khai thác chương trình ca nhạc tại vũ trường Queen Bee và mời Lộc ở lại thực hiện một chương trình nhạc trẻ hàng tuần, trong khi tôi dời chương trình của mình về vũ trường Ritz do Jo Marcel khai thác trên đường Trần Hưng Đạo. Dưới mắt mọi người, đây là hai chương trình “canh tranh” với nhau, nhưng thực tế chúng tôi vẫn trao đổi những ban nhạc trình diễn cho cả hai chương trình với số lượng khán giả trẻ luôn luôn đông đảo tại cả hai nơi. Từ đó có thể coi Nam Lộc chính thức đến với phong trào Nhạc Trẻ và luôn sát cánh với Jo Marcel, Tùng Giang và tôi trong mọi tổ chức với nhạc trẻ giữ vai trò nồng cốt. Chẳng hạn như những cuốn phim về Nhạc Trẻ do Nhóm Jo Marcel thực hiện như “Thế Giới Nhạc Trẻ” và “Vết Chân Hoang” mà Lộc cũng góp không ít công sức. Đối với giới Nhạc Trẻ, tên tuổi Nam Lộc đã trở nên quen thuộc và tạo được khá nhiều uy tín.”

















Nhạc sĩ NAM LỘC được vinh danh trong lãnh vực trợ giúp và tranh đấu cho tỵ nạn







Dấn Thân Vào Âm Nhạc Đóng Góp Cho Xã Hội:















Bài viết của anh TK còn đề cập đến cơ hội mà NL dấn thân vào công tác xã hội: “Đặc biệt hơn cả là những chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd, Đại Hội Nhạc Trẻ Hoa Lư, Thảo Cầm Viên, vv... Lòng hăng say hoạt động xã hội của Lộc đã có dịp bộc phát rõ rệt trong những tổ chức mang mục đích từ thiện này với tất cả nhiệt tình.
Theo anh, giới trẻ trong thời chiến có một cái nhìn lệch lạc cho nên muốn tạo cho họỉ sự gần gũi với cộng đồng không gì bằng dùng phương tiện âm nhạc qua việc tổ chức những đại hội nhạc trẻ. Qua đó, rõ ràng là giới trẻ và giới nhạc trẻ đã có những đóng góp tích cực về mặt xã hội. Với tính cách bất vụ lợi của nó, những Đại Hội Nhạc Trẻ trước kia ở Việt Nam đối với anh là những buổi gây quỹ được hưởng ứng đông đảo nhất, hơn bất cứ một cuộc gây quỹ nào khác.”

Nam Lộc và Phong Trào Việt Hóa Nhạc Trẻ:







Như VH nói sơ qua ở phần trên từ năm 1972, nhạc sĩ Nam Lộc cũng là một trong những người tích cực nhất đối với phong trào Việt hoá nhạc ngoại quốc bằng cách viết lời Việt cho những ca khúc thịnh hành từ các ngôn ngữ Anh, Pháp và Hoa. Sự đóng góp của anh nằm trong quan niệm muốn tạo điều kiện cho giới trẻ về nguồn và gần gũi với tâm tình và ngôn ngữ của người Việt hơn qua những lời ca hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đối với anh phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ cũng nằm trong niềm thao thức về mặt xã hội mà anh ấp ủ. Trong phạm vi này, NL đã phát triển ý nhạc vượt bực trong tâm hồn yêu mến văn nghệ của mình, mặc dù anh không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp chính thức khi ấy, chưa bao giờ anh thực thụ học lý thuyết nhạc hẳn hòi từ các trường lớp huấn luyện chuyên nghiệp, ngoài việc học hỏi lóm nơi bạn bè để có thể sử dụng guitar một cách đơn sơ đủ hiểu căn bản cách ghép nhạc. Thuở ban đầu ấy, NL góp ý về giai điệu và viết lời cho nhạc phẩm “Anh Đã Quên Mùa Thu” cùng với nhạc sĩ Tùng Giang. Sau đó là nhiều nhạc phẩm ngoại quốc được anh chuyển sang lời Việt bằng cách dựa trên giai điệu của nhạc phẩm chính mà anh rung cảm, đặc điểm là anh hoàn toàn không quan tâm đến phần nội dung lời ngoại ngữ như các bài Dĩ Vãng Buồn (I’ll Never Fall In Love Again), Phút Bên Em (L’Amour Avec Toi), Dòng Đời (My Way), Tình Ca Cho Em (Goodbye To Love), Như Mùa Thu Lá Bay (Ben), Mây Lang Thang (A Cowboy’s Work Is Never Done), Một Thời Để Yêu (Les Amoureux Qui Passent), Chỉ Là Giấc Mơ Qua (Yellow Bird), v.v... Lý do rất dễ hiểu là vốn liếng sinh ngữ của anh khi đó tương đối không nhiều lắm như anh cho biết. Tuy vậy, nét đặc sắc trong cách viết lời Việt của NL phải nói là ở nghệ thuật phô diễn cách dùng chữ vô cùng sâu sắc và khéo léo khiến người nghe quên hẳn nguồn gốc nhạc ngoại quốc của nhạc phẩm đã được hoàn toàn Việt hoá như chủ trương của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Điển hình là hai nhạc phẩm “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” và "Chỉ Còn Là Giấc Mơ Qua", tôi nghe mà cứ ngỡ là nhạc Việt nguyên thủy được sáng tác. Nếu ai chỉ nghe qua mà chẳng màng tìm hiểu về nguồn gốc của bài nhạc thì NL được luôn music credit vậy. “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” chính là nhạc phẩm “Tell Laura I Love Her “ với thanh âm rất ăn khớp hay giai điệu rất thích hợp cho lời ca bằng tiếng Việt, hoàn toàn khác biệt với nội dung của bài nhạc Mỹ nguyên thủy:









“Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh

Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày
Những ngày đợi chờ
Đợi người qua cơn mơ
Trong mắt ngây thơ

Nhớ khói bay lạc vấn vương
Cho hơi ấm lên môi người
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường
Làm mây yêu thương
Vướng trong hồn em..."









ImageImage

PART 1

PART 2







Lời bài ca chan hòa bao yêu thương, đầy vấn vương nhẹ nhàng mà tôi cứ ngỡ tác giả NL nói thay cho người nào đó của sân trường Trưng Vương, cái linh cảm của tôi có thể đúng hoặc sai, nhưng bài ca này đã làm xao xuyến nhiều con tim Trưng Vương lắm, theo sự suy diễn của tôi.

"Người mang cho em nghe quen môi hôn ngọt mềm
Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng
Từng chiều cùng người
Về trong cơn mưa bay
Nghe thương nhớ tràn đầy
Lên đôi mắt thật gầy

Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời
Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời
Bóng người thì mịt mùng
Từng hàng me rung rung
Trong cơn gió lạnh lùng
Trong nắng ngại ngùng

Nắng vấn vương nhẹ gót chân
Trưng Vương vắng xa anh dần
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng
Lá rơi đầy sân...

Nhớ khói bay lạc vấn vương
Nhớ khói bay lạc vấn vương
Nhớ khói bay lạc vấn vương..."









Vâng, đó là nhạc soạn lời của NL và anh thố lộ là anh rất ưng ý với bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” khi nhìn về kỷ niệm của thuở xa xưa chìm sâu trong dĩ vãng hay của cái thuở học trò mộng mị có “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” và "Chỉ Còn Là Giấc Mơ Qua", đón em trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hàng cây sao cao vút, rồi tất cả đã qua đi hay còn lại chăng hôm nay là hai nhạc phẩm lay dộng tim anh hay rất nhiều người chia chung cái thế hệ đáng yêu của Sài Gòn năm xưa. Em gái tôi theo học trường Trưng Vương và nhà tôi gần trường Saint Paul, không xa Trương Vương là bao, khi những người học trò nam đảo xe gắn máy qua khu vực Hội Việt Mỹ, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, trường Saint Paul và vòng về Trưng Vương mà lòng mang theo ý nhạc của Nam Lộc ngày xưa.

Image








Image

PART 1







PART 2

Đôi Dòng Về Tiểu Sử:

Anh có tên thật là Nguyễn Nam Lộc, sinh năm 1944 tại Bắc Ninh, vì khi thân phụ anh là một sĩ quan trong quân đội Pháp được thuyên chuyển về đây, nên là sinh quán của anh. Hai năm sau khi chào đời, gia đình anh dời ra Hà Nội. Anh là người con thứ hai trong một gia đình có 11 người, 7 gái và 4 trai. Tại Hà Nội, anh theo học tại trường tiểu học Nguyễn Du như ký ức anh thuật lại cho tôi nghe. Khi CS về thành tạo ra chuyến di cư vĩ đại từ bắc vào nam, anh theo gia đình xuôi nam khi lên 10 và đầu tiên theo học trường Hùng Vương tại Sài Gòn. Sau đó anh chuyển sang theo học các trường Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Trãi và cuối cùng là Chu Văn An trong những năm cuối của bậc trung học. Lý ra anh đã xong bậc trung học vào năm 1963, nhưng cũng vì quá say mê văn nghệ như năng khiếu, nên anh chậm mất một năm cho Tú Tài phần 2. Từ khi di học anh tham gia hoạt dônng ca hát, thực hiện bích báo hay giai phẩm Xuân cho trường mà anh cảm thấy thích thú. Ngoài ra anh cho biết anh đã dấn thân vào những lần đi lạc quyên ủy lạo, giúp đỡ cho những mục đích xã hội từ thiện trong khunh cảnh học đường.

Với bản tính thích công bằng lẽ phải, thích tranh luận, nên sau bậc trung học anh chọn ngành luật khoa. Nhưng trường Luật đến với anh chỉ được vỏn vẹn một năm. Với khả năng thiên phú về văn chương anh còn học tại phân khoa Văn khoa.

Gia Nhập Quân Đội VNCH:









Trước tình thế đất nước đòi hỏi, anh gia nhập vào quân ngũ và được biệt phái về phục vụ trong ban báo chí của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, chi tiết mà tôi tham khảo thêm bài viết của anh TK: “Mặc dù cùng đi trình diện sĩ qua Thủ Đức với Vũ Thành An vào năm 1968, nhưng mãi đến năm 1972 Nam Lộc mới chính thức bước vào đời sống quân ngũ trong ban báo chí của Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Phục vu ở đây khoảng một năm, anh được thuyên chuyển về ban báo chí Quân Đoàn 3 ở Biên Hoà cũng vào khoảng một năm, cho đến biến cố tháng 4 năm 75. Lộc cho biết anh rất thích ngành báo chí vì nhận thấy có khiếu viết văn từ thời kỳ trung học. Tuy nhiên khả năng viết báo của anh chưa được biết đến mặc dù từng viết một số phóng sự chiến trường.







Lộc được cử về Sài Gòn công tác trong những ngày sôi sục nhất của tháng 4 năm 75. Anh được phụ tá tổng trưởng kế hoạch thời đó rủ vào phi trường Tân Sơn Nhất chiều 25 tháng 4 để nghe ngóng tình hình. Lộc xách theo một túi nhỏ, trong đó chứa cả trăm tấm hình thu góp được trong những năm sinh hoạt nhạc trẻ, vài chục Mỹ Kim và một chai nước hoa gần cạn! Gia tài của anh chỉ vỏn vẹn có vậy, trong khi còn mang ý định sẽ quay về nhà để cùng đi với gia đình. Vào đêm 25 tháng 4, Lộc một mình lang thang trong phi trường Tân Sơn Nhất để nhận diện tình hình. Anh lần mò trong hồi hộp đến tận nơi lên máy bay, tức chặng cuối cùng của những người đã hoàn tất nhiều thủ tục. Định mệnh đưa đầy anh gặp Đức Huy, đã vào trong phi trường từ mấy ngày trước với sự giúp đỡ của một người bạn thân người Mỹ để làm công việc đọc danh sách những người được lên máy bay. Vì đã quá mệt mỏi với công việc luôn bận rộn trong tình trạng căng thẳng này, Đức Huy nhờ Lộc tiếp tục công việc này để chia tay lên đường sang Mỹ trước. Nhờ gặp may mắn, Lộc đã lên máy bay rời Sài Gòn vào ngày 27 tháng 4 năm 75 trong khi gia đình anh vẫn còn kẹt lại. Chỉ riêng thân phụ anh được di tản theo tầu Trường Xuân cho đến 4, 5 năm sau tất cả mới được đoàn tụ tại Mỹ.”

Rời xứ ra đi NL như áng "Mây Lang Thang" bềnh bồng trôi nổi như khúc nhạc anh chuyển lời Việt:

"Mây, Sao còn bay mãi không quay về đây ?
Sao còn lờ lững che ngang rừng cây
Sao còn hờ hững với tôi từng giây
Hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây"









Mây trôi theo giòng đời ly hương như tựa đề nhạc phẩm mà một thuở ban nhạc CBC qua giọng ca nồng nàn của Bích Loan đã tạo nên những thanh âm thịnh hành tại Sài Gòn của ngày cũ:

“Mây, mây còn phiêu lãng đến bao giờ đây ?
Mây còn ngơ ngác lang thang về đâu ?
Hãy dừng chân nói với tôi một câu
Xin đừng câm nín với nhau dài lâu"









Những bước đầu xa xứ, anh tình cờ tập tễnh va chạm vào các công việc xã hội tại các trại tiếp cư người tị nạn như điềm linh tính cho một tương lai không ngờ về sau đã dịnh hướng đi cho NL. Anh kể tôi nghe tại quán ăn Thanh Mỹ khi cùng di ăn tối với bác sĩ Peter Morita về những ngày cũ là anh đến đảo Wake (một hòn đảo của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương) trước, xong di chuyển sang đảo Guam rồi sang lục địa, anh đựợc chuyển về trại tiếp cư Pendleton, gần San Diego vào tháng 5 năm 1975. Với bản tính nhanh nhẹ, xông xáo thích làm những công tác xã hội, anh đã được tuyển dụng vào làm việc tạm cho Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ (tức USCC) trong các công tác giúp đỡ người tỵ nạn trong trại. Anh đã không đoán được rằng định mệnh của mình lại gắn bó với USCC từ đây. Để rồi có ngày anh leo lên chức vụ Giám Đốc của cơ quan tị nạn tại vùng Los Angeles, nơi tiếp nhận số người Việt đông nhất tại Hoa Kỳ.

Image










Image








PART 1

PART 2









“Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt" ra đời:









Người viết bài có dịp trò chuyện với nhạc sĩ dương cầm Hồ Xuân Mai (HXM), vì anh ở khá gần nhà tôi tại vùng San Fernando Valley, anh được người bảo trợ tại Hollywood vốn là cựu quân nhân phục vụ tại Việt Nam, ông M.B. Uchida thấy tài nghệ dương cầm của HXM đã khuyến khích anh nên tạo ra một nơi tụ tập để cho người Việt tị nạn đến để giải trí, đó là phòng trà xem như đầu tiên của dân tị nạn Việt tại Nam Cali, mang tên Roosevelt, mà giai doạn đầu mới mở tháng 9, 1975 chỉ có 4 nghệ sĩ là Vũ Huyến, Huỳnh Anh, Hồ Xuân Mai và Linh Giang. Đêm đêm các bạn bè của Nam Lộc kéo đến đó gặp nhau hàn huyên an ủi trên bước đường tị nạn buồn hiu, thì NL vẫn cô đơn, vẫn mang nặng trĩu một mối sầu suy tư của một Sài Gòn bỏ lại. Anh ngồi lại nhà tận dụng nguồn rung cảm vô biên này để sáng tác ra tác phẩm đã lay động hàng triệu con tim lang bạt khắp nơi, "Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!", một dấu ấn quan trọng cho NL:


“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng… “











Chỉ có 45 phút ngắn ngủi, ý nhạc và lời văn đến như suối tuôn trào, anh hoàn thành tác phẩm này. Dịp 30 tháng 4 năm 1976, một năm sau khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm, đài VOA qua ông Lê Văn đã phóng vấn Nam Lộc và ca sĩ Khánh Ly thu âm hát bài này và rồi phát thanh nhạc phẩm mà anh trải lòng mình vọng về quốc nội:

“Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đưòng ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đã khóc thương cho người yêu…”









Một dịp khác vào năm 1977, nhóm nhân viên đài BBC từ Luân Đôn sang Los Angeles phỏng vấn Nam Lộc về "Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!" và lại phát thanh vang về Việt Nam, điều này khiến người trong xứ nhận được tín hiệu là người ra đi cũng xót xa nhớ thương cố hưong, hát cho một Sài Gòn đã mất không còn tên trên bản đồ khi người ta cố tình che đậy nó qua cái xác chết khô héo, quái dị lên cái tên thân yêu "Sài Gòn" của hàng triệu con tim vẫn bất phục tòng bạo lực.

“Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng phút sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên ai mãi thôi…”










Rồi một lần khác anh NL tâm sự vào một kỷ niệm đáng nhớ đã làm tim anh thật xúc động khi anh tình cờ đi dự một buổi họp của các nhà văn tị nạn Việt Nam khắp nơi tề tựu về họp đại hội tại Trung Tâm Văn Bút tại Orange County, Nam Cali. Nhà văn Duy Lam của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã kể lại cho cử tọa nghe rằng khi ông bị tù CSVN có một người bạn tù của ông tối tối "bạo phổi" nghe lén đài ngoại quốc và ghi chép lại lời bài hát "Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!", rồi hát lén cho bạn bè nghe. Người bạn tù đó về sau bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn, rồi bị nhốt biệt giam. Cái tín hiệu Nam Lộc gửi về quê hương qua VOA và BBC, người bên nhà đã tiếp nhận. Diễn giả Duy Lam không biết tác giả bài hát đã có mặt ngày hôm đó. Ngồi lẫn trong hàng ghế cử tọa anh NL đã cảm động đến rơi lệ vì tín hiệu của anh đã chạy vào cả trại tù trong rừng sâu heo hút.

“Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, anh xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.”











Image

Image







Khuynh Hướng Nhạc Đổi Thay:

Nhạc Nam Lộc có thể xem như chia ra hai khuynh hướng, anh cho biết trước 75 khi còn xông xáo với phong trào nhạc trẻ thì nhạc anh hướng nhiều về nhạc tình ca, ca tụng tình yêu tuổi trẻ như các bài Chỉ Là Giấc Mơ Qua, Mùa Thu Lá Bay hay Cho Quên Thú Đau Thương. Bài ca sau này anh dịch từ nhạc nguyên thủy của ca sĩ Pháp Christophe (Main Dans La Main), gần đây được ca sĩ Bằng Kiều ca trong CD "Vá Lại Tình Tôi" do Trung tâm Thúy Nga phát hành. Nam Lộc chuyển sang lời Việt của tình yêu quên đi những đau thương, le mal d'amour, khác với nghĩa bài ca nguyên thủy mang một hạnh phúc yêu đương quá nhẹ nhàng. Tuy vậy những nhớ nhung, những ưu phiền của cuộc sống trong lời nhạc Nam Lộc qua lối xử dụng chữ hay không kém, vì tình yêu vốn nhiều trắc trở, nhiều ưu tư để Bằng Kiều ngân vang tiếng hát:

"Cho tôi quên đi nỗi ưu phiền cuộc đời
Cho tôi xin sống mãi trong tình yêu
Cho tôi mang đôi cánh chim chiều lạc loài
Cho tôi theo câu hát lên tuyệt vời.
Cho tôi cánh lá rơi
Bay man mác khắp nơi
Khi em đến với tôi, nhớ đôi môi này
Cho tôi mái tóc xanh
Xanh như đáy mắt em
Đem theo hết nhớ nhung, nhớ nhung vơi đầy..."









Bài "Mùa Thu Lá Bay" mà Nam Lộc dịch sang lời Việt mà trước đây tôi cứ ngỡ lời do một anh nào rành tiếng Hoa chuyển ngữ vì ý rất thanh thoát, văn hoa.
Nhưng từ khi ra tị nạn tại xứ ngoài âm hưởng nhạc anh lại chuyển đổi sang nhạc nhung nhớ quê hương, nói lên thân phận con người, lưu lạc ly hương, giá trị cuộc sống,... như các bài Người Di Tản Buồn, Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt, hay Xin Đời Một Nụ Cười.

Media Talk Shows:








Nam Lộc được đón nhận như một nhạc sĩ hay một nghệ sĩ đối với quần chúng. Trước ống kính đài truyền hình hay trong các băng video, người ta thấy anh với khả năng ăn nói hoạt bát, ứng khẩu lanh lẹ đã giúp NL trong các lãng vực truyền thông đại chúng từ radio, TV, MC các buổi hội họp, các đại nhạc hội,... Khả năng thiên phú đó của anh đã có từ lúc trung học nay được thể hiện rỏ nét hơn qua những chương trình phát thanh về luật di trú giúp thính giả Việt Nam hiểu rỏ hơn thủ tục bảo lãnh thân nhân. Anh cho biết thời khóa biểu của anh khá bận rộn, hàng tháng NL phụ trách nhiều chương trình phát thanh về di trú trên các hệ thống phát thanh loan truyền trên khắp nước Mỹ. Tôi nhớ vào năm 1994 trên đài Little Saigon Radio anh xuất hiện để nói về sự cải tổ luật Welfare tức những điều khoản đổi thay của luật An Sinh Xã Hội, vì luật mới khó khăn hơn, người thụ hưởng cần hiểu rỏ hơn. Càng ngày anh càng phụ trách thêm vào những chương trình hữu ích, thiết thực đối với những người muốn tìm hiểu về quyền lợi của mình qua các đạo luật về di trú và xã hội. Điển hình là anh phụ trách chương "Di Trú và Xã Hội" trên TV đài 18 Los Angeles điều hợp chung với xướng ngôn viên khả ái Thụy Trinh, TV Văn Nghệ Việt Nam vào mỗi sáng thứ Bẩy.

The image “http://www.truongviet.net/music/42007/69_1177778653.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.
Cập Nhật Hóa Kiến Thức:






"Đời là một chuỗi học những điều mới", anh kể tôi nghe như vậy, tôi đồng ý vì khi tôi làm bên điện tử đã phải vật lộn với các con chip bán dẫn mang chức năng của các mạch điện tử li ti mới được tung ra thị trường liên tục, người kỹ thuật viên phải cập nhật hóa chạy theo cho kịp. Bên y khoa các khám phá về cách trị liệu mới, các loại thuốc mới ra đời thường xuyên đòi hỏi các y sĩ hay dược sĩ phải cập nhật hóa kiến thức chuyên môn. Tương tự bên hành chánh, luật pháp thay đổi theo nhu cầu tình thế và thời cuộc, dấn thân theo ngành di trú và xã hội NL đã phải thường xuyên cập nhật hóa kiến thức chuyên ngành của anh.







Nhờ vào sự chịu khó học hỏi và thực hành trong chức vụ Giám Đốc về Tị Nạn và Di Trú đã tạo cho anh dịp trực diện với những thử thách, những chông gai của nghề nghiệp, anh đã trở thành một người vận động các chính giới ngành hành pháp và lập pháp (lobbyist) một cách rất hữu hiệu đối với dư luận công chúng cũng như đối với chính quyền Hoa Kỳ để bênh vực quyền lợi cho người di dân, trong số có rất nhiều người Việt. Nhờ vào những khóa tu nghiệp cao cấp cho các cấp hành chánh làm về lãnh vực di trú, Nam Lộc là đã được thẩm định bởi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và Toà Kháng Cáo Về Di Trú (Board Of Immigration Appeal). Với sự xác nhận bởi Tòa Án và Sở Di Trú như vậy, anh có thể đại diện thân chủ của mình tại Sở Di Trú cùng Toà Án Di Trú để bảo vệ quyền lợi cho họ. Một trường họp anh thành công khi can thiệp cho một người Tây Tạng trốn sang Ấn Độ và xin được tỵ nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Người này ngay lúc đầu bị chính phủ Mỹ bác đơn, khước từ lời thỉnh cầu, chính phủ Hoa Kỳ cho rằng ông có thể ở lại Ấn Độ mà không bị nguy hiểm về mặt an ninh. Tranh đấu cho thân chủ mình, anh hùng biện nêu ra lập luận rằng dù không bị chính quyền đàn áp nhưng về mặt xã hội, đời sống người tị nạn đó sẽ bị kỳ thị khi giao tiếp với người bản xứ địa phương. Sự kỳ thị do nguồn gốc xã hội khiến cho tâm thần thân chủ bị sợ hãi như hình thức đe dọa trong cuộc sống không yên ổn. Nhờ vào biện luận trường hợp thành công này, mà sau đó Tòa án đã nhìn nhận anh đuợc quyền biện hộ cho thân chủ trước cán cân công lý về những trường hợp liên quan đến ngành di trú.

Nhạc phẩm “Người Di Tản Buồn” là một tác phẩm làm cho tên tuổi Nam Lộc nổi bật hơn, và thêm vào đó trên thực tế anh còn xông xáo hướng nhiều đến những việc làm từ thiện như đứng ra vận động tổ chức những chương trình gây quỹ giúp người cùi, những nạn nhân nạn bão lụt ở quê nhà, trợ giúp thương phế binh tại Việt Nam, v.v... Lời kêu gọi của anh luôn được sự hưởng ứng từ phía những anh chị em nghệ sĩ.

"Chiều nay có một người
Đôi mắt buồn nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi, đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Và đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu

Cho tôi xin lại một ngày
Ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời
Một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đọan đường
Hàng cây vương đầy bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời
Bên bờ đê vắng làng tôi..."









Anh cũng thường hợp với những phái đoàn nghệ sĩ đi thăm những viện dưỡng lão để chia sẻ sự cô đơn của người cao niên sống xa quê hương. Dù mẹ anh đã không còn nữa, nhưng anh vẫn muốn chia sẻ nỗi cảm thông với tình người đến quý cụ cao niên lẻ loi đâu đó. Vì mục tiêu sống cho xã hội, anh cùng bè bạn còn đến thăm nom an ủi những phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành như khúc di tản buồn của anh:

"Chiều nay có một người di tản buồn












Gọi tên ai gởi theo cơn gío bay






Tình yêu ơi còn đâu những ngất say






Người yêu ơi giờ thương nhớ dâng đầy






Này em có bao giờ em biết rằng






Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng






Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau






Thời gian không còn những phút nhiệm màu"














Mẫu người văn nghệ nơi Nam Lộc có một sự liên quan mật thiết với mẫu người xã hội nơi anh. Đó là cá tính dặc biệt của anh. So sánh qua thời gian khi anh còn trong xứ và sau này tại hải ngoại, cá tính này hẳn rỏ nét hơn lên như đã trình bày.

Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster:






Theo ký giả Nguyễn Ngân của tờ Việt Báo thì có khoảng 20 ngàn đồng bào đa số là người Việt đã tham dự buổi lễ khánh thành Tượng Đài Việt Mỹ tại thành phố Westmister vào lúc 11 giờ trưa ngày 27 tháng 4 năm 2003. Hôm ấy Nam Lộc cùng cô Leyna Nguyễn làm MC cho buổi lễ. Đây là niềm ước mơ cho Nam Lộc nói riêng và cho hầu hết người dân VNCH yêu chuộng tự do. Người ta nhìn nhận anh Nam Lộc đã hoạt động ráo riết trong dự án đầy chính nghĩa này. Vì anh là người từng đóng góp công sức của mình tích cực qua các buổi đại nhạc hội và đi đó đây vận động gây quỹ cho Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster, một biểu tượng tri ân các anh hùng chiến binh trong QLVNCH được trang trọng an giấc ngàn thu tại vùng đất có đông đảo đồng bào nhất, ngoài quê hương Việt Nam ra.

Anh cho biết anh rất vui sướng và hãnh diện trong cuộc sống tỵ nạn của mình sau khi đã vận động một số rất đông đảo anh chị em tham gia vào 2 buổi Đại Nhạc Hội gây quỹ xây cất tượng đài vào năm 2003 với số tiền quyên góp được vượt xa mục tiêu của số tiền dự thu vào giai đoạn cuối trong việc hình thành dự án. Anh cũng góp phần cho hai ca khúc "Đường Nào Đưa Ta Tới Little Saigon" và bài hùng ca "Tượng Đài Chiến Khúc":

"Đi với tôi ta cùng về thăm Tượng Đài Chiến Sĩ uy nghi
Hát vang bài ca vinh danh bao Anh hùng
Đi bên nhau ta cùng về đây ngợi ca bao chiến sĩ hiên ngang
Hy sinh thân thế chiến đấu cho Tự Do
Bằng niềm tin Trên Cao ngàn phương người đi
Đem tình thương yêu vào nơi sầu bi
Bước ra trường sa không sợ bao khó nguy
Một lòng vì quê hương hùng bước đi tới
Giữ gìn quê hương hạnh phúc nơi nơi
Quyết tâm làm cho Tự Do sáng ngời..."







Hai nhạc phẩm này có lời song ngữ, Anh ngữ do Lê Quang Anh, Việt do Nam Lộc. Tượng Đài Chiến Sĩ được dựng lên trong nỗi vui nức lòng và hãnh hiện cho những người yêu chuộng tự do nhân quyền.


Image







Image







Lời sau cùng của bài viết này, trong sự suy nghĩ riêng tư của tôi về Nam Lộc là anh đã thật sự thành công trên cả hai phương diện văn nghệ và xã hội:






Về mặt văn nghệ, có lẽ không ai không biết anh là một Nam Lộc nhạc sĩ, dù rằng do nghiệp dĩ hay do duyên nợ, với một số ca khúc tiêu biểu cho tình yêu và cuộc sống tị nạn ly hương đã đi sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn. Anh còn là một Nam Lộc MC, chững chạc qua phong cách xuất hiện trước công chúng, nhưng hẳn không kém qua nét vui tươi, dí dỏm.



Về mặt xã hội, anh là một Nam Lộc, giám đốc cơ quan USCC vùng Los Angeles. Nam Lộc tận tụy với những giúp đỡ cho đồng hương về những nổ lực di trú, xã hội. Nam Lộc đến với tuổi trẻ vươn lên trong dòng chính, người đồng hành của những ngườì cao niên, những cựu tù nhân CS sống đời tạm dung trên đất Mỹ, cần đến với Nam Lộc những kiến thức căn bản đối với những điều khoản chuyên môn về luật di trú.
Sau hết anh là Nam Lộc của người tị nạn bất hạnh, "The Unforgotten Ones".










Không có nhận xét nào: