Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

{REVIEW}ASIA 58- LÁ THƯ TỪ CHIẾN TRƯỜNG


Có thể nói đây là một chương trình thật xuất sắc và thành công nhất từ trước đến nay của Trung Tâm Asia như đã được nhiều khán giả đặt niềm tin, kỳ vọng và mong đợi từ lâu về một chủ đề nhằm tôn vinh những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Hai xuất hát đã bán hết sạch vé, nhứt là xuất hát buổi tối đã bán hết vé từ hơn 10 ngày trước khi khai mạc. Đặc biệt nhứt là lần đầu tiên có rất nhiều nam nữ khán giả đi xem đại nhạc hội đã mặc những bộ quân phục, lễ phục của các binh chủng Hải, Lục, Không quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Những hình ảnh này đã được đài truyền hình SBTN ghi lại qua phần phỏng vấn “Một Ngày Qua Ống Kính” khiến những khán giả ở xa không có dịp đi xem chương trình này lại càng náo nức, mong chờ cho đến ngày phát hành DVD.

Về phần nội dung thì đây là một chương trình mang thật nhiều ý nghĩa khiến khán giả hiện diện vô cùng cảm động. Có những tiết mục đã làm cho nhiều người rưng rưng nhỏ lệ, khi hồi tưởng lại một thời dĩ vãng đã mịt mờ trong tâm trí với những tình cảm đau thương buồn vui lẫn lộn, nhưng lại như hiện về rõ ràng trước mắt qua những âm thanh, ánh sáng và màu sắc chan hòa trên sân khấu Asia ngày hôm nay.




Toàn thể chương trình được tổ chức thật qui mô và tốn kém nhằm vinh danh cho tất cả những chiến sĩ thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa năm xưa đã vì nhiệm vụ, lý tưởng, danh dự và trách nhiệm mà hy sinh cả cuộc đời tươi trẻ với sứ mạng bảo vệ quê hương miền Nam được tự do, thanh bình, ngăn cản làn sóng đỏ từ phương Bắc tràn về. Ngoài ra chương trình Asia 58 này cũng đã dành một phần nhỏ để ca ngợi những đóng góp của các hậu duệ của quân lực VNCH đang phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ trên khắp các chiến trường nhằm đem lại bình yên và tự do cho tất cả chúng ta. Vì vậy, chương trình này không phải chỉ nhằm mục đích tiếc thương một quá khứ hào hùng hay ngậm ngùi cho thân phận người lính VNCH cùng vợ con của họ, mà còn gián tiếp nhắc nhở đến những món nợ ân tình mà tất cả chúng ta đã vay của họ từ trước mà chưa có dịp đền ơn đáp nghĩa một cách vẹn toàn.

Những mối tình “anh tiền tuyến, em hậu phương” của một thời chinh chiến xa xăm, đã được các ca sĩ hàng đầu của Trung Tâm Asia kể lại qua những bài hát thật chọn lọc, dàn dựng thật công phu và hòa âm thật đặc sắc. Hầu hết những bài hát này đã ghi khắc vào tâm tư tình cảm của hàng triệu người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Ngoài ra còn có những sáng tác mới lạ được giới thiệu trong chương trình này rất phù hợp với những biến động thời cuộc vừa xãy ra ở quê nhà. Ðó cũng là những thông điệp thầm kín mà Trung Tâm Asia và các nghệ sĩ dành cho thế hệ tiếp nối cha ông trong cuộc chiến đấu hào hùng chống cộng sản độc tài đã và đang dày xéo quê hương, đất nước Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Tâm Asia thực hiện một chương trình về “lính” vì trước kia đã có những băng video “Chiến Tranh Và Hòa Bình”, “Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến” và “Người Lính” . Nhưng những chương trình đó đều được thực hiện ở trong phim trường, nghĩa là phải mất hàng tháng trời mới hoàn tất một chương trình và các ca sĩ, diễn viên có thể trình diễn tới lui nhiều lần một tiết mục mà không bị áp lực nặng nề của khán giả chung quanh chi phối. Nhưng ở chương trình Asia 58 mới nhứt này, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, chuyên viên kỹ thuật, phụ diễn của Trung Tâm Asia đã trở thành những người lính chiến thật sự trên chiến trường. Sau hơn “ba tháng quân trường” tập luyện kỹ càng cho từng tiết mục, họ đã cùng nhau trổ tài trong hoàn cảnh hết sức căng thẳng trước hàng ngàn khán giả hiện diện trong một xuất hát kéo dài vỏn vẹn có 5 tiếng đồng hồ mà thôi. Đó là những khó khăn của một chương trình live show trực tiếp thu hình. Nên chắc chắn là Asia 58 sẽ khác hẳn những băng video về “lính” trước kia, vì được phối hợp một cách tuyệt vời về kỹ thuật sân khấu và điện ảnh rất sống động và tân kỳ.

Phần quân phục của từng binh chủng trong quân lực VNCH kỳ này cũng được thực hiện thật kỹ lưỡng với những huân chương, phù hiệu rất chính xác. Đó là nhờ sự hỗ trợ và cố vấn nhiệt tình của các tổ chức cựu quân nhân vùng Nam California dành cho Trung Tâm Asia. Tất cả các nam ca sĩ đều mặc quân phục của quân lực VNCH, ngay cả MC Việt Dzũng cũng mặc một bộ chiến y rằn ri của Biệt Động Quân với tấm thẻ bài trên cổ từ đầu tới cuối chương trình. Các nữ ca sĩ thì dĩ nhiên có nhiều kiểu áo quần màu sắc khác nhau, thời trang thay đổi, kín đáo hay không cũng tùy theo từng tiết mục trình diễn. Cô MC Thùy Dương cũng thay đổi nhiều kiểu y phục khác nhau và khả năng ứng đối, giới thiệu chương trình của cô đã tiến bộ rất rõ trong kỳ đại nhạc hội này. Bên cạnh MC kỳ cựu Nam Lộc còn có sự xuất hiện của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam trong màu áo của binh chủng Nhãy Dù và nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh trong chiếc áo dài tha thướt càng làm tăng lên vẻ trang trọng ở những phần vinh danh cho các chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc thân yêu. Có lúc khán giả đã tự động đồng loạt đứng lên vỗ tay hoan hô sau những lời phát biểu hoặc một ca khúc nào đó trong chương trình. Sau đó thì không khí im lìm trở lại để mọi người cùng lắng nghe từng giai điệu và những âm thanh của một màn trình diễn khác.


Những tiết mục gây thật nhiều ấn tượng:


Trên sân khấu của Asia hôm nay, khán giả đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy sừng sững trước mắt mình là khung cảnh rừng núi âm u của miền quê hương yêu dấu với một màu xanh thẫm ngút ngàn trải rộng thật sâu. Như một vùng “rừng lá thấp” nào đó ngày xưa, đã khiến cho khán giả hồi tưởng lại những gian khổ, nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy của đời lính nơi chiến trường ngày đêm kề cận với tử thần. Ở một góc sân khấu là một vọng gác nằm trơ vơ hiu quạnh của một tiền đồn đèo heo hút gió nào đó. Những ánh đèn màu thay đổi liên tục suốt chương trình, những âm thanh rền vang của súng đạn sa trường với khói lửa đạn bom như đưa mọi người trở về quá khứ của thời binh đao, trận mạc trên đất nước Việt Nam của thời điểm bốn mươi năm về trước. Những hình ảnh này cũng đã gây thật nhiều ấn tượng cho thế hệ cháu con đã được sinh ra và trưởng thành nơi hải ngoại, chỉ biết một cách rất mơ hồ về thời chinh chiến Việt Nam qua phim ảnh thực hiện sau này và những lời kể chuyện của thân nhân trong gia đình.

Khai mạc chương trình là một liên khúc với những tiếng hát được nhiều người ưa thích qua những lời ca đã khắc sâu vào tâm trí của chúng ta. Ánh đèn sân khấu bừng lên với sự xuất hiện của Băng Tâm trong chiếc áo ngắn theo kiểu áo bà ba cải tiến được cắt may thật khéo, trong tay cầm lá thư và bắt đầu cất lên những lời hát “Gửi Về Anh”. Sau đó là ca sĩ Y Phụng cũng mặc một kiểu áo ngắn xinh đẹp tiến ra tiếp lời với Băng Tâm ở đoạn sau của bài hát. Cả hai ca sĩ này đã trình diễn rất nhịp nhàng để mở đầu cho một kết hợp khá lạ lùng với Lâm Nhật Tiến và Đặng Thế Luân qua bài hát quen thuộc nhưng tràn đầy ý nghĩa là “Nó và Tôi”. Những người yêu bé nhỏ ở hậu phương lại có cùng một câu hỏi “Giờ Này Anh Ở Đâu?” với Như Quỳnh, Ngọc Huyền và Nguyễn Hồng Nhung. Cuối cùng là Thiên Kim và các nghệ sĩ nêu trên đã kết thúc tiết mục mở màn bằng bài hát “Có Những Người Anh” của Võ Đức Hảo để vinh danh tất cả các chiến sĩ thuộc QLVNCH. Vô cùng cảm động vì những lời hát “Cám Ơn Anh” này và thật bất ngờ ngạc nhiên khi thấy lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ to lớn từ trên cao hạ xuống để kết thúc cho liên khúc mở màn, nên tất cả khán giả đã đồng loạt tự động đứng lên vỗ tay tán thưởng vang dội ở hí trường lộng lẫy này.

Sau đó là phần trình diễn liên tục những tình khúc thời chinh chiến với nhiều bài hát quen thuộc đã được rất nhiều người yêu mến và gởi lời yêu cầu Trung Tâm Asia thực hiện trong thời gian qua. Có thể nói những tác giả tiêu biểu nhứt của loại nhạc tình cảm “hậu phương, tiền tuyến” mang đầy chất lãng mạn, chất ngất thương yêu, và mơ về một quê hương đất nước thanh bình, ấm no hạnh phúc là nhóm Lê Minh Bằng, nhạc sĩ Trúc Phương và ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Đó là những bài hát đã được các giọng ca trẻ trung của những thế hệ sau này cất lên như Y Phụng với “Viết Từ KBC”, Đan Nguyên với “Kẻ Ở Miền Xa”, Diệp Thanh Thanh với “Tàu Đêm Năm Cũ”, Ngọc Huyền với “Thương Vùng Hỏa Tuyến”, Băng Tâm với “Giấc Ngủ Cô Đơn”, Nguyên Khang và Ngọc Hạ với “Chân Trời Tím”. Đây là lần thứ ba ca sĩ trẻ Đan Nguyên xuất hiện ở sân khấu Asia và cũng là lần thứ ba chàng thanh niên này hát một bài hát khác của cùng một tác giả Trúc Phương (trước đó là “Thói Đời” và “24 Giờ Phép”) với những lời ca như sau:

“Tôi ở miền xa …trời quen đất lạ
Nhiều Đông lắm Hạ ..nối tiếp đi qua
Thiếu bóng đàn bà …
Ðời không dám tới …
Đành viết cho tôi…nhạc tình sao lắm lời..

Đơn vị thường khi ... nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng ...tiếng hát môi em
Tiếng hát ngọt mềm ...người nâng lính khổ
Viết bởi câu ca ..vì tiền hay thiết tha.. "



(Kẻ Ở Miền Xa – Trúc Phương)



Những bài hát của các tác giả khác cũng đã được chọn lựa rất thích hợp cho từng tiếng hát và gây nhiều ngạc nhiên thích thú cho khán giả như “Tình Lính” với tiếng hát Thùy Hương đơn ca và “Lính Mà Em” với bộ ba Evan, Spencer, James. “Tình Ca Người Đi Biển” với Đoàn Phi và Ánh Minh song ca. Đây là những bài hát kích động vui nhộn được giao phó cho các ca sĩ trẻ với những bước nhảy nhịp nhàng bên cạnh các vũ công mặc những kiểu quần áo thời trang thật hấp dẫn. Riêng bộ ba Trish, Cardin và Doanh Doanh thì nhún nhẩy với bài hát tiếng Anh “Tell Me Why” theo như sở trường của họ và cũng để làm thay đổi không khí khá trầm buồn của những bài tình ca thời chiến.

Có lẽ phần trình diễn của các ca sĩ đã từng giúp vui cho các chiến sĩ ở tiền đồn cách đây gần 40 năm là những tiết mục khiến cho các bậc cha ông của chúng ta cảm động nhiều nhứt. Đó là Thanh Thúy với “Bóng Nhỏ Đường Chiều”, Phương Dung và Trung Chỉnh với “Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em”, Ngọc Minh và Thanh Phong với “Anh Về Với Em”, Tam Phương với “Qua Cơn Mê” và “Cho Tôi Được Một Lần”, Thanh Lan và Nhật Trường (ghép tiếng) với “Người Chết Trở Về”. Những giọng ca đó đã từng gắn liền với những bài hát lẫy lừng của một thời chinh chiến xa xưa. Giờ đây họ diễn tả lại một lần nữa trên sân khấu Asia qua phần hòa âm mới lạ, điêu luyện của dàn nhạc Asia, của kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tân kỳ đã khiến cho khán giả bồi hồi xúc động và đáp lại bằng những tràng vỗ tay tưởng chừng không dứt. Thêm một lần nữa, tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy cất lên nghe rất não nùng:


“Ai biết ai vì đời cùng ngược xuôi chung lối mòn
Ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn
Đêm lạnh còn chăn đơn gối lẻ
Chưa buồn khi canh vắng khép đôi mi

Bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành
Nửa năm anh viết lá thư xanh bảo rằng
”Sẽ về phố phường …”
Mừng rơi nước mắt ướt mi người tôi thương"

(Bóng Nhỏ Ðường Chiều – Trúc Phương)



Một thế hệ ca sĩ khác thành danh ở hải ngoại sau này đã trình diễn những ca khúc của thời chinh chiến ngày xưa theo chất giọng riêng biệt của họ cũng làm cho khán giả thả hồn mình vào từng lời ca tiếng hát như Vũ Khanh với “Phút Giao Mùa”, Don Hồ với “Nhớ Thành Đô”, Tuấn Vũ và Mỹ Huyền với “Kể Chuyện Trong Đêm”, Thiên Kim với “Những Người Không Chết”, Lâm Thúy Vân với “Tìm Anh”, Y Phương với “Các Anh Đi”, Tường Nguyên vàTường Khuê với “Ngày Sau Sẽ Ra Sao?”. Nguyễn Hồng Nhung đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi đơn ca bài hát “Người Tình Không Chân Dung” là một bài thuộc loại “nặng ký”, khó ai có thể ca diễn được cho hay như những tên tuổi vang bóng trước kia. Lại như Quốc Khanh với phần trình diễn “Một Chuyến Bay Đêm” cũng là một bài hát rất quen thuộc từ bốn chục năm nay, nhưng được Quốc Khanh diễn tả lại theo phong cách mới của riêng anh. Hy vọng những khán giả khó tính sẽ ngạc nhiên và thích thú thưởng thức những “bài hát cũ, giọng ca mới” này.

Chương trình Asia 58 này cũng đã giới thiệu hai tiếng hát mới là Bích Vân và Hồ Hoàng Yến. Cả hai ca sĩ này đều được giao phó cho hai bài hát rất nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương là “Anh Đi Chiến Dịch” và “Đêm Cuối Cùng”. Cũng như các ca sĩ trẻ trung khác được sinh ra và lớn lên sau khi chiến tranh ở Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt, họ phải đặt hết tâm tư tình cảm vào nội dung bài hát và tìm hiểu thật cặn kẻ từng lời ca thì mới diễn tả hết những nét hay đẹp, đầy tình cảm của những bài hát này. Chắc chắn khi ra DVD, có nhiều nhận xét rất thú vị của khán giả khắp nơi sẽ dành cho những tiếng hát trẻ được sinh ra thời hậu chiến hay ở hải ngoại sau này khi họ trình diễn những bài hát của các bậc tiền bối ngày xưa.

Vì có quá nhiều bài hát chọn lọc cho một chủ đề (36 bài hát) và số lượng ca sĩ hùng hậu lên đến 45 người, nên có rất nhiều tiết mục hoặc hoạt cảnh sân khấu phải ghép hai ca sĩ trình diễn liên tiếp với nhau, mỗi người hát một bài. Nhưng việc ghép hai ca sĩ cũng khá hòa hợp về sắc vóc, tuổi tác và nhạc điệu nên việc này không làm cho khán giả khó chịu hoặc bực mình. Trong đó có những ca sĩ hát chung với nhau một tiết mục hoặc song ca rất ăn khớp với nhau được sắp xếp rất hợp tình hợp lý như Băng Tâm và Đặng Thế Luân, Nguyên Khang và Ngọc Hạ, Như Quỳnh và Lâm Nhật Tiến, Phương Dung và Trung Chỉnh, Ngọc Minh và Thanh Phong, Mỹ Huyền và Tuấn Vũ, Asia 3 và Thùy Hương, Ánh Minh và Đoàn Phi, Phương Thảo và Ngọc Lễ, Y Phụng và Đan Nguyên…v..v..

Trong không khí đầy tình người, thật thiết tha và cảm động với những bài hát quen thuộc có vui, có buồn ngày xưa của buổi đại nhạc hội, khán giả lại được thưởng thức một màn trình diễn thời trang rất bất ngờ với chủ đề “Màu Áo Hoa Rừng” . Đó là những chiếc áo dài được nhà vẽ kiểu thiết kế thời trang Thái Nguyễn dành đặc biệt cho chương trình Asia 58 này. Những cô người mẫu thướt tha dịu dàng trong những chiếc áo dài cải tiến đủ kiểu, màu sắc mới lạ với những bông hoa của núi rừng Việt Nam là Ánh Minh, Băng Tâm, Trish Thùy Trang, Thùy Hương, Diệp Thanh Thanh, Thiên Kim, Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Y Phụng, Y Phương. Mười cô người mẫu, mỗi người mỗi vẻ, cùng phụ họa cho tiếng hát của ca sĩ trẻ Lê Nguyên qua liên khúc “Thương Anh” và “Tôi Nhớ Tên Anh”. Thật ngạc nhiên khi một mình ca sĩ Lê Nguyên lại được hát tới hai bài hát và anh cũng là một chiến sĩ thật may mắn đang tung hoành giữa mười người đẹp với sắc nước hương trời. Một tiết mục giải trí nhẹ nhàng và khá đặc biệt trong một chương trình hoàn toàn về “lính”.

Tuy không có phần trình diễn cổ nhạc hay cải lương, nhưng không thể thiếu một màn kịch ngắn của gia đình nghệ sĩ Quang Minh, Hồng Ðào và hai cô con gái của họ là Vicky và bé Tí Tẹo với những đối thoại buồn vui lẫn lộn. Nhưng qua vở kịch “Quê Hương” này, khán giả đã có thể thấy rõ những đức tính cao quý của những người hiền phụ Việt Nam khi người chồng đã hy sinh nơi chiến trường từ lâu, mà họ vẫn ấp ủ hoài hình bóng thân yêu thời trẻ và ngại ngần khi tìm đến một tình yêu mới ở tuổi xế chiều.


Cũng qua chương trình này, khán giả có dịp ôn lại những bản tình ca của giai đoạn hai mươi năm chiến tranh khốc liệt nhứt trên quê hương và lại thấy rõ ràng tính nhân bản rất dân chủ ở miền Nam (hay quốc gia VNCH) qua việc các nhạc sĩ được tự do sáng tác những bài hát yêu đương rất lãng mạn, tình người. Trái ngược lại, ở miền Bắc cộng sản những bài hát thuộc loại “nhạc vàng” đều bị cấm tuyệt để dành chỗ cho những lời ca sắt máu, kêu gọi lớp người trẻ tuổi lên đường “xẽ dọc Trường Sơn” để nhuộm đỏ miền Nam theo tham vọng điên cuồng của các lãnh tụ nhập cảng về nước những chủ thuyết ngoại lai. Nhiều bài hát trong chương trình Asia 58 này đã bị cấm trình diễn trong nước từ hơn 30 năm nay.



Những “Lá Thư Từ Chiến Trường”:

Ngoài ra, chủ đề của Asia 58 đã xoáy vào một khía cạnh rất trung thực của người lính chiến VNCH ngày xưa. Ra đi từ thuở đôi mươi, xa gia đình và tất cả những người thân yêu, đối diện và kề cận với những cái chết ở chìến trường, những chiến sĩ này chỉ có thể viết ra tâm sự của họ qua những “lá thư từ chiến trường” để gởi về thân nhân, bè bạn ở quê nhà. Ngược lại, trong lúc những người lính đang cận kề cái chết nơi tuyến đầu lửa khói thì ở chốn hậu phương yên bình, có những người hiền phụ hoặc các “em gái hậu phương” đang ngồi nắn nót viết từng lá thư cho chồng hay người yêu hoặc những người anh trai và mong đợi từng lá thư gởi về từ chiến tuyến.



Đặc biệt là thời gian vừa qua Trung Tâm Asia đã nhận được hàng trăm lá thư (nguyên thủy “origin” được viết từ chiến trường VN ngày xưa) do quý khán giả khắp nơi trong cũng như ngoài nước gởi về TT Asia để đóng góp phần tài liệu sống động cho chương trình Asia 58. Có những lá thư được gìn giữ từ những ngày đầu cuộc chiến trải qua hơn 50 năm, giấy mực đã hoen ố phai màu. Có những lá thư của những thương phế binh quân lực VNCH gởi ra từ chốn quê nhà xa xăm. Có những lá thư của những chiến sĩ đã hy sinh và được gia đình cất giữ như những kỷ vật vô cùng quý giá. Có những lá thư của các ca sĩ lừng danh như Minh Hiếu, Phương Dung, Thanh Tuyền, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh đã từng viết gởi cho các chiến sĩ nơi tiền đồn của hơn 40 năm về trước cũng được Trung Tâm Asia sưu tầm để dành riêng cho DVD Asia 58 này. Khán giả đã bồi hồi xúc động khi nghe MC đọc một lá thư viết ngày 20 tháng 1 năm 1963 của sĩ quan hải quân Hoàng Ðình Báu như sau:

KBC 3328 ngày 20-1-1963.
(KBC tức Khu Bưu Chính, một loại hộp thơ quân đội mang bí số zip code)

Em yêu,

Sáng nay tàu anh neo ngoài cửa biển Thuận An. Anh đang đứng trên đài chỉ huy đặt ống nhòm nhìn về rặng liễu xanh bao quanh giòng nước phá Tam Giang êm đềm chảy để cố tìm lại những kỷ niệm chúng mình quen nhau. Mới đó mà đã hai năm xa cách rồi phải không em?

Biển là người tình muôn thuở của thế gian, nên khi bước chân vào lính biển anh có cảm giác vừa lâng lâng hạnh phúc, vừa hồi hộp như lần đầu tiên nắm lấy tay em. Biển cũng mênh mông và sâu thẳm, ác độc khi nổi cơn thịnh nộ nhưng biển cũng là chứng nhân muôn đời của bao ước hẹn thủy chung và của tình yêu mà anh đã dành trọn cho em.....”





Ôi những lời thiết tha, trìu mến nhưng cũng thật là lãng mạn giữa khung cảnh trời nước mênh mang của một sĩ quan với nhiều trách nhiệm mang nặng trên vai nhưng không quên được người yêu ở quê nhà. Còn những người em gái hậu phương hay những cô ca sĩ đem tiếng hát giúp vui cho những anh chiến sĩ thì cũng có những lời chân tình làm ấm lòng anh lính chiến như sau:



Các anh chiến sĩ của Phương Dung,

Mỗi lần đến hát ở Đài phát thanh Quân Đội, Phương vẫn có cảm tưởng rằng Phương đang hát cho các anh nghe. Từ mỗi lời nhạc Phương muốn gởi gấm đến cho những trận tuyến xa xôi, những cứ điểm trên đèo heo hút gió. Phương tưởng tượng khi các anh họp mặt hay các anh lẻ loi một mình, ngồi nghe tiếng hát từ xa vọng về, chắc cũng gợi lại cho các anh đôi kỷ niệm hay làm quên đi những phút gian nguy. Được như thế, lòng của Phương cũng thấy thanh thản yên vui.

Người con gái đêm đêm hát dưới ánh đèn sân khấu, phải chăng đã là một mối ràng buộc với người trai đi theo tiếng gọi của sông núi, vì những người trai đó đã quên thân mình cho những người con gái được sống yên ổn. (...)Phương chỉ biết cầu nguyện cho sức khoẻ của các anh và mong cho đất nước sớm được yên bình.”
PHƯƠNG DUNG




Còn người chiến binh nơi quân trường đã gởi lời tâm sự về cho người yêu bé nhỏ ở hậu phương như sau: (xem hình)



Ngoài ra còn có những lá thư mới nhứt được gởi từ chiến trường Iraq và Afganistan, những lá thư emails của các chiến sĩ mang giòng máu Lạc Hồng 100% nhưng được sinh ra và lớn lên tại Mỹ và đang phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ cũng góp phần đóng góp vào chương trình Asia 58 bằng những cảm nghĩ vui buồn của họ.

Những phần trình chiếu tài liệu và vinh danh chiến sĩ:



Nhận xét một cách tổng quát thì các tiết mục ca nhạc kịch, chiếm khoảng 80 phần trăm chương trình, 20% những phần còn lại rất quan trọng và khiến cho buổi đại nhạc hội hôm nay thêm phần trang trọng là việc vinh danh những vị danh tướng tài ba lỗi lạc nhứt của quân lực VNCH. Đó là các vị tướng đều đã hy sinh nơi chiến trường hoặc ra người thiên cổ như tướng Đỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh, Lê Văn Hưng và Ngô Quang Trưởng.



Hai vị khách mời danh dự để làm MC là nhà văn Phan Nhật Nam và nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã góp phần giới thiệu, tâm tình và nêu lên cảm nghĩ của họ (là hai thế hệ khác nhau) về công lao, sự nghiệp của những vị tướng này. Xen kẽ với những tiết mục văn nghệ vui buồn là những đoạn phim tài liệu vô cùng quý báu về các vị danh tướng lẫy lừng đã khiến cho khán giả bồi hồi xúc động khi được dịp xem lại những hình ảnh sống động của một thời chinh chiến ngày xưa.

Đặc biệt nhứt là phần vinh danh và giới thiệu một nữ Đại Úy Phi Công F-18 tên là Elizabeth Phạm hiện đang phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ. Nhiều khán giả đã nhỏ lệ vì vô cùng cảm động và hãnh diện khi chứng kiến tận mắt món quà lưu niệm và lá thư của nữ Đại Úy Phi Công Elizabeth Phạm từ chiến trường Falluhah, Iraq gởi về tặng Trung Tâm Asia. Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã giới thiệu như sau: “Đại Úy Phi Công Elizabeth Phạm là một thiếu nữ quả cảm và cô cũng là con gái của một cựu sĩ quan QLVNCH”. Sau đó khán giả đã được xem video clip với những hình ảnh hào hùng của người thiếu nữ này trên chiến trường Iraq.




Qua đoạn phim video clip trình chiếu, khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được biết thêm rất nhiều điều thú vị về cô gái mang dòng máu Việt Nam 100% này. Đại Úy Elizabeth Phạm là một trong số các nữ phi công đầu tiên và duy nhứt của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, thuộc Không Đoàn ‘Bats 242’ Yểm Trợ và Tấn Công Dưới Mọi Thời Tiết. Đơn vị của cô gồm những Phi Công đã được chọn lọc từ các thành phần ưu tú nhứt của Quân Lực Hoa Kỳ. Cô đã gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp Ðại Học San Diego, được huấn luyện phi hành với thành tích xuất sắc và đã được chọn làm Nữ Phi Công đầu tiên của US Marine điều khiển phóng pháo cơ siêu thanh F-18 Hornet vào năm 2003.



Rất nhiều lần chiếc oanh tạc cơ F-18 của Elizabeth (trị giá 35 triệu dollars, bay với vận tốc 2,400 km/giờ để lao xuống ném bom ở Iraq) trở về căn cứ với hàng chục lỗ đạn xuyên thủng thân máy bay, còn 2 cánh thì nứt ra từng mãnh gần như sắp gãy lìa. Từ đó cô đã có biệt danh là “The Miracle Woman” khi an toàn “trở về từ cõi chết”.

Tuy phần giới thiệu này rất trang trọng và gây nhiều ấn tượng cho các khán giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau và tạo được niềm hãnh diện về con cháu Bà Trưng, Bà Triệu với ý chí quật cường và lòng dũng cảm, nhưng sau đó màn đối thoại rất tiếu lâm của các MC Nam Lộc và Dương Nguyệt Ánh lại làm cho khán giả được dịp bật cười với những lý luận khá khôi hài và ngộ nghĩnh. Cô Dương Nguyệt Ánh nói: “Kính thưa quý vị, Nguyệt Ánh là người “chế bom”, còn cô Elizabeth Phạm là người “ném bom”, như vậy thì anh Nam Lộc ở đây lại là người “ôm bom” phải không quý vị? (cười). Lời của MC Dương Nguyệt Ánh đã làm cho không khí hội trường được thêm phần sôi động với những tràng vỗ tay của khán giả trước khi chuyển qua phần trình diễn kế tiếp.





Những sáng tác mới của chương trình này:

Ở mỗi chương trình Asia, ngoài những bài hát được ưa chuộng từ hàng chục năm qua, thì lại thường có vài bài hát mới vừa sáng tác và rất phù hợp với tình hình thời sự liên quan đến đến chúng ta và được nhiều người chú ý trong những tháng gần đây. Nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tác một bài hát tựa đề “Tiếc Thương” phổ nhạc từ lời thơ của thi sĩ Cao Tần tức Lê Tất Điều. Bài hát có nội dung nói về một pho tượng đã bị bắn nát do lòng thù oán của con người và kể chuyện về bức tượng “Thương Tiếc” đã bị giựt sập và đem đi mất tích khỏi khu nghĩa trang quân đội ở Biên Hòa sau ngày cộng sản chiếm được miền Nam. Có những câu hát đã làm khán giả rưng rưng nước mắt qua sự diễn tả của hai ca sĩ tài danh là Như Quỳnh và Lâm Nhật Tiến như “Viên đạn nào thù oán, bắn nát pho tượng này, giở từng trang lịch sử, run mười đầu ngón tay…”. Đây là lần thứ ba Như Quỳnh trở lại hát ở Trung Tâm Asia cũng với một bài hát hoàn toàn mới lạ (trước đó là “Mưa Buồn” và “Khóc Mẹ Dân Oan”). Thêm một lần nữa bài hát này đã làm nhiều người xúc động, khi xót thương cho những người chiến sĩ quân lực VNCH đã hy sinh đền nợ nước mà cũng chưa được yên thân nơi nghĩa trang quân đội ở quê nhà.



Đôi song ca Phương Thảo, Ngọc Lễ cũng trình bày một sáng tác mới là “Bài Thơ Cho Con” được nhạc sĩ Ngọc Lễ phổ nhạc từ một bài thơ của thi sĩ Duy An Đông, nhằm nói lên những tâm sự của người cha từ nơi chiến trường dành cho đứa con ở quê nhà. Có thể nói đôi uyên ương Phương Thảo, Ngọc Lễ đã có những phong cách trình diễn riêng của họ như là những ca sĩ thuộc thế hệ trưởng thành sau thời chinh chiến. Nhưng hy vọng ở các chương trình sau này, khán giả sẽ có dịp thưởng thức tài nghệ hát solo một mình của Phương Thảo với nhiều loại nhạc mang giai điệu và tiết tấu khác nhau nhằm tạo nên sự mới mẻ và cho thấy cô có thể phát triển thêm tài năng sẵn có và kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm qua.

Nhưng đặc sắc nhứt phải nói là một bài hát hoàn toàn mới lạ do nhạc sĩ Trúc Hồ vừa sáng tác và cũng để dành riêng cho toàn thể nghệ sĩ hợp ca trong màn kết thúc cho chương trình đại nhạc hội “Lá Thư Từ Chiến Trường” hôm nay. Bài hát này có tựa đề là “Đáp Lời Sông Núi”. Do đâu mà nhạc sĩ Trúc Hồ lại nãy ra ý tưởng để viết những lời ca và giai điệu hùng tráng này?

Theo những lời đối thoại của các MC Nam Lộc và Dương Nguyệt Ánh trên sân khấu Asia, khán giả đã được biết là sau những lần nghe tin các cuộc biểu tình rầm rộ từ trong nước cũng như ở hải ngoại của đồng bào chúng ta nhằm phản đối việc Trung Cộng ngang nhiên chiếm đóng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng với việc nhà cầm quyền cộng sản VN khiếp nhược trước việc này, cộng với những sự kiện lịch sử hào hùng của hải quân VNCH trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lăng hải đảo Hoàng Sa hồi năm 1974 đã khiến cho nhạc sĩ Trúc Hồ vô cùng xúc động mà sáng tác nên bài hát “Đáp Lời Sông Núi”. Nội dung của bài hát nhằm kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ giang sơn và cùng nhau giành lại từng tấc đất, từng bờ biển, cây cối, phố phường do cha ông xây dựng vun bồi từ xưa để khỏi rơi vào tay giặc ngoại xâm phương Bắc.

Trước khi các ca sĩ hợp ca bài hát này, một đoạn phim video clip đã được trình chiếu để khán giả có dịp nhìn lại trận hải chiến đầu tiên và duy nhứt mà hải quân VNCH đã chống lại quân xâm lược Trung Cộng vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa, lúc đó đang thuộc về chủ quyền của quốc gia VNCH. Đoạn phim này cũng nhằm vinh danh cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, người đã liều mình ở lại hy sinh tuẫn tiết chết theo chiến hạm Nhật Tảo HQ 10 mà ông là hạm trưởng, để các chiến sĩ hải quân dưới quyền có thể vượt vòng vây của Trung Cộng mà thoát về đất liền. Đó là sự hy sinh vô cùng cao cả của người hạm trưởng và các chiến sĩ hải quân VNCH đã vì danh dự và trách nhiệm mà bỏ mình dưới làn đạn của Trung Cộng trong lịch sử cận đại nhưng rất hào hùng này mà ít người biết được và chú ý đến.




Đại nhạc hội kết thúc với phần trình diễn thật trang nghiêm và vô cùng ấn tượng khi tất cả các nữ ca sĩ đều mặc áo dài toàn một màu trắng, cùng xếp hàng thành chữ V trước một tấm bia đá với lời ghi khắc “Tổ Quốc Ghi Ơn”, còn các nam ca sĩ thì đứng xếp hàng ở phía sau lưng. Khán giả đã chăm chú, lắng nghe từng lời ca của bài hợp ca rất hùng tráng và mang thật nhiều ý nghĩa này do tất cả các ca sĩ của Trung Tâm Asia cùng nhau cất tiếng hát cho tổ quốc, cho quê hương, cho hồn thiêng sông núi và cho tất cả những người chúng ta cùng chung một nòi giống Tiên Rồng.

ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,
Cùng giòng máu Việt Nam.
Đây Hưng Đạo Vương, đây Lý Lê Trần,
Bốn ngàn năm, chưa một lần khuất phục ngoại xâm.

Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
Quyết bảo vệ giang san, từng tấc đất, từng cây cỏ,
Từng phố phường, từng con đường, từng bờ biển quê hương.


Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san ta thà chết cho quê hương.
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,
Cùng giòng máu Việt Nam.
Đây Hai Bà Trưng, đây Lý Lê Trần,
Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại xâm.

Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM .....


(Trúc Hồ ©2008 )

Chương trình đại nhạc hội đã bế mạc sau năm tiếng đồng hồ, nhưng nhiều khán giả vẫn chưa muốn ra về, nhiều người vẫn muốn tâm sự với những bạn bè, người thân ở chung quanh vì những cảm xúc, hình ảnh ngập tràn trong tâm trí chưa thể xóa nhòa. Có lẽ họ phải đợi khi DVD Asia 58 phát hành để có dịp xem lại nhiều lần các tiết mục trình diễn và biết đâu có thể thấy lại chính mình trong đó ở hàng ghế khán giả đang sụt sùi nước mắt hay hân hoan vỗ tay tán thưởng một tiết mục nào đó của chương trình Asia 58.



*Những đoạn phim tài liệu video clip đươc trình chiếu để vinh danh:

-Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí (1929-1971)
-Cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh (1931-1970)
-Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (1933-1975)
-Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (1929-2007)
-Cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà (1943-1974) và trận chiến Hoàng Sa 1974
-Nữ Đại Úy Phi Công Elizabeth Phạm và chiến trường Iraq.

*Những ca sĩ được phỏng vấn và tâm tình với khán giả về chủ đề hôm nay:
-Thanh Thúy
-Phương Hồng Quế
-Ngọc Minh



*Danh sách chính xác các bài hát và ca sĩ trình bày (Full Song list) :

ASIA 58 : LÁ THƯ TỪ CHIẾN TRƯỜNG
Long Beach, California: Saturday, March 22, 2008

(1). LIÊN KHÚC: Gửi Về Anh (Đỗ Thu) : Băng Tâm & Y Phụng / Nó và Tôi (Song Ngọc - Vọng Châu) : Lâm Nhật Tiến & Đặng Thế Luân / Giờ Này Anh Ở Đâu (Khánh Băng) : Như Quỳnh & Nguyễn Hồng Nhung & Ngọc Huyền / Có Những Người Anh (Võ Đức Hảo) : Thiên Kim cùng toàn thể nghệ sĩ.
(2). ANH ĐI CHIẾN DỊCH (Phạm Đình Chương) : Bích Vân / CÁC ANH ĐI (Văn Phụng) : Y Phương.
(3). VIẾT TỪ KBC (Lê Minh Bằng) : Y Phụng / KẺ Ở MIỀN XA (Trúc Phương) : Đan Nguyên.
(4). TÌNH CA NGƯỜI ĐI BIỂN (Trường Hải) : Ánh Minh & Đoàn Phi.
(5). TÀU ĐÊM NĂM CŨ (Trúc Phương) : Diệp Thanh Thanh / NHỚ THÀNH ĐÔ (Hoàng Thi Thơ) : Don Hồ.
(6). CHÂN TRỜI TÍM (Trần Thiện Thanh) : Ngọc Hạ & Nguyên Khang
(7). THƯƠNG VỀ VÙNG HỎA TUYẾN (Lê Minh Bằng) : Ngọc Huyền / TÌM ANH (Hoàng Thi Thơ) : Lâm Thúy Vân.
(8). LÍNH MÀ EM (Anh Thy) : Evan & Spencer & James / TÌNH LÍNH (Y Vân) : Thùy Hương.
(9). BÓNG NHỎ ĐƯỜNG CHIỀU (Trúc Phương) : Thanh Thúy / PHÚT GIAO MÙA (Trần Thiện Thanh) : Vũ Khanh.
(10). ĐÊM CUỐI CÙNG (Phạm Đình Chương) : Hồ Hoàn Yến / MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM (Song Ngọc - Hoài Linh) : Quốc Khanh.
(11). Liên khúc THƯƠNG ANH (Y Vân) / TÔI NHỚ TÊN ANH (Hoàng Thi Thơ) : Lê Nguyên cùng phần phụ diễn của: Ánh Minh, Như Quỳnh, Diệp Thanh Thanh, Thiên Kim, Băng Tâm, Trish Thùy Trang, Thùy Hương, Y Phương, Y Phụng và Nguyễn Hồng Nhung, qua màn trình diễn thời trang “Mầu Áo Hoa Rừng” do nhà thiết kế Thái Nguyễn thực hiện.
(12). ANH VỀ VỚI EM (Trần Thiện Thanh) : Ngọc Minh & Thanh Phong.
(13). NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG (Hoàng Trọng) : Nguyễn Hồng Nhung & NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHẾT (Phạm Thế Mỹ) : Thiên Kim.
(14). QUA CƠN MÊ (Trần Trịnh - Nhật Ngân) / CHO TÔI ĐƯỢC MỘT LẦN (Bảo Thu) : Tam Phương (Phương Hoài Tâm, P. Hồng Quế, P. Hồng Ngọc)
(15). GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN (Lê Minh Bằng) : Băng Tâm / NHỚ NHAU HOÀI (Anh Việt Thu) : Đặng Thế Luân.
(16). KỊCH NGẮN: “QUÊ HƯƠNG” : Quang Minh, Hồng Đào, Vicky & Bé Tí Tẹo.
(17). THIỆP HỒNG ANH VIẾT TÊN EM (Song Ngọc - Hoài Linh) : Phương Dung & Trung Chỉnh.
(18). NGƯỜI CHẾT TRỞ VỀ (Trần Thiện Thanh) : Nhật Trường & Thanh Lan.
(19). NGÀY SAU SẼ RA SAO (Vân Tùng) : Tường Nguyên & Tường Khuê.
(20). KỂ CHUYỆN TRONG ĐÊM (Hoàng Trang) : Tuấn Vũ & Mỹ Huyền.
(21). TIẾC THƯƠNG (Anh Bằng phổ thơ Cao Tần) : Lâm Nhật Tiến & Như Quỳnh.
(22). BÀI THƠ CHO CON (Thơ: Duy An Đông / Ngọc Lễ phổ nhạc) : Phương Thảo & Ngọc Lễ.
(23). TELL ME WHY : Trish & Cardin & Doanh Doanh.
(24). ĐÁP LỜI SÔNG NÚI (Trúc Hồ) : Toàn thể nghệ sĩ hiện diện hợp ca.

Không có nhận xét nào: